HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC
CHƯƠNG VII: HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Trong chương này chúng tôi sẽ trình bày hai mục chính:
I. So chiếu Hội Đồng Quý Chức với vai trò và sứ vụ tông đồ của người giáo dân ngày nay.
II. So chiếu Hội Đồng Quý Chức với Hội Đồng Giáo Xứ hiện nay ở Việt Nam
MỤC I
SO CHIẾU HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC VỚI
VAI TRÒ VÀ SỨ VỤ TÔNG ĐỒ
CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN NGÀY NAY
Bằng cách dựa vào những dữ kiện đã được trình bày trong các chương trước và vào các tài liệu của Công Đồng Vatican II, chúng tôi sẽ trình bày trong tiết nầy những điểm tương đồng và dị biệt giữa sứ vụ tông đồ của các quí chức công giáo Việt Nam ngày trước so với sứ vụ tông đồ của người giáo dân ngày nay. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ không quên trưng dẫn những điểm dị biệt hay đúng hơn những hình thái bất toàn về mặt tổ chức của Hội Đồng Quí Chức so chiếu với những huấn thị của Công Đồng về sứ vụ tông đồ của người giáo dân.
I. Trong Họ Đạo hay trong Giáo xứ.
Chính từ trong họ đạo, bởi họ đạo và cho họ đạo mà Hội Đồng Quí Chức được thành lập (I). Những kỳ mục được chọn từ các tín hữu và giữa họ với nhau. Vì thế sứ vụ tông đồ của một quí chức không cách xa với sứ vụ tông đồ của một người giáo dân hay của một tín hữu. Họ đạo là nôi sinh và môi trường hoạt động tông đồ của quí chức. Chính trong môi trường này các quí chức được tuyển chọn và hình thành Hội Đồng Quí Chức. Hội Đồng Quí Chức không hiện hữu nếu không có họ đạo. Người giáo dân luôn phải gắn bó với cộng đồng giáo xứ của mình. Đó là điểm rõ ràng trong các tài liệu đề cập đến Hội Đồng Quí Chức của họ đạo Việt Nam.
Trước hết, rất đúng rằng: đối với quí chức, họ đạo là một "gia tộc" (tự nó, chữ 'họ đạo' đã mang ý nghĩa này rồi), là một cộng đoàn với ý nghĩa tròn đầy
1) Cộng đoàn huynh đệ
Nơi đó các quí chức phải lo làm sao cho các tín hữu thân quen nhau, tương trợ lẫn nhau, hòa hợp với nhau trong tình bác ái huynh đệ. Vì thế, mỗi khi có một biến cố xảy ra, một em bé mới chào đời, một người đau ốm hoặc khuất đi, thì toàn thể họ đạo đều được thông báo.
2) Cộng đồng của đức tin và phụng vụ
Cộng đồng đức tin và phụng vụ biểu hiện qua việc mọi tín hữu đồng tâm sống đạo; Mọi người đều giữ đạo, mọi người đều đến nhà thờ ít nhất là trong ngày chúa nhật. Các quí chức hiện diện ở đó và thay phiên nhau chủ trì việc xướng kinh cầu nguyện. Mọi người đều tuân giữ lề luật của Giáo Hội và dưới sự chăn dắt của linh mục và các chức việc.
3) Cộng đồng truyền rao Phúc Âm
Các chức việc không chỉ lo cho những người đã được rửa tội bền vững sống đức tin, mà họ còn phải quan tâm đến cả những người lương sống trong cùng một làng chung đụng với người công giáo hoặc trong các thôn ấp láng giềng có nhiều triển vọng xin theo đạo. Chúng tôi muốn gợi lại các hoạt động rao truyền Phúc Âm và nhất là việc lo rửa tội cho các trẻ em hay những người cao niên lâm bệnh nặng hay nguy cơ tử vong. Dưới sự chăn dắt của linh mục, và với sự nhiệt thành của các chức việc, tất cả các tín hữu trong họ đạo đều được kêu gọi chia sẻ mối bận tâm rao giảng Tin Mừng; hầu biến họ đạo trở nên một cộng đồng thừa sai truyền giáo.
4) Cộng đồng sống động và có tổ chức
Đời sống của họ đạo được biểu hiện xuyên qua tất cả những hoạt động tập thể của các tín hữu tại nhà thờ, nơi trường học của họ đạo, trong các đoàn thể, trong các việc làm công cộng, trong những ngày lễ hội… Nhưng tất cả đều phải tiến hành một cách quy củ. Và sự hiện diện cùng với lòng nhiệt thành của các chức việc sẽ bảo toàn sự quy củ đó.
Theo Công Đồng Vatican II, họ đạo hay giáo xứ là hạt nhân tế bào của giáo phận(3), là thành phần vững chắc của giáo phận(4), là một nhóm của đàn chiên Thiên Chúa (5), là cộng đồng công giáo (6), là cộng đồng Giáo Hội mà trong đó những người giáo dân có tinh thần tông đồ tìm đến, quả thật, để giúp đỡ những người anh em của họ và trợ lực không những cho các chủ chăn mà còn cả cho mọi thành viên dân Chúa. Họ sốt sắng dấn thân vào các công trình tông đồ; họ lôi kéo những người còn xa cách đến với Giáo Hội. Họ cộng tác một cách nhiệt tình vào công cuộc trao truyền Lời Chúa. Nhờ các tín hữu ưu tú, giáo xứ trở nên một mẫu mực phi thường cho sứ vụ tồng đồ tập thể. Chính từ giáo xứ mà giáo dân tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ, để phát triển không ngừng đường hướng mục vụ của giáo phận mà giáo xứ được xem như là hạt nhân, là tế bào, để cung ứng sự đóng góp của họ vào mọi công trình tông đồ và thừa sai trong gia đình Giáo Hội địa phương(7)... Tóm tắt một câu, theo Công-Đồng thì giáo xứ là một trong những bước khởi đầu, mộ trong những nơi, một trong số các môi trường chính yếu và thuận lợi hơn hết cho sự thành lập, hoà nhập và phát triển sứ vụ tông đồ của người giáo dân, nhất là của những người giáo dân được tuyển chọn giống như các chức việc họ đạo. Sứ vụ tông đồ này được thực hiện dưới nhiều hình thức.
II- Các hình thức của sứ vụ tông đồ
Như đã được trình bày, sứ vụ tông đồ hay đúng hơn, sự tham gia của quý chức vào thừa tác vụ của các linh mục được biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau mà câu tóm lược tuyệt hảo hất, là sự tham gia tích cực vào thừa tác vụ thánh hóa, thừa tác vụ giáo huấn và thừa tác vụ quản trị của linh mục.
Khi nói về sứ vụ tông đồ của người giáo dân trong bối cảnh của giáo xứ, Công-Đồng nhấn mạnh vào các khía cạnh sau đây:
1) Đối với thừa tác vụ thánh hóa
Được nuôi dưỡng nhờ tham gia tích cực vào đời sống phụng vụ trong cộng đoàn giáo xứ, người giáo dân nhiệt thành góp phần vào các công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn: họ đem những con người đang xa lạc trở về với Giáo Hội(8). Một các mạnh mẽ, Công Đồng quả quyết rằng người giáo dân làm việc tông đồ bằng cách dấn thân lo việc thánh hóa anh chị em của mình (9). Bằng nhiều phương cách, họ tham gia vào việc thánh hóa nhân loại và làm cho thế gian sống động trong Đức Kitô (10). Từ bên trong, họ được kêu gọi thánh hoá anh chị em mình (11). Và họ cần được chuẩn bị dấn thân vào công việc tông đồ này (12). Về đời sống bí tích, Công Đồng đã có huấn dụ vắn tắt rằng 'các bí tích và nhất là bí tích Thánh Thể thông ban và nuôi dưỡng người tín hữu đức bác ái vốn là linh hồn của mọi công việc tông đồ (13). Bởi vì đức bác ái công giáo bao trùm lên tất cả loài người (14), bằng cách giúp họ tương trợ lẫn nhau (15) và gìn giữ họ khỏi những cạnh tranh nguy hại (16) Chính từ đức bác ái thần linh mà người giáo dân có khả năng biểu lộ những điều chân phúc trong cuộc đời của họ hầu thực hiện những điều tốt lành cho cả nhân loại (17), và làm vinh danh Đức Kitô bằng một đời sống đức tin, hy vọng và bác ái (18). Hơn nữa, nhờ có đức bác ái công giáo lôi cuốn, người giáo dân hoạt động để canh tân trật tự trần thế (19) xuyên qua các hoạt động cho công bằng, cho hòa bình và cho bác ái (20). Nói tóm lại qua đức bác ái, nguồn lực của sứ vụ tông đồ (21), người giáo dân trở nên mọi sự cho mọi người, là chất men thánh hóa anh chị em của họ (22).
2) Đối với thừa tác vụ giáo huấn
Càng ao ước thánh hóa loài người và biểu dương đức bác ái, người giáo dân càng được thúc đẩy làm việc vì vinh danh Thiên Chúa và mở rộng vương quốc của Ngài (23). Vì vậy, người giáo dân cộng tác nhiệt tình vào công cuộc rao truyền Lời Chúa, đặc biệt bằng việc dạy giáo lý (24) và tham dự sốt sáng các nghi lễ phụng vụ (25). Họ hiểu rõ rằng nhờ trau dồi giáo lý, đức tin trở nên sống động, hiển nhiên và linh hoạt (26), rằng việc dạy giáo lý là bổn phận giáo huấn đầu tiên của Giáo Hội (27), không chỉ là bổn phận của hàng giám mục( 28), của các cha sở (29), của các linh mục (30) nhưng còn là bổn phận của các bậc cha me (31) và cả những người giáo dân nữa (32) nhất là trong các Giáo Hội non trẻ (33). Họ hy sinh thời giờ để theo học các lớp giáo lý do các linh mục phụ trách (34), rồi tiếp theo đó, họ hy sinh thời giờ để phụ giúp cha sở (chủ chăn) và các bậc cha mẹ uốn nắn con cái và giúp chúng học giáo lý. Công Đồng tuyên bố rằng hàng giáo phẩm có thể trao gởi cho người giáo dân một số trách nhiệm xưa nay vốn gắn liền với trách nhiệm của các chủ chăn: trong sự giảng huấn học thuyết của Giáo Hội, trong việc cử hành nghi thức phụng vụ và trong việc chăm sóc các linh hồn (35).
3) Đối với thừa tác vụ quản trị
Để điều hành giáo xứ của mình, vị chủ chăn có thể và cần phải kêu gọi sự cộng tác của những người giáo dân (36). Trong những họ đạo ở xứ truyền giáo, chính nhờ có những người giáo dân cộng tác mà vị chủ chăn có thể thấu rõ tình trạng đoàn chiên của mình, thấu rõ những ý nghĩ thầm kín của các tín hữu về Thiên Chúa, đồng thời quan tâm đến những thay đổi gây ra bởi phong trào đô thị hóa, hiện tượng di dân và tâm trạng lãnh đạm tôn giáo (37). Một trong những công việc quan trọng của thừa tác vụ quản trị giáo xứ là việc quản thủ tài sản. Về điểm nầy, Công Đồng lưu ý các linh mục rằng: "Về những của cải của Giáo Hội nói riêng, các linh mục phải quản trị chúng theo bản chất của chúng và đúng như tiêu chuẩn của Giáo Luật, với sự giúp đỡ của những giáo dân thông thạo khi có thể".(38) Công Đồng mong mỏi giáo dân đem hết khả năng của mình trợ giúp việc quản trị giáo xứ, việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sao cho có nhiều hiệu quả".(39).
Để tổ chức, nuôi dưỡng và phát triển Công Giáo Tiến Hành hay những hội đoàn trong giáo xứ, các Nghị Phụ Công Đồng mong muốn rằng: các linh mục phải tạo thuận lợi cho những mối liên hệ tốt giữa người giáo dân và hàng giáo phẩm, để khi đối thoại kiên trì với giáo dân, các ngài sẽ tìm thấy những hình thức khả dĩ giúp cho Công Giáo Tiến Hành gặt hái nhiều kết quả, đồng thời phát huy tinh thần hợp nhứt ngay trong nội tình của các đoàn thể (40). Ngược lại, người giáo dân có thể hoạt động theo đề xuất riêng của mình(41), bởi vì sự cộng tác giữa nhiều đề xuất khác nhau cho sứ vụ tông đồ luôn là điều cần thiết (42). Vậy, người giáo dân cộng tác với hàng giáo phẩm theo kiểu cách riêng của họ, họ mang đến kinh nghiệm và đảm nhận trách nhiệm của họ theo đường hướng của tổ chức, trong sự tìm tòi những điều kiện thuận lợi để thực hiện công trình mục vụ của Giáo Hội, cũng như soạn thảo và theo đuổi một chương trình hoạt động. (43)
Cuối cùng, sau khi đã chứng tỏ rất chi tiết rằng hoạt động bác ái là dấu ấn của sứ vụ tông đồ kitô giáo, Công Đồng mời gọi người giáo dân, tùy theo hoàn cảnh khả dĩ, đánh giá cao và nhiệt tâm trợ giúp các công trình từ thiện và những sáng kiến bảo trợ xã hội bất kể đó là sáng kiến của tư nhân hay của nhà nước (44).
Chúng ta còn phải thêm rằng khi hợp tác để kiến tạo hòa bình và hòa giải cho những thành viên trong giáo xứ, người giáo dân không quên rằng giáo xứ là một gia đình, một huynh đoàn 'chỉ có một linh hồn mà thôi’ (45). Thật vậy, phải kính trọng và yêu thương cả những người có những suy nghĩ và hành động khác với chúng ta: chỉ mình Thiên Chúa mới là quan án xét xử và là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn. Do đó, Ngài cấm chúng ta xét đoán tội lỗi bên trong của bất cứ ai. (46).
Để kết luận, chúng ta có thể nói được rằng khi tham gia một cách tích cực vào các thừa tác vụ của linh mục, quí chức đã thực sự tham gia vào chức vụ Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Đức Kitô. Và đây là một trong những quan điểm mới mẻ và căn bản của thần học giáo dân đã được Công Đồng Vatican II trình bày và nhấn mạnh. (47).
III. Tất cả cho sứ vụ truyền bá Phúc Âm
Sứ vụ truyền bá Phúc Âm thâm nhập trong mọi trách vụ của quí chức đến độ chúng ta không sợ quá lời khi nói rằng họ được tuyển chọn trước tiên với mục đích thiêng liêng: Mở rộng thêm vương quốc của Thiên Chúa (48).
Điều nầy cũng rõ nét trong các huấn dụ của Công Đồng khi nói về các bổn phận của người giáo dân: Trước hết, Công Đồng xác quyết rằng: ơn gọi kitô hữu theo bản chất là ơn gọi làm tông đồ và truyền bá Phúc Am (49). Vì vậy người giáo dân, ngay cả trong công ăn việc làm và trong những âu lo trần thế, họ có thể và cần phải thực hiện những hoạt động cao quý có lợi cho sứ vụ truyền bá Phúc Âm (50). Mặt khác, truyền bá Phúc Âm chính là sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội được thiết lập là để mở rộng nước Đức Kitô trên khắp địa cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: Tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ được quy hướng về Chúa Kitô: Đó là sứ mệnh truyền giáo mà mọi hoạt động của các chi thể trong Nhiệm Thể phải quy hướng về (51). Là chi thể của Nhiệm Thể Giáo Hội, người giáo dân không thể đứng ngoài lề sứ vụ này hay chỉ giữ thái độ tiêu cực, nhưng họ cần phải tham dự vào đó một cách tích cực, năng động, toàn vẹn, suốt cả cuộc đời của họ. Trong Giáo Hội có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng tất cả đều quy hướng về một sứ mệnh, sứ mệnh của toàn thể dân Chúa. Bởi lẽ ấy, người giáo dân thi hành sứ mạng tông đồ của họ một cách cụ thể bằng việc dấn thân truyền bá Phúc Âm. Họ cố gắng làm cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào trật tự trần thế và họ hoạt động cho tinh thần Phúc Âm mỗi ngày một thăng tiến. Như vậy, hoạt động của họ rõ ràng là tuyên chứng Đức Kitô và phục vụ phần rỗi nhân loại (52).
Công trình truyền bá Phúc Âm phải được phổ cập trong mọi cộng đồng công giáo nhất là trong các Giáo Hội non trẻ: Bằng chứng tá về đời sống đạo, mỗi tín hữu và tất cả cộng đồng phải là một dấu chỉ của Đấng Cứu Thế.(53). Mặt khác, vì dân Chúa sống trong các cộng đoàn, nên các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, phải là những cộng đoàn cầu nguyện, hiệp nhât, cùng hoạt động giữa muôn dân nhờ những người con đã được Thiên Chúa tuyển chọn vào chức vụ rất cao trọng nầy: chức vụ rao truyền Phúc Âm (54).
Để kết luận, chúng ta nói một cách ngắn gọn rằng, sống trong một cộng đồng giáo xứ, người giáo dân thi hành một cách nhiệt tình sứ mệnh tông đồ của mình. Họ mang về cho Giáo Hội những người từ lâu đã xa tránh Giáo Hội; họ hăng say cộng tác trong việc phổ biến Lời Chúa. Và đó là sứ vụ rao giảng Phúc Âm. Chính nhờ có họ mà giáo xứ trở thành một mẫu mực tuyệt vời trong lãnh vực tông đồ cộng đoàn, mà chủ yếu là làm chứng tá (55).
IV. Sứ Vụ Tông đồ Chứng nhân.
Ngay từ buổi đầu, điều kiện tiên quyết để được lựa chọn làm quí chức trong họ đạo là lòng trung thành với Chúa, có đức tin bền vững, hạnh kiểm tốt và uy tín… nói khác, phải là người gương mẫu (56). Ngoài ra, khi đề cập tới những nghĩa vụ của quí chức, người ta đòi hỏi "họ phải là chứng nhân" trước mọi người. Làm chứng tá là một phương cách để hoàn tất mọi bổn phận và đạt đến mục tiêu. Đó là điều mà đức cha Hồ Ngọc Cẩn đã nhắn nhủ các chức việc họ đạo: "Trong Giáo Hội, các chức việc của họ đạo phải xử dụng chức năng của mình vào mục đích làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi các linh hồn, và chỉ như thế, họ mới được tín nhiệm. Để đạt được hai mục tiêu đó cách hoàn hảo và tốt đẹp, chính họ phải quí trọng chức năng cao trọng của họ và nêu gương tốt lành cho giáo dân, trước hết về đức tin và đức mến, trong lời nói và việc làm, trong cả nếp sống riêng tư cũng như trong đời sống chung giữa cộng đoàn và xã hội (57).
Tuy nhiên phải nhận rằng chính các văn kiện của Công Đồng mới nhấn mạnh đầy đủ về tầm quan trọng, sức hữu hiệu và sự cần thiết của việc tuyên chứng trong đời sống đạo.
Qua Bí tích Rửa Tội, người tín hữu đã được thánh hiến để tuyên chứng về Đức Kitô trên khắp thế gian (58), để nên nhân chứng của Đức Kitô (59), qua họ, Chúa tiếp tục tỏ hiện (60). Điều hiển nhiên là ơn gọi hay sứ mệnh của mọi tín hữu là làm chứng về Chúa Kitô giữa cộng đồng nhân loại (61), làm chứng về sự phục sinh và về đời sống của Ngài, và nên dấu chỉ của Thiên Chúa hằng sống: "Tóm lại, người kitô hữu hãy làm cho thế giới sống, giống như linh hồn làm cho thân xác sống (62)".
Bởi thế, bổn phận chính yếu của người giáo dân, nam cũng như nữ là tuyên chứng về Đức Kitô bằng đời sống và bằng lời nói ngay trong gia đình, trong hội đoàn xã hội hay giữa môi trường làm việc (63). Hoạt động tông đồ để nêu cao đời sống kitô hữu, người giáo dân cũng là những chứng nhân của Giáo Hội. Họ làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động ngay trong những thực tại trần thế (64). Khi chu toàn bổn phận như vậy, họ là những chứng nhân đích thực và những công cụ sống động cho sứ mệnh của Giáo Hội: Người giáo dân được mời gọi một cách đặc biệt để bảo đảm sự hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội ở những nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội không thể nào trở thành muối trong thế gian được. Như vậy, mỗi người tín hữu là chứng nhân và đồng thời là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo Hội (65).
Với ơn gọi tập hợp giáo dân lại, giáo xứ hay cộng đồng kitô phải làm chứng về Đức Kitô (66) và làm chứng về đức bác ái (67). Chính từ việc tụ hợp tín hữu thành những nhóm nhỏ mà dấu chỉ của Cộng đồng Giáo Hội luôn tỏ hiện trước mắt mọi người như một chứng tá đích thực về tình yêu (68). Chính bởi đời sống chứng tá của mỗi tín hữu và của cả cộng đoàn trên một lãnh thổ, nhất là tại một Giáo Hội non trẻ thuộc các xứ truyền giáo mà Giáo Hội trở thành một dấu chỉ của Chúa Kitô cho những người không tin Ngài (69). Nhưng làm sao có thể tuyên chứng về Đức Kitô nếu các tín hữu không ấp ủ đời sống thánh thiện kitô giáo, và nếu cộng đồng giáo xứ không rực sáng sự thánh thiện?
V. Bằng chứng của Sự Thánh Hóa Công Giáo
Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chỉ mới được 444 năm (1533-1977). Giáo Hội nầy đã phải gánh chịu nhiều cuộc bách hại đẫm máu trong suốt 300 năm, và kể từ năm 1945 một phần của Giáo Hội ở dưới chế độ cộng sản trở thành im hơi lặng tiếng và tê liệt. Cũng cần phải đề cập đến chiến tranh khủng khiếp và không dứt nữa. Trong những trạng huống khó khăn triền miên như thế, may thay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn luôn đứng vững. Làm sao có thể giải thích được điều đó ? Sau hồng ân của Chúa thì một trong những yếu tố chính mà chúng ta cần phải nhận thức đó là nếp sống tôn giáo chân thực của phần lớn các tín hữu công giáo Việt Nam. Ngay cả trường hợp chưa phải là hoàn toàn sống vì phúc âm, thì nếp sống nầy cũng ít nhiều biểu hiện được một số hình thái của sự thánh hóa công giáo. Và trong số các tín đồ công giáo Việt Nam thì các chức việc là những thành phần nồng cốt! Chúng ta có thể nói như thế qua sự trình bày khúc chiết nơi các chương trước, chúng ta thấy rõ được nếp sống công giáo và kể cả sự thánh thiện kitô giáo của họ nữa.
Chúng ta lại sẽ thấy sự thánh thiện kitô giáo này được nêu bật trong các văn kiện của Cộng Đồng Vatican II: chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Thánh và Đấng Thánh hóa (70); Ngài kêu gọi tất cả chúng ta phải nên thánh trong Giáo Hội (71). Sự thánh thiện của Giáo Hội được biểu hiện một cách liên tục và biểu hiện như những hoa quả của ân sủng mà Chúa Thánh Thần làm trổ sinh nơi các tín hữu; Sự thánh thiện được tỏ hiện dưới mọi hình thái (72), Trong những hình thái khác biệt về đời sống và phận vụ khác nhau, đó là sự thánh thiện duy nhất mà tất cả những ai được Thánh Thần của Thiên Chúa hướng dẫn đều vun trồng và đi theo Đức Kitô nghèo khó, khiêm tốn và vác Thập giá (73).
Vì vậy, tuỳ theo ân sủng và nhiệm vụ riêng của mình, mỗi tín hữu phải nhất quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ bác ái (74). Người tín hữu được mời gọi và có bổn phận tìm kiếm sự trọn lành, và sự thánh thiện trong bậc sống của mình, (75) trong những phận vụ, hoàn cảnh của đời sống thường ngày (76).
Con đường và phương thế chính yếu khai mở mọi con đường và phương thế khác, chính là đức bác ái hay tình yêu: Thiên Chúa là tình yêu và ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ngự trong người ấy (1Jn,4.16). Đức bác ái là động lực thúc đẩy cho chúng ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân vì Ngài, là ân huệ thứ nhất và cần thiết hơn cả. Tuy nhiên để đức bác ái, như một hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và trổ sinh hoa quả dồi dào, mỗi tín hữu phải tình nguyện mở lòng mình ra tiếp nhận Lời Chúa, và với hồng ân của Ngài ban cho, thi hành thánh ý của Ngài, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, đồng thời tham dự các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, nhiệt thành phục vụ anh chị em và thực hành các nhân đức. Như vậy, bác ái là mối dây liên kết sự trọn lành và là sự toàn mãn của đức tin (77).
Mối liên hệ gắn bó giữa sự thánh thiện kitô giáo và sứ vụ tông đồ của giáo dân đã được khẳng định mạnh mẽ bởi lời tuyên bố sau đây của Công Đồng: "Sứ vụ tông đồ mà mỗi cá nhân phải thi hành bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực kitô giáo. Đó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không gì có thể thay thế sứ vụ tông đồ được (78). Và một nếp sống công giáo đích thật không gì khác hơn là một nếp sống nhân chứng hùng hồn của đức tin, của hy vọng và bác ái! Kế tiếp, là nhân chứng từ nếp sống theo phúc âm, người thế tục chu toàn thành sứ vụ tông đồ của họ về truyền bá phúc âm, về thánh hóa, về sự thay đổi công giáo của trật tự thế gian và luôn cả thế giới nữa (79).
