HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC

CHUONG VI: THAM GIA VÀO THỪA TÁC VỤ QUẢN TRỊ

Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày hai mục chính:

I.Quản trị

II.Quản lý.



Mục I: THỪA TÁC VỤ QUẢN TRỊ


Ý trí đầu tiên của các đấng bề trên, khi chọn các chức việc họ đạo, là nhằm mục đích thiêng liêng, sau đó mới nhắm vào việc quản trị của họ đạo. Mục đích thứ hai hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích thứ nhất (1). Đúng vậy. Vì hai chương trước đây, chúng tôi đã bàn về mục đích thứ nhất: tham gia của các chức việc vào thừa tác vụ thánh hóa (officium sanctificandi) và vào thừa tác vụ giảng dạy (officium docendi) của các linh mục. Trong chương này, chúng tôi sẽ bàn về thừa tác vụ thứ ba, tức sự tham gia của chức việc vào thừa tác vụ điều hành hay quản trị (officium regendi) của linh mục trong việc quản trị họ đạo.

Đời sống tín hữu trong mỗi họ đạo thường phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cha xứ và các chức việc. Nguyên tắc này đưa ra vai trò trung gian của các chức việc giữa cha xứ và bổn đạo, nhất là trong việc quản trị họ đạo. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu trình bày mục này bằng cách nêu bật những tương liên giữa các chức việc và cha xứ.

I. Những cộng tác viên của cha sở.

1) Tầm quan trọng của việc cộng tác này.

Các chức việc hẳn luôn biết rằng cha xứ là người duy nhất có trách nhiệm điều hành họ đạo. Tuy nhiên, trong việc quản trị xứ đạo, ngài sẽ được các chức việc trợ giúp (2). Như vậy, các chức việc chính là những người trợ giúp, trợ lực, thi hành, cánh tay mặt hay đại diện của cha xứ trong việc điều hành họ đạo, như được quy định trong cuốn Chức Sở Mục Lệ: các bề trên, khi chọn lựa các chức việc của các họ đạo, trước hết là để các linh mục có những cộng tác viên cẩn trọng, tùy trường hơp có thể giúp các ngài trong những công tác khả thi. Như vậy, họ luôn tùy thuộc các Ngài: tôn kính, vâng lời, tùy phục, trợ lực. Vậy họ luôn phải tỏ ra khuôn mẫu cho mọi người (3). Nói khác đi: "Các chức việc luôn phải đồng thuận với cha xứ" (4), và "các chức việc, nhất là ông trùm họ đạo, phải báo cho cha xứ tất cả những sự việc liên hệ tới vấn đề coi sóc các giáo dân"(5).

Khởi từ mối dây cộng tác giữa cha xứ và Hội Đồng Chức Việc, và sau khi đã nhấn mạnh vai trò cần thiết của cha xứ trong việc tuyển chọn các chức việc, cha Cadière viết: "Cùng với đoàn chức việc, chúng ta có tâm điểm, dụng cụ then chốt để tạo nên sự cộng tác của toàn thể tín hữu trong họ đạo với người mục tử. Để đạt được sự cộng tác toàn vẹn này, trước hết phải quan tâm đến sự cộng tác tốt đẹp giữa cha sở và Hội Đồng Quí Chức. Vì Hội Đồng Quí Chức là 'đầu não' của họ đạo, là 'tâm điểm' của sự cộng tác vững chãi. Và chính cha xứ phải là người 'đào tạo nhóm đầu não' này, là người 'hun đúc' và 'phối trí' tâm điểm này, bởi vì chính ngài là người chọn lựa thành phần của Hội Đồng Quí Chức" (6).

Việc cộng tác này quả thật rất cần thiết cho thừa tác vụ của linh mục trong họ đạo và những nơi khác. Vì các chức việc là "những người dọn đường cho các thừa sai"(7), "những công cụ đầu tiên của hoạt động tông đồ của linh mục" (8), "tai mắt của cha xứ để nghe thấy được những gì xảy ra trong họ đạo" (9), "tay chân của cha xứ trong việc quản trị họ đạo và việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại" (10) "cột trụ của họ đạo khi cha vắng mặt" (11), và là "các cha phó-giáo dân (vicaires-laics) của cha xứ" (12).

May mắn là những liên hệ giữa cha xứ và chức việc, nhìn chung, rất tốt đẹp, thân thiết, xây dựng và hữu ích cho cuộc sống của họ đạo. Cha Cadière đã viết: "Từng ngày, từng khoảnh khắc của mỗi ngày, các chức việc lo việc của họ đạo, không phải việc này hay việc khác, nhưng là những việc làm thăng tiến họ đạo… Đối với quí chức, cộng tác là công trình thể hiện chung với cha xứ" (13)

2) Sự cẩn trọng của linh mục.

Chẳng thiếu gì chuyện thường diễn ra giữa cha xứ, các chức việc hay bổn đạo. Cha Cadière đã viết một cách tế nhị: "Tôi không muốn rằng khi có sự bất đồng giữa cha xứ và giáo dân, lỗi lầm bị quy trách cho cha xứ ! Thường thì như vậy. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà sự bất hòa là do phía giáo dân" (14).

Chúng tôi lấy câu chuyện của các chức việc tại Tầm Hưng làm ví dụ: "Khi cha Ân đến thay cha Vân tại Họ Tầm Hưng, một trong những ưu tư của ngài là làm sao cho sổ chi tiêu của họ đạo được minh bạch. Vì khi vắng linh mục, trong nhiều họ đạo, các chức việc quản tri tiền bạc mà không ghi chép gì cả. Có thể sẽ có những lạm dụng và thất thoát. Khi cha xứ yêu cầu các chức việc phải trao lại sổ sách, nhiều người bất bình, phản đối và muốn từ chức. Và vì phải tuân theo đúng quy tắc, cha Ân đã không nhượng bộ " (15).

Để tránh tối đa những trường hợp đáng tiếc này, các bề trên có thẩm quyền mong mỏi các chức việc phải biết lắng nghe và luôn tuân phục linh mục, luôn sẵn sàng và tận tụy với nhiệm vụ (16). Và các cha xứ hẳn không bao giờ quên lời nhắn nhủ khôn ngoan của cha Cadière: 'Chúa ơi, việc tuyển chọn các chức việc trong họ đạo thật phức tạp! Cha xứ không nên hành động, quyết định một mình. Ngài phải tham khảo các chức việc trước khi bầu một ứng viên' (17). Rồi còn giáo huấn của Công Nghị Bắc Kỳ năm 1900: 'Cha xứ phải nâng đỡ tối đa uy tín của các chức việc' (18), và Công Đồng Đông Dương bảo: "Để được những thành phần ưu tú trợ giúp, thì cha xứ phải chu toàn nhiệm vụ của mình trước' (19).

II. Quí chức là trung gian giữa cha xứ và giáo dân.

Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn và giáo phận Huế cùng khuyến cáo rằng 'với những hình thái mà các họ đạo hiện nay đòi hỏi, các chức việc là môi giới giữa cha xứ và bổn đạo, trong việc cưới xin, rửa tội, thăm viếng người bệnh, chôn cất ' (20). Trong những tình huống này, bổn đạo không liên lạc thẳng với cha xứ, mà gặp chức việc có liên hệ trước.

Chúng tôi đã trình bày những gì liên hệ tới bổn phận môi giới của các chức việc trong chương IV. Chúng tôi muốn thêm rằng: bổn phận này đòi hỏi chức việc liên hệ một hy sinh không nhỏ: "Chính tại điểm này chúng ta thấy rõ hơn đức tin, đức mến, sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm… của một chức việc, và qua đó, chúng tôi thấy vai trò của ông trong đời sống tín hữu, sự tham gia tích cực của ông vào thừa tác vụ của linh mục. Đáng công phúc và đáng thán phục hơn nữa nếu nhìn vào những thời kỳ bắt đạo ghê gớm hay chiến tranh tàn khốc, giai đoạn mà các họ đạo còn quá nhỏ và cô lập xa nhau. Thường phải mất một ngày đường để đi từ họ đạo lẻ đến họ đạo chính nơi cha xứ cư ngụ. Nhiều khi tình trạng nguy cập của bệnh nhân khiến người chức việc phải đi tìm linh mục giữa đêm khuya. Qua các chức việc, cha xứ loan báo cho bổn đạo biết việc thăm viếng, thời điểm mục vụ…, chính qua trung gian của các chức việc mà cha xứ hiểu rõ tình trạng chung của họ đạo, những trường hợp riêng của mỗi gia đình hay của các thành phần trong cộng đồng, những chuyện tốt xấu đã xảy ra trong họ đạo. Chính vì vậy, đây là qui tắc hành sự của các chức việc: "Các chức việc phải chăm sóc bổn đạo mà họ có trách nhiệm, họ là tai mắt của cha xứ, thấy và nghe được những gì xảy ra trong họ đạo" (21)

Theo như cha Louvet đã thuật: ‘Mỗi khi cha xứ đến thăm họ đạo, sau khi tiếp đãi đầu tiên, các chức việc ngồi lại dưới sự chủ tọa của cha xứ, tường trình cho ngài về tình trạng của họ đạo, những khó khăn chính đã được điều chỉnh khi ngài vắng mặt. Cha xứ phải được tường trình hết, đưa ra những quyết định, tái lập hòa giải, nếu chẳng may đã bị xáo trộn' (22). Chính vì thế các chức việc phải trình bày rõ ràng tình trạng tinh thần của họ đạo: những người đã xưng tội và rước lễ mùa Phục Sinh, những ai đã chịu lễ lần đầu nhưng chưa chịu phép thêm sức, những trẻ em đã tới 12 tuổi nhưng chưa chịu lễ lần đầu; họ phải ghi những gia đình và đôi lứa thường hay bất bình, những người mới tới, những người đã bỏ họ đạo đi nơi khác. Vậy là họ có thể trả lời cho cha xứ khi ngài muốn thăm dò tin tức (23).

Để chu toàn vai trò trung gian giữa cha xứ và các bổn đạo, quí chức phải chăm sóc mọi bổn đạo không phân biệt ai (24), coi phận vụ này thật quan trọng, chu toàn với lòng nhiệt thành, yêu thích và mẫn cán (25). Nhưng trước hết và trên hết, họ phải cố gắng là khuôn mẫu cho mọi người, sống nhiệt thành đời sống tín hữu (26).

III. Những người trách nhiệm về sổ sách.

1) Sổ sách chính và sổ sách phụ.

Cuốn Chỉ Nam của các giáo phận qui định rằng: Các cha xứ phải cẩn trọng trong việc ghi lại sổ Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối, Chứng Tử và sổ Nhân Danh (status animarum) (27), theo đó, họ phải thận trọng và chỉ ghi về phương diện đạo đức mà thôi, ghi lại những chứng minh hữu ích và những sửa đổi cần thiết để luôn cập nhật hóa. Trong cuốn sổ Rửa Tội, phải ghi rõ cả về Thêm Sức, Hôn Phối, và nếu có, về Truyền Chức, Khấn Dòng. Các linh mục phải bảo trì những sổ sách này và cấm không cho người đời biết.

