Hội Đồng Qúy Chức

TỔNG KẾT

Trong phần tổng kết này, chúng tôi nêu lên năm nhận định sau đây:

I. Thái độ khôn ngoan của các vị Thừa Sai
II. Trung thành với phương pháp Truyền Giáo chính thống
III. Không thể hủy bỏ các Giáo Xứ
IV. Vai trò cần thiết của Hội Đồng Quí Chức ngày xưa và Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay
V. Tổ chức Hội Đồng Quí Chức ngày xưa đảm bảo sự trường tồn của Giáo Hội Việt Nam hôm nay


Vào năm 1533, Tin Mừng bắt đầu được truyền rao ở Việt Nam và "người trưởng nữ của Giáo Hội tại Viễn Đông" chào đời. Kể từ năm 1580, sự đàn áp đạo giáo nổ bùng và kéo dài cho đến năm 1886 tức là trong vòng 300 năm. Đồng thời, giặc giã và loạn lạc liên miên. Giáo Hội Việt Nam lớn lên trong những đàn áp và chiến tranh. Đó là một sự thật lịch sử ngoạn mục. Sau hồng ân của Thiên Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần, một trong những nhân tố chính yếu đã củng cố và phát triển Giáo Hội Việt Nam trong những điều kiện như thế, đó là "Quí Chức Họ Đạo Tham Gia Vào Các Thừa Tác Vụ Của Linh Mục".

Quả thật, Hội Đồng Quí Chức à một tổ chức tông đồ của người giáo dân. Hội Đồng hiện hữu như một sáng kiến mục vụ hiệu lực ngay từ buổi đầu truyền giáo tại Việt Nam. Hội Đồng này luôn thích ứng và được canh tân theo hoàn cảnh lịch sử và xã hội của đất nước. Đó là điều chúng ta đã nhìn thấy khi nói đến lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, về tiến trình lịch sử của Hội Đồng Quí Chức (hay Hội Đồng Chức Việc) và khuôn mặt của một họ đạo (ch. I, II, III); cũng như khi trình bày một cách cụ thể những hình thức tham gia của các quí chức họ đạo vào các thừa tác vụ thánh hóa, giảng huấn và quản trị (officium sanctificandi, docendi, regendi) của các linh mục (ch.IV, V, VI).

Những sự xác quyết của cha Cadière, một thừa sai lão luyện và một cha sở nổi tiếng của địa phận Huế, đã đúc kết mọi tham gia đó như sau: "Từ nhiều thế kỷ qua, tổ chức Hội Đồng Quí Chức đã cống hiến nhiều lợi ích to lớn. Nếu Giáo Hội Công Giáo được tồn tại giữa dân chúng Việt Nam thì một phần lớn là nhờ có tổ chức sáng suốt này trong các họ đạo. Chính nhờ vào hoạt động của các quí chúc mà các tín hữu luôn trung thành gắn bó với đạo giáo của họ mặc dù phải trải qua những bách hại lâu dài và đẫm máu" (1). Với Hội Đồng Quí Chức, chúng ta có một trung tâm điểm, một công cụ đầu não về sự cộng tác toàn diện của các tín hữu trong họ đạo với các chủ chăn của họ (2). Quả thật, các chức việc (các tín hữu kỳ cựu) đã tỏ ra đáng thán phục: họ đã dành cho chúng ta những giúp đỡ lớn lao và đa diện" (3).

Như chúng tôi đã đề cập, trong số những sáng kiến mục vụ, sở dĩ Hội Đồng Quí Chức luôn giữ được bản chất hiệu nghiệm là nhờ được các Bề Trên trong Giáo Hội biết phát triển và thích ứng đúng thời điểm. Công trình thích ứng quan trọng nhất và gần đây nhất chính là việc thành lập các Hội Đồng Giáo Xứ trong các xứ đạo ở miền Nam phù hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II. Một sự canh tân như vậy hiển nhiên là mang đến cho Hội Đồng Quí Chức, mà từ nay gọi là Hội Đồng Giáo Xứ, một sự hài hòa giữa 'sự cẩn trọng và khôn ngoan của những người râu bạc tóc trắng với sự hăng say và nhiệt tình của giới trẻ tài ba ' (4) (ch. VII)

Xuyên qua tất cả điều gì có liên hệ đến việc thành lập Hội Đồng Quí Chức và tất cả những gì chúng tôi đã trình bày, chúng tôi có thể hân hoan kết luận việc làm nhỏ bé này với một vài nhận định tích cực sau đây:

I. Thái độ khôn ngoan của những vị Thừa Sai

Khi nghiên cứu về sự thành lập Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo ở Việt Nam, chúng tôi không thể không ngưỡng mộ trí khôn ngoan, đức tiên liệu, óc thực tiễn và tinh thần Giáo Hội của các thừa sai đã truyền bá Phúc Âm một cách chân chính trên đất nước Việt Nam trong những thế kỷ đã qua. Vì chưng, khi theo khuôn mẫu của tổ chức giai tầng trong một làng xã truyền thống để tổ chức các họ đạo mới, các ngài đã không theo phương pháp 'cạo nhẵn mặt bàn' (tabula rasa) hoặc 'tuyệt đối cắt đứt với thế giới lương dân' (rupture absolue avec le monde des paiens), nhưng các ngài đã chọn phương pháp 'Quan phòng đã chuẩn bị' (Préparation Providentielle). Theo phương pháp thứ nhứt, các nhà thừa sai coi như thối nát tận rể và toàn diện tất cả điều gì họ nhìn thấy kể từ lúc mới đặt chân đến: các tổ chức chính trị, tôn giáo và xã hội, các thần minh và âm hồn, các truyền thống và phong tục bản xứ đều bị lên án toàn khối. Cần phải 'cạo nhẵn mặt bàn' tất cả những gì đã có trước khi các thừa sai tới, phải bắt đầu lại từ con số không. Ngược lại, với phương pháp thứ hai, các nhà thừa sai hành động một cách khôn ngoan và thận trọng: "nhà thừa sai không sáng tạo ra, họ chỉ sửa đổi theo bình diện Kitô giáo, những điều gì đã có sẵn trong phong tục của dân ngoại" (5).

Hơn nữa, phương pháp truyền giáo thứ hai này đã được Công Đồng Vatican II đề bạt một cách rõ ràng và huấn thị một cách phổ cập: "Có vô số mối tương quan giữa sứ điệp cứu độ với nền văn hóa (6), Thiên Chúa phán dạy theo các mẫu loại văn hóa riêng của mỗi thời đại (7); Phúc Âm cải thiện đời sống và văn hóa của loài người bị truất bỏ, Phúc Âm làm phong phú mọi giá trị tinh thần của mỗi dân tộc và mỗi thời đại (8). Giáo Hội nuôi dưỡng và chữa lành các nền văn hóa của các dân tộc (9), Giáo Hội xử dụng các tài nguyên của những nền văn hóa khác nhau để rao truyền sứ điệp của Đức Kitô cho mọi dân tộc (10). Như vậy, truyền giáo là một sự trao đổi sống động giữa Giáo Hội và các nền văn hóa (11); văn hóa sẵn sàng tiếp nhận sứ điệp Tin Mừng (12). Và sau cùng, của hồi môn của các cộng đoàn Kitô giáo chính là những phú túc văn hóa của đất nước họ"(13).

II. Sự Trung kiên với đường lối truyền rao Phúc Âm nguyên thủy

Chúng tôi sẽ còn ngưỡng mộ phương pháp truyền giáo của các nhà thừa sai, đã tạo dựng và khuyến khích sự hợp tác quí báu của người giáo dân với các chủ chăn của họ. Tuy nhiên, sáng kiến này không phải là hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội. Nó đã bắt gốc từ Phúc Âm, từ các thơ của thánh Phaolô và từ thời các Giáo Phụ.

Sau khi đã chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu còn chọn thêm 72 môn đệ để sai đi, từng hai người, đến trước những nơi mà Ngài sẽ tới (14). Các Phúc Âm Nhất Lãm cũng kể lại cho chúng ta nhiều sự kiện khác có thể được coi như những dấu chỉ của một sự gắn bó rộng lớn vốn có trong lòng Giáo Hội sơ khai, giữa các phần tử hoạt động. Thánh Luca nói với chúng ta về "Maria Madalena, Gioanna, Suzana và nhiều người nữ khác đã giúp đỡ (các tông đồ) bằng tiền bạc của họ" (Luc, 8.1-3). Thánh Marc nói với chúng ta về "Maria và Saloma đi theo Chúa Giêsu đến xứ Galilée để phụ giúp và chăm sóc Ngài" (Mc 15,40; 11,1).