Sự thánh thiện của mỗi tín hữu kiến tạo sự thánh thiện của cộng đồng giáo xứ. Vì là tế bào của Giáo Hội (80), giáo xứ trở thành cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức ái (81), cộng đoàn của những người được tuyển chọn (82). Trong cộng đoàn giáo xứ nầy, việc cử hành Hy Lễ Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống các tín hữu và của sự thánh thiện họ theo đuổi (83); nhờ đó, người giáo dân ý thức mình là phần tử sống động và hành động của dân Chúa (84) thì họ góp phần vào việc xóa bỏ những cạnh tranh nguy hại (85), góp phần vào việc xây dựng đức bác ái huynh đệ (86) và sự hợp tác trong sứ vụ tông đồ (87).
VI. Sự hợp tác làm việc tông đồ.
Khi đề cập đến mối tương quan giữa các quí chức và cha sở, các văn bản chính thức đã nhấn mạnh rằng "các chức việc phải luôn làm vệc theo sự hướng dẫn và dưới quyền điều khiển của các linh mục" (88), "giữ mối liên hệ tốt đẹp với các ngài" (89), "phải báo cáo cho linh mục biết mọi việc xảy ra trong họ đạo, mọi việc họ đã làm trong khi vắng mặt các linh mục" (90), chỉ hành động với sự đồng ý hoàn toàn của cha sở (91). Những văn bản đó còn nhấn mạnh rằng: chỉ các linh mục mới là những người chịu trách nhiệm về việc điều hành tốt đẹp của họ đạo đã được trao phó (92); rằng ngần nào có thể, linh mục phải hỗ trợ quyền hành của quí chức (93); rằng cha sở phải là người đầu tiên lo hoàn thành mọi trách vụ với sự trợ giúp của các quí chức (94), và sau cùng, cha sở có bổn phận huấn luyện các chức việc và hướng dẫn họ hoàn thành trách nhiệm đã trao phó cho họ (95).
Về những mối liên hệ giữa các chức việc và các tín hữu trong họ đạo, thì tất cả các văn kiện đều yêu cầu các chức việc phải nêu gương tốt về đời sống đạo đức và luân lý cho giáo dân; và cụ thể là các quí chức phải tận tâm trong những công việc thiêng liêng hay vật chất của họ đạo, phải sẵn sàng giúp đỡ giáo dân: như rửa tội cho một trẻ sơ sinh hoặc cho một người dự tòng; dạy giáo lý cho các trẻ dọn mình xưng tội rước lễ lần đầu hoặc chịu phép thêm sức; hướng dẫn về giáo lý hôn nhân cho các người trẻ; thăm viếng kẻ liệt lào ốm đau, mời linh mục đến xức dầu hay trao Mình Thánh Chúa cho họ; hòa giải các sự tranh chấp xảy ra giữa các tín hữu với nhau… Ngược lại, các tín hữu phải kính trọng và vâng lời các chức việc (96). Hơn nữa, quí chức là những người trung gian tốt lành giữa linh mục với họ đạo hay với mỗi tín hữu.
Một điều đáng nêu lên ở đây, khi nói về những tương quan giữa cha sở và quí chức, người ta không bao giờ dùng đến những từ "cộng tác", "đồng lao", "liên đới" trong các văn bản về việc tổ chức Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo tại Việt Nam. Có thể là vì vấn đề tâm lý của thời đại. Dù thế, qua dòng lịch sử và các hoạt động tông đồ của các quý chức họ đạo Việt Nam như đã trình bày, thì tinh thần cộng tác và liên đới giữa các linh mục với giáo dân hoặc giữa giáo dân với nhau đã được thể hiện ở mức độ cao. Không có ai có thể phủ nhận điều đó. Tinh thần cộng tác và liên đới đó ăn khớp với những huấn dụ của Công Đồng Vatican II. Chúng ta trích dẫn ra sau đây những nét chính yếu:
1) Các cha sở cần đến sự cộng tác của giáo dân
Việc chăm sóc linh hồn luôn luôn phải được thấm nhuần tinh thần truyền giáo làm sao để lan rộng cách thích đáng tới mọi người sống trong giáo xứ. Trong trường hợp các cha sở không thể đến được với một số nhóm người, các ngài phải kêu gọi những người khác kể cả giáo dân, giúp đỡ đặc biệt các ngài trong công việc tông đồ (97), bởi lẽ người giáo dân được kêu gọi cộng tác gần gũi với công việc tông đồ của hàng giáo phẩm (98), và trở thành những người cộng tác của chân lý (99).
2) Bổn phận cộng tác của giáo dân
Giáo dân phải dấn thân cộng tác với các linh mục cũng như với mọi anh em trong giáo xứ. Thực vậy, những giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực sẽ tìm đến trợ giúp những anh chị em thiếu thốn, và nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn và các tín hữu khác nữa. Người giáo dân cần phải tập quen làm việc trong giáo xứ theo tinh thần cộng tác chặt chẽ với các linh mục, cũng như tùy khả năng, họ đóng góp vào công tác tông đồ và truyền giáo của đại gia đình Giáo Hội (100).
3) Giáo dân hiệp nhất với nhau trong sự hợp tác tông đồ
Vì có những đoàn sủng khác nhau, nên mỗi giáo dân phải cộng tác vào việc rao truyền Phúc Âm tùy theo hoàn cảnh thuận tiện, tài năng, đoàn sủng và tác vụ của mình. Do đó, tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt, kẻ trồng và người tưới, phải hiệp nhất với nhau, để khi cùng nhau hướng về một mục đích cách tự do và trật tự, họ đồng tâm gắng sức xây dựng Giáo Hội (hay giáo xứ) (101).
4) Sự hợp tác tông đồ là điều thực sự cần thiết
Giáo Hội (hay giáo xứ) không được xây dựng thực sự, không sống đầy đủ, cũng không là dấu chỉ toàn vẹn của Đức Kitô giữa loài người nếu không có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm sẽ không thâm nhập vào tâm hồn, đời sống, và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi được thiết lập, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hạng giáo dân kitô giáo trưởng thành' (102). Tóm lại, người giáo dân đóng góp phần chủ động riêng của họ vào cuộc sống và sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ. Sự hợp tác của họ hết sức cần thiết đến độ nếu không có sự hợp tác đó thì thừa tác tông đồ của các cha sở hầu như không thể nào thâu được kết quả toàn vẹn. Ngược lại, nếu có sự hợp tác đó, giáo xứ sẽ trở thành khuôn mẫu đáng chú ý về hoạt động tông đồ tập thể có tính cách cộng đoàn, bởi vì giáo xứ là nơi hội tụ trong hiệp nhứt mọi khác biệt của nhân loại' (103).
VII. Tổ chức tông đồ công vụ
Vậy, Hội Đồng Quí Chức của họ đạo đáng được coi như một hệ thống rao truyền Phúc Âm hay một tổ chức tông đồ vững chắc và hữu hiệu nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhất là trong hơn 300 năm bị bách hại. Như chúng tôi đã đề cập, Hội Đồng Quí Chức đã trải qua một quá trình lịch sử hình thành tốt đẹp. Và Hội Đồng Quí Chức đã hiện hữu ngay từ lúc khởi thủy của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, được hợp pháp hóa bởi Công Nghị Nam Định năm 1670 và Công Nghị Hội An (Faifo) năm 1672; đã được tổ chức từ cuốn Chức Sở Mục Lệ của giám mục Colombert ấn hành năm 1884, và đã được thừa nhận bởi Công Đông Dương (Indochine) năm 1934. Chính từ những sinh hoạt của các họ đạo mà người ta nhận ra sự gia tăng, phát triển và trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam. Tuy nhiên sinh hoạt của các họ đạo sẽ không thể tiến hành được nếu không có Hội Đồng Quí Chức. Đã nhiều lần lịch sử cho thấy rằng, nhờ vào công việc tông đồ của các chức việc mà các họ đạo ở Bắc Kỳ cũng như ở Nam Kỳ đã giữ được lòng tin bền vững và số lượng các tín hữu đã gia tăng nhiều ngay cả trong thời kỳ bị bách hại và trong những năm thiếu vắng các linh mục (104).
Vì nhìn thấy rõ hiệu quả đó, các giám mục, sau những cuộc bách hại, đã khởi sự tái thiết các họ đạo bằng việc tổ chức lại các Hội Đồng Quí Chức. Phải nói rằng phần lớn các chức việc là "những người giáo dân thừa sai" tận tâm của các giám mục, là đôi tay, đôi mắt, là những người cộng tác thân tín của các linh mục; là mẫu mực đức tin và luân lý của các tín hữu trong mỗi họ đạo; và sau hết, họ là những chứng nhân của lòng tin, của bác ái trước dân ngoại. Nói tóm lại, Hội Đồng Quí Chức là một tổ chức tông đồ trong mỗi họ đạo Việt Nam.
Hiện nay, tổ chức tông đồ giáo dân nầy không có gì xa lạ đối với điều mà các nghị phụ trong Công Đồng Vatican II đã truyền dạy:
1) Tính cách thích hợp của hoạt động tông đồ có tổ chức
Với tư các cá nhân, người kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính, và Thiên Chúa đã vui lòng tập họp những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa và kết hợp họ thành một thân thể. Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh kitô hữu. Đồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Đấng đã phán: "Nơi nào có sự tề tựu hai hoặc ba người vì danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ"(105).
2) Tính cách quan trọng của hoạt động tông đồ có tổ chức
Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng, vì các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ. Trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó (106).
3) Mục tiêu của hoạt động tông đồ có tổ chức
Mục đích trực tiếp của việc tông đồ có tổ chức phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống. Người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức tông đồ, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn. Người giáo dân hoạt động tông đồ dưới sự điều khiển của chính hàng giáo phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân hay được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm (107).
4) Công giáo tiến hành là kiểu mẫu mực hoạt động tông đồ có tổ chức
Từ mấy chục năm nay, ở một số lớn các quốc gia, nhất là ở Việt Nam, người giáo dân có lòng nhiệt thành với công việc tông đồ đã quy tụ lại dưới nhiều hình thức hoạt động khác nhau hoặc trong các hội đoàn. Họ liên kết chặt chẽ với hàng giáo phẩm hầu theo đuổi những mục tiêu tông đồ thuần túy, đúng như các đức giáo hoàng và các vị giám mục truyền dạy và cổ húy. Các ngài đã đặt tên cho những hình thức hoạt động tông đồ đó là Công Giáo Tiến Hành. Những hoạt động tông đồ như vậy thường được miêu tả như một sự cộng tác của giáo dân vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm (108).
VIII. Trong phạm vi trần thế
Chúng ta biết rằng trách nhiệm của các quí chức không chỉ giới hạn trên bình diện tinh thần và tôn giáo nhưng còn mở rộng ra trên lãnh vực trần thế: họ trông chừng những điều liên quan đến thuần phong mỹ tục, đến truyền thống cao đẹp và trật tự chung của họ đạo (109); họ hợp tác với các linh mục để phát triển đời sống văn hóa của giáo dân, nhất là việc giáo hóa các con em, để xướng xuất và nuôi dưỡng các phong trào xã hội và từ thiện (110). Nói cho đúng, qua hoạt động tông đồ hoặc qua cách sống đức tin của họ, Giáo Hội được biểu dương giữa lòng đời sống và giữa nền văn hóa của dân tộc Việt Nam; Phúc Âm được bén rễ sâu vào tâm trí người đồng hương của họ. Đồng thời, họ thích ứng những giáo huấn công giáo vào nền văn hóa và vào phong tục của xứ sở, họ đổi mới những thói quen, những lối sống và cả những luật lệ của làng xã Việt Nam cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Nhờ có họ, Phúc Âm hoàn thành những trách nhiệm: tinh luyện, nâng cao và biến đổi nền văn hóa của một quốc gia. Đó là ý nghĩa đầy đủ và đúng đắn của cụm từ "Truyền bá Phúc Âm". Tất cả mọi điều đó giúp chúng ta hiểu được tại sao các quí chức được người dân trong làng kính trọng vì đức trung thực, lòng nhiệt thành và vì chí hướng thiện ích chung của họ (111); cũng như tại sao các bề trên trong Giáo Hội mong muốn các chức việc của họ đạo, đồng thời cũng là các chức sắc uy tín trong làng xã dân sự (112).
Vui mừng thay khi nhìn theo góc cạnh của những giá trị trần thế, chúng ta thấy trách nhiệm của quí chức luôn gắn liền với những giáo huấn của Công Đồng Vatican II về 'hoạt động tông đồ giáo dân'.
1) Lãnh vực tông đồ của người giáo dân
Công trình cứu độ của Chúa Kitô. chủ yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế, Người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế. Tuy khác biệt, hai phạm vi liên kết với nhau trong ý định duy nhất của Thiên Chúa. (113).
2) Canh tân trật tự trần thế
"Người giáo dân phải đảm nhiệm việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng: Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để, vẫn tôn trọng toàn vẹn toàn thể định luật riêng của nó, mà làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống kitô giáo cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc (114). Trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó, người giáo dân đứng hàng đầu (115).
3) Nhân tố thực tế của giá trị trần thế
Người giáo dân nhất trí xây dựng những thực tại trần thế và không ngừng hoàn hảo hóa các thực tại ấy: mọi phúc lợi của đời sống (116), của gia đình (117), của văn hóa xứ sở (118), của những thực tại đạo đức (119), xã hội (120) và kinh tế (121); những thực tại khác với phát triển và tiến bộ của chúng (122).
IX. Những điểm tiêu cực
Trên đây là những điểm tương cận hoặc tương đồng giữa các hoạt động tông đồ của các quí chức trong họ đạo Việt Nam ngày xưa so chiếu với các giáo huấn của Công Đồng về hoạt động tông đồ của người giáo dân hiện naỵ Những điểm đó cho thấy được tính cách liên tục của đời sống Giáo Hội. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng đó, chúng ta cũng thấy có những điểm dị biệt hay nói khác, có một vài điểm bất toàn trong sứ vụ tông đồ của các chức việc so chiếu với sứ vụ tông đồ do Công Đồng đề ra cho người giáo dân. Chúng tôi trưng dẫn dưới đây năm điểm chính:
1) Quá hạn chế trong mỗi họ đạo
Các họ đạo Việt Nam được tổ chức theo khuôn mẫu các làng dân sự và truyền thống. Các họ đạo có một đời sống tự trị. Nhưng nhiều khi mỗi giáo xứ tự thu hẹp và khép kín mình lại. Và lúc đó Hội Đồng Quí Chức cũng bị hạn chế và đóng khung trong một họ đạo. Ngoại từ dịp tỉnh tâm thường niên được tổ chức (trên lý thuyết) ở cấp giáo phận (123), thì không có một hoạt động nào của các quí chức trên bình diện liên giáo xứ, giáo phận, giáo tỉnh hay quốc gia được dự trù. Ngược lại, Công Đồng mong muốn rằng người giáo dân cần phải được guấn luyện để quy hướng về sinh hoạt của giáo phận mà trong đó giáo xứ được coi là tế bào; họ phải luôn sẵn sàng đáp ứng những lời kêu gọi của các chủ chăn để tham dự những đề xuất của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu của các thành thị và các vùng quê, họ không thể chỉ giới hạn sự hợp tác trong phạm vi giáo xứ hay giáo phận của mình mà thôi, nhưng họ còn phải cố gắng mở rộng ra trên bình diện liên giáo xứ, giáo phận, quốc gia và quốc tế. Họ không được phép là thành viên của một xã hội co rút và khép kín (124).
2) Thiếu sự thích ứng và đổi mới
Tuy đồng ý về tính cách bền vững và hiệu lực của Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo, chúng ta cũng nhận rằng: cấu trúc tổ chức của họ đạo hay của Hội Đồng Quí Chức đã không được canh tân đủ, không được thích ứng đủ theo nhu cầu mục vụ tân tiến và theo những biến chuyển trong xã hội Việt Nam. Những dự kiện thích ứng của Công đồng Đông Dương chỉ đem lại một sự canh tân hời hợt: Người ta bỏ qua tất cả để tiếp tục nếp sống truyền thống. Cấu trúc khiếm khuyết canh tân bởi vì nó còn nặng trĩu nhiều tục lệ địa phương. Sự kiện ấy trái ngược với những khuyến cáo của Công Đồng Vatican II: "Mọi hình thức và phương pháp của sứ vụ tông đồ phải được thích ứng một cách phù hợp với các hoàn cảnh hiện tại (125); Ngày nay có nhiều phương thế để huấn luyện tông đồ giáo dân: chẳng hạn những khóa học tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những buổi hội họp thường xuyên, những buổi thuyết trình cũng như sách báo và những sách thủ bản… Tất cả đều là những phương thế giúp giáo dân làm việc tông đồ trau giồi thêm kiến thức về Thánh Kinh cũng như về giáo lý công giáo, giúp họ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, cũng như giúp họ hiểu biết những hoàn cảnh sống của thế giới để khám phá và xử dụng những phương pháp thích ứng nhất (126).
3) Thuyết phụ đạo của các cha sở
Chúng ta đã đề cập đến sự hợp tác giữa các chức việc với các cha sở: Sự hợp tác này cần thiết cho thừa tác vụ của linh mục trong họ đạo, hơn nữa, nó nêu bật những khía cạnh tích cực và đáng khích lệ (120'). Nhưng đối lại với những khía cạnh tích cực và đáng khâm phục, lại nổi bật ít ra một điểm tiêu cực, là các linh mục thường nghiêng quá đà về thuyết phụ đạo. Đối xử với quí chức như những người giúp việc trong nhà, xem họ như những dụng cụ làm việc hơn là những người cộng tác, những người giáo dân trợ tá, những người trung gian giữa linh mục và giáo dân. Quả thật, các linh mục quên rằng: "Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn đi rao giảng, làm người phân phát các mầu nhiệm hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô (120''); Các linh mục quên rằng: nghĩa vụ và quyền hạn làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín ữu, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ. Vì thế các linh mục phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tinh thần huynh đệ. Các ngài còn phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ (120''').
4) Thái độ quan liêu của quí chức
Rất nhiều trường hợp, các quí chức quá chú tâm về vị thế trọng vọng và áp đặt những ý kiến riêng của mình lên các tín hữu mà không tham khảo gì với họ; nhiều khi các chức việc ngồi chờ người ta đến tìm mình chứ không chịu khổ công đi đến với những người giáo dân hèn mọn hay những lương dân! Tất cả những điều đó là trái ngược với huấn dụ của Công Đồng định rằng: "Nhất là thời nay, người giáo dân có bổn phận khẩn thiết phải trở nên người lân cận của bất cứ người nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình (127). Họ phải giúp đỡ những người cùng trong một thời đại với mình (128), họ được các linh mục mời gọi và huấn luyện để không chỉ sống cho mình, nhưng để hoạt động theo những đòi hỏi của luật bác ái, mỗi người phải tuỳ theo ơn đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau (129); Vì thế họ cần sống khiêm tốn và dịu dàng khi phục vụ anh chị em mình (130). Chính với lòng khiêm nhu, chí kiên trì và đức nhiệt thành, họ có thể hướng dẫn anh em mình nhất là những kẻ nghèo khó đến với vị Quân Vương mà ai phụng sự Ngài đều là tôi trung (131). Tóm lại, trong mọi phục dịch, người giáo dân phải làm sáng tỏ trước mọi người lòng bác ái của Thiên Chúa (132).
5) Thái độ thụ động của quí chức
Trước tiên là ngay các chức việc cũng thiếu sự tin tưởng và quý mến phẩm giá và vai trò của họ. Họ trở thành những con người thụ động, chỉ ỷ lại vào cha sở và tục lệ, mà không cần có sáng kiến. Từ đó, đời sống của họ đạo trở nên ứ đọng, nếu không nói là bị tê liệt. Đó vẫn còn là một yếu điểm của rất nhiều họ đạo ở Việt Nam. Phương dược cứu chữa là giáo huấn của Công Đồng sau đây: "Phần các chủ chăn phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội. Các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động. Hơn nữa, các ngài còn nên khuyến khích họ tự đảm nhiệm công việc. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét những đề nghị, thỉnh cầu và khát vọng của họ. Đàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận cách thận trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế (133).
MỤC II
SO CHIẾU HỘI ĐỒNG QUÍ CHỨC
VỚI HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ HIỆN NAY
Ngày nay, nhiều giáo phận (134) ở Việt Nam đã ấn hành bản Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ (135) phù hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II, đặc biệt về với le motu proprio "Ecclesae Sanctae" (Tự sắc 'Giáo Hội') ra ngày 6 tháng 8 năm 1966 (136). Tất cả các bản quy chế đều công bố rằng "Hội Đồng Giáo Xứ thay thế Hội Đồng Quí Chức". Vì thế, trong tiết II nầy, chúng tôi căn cứ trên những quy định của Công Đồng, của các thượng phụ về Hội Đồng Giáo Xứ và những qui chế mới về Hội Đồng này mới được tổ chức ở Việt Nam để đưa ra một cách tóm lược những điểm tương đồng và dị biệt giữa Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo ngày trước với Hội Đồng Giáo Xứ ngày naỵ
I. Hội Đồng Giáo Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Sắc lệnh về 'Trách nhiệm mục vụ của các giám mục' (Chritus Dominus) cho rằng cần phải được khuyến khích thành lập trong mỗi giáo phận, một hội đồng mục vụ riêng do chính giám mục chủ tọa và thành viên sẽ là các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được chọn lựa một cách đặc biệt; nhiệm vụ của hội đồng là thăm dò những gì liên hệ đến công việc mục vụ, cân nhắc và đưa ra những kết luận thực tế về những vấn đề mục vụ' (137)
Rồi trong sắc lệnh 'Tông Đồ Giáo Dân' (Apostolicam Actuositatem) người ta cũng đề cập tới nhiều hội đồng tương tự nhưng không nói rõ về một hội đồng và các chức năng của các hội đồng thì rộng rãi. Nhiệm vụ của những hội đồng này là 'yểm trợ mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội cả trên bình diện truyền giáo và thánh hóa cũng như trên bình diện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác… Những hội đồng này sẽ có thể giúp phối hợp hoạt động giữa những hội đoàn khác nhau hay giữa những công việc tông đồ của giáo dân mà vẫn tôn trọng bản chất cá biệt và quyền tự trị của mỗi hội đoàn. Sắc lệnh còn nói thêm rằng 'nếu có thể, nên lập những hội đồng tương tự như vậy ở cấp giáo xứ, liên giáo xứ, giáo phận và cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế' (138).
Những quy định của Công Đồng đều được xác định trong tự sắc 'Giáo Hội' của đức giáo hoàng Phaolo VI ban hành năm 1966. Tuy nhiên những qui định này không áp dụng một cách rõ ràng vào Hội Đồng Mục Vụ của giáo phận, trong khi đó thì hội đồng giáo xứ lại mặc nhiên qui về một quyền hạn duy nhất là quyền thích ứng của các giám mục bản quyền.
1) Những quy định căn bản
Sau đây là những qui định căn bản liên hệ trực tiếp đến Hội Đồng Mục Vụ và gián tiếp đến Hội Đồng Giáo Xứ đã được nêu lên trong những văn kiện trên:
a) Ước nguyện của các nghị phụ là Hội Đồng Mục Vụ được thiết lập trong mỗi giáo phận (139) và ngần nào có thể trong các giáo xứ (140).
b) Các thành viên của những hội đồng này đều thuộc về 3 đẳng trật trong Giáo hội: linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân (141).
c) Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ cấp giáo phận là đức giám mục (142) và cũng tương tự như thế, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ là cha sở với tư cách người đứng đầu cộng đoàn địa phương và là người đại diện của đức giam mục(143).
d) Nhiệm vụ của những hội đồng này là nghiên cứu và cân nhắc mọi vấn đề liên quan đến các hoạt động mục vụ, phụng vụ, và từ thiện của giáo phận hay của giáo xứ, rồi sau đó đưa ra những đúc kết thực tiễn, đề nghị những chương trình hoạt động thế nào để cho phù hợp với Phúc Âm (144). Mặt khác, những hội đồng đó có thể phụ giúp phối hợp hổ tương những hội đoàn khác nhau hay phối hợp những sáng kiến của người giáo dân (145).
e) Các hội đồng đó chỉ giữ vai trò cố vấn mà thôi (146).
