HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC
CHƯƠNG III: KHUÔN MẶT MỘT HỌ ĐẠO VIỆT NAM
Trong chương này chúng ta sẽ trình bày hai mục chính:
I. Một ngôi làng truyền thống Việt Nam
II. Khuôn mặt một họ đạo Việt Nam
MỤC I: MỘT NGÔI LÀNG TRUYỀN THỐNG VIỆT NAMỘI ĐỒNG QÚY CHỨC
CHƯƠNG III: KHUÔN MẶT MỘT HỌ ĐẠO VIỆT NAM
Tổ chức của họ đạo Việt Nam giống như ngôi làng truyền thống và tựa như một đại gia đình. Như vậy để hiểu rõ hơn, trước hết chúng ta cần biết vài nét tổng quát về cách tổ chức đời sống dân sự và truyền thống.
I. Hình thành một ngôi làng
Con người sinh ra cho xã hội. Thiếu nó, con người không thể tự nuôi sống, tự vệ, tự tạo, và tiến bộ. Trong bản tính, con người có một sức mạnh hay đúng hơn một luật lệ thúc đẩy tìm kiếm sự
đồng hành với những người cùng loại. Luật này trước hết tạo ra gia đình tựa như một xã hội phôi thai. Và sau đó sinh ra ngôi làng, một đơn vị hành chánh ở Việt Nam (1)
Làng Việt Nam có nguồn gốc theo kiểu mẫu Trung Hoa từ thời nhà Chu thế kỷ XII trước công nguyên. Kiểu mẫu này đã du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ nhất bởi những tổng trấn Trung Hoa. Phần lớn, nhất là từ đời Gia Long (1802) sự thành lập những làng tùy vào óc sáng kiến của mỗi cá nhân (2). Người ta còn có thể nói làng Việt Nam thật sự là quy tụ của nhiều gia đình có những liên hệ về họ hàng, hợp lại với nhau ở một chỗ, gần một ngọn suối, dọc theo một con sông, ở giữa một cánh rừng v.v… để cùng nhau khai phá một vùng đất còn hoang vu, chưa trồng trọt.
Lý do tụ tập này có thể bởi sự kiện làng nguyên thủy quá đông đảo, cần phân nhỏ ra để dễ bề sinh sống, hay bởi những thiên tai xẩy tới hoặc do sự cạnh tranh 'bè phái' (clan) trong một gia tộc (3). Họ đã đến lập nghiệp tại một nơi, và để sinh tồn, để vươn lên trên những yếu kém và muốn đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống, họ phải đoàn tụ lại, gắn bó với nhau hầu tạo nên sức mạnh và nguồn lợi sống.
Sau đó, để giải quyết quan hệ với nhau, những quyền lợi, bổn phận và bảo đảm sự thoải mái cho tập thể. những gia đình này đã có, hay đã lập được một quy chế. Và một ngôi làng mới đã thành hình.
Chúng ta có thể khẳng định rằng sự thành lập những thôn xóm hay làng xã mới luôn được chính quyền nhà vua khuyến khích. (5)
II. Sự tổ chức của làng
1) Những thôn, xóm
Làng được chia làm nhiều thôn khác nhau thường là do địa dư và sự liên hệ về giòng họ giữa những gia đình. Thôn này cách với thôn kia, mỗi thôn có tổ chức hành chánh riêng biệt, nhưng tất cả đều phải góp phần vào những chi phí của làng. Thôn gửi những đại diện tới các buổi họp công cộng, nhất là những buổi họp bất thường, thí dụ như: những công tác chính quyền buộc mọi làng trong tỉnh phải tham gia vì lợi ích chung.
Nhiều làng có tới chục thôn, làng khác không có. Tùy theo số dân cư hay theo vùng đất lớn nhỏ, mỗi thôn chia ra thành giáp hay khu, xóm. (6)
2) Dân số
Dân số trong làng gọi là 'dân làng' (7). Thường gồm có:
a) Dân đinh: Dân đinh là lớp dân hưởng mọi quyền của người công dân, có bổn phận tham gia vào công phí, phải đóng sưu thuế. Phải ghi danh trước 18 tuổi. Người ta phân ra những người phải đóng sưu thuế như sau:
+ Những chức sắc hay quan viên: những người có quyền chức, đỗ đạt, được triều đình phong chức tước.
+ Lão nhiêu, những người già từ 60 tuổi trở lên.
+ Lão hạng, gồm người già từ 55 đến 59 tuổi.
+ Tráng hạng hay tráng đinh, gồm đàn ông từ 21 đến 54 tuổi.
+ Hoàng đinh, người trẻ từ 18 đến 20 tuổi.
Trẻ em, những người chưa tới 18 tuổi và tất cả đàn bà ở mọi lớp tuổi đều không có tên trong "Đinh bộ" (sổ ghi những người đóng thuế) (8).
b) Dân ngoài hay dân lậu: người đến ở làng ít lâu rồi đi hay ở lại luôn, nếu tìm được cách sinh sống.
c) Dân ngụ: người phải trả một số tiền vì được làng cho trú ngụ.
3) Giới chức sắc
Chỉ có những người này mới được ghi danh, đến họp đại hội, và bỏ phiếu ở hội đồng các chức sắc (9). Họ có nhiệm vụ quản trị làng. Để được ứng cử vào hàng chức sắc, cần phải ghi tên trong sổ đinh và ít nhất là 20 tuổi; là điền chủ; hay đại thương gia, có lợi tức, là công chức đang làm việc hay đã hưu trí. Số chức sắc tùy thuộc sự quan trọng, điều kiện dân cư và tục lệ của mỗi làng.
Buổi họp của các chức sắc trong làng gồm có các thành phần tham dự:
'Dịch mục': chức sắc thành niên, được chọn trong số người trẻ và hoạt động nhất. Họ gánh vác mọi việc, đặc biệt thi hành lệnh bắt giữ ai khi có nghị quyết.
'Kỳ mục': chức sắc trưởng thành, chiếm đa số và là thành phần có nhiều ảnh hưởng nhất. Họ là những người sắp xếp mọi vấn đề, đệ trình, bàn cãi để xúc tiến công việc.
Giới chức sắc nắm trong tay những quyền hành rộng rãi. Họ giải quyết mọi vấn đề trong làng, dưới mọi hình thức và lấy những quyết định để bảo vệ quyền lợi của làng. Chính vì thế người ta nói "làng xã là một nhóm hành chính tự trị" hay "Làng xã tự quản lý mình" hoặc "Lệnh vua thua lệ làng" (10)
4) Trọng trách của chức sắc
Những trọng trách chính trong công việc của các chức sắc là: chia việc trong làng, tìm người lao động cho những công việc có lợi ích chung, khi có yêu cầu của quan tỉnh, nhận tất cả tiền lĩnh canh và tiền thuế lợi tức, ký lại hợp đồng cho thuê, thanh toán, thảo luận và tính sổ sách, nhận những tặng vật và di sản, vay mượn và thế đất của làng, quản trị, có quyền trong tất cả mọi việc có lợi ích chung, như xây cất đường làng, cầu, bờ ruộng và bờ đê, phân định phần tiền thuế thu nhập cho những người phải trả thuế, chọn và tuyển tân binh, tổ chức đội canh phòng trong làng, đưa ra tòa án và tiếp nhận những án xử, là người xử hòa giữa dân làng, bằng lời khuyên bảo khôn ngoan. Và nhiều khi còn xử những án nhẹ, nhiều nhất là 10 roi mây, tổ chức những nghi lễ thường lệ, những hội hè và trò vui công cộng, để ý đến việc giáo dục các em nhỏ, giúp những người nghèo khổ và bệnh tật v.v… (11)
5) Lý trưởng và những người phụ tá
a) Lý trưởng: Hội đồng chức sắc cần một người đại diện trong mối quan hệ với nhà nước, họ tìm ở giữa những thành viên một nguời để ủy quyền. Người này sẽ được bầu bởi tất cả những người dân đinh (dân làng trong sổ bộ). Được bầu, ông trở thành lý trưởng, giữ việc thi hành những quyết định của hội đồng (12)
Đó là một người có tài ăn nói hoạt bát và khéo léo, thông thạo việc bảo vệ quyền lợi cho những người bị áp bức; có khả năng tránh cho làng những chi phí và bảo vệ quyền lợi của dân. Nhờ có danh thơm tiếng tốt, ông được các chức sắc chọn lựa và dân làng bầu phiếu.