Rồi đến sách Tông Đồ Công Vụ đem đến cho chúng ta nhiều sự kiện đánh dấu một sự cộng tác đích thực của giáo dân vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm (1). Với G. Bardy chúng ta có thể xác quyết rằng sự cộng tác này thật mạnh mẽ và đích thực. Ông viết : "Các Tông đồ không phải là những người duy nhất rao giảng Tin Mừng. Các ngài được trợ giúp, nếu không nói là được dọn đường trước bởi các tín hữu vô danh" (16); nghĩa là bấy giờ có thể đã có sự liên kết thân tình giữa hàng giáo phẩm và người giáo dân. Tuy nhiên, chính trong các thư của thánh Phaolô mà chúng ta đọc thấy những biểu dương rộng lớn về sự hợp tác trong sứ vụ tông đồ. Thánh Phaolô thường nói đến những người cộng tác với ngài (17). Ngài gọi họ là "những kitô hữu có văn hóa", ngài chuẩn nhận họ như những tông đồ. Họ là những người đầu tiên tiếp nhận danh hiệu 'tông đồ giáo dân' (apôtres laics) (18).

Vào đầu thế kỷ thứ II, sau khi các vị tông đồ cuối cùng đã qua đời, Giáo Hội bắt đầu mang một bản sắc bề ngoài mới mẻ. Hàng giáo phẩm công nhận cho giáo dân có quyền hành xử một vài năng chức trong sứ vụ tông đồ, ngay cả việc rao giảng (19). Hơn nữa, chúng ta đã thấy có những nhà hộ giáo tài ba giữa tầng lớp giáo dân, chẳng hạn thánh Justinô và thánh Origênô. Sẽ quá dài dòng nếu chúng ta liệt kê ra ở đây t ất cả các văn bản của các Giáo Phụ bày tỏ lòng kính trọng và sự hợp tác của người giáo dân đối với hàng giáo sĩ của thời đại (20). Nhưng chúng ta có thể xác quyết rằng, ngay cả trường hợp người giáo dân bị truy nã và chính thức bị lên án, thì việc tổ chức của Giáo Hội vẫn càng ngày càng trở nên hiển hiện ra bên ngoài, và người giáo dân, thuộc mọi tầng lớp, đã đảm nhận phần to lớn nhất trong việc tông đồ" (2).

Phương pháp nầy đã được các nhà thừa sai áp dụng trong tất cả mọi lãnh vực truyền giáo. Vậy, đó là một phương pháp chính thống làm nổi bật vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội, đặc biệt trong công tác truyền giáo của họ (22). Linh mục Ricard đã xác quyết mạnh mẽ điều đó với chúng ta khi nói về tầm mức quan trọng của một đội ngũ 'giáo dân ưu tuyển' trong họ đạo: "Một họ đạo sẽ không thể sinh hoạt trôi chảy khi không có một 'đội ngũ giáo dân ưu tuyển'. Người giáo dân có thể đảm nhiệm những vấn đề mà vì hoàn cảnh hay luật lệ không cho phép linh mục quán xuyến. Người giáo dân có thể tự do dấn thân vào những môi trường đóng kín hay hạn chế các linh mục tới. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, người giáo dân có thể đóng vai trò trung gian và là mối dây liên lạc giữa các giáo sĩ với tập đoàn giáo dân, giữa giáo quyền với chính quyền. Đội ngũ giáo dân ưu tuyển được coi như những người cố vấn và những người cộng tác với các linh mục trong tinh thần tự do và tuân phục" (23).

Sự cộng tác của những người giáo dân vào công tác truyền bá Phúc Âm của Giáo Hội là một điểm nổi bật trong những huấn dụ của các đức thánh cha gần đây (24) và nhất là trong Công Đồng Vatican II. Không thể nào trưng dẫn hết những huấn dụ của Công Đồng tương quan đến vai trò của người giáo dân trong sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, và bổn phận giáo dân phải cộng tác với các hàng linh mục, chúng tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn ngắn của Công Đồng nhấn mạnh về hai điểm 'cố vấn và hợp tác': "Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập một Giáo Hội địa phương, phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân kitô giáo trưởng thành" (25).

Tổ chức Hội Đồng Quí Chức của họ đạo Việt Nam và sự tham gia của hội đồng vào các thừa tác vụ của linh mục đều gần gũi với giáo huấn của Công Đồng. Những nhà thừa sai ở Việt Nam đa số đã tỏ ra trung thành với phương pháp truyền giáo chính thống mà tác giả là chính Đức Kitô. Chúng ta vui mừng và hãnh diện mà xác quyết điều đó!