Ngoài những sổ sách quan trọng nói trên, trong mỗi họ đạo còn cần những sổ sách phụ nữa:

• Một cuốn sổ ghi danh những hội đạo đức, thánh lễ dành cho những hội này, không kể những thánh lễ thường xuyên mà mọi linh mục phải cử hành (28).

• Một hay nhiều sổ ghi danh những người đã được đón nhận vào trong một hội đạo đức (29).

• Một cuốn sổ ghi tên, địa vị, ngày bổ nhiệm các chức việc và họ đạo, theo đúng qui tắc của Hội Đồng Quí Chức.

• Một cuốn sổ kế toán mà linh mục phải cập nhật hóa tất cả những nố chi, thu của nhà thờ và của các hội đoàn đạo, dù ít đến đâu đi nữa (31).

• Một cuốn sổ ghi danh tất cả những bất động sản và tài sản thuộc về họ lẻ hay mỗi họ đạo, ghi địa thế (tỉnh, tổng, xã, làng), địa điểm (đồng ruộng hay đất đai), diện tích (mẫu, thửa), và nếu có thể, ghi cả loại thuế nữa (32).

• Một cuốn sổ ghi các động sản và tiền của của họ đạo, ghi rõ số chi, thu (33).

2) Bổn phận của các chức việc đối với các loại sổ trên đây.

Thực hiện những cuốn sổ trên đây đúng theo luật định và thực tế sự việc không phải là chuyện dễ dàng. Phải nhiều kiên tâm, nhẫn nại và mất rất nhiều thời gian: vì vậy, ngoài sự trợ giúp của các thầy giảng và các nữ tu, cha xứ cần tới sự hỗ trợ của các chức việc, nhất là trong những họ đạo không có thầy giảng hay nữ tu và có sự hiện diện thường xuyên của cha xứ.

Trong trạng huống này, các chức việc, nhất là các ông trùm và thư ký của Hội Đồng Quí Chức, có bổn phận phải gìn giữ và ghi lại cẩn thận các sổ Rửa Tội, Hôn Phối, Chứng Tử và Nhân Danh. Đức cha Gioan Baotixita Hồ ngọc Cẩn đã trao tới họ những lời này: "Các chức việc phải nhiệt tâm ghi lại có bao nhiêu trẻ sơ sinh và bao nhiêu người đã qua đời, bao nhiêu người mới gia nhập họ đạo, bao nhiêu người đã đi nơi khác lập nghiệp, bao nhiêu người có học, bao nhiêu người không giữ đạo, bao nhiêu trẻ mồ côi… Để ghi lại những điều này cho hợp với thực tế, họ phải biết mọi gia đình, mọi thành phần của họ đạo, tính tình cách thế giữ đạo v.v…(34)

Những người có trách nhiệm lo cuốns ổ Hội Đoàn cũng phải kiên tâm ghi chép đầy đủ và rõ ràng tên tuổi những người thu nhận vào một hội đoàn. Rồi người thủ quỹ hay người đặc trách có nhiệm vụ về những cuốn sổ liên hệ tới việc điều hành các tài sản của nhà thờ và họ đạo. Xưa kia, các cuốn sổ này đươc cất giữ trong một hòm gỗ có ba chìa khóa. Một chìa trao cho cha xứ, hai chìa kia được ủy thác cho hai chức việc (35). Khi liên hệ tới tiền nong, lúa gạo hay vật dụng gì khác, phải ghi thật rõ ràng.

Một hay hai lần trong một năm, tất cả các chức việc phải ngồi lại để điều chỉnh mọi sổ sách nhất là hai mục chi thu. Khi tất cả đã ổn thỏa, ông trùm họ đạo sẽ trao tất cả sổ sách cho cha xứ, và ngài sẽ chuyển tới linh mục đại diện miền hay cha chính địa phận. Rõ ràng, đây là mục đích tham dự của các chức việc vào sứ vụ điều hành họ đạo của linh mục.

IV. Những người bảo quản trật tự chung

Đời sống tín hữu, đạo đức, luân lý hay điều hành, phải tuân hành có lớp lang. Hội Đồng Chức Việc, khi chỉ huy mọi công tác chung, có bổn phận phải bảo trì trật tự này.

Tất cả các bổn phận của quí chức, mà chúng tôi đã trình bày ở hai chương trước đây, đều tương đương nhiều ít so với bổn phận duy trì trật tự chung: chủ sự các buổi cầu nguyện, điều tra hôn phối, tham gia tang lễ, điều hành các hội đoàn hay hiệp hội, cộng tác vào việc kiến thiết hay điều khiển trường học, vào các việc bác ái v.v… Tóm lại, sự hiện diện tích cực của các chức việc là phải làm sao cho mọi việc tiến hành trong trật tự. Họ phải hiện diện mọi nơi và trong mọi việc chung của họ đạo. Họ là tai mắt, tay chân của linh mục, người có trách nhiệm duy nhất cho việc điều hành thiện ích của họ đạo. Đúng vậy, thừa tác vụ của linh mục đối với việc quản trị họ đạo sẽ bị tê liệt, không có công hiệu, nếu không có sự cộng tác tích cực của các chức việc. Chúng ta sẽ hiểu thấu hơn khi bàn về các cuộc họp của các chức việc, quy luật của họ đạo, tòa hòa giải cho bổn đạo và việc quản trị tài sản của họ đạo.

Để kết thúc, chúng tôi xin nêu lên trường hợp ông Phạm Cử Não, ông trùm họ đạo Bãi San, hầu nêu bật việc tham gia cần thiết của quí chức vào công cuộc điều hành chung của họ đạo: có thể nói rằng khi cha xứ vắng mặt, ông trùm Phạm Cử Não là cột trụ của họ đạo Bai San, và khi cha sở có mặt, ông là phụ tá, khi cha sở vắng mặt, ông thay quyền ngài điều khiển họ đạo. Quả vậy, nếu cha Lân đã có thể canh cải được những tục lệ của họ đạo Bãi San và thiết lập được một số công trình mới, thì chính là nhờ sự trợ lực đằm thắm, tận tâm, hữu hiệu của ông trùm Não. Cha xứ ra chỉ thị và phương pháp, nhưng chính ông trùm và các chức việc mới dấn thân thi hành. Cha Lân thường khen ông trùm Não là con người biết hòa giải. Đúng vậy, mỗi khi có hai bổn đạo bất hòa với nhau, ban đêm ông thường kín đáo đi ủy lạo họ và giải hòa đôi bên. Khi cha xứ khiển trách ai, ông thường đến gặp họ ngay, giải thích cho họ biết chấp nhận sai lỗi và tuân phục bề trên. Ông qua đời năm 1907 (36).

V. Khi bổn đạo và quí chức hội họp

1) Khi bổn đạo nhóm họp

Cần phân biệt ba thể thức nhóm họp của các bổn đạo: đại hội của toàn xứ đạo và của từng họ đạo, hội họp của mỗi khu. Việc nhóm họp của toàn xứ đạo sẽ được ông trùm công bố với sự đồng thuận của cha xứ và Hội Đồng Quí Chức. Cha xứ hay ông trùm điều hành buổi họp. Tham dự viên là các chức việc, đại diện của các xứ liên hệ, đại diện của các hội đoàn có trong giáo xứ. Việc nhóm họp của mỗi họ đạo sẽ do ông trùm đứng ra tổ chức và điều khiển, tham dự viên phải là những tín hữu trên 18 tuổi. Còn việc nhóm họp mỗi khu thì sẽ do vị trưởng khu hay ông giáp tổ chức và điều hành, tham dự viên là tất cả những bổn đạo trưởng thành trong khu xóm.

Không có một văn kiện nào, một quy thức nào qui định ngày giờ hay bao nhiêu buổi nhóm họp của bổn đạo. Tùy thông lệ và nhu cầu của mỗi họ đạo: có thể, việc nhóm họp của họ đạo diễn ra trước lễ thánh bổn mạng hay chủ nhật truyền giáo, cuối năm hay dịp thi giáo lý hoặc ngày chầu Mình Thánh hàng năm. Việc nhóm họp của mỗi họ đạo hay của mỗi khu xóm, thường được tổ chức trước hay sau ngày hội của toàn xứ tùy nhu cầu.

2) Khi quý chức nhóm họp.

Những phiên họp của chức việc thường do ông chánh trương hay trùm cả tổ chức và chủ tọa, hay do cha xứ, nếu ngài có mặt. Nhưng nếu là những cuộc họp của họ đạo, thì do ông trùm của họ đạo tổ chức và điều hành. Ngày giờ và các phiên họp thường không có một quy tắc nào hết mà tùy nhu cầu của họ đạo. Các tài liệu chính thức thường cho biết một vài ngày tháng tiêu biểu về những phiên họp này, đặc biệt liên quan tới việc quản trị. Đức cha Colomber (1884) đưa ra qui ước chọn ngày lễ thánh Phêrô và Phaolô, hay một ngày thuận lợi nào đó; cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội thì đề ngày chúa nhật Phục Sinh hay ngày lễ Các Thánh; cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế thì sau ngày gặt hái; thư chung của đức cha Gendreau thì đề nghị một ngày nào đó trong khoảng 27.11 và 3.1 năm sau (37).

Theo ghi chú của cha Louvet: "Các chức việc nhóm họp dưới sự chỉ đạo của cha xứ, họ trình lên ngài tình trạng của họ đạo và những khó khăn chính họ gặp phải khi ngài vắng mặt. Cha xứ phải am tường và phải đưa ra quyết định"(38). Tuy nhiên, chúng ta có thể phỏng đoán là trong những thời kỳ bắt đạo và chiến tranh, các cuộc hội họp chức việc bao giờ cũng theo một chương trình và có một bản tường trình. Tiếc là chúng ta không tìm thấy một tài liệu cổ, dù đã hết tâm tìm kiếm. Luôn luôn chỉ có một luận cứ "chiến tranh, xáo trộn chính trị, hoặc vấn đề thuyên chuyển đã hủy diệt tất cả tài liệu'. May thay, chúng ta còn tìm những bản tường trình tương đối mới, tại nhà con trai của một trong những chức việc cựu trào nhất của họ đạo Cầu Kho (giáo phận Sài Gòn), trình bày như sau: các chức việc nhóm họp tại nhà xứ, thường là ngày chủ nhật, cha xứ chủ tọa phiên họp, hầu như mọi chức việc đều hiện diện, chương trình nhóm họp đơn giản và thực tiễn bản tường trình rất đơn giản và rõ ràng:

- ngày và nơi hội họp,

- các chức việc có mặt và vắng mặt,

- vấn đề tranh luận,

- quyết định đưa ra,

- các chức việc hiện diện tùy cấp bậc, đồng ký,

- cha xứ ký và có con dấu.

3) Tường trình về một phiên họp của các chức việc.

Chúng tôi xin đan cử dưới đây biên bản tường trình một phiên họp của các chức việc thuộc họ đạo Cầu Kho, dưới sự chủ tọa của cha xứ. Biên bản được tất cả các chức việc có mặt tại Nhà Xứ, đồng lòng chấp thuận.

- Ngày chủ nhật 20 tháng 10 năm 1940.

- Hiện diện: cha xứ họ đạo Cầu Kho, Phêrô Nguyễn Phước Khanh; chủ tọa Ông Gueldre và ông Thân; qui ông có trách nhiệm: ông Qui, Thông, Mậu, Quý, Kỷ, Vân, Sang, Canh.