Ngay khi cuộc bầu cử được chấp nhận bởi 'chức sắc đặc trách cuộc bầu cử', và không ai khiếu nại vì 'ông lý trưởng có tiền án', thì chính 'chức sắc đặc trách cuộc bầu cử' trao cho ông lý trưởng một chứng chỉ và một con dấu ấn (mộc). Hai vật này là biểu hiệu cho chức vụ và quyền hành của lý trưởng: trên mọi giấy tờ chính thức phải mang dấu ấn và chữ ký của ông lý trưởng.
Trong làng, ông lý trưởng lãnh đạo tất cả những công việc quan trọng, ông đích thân đảm nhận mọi việc của hội đồng chức sắc mà chúng ta đã nói ở phần trên. Tất cả những liên hệ và mọi giấy chứng thực sẽ vô hiệu lực nếu không có dấu mộc của ông.
b) Phó lý: Ông lý trưởng không thể trông coi tất cả mọi việc mà ông có trách nhiệm, ông trao lại một phần quyền hành cho một người phụ tá được gọi là "phó lý". người này được dân làng bầu cử với trách niệm sẽ giúp đỡ, trợ tá, và khi cần thiết sẽ thay thế ông lý trưởng. Ông là người đặc biệt chịu trách nhiệm mọi việc linh tinh trong làng, xây cất và sửa chữa từ con đường đến bờ đê. Như lý truởng ông cũng nhận được một chứng thư của 'chức sắc đặc trách cuộc bầu cử', nhưng không có dấu ấn (mộc)
c) Xã tuần hay tuần phiên: Người canh giữ đồng hay khu rừng ban đêm. Trên nguyên tắc ông chịu trách nhiệm nếu có cướp bóc hoặc phá rối, đêm cũng như ngày, trong làng hoặc ngoài đồng. Vì ông không thể trông coi khắp nơi, người ta đặt một nhóm người gọi là 'tuần đinh' để phụ giúp ông.
d) Thủ bộ hay thủ bản: Người này giữ giấy tờ, sổ sách của làng. Ông giữ sổ đinh bộ là sổ chính thức có tên cả dân làng, và sổ điền bộ, sổ chính thức ghi những chi tiết của chủ đất.
e) Tiên Chỉ: là người cao niên, đức hạnh và thế giá trong làng. Ông được tín nhiệm bảo trì thuần phong mỹ tục trong làng, chủ sự các nghi lễ công cộng, quan tâm đến việc giáo dục trẻ em và giới trẻ (13).
Nhiệm kỳ: Thời nhiệm những viên chức của làng không có hạn định. Tùy theo tục lệ mỗi làng. (14)
6) Những sổ ghi chính thức của làng
Mỗi làng thường có ba sổ ghi: Đinh bộ, Điền bộ và Sổ Hàng xã
a) Sổ đinh bộ: Dành để ghi những người có thể và đang là chức sắc, những người dân đinh. Vì hoàn cảnh chiến tranh, có nhiều làng đã bê trễ lập sổ này. (15)
b) Sổ điền bộ: Khoảng thế kỷ thứ VI sau công nguyên, thời nhà Lý, mỗi làng đều nhận lệnh lập một cuốn sổ ghi gọi là Điền bộ, trong sổ mang từng chi tiết tất cả ruộng và đất trồng trọt thuộc về làng hay thuộc về mỗi gia đình trong làng.
c) Sổ hàng xã hay Sổ hàng thôn: Trong đó có từng chi tiết về bổn phận và quyền lợi của dân làng, ghi những vấn đề căn bản như về tôn ti, ngôi thứ và những tập tục địa phương.
7. Tài nguyên của làng
Những nguồn lợi của làng để trang trải các chi phí, do dân làng đóng góp, từ đất đai, những vườn chăn nuôi, bán những chứng khoán, lợi tức bất động sản chung, đến việc vay tiền khi số thu vào không đủ. Trong trường hợp này, sau một buổi họp, hội đồng chức sắc quyết định bổ trên mỗi dân làng một số tiền ấn định tùy từng hạng theo sổ hàng xã. Những nguồn lợi chung của làng xã phải dùng cho việc chung, không được dùng riêng tư.
Người thủ bộ giữ sổ ghi những chi phí và thu nhập. Ông cũng lo việc trả tiền cho người này hay thu hồi của người khác, dĩ nhiên với sự đồng ý của ông lý trưởng. Hàng năm, một bản tường trình được trao cho hội đồng làng xã về tình hình tài chánh của làng và những việc đã thực hiện trong năm.
Trước khi chấm dứt những gì liên quan đến sự tổ chức của làng xã Việt Nam, chúng tôi xin lưu ý những gì đã nói ở phần trên chỉ là những nét tổng quát. Dù việc tổ chức của làng đã đổi mới lại năm 1921 ở miền Bắc Việt Nam (Tonkin) (16) và năm 1927 ở miền Nam Việt Nam (Cochinchine) (17) nhưng vẫn còn giữ được những nét cổ truyền như ngày trước, còn như những làng ở miền Trung Việt Nam (Annam) không bị một sự thay đổi nào. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không nói ở đây khuôn mặt của một làng dưới chế độ xã hội hiện nay. Tất cả đều thay đổi, ở Bắc Việt Nam từ năm 1954 và Nam Việt Nam từ năm 1975 (18)
III. Đời sống của làng
1) Những buổi họp
Không có thể lệ ấn định ngày và số buổi họp. Khi các chức sắc nhận thấy cần bàn cãi trong hội đồng một vấn đề mà họ phải có giải pháp tức thời, họ quyết định triệu tập buổi họp. Người đi thông báo buổi họp là anh trưởng mõ. Anh này cầm mõ gỗ, đi khắp thôn xóm, khua mõ và rao thông báo mời các chức sắc và tất cả dân đinh đến dự buổi họp. Anh nói vắn tắt nhưng rõ ràng ngày tháng, nơi chốn và mục đích của buổi họp.
Những người đến tham dự buổi họp, sẽ ngồi ở chỗ dành cho mình theo thứ tự đã lập trong "sổ hàng xã". Chỉ những chức sắc mới có quyền phát biểu. Dân đinh được mời dự và được giải thích về những vấn đề đã mang ra bàn cãi.
Sau khi bàn cãi, các chức sắc cứu xét và đưa ra những đề nghị được thông qua hay gạt bỏ theo đa số những chức sắc có mặt. Sau hết, vấn đề được biểu quyết và giao cho các tráng đinh thi hành. (19)
2) Đình làng
Đình làng là ngôi nhà chung, là nơi các chức sắc và dân làng thường hội họp để lo công việc hay cùng tổ chức lễ hội. Đây là trung tâm đời sống của làng. Người ta cũng hay dùng nơi này để làm trường học cho các em nhỏ trong làng.