2) Những đặc điểm cụ thể của các Hội Đồng Giáo Xứ ở Việt Nam
Như vậy, không có một quy định nào rõ rệt từ các tài liệu của Công Đồng hoặc từ tự sắc "Giáo Hội" của đức giáo hoàng Phaolo VI, đã đề cập một cách trực tiếp về Hội Đồng Giáo Xứ. Tất cả đều để cho các giám mục và các linh mục tùy nghi xướng xuất. Do đó, khi khảo xét các bản quy chế của các Hội Đồng Giáo Xứ đã có từ trước ở Việt Nam, chúng tôi thấy được một vài đặc điểm của Hội Đồng Giáo Xứ như sau:
a) Cơ quan có tính cách đại diện nhất của giáo xứ không phải là ban mục vụ nhưng là Hội Đồng Giáo Xứ (147). Bởi vì bên trong Hội Đồng Giáo Xứ, sau ban thường vụ gồm có chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, thư ký và thủ quỹ, thì còn có những đại diện của các khu, các xóm và các hội đoàn của giáo xứ (148).
b) Thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ chỉ là những tín hữu giáo dân, không phải là người tu trì (nam hoặc nữ) (149).
c) Hội Đồng Giáo Xứ làm việc bằng cách cộng tác với cha sở và dưới sự hướng dẫn của ngài, tuy nhiên chủ tịch hội đồng là một giáo dân được tuyển chọn bởi cộng đoàn giáo dân chứ không phải do cha sở (150).
d) Môi trường hoạt động của Hội Đồng Giáo Xứ có tính cách thực tiễn và sâu rộng hơn là môi trường của Hội Đồng Mục Vụ (151).
e) Thực tế chỉ có một ban mục vụ trong mỗi giáo xứ mà những người trách nhiệm là các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ.
f) Các Hội Đồng Giáo Xứ địa phương cũng quy tụ lại trong một tổ chức trung ương trên bình diện giáo phận (152).
g) Như vậy, Hội Đồng Giáo Xứ một trật là đầu não hoạch thảo chương trình mục vụ, là trung tâm phối hợp các sinh hoạt và các hội đoàn hiện hữu trong giáo xứ để công việc chung được tiến hành và thăng tiến tốt đẹp hơn; sau hết đó là điểm gặp gỡ và hiệp thông giữa những con người thuộc nhiều giai tầng xã hội, thuộc nhiều văn hóa khác nhau; là nơi mà người ta có thể bày tỏ mọi vấn đề, mọi nhu cầu, mọi mong ước của cộng đoàn; là nơi người ta có thể tham dự vào việc hình thành các dự án và vào bất cứ vụ việc gì tương quan tới đời sống của giáo xứ (153).
h) Về chức năng, phần hành của Hội Đồng Giáo Xứ là hợp tác với cha sở để nghiên cứu và thẩm định tình trạng hiện hữu của giáo xứ, nhất là trình độ hiểu biết về giáo lý, về đời sống đức tin, về sự gắn bó với giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội, về đời sống bí tích, đời sống phụng vụ, về hoạt động bác ái từ thiện… đồng thời tìm kiếm và đề nghị các biện pháp thực hành với những hoạt động cụ thể, nêu ra những phương tiện tương xứng để thực hiện cách hiệu quả các dự án mục vụ của giáo xứ hay của giáo phận (154).
II. Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ
Sau khi đã trình bày mọi điều về Hội Đồng Quí Chức, và sau khi đã đọc những quy chế mới của Hội Đồng Giáo Xứ khởi hứng từ tinh thần và những qui định của Công Đồng Vatican II, chúng tôi xin nêu bật dưới đây một số điểm đối chiếu giữa hai loại Hội Đồng.
1) Hội Đồng Giáo Xứ thay thế Hội Đồng Quí Chức
Trong thư ban hành qui chế Hội Đồng Giáo Xứ, ngày 29 tháng 6 năm 1969, đức tổng giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền đã viết rằng: "Chúng ta đã biết: trải qua hơn 300 năm, hàng Chức Việc các Họ Đạo, chung ở Việt Nam và riêng ở địa phận nhà, đã góp phần rất hữu hiệu bên cạnh các vị giám mục và linh mục, trong việc coi sóc, giữ gìn và phát triển các xứ đạo. Chúng ta cũng đã ghi nhận: đây là một trong những hình thức tông đồ giáo dân tốt đẹp nhất, đã làm cho Giáo Hội Việt Nam vẻ vang vững mạnh, vượt qua nhiều gian lao, nhất là trong các thời kỳ cấm cách, để trường tồn cho đến ngày nay.
Nhưng chúng ta cũng thấy: thế giới luôn luôn biến chuyển các cơ cấu xã hội trong đó chúng ta đang sống, và trong đó Giáo Hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, mỗi ngày một đổi thay; các họ đạo chúng ta cũng không thể để các cơ cấu tổ chức của mình bất di bất dịch, nếu họ đạo muốn tồn tại, muốn chu toàn nhiệm vụ của mình.
Chính trong tự sắc 'Giáo Hội Công Giáo Của Chúa Kitô' (Catholicam Chriti Ecclesiam) ban hành ngày 06.01.1967 về việc thành lập tại Roma Hội Đồng Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đức giáo hoàng Phaolô VI cũng đã nói: "Giáo Hội cần phải luôn luôn canh tân nội bộ và thích ứng những cơ cấu của mình với thời đại để chu toàn sứ mệnh Cứu Thế".
Do đó, mặc dầu Hội Đồng Quí Chức đã đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong quá khứ, ngày nay, xem đã có phần: lỏng lẻo và không đáp ứng được các nhu cầu hiện tại.
Vì thế, cách đây hai năm, tôi đã cử một Ủy ban nghiên cứu và soạn lại một bản QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ và cho đem ra áp dụng thử tại một vài nơi, năm nay lại giao cho văn phòng HỘI ĐỒNG MỤC VỤ địa phận san định theo các kinh nghiệm của các nơi đã đem thực hành, cũng như dựa theo Qui Chế của một vài giáo phận bạn, để đưa ra cho các Hội Đồng Hạt và Hội Đồng Mục Vụ Địa Phận thảo luận trong khóa họp tháng tư 1969. Kết quả là việc hoàn thành bản Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ này.
Với nguyện vọng đáp ứng lại nhu cầu của họ đạo trong thế giới hiện đại, với sự tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò của anh chị em giáo dân, thành phần quan trọng trong Dân Thiên Chúa, với mục đích canh tân đồng đều các giáo xứ theo tinh thần và mệnh lệnh của Công Đồng Vatican II, tôi, tổng giám mục địa phận Huế, công bố bản QUY CHẾ mới của HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ địa phận Huế (155). Ngày xưa, Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Hội Đồng Quí Chức (156).
Rồi tuy vắn nhưng rõ ràng, một câu viết trong phần nhập đề của Qui chế Hội Đồng Giáo Xứ của địa phận Xuân Lộc: "Mục đích của Qui Chế Hội Đồng Giáo Xứ là dung hòa và đúc kết hai tổ chức 'Hội Đồng Quí Chức' và 'Công Giáo Tiến Hành', hầu thích ứng với hoàn cảnh hiện tại" (157).
2) Mục đích và những chức năng tổng quát
Một cách tổng quát và cốt yếu, Hội Đồng Giáo Xứ có cùng một mục đích và những chức năng giống như của Hội Đồng Quí Chức ngày trước: Hợp tác với cha sở để điều hành giáo xứ và phục vụ cho các tín hữu về mặt đạo đức cũng như về mặt đường đời (158). Vì vậy, các chức việc ngày trước hoặc các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, tất cả đều phải trung thành, tiết nghĩa, ưu tú, thông thạo (159), là một người cộng tác với cha sở (160), là những người phục dịch cho giáo xứ, làm trung gian giữa cha sở và giáo dân (161), chăm sóc tài sản chung của giáo xứ (162), nhiệt tâm với việc rao truyền Phúc Am (163) và là những người đại diện có tư cách của tín hữu và của toàn thể giáo xứ (164).
Tuy nhiên với tinh thần của Công Đồng Vatican II, mối liên hệ giữa Hội Đồng Giáo Xứ với cha sở thì rõ ràng cởi mỡ hơn và ít tính cách phụ quyền hơn (165), việc cắt đặt các chức năng cho mỗi thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ hợp lý hơn, chức năng của chủ tịch hội đồng mục vụ không quá bề bộn. Như thế chúng ta có thể nói rằng sự khác biệt về các chức năng của Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ chỉ rõ nét trong việc cắt đặt và thi hành các chức năng đó.
3) Các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ
Số thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay có vẻ đông hơn số thành viên của Hội Đồng Quí Chức của một họ đạo ngày trước. Lý do là: ngày trước, một giáo xứ có nhiều họ lẻ; mỗi họ lẻ lại có các đại diện trong Hội Đồng Quí Chức, nhưng không các đại diện của các phong trào chuyên biệt về Công Giáo Tiến Hành. Một giáo xứ ngày nay có ít họ lẻ hơn, tuy nhiên nhu cầu của sứ vụ tông đồ đòi hỏi rằng Hội Đồng Giáo Xứ không phải chỉ có một ban điều hành hay ban thường vụ nhưng còn thêm một số đông những người trách nhiệm các khu xóm và các ban ngành chuyên biệt hoặc các hội đoàn, các phong trào Công Giáo Tiến Hành…
Tất cả những quy chế mà chúng ta đã tìm hiểu, đều xá định tương tự rằng: Hội Đồng Giáo Xứ phải có:
a) Ban Cố Vấn, không Qui chế nào xác định số thành viên.
b) Ban Thường Vụ gồm có một chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, một thư ký, một thủ quỹ.
c) Ban Điều Hành (Ban Đại Diện) cho mỗi họ lẻ. Một cách tổng quát, trong mỗi giáo xứ đều có nhiều họ lẻ; mỗi họ lẻ được quán xuyến bởi một ban điều hành gồm có một trưởng ban, một phụ tá, một thư ký và một thủ quỹ.
d) Các ban điều hành của các khu xóm mỗi họ đạo được chia ra nhiều khu xóm. Mỗi khu xóm có một người trách nhiệm cùng với một phụ tá.
e) Những người phụ trách các ban ngành chuyên biệt (phụng vụ, tiếp tân, thánh nhạc v.v…) và những phong trào khác nhau (xã hội, từ thiện, công lý hòa bình v.v…) và các hội đoàn (Đạo Binh Đức Mẹ, Hướng Đạo v.v…) (166).
4) Điều kiện để được ứng cử.
Trước tiên, đây là những khác biệt giữa cuốn Chức Sở Mục Lệ ngày trước của Hội Đồng Quí Chức so với các qui chế ngày nay của Hội Đồng Giáo Xứ; và giữa những quy chế ngày nay cũng có nhiều khác biệt.
a) Cả 3 quy chế Hội Đồng Giáo Xứ của Huế, Xuân Lộc và Đà Lạt đều chấp nhận ứng viên phái nữ (167). Quy định nầy không có trong quy luật của Hội Đồng Quí Chức và trong các qui chế của các giáo phận khác.
b) Theo các quy chế của Xuân Lộc, Đà Lạt và Long Xuyên, những giáo dân nào hiện là cán bộ (cadres) của một đảng phái chính trị thì không được ứng cử (168). Quy định này không có trong quy luật của Hội Đồng Quí Chức ngày xưa và trong qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay ở các gíáo phận khác. Tuy nhiên, quy luật của Hội Đồng Quí Chức lại khuyến khích rằng các chức việc công giáo đừng ngại gánh vác những chức vụ dân sự (169), trong khi đó thì các quy chế của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay giữ yên lặng về điểm nầỵ Chúng tôi nghĩ 'yên lặng tức ở đây có nghĩa là chấp nhận'
c) Cuốn Chức Sở Mục Lệ của Hội Đồng Quí Chức xác định rằng: ứng cử viên vào chức trùm cả (hay chánh trương) và trùm phó (hay phó trương) trong Hội Đồng Quí Chức chỉ dành rêng cho các thành viên đương nhiệm; cũng tương tự như thế, chỉ có những thành viên đã hay đang đảm trách một khu xóm (giáp, biện phái, trưởng khu, trưởng xóm) mới được ứng cử vào các chức vụ cao hơn trong họ đạo và trong giáo xứ (170). Quy định nầy có khi bị từ khước, có khi chỉ được chấp nhận một phần trong các quy chế Hội Đồng Giáo Xứ. Quy chế của giáo phận Xuân Lộc xác định rằng: "Ứng viên phải là thành viên trong một hội đoàn Công Giáo Tiến Hành (171); qui chế của giáo phận Cần Thơ để dành quyền ứng cử chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và thủ quỹ trong ban chấp hành (Ban Thường Vụ) cho các ứng viên ít nhất đã đảm trách (172) chức vụ trong khu xóm; quy chế của địa phận Long Xuyên cũng quy định như thế, và còn chấp nhận cho tất cả các cựu thành viên có đủ điều kiện được ra ứng cử (173); theo quy chế của địa phận Đà Lạt, thì ứng cử vào các chức vụ chủ tịch hay phó chủ tịch phải đã là thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ hay thành viên của các Hội Đồng tương tự (như Hội Đồng Mục Vụ) hay là thành viên trong ban chấp hành của một hội đoàn công giáo (174). Các qui chế của các giáo phận Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Phú Cường không đề cập đến. Và trong trường hợp này, 'yên lặng lại có nghĩa là không chấp nhận'.
Những điều kiện khác thì không đồng nhất: tuổi thấp nhất của ứng viên là 25 tuổi tròn, nhưng ứng cử chủ tịch và phó chủ tịch thì phải từ 40 tuổi trở lên; ứng viên phải là một cá nhân đức hạnh, có uy tín, có khả năng chu toàn trách vụ được giao phó, không bị ngăn trở gì về đời sống dân sự và đời sống tôn giáo v.v…
5) Bầu cử:
a) Cử tri: Tất cả đàn ông, đàn bà thuộc giáo xứ từ 20 tuổi theo quy luật của Hội Đồng Quí Chức và 18 tuổi theo quy chế của Hội Đồng Giáo Xứ, có quyền bầu cử.
b) Phương thức bầu cử: Có ba hình thức để chọn: bầu cử phổ thông và trực tiếp, bầu cử gián tiếp, chỉ định của cha sở. Qui luật của Hội Đồng Quí Chức và thông lệ ngày trước chọn hình thức thứ nhì và thứ ba (176); Các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ chọn hình thức thứ nhứt và thứ nhì, nhưng dành cho cha sở làm chủ tọa các cuộc bầu cử. Hơn nữa, ngoại trừ quy chế của 2 giáo phận Sài Gòn và Phú Cường, tất cả các nơi khác đều chọn một cách kỹ càng theo hình thức trực tiếp và gián tiếp:
Bầu cử trực tiếp: Tất cả các tín hữu từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử các thành viên của ban điều hành khu vực của mình và các thành viên ban điều hành giáo xứ của mình. Tất cả thành viên của một hội đoàn, của một phong trào hay của một hội thân hữu thì bầu cử những người trách nhiệm cho các tổ chức đó.
Bầu cử gián tiếp: Tất cả thành viên đã được chọn bầu vào các các ban chấp hành và các ban quản trị và tất cả các viên chức đã được chọn vào ban điều hành của các hội thân hữu, các phong trào và các đoàn thể hiệp hội có quyền bầu cử để tuyển chọn các thành viên của ban thường vụ (177).
c) Những người được trúng cử: Tất cả các qui chế đều dành cho cha sở quyền chuẩn nhận kết quả của cuộc bầu cử. Không có sự đồng ý của cha sở thì cuộc bầu cử không có giá trị. Cha sở phải đệ trình lên giám mục bản danh sách của những người vừa mới được trúng cử vào ban thường vụ để được chuẩn phê chung quyết kết quả bầu cử và để cấp phát văn bằng chứng nhận cho mỗi người (178). Quy định này đã ghi trong cuốn Chức Sở Mục Lệ và cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội(179). Sau cùng, lễ ra mắt của các viên chức mới của ban thường vụ phải được tổ chức một cách trọng thể và nhân dịp nầy cha sở chính thức công bố cho giáo dân biết tên tuổi và chức vị của các thành viên mới được bầu cử. Các tân chức lên đứng trước cộng đoàn và cha sở hay đức giám mục (quy chế của Huế), tuyên thệ trung thành với bổn phận của mình, hợp tác chân thật với cha sở và với các thành viên khác của Hội Đồng Giáo Xứ, đem hết khả năng của mình phục vụ cho giáo xứ, cho vinh danh Thiên Chúa và cho phần rỗi các linh hồn. Tất cả các quy chế ngày nay đều chấp nhận nghi lễ ra mắt này (180), còn cuốn Chức Sở Mục Lệ thì chỉ quy định: sau khi cấp phát văn bằng chứng nhận, cha sở, trong buổi lễ ngày chúa nhật tiếp theo, sẽ công bố danh tánh của tân chức cho các tín hữu biết (181).
6) Giá trị đại diện và năng lực
Sau khi đọc các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ, chúng tôi nhận thấy rằng: quả thật, khi chú trọng vào những tư cách cá nhân, năng lực, tài cán và uy tín cộng đoàn, người ta đã không quên tư cách đại diện và cộng đồng tính của cơ chế nầy. Nét khác biệt rõ ràng giữa những thành viên trong Hội Đồng Quí Chức ngày xưa so với các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, là đa số các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức đều lớn tuổi, vì thế nhiều người muốn dịch từ 'notable' là "kỳ mục" "kỳ lão", "cao niên". Ngược lại, trong Hội Đồng Giáo Xứ thì những người đại diện trẻ trung, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của họ đạo, bao gồm cả phái nữ. Như vậy, Hội Đồng Giáo Xứ là một tổ chức đại diện trung thực cho cả một cộng đồng. Và cũng chính là nhờ hình thức bầu cử khiến cho 'tính cách đại diện' được bảo đảm. Hơn thế nữa, trên nhiều môi trường hoạt động tông đồ của giáo dân hôm nay thì tính cách đại diện cho cộng đồng bảo đảm với chúng ta về năng lực của mỗi thành viên và của cả Hội Đồng Giáo Xứ.
Chúng ta không thể chối bỏ thiện chí, nhiệt tình và đức độ của các quí chức già nua, tuy nhiên những nhận định của chúng ta cũng không khác với những điều đức tổng giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền đã viết sau đây: "Ngày nay, Hội Đồng Quí Chức không đáp ứng được các nhu cầu của thời đại" (182). Một trong những lý do chính yếu là vì hội đồng nầy thiếu năng lực trong nhiều lãnh vực hoạt động của sứ vụ tông đồ: "Họ là những người đức hạnh, có uy tín, nhiệt thành nhưng bao nhiêu đó không đáp ứng đủ cho các nhu cầu và những vấn đề của giáo phận và của xã hội; quan điểm và nhận thức của họ quá khác biệt với những quan điểm và nhận thức của những giáo dân trẻ trung và của trào lưu tiến bộ hiện nay trên thế giới. Hậu quả là, những hoạt động của họ trở thành vô hiệu quả và họ trở thành vô năng lực trong khi thi hành chức vụ của mình. Tình trạng càng trở nên xấu thêm nếu cha sở quan niệm rằng Hội Đồng Quí Chức chỉ là một công cụ thừa hành và là chỗ 'ký gởi' quyền uy của mình".
Chúng tôi còn muốn thêm rằng: Hội Đồng Giáo Xứ được tạo phác bởi các qui chế là khí cụ tông đồ được tổ chức vừa rất hoàn mỹ, vừa rất chuyên biệt, trong khi Hội Đồng Quí Chức chỉ phản ảnh một phương pháp được cơ cấu hóa. Theo Công Đồng Vatican, người ta phải đề xuất những phương cách mục vụ thích hợp để yểm trợ đời sống tinh thần và giải quyết những vấn đề thúc bách của mọi tầng lớp tín hữu (183), người ta phải tạo dựng công trình hoạt động tông đồ tùy theo những môi trường cần phải đạt tới (184).
7) Những kỳ hội họp.
Trong những văn bản cũ viết về Hội Đồng Quí Chức không thấy nói tới các phiên họp định kỳ ngoại trừ những ngày mà thành viên thủ quỹ đệ trình sổ chi thu cho cha sở và các quí chức(185). Như thế có nghĩa là các quí chức chỉ được mời đi hội khi nào trong họ đạo có việc cần thiết. Ngược lại, tất cả các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ đều xác định rõ ràng những ngày tháng cho những kỳ hội họp khác nhau. Những kỳ hội họp này được phân ra thành 3 loại khác nhau: hội thường lệ, hội bất thường và đại hội. Những buổi hội thường lệ của ban thường vụ và của những ban điều hành đặc biệt khác được quy định vào mỗi tháng hoặc mỗi hai tháng một lần (185). Kỳ hội đặc biệt hay hội bất thường, được tổ chức khi nào giáo xứ có nhu cầu đặc biệt (186); đại hội (còn gọi là đại hội thường niên) sẽ được tổ chức vào ngày lễ Quan Thầy của giáo xứ (187).
Chỉ riêng quy chế của giáo phận Huế trình bày chương trình tổng quát cho các buổi hội họp: buổi họp gồm 3 phần: trước tiên, học hỏi về một đề tài do một thuyết trình viên hướng dẫn; kế đến, bá cáo tình hình của giáo xứ hoặc của mỗi lãnh vực hoạt động, sau cùng, thảo luận về những đề nghị và thiết lập các phương án mới v.v… (188)
Thời gian của mỗi kỳ nhóm họp thường lệ hay đặc biệt sẽ là một giờ ba mươi phút theo qui chế của giáo phận Sài Gòn và Phú Cường (189). Không thấy đề cập đến giờ giấc cho các kỳ nhóm họp trong các qui chế của các giáo phận khác.
8) Giá trị của những quyết định từ những kỳ hội họp
Cha sở (cha xứ) là người trước hết chịu trách nhiệm về sự tiến triển tốt đẹp của họ đạo được trao phó cho ngài. Vì thế trước kia, Hội Đồng Quí Chức luôn luôn hoạt động dưới quyền điều khiển của cha sở và phải vâng theo chỉ thị của ngài. Điều nầy rõ ràng trong các văn kiện cũ (190). Khi nói về Hội Đồng Mục Vụ (và những hội đồng tương tự). Tự sắc về 'Giáo Hội' tuyên bố rằng 'hội đồng nầy chỉ có tiếng nói tư vấn' (191). Tất cả các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ đều công nhận một cách minh nhiên qui định nầy: Tất cả các quyết định của Hội Đồng Giáo Xứ trong ba hình thức hội họp nói trên, chỉ có giá trị khi được cha sở chấp nhận (192). Ngoài ra, qui chế của giáo phận Long Xuyên còn tuyên bố thêm rằng: cha sở hay cha phụ tá của ngài mới có quyền chủ tọa các buổi hội thường lệ hay đặc biệt và buổi đại hội thường niên của Hội Đồng Giáo Xứ (193).
Theo thiển ý của chúng tôi, việc xem Hội Đồng Giáo Xứ như một cơ cấu chỉ có quyền tư vấn, là phù hợp với bản chất phẩm trật trong Giáo Hội và trong cộng đoàn giáo xứ. Thật vậy, các cha sở là những người cộng tác của giám mục. Các ngài là những chủ chăn đúng nghĩa được trao phó việc chăm sóc các linh hồn trong một phần đất nhất định của giáo phận, dưới quyền của giám mục (194). Vì là chủ chăn, các ngài cũng có những trách nhiệm riêng đối với giáo xứ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cha sở có thể quyết định ngược lại hay coi thường những nguyện vọng (recommandations) của cộng đoàn đã được biểu quyết bởi đa số phiếu của Hội Đồng Giáo Xứ. Với tư cách là người lãnh đạo cộng đoàn, cha sở chủ trì Hội Đồng Giáo Xứ, nhưng chủ trì không có nghĩa là ban ra những quyết định độc đoán không có sự đồng thuận với các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ. Vì thế, ngoại trừ những quyết định có tính cách trái ngược rõ ràng với qui luật của Giáo Hội hay với chỉ thị của giáo phận, một cha sở khôn ngoan sẽ không cố tình phủ nhận những ý kiến của đa số thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ.
9) Nhiệm kỳ của thành viên hội đồng
Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, nhiệm kỳ của thành viên chủ tịch (trùm cả) là suốt đời, còn nhiệm kỳ của những thành viên khác trong hội đồng là 5 năm (195). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội ấn định một nhiệm kỳ là 6 năm áp dụng cho tất cả các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức và tất cả thành viên đều được quyền tái cử (196). Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi các thành viên thuộc một gia đình hay một gia tộc, họ thay phiên nhau đảm nhận các chức vị quan trọng trong giáo xứ hay họ đạo. Trong trường hợp này, họ đạo sẽ chịu nhiều thiệt hại. Ngày nay các quy chế Hội Đồng Giáo Xứ chấp nhận một nhiệm kỳ từ 3 đến 5 năm cho tất cả thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ và họ có thể tái cử vào chức vị cũ trong Hội Đồng Mục Vụ hoặc một chức vị mới (197).