- Vắng mặt: ông Diệu.

- Các vấn đề đã được tranh luận và quyết định:

a) Các chức việc phân phối đất đai thuộc nhà xứ để cho thuê theo phần, trong khoảng tháng 11 và 12 năm 1940, làm lại danh sách và quyết định giá thuê phải thực hiện vào năm 1941; sẽ chọn một chức việc có thì giờ để đi đo trước từng lô đất và đặt giới hạn với hai người phu. Cha xứ và các chức việc sẽ đồng ý chọn một người hữu trách (Biên), ông Gioan Baptista Canh, để lo đo các lô đất của họ đạo vào tháng 11 và 12 năm 1940, bắt đầu thực hiện vào năm 1941, và hướng vấn đề về đất đai trong họ đạo.

b) Các chức việc sẽ điều tra các căn nhà đã được phân ra để cho thuê trên đất của nhà xứ: bao nhiêu gia đình đã thuê? Phải quyết định xem mỗi căn cho thuê hàng tháng phải trả bao nhiêu. Cha xứ và các chức việc quyết định tăng giá 3% hàng tháng.

c) Các chức việc phải điều tra một vài căn nhà (đã được thuê) cho người bên lương, người có đạo bị tai tiếng, những nơi cờ bạc, dâm đãng... và tường trình về mỗi căn một cách minh bạch, rồi làm biên bản cho cha xứ và hội đồng các chức việc của họ đạo

d) Những người thuê đất của nhà xứ để làm ăn hay buôn bán phải trả thêm 3% hàng năm, trên tổng số tiền thuê đã trả hàng tháng (I). T.S.V.P.

Các điều mục trên đã được bàn cãi và đồng thuận chấp nhận:

+ của các chức việc, ký tên: quý ông G.Gueldre, J. Mậu, P. Thân, J.B.KA. Qúy, J.B. Canh, E. Thông, P. Vân, P. Diệu, P. Sang

+ của cha xứ Cầu Kho, cha P. Nguyễn phước Khanh, có đóng dấu.

VI. Nội quy của họ đạo.

1) Lịch sử hình thành.

Trong chương bàn về "Bổn phận người tín hữu trong họ đạo", sau khi nêu lên trách nhiệm tổ chức phụng vụ chung, nghĩa là những biểu hiện tôn giáo tập thể chung (40), các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Qui nhơn, đã tuyên bố rằng: "Đời sống tín hữu trong mỗi họ luôn vận hành dưới sự chỉ đạo của cha xứ, các chức việc, cùng sự cộng tác vô vị lợi của mọi thành phần trong họ đạo. Để được hưởng mọi ân ích thiêng liêng và vật chất của tổ chức, các quí chức sẵn lòng chấp nhận mọi gánh nặng và trách nhiệm (41); Những bổn phận chính yếu của giáo dân đã được tóm lược trong nội quy của họ đạo hay quy chế các tín hữu, in bằng chữ nôm. Nội quy này chúng tôi muốn in lại bằng chữ quốc ngữ, để đọc trong các họ đạo mỗi năm hai lần, lễ Giáng Sinh và lễ hai t hánh tông đồ Phêrô và Phaolô (42). Tiếc là tài liệu này không được in lại bằng chữ quốc ngữ, chỉ còn lại bằng chữ nôm nhưng bây giờ không tìm ra được.

Dù không tìm được chứng từ chắc chắn và cụ thể, nhưng tựa trên những thư chung của đức cha P.M. Gendreau, giám mục giáo phận Hà Nội, bàn về nội quy của các họ đạo (43), chúng tôi nghĩ rằng nội quy của các họ đạo, in trong cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội đã phỏng theo (nếu không phải là tóm lược) bản quy chế viết bằng chữ nôm đã có từ lâu trong các tòa giám mục tại Việt Nam. Chúng tôi cũng nghĩ như thế về quy chế của họ đạo đọc thấy trong các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy Nhơn và giáo phận Huế. Chúng tôi muốn nói thêm rằng, qua những dòng trên, nội quy của các họ đạo trình bày trong cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà nội không khác biệt gì so với những điều viết trong cuốn Chỉ Nam mà các giáo phận Huế, Quy Nhơn và Sài Gòn đã áp dụng.

Ngoài ra, đức cha Hồ Ngọc Cẩn đã viết: "Qui luật của các họ đạo là điều lệ của mỗi họ, và cũng là bản pháp lệ mà các chức việc của các họ đạo phải chú tâm. Mỗi họ đạo phải có một nội qui được soạn ra với sự chấp nhận của các đấng có thẩm quyền của địa phận. Hàng năm nên đọc lại nội quy này để ai nấy cùng am hiểu và duy trì, riêng các chức việc phải tường tận hơn hết và tuân thủ mọi điểm, coi như khuôn mẫu của mọi người trong họ đạo"(44).

Như vậy, điều kiện để qui luật của các họ đạo có giá trị hợp pháp, là phải được đấng bản quyền địa phận phê chuẩn. Bản Chỉ Nam của Hà Nội cũng tuyên bố như vậy (45). Hơn nữa, 43 năm trước khi ấn bản đầu tiên của tập Chỉ Nam này ra đời, đức cha Gendreau đã nhấn mạnh với các cha xứ: "Đôi khi xảy ra những việc đáng tiếc đối với qui luật của các họ đạo. Vì vậy từ nay trở đi, khi các cha xứ muốn sửa lại qui luật hiện có hay thiết lập một qui luật mới, các vị phải đệ trình văn bản cho đức giám mục, nếu ngài chấp nhận, qui luật mới có giá trị"(46). Đức cha Marcou, giám mục Phát Diệm, đã lập lại từng chữ câu này và xuất bản trong cuốn "Thư chung địa phận Thanh" năm 1920 (47).

2) Qui luật trình bày trong tập Chỉ Nam của Hà nội.

Theo cuốn Chỉ Nam của Hà Nội, qui luật của các họ đạo gồm hai phần: Khoán lệ cải lương và khoán lệ trừng giới.

a) Khoản lệ cải lương

Nhắm đặc biệt vào tang lễ và cưới hỏi. Cuốn Chỉ Nam thấy rằng "nhiều họ đạo còn duy trì những thủ tục về tang ma và cưới hỏi, đã khiến bao gia đình phải sạt nghiệp sau tang lễ của cha mẹ. Lại nữa nhiều đôi bạn trẻ, nhất là các thiếu nữ phải hoãn lại ngày cưới, tới độ phải sống độc thân vì cheo làng quá nặng (48). Như vậy, cần canh cải những tục lệ này trở thành những thói tục tốt, có lợi cho đời sống tư nhân cũng như đời sống chung của họ đạo (49).

Tang lễ: Cuốn Chức Sở Mục Lệ (1884), nhất là cuốn Tử Hầu (1907), Công Nghị Tonkin (1900), và tất cả các cuốn Chỉ Nam đều nhấn mạnh rằng:

+ Tiêu cực:

1 - Phải cấm tất cả những gì có màu sắc dị đoan trong tang lễ của bổn đạo.

2 - Phải cấm tất cả những tục lệ ngoại giáo, như mời dân làng và họ đạo tới dự tiệc, nhất là khi xác người quá cố còn quàn tại nhà.

3 - Trong mọi trường hợp, phải liệm xác trước 12 giờ sau khi qua đời, và không được giữ xác quá ba ngày tại nhà.

+Tích cực:

I - Đám tang của bổn đạo được họ đạo tham gia chung. Khuyến khích các bổn đạo tham dự và cầu nguyện cho người quá cố.

2 - Về tang lễ, cũng cần khích lệ các bổn đạo hành xử sao cho đúng với những chỉ thị của Giáo Hội và tập quán công giáo. Tham gia đông đảo trong đám tang và bước đi trong thinh lặng.

3 - Mong mọi gia đình mang những người quá cố tới nhà thờ, để linh mục có thể cử hành mọi lễ nghi theo sách Nghi Thức. Cũng cần phải có thói quen cử hành một Thánh Lễ ngày an táng, lúc thi hài còn ở nhà thờ.

4 - Nơi nào không có giá biểu cho tang lễ, người ta có thể có ít nhất hai hạng: một hạng đòi hỏi những chi phí đáng kể mà chỉ những gia đình giàu mới có thể trả, hạng hai cho những gia đình tương đối khá giả.

5 - Tang lễ cho người nghèo thường miễn phí và luôn thích ứng như vậy.

6 - Một phần ba giá biểu thuộc về nhà thờ của họ đạo phần còn lại linh mục chi cho ca trưởng và các em trong ca đoàn (50).

Vấn đề cưới cheo: Qua thư chung của đức cha Lefèbvre, chúng ta biết tục nộp cheo không áp dụng trong nhiều làng. Tuy nhiên, tại miền Nam và miền Trung, các thừa sai bắt bổn đạo phải bỏ tục lệ này đi (51). Các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn yêu cầu các cặp vợ chồng phải 'khai báo' với các chức sắc trong làng trước khi làm phép cưới đạo (52). Quy luật của cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội xác quyết rằng:

+ Tiền cheo từ nay được ấn định là một đến hai đồng cho những cặp vợ chồng sống trong cùng một giáo xứ, và từ hai đến bốn đồng cho những cặp sống tại giáo xứ khác.

+ Thay vì mua trầu cau như hiện vật biếu mỗi gia đình trong làng, các cặp vợ chồng đóng góp vào quỹ của họ đạo một khoản tiền, ít nhiều, tùy theo sự khá giả của gia đình. Khoản tiền này sẽ được dùng để trùng tu nhà thờ hay sửa đường xá của làng v.v…(53)

b) Khoản lệ trừng giới

Nhiều trường hợp có những cá nhân tái phạm đối với trật tự đạo đức và xã hội: những tái phạm này làm băng hoại những tập quán tốt. Vì vậy mỗi họ đạo cần qui định những hình phạt để nghiêm cấm những tội trạng này. Sau đây là một vài nét chính.

Tội phạm về thuần phong mỹ tục:

1- Trai gái có những cuộc chuyện trò phóng đãng, nhất là đêm khuya, khi xảy ra gương mù và có chứng cớ, sẽ bị phạt từ hai hào tới một đồng, và họ phải sửa đổi.

2- Đối với việc chửa hoang phi pháp (grossesse illégale), mỗi bên trai gái bị phạt từ hai đến sáu đồng.

3- Đối với những hôn thú bất thường, dù đó là hôn thú ngoại luật, hay lẽ mọn (concubine) hay trường hợp tương tự, sẽ bị phạt từ năm đến mười đồng. Và họ bắt buộc phải cải đổi lại.

4- Nhân một lễ nào đó, nếu có ai mời một đoàn hát bội hay hát chèo, thì cấm tham dự hội. Ai không tuân lệnh này, sẽ bị phạt: chủ nhà bị phạt năm đồng, những người khác từ hai mươi lăm xu tới năm hào.

Rượu chè quá độ:

1- Nếu say sưa quá độ và có những phát biểu sai lạc trong một phiên họp, hay trước sự có mặt của nhiều người, và nếu có bằng chứng, người đó sẽ bị phạt từ một đồng tới hai đồng.