III. Giáo xứ không thể bị bãi bỏ

Giống như Hội Đồng Quí Chức ngày xưa, Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay được thiết lập trong giáo xứ, bởi giáo xứ và vì giáo xứ. Như vậy giáo xứ là môi trường nguyên thuỷ cho hoạt động tông đồ của 'đội ngũ giáo dân ưu tú' .

Song song với lịch sử của Giáo Hội Việt Nam, lịch sử giáo xứ ở Việt Nam, dù trải qua nhiều khó khăn và khủng hoảng, vẫn chưa bao giờ bị gián đoạn từ ba thế kỷ qua, từ thời khai sinh cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trước mỗi thay đổi trong xã hội, và trước nhu cầu đòi hỏi mới của thời đại, Giáo Hội luôn tìm kiếm những phương thuật hiệu nghiệm cho công việc mục vụ và nhờ ơn trên, Giáo Hội đã luôn luôn thành công cho dù phải có thời gian.

Hiển nhiên là giáo xứ không thể nào được xem như là môi trường hay hình thức độc nhất của công việc mục vụ trong giáo phận. Bởi lẽ, như cha Karl Rahner nhận định, "ngay bên trong giáo phận, và từ bản chất của giáo phận, thì ngoài giáo xứ ra và bình đẳng quyền lợi với giáo xứ, còn có rất nhiều thẩm cấp trách nhiệm khác trong sinh hoạt của giáo phận, cũng là của Giáo Hội" '(26). Hơn nữa, đức thánh cha Phaolô VI đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng: "Nếu tách biệt riêng rẻ, thì giáo xứ không phải là một mô thức đầy đủ cho chương trình mục vụ khả dĩ đáp ứng những nhu cầu hiện đại; còn có nhiều mô thức hoạt động tôn giáo và tông đồ cần thiết khác nữa (27). Mặt khác, khi định nghĩa giáo xứ, Công Đồng Vatican II đã coi giáo xứ như một tập đoàn tín hữu giữa những tập đoàn khác. Tuy nhiên Công Đồng đã dành cho giáo xứ một vị thế danh dự' (28).

Giáo xứ xứng đáng có một vị thế trọng vọng, vì chưng, dù thế nào đi nữa, giáo xứ lúc nào cũng cần thiết cho sinh hoạt mục vụ của giáo phận và của Giáo Hội. Nó là tế bào khởi thủy của giáo phận (29), là gia đình của Thiên Chúa, là huynh đoàn nhân bản chỉ có chung một linh hồn (30), là một cộng đồng kitô hữu (31, một cộng đồng Giáo Hội 32). Nhờ giáo xứ mà Giáo Hội hữu hình được thiết lập trong vũ trụ (33). Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi quy tụ đủ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội (34). Quả thật giáo xứ chính là gia đình huynh đệ, là trường dạy Lời Chúa, hun đúc đức tin, thực hành bác ái và các nhân đức kitô giáo; giáo xứ là một ca đoàn, trong đó nhiều giọng ca khác nhau cùng hợp xướng một thánh ca duy nhứt, là một tập thể cầu chung một lời nguyện, ngồi chung một bàn tiệc bánh duy nhất, nói lên một kinh nghiệm về sự hợp nhất tôn giáo (35). Vì vậy, đứng trước những sự phê phán nóng nảy của những người muốn bãi bỏ định chế giáo xứ, đức thánh cha Paul VI đã quả quyết rằng: "Giáo xứ không thể bị bãi bỏ" (36) .

IV. Vai trò không thể thiếu của Hội Đồng Quí Chức ngày trước và Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay

Tuy nhiên, nếu muốn cho giáo xứ (hay họ đạo) có thể đạt được những mục tiêu đề ra thì Hội Đồng Quí Chức ngày trước hay Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, vốn đứng đầu trong các tổ chức tông đồ giáo dân, rõ ràng là rất cần thiết. Nếu giáo xứ được tạo lập nên là vì nhu cầu mục vụ của giáo phận và của Giáo Hội, thì tổ chức Hội Đồng Quí Chức hay Hội Đồng Giáo Xứ được lập ra cũng bởi sự khẩn thiết mục vụ của giáo xứ. Hình thức của hai hội đồng này thay đổi tùy theo những đòi hỏi của mục vụ nhưng mục đích vẫn là một. Vậy, điều mà ngườI ta viết về Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay thì cũng đúng với Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo ngày trước thôi: "Bổn phận của Hội Đồng Giáo Xứ là giúp cho mọi thành phần trong giáo xứ biết ý thức về những vấn đề chung, như phụng vụ, mục vụ, giáo lý hay từ thiện; là khơi động lại nơi các tín hữu cái ý nghĩa cộng đoàn, sự đồng trách nhiệm; là làm biến đổi não trạng độc đoán của hàng giáo sĩ thành mối bận tâm làm việc chung, là biến đổi tâm lý thụ động của người tín hữu thành tinh thần hoạt động có trách nhiệm. Ông A. Massaloni nói: "Đó là một tổ chức có khả năng thay đổi hoàn toàn khuôn mặt của giáo xứ, cải biến giáo xứ, canh tân giáo xứ tự bên trong với sự cộng tác của mọi phần tử, là đào tạo nên một tâm thức mới về Giáo Hội, một cách thức mới mẻ về sự gắn bó và đồng nhất với Giáo Hội" (37).