10) Những khó khăn
Chuyển tiếp từ Hội Đồng Quí Chức sang Hội Đồng Giáo Xứ là một bước tiến lớn lao trong việc thích ứng mục vụ của các giám mục, linh mục và giáo dân công giáo Việt Nam. Tất cả đều ý thức sâu xa về những nhu cầu mục vụ rộng lớn của các giáo xứ trong thời hậu Công Đồng (Vatican II), về những sự thay đổi nhanh chóng của một xã hội bị xáo trộn quá nhiều vì chiến tranh, bị phân hóa bởi những ảnh hưởng khác nhau đến từ Âu Mỹ, bởi những khuynh hướng chính trị quốc gia và cộng sản… Tất cả đều muốn đáp ứng lời kêu gọi của Công Đồng 'Các Hội Đồng giám Mục phải biết thích nghi thỏa đáng với những phương pháp và những cơ chế thích hợp theo những hoàn cảnh về thời gian, không gian và nhân sự (198); ‘lời kêu gọi của đức giáo hoàng Phaolô VI' Giáo Hội phải tự canh tân nội tình và thích ứng các cơ cấu của Giáo Hội theo nhu cầu của thời đại hầu chu toàn sứ mệnh cứu thế (199); và sau cùng, những nguyện vọng tha thiết về việc canh tân các giáo xứ và các họ đạo của Dân Chúa (200). Do đó, đa số các giám mục Việt Nam đã thiết lập trong giáo phận của mình một ủy ban soạn thảo quy chế Hội Đồng Giáo Xứ, rồi đích thân, đức giám mục đã trân trọng phổ biến và cho áp dụng qui chế đó trong tất cả các họ đạo thuộc giáo phận, hay ít ra áp dụng tạm thời trong 3 năm (aggiornamento). Có thể nói, các qui chế đã được tiếp nhận nồng nhiệt bởi đa số hàng linh mục và giáo dân. Tuy nhiên, khi các qui chế được đem ra áp dụng thì gặp phải rất nhiều trở ngại! Trở ngại từ não trạng của các linh mục và giáo dân, trở ngại từ sự thiếu thốn nhân sự trong giáo xứ, trở ngại vì tình hình xã hội và chính trị trong nước.
a) Tâm lý bảo thủ của nhiều linh mục: Thông thường các linh mục đã được đào tạo và được bổ nhiệm để hành động đơn độc một mình như là những cấp chỉ huy độc nhất có trách nhiệm điều hành tốt một giáo xứ. Các linh mục thường hay tự đặt mình lên trên cộng đoàn theo bổn phận phục vụ các nhu cầu tinh thần cho giáo dân trong các họ đạo và chỉ chịu trách nhiệm trước giám mục giáo phận mà thôi. Vì thế, các ngài không muốn chia sớt gánh nặng mục vụ cho giáo dân trong họ đạo, sợ rằng quyền uy cá nhân của mình bị mất mát. Mặt khác, có nhiều linh mục sợ canh tân không phải vì họ thiếu khả năng thực hiện, nhưng vì họ nghĩ rằng những canh tân sẽ xáo trộn tính cách hài hòa truyền thống của họ đạo. Do đó, các ngài ưa chuộng Hội Đồng Quí chức cổ xưa hơn là Hội Đồng Giáo Xứ mới mẻ ngày nay. Kết quả là tập qui chế mới mẻ đức giám mục gửi tới, chỉ nằm ngủ trong góc văn phòng giáo xứ với những lớp bụi mỗi ngày thêm dầy cộm.
b) Tâm lý tiêu cực của giáo dân: Có những họ đạo mà trong đó giáo dân đã nhiễm thói quen tiêu cực. Hầu như theo bản năng, họ không thể chấp nhận cho giáo dân đảm trách những chức vụ mà từ trước đến nay vốn chỉ dành riêng cho các hàng linh mục. Họ dễ dàng phê phán hoặc bài bác các việc làm của cha sở và của các tín hữu khác, nhưng họ lại cho rằng không tội vạ gì phải dây mình và việc điều hành cộng đoàn. Đó là việc của cha sở. Hậu quả là họ lạnh lùng trước mọi vấn đề trong họ đạo. Họ chỉ có việc đi xem lễ, mỗi cuối năm họ đóng góp tiền bạc một cách tượng trưng. Như thế là đủ rồi. Hội Đồng Giáo Xứ với qui chế hiện nay, đối với họ, là tân thời và cấp tiến quá !. Họ không tìm thấy điều gì liên hệ mật thiết với cuộc sống của họ !
c) Thiếu thốn nhân sự hoạt động: Chiến tranh đã xảy ra từ lâu và gây bao thảm hại, nhất là vùng nông thôn. Những người trẻ bị động viên vào quân đội, những tín hữu được đào tạo và có khả năng đều phải lẩn trốn đi nơi khác để mưu sinh và tránh né sự bách hại của những kẻ thù hằn. Nơi họ đạo chỉ còn lại những người già nua, đàn bà và trẻ nít! Tất cả đều nghèo khốn và sống trong sợ sệt hãi hùng. Trong tình huống như thế, sự thiết lập một Hội Đồng Giáo Xứ thật là khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Thiếu nhân lực và mọi phương tiện để hoạt động! Họa may mà thiết lập được, thì sự hữu hiệu của Hội Đồng Giáo Xứ cũng không hơn gì Hội Đồng Quí Chức. Đã có dư luận cho rằng chỉ có danh xưng của Hội Đồng được thay đổi thôi, mọi thứ còn lại vẫn như cũ! Rõ thật là nhân định bất thắng thiên'.
d) Dưới chế độ cộng sản: Chiến tranh 30 năm qua nay đã chấm dứt. Đất nước đã thống nhất và dưới quyền cai trị của Nhà Nước cộng sản. Tuy không có những cuộc bách hại kiểu thời vua chúa, ngược lại quyền tự do tôn giáo đã được long trọng công bố nhiều lần bởi chính quyền và được ghi ra trong hiến pháp. Nhưng trên thực tế, giống như Giáo Hội Công Giáo ở miền Bắc, Giáo Hội Công Giáo miền Nam đã từ lâu ở trong tình huống bị chèn ép một cách tinh vi và đời sống của các giáo phận và các giáo xứ đang rơi vào tình trạng tê liệt. Trong một tình thế bi thảm như vậy, việc áp dụng các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ tất nhiên là rất khó khăn. Dù sao thì mọi việc qua đi trong sự quan phòng của Thiên Chúa và từ nơi Thiên Chúa mà chúng ta mới luôn luôn có đầy tràn hy vọng.
Chúng tôi muốn chấm dứt phần trình bày của chương này bằng một lời ca ngợi thán phục gởi đến các vị thừa sai ngày trước đã thích ứng cơ cấu các chức sắc trong các làng xã dân sự cổ truyền vào Hội Đồng Chức Việc hay Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo Công Giáo Việt Nam. Hội đồng này rõ thật không phải là một hệ thống hoàn hảo về tông đồ giáo dân, nhất là theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II. Dù sao, theo trào lưu lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam thì Hội Đồng Quí Chức đã tạo dựng những hoạt động tông đồ rất tích cực. Những hoạt động này, mặc dù đã được thực hiện từ hơn 400 năm qua, luôn thực sự rất gần với các giáo huấn của Công Đồng về tông đồ giáo dân ngày naỵ
Vì vậy, đối chiếu Hội Đồng Quí Chức ngày xưa với Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, chúng tôi không muốn nói rằng Hội Đồng Quí Chức đã bị thay thế bởi Hội Đồng Giáo Xứ, mà chỉ muốn nói một cách công bình rằng Hội Đồng Quí Chức đã được trau chuốt thêm cho thích hợp với các nhu cầu hiện nay của các giáo xứ và của Giáo Hội Việt Nam.
--------------------------------
Chú thích
1 Mục đích việc thiết lập Hội Đồng Quí Chức, xem CSML 2,5,
2 Bầu cử các Chức việc, xem CSML 6-9.
3 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
4 GM, 30 trg AAS 58 (1966) tr.688
5 GH, 28 trg AAS 57 (1965) tr.35
6 ĐT, 2 trg AAS 58, (1966) tr.714
7 TĐ,10 trg AAS 58, (1966) tr.847
8 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
9 TĐ, 2, 21 trg AAS 58 (1966) tr.839,63
10 TĐ, 16 trg AAS 58 (1966) tr.851
11 GH, 31 trg AAS 57 (1965) tr.37
12 TĐ, 31 trg AAS 58 (1966) tr.863
13 TĐ, 3 trg AAS 58 (1966) tr.839
14 TĐ, 120 trg AAS 58 (1966) tr.960
15 HN, 7 trg AAS 578 (1965) tr.97
16 TĐ, 23 trg AAS 58 (1966) tr.856
17 TĐ, 4 trg AAS 58 (1966) tr.840
18 GH, 31 trg AAS 57 (1965) tr.38
19 TĐ, 7 trg AAS 58 (1966) tr.844
20 GH, 36 trg AAS 57 (1965) tr.41
21 TĐ, 8 trg AAS 58 (1966) tr.844
22 TĐ, 31 trg AAS 58 (1966) tr.862
23 TĐ, 3 trg AAS 58 (1966) tr.839
24 TĐ, 10 tg AAS 58 (1966) tr.846
25 TĐ, 4, 10 trg AAS 58 (1966) tr.840,846
26 GM, 14 trg AAS 58 (1966) tr.679
27 GD, 4 trg AAS 58 (1966) tr.728
28 GM, 2-4 trg AAS 58 (1966) tr.687-679
29 GM, 30 trg AAS 58 (1966) tr.689
30 LM, 4,6 trg AAS 58 (1965) tr.996; 999-1000
31 GH, 41 trg AAS 57 (1965) tr.47
32 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
33 TG,15 trg AAS 58 (1966) tr.965
34 TĐ,30 trg AAS 58 (1966) tr.861; TG,17 trg. AAS 58 (1966) tr.967-968
35 GH, 37 trg AAS 57 (1965) tr.42-43; TĐ, 24 trg AAS 58 (1966) tr.856;LM, 9 trg AAS 58 (1966) tr.1005-1006
36 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.869
37 TG, 20 trg AAS 58 (1966) tr.970-971
38 LM,17 trg AAS 58 (1966) tr.1017
39 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
40 TĐ,25 trg AAS 58 (1966) tr.858
41 TĐ,24 trg AAS 58 (1966) tr.856-857
42 TĐ,23 trg AAS 58 (1966) tr.856
43 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.855
44 TĐ,8 trg AAS 58 (1966) tr.846
45 GH,28 trg AAS 57(1965) tr.34
46 MV,28 trg AAS 58 (1966) tr.1048
47 GH,34-36 trg AAS 57(1965) tr.39-41; TĐ,2,10 trg AAS 58 (1966) tr.838-846
48 CSML I
49 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.838
50 GH,35 trg AAS 57 (1965) tr.41
51 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.839
52 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.838
53 TG,20 trg AAS 58 (1966) tr.970
54 TG,37 trg AAS 58 (1966) tr.984
55 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
56 CSML 7
57 SI 3 (1929) tr.122
58 TĐ,3 trg AAS 58 (1966) tr.839
59 GH, 35 trg AAS 57 (1965) tr.40
60 GH,34 trg AAS 57 (1965) tr.39
61 MV,43 trg AAS 58 (1966) tr.1063
62 GH,38 trg AAS 57 (1965) tr.43
63 TG,21 trg AAS 58 (1966) tr.972
64 TĐ,29 trg AAS 58 1966) tr.860
65 GH,33 trg AAS 57 (1965) tr.39
66 TG,15 trg AAS 58 (1966) tr.964
67 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688
68 TĐ,17 trg AAS 58 (1966) tr.852
69 TG,20, 21 trg AAS 58 (1966) tr.970,973
70 LM,5 trg AAS 58 (1966) tr.997
71 GH,40 trg AAS 57 (1965) tr.44-45
72 GH,39 trg AAS 57 (1965) tr.44
73 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.46
74 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
75 GH,42 trg AAS 57 (1965) tr.49
76 GH, 41 trg ĂS 57 (1965) tr.47
77 GH,42 trg AAS 57 (1965) tr.48
78 TĐ,16 trg AAS 58 (1966) tr.851
79 TĐ,1 trg AAS 58 (1966) tr.862
80 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
81 GH,8 trg AAS 57 (1965) tr.11
82 GH,65 trg AAS 57 (1965) tr.64
83 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688-689
84 TĐ,30 trg AAS 58 (1966) tr.851
85 TĐ,23 trg AAS 58 (1966) tr.856
86 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
87 GH,35 trg AAS 57 (1955?) tr.40; TG, 29 trg AAS 58 (1955) tr.979-980); AA, 20 trg AAS 58 (1966) tr.855
88 CSML,2,28; DHN 150
89 CSML, 17,21
90 CSML, 30; AD tit.IV cap.I I n.1/1 p.112; Cf Louvet E, 'LA COCHINCHINE RELIGIEUSE', I tr.357
91 DNQ 115, DH 101
92 DNQ 112, DH 98
93 AD tit,IV cap. III n 1/1, tr.112
94 CSML 29
95 CSML 61
96 Cf Louvet E. op.cit. I, tr.357
97 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688
98 GH,33 trg AAS 57 (1965) tr.39
99 TĐ,6 trg AAS 58 (1966) tr.843
100 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
101 TG,28 trg AAS 58 (1966) tr.979
102 TG,21 trg AAS 58 (1966) tr.972
103 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr. 846
104 Xem NGUYỄN-HỒNG, 'LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM', I, tr.206-210)
105 TĐ,18 trg AAS 58 (1966) tr.853
106 TĐ,18 trg AAS 58 (196) tr.854
107 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.855
108 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.854
109 Đọc lại chương VI, các tr.120-122, 328-337, 337-346
110 Đọc lại chương V các tr. 285-307
111 CSML 3; đọc lại chương. III các tr.147-148; chương IV các tr.236-245
330 Hội Đồng Quý Chức
112 CSML 3,4
113 TĐ,5 trg AAS 58 (1966) tr.842
114 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844
115 GH,36 trg AAS 57 (1965) tr.41
116 MV,26 trg AAS 58 (1966) tr.1046
117 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844; GH,35 trg AAS 57 (1965) tr.40; MV, 52 trg AAS 58 (1966) tr.103
118 TG,21, 22 trg AAS 58 (1966) tr.972-973; GH,36 trg AAS 57 (1965) P. 41; MV, 61,62 trg AAS 58 (1966) tr.1082-1083.
119 TĐ,6 trg AAS 58 (1966) p. 843
120 MV,25 trg AAS 58 (1966) tr.1045; TG, 22 trg. AAS 58 (1966) tr.973
120' Đọc lại chương VI các tr.310-320
120'' GH,32 trg AAS 57 (1965) tr 38
120''' TĐ, 25 trg AAS 58 (1966) tr.857
121 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844; MV, 9 trg AAS 58 (1966) tr.1030 TĐ, trg AAS 58 (1966) tr.844
122 TĐ, 7 trg AAS 58 (1966) tr.844
123 CSML 61
124 TĐ10 trg AAS 58 (1966) tr.847
125 TĐ,38 trg AAS 58 (1966) tr.693
126 TĐ,32 trg AAS 58 (1966) tr.863
127 MV, 27 trg AAS 58 (1966) tr.1047
128 MV,93 trg AAS 58 (1966) tr.1114
129 LM,6 trg AAS 58 (1966) tr.9997
130 HN,7 trg AAS 57 (1965) tr.97
131 GH,36 trg AAS 57 (1966?) tr.41; TG, 20 trg AAS (1966) tr.971
132 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
133 GH,37 trg AAS 57 (1965) tr.43
134 Từ năm 1960 Toà Thánh đã thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam qua sắc lệnh "VENERABILIUM NOSTRORUM" ban hành ngày 2 tháng 11 năm 1960, trg AAS 53 (1960) tr.340-325. Như vậy, tất cả các toà Giám Quản Tông Tòa trở thành địa phận và các vị Giám Quản Tông Tòa trở thành các giám mục chính tòa và các 'chuẩn giáo xứ' trở thành những giáo xứ.
135 Xin lưu ý rằng những trang kế tiếp sau đây chỉ đề cập tới Giáo Hội Công Giáo ở miền Nam Việt Nam mà thôi. Ở miền Bắc Việt Nam thì tổ chức Hội Đồng Quí Chức vẫn còn luôn trong tình trạng tiền công đồng. Và sau đây là các giáo phận Việt Nam có ban hành 'Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ': NhaTrang (1968), Huế (1969), Sài Gòn, Phú Cường, Long Xuyên, Xuân Lộc (1971), Đà Lạt (1973), Cần Thơ (1974).
136 TĐ 10 trg AAS 58 (1966) tr.757-787
137 GM,27 trg. AAS 58 (1966) tr.687: "Valde optandum est ut in unaquaque diocesi peculoaire instutuatur Concilium pastorale, cui episcopus diosesanus ipse praesit et in quo clerici religiosi et laici, specialiter delecti, partes habeant. Hujus Conciliieriea quae ad pastoralia opera spectant investigare, perpendere atque de eis practicas expromere conclusions.
138 TĐ, 26 trg AAS 58 (1966) tr.858
139 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.686
140 TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858
141 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.687; TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858; ES, 16/3 trg AAS 58 (1966) tr.766
142 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.686
143 PV, 42 trg AAS 56 (1964) tr.III
144 GM, 27 trg AAS 58 (1966) tr.687; TĐ, 26 trg AAS 58 (1966) tr.858; ES, 16/1 trg AAS 58 (196) tr.766
145 TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858
146 ES,16/2 trg AAS 58 (1966) tr.766
147 Quy chế của giáo phận Sài Gòn ấn định: "Tại mỗi giáo xứ có một trung tâm đầu não duy nhứt, đó là Hội Đồng Giáo Xứ ' QCHĐGX/SG 3.
148 QCHDGX/SG, PC, 4; - H.I /ĐL/27- CT.2 - XL.2LX.I
149 Tất cả các quy chế đều có chung một định nghĩa: "Hội đồng giáo xứ là một tổ chức gồm những giáo dân ưu tuyển" (Le conseil paroissal est l'organisme comprenant des fidèles d'élite) QCHDGX/SG et PC.4, QCHDGX/H.I /ĐL,27/CT.2.2/XL.2/LX.I /NTI
150 'Sự cộng tác với cha sở đặc biệt được xem như là bản chất, định nghĩa và là mục tiêu của Hội Đồng Giáo Xứ’ ham chiếu những trích dẫn ở trên (chú thích 149)
151 Xem: QCHDGX/SG et PC.7-10 /H.10-17/ ĐL,50-56/ XL.21-30/ CT.9-16/ LX.40-49.
152 Trong giáo phận Nha Trang, đức giám mục là chủ tịch Hội Đồng Giáo Dân cấp địa phận. Hội đồng này có ba phó chủ tịch mà một trong 3 người đặc trách về các vấn đề hành chánh của các Hội Đồng Giáo Xứ, QCGD, III, tr.79
153 QCHDGX/XL, 21: "Hội đồng giáo xứ hợp tác với cha sở để hướng dẫn và điều hành tất cả các ban ngành hoạt động của giáo xứ". / SG et PC.7: "Hội đồng giáo xứ hợp tác với cha sở để phục vụ giáo xứ qua các hoạt động nhằm mục tiêu bảo tồn một cách đồng nhứt và phát triển toàn vẹn những giá trị tinh thần và vật chất của giáo xứ"; - "Ban thường vụ, đại diện cho hội đồng giáo xứ, cộng tác với cha sở, điều hành mọi công việc của giáo xứ và huy động các ban ngành, các hội đoàn v.v... để cùng chung nhau thực hiện các dự án thích hợp" Xem 'Mazzoli A. La Pastorale nella Parrochia moderna', tr.107-108.
154 Xem QCHDGX/LX.40-49 /XL,21-30 /ĐL.50-58 /CT. 9-16 /H. 10-17.
155 QCHDGX/H (1969) tr.3-4
156 QCHDGX/H. 1
157 QCHDGX/SX, tr.21
158 CSML 1,2; ĐQN 112; ĐH.98; QCH ĐGX/SG và PC. 7 /XL.21 /CT.2 /LX.1
159 CSML.7;/QN.114,/DH.100,/DHN.150/QCHĐGX/SA và PC.21/LX.43/ ĐL.37 /XL.II
160 CSML 2,28,30 ĐQN 112 ĐH 98; QCHĐGX/SG và PC 4,7 / ĐL.27,50/ LX. 1,40 /XL. 1,21
161 CSML 14-16, 34, 43, 45-46, QCH ĐGX/SG và PC.9 / ĐL.51
162 CSML 21-22, 26-27, 51, QCHĐGX/XL.21 / CT.16 / LX.40
163 CSML 1,38, QCHĐGX/XL.21-22 /SG và PC.7 / LX.43
164 CSML 3-4 QC ĐGX/CT.10 /SG và PC.9 / ĐL.51
165 Tuy nhiên, tất cả các quy chế đều quy định rằng: "những quyết định của Hội Đồng Giáo Xứ chỉ có giá trị với sự chuẩn nhận của cha sở" QCHĐGX/ LX.36 ? /SG và PC.16 /XL.34 /CT.19 /H.13.
166 Chẳng hạn, mỗi giáo xứ thuộc giáo phận Huế có 9 người đặc trách về các ngành chuyên biệt: Phụng vụ, thánh nhạc, lễ nghi, trật tự chung, giáo dục, tài chánh, xây dựng, hoạt động bác ái, thông tin. Trong một giáo xứ lớn, trách nhiệm của mỗi người đặc trách ngành chuyên biệt còn có thể thiết đặt thêm một ban điều hành riêng cho môi trường hoạt động của mình, tuy nhiên ban này chỉ là một thành phần của Hội Đồng Giáo Xứ mà thôi" QCHĐGX/H.4
167 QCHĐGX/H.21: ứng viên vào Hội Đồng Giáo Xứ có thể là nam hay nữ"; XL.12: "ứng viên có thể là một người phái nữ, nhưng đương sự phải hội đủ điều kiện luật buộc và được chấp nhận bởi tục lệ địa phương" /ĐL.37; "Mọi tín hữu nam hoặc nữ, nếu hội đủ điều kiện đều có thể ứng cử và được bổ nhiệm vào hội đồng mục vụ hay vào ban điều hành ban ngành"
168 "Ứng viên không thể là thành phần lãnh đạo (/XL.9), mà cũng không thể là một cán bộ nồng cốt (/ LX.II /ĐL.32) của một đảng phái chính trị"
169 Những ai tham gia vào những chức vụ quan trọng trong giáo xứ cũng có thể là chức sắc trong làng xã hay trong các cơ quan hành chánh dân sự. Chúng ta cũng mong ước rằng, trong các làng xã công giáo người ta nên chọn lựa một số chức sắc trong làng để bảo vệ sự hài hòa chung" GSML 4; ĐHN 150
170 CSML 6-7
171 QCHDGX/ XL. II
172 QCHDGX/CT.21
173 QCHDGX/LX.16
174 QCHDGX/SSL.37
175 CSML.6; QCHDGX/H22 / ĐL36 /LX.24 /XL.16 /SG, PC.20
176 CSML.6. ĐQN 113, ĐH 99. Chính vì lý do lạm dụng này mà các giáo phận Qui Nhơn và Huế đã khuyến cáo các cha sở: "Việc tuyển chọn một ứng cử viên nào đó bằng một cuộc bầu phiếu là để người đó trở thành đại diện của các tín hữu chứ không phải là người bảo vệ quyền lợi của cha sở" ĐQN 114, ĐH 100).
177 QCHDGX/SG,PC.20 /XL.15-27; /ĐL.39-45 /H.22-24
178 QCHDGX/ĐL.42 /XL.18 /LX.18
179 CSML 6; ĐHN 150
180 QCHDGX/LX.19 và phụ lục tr.27 /XL.20 và phụ lục tr.119-128 /ĐL.43 /H.24
181 CSML.6
182 QCHDGX/H. tr.3
183 GM,18 in AAS 5891966) tr.682
184 AA,326 trg AAS 58 (1966) tr.863
185 Vào ngày lễ các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô (CSML,27), vào dip lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh (ĐHN,150), một ngày lễ hội sau mùa gặt lúa (ĐQN.323)
186 Vào mỗi tháng: QCHDGX/ĐL.57 /H.H30 /XL.32 /SG,PC.15. Vào mỗi 2 tháng: /LX.33 /CT.43 /NT.56
187 QCHDGX/SG,PC.15 /LX.34 /XL.32 /H.30 /ĐL.57
188 QCHDGX/H.30
189 QCHDGX/SG và PC.15
190 CSML 2,14,22,28 ĐQN 112,115; ĐH 98,101; ĐHN 150
191 ES, 16/2 rg AAS 58 (1966) tr. 766
192 QCHDGX/XL.34 /LX.36 /CT.19 /SG và PC.16
193 QCHDGX/LX.35
194 CD,30 trg AAS 58 (1966) tr. 688
195 CSML.3
196 ĐHN.150
197 Ba năm: QCHĐGX/SG và PC.24 /LX.28 /H.H25; Bốn năm /XL.39; năm năm /ĐL.46
198 CD,18 trg AAS 58 (1966) tr.682
199 'SUMMI PONCTIFICIS PAULI VI ALLUCATIO SECUNDA SS CONCIL II PERIODO INEUNTE', die 29 sept.1963, trg 'IL CONCILIO VATICANO II', sesta edizione,1967 tr.102.
200 Xem, Nguyễn-Văn Vi, 'Họ Đạo Của Chúng Ta' Scerdos (1971) s6' 120, các tr. 739-76; Tân Yên, 'Hiện Tình Các Họ Nhánh tại Lục Tỉnh', Sacerdos (1969) số 89 các tr.279-282; Phạm Bá Tước, 'Đi Thăm Cha Sở Họ Đạo Miền Quê', Sacerdos (1971) số 120 các tr.747-750; Nguyễn Ngọc Thụ, 'Họ Đạo Của Ngày Mai', Sacerdos (1970) số 103 các trang 454-458; Nguyễn Văn Thung, 'Mục Vụ Đối Với Giới Trẻ' (1970) số 101 các tr. 275-280; Nguyễn Văn Tuyên, 'Chuẩn Bị Sứ Mệnh Tuyên Giảng Lời Chúa' Nhà Chúa số 3 (1970) tr. 7-13.