2 - Nếu say sưa quá độ, người đó đánh vợ, đánh con, đập vỡ vật dụng, và nếu có cớ, họ sẽ bị phạt từ hai mươi su đến năm mươi xu, và phải nhất tâm canh cải lại.

Cờ bạc:

1 - Ai có thời giờ chơi cờ bạc (trừ khi chơi chút ít trong dịp tết), sẽ bị phạt mỗi lần theo luật lệ hiện hành, là từ hai mươi xu cho tới một đồng.

2- Ai chứa những người chơi cờ bạc trong nhà, sẽ bị phạt từ ba đến năm đồng, mỗi lần bị bắt quả tang, bị phạt từ ba đồng đến năm đồng.

3- Ai quy tụ những người từ nơi khác đến chơi cờ bạc trong làng, mỗi lần sẽ bị phạt từ năm tới mười đồng.

Thuốc phiện:

1- Ai chẳng may bị nhiễm thuốc phiện trước khi những hình luật này được phê chuẩn, phải cố chừa dần dần, đúng theo nguyên tắc mà đức giám mục đã đề ra: nghĩa là, phải hút kín áo, không trợ lực người khác hút sách, và phải chừa bớt dần dần.

2- Những ai hút công khai sau khi những hình luật này được công bồ, mỗi lần sẽ bị phạt năm mươi xu.

3- Sau khi những hình luật này được công bố, ai còn cung cấp dụng cụ (ống, bàn điếu), để hút, sẽ bị phạt một đồng, dụng cụ và sẽ bị tịch thu trao cho cha xứ.

4- Nhân một lễ tiết nào đó, ai cung cấp vật dụng để hút thuốc phiện, sẽ bị cấm tham dự lễ tiết. Phạt năm đồng cho chủ nhà, hai mươi đến năm mươi xu cho ai tham dự lễ hội.

Ăn trộm và cướp bóc:

1- Kẻ nào ăn trộm và cướp giật, và nếu bị bắt quả tang: ăn trộm thì từ mười xu đến một đồng, cướp giật thì năm đồng hay hơn nữa.

2- Kẻ tái phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

3- Nếu tội hình cướp giật còn vi phạm lần thứ ba, thì sẽ bị giải lên quan để trừng trị.

4- Lần thứ tư mà y còn tái phạm, hội đồng các chức việc sẽ xin cha xứ mở cuộc điều tra với cha quản hạt, nhằm trục xuất y ra khỏi họ đạo.

c) Trình tự thi hành

Trên đây là những nét chính nêu lên các án phạt và có thể dùng như khuôn thước cho các họ đạo. Họ đạo nào không có những biện pháp này hay những biện pháp khác không hợp với án phạt nói trên, thì cố áp dụng những gì quan trọng để lập thành qui tắc hay cải biến. Riêng đối với những xử lý thứ yếu hay chi tiết, thì phải tùy trường hợp riêng của mỗi địa phương để lập thành qui tắc hay không.

Dù sao thì trong những sự việc quan trọng, các án lệnh khác nhau phải theo cùng một khuôn mẫu, một đường hướng như đã liệt kê trên: điều này nói lên sự đồng nhất giữa các xóm đạo và họ đạo vậy. Từ nay, mỗi khi có một tình huống nào, các chức việc phải tham khảo tập sách về những án phạt mà thi hành, hầu bảo vệ trật tự luân lý và đức hạnh trong các họ đạo (54).

VII. Các vị tài phán của tòa hòa giải.

1) Thẩm quyền của các chức việc.

Đời sống tôn giáo của họ đạo được biểu hiện không những do những buổi cầu nguyện và những thực thi lòng đạo, mà còn do gương lành, tuân giữ luật Chúa, luật Hội Thánh, quy luật họ đạo, rồi cẩn thủ trật tự trong các gia đình và đời sống cộng đồng. Đó là lý do tại sao các chức việc phải hoàn tất chung một tòa án hoà bình hay hòa giải và ông chủ tịch của họ đạo giữ một vai trò thật quan trọng. Để mọi người không ngạc nhiên khi thấy các chức việc có vẻ như tiếm quyền đời, chúng tôi xin được lập lại là những xóm đạo nhỏ, nhất là nơi người công giáo Việt Nam, được tổ chức giống như làng xã cổ xưa, mà một trong những điểm đặc thù là tinh thần tự trị. Hơn nữa các làng xóm không những đã thiết lập thành một tòa án để xử những sự việc liên hệ, mà ngay cả những gia tộc cũng xử những tranh chấp trong gia tộc của mình. Như vậy, các họ đạo cũng hành xử như mọi người. Những lời lời sau đây của cha Robert xác quyết ý kiến của chúng tôi: "Mỗi một xứ đạo, lớn hay nhỏ, đều có một vị đứng đầu chức việc mà ta quen gọi là ông trùm. Các ông trùm trong toàn xứ đạo nhóm họp lại, trở thành một đội ngũ đặc biệt, gọi là "hàng phu". Đội ngũ này đại diện cho toàn xứ đạo và có thẩm quyền luật pháp cũng như trừng phạt tùy trường hợp. Quyền này dĩ nhiên không chính thức đối với quan chức, nhưng được tập quán chấp nhận, và mọi tín hữu tiếp nhận trong sự tuân phục" (55)

Chính vì vậy, ngay từ những giai đoạn đầu của các họ đạo Việt Nam, các chức việc đã đóng vai trò xét xử các bổn đạo. Rồi cuốn Chức Sở Mục Lệ đức cha Colombert ấn hành năm 1884, đã dành vai trò này cho ông trùm của họ đạo: "Ông trùm phải chú tâm sao cho mọi việc diễn tiến trong sự an bình và hòa hài của toàn thể xóm đạo. Chú tâm tới tất cả những chức việc và toàn thể bổn đạo sao cho họ chu toàn những bổn phận bình thường, giữ vai trò thẩm xét khi có kiện tụng giữa họ với nhau" (56). Tiếp đó, Công Nghị đầu tiên Bắc Kỳ đã nới rộng quyền hạn này cho mọi chức việc: "Các chức việc xét xử tranh chấp nhỏ giữa các bổn đạo và làm sao cho họ tuân giữ quy phép họ đạo" (57). Các cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Huế và Qui Nhơn cũng chấp nhận gián tiếp quyền hạn này dành cho các chức việc: "Các chức việc phải làm sao cho các bổn đạo tuân hành luật Chúa và luật Hội Thánh" (58). Sau hết cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội cũng đòi hỏi "các chức việc phải cẩn trọng làm sao cho bổn đạo tuân hành đúng theo qui luật của họ đạo" (59).

2) Xác định giới hạn:

Những trường hợp mà các chức việc, đặc biệt là ông chánh trương hay ông trùm họ đạo có thể xét xử, thì thường đã được minh định theo qui luật của họ đạo. Đó là những vụ kiện nhỏ xảy ra trong họ đạo. Bây giờ, chúng tôi xin mượn bản văn của cha Cadière, một vị thừa sai trứ danh và một cha xứ nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam, để giải thích cụ thể những gì vừa trình bày.

Cha viết: "Khi trong họ đạo xảy ra gương xấu, như hai người đàn ông ẩu đả nhau, hai người đàn bà chửi rủa nhau và cả khu xóm cùng nghe thấy những lời chửi bới tục tằn, hai anh em bất đồng với nhau trong việc kế nghiệp ông bố vừa qua đời, một nông phu xâm lấn đất canh tác của người khác… Tòa án các chức việc phải để tâm về những trường hợp này và còn những trường hợp khác nữa. Khi xảy ra một gương xấu công khai, họ phải nêu lên lý do và nêu đích danh thủ phạm phải xuất hiện. Có khi người thưa kiện đến thẳng với tòa án các chức việc, 'kính cẩn loan báo toàn họ đạo', bởi trong mọi tình huống, các chức việc đại diện cho toàn thể cộng đồng. Trong những phiên nhóm, đôi khi tại nhà ông trùm, thường hơn thì tại hội quán hay tại nhà cha xứ: công chuyện thường phân xử ôn hòa hơn: các chức việc không phải là những quan tòa, mà là những trọng tài. Trường hợp những gương xấu, vi phạm luật Hội Thánh hay qui luật họ đạo, án xử thường kèm theo một hình phạt: đôi khi vài roi, và thường thì phạt tiền. Một vài hình phạt còn bị định giá. Chẳng hạn như chửa hoang bị phạt ba mươi quan tiền (ligatures), hay bốn mươi đồng. Tiền phạt, quan tiền hay đồng bạc, đều chuyển vào trong ngân qũy của họ đạo " (60).

Tuy nhiên, các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn và giáo phận Huế đã minh định quyền tài phán của các chức việc như sau: "Đức giám mục là người thẩm định duy nhất khi xét xử những bất đồng trong các họ đạo, tùy công ích thiêng liêng hay thế tục… Trên thực tế, các yếu nhân thường không liên lạc thẳng với đức giám mục. Họ liên lạc thẳng với các đại diện, trước hết là Hội Đồng Chức Việc, sau đó là cha xứ, sau cùng là cha quản hạt… Nếu sự bất đồng hoàn toàn do những sự việc nhất thời, trong tinh thần hòa ái, các bổn đạo phải nại đến những trọng tài, như Hội Đồng Quý Chức, cha xứ, cha quản hạt, sau cùng mới là đức giám mục" (61).

Thật vậy, trên tòa án các chức việc, còn có tòa thượng tố, tức tòa án thuộc quyền cha xứ. Nhiều khi một bên đương sự, không hài lòng với sự xét xử của các chức việc, xin đến thẳng với cha xứ; đôi khi họ đến thẳng với cha xứ. Các bổn đạo Việt Nam thường tin tưởng nhiều vào các ngài. Ít khi một bổn đạo đến trước cửa quan, vì không tín nhiệm cha xứ. Câu chuyện sau đây củng cố nhận xét của chúng tôi. Cha Bennetat viết: "Các bổn đạo Phú Thượng hốt hoảng chờ tôi, và họ đã đến tìm tôi hai lần, để giải quyết những sự việc gây bất hòa trong nhiều gia đình, tới độ có thể gây án mạng. Đó là việc chia gia tài mà ai cũng đòi phần lớn hơn. Họ làm tôi ưu tư trong ba ngày ròng. Sau khi xét xử công chuyện và quyền lợi của mỗi người, tôi đã chia phần và hài lòng về sự chấp nhận của mỗi người. Ai nấy đều chấp nhận về phần chia của mình và mọi việc diễn tiến trong hòa ái. Giữa họ với nhau, đã ký kết một văn bản, theo đó họ sẽ không nói gì tới gia tài này nữa…(62)

3) Những trường hợp đáng tiếc:

Ở đây chúng tôi muốn nêu lên vài sự kiện về những lạm dụng đáng tiếc của cha xứ và của các chức việc:

a) Những lạm dụng đáng tiếc của các linh mục

Nhiều cha xứ, do thiếu tin tưởng nơi các chức việc hay vì lạm dụng quyền, đã hành xử mọi việc trong họ đạo, và không dành quyền hạn gì cho các chức việc hết. Một số việc, tuy do các chức việc qui xét, nhưng lại tụ họp trong nhà xứ và do cha xứ chủ tọa. Cách hành xử này cũng gây nhiều phiền toái. Cha xứ sẽ lãnh trách nhiệm về mọi phân xử. Nếu có những người bất bình, và bao giờ cũng có, cha xứ sẽ phải nhận lãnh hết. Không chóng thì chày, ngài sẽ thất nhân tâm trong họ đạo, nhất là khi ngài thiếu tinh thần bao dung, quá tỷ mỷ, quá thủ tục và tọc mạch.