3) Một vài công việc hành chính
a) Sinh sản: Dân làng không bắt buộc phải làm khai sinh khi có một trẻ em mới chào đời. Nhưng nếu em nhỏ là trai và người ta muốn cho em hưởng những đặc quyền và trọng trách sau này thì phải báo cho các chức sắc biết. Những người này sẽ cho em bé một tên ghi trong "sổ hàng xã", sổ danh sách riêng của thôn xóm, và kể từ lúc đó, em nhỏ đựơc xem như một trong những công dân tương lai.
b) Cưới hỏi: Ngày xưa, đám cưới ở Việt Nam được xem như một nghi lễ căn bản tôn giáo, hoàn toàn không có hiệu lực nếu không tôn trọng những nghi lễ của xứ sở. Làng dùng quyền hạn để làm cho đám cưới dân sự thêm phần vững chắc khi có "nộp cheo" hay "cưới cheo", kèm theo một món quà. Thường các chức sắc hiện diện, và lý trưởng thay mặt dân làng nhận tiền cheo và món quà. Chỉ sau đó, mới được cưới dâu và đôi vợ chồng mới được về "sống chung".
c) Qua đời: Làng không ghi sổ những khai tử cũng như khai sanh. Tuy nhiên, gia đình có thể thông báo cho chính quyền trong làng biết khi có người thân qua đời. Nếu người chết có tên trong sổ "đinh bộ", thì bắt buộc phải khai báo để có thể tìm người thế chỗ.
d) Tòa án hòa giải: Ông lý trưởng và các chức sắc là những người xét xử tất cả các vụ việc gây gổ, cãi vả, bất hòa của dân làng. Những người này không tuân theo quy tắc chung của cả nước. Chỉ có một vài quy tắc chính là được triều đình ban (20). Họ đặt một nội quy gọi là "khoán lệ", riêng cho mỗi làng. "Khoán lệ" là tục lệ cổ truyền, nhưng được soạn thảo với quyết định của đa số. Với "khoán lệ", làng giữ quyền cần thiết để bắt mọi người tôn trọng những quy luật, làng có quyền phạt vạ tất cả những vi phạm.
e) Giáo dục: Việc giáo dục công cộng ở Việt Nam rất phổ biến, ngay cả trong thôn xóm nhỏ, cũng có trường học và đông học sinh. Các chức sắc muốn đào tạo nhiều nguời trong làng có học thức và thế giá, nên ho rất quan tâm tới việc giáo dục con em. Thầy giáo (thầy đồ) thường là người cao niên, trí thức với bộ râu trắng, dài dưới cằm. Họ được nể trọng và kính mến như một người cha, không chỉ bởi các học trò mà cả dân làng. Một trong những lý do thực tế và không kém cao cả làm cho các chức sắc, phụ huynh và ngay cả các trẻ em trung thành theo nền giáo dục công cộng, là một khi có học trò thi đỗ ở địa phương, nguời đó sẽ được miễn các dịch vụ và có địa vị danh dự trong làng.
4) Những lễ hội trong làng
Trong mỗi làng luôn có nhiều buổi tiệc linh đình có tầm vóc quan trọng trong đời sống của làng, và mang nhiểu ý nghĩa:
a) Tình hiếu thảo gia đình: Để thể hiện tình gia đình đối với cha mẹ quá cố, các con phải biểu lộ bằng những buổi tiệc linh đình và tốn kém. Nhiều người giàu có bị phá sản vì chi phí quá nhiều cho tang lễ, cho những chuyện mê tín và cho những hình thức phô trương tốn kém. Thời nhà Lê (Hồng Đức 1474-1497) đã có những điều luật nhằm triệt bỏ mọi tục lệ mê tín và tốn kém, đồng thời khuyến khích lâp hội tương trợ giữa những nguời hàng xóm và dân làng trong những dịp hiếu hỷ của gia đình (21)
b) Củng cố thứ bực: Tuy mang đậm tính chất tôn giáo, gia đình hay xã hội, những buổi tiệc hay bữa cơm tốn kém như trên cũng là dịp để củng cố địa vị và thứ bực trong làng. Bởi lẽ đó mà có bàn trên, bàn dưới, những miếng thịt đầu, miếng ở chân, miếng thịt vai và miếng ở bụng... và sự tranh chấp, phản đối liên quan tới việc chia chỗ và phần ăn đúng theo thứ bực đã không tránh được. (22)
c) Khao vọng hay chính thức ra mắt: Một chức sắc được bầu, một khóa sinh thi đậu, một phẩm hàm vua ban, một chức vụ chính thức hay một tước phẩm danh dự, tất cả đều phải cho cả làng biết bằng một bữa tiệc lớn, vì "vô vọng bất thành quan" (chức phận không được công nhận nếu không có buổi tiệc). Vào dịp này, những người được mời tới dự tiệc mang theo một số tiền hay một món quà góp vào những chi phí.
5) Lễ hội trong làng
Đời sống trong làng được đánh dấu bởi bầu khí của nhiều lễ hội:
a) Các lễ hội tôn giáo: Các lễ tôn giáo trong mỗi gia đình như những "lễ giỗ" (ngày qua đời của một người trong gia đình) hay ở chùa (như lễ Phật Đản..., lễ đản sinh của Khổng Tử hay lễ Thần làng...)
b) Những lễ hội dân gian: như lễ Trung Thu, tết Đoan Ngọ, lễ Thanh Minh, và nhất là Tết Nguyên Đán (23), những bữa ăn lạnh của lễ Hàn Thực.
Vào ngày lễ, mọi người trong gia đình hay trong làng đều nghỉ việc, mọi việc đều ngưng lại, những con đường làng tấp nập; người ta diện quần áo mới... Các bàn thờ ở gia đình hay ở chùa đều được trang hoàng bằng những tấm khăn rực rỡ, đầy những lễ vật, thắp sáng những ngọn nến đỏ và nghi ngút hương thơm. Ba việc làm chính trong ngày lễ lớn là cử hành nghi lễ tôn giáo, rồi tham gia tiệc tùng và thưởng ngoạn các trò chơi, kể cả việc chơi bài giải trí.
c) Trò chơi dân gian: Những trò chơi được dân quê Việt Nam ưa thích là những trận đấu trâu, đấu cá, đấu gà, đua dê, đua heo, thi pháo Tầu, thi thả diều v.v… Những trò chơi trên đặc biệt được tổ chức vào các ngày lễ lớn của làng.
IV. Đôi Lời tóm kết
Như chúng ta vừa thấy, ngôi làng Việt Nam được cấu kết rất chặt chẽ. Đó là mối liên hệ đầu tiên, là một hội đoàn được lập ra giữa những người có tên trong sổ bộ và họ tự quản lý lấy về vật chất cũng như tinh thần. Làng không tách rời gia đình, nhưng chồng lên và đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ của dân làng. Nơi đây phải có tinh thần đoàn kết để cho làng tồn tại và phát triển. Một trong những đặc tính quan trọng của người Việt Nam là rất gắn bó với làng mạc cổ truyền: "Đá trôi làng không trôi". Tinh thần xóm làng luôn sống dai dẳng nơi người Việt Nam, đó là mối liên hệ kết hợp dân làng xóm, trong hiện tại cũng như quá khứ, làm họ gắn bó với mảnh đất của tổ tiên và tránh cho họ không bị mất gốc.
Tổ chức đời sống và tinh thần làng xóm có một ảnh hưởng sâu đậm trong việc tổ chức và nuôi sống các xứ đạo tại Việt Nam. Tuy sống chết với niềm tin, người công giáo Việt Nam luôn ý thức mình đã và vẫn là người Việt Nam chôn rễ và gắn bó với thôn xóm, làng mạc thuần túy Việt Nam. Hơn thế, qua họ, đạo công giáo hòa nhập vào văn hóa Việt Nam, làm phát triển thêm nền văn hóa địa phương, cụ thể là nền văn hóa gia đình và thôn làng. (24). Nhận định lịch sử này sẽ được khẳng định mạnh mẽ trong những trang kế tiếp khi chúng ta trình bầy khuôn mặt của một họ đạo tại Việt Nam.