CHƯƠNG VII: HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Trong chương này chúng tôi sẽ trình bày hai mục chính:
I. So chiếu Hội Đồng Quý Chức với vai trò và sứ vụ tông đồ của người giáo dân ngày nay.
II. So chiếu Hội Đồng Quý Chức với Hội Đồng Giáo Xứ hiện nay ở Việt Nam
MỤC I
SO CHIẾU HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC VỚI
VAI TRÒ VÀ SỨ VỤ TÔNG ĐỒ
CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN NGÀY NAY
Bằng cách dựa vào những dữ kiện đã được trình bày trong các chương trước và vào các tài liệu của Công Đồng Vatican II, chúng tôi sẽ trình bày trong tiết nầy những điểm tương đồng và dị biệt giữa sứ vụ tông đồ của các quí chức công giáo Việt Nam ngày trước so với sứ vụ tông đồ của người giáo dân ngày nay. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ không quên trưng dẫn những điểm dị biệt hay đúng hơn những hình thái bất toàn về mặt tổ chức của Hội Đồng Quí Chức so chiếu với những huấn thị của Công Đồng về sứ vụ tông đồ của người giáo dân.
I. Trong Họ Đạo hay trong Giáo xứ.
Chính từ trong họ đạo, bởi họ đạo và cho họ đạo mà Hội Đồng Quí Chức được thành lập (I). Những kỳ mục được chọn từ các tín hữu và giữa họ với nhau. Vì thế sứ vụ tông đồ của một quí chức không cách xa với sứ vụ tông đồ của một người giáo dân hay của một tín hữu. Họ đạo là nôi sinh và môi trường hoạt động tông đồ của quí chức. Chính trong môi trường này các quí chức được tuyển chọn và hình thành Hội Đồng Quí Chức. Hội Đồng Quí Chức không hiện hữu nếu không có họ đạo. Người giáo dân luôn phải gắn bó với cộng đồng giáo xứ của mình. Đó là điểm rõ ràng trong các tài liệu đề cập đến Hội Đồng Quí Chức của họ đạo Việt Nam.
Trước hết, rất đúng rằng: đối với quí chức, họ đạo là một "gia tộc" (tự nó, chữ 'họ đạo' đã mang ý nghĩa này rồi), là một cộng đoàn với ý nghĩa tròn đầy
1) Cộng đoàn huynh đệ
Nơi đó các quí chức phải lo làm sao cho các tín hữu thân quen nhau, tương trợ lẫn nhau, hòa hợp với nhau trong tình bác ái huynh đệ. Vì thế, mỗi khi có một biến cố xảy ra, một em bé mới chào đời, một người đau ốm hoặc khuất đi, thì toàn thể họ đạo đều được thông báo.
2) Cộng đồng của đức tin và phụng vụ
Cộng đồng đức tin và phụng vụ biểu hiện qua việc mọi tín hữu đồng tâm sống đạo; Mọi người đều giữ đạo, mọi người đều đến nhà thờ ít nhất là trong ngày chúa nhật. Các quí chức hiện diện ở đó và thay phiên nhau chủ trì việc xướng kinh cầu nguyện. Mọi người đều tuân giữ lề luật của Giáo Hội và dưới sự chăn dắt của linh mục và các chức việc.
3) Cộng đồng truyền rao Phúc Âm
Các chức việc không chỉ lo cho những người đã được rửa tội bền vững sống đức tin, mà họ còn phải quan tâm đến cả những người lương sống trong cùng một làng chung đụng với người công giáo hoặc trong các thôn ấp láng giềng có nhiều triển vọng xin theo đạo. Chúng tôi muốn gợi lại các hoạt động rao truyền Phúc Âm và nhất là việc lo rửa tội cho các trẻ em hay những người cao niên lâm bệnh nặng hay nguy cơ tử vong. Dưới sự chăn dắt của linh mục, và với sự nhiệt thành của các chức việc, tất cả các tín hữu trong họ đạo đều được kêu gọi chia sẻ mối bận tâm rao giảng Tin Mừng; hầu biến họ đạo trở nên một cộng đồng thừa sai truyền giáo.
4) Cộng đồng sống động và có tổ chức
Đời sống của họ đạo được biểu hiện xuyên qua tất cả những hoạt động tập thể của các tín hữu tại nhà thờ, nơi trường học của họ đạo, trong các đoàn thể, trong các việc làm công cộng, trong những ngày lễ hội… Nhưng tất cả đều phải tiến hành một cách quy củ. Và sự hiện diện cùng với lòng nhiệt thành của các chức việc sẽ bảo toàn sự quy củ đó.
Theo Công Đồng Vatican II, họ đạo hay giáo xứ là hạt nhân tế bào của giáo phận(3), là thành phần vững chắc của giáo phận(4), là một nhóm của đàn chiên Thiên Chúa (5), là cộng đồng công giáo (6), là cộng đồng Giáo Hội mà trong đó những người giáo dân có tinh thần tông đồ tìm đến, quả thật, để giúp đỡ những người anh em của họ và trợ lực không những cho các chủ chăn mà còn cả cho mọi thành viên dân Chúa. Họ sốt sắng dấn thân vào các công trình tông đồ; họ lôi kéo những người còn xa cách đến với Giáo Hội. Họ cộng tác một cách nhiệt tình vào công cuộc trao truyền Lời Chúa. Nhờ các tín hữu ưu tú, giáo xứ trở nên một mẫu mực phi thường cho sứ vụ tồng đồ tập thể. Chính từ giáo xứ mà giáo dân tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ, để phát triển không ngừng đường hướng mục vụ của giáo phận mà giáo xứ được xem như là hạt nhân, là tế bào, để cung ứng sự đóng góp của họ vào mọi công trình tông đồ và thừa sai trong gia đình Giáo Hội địa phương(7)... Tóm tắt một câu, theo Công-Đồng thì giáo xứ là một trong những bước khởi đầu, mộ trong những nơi, một trong số các môi trường chính yếu và thuận lợi hơn hết cho sự thành lập, hoà nhập và phát triển sứ vụ tông đồ của người giáo dân, nhất là của những người giáo dân được tuyển chọn giống như các chức việc họ đạo. Sứ vụ tông đồ này được thực hiện dưới nhiều hình thức.
II- Các hình thức của sứ vụ tông đồ
Như đã được trình bày, sứ vụ tông đồ hay đúng hơn, sự tham gia của quý chức vào thừa tác vụ của các linh mục được biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau mà câu tóm lược tuyệt hảo hất, là sự tham gia tích cực vào thừa tác vụ thánh hóa, thừa tác vụ giáo huấn và thừa tác vụ quản trị của linh mục.
Khi nói về sứ vụ tông đồ của người giáo dân trong bối cảnh của giáo xứ, Công-Đồng nhấn mạnh vào các khía cạnh sau đây:
1) Đối với thừa tác vụ thánh hóa
Được nuôi dưỡng nhờ tham gia tích cực vào đời sống phụng vụ trong cộng đoàn giáo xứ, người giáo dân nhiệt thành góp phần vào các công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn: họ đem những con người đang xa lạc trở về với Giáo Hội(8). Một các mạnh mẽ, Công Đồng quả quyết rằng người giáo dân làm việc tông đồ bằng cách dấn thân lo việc thánh hóa anh chị em của mình (9). Bằng nhiều phương cách, họ tham gia vào việc thánh hóa nhân loại và làm cho thế gian sống động trong Đức Kitô (10). Từ bên trong, họ được kêu gọi thánh hoá anh chị em mình (11). Và họ cần được chuẩn bị dấn thân vào công việc tông đồ này (12). Về đời sống bí tích, Công Đồng đã có huấn dụ vắn tắt rằng 'các bí tích và nhất là bí tích Thánh Thể thông ban và nuôi dưỡng người tín hữu đức bác ái vốn là linh hồn của mọi công việc tông đồ (13). Bởi vì đức bác ái công giáo bao trùm lên tất cả loài người (14), bằng cách giúp họ tương trợ lẫn nhau (15) và gìn giữ họ khỏi những cạnh tranh nguy hại (16) Chính từ đức bác ái thần linh mà người giáo dân có khả năng biểu lộ những điều chân phúc trong cuộc đời của họ hầu thực hiện những điều tốt lành cho cả nhân loại (17), và làm vinh danh Đức Kitô bằng một đời sống đức tin, hy vọng và bác ái (18). Hơn nữa, nhờ có đức bác ái công giáo lôi cuốn, người giáo dân hoạt động để canh tân trật tự trần thế (19) xuyên qua các hoạt động cho công bằng, cho hòa bình và cho bác ái (20). Nói tóm lại qua đức bác ái, nguồn lực của sứ vụ tông đồ (21), người giáo dân trở nên mọi sự cho mọi người, là chất men thánh hóa anh chị em của họ (22).
2) Đối với thừa tác vụ giáo huấn
Càng ao ước thánh hóa loài người và biểu dương đức bác ái, người giáo dân càng được thúc đẩy làm việc vì vinh danh Thiên Chúa và mở rộng vương quốc của Ngài (23). Vì vậy, người giáo dân cộng tác nhiệt tình vào công cuộc rao truyền Lời Chúa, đặc biệt bằng việc dạy giáo lý (24) và tham dự sốt sáng các nghi lễ phụng vụ (25). Họ hiểu rõ rằng nhờ trau dồi giáo lý, đức tin trở nên sống động, hiển nhiên và linh hoạt (26), rằng việc dạy giáo lý là bổn phận giáo huấn đầu tiên của Giáo Hội (27), không chỉ là bổn phận của hàng giám mục( 28), của các cha sở (29), của các linh mục (30) nhưng còn là bổn phận của các bậc cha me (31) và cả những người giáo dân nữa (32) nhất là trong các Giáo Hội non trẻ (33). Họ hy sinh thời giờ để theo học các lớp giáo lý do các linh mục phụ trách (34), rồi tiếp theo đó, họ hy sinh thời giờ để phụ giúp cha sở (chủ chăn) và các bậc cha mẹ uốn nắn con cái và giúp chúng học giáo lý. Công Đồng tuyên bố rằng hàng giáo phẩm có thể trao gởi cho người giáo dân một số trách nhiệm xưa nay vốn gắn liền với trách nhiệm của các chủ chăn: trong sự giảng huấn học thuyết của Giáo Hội, trong việc cử hành nghi thức phụng vụ và trong việc chăm sóc các linh hồn (35).
3) Đối với thừa tác vụ quản trị
Để điều hành giáo xứ của mình, vị chủ chăn có thể và cần phải kêu gọi sự cộng tác của những người giáo dân (36). Trong những họ đạo ở xứ truyền giáo, chính nhờ có những người giáo dân cộng tác mà vị chủ chăn có thể thấu rõ tình trạng đoàn chiên của mình, thấu rõ những ý nghĩ thầm kín của các tín hữu về Thiên Chúa, đồng thời quan tâm đến những thay đổi gây ra bởi phong trào đô thị hóa, hiện tượng di dân và tâm trạng lãnh đạm tôn giáo (37). Một trong những công việc quan trọng của thừa tác vụ quản trị giáo xứ là việc quản thủ tài sản. Về điểm nầy, Công Đồng lưu ý các linh mục rằng: "Về những của cải của Giáo Hội nói riêng, các linh mục phải quản trị chúng theo bản chất của chúng và đúng như tiêu chuẩn của Giáo Luật, với sự giúp đỡ của những giáo dân thông thạo khi có thể".(38) Công Đồng mong mỏi giáo dân đem hết khả năng của mình trợ giúp việc quản trị giáo xứ, việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sao cho có nhiều hiệu quả".(39).
Để tổ chức, nuôi dưỡng và phát triển Công Giáo Tiến Hành hay những hội đoàn trong giáo xứ, các Nghị Phụ Công Đồng mong muốn rằng: các linh mục phải tạo thuận lợi cho những mối liên hệ tốt giữa người giáo dân và hàng giáo phẩm, để khi đối thoại kiên trì với giáo dân, các ngài sẽ tìm thấy những hình thức khả dĩ giúp cho Công Giáo Tiến Hành gặt hái nhiều kết quả, đồng thời phát huy tinh thần hợp nhứt ngay trong nội tình của các đoàn thể (40). Ngược lại, người giáo dân có thể hoạt động theo đề xuất riêng của mình(41), bởi vì sự cộng tác giữa nhiều đề xuất khác nhau cho sứ vụ tông đồ luôn là điều cần thiết (42). Vậy, người giáo dân cộng tác với hàng giáo phẩm theo kiểu cách riêng của họ, họ mang đến kinh nghiệm và đảm nhận trách nhiệm của họ theo đường hướng của tổ chức, trong sự tìm tòi những điều kiện thuận lợi để thực hiện công trình mục vụ của Giáo Hội, cũng như soạn thảo và theo đuổi một chương trình hoạt động. (43)
Cuối cùng, sau khi đã chứng tỏ rất chi tiết rằng hoạt động bác ái là dấu ấn của sứ vụ tông đồ kitô giáo, Công Đồng mời gọi người giáo dân, tùy theo hoàn cảnh khả dĩ, đánh giá cao và nhiệt tâm trợ giúp các công trình từ thiện và những sáng kiến bảo trợ xã hội bất kể đó là sáng kiến của tư nhân hay của nhà nước (44).
Chúng ta còn phải thêm rằng khi hợp tác để kiến tạo hòa bình và hòa giải cho những thành viên trong giáo xứ, người giáo dân không quên rằng giáo xứ là một gia đình, một huynh đoàn 'chỉ có một linh hồn mà thôi’ (45). Thật vậy, phải kính trọng và yêu thương cả những người có những suy nghĩ và hành động khác với chúng ta: chỉ mình Thiên Chúa mới là quan án xét xử và là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn. Do đó, Ngài cấm chúng ta xét đoán tội lỗi bên trong của bất cứ ai. (46).
Để kết luận, chúng ta có thể nói được rằng khi tham gia một cách tích cực vào các thừa tác vụ của linh mục, quí chức đã thực sự tham gia vào chức vụ Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Đức Kitô. Và đây là một trong những quan điểm mới mẻ và căn bản của thần học giáo dân đã được Công Đồng Vatican II trình bày và nhấn mạnh. (47).
III. Tất cả cho sứ vụ truyền bá Phúc Âm
Sứ vụ truyền bá Phúc Âm thâm nhập trong mọi trách vụ của quí chức đến độ chúng ta không sợ quá lời khi nói rằng họ được tuyển chọn trước tiên với mục đích thiêng liêng: Mở rộng thêm vương quốc của Thiên Chúa (48).
Điều nầy cũng rõ nét trong các huấn dụ của Công Đồng khi nói về các bổn phận của người giáo dân: Trước hết, Công Đồng xác quyết rằng: ơn gọi kitô hữu theo bản chất là ơn gọi làm tông đồ và truyền bá Phúc Am (49). Vì vậy người giáo dân, ngay cả trong công ăn việc làm và trong những âu lo trần thế, họ có thể và cần phải thực hiện những hoạt động cao quý có lợi cho sứ vụ truyền bá Phúc Âm (50). Mặt khác, truyền bá Phúc Âm chính là sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội được thiết lập là để mở rộng nước Đức Kitô trên khắp địa cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: Tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ được quy hướng về Chúa Kitô: Đó là sứ mệnh truyền giáo mà mọi hoạt động của các chi thể trong Nhiệm Thể phải quy hướng về (51). Là chi thể của Nhiệm Thể Giáo Hội, người giáo dân không thể đứng ngoài lề sứ vụ này hay chỉ giữ thái độ tiêu cực, nhưng họ cần phải tham dự vào đó một cách tích cực, năng động, toàn vẹn, suốt cả cuộc đời của họ. Trong Giáo Hội có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng tất cả đều quy hướng về một sứ mệnh, sứ mệnh của toàn thể dân Chúa. Bởi lẽ ấy, người giáo dân thi hành sứ mạng tông đồ của họ một cách cụ thể bằng việc dấn thân truyền bá Phúc Âm. Họ cố gắng làm cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào trật tự trần thế và họ hoạt động cho tinh thần Phúc Âm mỗi ngày một thăng tiến. Như vậy, hoạt động của họ rõ ràng là tuyên chứng Đức Kitô và phục vụ phần rỗi nhân loại (52).
Công trình truyền bá Phúc Âm phải được phổ cập trong mọi cộng đồng công giáo nhất là trong các Giáo Hội non trẻ: Bằng chứng tá về đời sống đạo, mỗi tín hữu và tất cả cộng đồng phải là một dấu chỉ của Đấng Cứu Thế.(53). Mặt khác, vì dân Chúa sống trong các cộng đoàn, nên các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, phải là những cộng đoàn cầu nguyện, hiệp nhât, cùng hoạt động giữa muôn dân nhờ những người con đã được Thiên Chúa tuyển chọn vào chức vụ rất cao trọng nầy: chức vụ rao truyền Phúc Âm (54).
Để kết luận, chúng ta nói một cách ngắn gọn rằng, sống trong một cộng đồng giáo xứ, người giáo dân thi hành một cách nhiệt tình sứ mệnh tông đồ của mình. Họ mang về cho Giáo Hội những người từ lâu đã xa tránh Giáo Hội; họ hăng say cộng tác trong việc phổ biến Lời Chúa. Và đó là sứ vụ rao giảng Phúc Âm. Chính nhờ có họ mà giáo xứ trở thành một mẫu mực tuyệt vời trong lãnh vực tông đồ cộng đoàn, mà chủ yếu là làm chứng tá (55).
IV. Sứ Vụ Tông đồ Chứng nhân.
Ngay từ buổi đầu, điều kiện tiên quyết để được lựa chọn làm quí chức trong họ đạo là lòng trung thành với Chúa, có đức tin bền vững, hạnh kiểm tốt và uy tín… nói khác, phải là người gương mẫu (56). Ngoài ra, khi đề cập tới những nghĩa vụ của quí chức, người ta đòi hỏi "họ phải là chứng nhân" trước mọi người. Làm chứng tá là một phương cách để hoàn tất mọi bổn phận và đạt đến mục tiêu. Đó là điều mà đức cha Hồ Ngọc Cẩn đã nhắn nhủ các chức việc họ đạo: "Trong Giáo Hội, các chức việc của họ đạo phải xử dụng chức năng của mình vào mục đích làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi các linh hồn, và chỉ như thế, họ mới được tín nhiệm. Để đạt được hai mục tiêu đó cách hoàn hảo và tốt đẹp, chính họ phải quí trọng chức năng cao trọng của họ và nêu gương tốt lành cho giáo dân, trước hết về đức tin và đức mến, trong lời nói và việc làm, trong cả nếp sống riêng tư cũng như trong đời sống chung giữa cộng đoàn và xã hội (57).
Tuy nhiên phải nhận rằng chính các văn kiện của Công Đồng mới nhấn mạnh đầy đủ về tầm quan trọng, sức hữu hiệu và sự cần thiết của việc tuyên chứng trong đời sống đạo.
Qua Bí tích Rửa Tội, người tín hữu đã được thánh hiến để tuyên chứng về Đức Kitô trên khắp thế gian (58), để nên nhân chứng của Đức Kitô (59), qua họ, Chúa tiếp tục tỏ hiện (60). Điều hiển nhiên là ơn gọi hay sứ mệnh của mọi tín hữu là làm chứng về Chúa Kitô giữa cộng đồng nhân loại (61), làm chứng về sự phục sinh và về đời sống của Ngài, và nên dấu chỉ của Thiên Chúa hằng sống: "Tóm lại, người kitô hữu hãy làm cho thế giới sống, giống như linh hồn làm cho thân xác sống (62)".
Bởi thế, bổn phận chính yếu của người giáo dân, nam cũng như nữ là tuyên chứng về Đức Kitô bằng đời sống và bằng lời nói ngay trong gia đình, trong hội đoàn xã hội hay giữa môi trường làm việc (63). Hoạt động tông đồ để nêu cao đời sống kitô hữu, người giáo dân cũng là những chứng nhân của Giáo Hội. Họ làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động ngay trong những thực tại trần thế (64). Khi chu toàn bổn phận như vậy, họ là những chứng nhân đích thực và những công cụ sống động cho sứ mệnh của Giáo Hội: Người giáo dân được mời gọi một cách đặc biệt để bảo đảm sự hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội ở những nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội không thể nào trở thành muối trong thế gian được. Như vậy, mỗi người tín hữu là chứng nhân và đồng thời là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo Hội (65).
Với ơn gọi tập hợp giáo dân lại, giáo xứ hay cộng đồng kitô phải làm chứng về Đức Kitô (66) và làm chứng về đức bác ái (67). Chính từ việc tụ hợp tín hữu thành những nhóm nhỏ mà dấu chỉ của Cộng đồng Giáo Hội luôn tỏ hiện trước mắt mọi người như một chứng tá đích thực về tình yêu (68). Chính bởi đời sống chứng tá của mỗi tín hữu và của cả cộng đoàn trên một lãnh thổ, nhất là tại một Giáo Hội non trẻ thuộc các xứ truyền giáo mà Giáo Hội trở thành một dấu chỉ của Chúa Kitô cho những người không tin Ngài (69). Nhưng làm sao có thể tuyên chứng về Đức Kitô nếu các tín hữu không ấp ủ đời sống thánh thiện kitô giáo, và nếu cộng đồng giáo xứ không rực sáng sự thánh thiện?
V. Bằng chứng của Sự Thánh Hóa Công Giáo
Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chỉ mới được 444 năm (1533-1977). Giáo Hội nầy đã phải gánh chịu nhiều cuộc bách hại đẫm máu trong suốt 300 năm, và kể từ năm 1945 một phần của Giáo Hội ở dưới chế độ cộng sản trở thành im hơi lặng tiếng và tê liệt. Cũng cần phải đề cập đến chiến tranh khủng khiếp và không dứt nữa. Trong những trạng huống khó khăn triền miên như thế, may thay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn luôn đứng vững. Làm sao có thể giải thích được điều đó ? Sau hồng ân của Chúa thì một trong những yếu tố chính mà chúng ta cần phải nhận thức đó là nếp sống tôn giáo chân thực của phần lớn các tín hữu công giáo Việt Nam. Ngay cả trường hợp chưa phải là hoàn toàn sống vì phúc âm, thì nếp sống nầy cũng ít nhiều biểu hiện được một số hình thái của sự thánh hóa công giáo. Và trong số các tín đồ công giáo Việt Nam thì các chức việc là những thành phần nồng cốt! Chúng ta có thể nói như thế qua sự trình bày khúc chiết nơi các chương trước, chúng ta thấy rõ được nếp sống công giáo và kể cả sự thánh thiện kitô giáo của họ nữa.
Chúng ta lại sẽ thấy sự thánh thiện kitô giáo này được nêu bật trong các văn kiện của Cộng Đồng Vatican II: chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Thánh và Đấng Thánh hóa (70); Ngài kêu gọi tất cả chúng ta phải nên thánh trong Giáo Hội (71). Sự thánh thiện của Giáo Hội được biểu hiện một cách liên tục và biểu hiện như những hoa quả của ân sủng mà Chúa Thánh Thần làm trổ sinh nơi các tín hữu; Sự thánh thiện được tỏ hiện dưới mọi hình thái (72), Trong những hình thái khác biệt về đời sống và phận vụ khác nhau, đó là sự thánh thiện duy nhất mà tất cả những ai được Thánh Thần của Thiên Chúa hướng dẫn đều vun trồng và đi theo Đức Kitô nghèo khó, khiêm tốn và vác Thập giá (73).
Vì vậy, tuỳ theo ân sủng và nhiệm vụ riêng của mình, mỗi tín hữu phải nhất quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ bác ái (74). Người tín hữu được mời gọi và có bổn phận tìm kiếm sự trọn lành, và sự thánh thiện trong bậc sống của mình, (75) trong những phận vụ, hoàn cảnh của đời sống thường ngày (76).
Con đường và phương thế chính yếu khai mở mọi con đường và phương thế khác, chính là đức bác ái hay tình yêu: Thiên Chúa là tình yêu và ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ngự trong người ấy (1Jn,4.16). Đức bác ái là động lực thúc đẩy cho chúng ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân vì Ngài, là ân huệ thứ nhất và cần thiết hơn cả. Tuy nhiên để đức bác ái, như một hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và trổ sinh hoa quả dồi dào, mỗi tín hữu phải tình nguyện mở lòng mình ra tiếp nhận Lời Chúa, và với hồng ân của Ngài ban cho, thi hành thánh ý của Ngài, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, đồng thời tham dự các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, nhiệt thành phục vụ anh chị em và thực hành các nhân đức. Như vậy, bác ái là mối dây liên kết sự trọn lành và là sự toàn mãn của đức tin (77).
Mối liên hệ gắn bó giữa sự thánh thiện kitô giáo và sứ vụ tông đồ của giáo dân đã được khẳng định mạnh mẽ bởi lời tuyên bố sau đây của Công Đồng: "Sứ vụ tông đồ mà mỗi cá nhân phải thi hành bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực kitô giáo. Đó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không gì có thể thay thế sứ vụ tông đồ được (78). Và một nếp sống công giáo đích thật không gì khác hơn là một nếp sống nhân chứng hùng hồn của đức tin, của hy vọng và bác ái! Kế tiếp, là nhân chứng từ nếp sống theo phúc âm, người thế tục chu toàn thành sứ vụ tông đồ của họ về truyền bá phúc âm, về thánh hóa, về sự thay đổi công giáo của trật tự thế gian và luôn cả thế giới nữa (79).