Hơn nữa, nếu ngài tước đoạt một phần quyền tài phán của các chức việc, mà thông lệ và qui ước đã dành cho họ, ngài cũng mất uy tín dần dần. Và khi cha xứ vượt quá giới hạn quyền hành của mình: dĩ nhiên, theo giáo luật, ngài không có thẩm quyền gì về việc xét xử ngoài đời, cũng như, ngài chả có quyền chủ tọa bất kỳ tòa án nào trong họ đạo. Ngài phải cẩn trọng, trường hợp nào ngài có thể phân giải, trường hợp nào dành cho các chức việc, trường hợp nào dành cho quan chức thế tục.

b) Những lạm dụng đáng tiếc nơi các chức việc

Chẳng thiếu gì những trường hợp mà các chức việc lạm dụng rõ ràng và đáng tiếc quyền hạn của mình. Nhất là ba hình thức sau đây:

+Thiếu liên hệ và tuân phục cha xứ: Muốn giới hạn sự lạm quyền của quí chức, các Công Hội, Qui Luật và Chỉ Nam đều nhấn mạnh rằng họ phải liên hệ trực tiếp với cha xứ, và hoàn toàn vâng phục ngài (63).

+ Lạm dụng quyền hành: Các giám mục Bắc Kỳ đã lưu ý rằng: "Giáo quyền không áp đặt những hình phạt thuộc quyền hành của quí chức. Vì thế các linh mục phải quan tâm đừng để các chức việc ỷ thế mà lạm quyền thuộc về Giáo Hội. Ngày xưa thì quả có đôi chút lạm dụng, nhưng ngày nay, nếu đôi khi có những hình phạt hay án phạt hành xác, thì những hình phạt đó chỉ áp đạt cho những vi phạm tới quy luật riêng của các họ đạo" (64)

+ Thiếu liêm khiết, tế nhị và công bằng với bổn đạo, nhất là với những người cô thế và nghèo khổ. Về điểm này, đức cha Hồ ngọc Cẩn đã cảnh cáo các chức việc như sau: "Khi tạo xung đột, xung đột sẽ tiếp diễn. Càng tạo kiện tụng, thì càng vướng tội. Từ xưa, các chức việc phải biết rằng: muốn tạo hòa bình, phải tránh kiện tụng. Khi xét xử một vụ kiện tụng, phải dùng sự liêm chính như thước đo, không vi phạm quyền của người nào, tránh mọi vi phạm tới đức công bằng tương xứng. Khi biết một chức việc xử sai, cần phải làm áp lực để chế tài ông ta và không nên nín lặng. Người chức việc thấy ai áp chế một người vô tội, hay xét xử bất minh do thù hằn một gia đình nào, ông phải ngăn chặn ngay. Các chức việc không đe dọa ai để tống tiền hay đòi hỏi gián tiếp" (65)

c) Cảnh cáo nghiêm ngặt

Sau đây là một đoạn văn trong bức thư mục vụ của đức cha Marcou khiển trách nặng lời việc lạm dụng quyền hành của các linh mục và các chức việc trong các họ đạo:"Thường thì các đức giám mục đã cấm các cha xứ không được ra án phạt, nhưng đôi khi xảy ra điều thật đáng tiếc mà cha xứ không nói là đã làm hay ra lệnh, cha đã cho phép các chức việc thi hành và không ngăn cản. Một khi tình trạng hỗn loạn đã xảy ra, và bề trên quở trách, cha xứ lại tránh né và cho là lỗi của các chức việc họ đạo, ngài không ra lệnh gì và không biết gì. Không thể giữ thinh lặng mãi trong những ngộ nhận như vậy" (66).

VIII. Những người đại diện và biện hộ của họ đạo trước dân chính.

1) Đại diện họ đạo

Nhiều họ đạo chỉ là một nửa hay một phần nhỏ của dân làng. Chính vì vậy, hành chính của họ đạo thường khó khăn và phiền tạp. Chỉ dễ dàng hơn khi các chức việc của họ đạo cũng là những chức sắc của làng xã. Khi đó có thể dễ dàng giải quyết nhiều vấn đề, tỷ như ruộng công thuộc về nhà thờ hay chùa chiền, hôn nhân khác đạo… Chính vì vậy, cuốn Chức Sở Mục Lệ mong ước "những người tham gia công việc của họ đạo cũng đồng thời là những người có địa vị trong làng hay dân chính; và ngay trong những làng công giáo, cũng nên chọn một vài chức việc của họ đạo trong số những chức sắc của làng, hầu dễ có sự đồng thuận chung" (67)

Là đại diện của họ đạo trong những làng ngoại giáo, nhất là trong những đại hội làng, các chức việc phải cư xử làm sao cho xứng với tôn giáo, không ai có thể khinh khi. Phải nhớ nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền lợi của một tôn giáo thánh đức, họ đạo, và nhất là nêu gương lành cho các chức sắc ngoài công giáo. Cẩn thận trong lời nói, không nói những gì bất xứng hay nghịch với đức bác ái (68).

Khi một làng công giáo có hội họp (chứ không phải một làng mà một nửa hay quá nửa là ngoại đạo), thì cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Qui Nhơn và Huế xác định vắn tắt về ngôi thứ và chỗ ngồi như sau: "Những người có chứng thư của chính quyền thì được coi đồng hàng với những người có chứng thư của đức giám mục" (69). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội xác quyết rõ ràng hơn: "Chánh phó tổng và các phẩm hàm ngồi cùng hàng với chánh phó trương. Lý trưởng, chánh hương hội ngồi đồng hàng với thư ký, thủ qũy và trương phiên. Phó lý, phó hội, thư ký, thủ quỹ hàng xã ngồi đồng hàng với trùm và quản giáo" (70).

2) Những người biện hộ cho họ đạo:

Vai trò này của các chức việc đã biểu hiện rõ trong thời gian cấm đạo. Bấy giờ, các họ đạo ít hơn, ít linh mục hơn, và thường xuyên bị những người chống đức tin đe dọa. Ba câu chuyện lịch sử mà chúng tôi trích dẫn dưới đây cho thấy rằng các chức việc là những cột trụ và linh hồn của họ đạo. Họ không phải là những người chỉ huy, mà là những người phục vụ, bảo biện hộ và bảo vệ họ đạo.

Các chức việc của họ đạo Kê Rum: Ngày 13 tháng 3 năm 1684, các nhân vật chính của họ đạo Kê Rum đã trình lên quan trấn thủ Nghệ An một bản điều trần, theo đó, họ tuyên xưng mình là tín hữu, nhưng rất mực trung thành với các quan chức của vua, đóng thuế và tuân thủ mọi hình luật khác, như phép nước đã định; họ xin với quan là làm sao ngăn cản những viên chức và nhiều người chẳng có địa vị gì, đã lợi dụng quyền hành và lệnh quan trên, gây cho họ biết bao phiền nhiễu. Quan đã đọc bản điều trần và nói họ thật chân thành và quả cảm. Quan bảo đảm với họ là ông không ghét các bổn đạo và vừa ra hai sắc chỉ chống đạo Kitô giáo, chỉ để làm hài lòng hai viên chức mà triều đình vừa phái tới, để giúp quan thẩm xét những vụ án tại tỉnh; ít ra quan sẽ ngăn cản để người công giáo không bị ngược đãi trong tương lai…"(71).

Ông trùm họ đạo Vinh Hiêng: Ông Tân, trưởng ấp làng Vinh Hiêng, đã làm mọi cách, để tố cáo những người trong làng theo đạo, nhất là ông trùm họ đạo nhỏ bé Vinh Hiêng. Ông trùm nguyên là quản tượng và rất dũng cảm. Tư gia của ông thành nhà nguyện nhỏ cho các bổn đạo và các thừa sai… Để chống lại âm mưu thâm độc của ông trưởng ấp ngoại đạo và để bảo vệ các giáo dân, ông trùm đã thực hiện một cuộc điều tra chính xác về những lường gạt của ông trưởng ấp, vì ông này đã làm giầu bằng nhiều hình thức gian lận, như chiếm đoạt phần đất trong làng, xóa đi thuế thân của nhiều người, và kín đáo nhận quà hối lộ. Khi làm xong cuộc điều tra, ông trùm đã đọc cho vài người nghe. Nghe biết vụ việc, ông trưởng ấp Tân thất kinh và mua ngay con lợn, để làm lành với các bổn đạo. Ông hứa sẽ thân thiện mãi mãi (72).

Ông Simon Cầm và họ đạo Vân Côi: Các hương chức ngoại đạo làng Vân Côi đã sẵn sàng tố cáo các bổn đạo và các chức việc, đạc biệt ông trùm Simon Cầm lên vua. Vì ông này đã gây dựng họ đạo trong làng, ông đã dám tụ tập bổn đạo trong nhà ông để cử hành những công tác phụng tự. Biết âm mưu của địch thù, người chức việc can trường này đã "chơi ngay màn võ" mà ông trùm họ đạo Vinh Hiêng đã xử dụng với người ngoại đạo. Ông làm danh sách những vụ trộm cắp, các vụ gian lận công thổ và gia bộ mà các hương chức của làng đã âm mưu hay đồng lõa… để trình lên quan tỉnh. Thấy vậy, các hương chức và dân làng ngoại giá chỉ còn cách giảng hòa, ngả một con bò đãi ngộ dân làng, làm hòa với ông Simon, và hứa sẽ không làm cho người đạo Chúa trong làng phải lo lắng (73).

Trên đây là một vài điểm tiêu biểu về việc tham gia của các chức việc trong việc điều hành họ đạo. Chúng ta càng am hiểu hơn vai trò cần thiết của các chức việc giữa lòng họ đạo và sự cộng tác tích cực của quí chức với các linh mục. Phương pháp Phúc Âm hóa và quản trị các họ đạo mới mà các linh mục thừa sai đã theo đuổi, khi lấy lại những nguyên tắc tốt lành đã có sẵn trong việc điều hành một làng ấp, quả thật… tinh tế. Bây giờ, chúng ta phải trình bày về vai trò và bổn phận của các chức việc trong việc quản lý tài sản của họ đạo.

MỤC II: VIỆC QUẢN LÝ TÀI SẢN


I.Các tài sản của họ đạo.

Tài sản của họ đạo bao gồm mọi hiện vật thuộc mọi thể loại, động sản và bất động sản, đồ thánh hay đồ quí giá, mà họ đạo là sở hữu chủ (74). Trên phương diện sở hữu, vẫn có một khác biệt lớn giữa các họ đạo trong cùng một sứ vụ, họ này nghèo, họ kia trung bình, họ khác giàu hơn (75). Tuy vậy, mỗi họ đạo vẫn có những lợi tức từ những thửa ruộng hay đất đai, của việc đóng thuế có danh sách, của việc phạt vạ do tòa án các chức việc xét xử, của các tặng vật cá nhân, tiền lo ma chay và cầu nguyện cho những bổn đạo đã qua đời, tiền quyên góp và cho vay mượn.