MỤC II: KHUÔN MẶT MỘT HỌ ĐẠO VIỆT NAM
I. Tầm quan trọng của họ đạo
Trên thực tế, các họ đạo Việt Nam đã hiện hữu từ ba thế kỷ trước, nhưng mãi tới công nghị Cochinchine, tổ chức từ ngày 7 đến 14 tháng 8 năm 1880 tại Sài Gòn, mới lần đầu tiên mới ấn định sự phân chia các họ đạo trong mỗi giáo phận:"Mong rằng mỗi giáo phận được chia ra làm giáo hạt hay giáo tổng và mỗi giáo hạt chia ra nhiều giáo xứ hay họ đạo". (Il serait à souhaiter que chaque vicariat fut divisé en districts ou cantons et chaque district en plusieurs quasi-paroisses ou chrétientés) (25)
Chúng tôi không ngại ngùng nói rằng họ đạo là đơn vị căn bản của một giáo phận: "Chúng tôi gọi là họ đạo hay xứ đạo khi ở đó một tập đoàn giáo dân có sinh hoạt riêng, có nhà thờ và có lễ quan thày riêng, có các chức việc riêng và không lệ thuộc vào một tập đoàn giáo dân nào" (26)
Theo như quyết định của công nghị Cochinchne, mỗi giáo xứ thường có nhiều họ đạo: "Để tiện việc sắp xếp công việc cho các linh mục nhiều họ đạo gần nhau hợp lại thành một giáo xứ" (27). Nói cách khác, một giáo xứ có một họ chính hay họ trị sở và nhiều họ lẻ hay họ nhánh.
Như vậy, dựa vào tâm tính của người Việt Nam, vào lịch sử của Giáo Hội Việt Nam và vào ảnh hưởng của sự tổ chức và đời sống một ngôi làng cổ truyền Việt Nam đối với họ đạo, chúng tôi có thể nói rằng giáo xứ chỉ là một đơn vị hành chính, luân lý và tinh thần, trong đó những liên hệ không thực sự ràng buộc; trong khi họ đạo (họ chính hay họ lẻ) còn là một đơn vị hiện thực, trong đó tất cả giáo dân đều biết nhau, cùng có những tập quán chung, cách sống chung và đôi khi là anh em trong một gia đình hay bà con trong một dòng họ. Ngoài ra trong những văn bản chính thức liên quan đến Hội Đồng Quí Chức, người ta đã trình bày về vai trò của ông trùm họ hay ông biện sở của một họ đạo nhiều hơn vai trò của ông chánh trương hay ông trùm cả trong một giáo xứ (28) cũng nên nhắc lại là đơn vị căn bản của giáo phận và đặc biệt với một Giáo Hội còn non trẻ như ở Việt Nam trước 1953, không phải là giáo xứ (quasi-paroisse), không phải giáo hạt (district), nhưng là các họ đạo (chrétientés).
Bởi những lý do trên, trong chương này và cũng như trong suốt công việc trình bày của chúng tôi, chúng tôi sẽ trình bày về cách tổ chức, về đời sống và những chức việc của họ đạo, nhiều hơn là của những giáo xứ: vì chính trong họ đạo chúng tôi thấy rõ sự góp phần của giáo dân và hơn nữa của các chức việc, vào thừa tác vụ của linh mục, nhất là ở các họ đạo không có linh mục thường xuyên.
II. Sự thành hình của một họ đạo
Như chúng ta đã thấy, ở Việt Nam một giáo xứ luôn gồm nhiều họ đạo. Nhưng một họ đạo thành hình như thế nào? Lịch sử cho chúng ta thấy họ đạo được thành hình bởi nhiều sáng kiến và nguyên nhân.
1) Bởi sự khởi xướng cá nhân.
Họ đạo có thể được thành hình bởi niềm tin vững chắc và sâu đậm của một người giàu có, có học thức và nhất là chân thực. Bị đánh động về lòng bác ái hay bởi việc giảng thuyết của vị truyền giáo, người đó hoán cải niềm tin, rồi trở nên tông đồ, giữa những người đồng hương ngoại đạo. Bởi đời sống làm chứng cho đức tin, họ đã thu hút một vài người, với những người này họ thiết lập một họ đạo mới, mà họ là người chỉ huy và làm phát triển dần dần với thời gian (29). Sau đây là một vài trường hợp điển hình:
a) Ông Dominique và họ đạo ở Thuận hóa: Ông được rửa tội bởi cha Benoit de Mattos 30 năm trước khi gặp cha Alexandre de Rhodes. Mặc dù các cha vắng mặt, ông luôn rất tận tâm làm việc truyền giáo. Trong dịp gặp cha Alexandre de Rhodes, ông Dominique đã xin cha rửa tội cho 30 người tân tòng mà chính ông dẫn dạy giáo lý. Ông còn hoán cải được nhiều người trở lại. Kết quả, ông đã lập được một họ đạo mà ở đó chính ông tự xây một thánh đường rất đẹp.(30)
b) Một trí thức vô danh: Cha A. Launay đã kể lại chuyện một người học thức được nghe nói tới đạo Công Giáo, Ông tìm hiểu, thấy tốt đẹp và muốn theo nhưng bị gia đình chống đối ý định. Quyết định theo sự thật, ông rời bỏ những người thân và ẩn trú trong một thôn xóm xa xôi, ở đó ông làm thầy giáo để sinh sống. Có hai người học trò hỏi ông về đức tin, nhờ ông chỉ dẫn một người kể lại cho cha mẹ của mình và tất cả đã lãnh nhận phép rửa tội (31). Rồi từ đó là một họ đạo mới được thành lập.
c) Ông Tổng đốc Ca và họ đạo Hóc Môn: Đây còn là trường hợp khác của một họ đạo được lập ra, trước hết bởi một vị quan đã trở lại đạo rồi lôi kéo những người dưới quyền cùng theo: như họ đạo ở Hóc Môn đã khởi đầu nhờ ông tổng đốc Ca ở làng Hạnh Thông Tây, được rửa tội bởi đức cha Puginier năm 1863. Sau đó ông đã giúp cho 25 người dưới quyền trở lại. Thế rồi ông tổng Ca đã xin cất một ngôi thánh đường và lập nên họ đạo Hóc Môn (32).
d) Ông xã trưởng Phú Lộ và họ đạo St Michel: Ông xã trưởng Phú Lộ rơi vào tay đảng cướp và bị tước đoạt hết của cải, thảm hơn nữa còn bị chúng hại vu cáo. Ông đã tìm gặp một linh mục và thưa cùng ngài "Lúc khó khăn, những người khốn khổ không biết tin tưởng vào ai, nếu ngài rủ thương chấp nhận tôi như một người khách, tôi sẽ trở thành người công giáo cùng với cả gia đình..." Vị linh mục đã làm hết khả năng để giúp ông… Và như thế, sau đó đã có gần khoảng 30 người học giáo lý sửa soạn lãnh phép rửa tội để lập thành những người nồng cốt đầu tiên của họ đạo St Michel ở Phú Lộ (33).
2) Bởi sự khởi xướng của tập thể.
Họ đạo có thể tạo ra bởi sự tập họp một nhóm người công giáo đã rời bỏ nơi sinh quán, trốn tới những vùng xa xôi để tránh sự bắt bớ hay để tránh chiến tranh như:
a) Họ đạo An Nhơn và Vĩnh Hòa: Trước tiên, họ đạo An Nhơn được lập nên bởi một nhóm giáo dân từ Quy Nhơn đến tị nạn trong thời Tây Sơn khởi nghĩa. Họ đạo này được sát nhập với họ lẻ Gia Định (34). Rồi trong thời bách đạo năm 1859, nhiều giáo dân ở phía Bắc di tản xuống phía Nam và đến ở gần sông Rạch Ông. Họ tạo thành họ đạo Vĩnh Hội với một thánh đường đẹp đẽ. Đó là một trong những họ đạo đầu tiên của giáo xứ Khánh Hội hiện nay (35).
b) Họ đạo Tha La và Cu Mi: Vào cuối đời vua Gia Long, nhiều giáo dân, để thoát sự bắt bớ của các quan lại và sự ức hiếp của người ngoại đạo, bỏ trốn vào lập nghiệp trong rừng về phía Nam tỉnh Tây Ninh. Vào năm 1833, Ông Tri, một người công giáo nhiệt tâm và tận tụy trong công tác tông đồ, đã tụ tập họ lại để tạo thành một họ đạo mới. Đó là nguồn gốc của giáo xứ Tha La ngày nay (6). Sau cùng, cha Archimbaud và cha Bảy, đã giúp cả trăm giáo dân gốc Quy Nhơn và Phú Yên, trốn tránh bách đạo và chiến tranh. Họ tụ họp lại ở một miền đất phì nhiêu thuộc tỉnh Phan Thiết và lập thành họ đạo Cu Mi (37).