Sự thánh thiện của mỗi tín hữu kiến tạo sự thánh thiện của cộng đồng giáo xứ. Vì là tế bào của Giáo Hội (80), giáo xứ trở thành cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức ái (81), cộng đoàn của những người được tuyển chọn (82). Trong cộng đoàn giáo xứ nầy, việc cử hành Hy Lễ Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống các tín hữu và của sự thánh thiện họ theo đuổi (83); nhờ đó, người giáo dân ý thức mình là phần tử sống động và hành động của dân Chúa (84) thì họ góp phần vào việc xóa bỏ những cạnh tranh nguy hại (85), góp phần vào việc xây dựng đức bác ái huynh đệ (86) và sự hợp tác trong sứ vụ tông đồ (87).
VI. Sự hợp tác làm việc tông đồ.
Khi đề cập đến mối tương quan giữa các quí chức và cha sở, các văn bản chính thức đã nhấn mạnh rằng "các chức việc phải luôn làm vệc theo sự hướng dẫn và dưới quyền điều khiển của các linh mục" (88), "giữ mối liên hệ tốt đẹp với các ngài" (89), "phải báo cáo cho linh mục biết mọi việc xảy ra trong họ đạo, mọi việc họ đã làm trong khi vắng mặt các linh mục" (90), chỉ hành động với sự đồng ý hoàn toàn của cha sở (91). Những văn bản đó còn nhấn mạnh rằng: chỉ các linh mục mới là những người chịu trách nhiệm về việc điều hành tốt đẹp của họ đạo đã được trao phó (92); rằng ngần nào có thể, linh mục phải hỗ trợ quyền hành của quí chức (93); rằng cha sở phải là người đầu tiên lo hoàn thành mọi trách vụ với sự trợ giúp của các quí chức (94), và sau cùng, cha sở có bổn phận huấn luyện các chức việc và hướng dẫn họ hoàn thành trách nhiệm đã trao phó cho họ (95).
Về những mối liên hệ giữa các chức việc và các tín hữu trong họ đạo, thì tất cả các văn kiện đều yêu cầu các chức việc phải nêu gương tốt về đời sống đạo đức và luân lý cho giáo dân; và cụ thể là các quí chức phải tận tâm trong những công việc thiêng liêng hay vật chất của họ đạo, phải sẵn sàng giúp đỡ giáo dân: như rửa tội cho một trẻ sơ sinh hoặc cho một người dự tòng; dạy giáo lý cho các trẻ dọn mình xưng tội rước lễ lần đầu hoặc chịu phép thêm sức; hướng dẫn về giáo lý hôn nhân cho các người trẻ; thăm viếng kẻ liệt lào ốm đau, mời linh mục đến xức dầu hay trao Mình Thánh Chúa cho họ; hòa giải các sự tranh chấp xảy ra giữa các tín hữu với nhau… Ngược lại, các tín hữu phải kính trọng và vâng lời các chức việc (96). Hơn nữa, quí chức là những người trung gian tốt lành giữa linh mục với họ đạo hay với mỗi tín hữu.
Một điều đáng nêu lên ở đây, khi nói về những tương quan giữa cha sở và quí chức, người ta không bao giờ dùng đến những từ "cộng tác", "đồng lao", "liên đới" trong các văn bản về việc tổ chức Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo tại Việt Nam. Có thể là vì vấn đề tâm lý của thời đại. Dù thế, qua dòng lịch sử và các hoạt động tông đồ của các quý chức họ đạo Việt Nam như đã trình bày, thì tinh thần cộng tác và liên đới giữa các linh mục với giáo dân hoặc giữa giáo dân với nhau đã được thể hiện ở mức độ cao. Không có ai có thể phủ nhận điều đó. Tinh thần cộng tác và liên đới đó ăn khớp với những huấn dụ của Công Đồng Vatican II. Chúng ta trích dẫn ra sau đây những nét chính yếu:
1) Các cha sở cần đến sự cộng tác của giáo dân
Việc chăm sóc linh hồn luôn luôn phải được thấm nhuần tinh thần truyền giáo làm sao để lan rộng cách thích đáng tới mọi người sống trong giáo xứ. Trong trường hợp các cha sở không thể đến được với một số nhóm người, các ngài phải kêu gọi những người khác kể cả giáo dân, giúp đỡ đặc biệt các ngài trong công việc tông đồ (97), bởi lẽ người giáo dân được kêu gọi cộng tác gần gũi với công việc tông đồ của hàng giáo phẩm (98), và trở thành những người cộng tác của chân lý (99).
2) Bổn phận cộng tác của giáo dân
Giáo dân phải dấn thân cộng tác với các linh mục cũng như với mọi anh em trong giáo xứ. Thực vậy, những giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực sẽ tìm đến trợ giúp những anh chị em thiếu thốn, và nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn và các tín hữu khác nữa. Người giáo dân cần phải tập quen làm việc trong giáo xứ theo tinh thần cộng tác chặt chẽ với các linh mục, cũng như tùy khả năng, họ đóng góp vào công tác tông đồ và truyền giáo của đại gia đình Giáo Hội (100).
3) Giáo dân hiệp nhất với nhau trong sự hợp tác tông đồ
Vì có những đoàn sủng khác nhau, nên mỗi giáo dân phải cộng tác vào việc rao truyền Phúc Âm tùy theo hoàn cảnh thuận tiện, tài năng, đoàn sủng và tác vụ của mình. Do đó, tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt, kẻ trồng và người tưới, phải hiệp nhất với nhau, để khi cùng nhau hướng về một mục đích cách tự do và trật tự, họ đồng tâm gắng sức xây dựng Giáo Hội (hay giáo xứ) (101).
4) Sự hợp tác tông đồ là điều thực sự cần thiết
Giáo Hội (hay giáo xứ) không được xây dựng thực sự, không sống đầy đủ, cũng không là dấu chỉ toàn vẹn của Đức Kitô giữa loài người nếu không có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm sẽ không thâm nhập vào tâm hồn, đời sống, và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi được thiết lập, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hạng giáo dân kitô giáo trưởng thành' (102). Tóm lại, người giáo dân đóng góp phần chủ động riêng của họ vào cuộc sống và sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ. Sự hợp tác của họ hết sức cần thiết đến độ nếu không có sự hợp tác đó thì thừa tác tông đồ của các cha sở hầu như không thể nào thâu được kết quả toàn vẹn. Ngược lại, nếu có sự hợp tác đó, giáo xứ sẽ trở thành khuôn mẫu đáng chú ý về hoạt động tông đồ tập thể có tính cách cộng đoàn, bởi vì giáo xứ là nơi hội tụ trong hiệp nhứt mọi khác biệt của nhân loại' (103).
VII. Tổ chức tông đồ công vụ
Vậy, Hội Đồng Quí Chức của họ đạo đáng được coi như một hệ thống rao truyền Phúc Âm hay một tổ chức tông đồ vững chắc và hữu hiệu nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhất là trong hơn 300 năm bị bách hại. Như chúng tôi đã đề cập, Hội Đồng Quí Chức đã trải qua một quá trình lịch sử hình thành tốt đẹp. Và Hội Đồng Quí Chức đã hiện hữu ngay từ lúc khởi thủy của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, được hợp pháp hóa bởi Công Nghị Nam Định năm 1670 và Công Nghị Hội An (Faifo) năm 1672; đã được tổ chức từ cuốn Chức Sở Mục Lệ của giám mục Colombert ấn hành năm 1884, và đã được thừa nhận bởi Công Đông Dương (Indochine) năm 1934. Chính từ những sinh hoạt của các họ đạo mà người ta nhận ra sự gia tăng, phát triển và trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam. Tuy nhiên sinh hoạt của các họ đạo sẽ không thể tiến hành được nếu không có Hội Đồng Quí Chức. Đã nhiều lần lịch sử cho thấy rằng, nhờ vào công việc tông đồ của các chức việc mà các họ đạo ở Bắc Kỳ cũng như ở Nam Kỳ đã giữ được lòng tin bền vững và số lượng các tín hữu đã gia tăng nhiều ngay cả trong thời kỳ bị bách hại và trong những năm thiếu vắng các linh mục (104).
Vì nhìn thấy rõ hiệu quả đó, các giám mục, sau những cuộc bách hại, đã khởi sự tái thiết các họ đạo bằng việc tổ chức lại các Hội Đồng Quí Chức. Phải nói rằng phần lớn các chức việc là "những người giáo dân thừa sai" tận tâm của các giám mục, là đôi tay, đôi mắt, là những người cộng tác thân tín của các linh mục; là mẫu mực đức tin và luân lý của các tín hữu trong mỗi họ đạo; và sau hết, họ là những chứng nhân của lòng tin, của bác ái trước dân ngoại. Nói tóm lại, Hội Đồng Quí Chức là một tổ chức tông đồ trong mỗi họ đạo Việt Nam.
Hiện nay, tổ chức tông đồ giáo dân nầy không có gì xa lạ đối với điều mà các nghị phụ trong Công Đồng Vatican II đã truyền dạy:
1) Tính cách thích hợp của hoạt động tông đồ có tổ chức
Với tư các cá nhân, người kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính, và Thiên Chúa đã vui lòng tập họp những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa và kết hợp họ thành một thân thể. Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh kitô hữu. Đồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Đấng đã phán: "Nơi nào có sự tề tựu hai hoặc ba người vì danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ"(105).
2) Tính cách quan trọng của hoạt động tông đồ có tổ chức
Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng, vì các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ. Trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó (106).
3) Mục tiêu của hoạt động tông đồ có tổ chức
Mục đích trực tiếp của việc tông đồ có tổ chức phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống. Người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức tông đồ, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn. Người giáo dân hoạt động tông đồ dưới sự điều khiển của chính hàng giáo phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân hay được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm (107).
4) Công giáo tiến hành là kiểu mẫu mực hoạt động tông đồ có tổ chức
Từ mấy chục năm nay, ở một số lớn các quốc gia, nhất là ở Việt Nam, người giáo dân có lòng nhiệt thành với công việc tông đồ đã quy tụ lại dưới nhiều hình thức hoạt động khác nhau hoặc trong các hội đoàn. Họ liên kết chặt chẽ với hàng giáo phẩm hầu theo đuổi những mục tiêu tông đồ thuần túy, đúng như các đức giáo hoàng và các vị giám mục truyền dạy và cổ húy. Các ngài đã đặt tên cho những hình thức hoạt động tông đồ đó là Công Giáo Tiến Hành. Những hoạt động tông đồ như vậy thường được miêu tả như một sự cộng tác của giáo dân vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm (108).
VIII. Trong phạm vi trần thế
Chúng ta biết rằng trách nhiệm của các quí chức không chỉ giới hạn trên bình diện tinh thần và tôn giáo nhưng còn mở rộng ra trên lãnh vực trần thế: họ trông chừng những điều liên quan đến thuần phong mỹ tục, đến truyền thống cao đẹp và trật tự chung của họ đạo (109); họ hợp tác với các linh mục để phát triển đời sống văn hóa của giáo dân, nhất là việc giáo hóa các con em, để xướng xuất và nuôi dưỡng các phong trào xã hội và từ thiện (110). Nói cho đúng, qua hoạt động tông đồ hoặc qua cách sống đức tin của họ, Giáo Hội được biểu dương giữa lòng đời sống và giữa nền văn hóa của dân tộc Việt Nam; Phúc Âm được bén rễ sâu vào tâm trí người đồng hương của họ. Đồng thời, họ thích ứng những giáo huấn công giáo vào nền văn hóa và vào phong tục của xứ sở, họ đổi mới những thói quen, những lối sống và cả những luật lệ của làng xã Việt Nam cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Nhờ có họ, Phúc Âm hoàn thành những trách nhiệm: tinh luyện, nâng cao và biến đổi nền văn hóa của một quốc gia. Đó là ý nghĩa đầy đủ và đúng đắn của cụm từ "Truyền bá Phúc Âm". Tất cả mọi điều đó giúp chúng ta hiểu được tại sao các quí chức được người dân trong làng kính trọng vì đức trung thực, lòng nhiệt thành và vì chí hướng thiện ích chung của họ (111); cũng như tại sao các bề trên trong Giáo Hội mong muốn các chức việc của họ đạo, đồng thời cũng là các chức sắc uy tín trong làng xã dân sự (112).
Vui mừng thay khi nhìn theo góc cạnh của những giá trị trần thế, chúng ta thấy trách nhiệm của quí chức luôn gắn liền với những giáo huấn của Công Đồng Vatican II về 'hoạt động tông đồ giáo dân'.
1) Lãnh vực tông đồ của người giáo dân
Công trình cứu độ của Chúa Kitô. chủ yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế, Người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế. Tuy khác biệt, hai phạm vi liên kết với nhau trong ý định duy nhất của Thiên Chúa. (113).
2) Canh tân trật tự trần thế
"Người giáo dân phải đảm nhiệm việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng: Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để, vẫn tôn trọng toàn vẹn toàn thể định luật riêng của nó, mà làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống kitô giáo cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc (114). Trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó, người giáo dân đứng hàng đầu (115).
3) Nhân tố thực tế của giá trị trần thế
Người giáo dân nhất trí xây dựng những thực tại trần thế và không ngừng hoàn hảo hóa các thực tại ấy: mọi phúc lợi của đời sống (116), của gia đình (117), của văn hóa xứ sở (118), của những thực tại đạo đức (119), xã hội (120) và kinh tế (121); những thực tại khác với phát triển và tiến bộ của chúng (122).
IX. Những điểm tiêu cực
Trên đây là những điểm tương cận hoặc tương đồng giữa các hoạt động tông đồ của các quí chức trong họ đạo Việt Nam ngày xưa so chiếu với các giáo huấn của Công Đồng về hoạt động tông đồ của người giáo dân hiện naỵ Những điểm đó cho thấy được tính cách liên tục của đời sống Giáo Hội. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng đó, chúng ta cũng thấy có những điểm dị biệt hay nói khác, có một vài điểm bất toàn trong sứ vụ tông đồ của các chức việc so chiếu với sứ vụ tông đồ do Công Đồng đề ra cho người giáo dân. Chúng tôi trưng dẫn dưới đây năm điểm chính:
1) Quá hạn chế trong mỗi họ đạo
Các họ đạo Việt Nam được tổ chức theo khuôn mẫu các làng dân sự và truyền thống. Các họ đạo có một đời sống tự trị. Nhưng nhiều khi mỗi giáo xứ tự thu hẹp và khép kín mình lại. Và lúc đó Hội Đồng Quí Chức cũng bị hạn chế và đóng khung trong một họ đạo. Ngoại từ dịp tỉnh tâm thường niên được tổ chức (trên lý thuyết) ở cấp giáo phận (123), thì không có một hoạt động nào của các quí chức trên bình diện liên giáo xứ, giáo phận, giáo tỉnh hay quốc gia được dự trù. Ngược lại, Công Đồng mong muốn rằng người giáo dân cần phải được guấn luyện để quy hướng về sinh hoạt của giáo phận mà trong đó giáo xứ được coi là tế bào; họ phải luôn sẵn sàng đáp ứng những lời kêu gọi của các chủ chăn để tham dự những đề xuất của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu của các thành thị và các vùng quê, họ không thể chỉ giới hạn sự hợp tác trong phạm vi giáo xứ hay giáo phận của mình mà thôi, nhưng họ còn phải cố gắng mở rộng ra trên bình diện liên giáo xứ, giáo phận, quốc gia và quốc tế. Họ không được phép là thành viên của một xã hội co rút và khép kín (124).
2) Thiếu sự thích ứng và đổi mới
Tuy đồng ý về tính cách bền vững và hiệu lực của Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo, chúng ta cũng nhận rằng: cấu trúc tổ chức của họ đạo hay của Hội Đồng Quí Chức đã không được canh tân đủ, không được thích ứng đủ theo nhu cầu mục vụ tân tiến và theo những biến chuyển trong xã hội Việt Nam. Những dự kiện thích ứng của Công đồng Đông Dương chỉ đem lại một sự canh tân hời hợt: Người ta bỏ qua tất cả để tiếp tục nếp sống truyền thống. Cấu trúc khiếm khuyết canh tân bởi vì nó còn nặng trĩu nhiều tục lệ địa phương. Sự kiện ấy trái ngược với những khuyến cáo của Công Đồng Vatican II: "Mọi hình thức và phương pháp của sứ vụ tông đồ phải được thích ứng một cách phù hợp với các hoàn cảnh hiện tại (125); Ngày nay có nhiều phương thế để huấn luyện tông đồ giáo dân: chẳng hạn những khóa học tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những buổi hội họp thường xuyên, những buổi thuyết trình cũng như sách báo và những sách thủ bản… Tất cả đều là những phương thế giúp giáo dân làm việc tông đồ trau giồi thêm kiến thức về Thánh Kinh cũng như về giáo lý công giáo, giúp họ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, cũng như giúp họ hiểu biết những hoàn cảnh sống của thế giới để khám phá và xử dụng những phương pháp thích ứng nhất (126).
3) Thuyết phụ đạo của các cha sở
Chúng ta đã đề cập đến sự hợp tác giữa các chức việc với các cha sở: Sự hợp tác này cần thiết cho thừa tác vụ của linh mục trong họ đạo, hơn nữa, nó nêu bật những khía cạnh tích cực và đáng khích lệ (120'). Nhưng đối lại với những khía cạnh tích cực và đáng khâm phục, lại nổi bật ít ra một điểm tiêu cực, là các linh mục thường nghiêng quá đà về thuyết phụ đạo. Đối xử với quí chức như những người giúp việc trong nhà, xem họ như những dụng cụ làm việc hơn là những người cộng tác, những người giáo dân trợ tá, những người trung gian giữa linh mục và giáo dân. Quả thật, các linh mục quên rằng: "Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn đi rao giảng, làm người phân phát các mầu nhiệm hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô (120''); Các linh mục quên rằng: nghĩa vụ và quyền hạn làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín ữu, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ. Vì thế các linh mục phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tinh thần huynh đệ. Các ngài còn phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ (120''').
4) Thái độ quan liêu của quí chức
Rất nhiều trường hợp, các quí chức quá chú tâm về vị thế trọng vọng và áp đặt những ý kiến riêng của mình lên các tín hữu mà không tham khảo gì với họ; nhiều khi các chức việc ngồi chờ người ta đến tìm mình chứ không chịu khổ công đi đến với những người giáo dân hèn mọn hay những lương dân! Tất cả những điều đó là trái ngược với huấn dụ của Công Đồng định rằng: "Nhất là thời nay, người giáo dân có bổn phận khẩn thiết phải trở nên người lân cận của bất cứ người nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình (127). Họ phải giúp đỡ những người cùng trong một thời đại với mình (128), họ được các linh mục mời gọi và huấn luyện để không chỉ sống cho mình, nhưng để hoạt động theo những đòi hỏi của luật bác ái, mỗi người phải tuỳ theo ơn đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau (129); Vì thế họ cần sống khiêm tốn và dịu dàng khi phục vụ anh chị em mình (130). Chính với lòng khiêm nhu, chí kiên trì và đức nhiệt thành, họ có thể hướng dẫn anh em mình nhất là những kẻ nghèo khó đến với vị Quân Vương mà ai phụng sự Ngài đều là tôi trung (131). Tóm lại, trong mọi phục dịch, người giáo dân phải làm sáng tỏ trước mọi người lòng bác ái của Thiên Chúa (132).
5) Thái độ thụ động của quí chức
Trước tiên là ngay các chức việc cũng thiếu sự tin tưởng và quý mến phẩm giá và vai trò của họ. Họ trở thành những con người thụ động, chỉ ỷ lại vào cha sở và tục lệ, mà không cần có sáng kiến. Từ đó, đời sống của họ đạo trở nên ứ đọng, nếu không nói là bị tê liệt. Đó vẫn còn là một yếu điểm của rất nhiều họ đạo ở Việt Nam. Phương dược cứu chữa là giáo huấn của Công Đồng sau đây: "Phần các chủ chăn phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội. Các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động. Hơn nữa, các ngài còn nên khuyến khích họ tự đảm nhiệm công việc. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét những đề nghị, thỉnh cầu và khát vọng của họ. Đàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận cách thận trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế (133).
MỤC II
SO CHIẾU HỘI ĐỒNG QUÍ CHỨC
VỚI HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ HIỆN NAY
Ngày nay, nhiều giáo phận (134) ở Việt Nam đã ấn hành bản Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ (135) phù hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II, đặc biệt về với le motu proprio "Ecclesae Sanctae" (Tự sắc 'Giáo Hội') ra ngày 6 tháng 8 năm 1966 (136). Tất cả các bản quy chế đều công bố rằng "Hội Đồng Giáo Xứ thay thế Hội Đồng Quí Chức". Vì thế, trong tiết II nầy, chúng tôi căn cứ trên những quy định của Công Đồng, của các thượng phụ về Hội Đồng Giáo Xứ và những qui chế mới về Hội Đồng này mới được tổ chức ở Việt Nam để đưa ra một cách tóm lược những điểm tương đồng và dị biệt giữa Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo ngày trước với Hội Đồng Giáo Xứ ngày naỵ
I. Hội Đồng Giáo Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Sắc lệnh về 'Trách nhiệm mục vụ của các giám mục' (Chritus Dominus) cho rằng cần phải được khuyến khích thành lập trong mỗi giáo phận, một hội đồng mục vụ riêng do chính giám mục chủ tọa và thành viên sẽ là các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được chọn lựa một cách đặc biệt; nhiệm vụ của hội đồng là thăm dò những gì liên hệ đến công việc mục vụ, cân nhắc và đưa ra những kết luận thực tế về những vấn đề mục vụ' (137)
Rồi trong sắc lệnh 'Tông Đồ Giáo Dân' (Apostolicam Actuositatem) người ta cũng đề cập tới nhiều hội đồng tương tự nhưng không nói rõ về một hội đồng và các chức năng của các hội đồng thì rộng rãi. Nhiệm vụ của những hội đồng này là 'yểm trợ mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội cả trên bình diện truyền giáo và thánh hóa cũng như trên bình diện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác… Những hội đồng này sẽ có thể giúp phối hợp hoạt động giữa những hội đoàn khác nhau hay giữa những công việc tông đồ của giáo dân mà vẫn tôn trọng bản chất cá biệt và quyền tự trị của mỗi hội đoàn. Sắc lệnh còn nói thêm rằng 'nếu có thể, nên lập những hội đồng tương tự như vậy ở cấp giáo xứ, liên giáo xứ, giáo phận và cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế' (138).
Những quy định của Công Đồng đều được xác định trong tự sắc 'Giáo Hội' của đức giáo hoàng Phaolo VI ban hành năm 1966. Tuy nhiên những qui định này không áp dụng một cách rõ ràng vào Hội Đồng Mục Vụ của giáo phận, trong khi đó thì hội đồng giáo xứ lại mặc nhiên qui về một quyền hạn duy nhất là quyền thích ứng của các giám mục bản quyền.
1) Những quy định căn bản
Sau đây là những qui định căn bản liên hệ trực tiếp đến Hội Đồng Mục Vụ và gián tiếp đến Hội Đồng Giáo Xứ đã được nêu lên trong những văn kiện trên:
a) Ước nguyện của các nghị phụ là Hội Đồng Mục Vụ được thiết lập trong mỗi giáo phận (139) và ngần nào có thể trong các giáo xứ (140).
b) Các thành viên của những hội đồng này đều thuộc về 3 đẳng trật trong Giáo hội: linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân (141).
c) Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ cấp giáo phận là đức giám mục (142) và cũng tương tự như thế, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ là cha sở với tư cách người đứng đầu cộng đoàn địa phương và là người đại diện của đức giam mục(143).
d) Nhiệm vụ của những hội đồng này là nghiên cứu và cân nhắc mọi vấn đề liên quan đến các hoạt động mục vụ, phụng vụ, và từ thiện của giáo phận hay của giáo xứ, rồi sau đó đưa ra những đúc kết thực tiễn, đề nghị những chương trình hoạt động thế nào để cho phù hợp với Phúc Âm (144). Mặt khác, những hội đồng đó có thể phụ giúp phối hợp hổ tương những hội đoàn khác nhau hay phối hợp những sáng kiến của người giáo dân (145).
e) Các hội đồng đó chỉ giữ vai trò cố vấn mà thôi (146).