Khi còn là tổng giám mục giáo phận Pittsburgh, đức hồng y John Wrigh cũng đã viết một bài tựa cho một quyển sách về cùng một đề tài nầy: 'Hội Đồng Giáo Xứ cần thiết để hoàn tất công việc của giáo xứ và điều đó có nhiều lý do' (38).

Thực vậy, chúng ta không sợ quá lời khi nói rằng: trong họ đạo, các chức việc Việt Nam, khi tham dự vào thừa tác vụ của linh mục, họ đã thực hiện hầu như tất cả những công việc của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay. Điều nầy được xác nhận bởi những gì chúng tôi đã trình bày.

V. Hội Đồng Quí Chức ngày xưa bảo đảm sự trường tồn của Giáo Hội Việt Nam ngày nay

Một sự thật lịch sử: Giáo Hội Việt Nam luôn luôn trải qua những sự thử thách và khó khăn! Chỉ trong vòng 444 năm lịch sử Giáo Hội (1533-1977) Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 300 năm bị bách hại và giặc giã (1850-1886), 30 năm chiến tranh và chia cắt (1945-1975) và đã 2 năm hoàn toàn sống dưới thể chế độ cộng sản (Sài Gòn mất vào ngày 30 tháng 04 năm 1975). Không những chế độ này thúc buộc Giáo Hội Việt Nam phải yên lặng mà còn làm cho tê liệt nữa! Giáo Hội Việt Nam sẽ đi về đâu? Chắc chắn là không thể bị tiêu diệt được, bởi vì trong những thời gian đen tối, Giáo Hội này vẫn sinh tồn nhờ sức mạnh quan phòng của Chúa. Mặc dù chỉ là thiểu số và đầy rẫy khó khăn, người công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục làm chứng cho đức tin, tiếp tục duy trì một Giáo Hội sống động như tổ tiên của họ đã làm trong những thời kỳ bị bách hại. Nhờ vào hồng ân của Chúa, theo gương mẫu của các vị tiền nhân và dưới sự hướng dẫn hợp nhất của hàng giáo phẩm, giáo dân Việt Nam nhận lãnh trọng trách về tương lai của Giáo Hội của họ .

Cha Petit Jean đã viết: "Từ ba thế kỷ người giáo dân Việt Nam đã đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm trong việc thăng tiến họ đạo. Ngày nay, theo giáo huấn của Công Đồng Vatican II, họ còn ý thức nhiều hơn nữa về vai trò của họ. Xét về phía cạnh cơ cấu, Giáo Hội Việt Nam đã kiên vững. Nhưng nhất là các kitô hữu Việt Nam hôm nay có đức tin. Vào thế kỷ XIX, tổ tiên của họ đã trải qua những thời bách hại kinh hoàng. Hơn 100.000 người đã hy sinh mạng sống... Các tín hữu hiện nay nằm lòng: Họ phải giữ trọn vẹn đức tin bất khuất của tổ tiên! Tôi có nhiều chứng tá sống động về đức tin giữa những người tôi quen biết. Đó là điều làm tôi tin tưởng vào tương lai của Giáo Hội Việt Nam (39).

Và đây là sự xác tín của chúng tôi và của tất cả những ai thấu hiểu về lịch sử của Giáo Hội Việt Nam ngày trước và tình trạng của Giáo Hội Việt Nam ngày nay.