1) Ruộng đất.

Họ đạo có ruộng đất do nhiều nguồn khác nhau: do chính họ đạo mua tậu, do bổn đạo hảo tâm dâng cúng để xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho sau khi lìa trần (76). Ruộng đất này được canh tác theo nhiều cách thức tùy thói quen của mỗi họ đạo: đôi khi được bán đấu giá và dành cho ai có địa tô khá nhất, hay được canh tác chung bởi lớp trai tráng trong họ đạo, hoặc do những nhóm gia đình bà con với nhau, họ chung sức làm từ khi gieo hạt, cấy mạ và gặt hái…

2) Việc đóng góp 'tiền nhân danh'

Việc thu nhận 'tiền nhân danh' là tiền mà mỗi bổn đạo phải đóng góp khi đến tuổi trưởng thành hay mỗi gia đình góp giúp nhiều lần trong năm, mỗi khi họ đạo có một sinh hoạt đặc biệt. Theo văn, thư của đức cha P.M. Gendreau: "Các chức việc thu nhận tiền giáo dân đóng góp phải ghi sổ và công bố vào các dịp lễ lớn (Phục Sinh, Các Thánh…), đầu năm, vào dịp đức giám mục đến kinh lược họ đạo hay bất cứ khi nào bề trên có lý do hỏi đến. Trong mọi trường hợp, khi Hội Đồng Quí Chức gửi giấy xin giáo dân trong họ đạo đóng góp về một việc gì, thì ông trùm phải xin cha xứ ký tên và đóng ấn trên tấm giấy ấy. Lúc đó bổn đạo mới buộc phải đóng góp. Bằng không có chữ ký và dấu ấn của cha xứ, giáo dân không buộc đóng góp, và quí chức sẽ thất vọng về vai trò của mình"

Hơn nữa, đức cha P.M. Gendreau mong ước châm chước sự đóng góp cho những gia đình nghèo khổ. Ngài viết: "Phải miễn trừ sự đóng góp cho những gia đình trong cảnh túng quẫn, còn những gia đình nghèo, thì chỉ buộc đóng một nửa số tiền phân bổ thôi. Lý do chính là sự đóng góp hay chi phí này thường gây nên những bất hòa, ta thán; ai có phận sự, phải thương đến những người nghèo, đừng đe dọa họ và đừng tịch thu hay cầm giữ vật gì họ đang có. Đối với những người mới theo đạo, thì mười lăm năm sau khi lãnh bí tích rửa tội, họ không phải đóng góp gì hết, trừ phi họ tự nguyện đóng góp sớm hơn."

Sau cùng, đức cha cũng mong ước rằng: "Trong mỗi xóm đạo và họ đạo, cần thiết lập dần dần một qũy chung, nhằm trang trải vừa đủ cho những phí tổn thường xuyên trong một năm. Điều này cần thiết và sẽ tránh được nhiều chuyện không hay. Do đó, cha xứ phải có sáng kiến chỉ cho các chức việc con đường phải theo nhằm thiết lập một qũy chung" (77).

3) Cho vay.

Tiền bạc hay lúa thu vào mỗi mùa gặt là tài sản của họ đạo. Tài sản này có thể cho vay lấy lời về cho họ đạo. Cha Cadière đã viết: "Xưa kia, trong xã hội truyền thống Việt Nam, vấn đề cho vay lấy lời luôn uyển chuyển theo tục lệ, nghĩa là đòi 3% một tháng. Nhưng dần dần lãi xuất giảm nhẹ, gây thiệt thòi cho qũy của họ đạo ".(78)

4) Những nguồn thu nhập khác:

Tiền phạt mà tòa án các chức việc bắt vạ, các đóng góp cho tang lễ và cầu nguyện, tiền cưới cheo, phải trả theo luật lệ của họ đạo. Tặng vật riêng cũng ít. Tiền quyên lễ chủ nhật mới đươc du nhập vào trong các họ đạo Việt Nam, nhưng con số cũng không đáng kể. Việc quyên tiền bất thường được tổ chức để sửa nhà thờ, trường học hay một công tác bác ái… của họ đạo, phải được đức giám mục cho phép rõ ràng trên giấy tờ" (79). Sau cùng, nhà thờ, nghĩa trang, và các nhà hội của xứ, cũng là sở hữu của họ đạo. vậy, các chức việc phải lưu tâm tới.

II. Việc quản trị các tài sản của họ đạo

1) Các chức việc và cha xứ

Tài sản của họ đạo, ruộng đất, thóc lúa, tiền bạc, do cha xứ quản nhiệm với sự trợ giúp của Hội Đồng Quí Chức, đặc biệt là ông thủ qũy hay người được ủy nhiệm riêng. Trách nhiệm đã được qui định đầu tiên là do các cuốn Chỉ Nam của các giáo phận.

Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn tuyên bố: "Bình thường thì cha xứ là người quản trị tài sản của họ đạo. Ngài là người duy nhất có trách nhiệm, nhưng ngài cũng được Hội Đồng Quí Chức trợ giúp" (80). Đó cũng là điều mà Công Nghị Bắc Kỳ năm 1900 mong mỏi: "Kỳ vọng rằng trong mỗi họ đạo hay giáo xứ, đều có một hội đồng để bảo quản, dưới sự chỉ đạo và thẩm quyền của linh mục (ngài chịu trách nhiệm trước giám mục), mọi tài sản của Giáo Hội, tức nhà thờ, nhà xứ, nghĩa trang, và mọi lãnh vực khác, như hoa lợi dành cho nhà thờ". (81)

2) Thiết lập danh sách

Công việc đầu tiên của việc quản trị là thiết lập rõ ràng một danh sách về tất cả tài sản thuộc họ đạo, nhằm phân biệt:

a) Tài sản thuộc Giáo Hội: "Tài sản của Giáo Hội, không những là tất cả những tài sản của sở Truyền Giáo mà mọi nhà thờ thuộc mọi họ đạo, mà còn phải kể tài sản của các tu viện và tài sản dành cho công trình đạo đức, thí dụ, của cải mà các bổn đạo dâng cho nhà nguyện "(82).

b) Tài sản khác của họ đạo: "Họ đạo có những tài sản chung khác, hoặc bất động sản, hoặc động sản, thu được do sự đóng góp hay cách nào khác, được xử dụng không phân biệt, hoặc để tổ chức tiệc tùng vào một vài ngày lễ trong năm, hoặc để cấp dưỡng cho linh mục và các thầy giảng, khi các ngài đến làm việc trong họ đạo hay đi thăm hỏi, hoặc để tổ chức lễ lớn trong nhà thờ (Giáng Sinh, Kiệu Mình Thánh), hay tham dự vào các lễ hội chung của khu vực… Chúng tôi tuyên bố rằng các tài sản thuộc loại này không được coi như thuộc về Giáo Hội bao lâu chúng chưa thích đụng vào nhà thờ, vào việc phượng tự hay vào công trình truyền giáo. Do đó, trước khi được coi là của Giáo Hội, những tài sản ấy mang tính cách trần tục, hoàn toàn thuộc về họ đạo và được xử dụng tùy nghi. Nhưng khi sử dụng những tài sản này, cần tránh những bất công và xử dụng làm sao cho hợp với ý nguyện của người đã dâng cúng, hay dùng theo một mục tiêu rõ ràng" (83).

c) Sau đây là huấn giáo khôn ngoan của Công Nghị: "Trong tương lai, hầu tránh mọi lầm lẫn, chúng tôi nghị quyết rằng mọi linh mục phải đồng thuận với các chức việc của mỗi họ đạo khi quyết định về những tài sản thế tục và phân biệt những tài sản ấy với những tài sản thuộc về Giáo Hội. Từ nay về sau, phải phân cách rõ rệt chứ không lẫn lộn. Nếu có những khó khăn hay nghi ngờ về vấn đề này (tài sản này có thuộc về Giáo Hội hay không?), thì phải tham khảo giám mục trước khi quyết định (84). Như thế, các linh mục và các chức việc, đầu tiên phải thiết lập và bảo trì một danh mục hay thống kê chính xác về những động sản và bất động sản của các nhà thờ, các hội đoàn và các tổ chức đạo đức khác vốn có trong mỗi họ đạo (85).

3) Trách nhiệm đặc biệt của ông thủ qũy.

Là những người cộng tác của cha xứ, các chức việc có trách nhiệm chung trong việc quản trị tài sản của họ đạo. Nhưng trách nhiệm này lại là phận sự chính của ông của tịch xóm đạo hay ông trùm họ đạo, và đặc biệt là ông thủ qũy hay của người được ủy nhiệm đặc biệt. Bây giờ chúng tôi sẽ nói dài hơn về ông thủ qũy. Dưới quyền của cha xứ và ông trùm họ đạo, ông thủ qũy phải khôn khéo và trực tiếp quản trị mọi sổ sách và tài sản của họ đạo và sổ sách. Ông còn phải quan tâm tới tất cả những vật liệu và đồ dùng của nhà thờ nữa.

Trên nguyên tắc, mọi chức việc, tuần tự thi hành phận sự này, mỗi người, một hay ba năm, nhưng trên thực tế, khi một chức việc hành sự tốt, thì ông tại chức lâu hơn. Và khi ai được chọn làm thủ qũy, phải thông báo trong nhà thờ cho bổn đạo biết (86).

Để minh định phận sự của ông, cuốn Chức Sở Mục Lệ tuyên bố: "Người được ủy nhiệm phải để tâm tới những vật dụng cần thiết cho nhà thờ, nhất là những đồ vật thánh liên hệ tới phụng tự. Ông phải lo cho nhà thờ sạch sẽ; nếu thấy hư hại gì phải lo sửa ngay; ông cũng phải canh chừng những người được tuyển vào làm công tác và phân phối lương cho họ. Lo thu tiền nong ruộng đất, tiền dâng cúng và chuyển ngay số tiền này cho cha xứ. Ông cũng phải lo cho sổ sách tiền nong thu được sao cho thật sáng tỏ, mỗi tháng xem xét lại sổ sách này và so với sổ của cha xứ. Rồi, mỗi năm, vào ngày lễ hai thánh Phêrô và Phaolô hay một ngày thuận lợi nào, ông trình bày cho đại hội các chức việc quản lý của mình (87).

Để hoàn thành nhiệm vụ này, ông phải hội đủ nhiều đức tính. Thật vô tư và liêm khiết. Cuộc sống tương đối ổn thỏa, có thì giờ rảnh, và được trau dồi đủ để giữ sổ sách tương đối phức tạp, nhất là trong một họ đạo lớn có nguồn tài sản quan trọng.