2) Những đặc điểm cụ thể của các Hội Đồng Giáo Xứ ở Việt Nam
Như vậy, không có một quy định nào rõ rệt từ các tài liệu của Công Đồng hoặc từ tự sắc "Giáo Hội" của đức giáo hoàng Phaolo VI, đã đề cập một cách trực tiếp về Hội Đồng Giáo Xứ. Tất cả đều để cho các giám mục và các linh mục tùy nghi xướng xuất. Do đó, khi khảo xét các bản quy chế của các Hội Đồng Giáo Xứ đã có từ trước ở Việt Nam, chúng tôi thấy được một vài đặc điểm của Hội Đồng Giáo Xứ như sau:
a) Cơ quan có tính cách đại diện nhất của giáo xứ không phải là ban mục vụ nhưng là Hội Đồng Giáo Xứ (147). Bởi vì bên trong Hội Đồng Giáo Xứ, sau ban thường vụ gồm có chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, thư ký và thủ quỹ, thì còn có những đại diện của các khu, các xóm và các hội đoàn của giáo xứ (148).
b) Thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ chỉ là những tín hữu giáo dân, không phải là người tu trì (nam hoặc nữ) (149).
c) Hội Đồng Giáo Xứ làm việc bằng cách cộng tác với cha sở và dưới sự hướng dẫn của ngài, tuy nhiên chủ tịch hội đồng là một giáo dân được tuyển chọn bởi cộng đoàn giáo dân chứ không phải do cha sở (150).
d) Môi trường hoạt động của Hội Đồng Giáo Xứ có tính cách thực tiễn và sâu rộng hơn là môi trường của Hội Đồng Mục Vụ (151).
e) Thực tế chỉ có một ban mục vụ trong mỗi giáo xứ mà những người trách nhiệm là các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ.
f) Các Hội Đồng Giáo Xứ địa phương cũng quy tụ lại trong một tổ chức trung ương trên bình diện giáo phận (152).
g) Như vậy, Hội Đồng Giáo Xứ một trật là đầu não hoạch thảo chương trình mục vụ, là trung tâm phối hợp các sinh hoạt và các hội đoàn hiện hữu trong giáo xứ để công việc chung được tiến hành và thăng tiến tốt đẹp hơn; sau hết đó là điểm gặp gỡ và hiệp thông giữa những con người thuộc nhiều giai tầng xã hội, thuộc nhiều văn hóa khác nhau; là nơi mà người ta có thể bày tỏ mọi vấn đề, mọi nhu cầu, mọi mong ước của cộng đoàn; là nơi người ta có thể tham dự vào việc hình thành các dự án và vào bất cứ vụ việc gì tương quan tới đời sống của giáo xứ (153).
h) Về chức năng, phần hành của Hội Đồng Giáo Xứ là hợp tác với cha sở để nghiên cứu và thẩm định tình trạng hiện hữu của giáo xứ, nhất là trình độ hiểu biết về giáo lý, về đời sống đức tin, về sự gắn bó với giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội, về đời sống bí tích, đời sống phụng vụ, về hoạt động bác ái từ thiện… đồng thời tìm kiếm và đề nghị các biện pháp thực hành với những hoạt động cụ thể, nêu ra những phương tiện tương xứng để thực hiện cách hiệu quả các dự án mục vụ của giáo xứ hay của giáo phận (154).
II. Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ
Sau khi đã trình bày mọi điều về Hội Đồng Quí Chức, và sau khi đã đọc những quy chế mới của Hội Đồng Giáo Xứ khởi hứng từ tinh thần và những qui định của Công Đồng Vatican II, chúng tôi xin nêu bật dưới đây một số điểm đối chiếu giữa hai loại Hội Đồng.
1) Hội Đồng Giáo Xứ thay thế Hội Đồng Quí Chức
Trong thư ban hành qui chế Hội Đồng Giáo Xứ, ngày 29 tháng 6 năm 1969, đức tổng giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền đã viết rằng: "Chúng ta đã biết: trải qua hơn 300 năm, hàng Chức Việc các Họ Đạo, chung ở Việt Nam và riêng ở địa phận nhà, đã góp phần rất hữu hiệu bên cạnh các vị giám mục và linh mục, trong việc coi sóc, giữ gìn và phát triển các xứ đạo. Chúng ta cũng đã ghi nhận: đây là một trong những hình thức tông đồ giáo dân tốt đẹp nhất, đã làm cho Giáo Hội Việt Nam vẻ vang vững mạnh, vượt qua nhiều gian lao, nhất là trong các thời kỳ cấm cách, để trường tồn cho đến ngày nay.
Nhưng chúng ta cũng thấy: thế giới luôn luôn biến chuyển các cơ cấu xã hội trong đó chúng ta đang sống, và trong đó Giáo Hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, mỗi ngày một đổi thay; các họ đạo chúng ta cũng không thể để các cơ cấu tổ chức của mình bất di bất dịch, nếu họ đạo muốn tồn tại, muốn chu toàn nhiệm vụ của mình.
Chính trong tự sắc 'Giáo Hội Công Giáo Của Chúa Kitô' (Catholicam Chriti Ecclesiam) ban hành ngày 06.01.1967 về việc thành lập tại Roma Hội Đồng Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đức giáo hoàng Phaolô VI cũng đã nói: "Giáo Hội cần phải luôn luôn canh tân nội bộ và thích ứng những cơ cấu của mình với thời đại để chu toàn sứ mệnh Cứu Thế".
Do đó, mặc dầu Hội Đồng Quí Chức đã đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong quá khứ, ngày nay, xem đã có phần: lỏng lẻo và không đáp ứng được các nhu cầu hiện tại.
Vì thế, cách đây hai năm, tôi đã cử một Ủy ban nghiên cứu và soạn lại một bản QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ và cho đem ra áp dụng thử tại một vài nơi, năm nay lại giao cho văn phòng HỘI ĐỒNG MỤC VỤ địa phận san định theo các kinh nghiệm của các nơi đã đem thực hành, cũng như dựa theo Qui Chế của một vài giáo phận bạn, để đưa ra cho các Hội Đồng Hạt và Hội Đồng Mục Vụ Địa Phận thảo luận trong khóa họp tháng tư 1969. Kết quả là việc hoàn thành bản Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ này.
Với nguyện vọng đáp ứng lại nhu cầu của họ đạo trong thế giới hiện đại, với sự tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò của anh chị em giáo dân, thành phần quan trọng trong Dân Thiên Chúa, với mục đích canh tân đồng đều các giáo xứ theo tinh thần và mệnh lệnh của Công Đồng Vatican II, tôi, tổng giám mục địa phận Huế, công bố bản QUY CHẾ mới của HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ địa phận Huế (155). Ngày xưa, Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Hội Đồng Quí Chức (156).
Rồi tuy vắn nhưng rõ ràng, một câu viết trong phần nhập đề của Qui chế Hội Đồng Giáo Xứ của địa phận Xuân Lộc: "Mục đích của Qui Chế Hội Đồng Giáo Xứ là dung hòa và đúc kết hai tổ chức 'Hội Đồng Quí Chức' và 'Công Giáo Tiến Hành', hầu thích ứng với hoàn cảnh hiện tại" (157).
2) Mục đích và những chức năng tổng quát
Một cách tổng quát và cốt yếu, Hội Đồng Giáo Xứ có cùng một mục đích và những chức năng giống như của Hội Đồng Quí Chức ngày trước: Hợp tác với cha sở để điều hành giáo xứ và phục vụ cho các tín hữu về mặt đạo đức cũng như về mặt đường đời (158). Vì vậy, các chức việc ngày trước hoặc các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, tất cả đều phải trung thành, tiết nghĩa, ưu tú, thông thạo (159), là một người cộng tác với cha sở (160), là những người phục dịch cho giáo xứ, làm trung gian giữa cha sở và giáo dân (161), chăm sóc tài sản chung của giáo xứ (162), nhiệt tâm với việc rao truyền Phúc Am (163) và là những người đại diện có tư cách của tín hữu và của toàn thể giáo xứ (164).
Tuy nhiên với tinh thần của Công Đồng Vatican II, mối liên hệ giữa Hội Đồng Giáo Xứ với cha sở thì rõ ràng cởi mỡ hơn và ít tính cách phụ quyền hơn (165), việc cắt đặt các chức năng cho mỗi thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ hợp lý hơn, chức năng của chủ tịch hội đồng mục vụ không quá bề bộn. Như thế chúng ta có thể nói rằng sự khác biệt về các chức năng của Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ chỉ rõ nét trong việc cắt đặt và thi hành các chức năng đó.
3) Các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ
Số thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay có vẻ đông hơn số thành viên của Hội Đồng Quí Chức của một họ đạo ngày trước. Lý do là: ngày trước, một giáo xứ có nhiều họ lẻ; mỗi họ lẻ lại có các đại diện trong Hội Đồng Quí Chức, nhưng không các đại diện của các phong trào chuyên biệt về Công Giáo Tiến Hành. Một giáo xứ ngày nay có ít họ lẻ hơn, tuy nhiên nhu cầu của sứ vụ tông đồ đòi hỏi rằng Hội Đồng Giáo Xứ không phải chỉ có một ban điều hành hay ban thường vụ nhưng còn thêm một số đông những người trách nhiệm các khu xóm và các ban ngành chuyên biệt hoặc các hội đoàn, các phong trào Công Giáo Tiến Hành…
Tất cả những quy chế mà chúng ta đã tìm hiểu, đều xá định tương tự rằng: Hội Đồng Giáo Xứ phải có:
a) Ban Cố Vấn, không Qui chế nào xác định số thành viên.
b) Ban Thường Vụ gồm có một chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, một thư ký, một thủ quỹ.
c) Ban Điều Hành (Ban Đại Diện) cho mỗi họ lẻ. Một cách tổng quát, trong mỗi giáo xứ đều có nhiều họ lẻ; mỗi họ lẻ được quán xuyến bởi một ban điều hành gồm có một trưởng ban, một phụ tá, một thư ký và một thủ quỹ.
d) Các ban điều hành của các khu xóm mỗi họ đạo được chia ra nhiều khu xóm. Mỗi khu xóm có một người trách nhiệm cùng với một phụ tá.
e) Những người phụ trách các ban ngành chuyên biệt (phụng vụ, tiếp tân, thánh nhạc v.v…) và những phong trào khác nhau (xã hội, từ thiện, công lý hòa bình v.v…) và các hội đoàn (Đạo Binh Đức Mẹ, Hướng Đạo v.v…) (166).
4) Điều kiện để được ứng cử.
Trước tiên, đây là những khác biệt giữa cuốn Chức Sở Mục Lệ ngày trước của Hội Đồng Quí Chức so với các qui chế ngày nay của Hội Đồng Giáo Xứ; và giữa những quy chế ngày nay cũng có nhiều khác biệt.
a) Cả 3 quy chế Hội Đồng Giáo Xứ của Huế, Xuân Lộc và Đà Lạt đều chấp nhận ứng viên phái nữ (167). Quy định nầy không có trong quy luật của Hội Đồng Quí Chức và trong các qui chế của các giáo phận khác.
b) Theo các quy chế của Xuân Lộc, Đà Lạt và Long Xuyên, những giáo dân nào hiện là cán bộ (cadres) của một đảng phái chính trị thì không được ứng cử (168). Quy định này không có trong quy luật của Hội Đồng Quí Chức ngày xưa và trong qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay ở các gíáo phận khác. Tuy nhiên, quy luật của Hội Đồng Quí Chức lại khuyến khích rằng các chức việc công giáo đừng ngại gánh vác những chức vụ dân sự (169), trong khi đó thì các quy chế của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay giữ yên lặng về điểm nầỵ Chúng tôi nghĩ 'yên lặng tức ở đây có nghĩa là chấp nhận'
c) Cuốn Chức Sở Mục Lệ của Hội Đồng Quí Chức xác định rằng: ứng cử viên vào chức trùm cả (hay chánh trương) và trùm phó (hay phó trương) trong Hội Đồng Quí Chức chỉ dành rêng cho các thành viên đương nhiệm; cũng tương tự như thế, chỉ có những thành viên đã hay đang đảm trách một khu xóm (giáp, biện phái, trưởng khu, trưởng xóm) mới được ứng cử vào các chức vụ cao hơn trong họ đạo và trong giáo xứ (170). Quy định nầy có khi bị từ khước, có khi chỉ được chấp nhận một phần trong các quy chế Hội Đồng Giáo Xứ. Quy chế của giáo phận Xuân Lộc xác định rằng: "Ứng viên phải là thành viên trong một hội đoàn Công Giáo Tiến Hành (171); qui chế của giáo phận Cần Thơ để dành quyền ứng cử chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và thủ quỹ trong ban chấp hành (Ban Thường Vụ) cho các ứng viên ít nhất đã đảm trách (172) chức vụ trong khu xóm; quy chế của địa phận Long Xuyên cũng quy định như thế, và còn chấp nhận cho tất cả các cựu thành viên có đủ điều kiện được ra ứng cử (173); theo quy chế của địa phận Đà Lạt, thì ứng cử vào các chức vụ chủ tịch hay phó chủ tịch phải đã là thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ hay thành viên của các Hội Đồng tương tự (như Hội Đồng Mục Vụ) hay là thành viên trong ban chấp hành của một hội đoàn công giáo (174). Các qui chế của các giáo phận Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Phú Cường không đề cập đến. Và trong trường hợp này, 'yên lặng lại có nghĩa là không chấp nhận'.
Những điều kiện khác thì không đồng nhất: tuổi thấp nhất của ứng viên là 25 tuổi tròn, nhưng ứng cử chủ tịch và phó chủ tịch thì phải từ 40 tuổi trở lên; ứng viên phải là một cá nhân đức hạnh, có uy tín, có khả năng chu toàn trách vụ được giao phó, không bị ngăn trở gì về đời sống dân sự và đời sống tôn giáo v.v…
5) Bầu cử:
a) Cử tri: Tất cả đàn ông, đàn bà thuộc giáo xứ từ 20 tuổi theo quy luật của Hội Đồng Quí Chức và 18 tuổi theo quy chế của Hội Đồng Giáo Xứ, có quyền bầu cử.
b) Phương thức bầu cử: Có ba hình thức để chọn: bầu cử phổ thông và trực tiếp, bầu cử gián tiếp, chỉ định của cha sở. Qui luật của Hội Đồng Quí Chức và thông lệ ngày trước chọn hình thức thứ nhì và thứ ba (176); Các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ chọn hình thức thứ nhứt và thứ nhì, nhưng dành cho cha sở làm chủ tọa các cuộc bầu cử. Hơn nữa, ngoại trừ quy chế của 2 giáo phận Sài Gòn và Phú Cường, tất cả các nơi khác đều chọn một cách kỹ càng theo hình thức trực tiếp và gián tiếp:
Bầu cử trực tiếp: Tất cả các tín hữu từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử các thành viên của ban điều hành khu vực của mình và các thành viên ban điều hành giáo xứ của mình. Tất cả thành viên của một hội đoàn, của một phong trào hay của một hội thân hữu thì bầu cử những người trách nhiệm cho các tổ chức đó.
Bầu cử gián tiếp: Tất cả thành viên đã được chọn bầu vào các các ban chấp hành và các ban quản trị và tất cả các viên chức đã được chọn vào ban điều hành của các hội thân hữu, các phong trào và các đoàn thể hiệp hội có quyền bầu cử để tuyển chọn các thành viên của ban thường vụ (177).
c) Những người được trúng cử: Tất cả các qui chế đều dành cho cha sở quyền chuẩn nhận kết quả của cuộc bầu cử. Không có sự đồng ý của cha sở thì cuộc bầu cử không có giá trị. Cha sở phải đệ trình lên giám mục bản danh sách của những người vừa mới được trúng cử vào ban thường vụ để được chuẩn phê chung quyết kết quả bầu cử và để cấp phát văn bằng chứng nhận cho mỗi người (178). Quy định này đã ghi trong cuốn Chức Sở Mục Lệ và cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội(179). Sau cùng, lễ ra mắt của các viên chức mới của ban thường vụ phải được tổ chức một cách trọng thể và nhân dịp nầy cha sở chính thức công bố cho giáo dân biết tên tuổi và chức vị của các thành viên mới được bầu cử. Các tân chức lên đứng trước cộng đoàn và cha sở hay đức giám mục (quy chế của Huế), tuyên thệ trung thành với bổn phận của mình, hợp tác chân thật với cha sở và với các thành viên khác của Hội Đồng Giáo Xứ, đem hết khả năng của mình phục vụ cho giáo xứ, cho vinh danh Thiên Chúa và cho phần rỗi các linh hồn. Tất cả các quy chế ngày nay đều chấp nhận nghi lễ ra mắt này (180), còn cuốn Chức Sở Mục Lệ thì chỉ quy định: sau khi cấp phát văn bằng chứng nhận, cha sở, trong buổi lễ ngày chúa nhật tiếp theo, sẽ công bố danh tánh của tân chức cho các tín hữu biết (181).
6) Giá trị đại diện và năng lực
Sau khi đọc các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ, chúng tôi nhận thấy rằng: quả thật, khi chú trọng vào những tư cách cá nhân, năng lực, tài cán và uy tín cộng đoàn, người ta đã không quên tư cách đại diện và cộng đồng tính của cơ chế nầy. Nét khác biệt rõ ràng giữa những thành viên trong Hội Đồng Quí Chức ngày xưa so với các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, là đa số các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức đều lớn tuổi, vì thế nhiều người muốn dịch từ 'notable' là "kỳ mục" "kỳ lão", "cao niên". Ngược lại, trong Hội Đồng Giáo Xứ thì những người đại diện trẻ trung, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của họ đạo, bao gồm cả phái nữ. Như vậy, Hội Đồng Giáo Xứ là một tổ chức đại diện trung thực cho cả một cộng đồng. Và cũng chính là nhờ hình thức bầu cử khiến cho 'tính cách đại diện' được bảo đảm. Hơn thế nữa, trên nhiều môi trường hoạt động tông đồ của giáo dân hôm nay thì tính cách đại diện cho cộng đồng bảo đảm với chúng ta về năng lực của mỗi thành viên và của cả Hội Đồng Giáo Xứ.
Chúng ta không thể chối bỏ thiện chí, nhiệt tình và đức độ của các quí chức già nua, tuy nhiên những nhận định của chúng ta cũng không khác với những điều đức tổng giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền đã viết sau đây: "Ngày nay, Hội Đồng Quí Chức không đáp ứng được các nhu cầu của thời đại" (182). Một trong những lý do chính yếu là vì hội đồng nầy thiếu năng lực trong nhiều lãnh vực hoạt động của sứ vụ tông đồ: "Họ là những người đức hạnh, có uy tín, nhiệt thành nhưng bao nhiêu đó không đáp ứng đủ cho các nhu cầu và những vấn đề của giáo phận và của xã hội; quan điểm và nhận thức của họ quá khác biệt với những quan điểm và nhận thức của những giáo dân trẻ trung và của trào lưu tiến bộ hiện nay trên thế giới. Hậu quả là, những hoạt động của họ trở thành vô hiệu quả và họ trở thành vô năng lực trong khi thi hành chức vụ của mình. Tình trạng càng trở nên xấu thêm nếu cha sở quan niệm rằng Hội Đồng Quí Chức chỉ là một công cụ thừa hành và là chỗ 'ký gởi' quyền uy của mình".
Chúng tôi còn muốn thêm rằng: Hội Đồng Giáo Xứ được tạo phác bởi các qui chế là khí cụ tông đồ được tổ chức vừa rất hoàn mỹ, vừa rất chuyên biệt, trong khi Hội Đồng Quí Chức chỉ phản ảnh một phương pháp được cơ cấu hóa. Theo Công Đồng Vatican, người ta phải đề xuất những phương cách mục vụ thích hợp để yểm trợ đời sống tinh thần và giải quyết những vấn đề thúc bách của mọi tầng lớp tín hữu (183), người ta phải tạo dựng công trình hoạt động tông đồ tùy theo những môi trường cần phải đạt tới (184).
7) Những kỳ hội họp.
Trong những văn bản cũ viết về Hội Đồng Quí Chức không thấy nói tới các phiên họp định kỳ ngoại trừ những ngày mà thành viên thủ quỹ đệ trình sổ chi thu cho cha sở và các quí chức(185). Như thế có nghĩa là các quí chức chỉ được mời đi hội khi nào trong họ đạo có việc cần thiết. Ngược lại, tất cả các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ đều xác định rõ ràng những ngày tháng cho những kỳ hội họp khác nhau. Những kỳ hội họp này được phân ra thành 3 loại khác nhau: hội thường lệ, hội bất thường và đại hội. Những buổi hội thường lệ của ban thường vụ và của những ban điều hành đặc biệt khác được quy định vào mỗi tháng hoặc mỗi hai tháng một lần (185). Kỳ hội đặc biệt hay hội bất thường, được tổ chức khi nào giáo xứ có nhu cầu đặc biệt (186); đại hội (còn gọi là đại hội thường niên) sẽ được tổ chức vào ngày lễ Quan Thầy của giáo xứ (187).
Chỉ riêng quy chế của giáo phận Huế trình bày chương trình tổng quát cho các buổi hội họp: buổi họp gồm 3 phần: trước tiên, học hỏi về một đề tài do một thuyết trình viên hướng dẫn; kế đến, bá cáo tình hình của giáo xứ hoặc của mỗi lãnh vực hoạt động, sau cùng, thảo luận về những đề nghị và thiết lập các phương án mới v.v… (188)
Thời gian của mỗi kỳ nhóm họp thường lệ hay đặc biệt sẽ là một giờ ba mươi phút theo qui chế của giáo phận Sài Gòn và Phú Cường (189). Không thấy đề cập đến giờ giấc cho các kỳ nhóm họp trong các qui chế của các giáo phận khác.
8) Giá trị của những quyết định từ những kỳ hội họp
Cha sở (cha xứ) là người trước hết chịu trách nhiệm về sự tiến triển tốt đẹp của họ đạo được trao phó cho ngài. Vì thế trước kia, Hội Đồng Quí Chức luôn luôn hoạt động dưới quyền điều khiển của cha sở và phải vâng theo chỉ thị của ngài. Điều nầy rõ ràng trong các văn kiện cũ (190). Khi nói về Hội Đồng Mục Vụ (và những hội đồng tương tự). Tự sắc về 'Giáo Hội' tuyên bố rằng 'hội đồng nầy chỉ có tiếng nói tư vấn' (191). Tất cả các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ đều công nhận một cách minh nhiên qui định nầy: Tất cả các quyết định của Hội Đồng Giáo Xứ trong ba hình thức hội họp nói trên, chỉ có giá trị khi được cha sở chấp nhận (192). Ngoài ra, qui chế của giáo phận Long Xuyên còn tuyên bố thêm rằng: cha sở hay cha phụ tá của ngài mới có quyền chủ tọa các buổi hội thường lệ hay đặc biệt và buổi đại hội thường niên của Hội Đồng Giáo Xứ (193).
Theo thiển ý của chúng tôi, việc xem Hội Đồng Giáo Xứ như một cơ cấu chỉ có quyền tư vấn, là phù hợp với bản chất phẩm trật trong Giáo Hội và trong cộng đoàn giáo xứ. Thật vậy, các cha sở là những người cộng tác của giám mục. Các ngài là những chủ chăn đúng nghĩa được trao phó việc chăm sóc các linh hồn trong một phần đất nhất định của giáo phận, dưới quyền của giám mục (194). Vì là chủ chăn, các ngài cũng có những trách nhiệm riêng đối với giáo xứ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cha sở có thể quyết định ngược lại hay coi thường những nguyện vọng (recommandations) của cộng đoàn đã được biểu quyết bởi đa số phiếu của Hội Đồng Giáo Xứ. Với tư cách là người lãnh đạo cộng đoàn, cha sở chủ trì Hội Đồng Giáo Xứ, nhưng chủ trì không có nghĩa là ban ra những quyết định độc đoán không có sự đồng thuận với các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ. Vì thế, ngoại trừ những quyết định có tính cách trái ngược rõ ràng với qui luật của Giáo Hội hay với chỉ thị của giáo phận, một cha sở khôn ngoan sẽ không cố tình phủ nhận những ý kiến của đa số thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ.
9) Nhiệm kỳ của thành viên hội đồng
Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, nhiệm kỳ của thành viên chủ tịch (trùm cả) là suốt đời, còn nhiệm kỳ của những thành viên khác trong hội đồng là 5 năm (195). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội ấn định một nhiệm kỳ là 6 năm áp dụng cho tất cả các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức và tất cả thành viên đều được quyền tái cử (196). Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi các thành viên thuộc một gia đình hay một gia tộc, họ thay phiên nhau đảm nhận các chức vị quan trọng trong giáo xứ hay họ đạo. Trong trường hợp này, họ đạo sẽ chịu nhiều thiệt hại. Ngày nay các quy chế Hội Đồng Giáo Xứ chấp nhận một nhiệm kỳ từ 3 đến 5 năm cho tất cả thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ và họ có thể tái cử vào chức vị cũ trong Hội Đồng Mục Vụ hoặc một chức vị mới (197).