Chú thích

1 OFCV, trg tập san.MEP (1955) số 85 tr.964
2 OFCV, trg tập sn.MEP (1955) số 85 tr.967
3 OFCV, trg tập san.MEP (1955) số 79 tr.313
4 OFCV, trg tập san.MEP (1955) số 85 tr.967
5 Xem. Ricard. H, 'La Conquête Spirituelle Du Mexique' các tr.333-335
6 MV, 58 trg AAS 58 (1966) tr.1079
7 MV, 44 trg AAS 58 (1966) tr.1064
8 MV, 58 trg AAS 58 (1966) tr.1079
9 GH, 17 trg AAS 57 (1965) tr.21
10 MV, 58,62 trg AAS 58 (1966) tr.1079, 1083
11 MV, 44 trg AAS 58 (1966) tr.1064
12 MV, 57 trg AAS 58 (1966) tr.1077; GE, 8 trg AAS 58 (1966) tr.735
13 TR, 15 trg AAS 58 (1966) tr.964
14 Lc .X,1-12; VIII, 1-3; Mc IV,41
15 Cv.IV,31; VIII, 4;XI, 20-23
16 Bardy G. 'L'Apostolat Des Laics Aux Premières Siècles' trg Masses oeuvrières, Juillet 1945, tr.3
17 Rm.XVI,1-24; Col.IV,1,10,13; Pl.II, 2-5; IV, 2-4.
18 Rm XVI, 7
19 Bardy G. còn ghi chú rằng hình như là ngày vào khởi đầu thế kỷ thứ 3, những người giáo dân cũng có quyền giảng thuyết trước sự hiện diện của giám mục trong một vài nơi giáo phận art cit. tr.13
20 Nhiều nghiên cứu về điển nầy đã được thực hiện nhưng đáng kể hơn hết là của Dabin trong Le 'Sacerdoce Royal Des Fidèles Dans La Tradition Ancienne et Moderne', xuất bản ở Bỉ quốc, 1950
21 Dubac J.'Collaboration Apostolique des Prêtres et des Laics au début Chritianisme', Lumen Vitae 17 (1962) tr. 221
22 Xem Lombardi và Bosa trong: 'La Cơperazione dei Laici d' Asia e d'Africa all 'Apostolato Missionario', Roma 1958, các tr. 8-12, 13-32; Germain, 'Le Rôle du Laicat dans L'Apostolat Missionaire de L'Église', trg Le laicat et les Missions, Ottawa 1951 các tr. 27-37
23 Ricard. Đã dẫn các tr. 261-262
24 Xem giáo hoàng Pie XI, "Quae Nobis": Principes et Fondements Généraux de l'Action Catholique', trg AAS 20 (1928), các tr.384-387; Pie XII: Encyclique "Evangelli Praecones" trong tài liệu công giáo. 48 (1951 cột 769-790, 'Discursus Ad Cogressum Mundi De Apostolatu Lacorum', trg AAS 42 (1951) các tr. 784-789, 'Discursus Ad Cogressum Mundi De Apostolatu Lacorum trg A .AS 48 (1957) các trang 922-939; Paul VI, 'L'Évangélisation dans le Monde Moderne, trong tập hợp (những bài giảng tuyết hằng tháng của đức giáo hoàng) "Discours du Pape", mensuel Số 315 nhà phát hành. Saint Michel, Paris, Janvier 1976.
25 TG, 21 trg AAS 58 (1966) tr.972
26 Rahner K. 'La Paroisse', trg Mystère de L'Église et Action Pastorale, Tournai 1969 tr.145.
27 Bài diễn văn ngắn ngày 9 tháng 9 1966, trong 'Insegnamenti Di Santo Padre Paolo VI', tập IV, 1967 tr.391
28 VP,42 trg AAS 56 (1964) tr.III
29 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
30 GH, 28 trg AAS 57 (1965) tr.34
31 ĐT, 2 trg AAS 58 (1966 tr.714
32 TĐ,10 rg AAS 58 (1966) tr.846
33 PV,42 trg AAS 56 (1964) tr.112
34 TĐ,10 trg A AS 58 (1966) tr.847
35 Bài diễn văn ngắn ngày 30 tháng 01 1973 (?) (của giáo hoàng Paul VI) trg Tài liệu Công Giáo. 69 (1972) tr.209
36 Paul VI, bài diến văn ngắn vào dịp 'la semaine itallienne d'aggiornamento pastoral', trong tài liệu công giáo. 68 (1971 tr 858)
37 Mazzoleni A. 'Le Structure Comunitarie Della Nuova Parochia', Roma 1973, tr.142.
38 Wrigh J. Fordword, trong B.Lyons: 'Parish Concils, Renewing The Chritian Community' Divine word publications 1969, tr.VIII
39 Mission Étrangère de Paris, 10.1979 tr.5