4) Trên thực tế:

Trên thực tế lúa gạo, tiền nong của họ đạo được quản lý theo nhiều cách, tùy các cha xứ:

a) Một cách đều đặn và theo quy luật xưa của nhiều địa phương, Huế chẳng hạn: vựa thóc, tủ tiền thường được khóa bằng ba loại chìa khác nhau, một trong ba được trao cho cha xứ, chìa thứ hai trao cho ông trùm họ đạo, chìa thứ ba trao cho người được ủy nhiệm. Nhưng cụ thể, quy thức này ít được áp dụng, bởi lẽ, két để tiền, sẽ rất phiền toái, quá nhỏ, trong khi két sẽ luôn để mở.

b) Có những cha xứ giữ lại tiền nong và sổ sách. Khi người phụ trách cần vài quan tiền hay vài đồng, ông đến xin cha xứ và cả hai cùng ghi số tiền đó vào sổ sách. Về thóc lúa cũng vậy, ông đến cha xứ xin chìa khóa vựa thóc.

c) Nếu không, ông lo về vấn đề trao thóc lúa, tiền nong, sổ sách.

d) Kinh nghiệm cho hay, cha xứ nên áp dụng phương pháp tùy người mà ngài ủy thác, nghĩa là tùy tính tình của các chức việc, thí dụ cha Cadière đã trao phó tất cả cho hội đồng các chức việc Cổ Vưu và Di Loan, trong khi ngài vẫn buộc phải giữ lại và kiểm soát cẩn thận mọi chi tiêu ghi ra do ông thủ qũy của họ đạo La Vang và Hòa Ninh (88).

III. Những chi phí

1) Tùy nhu cầu phượng tự

Tài nguyên của mỗi họ đạo không đủ để xây một nhà thờ; nhà xứ, nhưng đủ để bảo trì, sửa chữa, thí dụ, thay một mái đã mục, chữa lại những viên ngói đã lệch, sơn lại một cánh cửa… tóm lại, khi thấy có một hư hại nào đó, ông chủ tịch hay người được ủy nhiệm phải sửa càng sớm càng tốt hầu ngăn chặn thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra.

Các tài nguyên này cũng dùng để trang trí nhà thờ, mua chân đèn hay hoa cho bàn thờ, dầu đèn và nến sáp, cờ xí, lồng đèn để trang hoàng nhà thờ vào những ngày lễ hay tuần đại phúc, ngày lễ truyền giáo, dịp đức giám mục viếng thăm họ đạo…

Mỗi năm, các chức việc dành một khoản tiền để xin cha xứ cử hành thánh lễ vào vài ngày trong năm: lễ thánh quan thày của họ đạo, các ngày giỗ của cha xứ cũ hay các chức việc đã ly trần (89).

Còn có những chi dụng khác mỗi năm, như các kiệu hoa trong tháng Đức Mẹ, lễ Thánh Thể, ngày thi kinh bổn (giáo lý) v.v…

2) Giúp đỡ cha xứ

Theo tục lệ có từ xưa, theo huấn giới cũ, nhất là vào dịp tết năm mới hay lễ thánh bổn mạng của cha xứ, Hội Đồng Quí Chức thường mua mâm hoa quả, một hay hai con gà, con heo… đến chúc cha xứ nhân danh họ đạo. Hàng năm, thường biếu ngài hàng trăm rá gạo, để ngài có thể nuôi hai ba người giúp việc, một vài chú nhỏ sắp vào chủng viện, hoặc tiếp đón quí cha đến thăm viếng... Dĩ nhiên, những trợ giúp này chẳng bao giờ đủ để giúp ngài và những người giúp việc ngài. Tòa giám mục sẽ bổ túc vào sự thiếu hụt này (90).

Trong những họ đạo nhỏ không có cha thường xuyên, các chức việc sẽ trích một phần gạo và tiền trong qũy chung, để làm cơm mỗi khi ngài đến thăm họ đạo và đặc biệt là trong tuần đại phúc. Họ đạo còn phải cung ứng, ít là một nửa hay một phần, để nuôi và trả lương cho một thầy giảng hay hai nữ tu, do cha xứ gửi tới để dạy kinh bổn và chữ viết cho các em…

3) Vấn đề tiệc tùng

Một thông lệ khá phổ cập bên Việt Nam, là trong một số làng xã hay họ đạo lớn, người ta có thói quen khởi đầu và kết thúc một chương trình hoạt động quan trọng bằng một bữa ăn thịnh soạn. Những bữa tiệc tốn phí này hoặc chỉ dành cho các chức việc, hoặc cho mọi người có thế giá của họ đạo. Một phần tài nguyên lớn phải chi vào cho bữa tiệc: chính vì vậy, các đức giám mục thường nhắc nhở "không nên phí tiền trong những bữa tiệc như vậy" (91). Hơn nữa, trong những bữa tiệc như vậy thường xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc mà nguyên do thường là: khi 'tửu nhập', người ta thiếu kính trọng nhau, người này nói xúc phạm tới người khác hay gia tộc họ, một lời bóng gió, và nhắc lại một chuyện xấu đã qua… Vì vậy, muốn bảo vệ bầu khí huynh đệ, linh mục và những người có trách nhiệm phải biết kiên nhẫn tế nhị và mềm dẻo, cắt ngay những chuyện đã gợi ra và nhất là hướng mọi người về những câu chuyện xây dựng…

IV. Nhằm tránh những lạm dụng và mất mát.

Để tiết kiệm, bảo vệ và gia tăng tài sản của họ đạo, các đức giám mục đã đề nghị những phương cách cụ thể và khôn khéo (92). Các ngài yêu cầu các cha xứ và Hội Đồng Chức Việc phải quan tâm đặc biệt đến việc quản trị các tài sản này:

1) Trách nhiệm trực tiếp của cha xứ:

Công nghị Bắc Kỳ đầu tiên năm 1900, kỳ vọng rằng: "việc quản trị trực tiếp các tài sản là trách nhiệm của linh mục qua trung gian của những người đã được chỉ định vào công tác này. Linh mục phải để ý giúp những người này làm việc công tâm trong vấn đề thu, chi. Linh mục cũng có trách nhiệm trong việc quản trị tài sản của các hội đoàn, viện mồ côi, nhà phát thuốc, và tất cả những hội đoàn đạo đức khác đã được công nhận, nếu họ có một vài tài sản tương xứng" (93).

Vì vậy, linh mục phải lưu tâm để mỗi họ đạo có một hồ sơ ghi chép đầy đủ những bất động sản, kể cả những của đã cho vay mượn hoặc đã mượn, như tiền nong và lúa gạo. Hồ sơ này được giữ trong một nơi chắc chắn, và mỗi năm, khi trao lại sổ sách, những hoán chuyển tương quan đến hồ sơ này cũng phải nêu lên.

Hơn nữa, như đã đề cập, linh mục và các chức việc phải phân biệt những tài nguyên thuộc về Giáo Hội và dành cho việc phụng tự, khác với tài sản của họ đạo xử dụng vào những mục đích khác. Sự phân biệt này thật cần thiết để tránh những lạm dụng và thiệt thòi cho tài sản của nhà thờ.

Chính vì vậy đức cha P.M.Gendreau đã nhấn mạnh trong một văn thư gửi cho các linh mục thuộc giáo phận ngài: "Các cha xứ phải lo đòi các chức việc ghi lại tất cả những tài sản đã khai hay chưa khai thuộc về một nhà thờ, và tất cả những gì có trong qũy chung của họ đạo. Các ngài phải đưa ra những khuyến cáo nghiêm túc: một phần để tránh những gì có thể phương hại tới tài sản của nhà thờ, như làm thất thoát các lợi tức; phần khác, để người ta 'không chiếm công vi tư', không tự tiện dùng vào những tiệc tùng lãng phí hay vào những mục đích thế tục khác; đàng khác nữa, để ngăn chặn người ta vay mượn theo ý mình, hay cho vay không có gì đảm bảo chắc chắn sẽ hoàn lại. Những chuyện vay nợ rồi không trả đã thành một thủ tục, gây ra nhiều bất bình và tội trạng khác trong họ đạo" "Lại nữa, tại nhiều họ đạo trong giáo phận, quí chức không biết giá trị của các loại tài sản, nên đã đồng hóa tài sản của nhà thờ với những tài sản khác của họ đạo hay của làng, của khu xóm. Vì thế các quí chức nghĩ là họ có thể xử dụng những tài sản ấy vào bất cứ việc gì. Quả là một lỗi lầm to" (94)

2) Phải có phép của Đấng bản quyền

Khi họ đạo đã gây tạo nên một số vốn quan trọng, tiền nong hay thóc lúa, cha xứ và Hội Đồng Quí Chức phải tìm cách làm cho số vốn ấy thành một tài sản có lợi tức hàng năm. Việc làm này phải có phép của đức giám mục. Các chức việc phải báo cho cha xứ tất cả những vay mượn của họ đạo. Đối lại, mọi vay mượn của họ đạo, cha xứ và vị Bản quyền phải được loan báo. Việc cho thuê đất đai, nhà cửa hay đi vay nợ với thời hạn đặc biệt, nhằm mục đích có tiền trang trải một dự án ngoại lệ, phải có phép của Bản quyền.

Nếu linh mục xây nhà hay mua bất động sản với tiền riêng, nhằm gây lợi cho họ đạo, ngài có quyền đòi lại số tiền này, nhưng phải làm một khế ước với các chức việc của họ đạo và được Đấng bản quyền chấp nhận. Phải quan tâm tới việc xử dụng những tài sản này, tuy nhiên trong những họ đạo mới, cũng nên co giãn đôi chút, nhất là cần tránh những lạm dụng tiền bạc trong những bữa ăn, áo quần trong các cuộc rước hay đèn nến.

Linh mục không được phép phung phí tài sản của họ đạo vào những yến tiệc linh đình trong thời gian làm phúc. Ngài cũng không có quyền xử dụng tài sản của họ đạo để mua những đồ phụng tự cho riêng mình, như chén thánh, bình đựng mình thánh, sách lễ, áo lễ và khăn bàn thờ hay rượu lễ… Linh mục phải thận trọng khi quản trị những tài sản của nhà thờ. Nếu ngài muốn xử dụng trong việc mua sắm các đồ dùng phụng tự, phải có sự chấp thuận của Hội Đồng Chức Việc.

3) Sổ sách hàng năm

Trong Hội Đồng Chức Việc, người được ủy nhiệm hay ông thủ qũy (bao lâu có thể, thay đổi hàng năm hay tối đa 3 năm), phải ghi cẩn thận các sổ thu, chi hàng năm, tiền bạc hay lúa gạo cho vay. Tất cả những gì ông thủ qũy làm, phải theo quyết định của cha xứ và Hội Đồng Chức Việc.

Mỗi năm, vào dịp lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô hay một ngày nào đó, ông thủ qũy sẽ trình bày về việc quản lý của mình cho đại hội đồng các chức việc. Cha xứ sẽ trao lại sổ sách của họ đạo cho linh mục nào đã được giám mục ủy thác việc kiểm soát.

Nếu gặp khó khăn trong việc quản trị tài sản, các chức việc phải trình lên cha xứ hay cha quản hạt, và nếu cần, lên đức giám mục (95).