10) Những khó khăn
Chuyển tiếp từ Hội Đồng Quí Chức sang Hội Đồng Giáo Xứ là một bước tiến lớn lao trong việc thích ứng mục vụ của các giám mục, linh mục và giáo dân công giáo Việt Nam. Tất cả đều ý thức sâu xa về những nhu cầu mục vụ rộng lớn của các giáo xứ trong thời hậu Công Đồng (Vatican II), về những sự thay đổi nhanh chóng của một xã hội bị xáo trộn quá nhiều vì chiến tranh, bị phân hóa bởi những ảnh hưởng khác nhau đến từ Âu Mỹ, bởi những khuynh hướng chính trị quốc gia và cộng sản… Tất cả đều muốn đáp ứng lời kêu gọi của Công Đồng 'Các Hội Đồng giám Mục phải biết thích nghi thỏa đáng với những phương pháp và những cơ chế thích hợp theo những hoàn cảnh về thời gian, không gian và nhân sự (198); ‘lời kêu gọi của đức giáo hoàng Phaolô VI' Giáo Hội phải tự canh tân nội tình và thích ứng các cơ cấu của Giáo Hội theo nhu cầu của thời đại hầu chu toàn sứ mệnh cứu thế (199); và sau cùng, những nguyện vọng tha thiết về việc canh tân các giáo xứ và các họ đạo của Dân Chúa (200). Do đó, đa số các giám mục Việt Nam đã thiết lập trong giáo phận của mình một ủy ban soạn thảo quy chế Hội Đồng Giáo Xứ, rồi đích thân, đức giám mục đã trân trọng phổ biến và cho áp dụng qui chế đó trong tất cả các họ đạo thuộc giáo phận, hay ít ra áp dụng tạm thời trong 3 năm (aggiornamento). Có thể nói, các qui chế đã được tiếp nhận nồng nhiệt bởi đa số hàng linh mục và giáo dân. Tuy nhiên, khi các qui chế được đem ra áp dụng thì gặp phải rất nhiều trở ngại! Trở ngại từ não trạng của các linh mục và giáo dân, trở ngại từ sự thiếu thốn nhân sự trong giáo xứ, trở ngại vì tình hình xã hội và chính trị trong nước.
a) Tâm lý bảo thủ của nhiều linh mục: Thông thường các linh mục đã được đào tạo và được bổ nhiệm để hành động đơn độc một mình như là những cấp chỉ huy độc nhất có trách nhiệm điều hành tốt một giáo xứ. Các linh mục thường hay tự đặt mình lên trên cộng đoàn theo bổn phận phục vụ các nhu cầu tinh thần cho giáo dân trong các họ đạo và chỉ chịu trách nhiệm trước giám mục giáo phận mà thôi. Vì thế, các ngài không muốn chia sớt gánh nặng mục vụ cho giáo dân trong họ đạo, sợ rằng quyền uy cá nhân của mình bị mất mát. Mặt khác, có nhiều linh mục sợ canh tân không phải vì họ thiếu khả năng thực hiện, nhưng vì họ nghĩ rằng những canh tân sẽ xáo trộn tính cách hài hòa truyền thống của họ đạo. Do đó, các ngài ưa chuộng Hội Đồng Quí chức cổ xưa hơn là Hội Đồng Giáo Xứ mới mẻ ngày nay. Kết quả là tập qui chế mới mẻ đức giám mục gửi tới, chỉ nằm ngủ trong góc văn phòng giáo xứ với những lớp bụi mỗi ngày thêm dầy cộm.
b) Tâm lý tiêu cực của giáo dân: Có những họ đạo mà trong đó giáo dân đã nhiễm thói quen tiêu cực. Hầu như theo bản năng, họ không thể chấp nhận cho giáo dân đảm trách những chức vụ mà từ trước đến nay vốn chỉ dành riêng cho các hàng linh mục. Họ dễ dàng phê phán hoặc bài bác các việc làm của cha sở và của các tín hữu khác, nhưng họ lại cho rằng không tội vạ gì phải dây mình và việc điều hành cộng đoàn. Đó là việc của cha sở. Hậu quả là họ lạnh lùng trước mọi vấn đề trong họ đạo. Họ chỉ có việc đi xem lễ, mỗi cuối năm họ đóng góp tiền bạc một cách tượng trưng. Như thế là đủ rồi. Hội Đồng Giáo Xứ với qui chế hiện nay, đối với họ, là tân thời và cấp tiến quá !. Họ không tìm thấy điều gì liên hệ mật thiết với cuộc sống của họ !
c) Thiếu thốn nhân sự hoạt động: Chiến tranh đã xảy ra từ lâu và gây bao thảm hại, nhất là vùng nông thôn. Những người trẻ bị động viên vào quân đội, những tín hữu được đào tạo và có khả năng đều phải lẩn trốn đi nơi khác để mưu sinh và tránh né sự bách hại của những kẻ thù hằn. Nơi họ đạo chỉ còn lại những người già nua, đàn bà và trẻ nít! Tất cả đều nghèo khốn và sống trong sợ sệt hãi hùng. Trong tình huống như thế, sự thiết lập một Hội Đồng Giáo Xứ thật là khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Thiếu nhân lực và mọi phương tiện để hoạt động! Họa may mà thiết lập được, thì sự hữu hiệu của Hội Đồng Giáo Xứ cũng không hơn gì Hội Đồng Quí Chức. Đã có dư luận cho rằng chỉ có danh xưng của Hội Đồng được thay đổi thôi, mọi thứ còn lại vẫn như cũ! Rõ thật là nhân định bất thắng thiên'.
d) Dưới chế độ cộng sản: Chiến tranh 30 năm qua nay đã chấm dứt. Đất nước đã thống nhất và dưới quyền cai trị của Nhà Nước cộng sản. Tuy không có những cuộc bách hại kiểu thời vua chúa, ngược lại quyền tự do tôn giáo đã được long trọng công bố nhiều lần bởi chính quyền và được ghi ra trong hiến pháp. Nhưng trên thực tế, giống như Giáo Hội Công Giáo ở miền Bắc, Giáo Hội Công Giáo miền Nam đã từ lâu ở trong tình huống bị chèn ép một cách tinh vi và đời sống của các giáo phận và các giáo xứ đang rơi vào tình trạng tê liệt. Trong một tình thế bi thảm như vậy, việc áp dụng các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ tất nhiên là rất khó khăn. Dù sao thì mọi việc qua đi trong sự quan phòng của Thiên Chúa và từ nơi Thiên Chúa mà chúng ta mới luôn luôn có đầy tràn hy vọng.
Chúng tôi muốn chấm dứt phần trình bày của chương này bằng một lời ca ngợi thán phục gởi đến các vị thừa sai ngày trước đã thích ứng cơ cấu các chức sắc trong các làng xã dân sự cổ truyền vào Hội Đồng Chức Việc hay Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo Công Giáo Việt Nam. Hội đồng này rõ thật không phải là một hệ thống hoàn hảo về tông đồ giáo dân, nhất là theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II. Dù sao, theo trào lưu lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam thì Hội Đồng Quí Chức đã tạo dựng những hoạt động tông đồ rất tích cực. Những hoạt động này, mặc dù đã được thực hiện từ hơn 400 năm qua, luôn thực sự rất gần với các giáo huấn của Công Đồng về tông đồ giáo dân ngày naỵ
Vì vậy, đối chiếu Hội Đồng Quí Chức ngày xưa với Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, chúng tôi không muốn nói rằng Hội Đồng Quí Chức đã bị thay thế bởi Hội Đồng Giáo Xứ, mà chỉ muốn nói một cách công bình rằng Hội Đồng Quí Chức đã được trau chuốt thêm cho thích hợp với các nhu cầu hiện nay của các giáo xứ và của Giáo Hội Việt Nam.
--------------------------------
Chú thích
1 Mục đích việc thiết lập Hội Đồng Quí Chức, xem CSML 2,5,
2 Bầu cử các Chức việc, xem CSML 6-9.
3 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
4 GM, 30 trg AAS 58 (1966) tr.688
5 GH, 28 trg AAS 57 (1965) tr.35
6 ĐT, 2 trg AAS 58, (1966) tr.714
7 TĐ,10 trg AAS 58, (1966) tr.847
8 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
9 TĐ, 2, 21 trg AAS 58 (1966) tr.839,63
10 TĐ, 16 trg AAS 58 (1966) tr.851
11 GH, 31 trg AAS 57 (1965) tr.37
12 TĐ, 31 trg AAS 58 (1966) tr.863
13 TĐ, 3 trg AAS 58 (1966) tr.839
14 TĐ, 120 trg AAS 58 (1966) tr.960
15 HN, 7 trg AAS 578 (1965) tr.97
16 TĐ, 23 trg AAS 58 (1966) tr.856
17 TĐ, 4 trg AAS 58 (1966) tr.840
18 GH, 31 trg AAS 57 (1965) tr.38
19 TĐ, 7 trg AAS 58 (1966) tr.844
20 GH, 36 trg AAS 57 (1965) tr.41
21 TĐ, 8 trg AAS 58 (1966) tr.844
22 TĐ, 31 trg AAS 58 (1966) tr.862
23 TĐ, 3 trg AAS 58 (1966) tr.839
24 TĐ, 10 tg AAS 58 (1966) tr.846
25 TĐ, 4, 10 trg AAS 58 (1966) tr.840,846
26 GM, 14 trg AAS 58 (1966) tr.679
27 GD, 4 trg AAS 58 (1966) tr.728
28 GM, 2-4 trg AAS 58 (1966) tr.687-679
29 GM, 30 trg AAS 58 (1966) tr.689
30 LM, 4,6 trg AAS 58 (1965) tr.996; 999-1000
31 GH, 41 trg AAS 57 (1965) tr.47
32 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
33 TG,15 trg AAS 58 (1966) tr.965
34 TĐ,30 trg AAS 58 (1966) tr.861; TG,17 trg. AAS 58 (1966) tr.967-968
35 GH, 37 trg AAS 57 (1965) tr.42-43; TĐ, 24 trg AAS 58 (1966) tr.856;LM, 9 trg AAS 58 (1966) tr.1005-1006
36 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.869
37 TG, 20 trg AAS 58 (1966) tr.970-971
38 LM,17 trg AAS 58 (1966) tr.1017
39 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
40 TĐ,25 trg AAS 58 (1966) tr.858
41 TĐ,24 trg AAS 58 (1966) tr.856-857
42 TĐ,23 trg AAS 58 (1966) tr.856
43 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.855
44 TĐ,8 trg AAS 58 (1966) tr.846
45 GH,28 trg AAS 57(1965) tr.34
46 MV,28 trg AAS 58 (1966) tr.1048
47 GH,34-36 trg AAS 57(1965) tr.39-41; TĐ,2,10 trg AAS 58 (1966) tr.838-846
48 CSML I
49 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.838
50 GH,35 trg AAS 57 (1965) tr.41
51 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.839
52 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.838
53 TG,20 trg AAS 58 (1966) tr.970
54 TG,37 trg AAS 58 (1966) tr.984
55 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
56 CSML 7
57 SI 3 (1929) tr.122
58 TĐ,3 trg AAS 58 (1966) tr.839
59 GH, 35 trg AAS 57 (1965) tr.40
60 GH,34 trg AAS 57 (1965) tr.39
61 MV,43 trg AAS 58 (1966) tr.1063
62 GH,38 trg AAS 57 (1965) tr.43
63 TG,21 trg AAS 58 (1966) tr.972
64 TĐ,29 trg AAS 58 1966) tr.860
65 GH,33 trg AAS 57 (1965) tr.39
66 TG,15 trg AAS 58 (1966) tr.964
67 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688
68 TĐ,17 trg AAS 58 (1966) tr.852
69 TG,20, 21 trg AAS 58 (1966) tr.970,973
70 LM,5 trg AAS 58 (1966) tr.997
71 GH,40 trg AAS 57 (1965) tr.44-45
72 GH,39 trg AAS 57 (1965) tr.44
73 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.46
74 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
75 GH,42 trg AAS 57 (1965) tr.49
76 GH, 41 trg ĂS 57 (1965) tr.47
77 GH,42 trg AAS 57 (1965) tr.48
78 TĐ,16 trg AAS 58 (1966) tr.851
79 TĐ,1 trg AAS 58 (1966) tr.862
80 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
81 GH,8 trg AAS 57 (1965) tr.11
82 GH,65 trg AAS 57 (1965) tr.64
83 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688-689
84 TĐ,30 trg AAS 58 (1966) tr.851
85 TĐ,23 trg AAS 58 (1966) tr.856
86 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
87 GH,35 trg AAS 57 (1955?) tr.40; TG, 29 trg AAS 58 (1955) tr.979-980); AA, 20 trg AAS 58 (1966) tr.855
88 CSML,2,28; DHN 150
89 CSML, 17,21
90 CSML, 30; AD tit.IV cap.I I n.1/1 p.112; Cf Louvet E, 'LA COCHINCHINE RELIGIEUSE', I tr.357
91 DNQ 115, DH 101
92 DNQ 112, DH 98
93 AD tit,IV cap. III n 1/1, tr.112
94 CSML 29
95 CSML 61
96 Cf Louvet E. op.cit. I, tr.357
97 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688
98 GH,33 trg AAS 57 (1965) tr.39
99 TĐ,6 trg AAS 58 (1966) tr.843
100 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
101 TG,28 trg AAS 58 (1966) tr.979
102 TG,21 trg AAS 58 (1966) tr.972
103 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr. 846
104 Xem NGUYỄN-HỒNG, 'LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM', I, tr.206-210)
105 TĐ,18 trg AAS 58 (1966) tr.853
106 TĐ,18 trg AAS 58 (196) tr.854
107 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.855
108 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.854
109 Đọc lại chương VI, các tr.120-122, 328-337, 337-346
110 Đọc lại chương V các tr. 285-307
111 CSML 3; đọc lại chương. III các tr.147-148; chương IV các tr.236-245
330 Hội Đồng Quý Chức
112 CSML 3,4
113 TĐ,5 trg AAS 58 (1966) tr.842
114 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844
115 GH,36 trg AAS 57 (1965) tr.41
116 MV,26 trg AAS 58 (1966) tr.1046
117 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844; GH,35 trg AAS 57 (1965) tr.40; MV, 52 trg AAS 58 (1966) tr.103
118 TG,21, 22 trg AAS 58 (1966) tr.972-973; GH,36 trg AAS 57 (1965) P. 41; MV, 61,62 trg AAS 58 (1966) tr.1082-1083.
119 TĐ,6 trg AAS 58 (1966) p. 843
120 MV,25 trg AAS 58 (1966) tr.1045; TG, 22 trg. AAS 58 (1966) tr.973
120' Đọc lại chương VI các tr.310-320
120'' GH,32 trg AAS 57 (1965) tr 38
120''' TĐ, 25 trg AAS 58 (1966) tr.857
121 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844; MV, 9 trg AAS 58 (1966) tr.1030 TĐ, trg AAS 58 (1966) tr.844
122 TĐ, 7 trg AAS 58 (1966) tr.844
123 CSML 61
124 TĐ10 trg AAS 58 (1966) tr.847
125 TĐ,38 trg AAS 58 (1966) tr.693
126 TĐ,32 trg AAS 58 (1966) tr.863
127 MV, 27 trg AAS 58 (1966) tr.1047
128 MV,93 trg AAS 58 (1966) tr.1114
129 LM,6 trg AAS 58 (1966) tr.9997
130 HN,7 trg AAS 57 (1965) tr.97
131 GH,36 trg AAS 57 (1966?) tr.41; TG, 20 trg AAS (1966) tr.971
132 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
133 GH,37 trg AAS 57 (1965) tr.43
134 Từ năm 1960 Toà Thánh đã thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam qua sắc lệnh "VENERABILIUM NOSTRORUM" ban hành ngày 2 tháng 11 năm 1960, trg AAS 53 (1960) tr.340-325. Như vậy, tất cả các toà Giám Quản Tông Tòa trở thành địa phận và các vị Giám Quản Tông Tòa trở thành các giám mục chính tòa và các 'chuẩn giáo xứ' trở thành những giáo xứ.
135 Xin lưu ý rằng những trang kế tiếp sau đây chỉ đề cập tới Giáo Hội Công Giáo ở miền Nam Việt Nam mà thôi. Ở miền Bắc Việt Nam thì tổ chức Hội Đồng Quí Chức vẫn còn luôn trong tình trạng tiền công đồng. Và sau đây là các giáo phận Việt Nam có ban hành 'Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ': NhaTrang (1968), Huế (1969), Sài Gòn, Phú Cường, Long Xuyên, Xuân Lộc (1971), Đà Lạt (1973), Cần Thơ (1974).
136 TĐ 10 trg AAS 58 (1966) tr.757-787
137 GM,27 trg. AAS 58 (1966) tr.687: "Valde optandum est ut in unaquaque diocesi peculoaire instutuatur Concilium pastorale, cui episcopus diosesanus ipse praesit et in quo clerici religiosi et laici, specialiter delecti, partes habeant. Hujus Conciliieriea quae ad pastoralia opera spectant investigare, perpendere atque de eis practicas expromere conclusions.
138 TĐ, 26 trg AAS 58 (1966) tr.858
139 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.686
140 TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858
141 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.687; TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858; ES, 16/3 trg AAS 58 (1966) tr.766
142 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.686
143 PV, 42 trg AAS 56 (1964) tr.III
144 GM, 27 trg AAS 58 (1966) tr.687; TĐ, 26 trg AAS 58 (1966) tr.858; ES, 16/1 trg AAS 58 (196) tr.766
145 TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858
146 ES,16/2 trg AAS 58 (1966) tr.766
147 Quy chế của giáo phận Sài Gòn ấn định: "Tại mỗi giáo xứ có một trung tâm đầu não duy nhứt, đó là Hội Đồng Giáo Xứ ' QCHĐGX/SG 3.
148 QCHDGX/SG, PC, 4; - H.I /ĐL/27- CT.2 - XL.2LX.I
149 Tất cả các quy chế đều có chung một định nghĩa: "Hội đồng giáo xứ là một tổ chức gồm những giáo dân ưu tuyển" (Le conseil paroissal est l'organisme comprenant des fidèles d'élite) QCHDGX/SG et PC.4, QCHDGX/H.I /ĐL,27/CT.2.2/XL.2/LX.I /NTI
150 'Sự cộng tác với cha sở đặc biệt được xem như là bản chất, định nghĩa và là mục tiêu của Hội Đồng Giáo Xứ’ ham chiếu những trích dẫn ở trên (chú thích 149)
151 Xem: QCHDGX/SG et PC.7-10 /H.10-17/ ĐL,50-56/ XL.21-30/ CT.9-16/ LX.40-49.
152 Trong giáo phận Nha Trang, đức giám mục là chủ tịch Hội Đồng Giáo Dân cấp địa phận. Hội đồng này có ba phó chủ tịch mà một trong 3 người đặc trách về các vấn đề hành chánh của các Hội Đồng Giáo Xứ, QCGD, III, tr.79
153 QCHDGX/XL, 21: "Hội đồng giáo xứ hợp tác với cha sở để hướng dẫn và điều hành tất cả các ban ngành hoạt động của giáo xứ". / SG et PC.7: "Hội đồng giáo xứ hợp tác với cha sở để phục vụ giáo xứ qua các hoạt động nhằm mục tiêu bảo tồn một cách đồng nhứt và phát triển toàn vẹn những giá trị tinh thần và vật chất của giáo xứ"; - "Ban thường vụ, đại diện cho hội đồng giáo xứ, cộng tác với cha sở, điều hành mọi công việc của giáo xứ và huy động các ban ngành, các hội đoàn v.v... để cùng chung nhau thực hiện các dự án thích hợp" Xem 'Mazzoli A. La Pastorale nella Parrochia moderna', tr.107-108.
154 Xem QCHDGX/LX.40-49 /XL,21-30 /ĐL.50-58 /CT. 9-16 /H. 10-17.
155 QCHDGX/H (1969) tr.3-4
156 QCHDGX/H. 1
157 QCHDGX/SX, tr.21
158 CSML 1,2; ĐQN 112; ĐH.98; QCH ĐGX/SG và PC. 7 /XL.21 /CT.2 /LX.1
159 CSML.7;/QN.114,/DH.100,/DHN.150/QCHĐGX/SA và PC.21/LX.43/ ĐL.37 /XL.II
160 CSML 2,28,30 ĐQN 112 ĐH 98; QCHĐGX/SG và PC 4,7 / ĐL.27,50/ LX. 1,40 /XL. 1,21
161 CSML 14-16, 34, 43, 45-46, QCH ĐGX/SG và PC.9 / ĐL.51
162 CSML 21-22, 26-27, 51, QCHĐGX/XL.21 / CT.16 / LX.40
163 CSML 1,38, QCHĐGX/XL.21-22 /SG và PC.7 / LX.43
164 CSML 3-4 QC ĐGX/CT.10 /SG và PC.9 / ĐL.51
165 Tuy nhiên, tất cả các quy chế đều quy định rằng: "những quyết định của Hội Đồng Giáo Xứ chỉ có giá trị với sự chuẩn nhận của cha sở" QCHĐGX/ LX.36 ? /SG và PC.16 /XL.34 /CT.19 /H.13.
166 Chẳng hạn, mỗi giáo xứ thuộc giáo phận Huế có 9 người đặc trách về các ngành chuyên biệt: Phụng vụ, thánh nhạc, lễ nghi, trật tự chung, giáo dục, tài chánh, xây dựng, hoạt động bác ái, thông tin. Trong một giáo xứ lớn, trách nhiệm của mỗi người đặc trách ngành chuyên biệt còn có thể thiết đặt thêm một ban điều hành riêng cho môi trường hoạt động của mình, tuy nhiên ban này chỉ là một thành phần của Hội Đồng Giáo Xứ mà thôi" QCHĐGX/H.4
167 QCHĐGX/H.21: ứng viên vào Hội Đồng Giáo Xứ có thể là nam hay nữ"; XL.12: "ứng viên có thể là một người phái nữ, nhưng đương sự phải hội đủ điều kiện luật buộc và được chấp nhận bởi tục lệ địa phương" /ĐL.37; "Mọi tín hữu nam hoặc nữ, nếu hội đủ điều kiện đều có thể ứng cử và được bổ nhiệm vào hội đồng mục vụ hay vào ban điều hành ban ngành"
168 "Ứng viên không thể là thành phần lãnh đạo (/XL.9), mà cũng không thể là một cán bộ nồng cốt (/ LX.II /ĐL.32) của một đảng phái chính trị"
169 Những ai tham gia vào những chức vụ quan trọng trong giáo xứ cũng có thể là chức sắc trong làng xã hay trong các cơ quan hành chánh dân sự. Chúng ta cũng mong ước rằng, trong các làng xã công giáo người ta nên chọn lựa một số chức sắc trong làng để bảo vệ sự hài hòa chung" GSML 4; ĐHN 150
170 CSML 6-7
171 QCHDGX/ XL. II
172 QCHDGX/CT.21
173 QCHDGX/LX.16
174 QCHDGX/SSL.37
175 CSML.6; QCHDGX/H22 / ĐL36 /LX.24 /XL.16 /SG, PC.20
176 CSML.6. ĐQN 113, ĐH 99. Chính vì lý do lạm dụng này mà các giáo phận Qui Nhơn và Huế đã khuyến cáo các cha sở: "Việc tuyển chọn một ứng cử viên nào đó bằng một cuộc bầu phiếu là để người đó trở thành đại diện của các tín hữu chứ không phải là người bảo vệ quyền lợi của cha sở" ĐQN 114, ĐH 100).
177 QCHDGX/SG,PC.20 /XL.15-27; /ĐL.39-45 /H.22-24
178 QCHDGX/ĐL.42 /XL.18 /LX.18
179 CSML 6; ĐHN 150
180 QCHDGX/LX.19 và phụ lục tr.27 /XL.20 và phụ lục tr.119-128 /ĐL.43 /H.24
181 CSML.6
182 QCHDGX/H. tr.3
183 GM,18 in AAS 5891966) tr.682
184 AA,326 trg AAS 58 (1966) tr.863
185 Vào ngày lễ các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô (CSML,27), vào dip lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh (ĐHN,150), một ngày lễ hội sau mùa gặt lúa (ĐQN.323)
186 Vào mỗi tháng: QCHDGX/ĐL.57 /H.H30 /XL.32 /SG,PC.15. Vào mỗi 2 tháng: /LX.33 /CT.43 /NT.56
187 QCHDGX/SG,PC.15 /LX.34 /XL.32 /H.30 /ĐL.57
188 QCHDGX/H.30
189 QCHDGX/SG và PC.15
190 CSML 2,14,22,28 ĐQN 112,115; ĐH 98,101; ĐHN 150
191 ES, 16/2 rg AAS 58 (1966) tr. 766
192 QCHDGX/XL.34 /LX.36 /CT.19 /SG và PC.16
193 QCHDGX/LX.35
194 CD,30 trg AAS 58 (1966) tr. 688
195 CSML.3
196 ĐHN.150
197 Ba năm: QCHĐGX/SG và PC.24 /LX.28 /H.H25; Bốn năm /XL.39; năm năm /ĐL.46
198 CD,18 trg AAS 58 (1966) tr.682
199 'SUMMI PONCTIFICIS PAULI VI ALLUCATIO SECUNDA SS CONCIL II PERIODO INEUNTE', die 29 sept.1963, trg 'IL CONCILIO VATICANO II', sesta edizione,1967 tr.102.
200 Xem, Nguyễn-Văn Vi, 'Họ Đạo Của Chúng Ta' Scerdos (1971) s6' 120, các tr. 739-76; Tân Yên, 'Hiện Tình Các Họ Nhánh tại Lục Tỉnh', Sacerdos (1969) số 89 các tr.279-282; Phạm Bá Tước, 'Đi Thăm Cha Sở Họ Đạo Miền Quê', Sacerdos (1971) số 120 các tr.747-750; Nguyễn Ngọc Thụ, 'Họ Đạo Của Ngày Mai', Sacerdos (1970) số 103 các trang 454-458; Nguyễn Văn Thung, 'Mục Vụ Đối Với Giới Trẻ' (1970) số 101 các tr. 275-280; Nguyễn Văn Tuyên, 'Chuẩn Bị Sứ Mệnh Tuyên Giảng Lời Chúa' Nhà Chúa số 3 (1970) tr. 7-13.