3. Sự trở lại của cả tập đoàn
Một họ đạo còn có thể thiết lập bởi việc trở lại của nhiều gia đình, nhiều khi cả thôn. Thường thường, một nhóm trung bình từ 10 đến 12 gia đình trong làng đến tìm gặp linh mục để xin được rửa tội. Linh mục khuyến khích họ và tuyển lựa thêm ít người nữa cùng khao khát như vậy. Khi có đủ số đông, linh mục gửi một thày giảng đến giúp họ xa tránh những tập tục ngoại giáo, rồi ứng tiền để dựng một chòi lá hay căn nhà gỗ, làm nhà nguyện cho họ đạo mới khai sinh. Nếu như chỉ có hai hay ba gia đình thì linh mục sẽ giúp cho họ tới lập nghiệp gần một ngôi làng công giáo tránh ảnh hưởng người ngoại đạo.
Đây là cha Cadière đã ghi lại: "Trong một ngôi làng đã lập được một họ đạo, có một, hai, mười gia đình trở lại, họ nhập với những gia đình công giáo khác để thích nghi đời sống đạo, để được giúp đỡ, rồi từ từ họ sẽ quen dần với sự cầu nguyện và chịu các bí tích của đời sống người giáo dân. Linh mục sẽ được bớt gánh nặng và có thể dạy họ giáo lý và giúp đỡ họ một cách thiết thực về vật chất. Mặt khác những cuộc trở lại riêng rẽ làm cho làng xã và nhà cầm quyền ít chú ý hơn" (38).
Chúng ta cũng có thể lấy làm thí dụ điển hình sự khai sinh của họ đạo Cửa Bạng và họ đạo An Vực mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên (39).
III. Ý nghĩa của từ 'Họ đạo' trong ngôn ngữ Việt Nam
Những khác biệt của sự thành hình các họ đạo như trên đã nói lên phần nào ý nghĩa chữ 'họ đạo' trong ngôn ngữ Việt Nam. Ở đây, một lần nữa chúng tôi xin mượn lời của cha Cadière để dẫn giải. Ngài viết: "Tại Việt Nam, họ đạo là một tế bào chủ yếu của công trình truyền giáo và của đời sống công giáo. Họ đạo bao gồm từ 'Họ', tiếng của người Việt Nam, trước tiên nêu bật ý nghĩa 'gia đình', 'họ hàng', thứ đến, theo nghĩa rộng hơn, áp dụng cho 'một nhóm người' hay 'một đoàn thể'. Từ này đã cho chúng ta thấy họ đạo dưới một khía cạnh thật đặc biệt. Thật ra, ở Việt Nam, quan hệ họ hàng, không phải là sự tụ họp lại của những người cùng có liên hệ một họ như ở Âu Châu. Sự liên hệ mà từ 'họ' muốn bày tỏ, bao hàm ý nghĩa rộng hơn, bởi vì ở Việt Nam, liên hệ họ hàng còn được tạo nên bởi việc thờ cúng tổ tiên, và như vậy, mối liên hệ không chỉ có tính chất tôn giáo mà còn thêm liên đới huyết tộc gắn bó những người cùng gốc gác với nhau, nó bao gồm cả những quyền lợi chung trong phạm vi tôn giáo. Như thế họ đạo, tương tự như họ đạo ở Âu Châu, không chỉ là sự tập họp những cá nhân, vào thời giờ ấn định, trong một nhà thờ. 'Họ đạo' không phải là một cơ thể giả tưởng với những thành phần, nhiều hay ít, có cùng một đức tin, nhưng đó là một cơ thể có thật, vững chắc và sống động " (40).
IV. Công trình tổ chức một họ đạo
Mặc dù gặp phải những khác biệt và khó khăn lớn lao gây ra bởi tình hình địa lý, khí hậu từ Bắc vào Nam, chiến tranh liên tiếp; bởi những khó khăn về chính trị, ngay cả sau cuộc bách đạo; bởi tâm tính khác biệt của người miền Bắc và miền Nam; bởi những phương pháp truyền đạo riêng của những linh mục dòng Tên, dòng Đaminh và hội Thừa Sai Paris v.v…, công trình truyền giáo tại Việt Nam có một sự may mắn lớn, đó là cách đồng nhất trong việc tổ chức các họ đạo, và các Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo. Vì thế chúng tôi không ngần ngại nói rằng phần trình bày của chúng tôi là một sự tổng hợp có thể áp dụng với những giới hạn cần thiết, cho bất cứ họ đạo nào, Hội Đồng Quí Chức nào ở Việt Nam (41).
1) Theo mẫu một ngôi làng cổ truyền
Giáo xứ là sự tập hợp của nhiều họ đạo nằm trong những làng, thôn, cách biệt nhau. Đó là một trong những sắc thái độc đáo của các giáo xứ ở Việt Nam (42). Họ đạo lớn nhất, nơi linh mục cư ngụ gọi là 'họ chánh' hay 'họ trị sở', những họ khác gọi là 'họ lẻ'.
Dĩ nhiên giáo dân phải theo những điều luật quản trị chung áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng khuôn khổ hành chính dân sự không đủ đối với đời sống đạo của giáo dân. Bởi thế họ ghép cách tổ chức của ngôi làng vào cách tổ chức đời sống họ đạo, đồng thời gạt ra những điều tiêu cực và thế vào đó những yếu tố xác thực, phù hợp với đạo giáo. Vì vậy người ta cho rằng hầu hết những họ đạo Việt Nam được tổ chức giống theo như một ngôi làng hay một thôn xã thời xưa
Như vậy họ đạo Việt Nam có tổ chức theo cấp bực, giống như chúng ta đã thấy ở trong ngôi làng cổ truyền. Trong cấp bực của xã hội, hành chính và tôn giáo này gồm có linh mục, Hội Đồng Quí Chức và những giáo dân.
2) Linh Mục.
Là nguời duy nhất có trách nhiệm làm trôi chảy mọi việc trong họ đạo đã được trao phó cho ngài (43). Vì vậy ngài là người đứng đầu chỉ huy họ đạo hay giáo xứ. Ngài nắm trong tay tất cả mọi quyền cần thiết để điều khiển giáo xứ, trừ truờng hợp Giáo luật dành riêng cho đức giám mục. Để trông nom những giáo dân được ủy nhiệm cho ngài, ngài có một dấu triện riêng (44).
Đối với người công giáo Việt Nam, nhất là đối với những chức việc, linh mục là cha linh hồn, là người đại diện cho Chúa, là thầy dạy. Mọi người đều nghe theo, kính trọng, tin tưởng và vâng lời ngài. Nhưng cùng lúc, giáo dân theo dõi đời sống của linh mục.
Họ xem như một tai tiếng lớn khi thấy linh mục thiếu trang nghiêm trong đời sống mục vụ. Và do đó có những chuyện đáng tiếc xảy ra giữa họ đạo và linh mục. Vì ý thức được những vấn đề này, trong những thư chung của các giám mục, những cuốn Chỉ Nam và văn bản các công nghị đã luôn khuyến khích các linh mục phải gắng sức sống cho đúng đời sống tu trì: lòng đạo sâu xa, sự nhiệt tình trong công việc tông đồ, chăm sóc và kiên nhẫn với giáo dân, kín đáo trong mục vụ, nghiêm chỉnh trong cách ăn mặc, về lời nói, trong đời sống riêng tư cũng như khi thi hành công việc mục vụ. Linh mục là con người mô phạm.
Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi hân hạnh đưa ra dưới đây những văn bản thực tế về mục vụ của linh mục họ đạo.
a) Tận tụy trong công việc tông đồ: Tận tụy là đức tính đặc trưng của các mục tử. Dù là cha sở hay cha phó, linh mục luôn nhớ rằng: một khi lãnh nhận thừa tác mục vụ và sứ vụ tông đồ, các ngài phải lo phục vụ dân Chúa bằng đức tính tận tụy và cứu rỗi các linh hồn bằng đời sống thánh thiện. Vậy, trước hết linh mục phải săn sóc những giáo dân đã được rửa tội và những người tân tòng đang học giáo lý. Nhưng ngài cũng không quên những người dân ngoại đang khao khát Tin Mừng và cần được giúp đỡ (45).
b) Kiên nhẫn với giáo dân: Tự bản tính, người Việt Nam ít nóng nảy và rất kiên nhẫn. Vì thế các linh mục phải giữ sao không nên nóng giận: đạt được sự bình thản là yếu tố cần có của những người lãnh đạo… Nóng giận làm giảm bớt uy tín, sự kiên nhẫn của linh mục làm cho mọi người nghe theo và kính trọng hơn là sự thông minh trong công việc hoạt động: Patientia opus perfectum habet (46).
c) Đời sống gương mẫu: Ở nơi cha, con người và linh mục chỉ làm một, nghĩa là ngài luôn là linh mục ở mọi nơi và mọi lúc. Đời sống của ngài là sự thực hành những gì ngài giảng dậy. Người ta sẽ đặt câu hỏi khi thấy một linh mục giảng trước công chúng phải hãm mình nhưng thích tìm kiếm thức ăn ngon; ca tụng điều đơn giản, không bám víu, nhưng lại xa hoa trong cách sống và phục sức; ca ngợi giá trị đức khó nghèo nhưng chính mình lại chạy theo tiền bạc. Sống làm sao để giáo dân có thể thấy những gì cha giảng dậy là điều cha thực hành mỗi ngày, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Có như vậy, việc tông đồ mới trổ sinh hoa trái (47). Một linh mục sống như vậy mới có thể kéo níu sự hợp tác của giáo dân trong việc tông đồ, mà đầu tiên là các chức việc.
3) Quí Chức.
Linh mục là người duy nhất chịu trách nhiệm điều hành các công việc trong họ đạo mà ngài đã được giao phó, với sự giúp đỡ của Hội Đồng Quí Chức (48) chúng tôi xin trình bày kỹ lưỡng trong những trang kế tiếp.
a) Mục đích và ý nghĩa của sự thiết lập Hội Đồng Quí Chức: Các chức việc được so sánh như 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Giống như Chúa Giêsu, các Bề Trên trong Giáo Hội lo thiết lập Hội Đồng Quí Chức để giúp các linh mục trong việc truyền giáo và mục vụ. Nghĩa là tham gia vào thừa tác vụ của linh mục. Những văn bản chính thức sau đây đã xác định:
Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, đức cha Colombert đã khẳng định: "Trước kia Chúa đã chọn 72 môn đệ. Trước khi đến nơi nào giảng dậy, Chúa sai các môn đệ đi trước để sửa soạn đường cho Chúa. Ngày nay, theo gương Chúa Giêsu, các Bề Trên trong Giáo Hội cũng chọn các chức việc trong họ đạo để họ giúp các linh mục. Ý định của các Bề Trên khi chọn các chức việc trong họ đạo trước tiên vì mục đích thiêng liêng: mở rộng nước Chúa, cho danh Chúa cả sáng, mang ơn cứu độ đến mọi nơi.
Sau nữa, các Bề Trên muốn các quí chức tham gia vào việc quản trị trong họ đạo, như những cộng tác viên của các linh mục, và trong những phạm vi cho phép hay trong những trường hợp cần thiết, quí chức có thể thay thế linh mục. (49).
Trong thư chung đề ngày 07.09.1899, đức cha P.M Gendreau đã viết: "Họ đạo nào cũng phải có các quí chức giúp linh mục lo việc mục vụ, lo các bí tích, trông coi các linh hồn và luôn giữ trật tự, yên ổn trong họ đạo hầu làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Vì thế người ta có thông lệ đề cử một người để trông coi họ chính và những người khác trông họ lẻ và từng khu xóm. Thông lệ này rất tiện lợi và tất cả các họ đạo phải áp dụng" (50)
Sau hết, công đồng Indochine năm 1934 đã nhấn mạnh: "Trong xứ chúng ta, Hội Đồng Quí Chức đã được thiết lập từ lâu, có thể giúp đỡ rất nhiều trong cách tổ chức Công Giáo Tiến Hành. Hội Đồng Quí Chức đã giúp các cha trong công việc tông đồ về cả phạm vi thiêng liêng và phạm vi thế tục. Phải nói, quí chức rất hữu ích trong việc giúp giáo dân sống vững niềm tin và tiếp xúc với lương dân" (51).
b) Những danh xưng của các chức việc. Giống như những điều chúng tôi đã nói về Hội Đồng Chức Sắc của làng, Hội Đồng Quí Chức của họ đạo, tuy có những điểm trùng hợp trên nét chính, nhưng cũng có nhiều khác biệt về chi tiết cho mỗi vùng hay mỗi giáo phận. Chúng ta sẽ thấy rất rõ khi nói đến các danh xưng và số người trong ban chức việc. Những danh xưng này rất phức tạp và nhiều thể loại. Chúng ta xem theo từng miền, từ miền Bắc tới miền Trung và miền Nam
Các giáo phận ngoài Bắc (Tonkin): Nghĩa là ở những vùng Thanh Hóa, Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình, Hưng Hóa, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn và Hà Nội, những thành viên của Hội Đồng Quí Chức đều có danh xưng giống nhau.
- Hội Đồng Quí Chức được gọi là 'Hội hàng phủ', hay 'Ban hàng xứ', 'Ban Phủ xứ' hoặc 'Hội đồng xứ'.
- Hội Đồng Quí Chức gồm có 'Ban tư vấn' và 'Ban trị sự' lo việc hành chánh. Trong thực tế, Ban tư vấn chỉ có trong một vài giáo xứ lớn ở mỗi giáo phận miền Bắc. Ở miền Trung và trong Nam không có Ban tư vấn.
- Thành viên của Ban trị sự hay đúng hơn của Hội Đồng Quí Chức trong mỗi giáo xứ gồm có 'chánh trương', 'phó trương', 'thư ký', 'thủ quỹ', 'tuần kiểm'; trong mỗi họ đạo, nghĩa trong một họ chính có cha sở và nhiều họ lẻ, thì có người đứng đầu họ đạo là 'trùm họ' hay 'giữ việc' hoặc 'thủ việc', người phụ tá là 'trùm phó', người lo an ninh gọi là 'thu khoán' và những người lo dạy giáo lý trẻ em là các 'quản giáo'.
Các giáo phận miền Trung (Annam): Là vùng Vinh, Huế, Quy Nhơn và Kontum, những thành viên của Hội Đồng Chức Việc hầu như cùng mang một danh xưng:
- Hội Đồng Quí Chức gọi là 'Ban chức sở' hay 'Ban chức việc'.
- Thành viên của Hội Đồng Quí Chức là: Trong mỗi giáo xứ có 'trùm cả' hay 'trùm chính', những người phụ trùm cả là 'câu nhất', 'câu nhì' v.v… trong mỗi họ đạo, người đứng đầu là 'biện sở' hay 'biện nhất', rồi những phụ tá là 'biện nhì', 'biện ba' v.v… tùy theo tầm quan trọng của họ đạo. Mỗi người trông coi một công việc đặc biệt, các quản giáo thì gọi là 'cai sĩ'.
Các giáo phận miền Nam (Cochinchine) Gồm Sài Gòn, Vĩnh Long, những thành viên của Hội Đồng Chức Việc giữ cùng một danh xưng:
- Hội Đồng Quí Chức được gọi là 'Hội Đồng quới chức’ hay 'Ban quới chức' hay 'Hàng chức sở'.
- Thành phần của Hội Đồng Quí Chức gồm: Trong mỗi giáo xứ, có người chủ tịch danh dự là 'trùm phủ' (phẩm chức này chỉ có ở vài giáo xứ lớn), ông chủ tịch gọi là 'trùm', phó chủ tịch là 'câu nhất', rồi 'câu nhì' v.v… và có nhiều ông 'biện' giữ những chức vụ khác như thư ký, thủ quỹ v.v… vì vậy phải có 'biện việc', 'biện hai', 'biện ba'… tùy theo tầm quan trọng của họ đạo.