Sau khi đã trình bày đại cương lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, sự tiến hoá theo dòng thời gian của việc tổ cức Hội Đồng Quí Chức, khuôn mặt của họ đạo tại Việt Nam, nghĩa là trình bày không gian và thời gian hay khung cảnh lịch sử, trong đó Hội Đồng Quí Chức đã hình thành và tiến hóa, chúng tôi đã có cơ hội bàn về ba khía cạnh, theo đó các chức việc đã tham dự vào ba thừa tác vụ chính yếu của linh mục: Thánh Hóa, Giảng Dạy và Quản Trị họ đạo. Khách quan mà nói, chúng tôi thấy nhiều điểm tích cực của Hội Đồng Quí Chức: tông đồ giáo dân, cộng tác giữa linh mục và bổn đạo, giữa các bổn đạo trong họ đạo, tinh thần phúc âm hóa, trách nhiệm cá nhân và tập thể của những người công giáo Việt Nam, trưởng thành đức tin của một Giáo Hội trẻ, trong đó người công giáo rất ý thức về bổn phận của mình đối với cộng đồng và Giáo Hội hoàn vũ…

Để đo lường những thành quả tích cực và nhất là để thẩm định phẩm công trình tổ chức Hội Đồng Quí Chức vào hiện trạng của Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ, chúng tôi nghĩ: cần khảo sát dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, dựa trên những giáo huấn của Công Đồng và những quy chế mới của Hội Đồng Giáo Xứ thấm nhuần tinh thần Công Đồng và mới được ban hành tại Việt Nam. Đó là nội dung của chương VII kế tiếp.

--------------------------

Chú thích

(1) xem CSML I.

(2) DQN 112, DH 98, DHN 150

(3) CSML 2, xem CSML 14, 22, 28

(4) DQN 115, DH 101,DHN 150

(5) AD tit IV,cap. III, n.1 tr..112; CSML 30

(6) Cadière, OFCV, trg Bull. MEP (1955), số 79, tr.113

(7) SC.41

(8) Teyseyre, Un missionnaire Albigeois en Cochinchine, đức cha Galibert, tr.164

(9) CSML 30

(10) DHN 149

(11) NĐF (1927 số 928, tr.357)

(12) Louvet E., Cochinchine Religieuse, I, tr.357

(13) OFCV trg Bull.MEP (1955), số 80, tr.723

(14) OFCV trg Bull.MEP (1955), số 79, tr. 310. Để biết những trường hợp cụ thể, xem Teyseyre, sd, tr. 186-187, Cadière OFCV, Bull.MEPI (1955), số 79, tr.315.

(15) NKĐP (1922), số 685, trg 250.

(16) CSML 2,14,29; DQN 115 DH 101 DHN 150

(17) OFCV trg Bull.MEP (1955), số 79, tr 315; CH DF 100; DQN 115

(18) AD tit.IV, cap.III, số 1, trg 112: "Oportet ut sacerdos quantum curatorum utoritatem tueatur"; trg 113: "Sacerdos tum apud pueros quam apud eorum Parentes semper eis autoritatem conferre curabit".

(19) PCI 318; "Licet missionarìs… et bonis christianis tanquam auxiliarìs ut possit,… ipse tamen primo per seipsum tanto munere fungi debet".

(20) DQN 115, DH 101, Xem Cadière OFCV trg Bull. MEP (1955) số 85,

(21) CSML 30

(22) Louvet, sd I, tr. 361, xem Teyseyre, sd, tr.163

(23) CSML 41

(24) CSML 14

(25) CSML 33

(26) CSML 14,31

(27) DH 75,130,138,140-144,146,200-201,211; DQ 78,147,155,159,DHN 113

(28) DQN 78/2, DHN 338

(29) DQN 78/3; DHN 196,170 (et note); AD tit II, n.VI

(30) CSML 57

(31) DQN 78/5; DHN 114

(32) DQN 366, DH 316, DHN 114, 150; AD tit II, art.I, số.111, tr.65

(33) DHN 150, 153, DH 130 DQN 147, PCI 183

(34) SI 7 (1933) trg 148

(35) SI 7 (1933) trg 149; xem Cadière OFCV trg Bull.MEP (1955) số 83 tr.733.

(36) NKDP (1927), số 928 tr.357

(37) CSML 28; DHN 150; DH 323, Thư chung năm 1899 trg TCĐPTĐN II, tr.205

(38) Louvet E., sd I, tr.360

(39) xe trang đính kèm

(40) DQN 129, DH 112

(41) DQN 130, DH 113

(42) DQN 131, DH 114

(43) Thư chung năm 1898, trg TCĐPTĐN, I, tr.408-412, thư chung năm 1899, sd II, tr.199-205, thư chung năm 1917, sd III, tr.189-199.

(44) SI 7 (1933), tr.148-149

(45) DHN 154

(46) Thư chung năm 1898, trg TCĐPTĐN, I, tr.410

(47) Trg TCĐPT II, tr. 409

(48) Công Nghị Faifo năm 1672 giải thích cho chúng ta thế nào là CƯỚI CHEO: "Cum varios in solemni matrimoniorum celebratione ritus observare soleant indigenae, ex quibs duo prae reliquis requiruntur: alter quidem, qui vernacula ipsorum lingua dicitur "cưới", cum scilicet sponsus simul cum parentibus suis ad aedes sponsae dotem dapesque pro convivio defert; alter vero, qui dicitur "cheo", perficitur cum idem sponsus munera duci ac senioribus pagi, ut testes fiant, offert vel offerri curat; quorum ritưm si prior omittatur, penes parentes sponsae ut illam a marito reluctante auferant: si posterior, possunt conjuges gravibus poenis a senioribus pagi alìsque magisraribus affici, sponsaque a conjuge resilire, nec denique matrimonìi dignitate sed sceleris societate conjuncti ab omnibus vulgo reputantur". (xem Launay A.,Histoire de la Mission de Cochinchine, I, trg 279-280, xem thư của đức cha Lefèbvre gửi cho đức cha Benetat - trong Launay A., sd II, tr.115)

(49) DHN 155

(50) CSML 45, AD tit IV tr.118-121; DHN 155; DQN 267-272; DH 239-244

(51) Launay A.,Histoire de la Mission de Cochinchine, II, tr.115

(52) DQN 240, DH 212

(53) DHN 155

(54) DHN 156-157

(55) Robet M., Une tournée pastorale au Tonkin, trg Miss. Cath. (1893), tr.365-366.

(56) CSML 16

(57) AD tit.IV,cap.III, n.I, tr.112

(58) DQN 115, 131; DH 101, 114

(59) DHN 153

(60) OFCV trg Bull. MEP (1955) số 83, tr.726

(61) DQN 121-123; DH 106-108

(62) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, II, tr.145

(63) xem AD tit IV cap.II I,n.1, tr.112; CSML 16; DQN 115; DH 101

(64) xem Compte-rendu de la réunion des Evêques du groupe du Tonkin 1926, tr.39

(65) SI 5 (1931) tr.256-257

(66) trg TCDP,II, tr.409-410

(67) CSML 4

(68) xem SI 5 (1931), tr.255-257

(69) DQN 117; DH 103

(70) DHN 151; x. thư chung của đức cha P.M.Gendreau ngày 7/9/1899, trg TCĐPTĐN II, tr.20

(71) trg AME vol. 657, tr.99

(72) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I, tr.329

(73) xem Launay A., sd, I, tr.330

(74) Theo "Huấn thị của quan Toàn Quyền Đông Dương ngày 12/3/1941 và thông báo của bộ Trước bạ ngày 2/4/1941, các họ đạo hay giáo xứ sở tại, thực sự là sở hữu của các tài sản, do cha xứ và hội đồng các chức việc quản trị, họ được sử dụng tùy nhu cầu của họ đạo và theo đó, ĐGM chỉ có quyền giám hộ thôi" (xem P.Granjean, Le statut des Missions en Indochine, tr.170)

(75) Theo cha Cadière, cuộc truyền giáo tại Huế đã rõ ràng, hoặc đứng trên phương diện tài nguyên chung của hạt hay nguồn sở hữu của các họ đạo, thì đây là vùng nghèo nhất tại Đông Dương, xem OFCV, trong Bull. MEP (1955), số 83, tr.729.

(76) Cần lưu ý là tất cả những sở hữu của họ đạo cũng thuộc về những tài sản của nhà thờ. Nhưng ở Việt Nam, phần lớn các họ đạo chỉ là một thành phần hay một nửa của làng xã dân sự, do đó có luật trừ: ruộng đất dành cho họ đạo, trực thuộc về làng, không phải là những tài sản của nhà thờ… (DQN 361)

(77) Thư chung ngày 7/9/1899 (xem TCDPT II,tr 202-203)

(78) OFCV trg Bull. MEP (1955), số 83, tr.730

(79) "Prohibemus omnino ne collectae pro Ecclesìs vel pro alìis pìis operibus a quocumque fiant in extraneis Viariatibus absque expressa inscriptis licenetia proprìi Episcopi et approbatione Vic. Aost Vicariatus ubi collectae fieri velint. In proprio vero Vicari atu collectae non fiant absque approbatione proprii Vicarìi Apostoli" (AD tit II,cap.I, số. XIII p.72 - xem DQN 54/5; 348; DH 312/3, 314

(80) DQN 365, DH 315

(81) AD tit. II, cap I, số 4, tr.65

(82) AD tit II, cap.I, số I, tr.64

(83) AD tit.II, cap.I. số III, tr.65

(84) xem chú thích 83

(85) AD tit. II, cap.I, số VIII, tr.71; xem DQN 366; DH 316; DHN 476

(86) CSML 25: "Mỗi năm thường đề cử một người quản lý, nhiệm kỳ người này có thể kéo dài nhiều năm"; DQN 369 "Người quản lý nhiệm kỳ là ba năm"; DH 320: "Người quản lý phải thay hàng năm nếu có thể được"; DHN 150 "Thời hạn của ông q uản lý là 6 năm".

Chính cha Cadière đã viết: "Ở Di Loan, tôi đã tìm được một ông thủ qũy, ông đã được linh mục trước tôi đề cử, và tôi đã giữ ông lại trong chức vụ cho tới khi ông qua đời, khoảng 20 năm", (OFCV trong Bull.MEP (1955), số 83, tr.734.

(87) CSML 26-27; DQN 153

(88) CSML 62-64

(89) OFCV trg Bull. MEP (1955) số 83, tr.733

(90) DQN 384-387; DH 304-311

(91) DQN 372, DH 325; trong văn thư đề ngày 19/3/1917, đức cha P.M. Gendreau đã đề ra một quy luật như sau: "Các chức việc không được quyền lấy tiền trên niên liễm để tổ chức tiệc tùng. Khi nhóm họp đại hội, thường đưa cho ông thủ qũy ba quan tiền một ngày để lo bữa ăn, và nếu cuộc họp chỉ giới hạn trong một họ đạo, thì một quan tiền một ngày thôi" (TCĐPTĐN II, tr.204)

(92) Có thể nói rằng, các giám mục đã dựa trên một tài liệu thuộc về việc quản trị các tài sản của GH, trong SS 14 (1922), tr.300-301 và nhất là Giáo luật khoản 1519-1521: administratores immediati, khoản 1545-1547: Concilium administrationis, concilium fabricae; 1519, 535, 1478: vigilantia Ordi narìi etc, xem Vromant G., De bonis Ecclesiae temporalibus, 3 éd., Paris 1953, tr.224-235

(93) AD tit.I I, cap.I, số.IV, tr.70

(94) trg TCĐPTĐN, II, tr.164-168.

(95) DQN 365-372; DH 314-325; CSML 21,26,27.