Nhận xét quan trọng: nên chú ý rằng ở mỗi họ đạo được chia ra từng khu, người giữ trách nhiệm được gọi là 'trưởng khu' hay 'trưởng xóm' ở miền Bắc, là 'biện phái' ở miền Trung và là 'Giáp trưởng' ở miền Nam. Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ và trong tất cả những tài liệu chính thức tương tự, người ta nói đến trách nhiệm của trưởng khu, nhưng không công nhận người đó là thành viên của Hội Đồng Quí Chức. Luôn luôn trưởng khu chỉ được xem như bước đầu phải qua cho những ai muốn ứng cử sau này để bước lên một chức vụ cao hơn (52). Ngoài ra, danh dự nhất trong Hội Đồng Quí chức là ông chủ tịch, nhưng hoạt động nhiều, quan trọng, và trong coi mọi việc là ông trùm họ. Vì thế, trong tất cả các văn kiện liên quan đến Hội Đồng Quí Chức, người ta nói đến các ông trùm họ nhiều hơn ông chủ tịch hay những chức việc khác. Theo diễn tiến chúng tôi sẽ trình bày về đời sống của họ đạo nhiều hơn của giáo xứ, về những hoạt động tông đồ của các chức việc trong họ đạo nhiều hơn là các chức việc ở giáo xứ.
1) Những ủy ban này chỉ có ở những giáo xứ lớn của miền Bắc
2) Trong các giáo xứ nhỏ, không có chức Trùm mà có chức Câu.
3) Ở nhiều họ đạo các giáo lý viên, nhất là giáo lý viên nữ, không được kể là thành viên của Hội Đồng Quí Chức.
4) Trưởng khu, Biện phái, Giáp không phải thành viên của Hội Đồng Quí Chức.
c) Các thành viên của hội đồng chức việc: Số các chức việc tùy theo sự quan trọng và cần thiết của họ đạo. Thường người công giáo Việt Nam rất quý hàng chức việc. Bởi vậy có rất đông chức việc. Thí dụ, giáo xứ Tân Định ở thời cha Eveillar (1874) đã bầu lại các chức việc gồm hai ông trùm cả, hai ông câu, 12 ông biện và 14 ông giáp (53). Ngoài ra, năm 1882, cha Girod, đã lập một Hội Đồng Quí Chức gồm từ 40 đến 50 người, chọn trong tất cả những họ đạo phụ thuộc (54). Năm 1884, trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, đức cha Colombert đã xác định một số chức việc như sau:
• Ở họ đạo có 1.000 giáo dân trở lên, nên có hai ông trùm, hai ông câu và 12 ông biện tùy theo số họ đạo lẻ. Trong họ đạo có số giáo dân không quá 1.000 người và là nơi cha sở cư ngụ, phải có một ông trùm, hai ông câu và 9 ông biện. Nếu họ đạo nào không có cha sở, có thể đặt một ông câu và 4 hay 6 ông biện, tùy theo số giáo dân. Cha sở lập những truởng khu nhiều hay ít theo nhu cầu. Những họ đạo muốn tăng thêm số chức việc phải xin phép giám mục. Họ đạo nào đã có số chức việc quá đông có thể giữ tình trạng y nguyên, nhưng khi có một chức việc qua đời hay từ chức, không được bầu thêm để thay thế và phải theo như số chức việc đã được ấn định (55)
• Vào năm 1953, đức cha Ngô Đình Thục lần đầu tiên sửa lại điều lệ như sau: trong họ đạo có 2.000 giáo dân trở lên, nên có hai ông trùm, hai ông câu, ít ra có một số ông biện tùy theo số họ đạo của giáo xứ, nhưng không được quá 20 người (56). Cũng nên nói thêm, sau thời kỳ bách đạo, số các linh mục gia tăng, các họ đạo được cải tổ, các hội đồng chức việc cũng được tổ chức lại và bớt số thành viên. Hơn nữa, theo cha Cadière: "Chỉ những họ đạo quan trọng mới có số chức việc vào khoảng 12 người, đôi khi có thể hơn. Ở họ đạo trung bình, không có ông trùm, có khi không có cả ông câu. những họ đạo nhỏ chỉ có một vài ông giáp. Thường ông giáp nào trổi trang hơn sẽ làm trùm họ" (57)
d) Điều kiện bầu cử một ứng viên: Một người công giáo muốn đắc cử trở nên thành viên của hội đồng chức việc, trước hết phải là chức việc đã hoạt động trong giáo xứ hay trong họ. Đi vào chi tiết, chúng ta thấy:
Những điều kiện phải có:
1) Đã làm giáp vài năm, nếu không thì phải xin phép đặc biệt của đức giám mục
2) Muốn trở thành trùm, ít nhất ứng viên phải đủ 25 tuổi.
3) Không đặc cử một chức vụ cao hơn nếu người đó chưa làm việc với chức thấp trước.
4) Phải là người đứng đắn, có hạnh kiểm tốt. nên chọn lựa những người đã lập gia đình. (58)
5) Phải hiểu biết đạo để có thể chỉ dẫn những điểm căn bản của đạo Chúa.
6) Phải là người tốt đạo thật sự.
7) Ít nhất phải biết đọc và viết chữ quốc ngữ.
8) Càng tốt hơn nếu có chức vụ trong phạm vi dân sự.
9) Ngoài những điều kiện trên điều cần nhất phải có là lòng sùng đạo.
Những điều kiện không được có: Tuyệt đối không được chọn ứng viên sau đây:
1) Người thích chia rẽ và coi thường người khác.
2) Người tính tình khó khăn, thiếu nhã nhặn khó dung hòa với người khác.
3) Người có đời sống hôn nhân bất hợp lệ.
4) Người có tiếng không tốt, nghiện ngập hay dâm đãng.
5) Người đã nhiều năm không xưng tội rước lễ.
6) Người thưa kiện trước toà dân sự về vấn đề tôn giáo.
7) Người không tuân phục cha sở, trùm họ trong vấn đề quan trọng hay ẩu đả với một trong những chức việc.
8) Người cho vay ăn lời quá đáng hay thông đồng với trộm cướp, lấy của cải của người khác.
Tóm lại, để chọn lựa một người chức việc, trước hết, phải chọn người đạo đức, hăng hái, thông minh và học thức, tuyển chọn được những người có nhiều khả năng (59)
e) Phương cách bầu cử các chức việc.
Theo nguyên tắc: Như những nguời có phẩm tước trong làng, các chức việc luôn được lựa chọn bởi giáo dân, nhất là ở những họ đạo không có linh mục, sau đó giám mục hay cha sở chuẩn y cuộc bầu cử. Quyết định của các công nghị Faifo (1672) và Tonkin (1900) đều xác nhận.
Công nghị Faifo tán thành: "Những họ đạo không có Thầy giảng (Catéchiste) có thể lựa chọn một giáo dân có khả năng, đức hạnh nhất để giúp đỡ cộng đoàn; ngay sau đó, tên tuổi người được chọn, phải đưa lên đức cha de Bérithe (đức cha Lambert de la Motte) hay đức giám mục phó để các ngài xác nhận, nếu vì nhu cầu cần thiết, người được chọn có thể làm việc ngay trước khi được chứng nhận" (60)
Công nghị Tonkin đã xác định vắn tắt rằng: "Ở mỗi họ đạo, sẽ ấn định hai chức việc (ông trùm và người phụ tá) được giáo dân chọn và cha sở xác nhận (61).
Những quy định rõ ràng nhất đã được đức cha Colombert sọan trong cuốn Chức Sở Mục Lệ. Những quy luật này đức cha P.M.Gendreau và các cuốn Chỉ Nam Giáo phận Huế, Quy Nhơn và Hà Nội đã lập thành văn bản như sau: "Cuộc bầu cử các chức việc là vấn đề rất quan trọng của họ đạo, vì vậy phải theo những thủ tục được xác định rõ ràng:
1) Việc bầu cử những ứng viên phải qua một cuộc bỏ phiếu của tất cả giáo dân từ 20 tuổi trở lên hay ít nhất bởi các thành viên của Hội Đồng Quí Chức.
2) Ứng viên phải được ít nhất 2/3 số biểu quyết, rồi sau đó mới được lập tên trên danh sách bầu cử.
3) Các chức chánh trương (trùm cả), phó trương (câu 1) hay trùm họ chỉ được đắc cử thực thụ sau khi cha sở đã ký giấy, và gửi xin đức giám mục phê chuẩn và cấp bằng.
4) Việc bầu các chức việc khác như: thư ký, thủ quỹ, tuần kiểm, giáo lý viên, chỉ cần chấp thuận của cha sở hay người kỳ cựu nhất tùy theo tập quán của mỗi miền.
5) Các chức việc một khi nhận được bằng chứng nhận của đức giám mục, thì chỉ có ngài mới có quyền cho ngưng việc hay từ chức. Những chức vụ khác nếu có lý do chính đáng muốn ngưng việc, chỉ cần xin cha sở (62).
Trên thực tế: Những điều lệ của Giáo quyền không được áp dụng hoàn toàn trên thực tế. Như những làng dân sự, nhiều họ đạo thích theo những điều lệ đã có từ trước hơn là theo luật của hàng giáo phẩm. Mặt khác, các cha sở thường ít tỏ ra dân chủ hoặc ít để ý tới nhiệm vụ. Chúng tôi xin nêu vài trường hợp lịch sử:
Bầu cử nghiêm chỉnh ở họ đạo Tân Quy: Được thực hiện theo như điều lệ: "Với một ngàn giáo dân, Tân Quy được kể là một trong những họ đạo lớn của giáo phận. Nhưng khi cha André Diên làm cha sở, ngài tổ chức những cuộc bầu cử các chức việc giữa giáo dân để có những người đáng tin cậy giúp trông coi linh hồn giáo hữu, và làm phát triển công việc ở họ đạo. Đúng theo luật, thì họ đạo Tân Quy phải có một ông trùm cả, hai ông câu và nhiều chức việc khác. Lần này cha Diên muốn chọn lựa một ông trùm cả và hai ông câu, nhưng làm sao để chọn được một cách thực dụng và hợp lý ? Thường thì có ba cách thức: - bề trên tùy ý chỉ định, - đề cử người đã làm việc lâu năm - hoặc tổ chức cuộc bầu cử. Cha Diên và các chức việc cùng toàn thể giáo dân đã lựa cách bầu cử. Thế là buổi chiều ngày 21 tháng 7 năm 1932 tại phòng hội, dưới sự chủ tọa của cha chính địa phận, với sự hiện diện của cha hạt trưởng, họ đạo Tân Quy đã bầu ra một ông trùm cả và hai ông câu. Cuộc bầu chức trùm cả đã gây sôn sao ngay ở vòng đầu: người này không được 2/3 số phiếu và cha chính giáo phận đã tuyên bố phải bầu lại lần thứ hai. lần sau này ông trùm cả đạt được đa số phiếu (63).
Cảnh cáo các cha sở lạm 'quyền chỉ định': Là những cha sở tự quyền chỉ định các chức việc.Cuốn Chỉ Nam giáo phận Hà Nội đã nhấn mạnh: "Tất cả những chức việc được bầu ra bởi cuộc đầu phiếu, phải được chọn trong số những người lớn tuổi nhất ở họ đạo, chứ không do cha xứ chỉ định độc đoán" (64). Tế nhị hơn, Chỉ Nam giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn nhắc nhở các cha sở: "Đề cử bất cứ ứng viên nào qua lá phiếu đều làm cho họ trở thành đại diện cho giáo dân trong hội đồng chức việc, chứ không phải là người nhận chỉ thị của cha sở " (65).
Cảnh cáo các cha sở không để ý bổn phận: Trái với trường hợp trên, có những cha sở để mặc giáo dân tự lo cuộc bầu cử. Với các cha sở này, đức cha Marcou giám mục ở Phát Diệm đã nhắc nhở: "Việc chọn những người đứng đầu hay phụ tá của họ đạo là việc rất quan trọng, các cha sở không nên coi thường, đừng để mặc cho giáo dân tự do, muốn tổ chức cuộc bầu như thế nào cũng được. Làm thế sẽ xảy ra sự thiệt hại lớn cho tất cả và gay tai tiếng cho đạo giáo" (66).
Sau hết, chúng tôi có thể chấm dứt nói về việc bầu cử các chức việc bằng lời sau của cha Cadière: "Chọn lựa các chức việc ở họ đạo là việc rắc rối và khó khăn. Do đó ở một giáo xứ lớn hay ở một họ đạo nhỏ, việc chọn lựa chức việc phải được quan tâm tối đa, mới tạo được sự hợp tác toàn hảo giữa những giáo dân với cha sở" (67)
f) Bổn phận của chức việc hay quí chức.
Cha Cadière rất có lý khi ngài đề nghị gọi "Hội Đồng Quí Chức" là "Ban Chức Việc", bởi lẽ 'danh xưng này vừa rất đẹp, vừa rất cụ thể': Từ 'Chức' có nghĩa là 'danh dự', 'chức vụ', 'tước vị', 'thế giá'; từ 'việc' có nghĩa 'trách nhiệm', là 'hành động', là 'làm việc', 'công việc', 'bổn phận', 'đòi buộc'. Như vậy các chức việc (quí chức) của họ đạo là những người có trách nhiệm trong các công việc, xây đắp cho họ đạo. Đó là bổn phận của họ (68). Chúng tôi sẽ nói rõ về điểm này trong những chương kế tiếp, ở đây chúng tôi chỉ nêu ra vài nét chính.
Nhìn tổng quát:
Đối với cha sở: Tùy theo những hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi họ đạo, các chức việc đảm nhận là trung gian giữa cha sở và giáo dân trong lễ cưới, rửa tội, thăm viếng người bệnh, tang lễ... Các chức việc là những người hợp tác chín chắn của cha sở; tùy từng trường hợp, họ có thể thay thế cha trong những việc đặc biệt. Bởi thế họ luôn tùy thuộc cha sở, họ phải tôn kính, vâng lời, phục tùng và giúp đỡ ngài.
Đối với giáo dân: các chức việc phải là gương mẫu cho tất cả giáo dân noi theo; họ phải lo cho giáo dân tuân giữ luật Chúa và Giáo Hội, đặc biệt ở họ đạo không có cha sở, lo cho các em nhỏ học kinh bổn đầy đủ. Họ giữ trật tự trong nhà thờ và giữa họ đạo. Họ quản lý tài chánh của họ đạo với sự đồng ý của cha sở.
Đối với lương dân: Ngay từ đầu, các chức việc cần phải cố gắng làm gương mẫu, dùng lời nói việc làm đưa lương dân về với Chúa… Sự cộng tác của họ với cha sở không chỉ giới hạn về hành chính của họ đạo mà còn đến cả việc rao giảng Phúc Âm.
Như thế, bổn phận của chức việc là tham gia tích cực vào thừa tác vụ linh mục dưới mọi hình tức phục vụ, thiêng liêng hay vật chất. Chúng tôi sẽ giới thiệu việc tham gia đăc biệt của họ trong thừa tác vụ thánh hóa, giáo dục, và trông coi họ đạo của linh mục.
Nhìn riêng từng chức việc.
Ông chánh trương hay ông trùm cả: Là người tùng phục cha sở, đứng đầu họ đạo, phải phối hợp công việc với các chức việc khác cũng như mọi giáo dân của họ đạo. Ông chủ tọa những buổi họp của hội đồng chức việc khi cha sở vắng mặt. Ông đại diện cha sở, các chức việc, và toàn thể họ lẻ, ông cũng chủ tọa những buổi cầu nguyện của giáo dân.
Ông phó trương hay ông câu: Phụ tá của chánh trương hay ông trùm, không có chức vụ đặc biệt. Ông hợp tác với ông chánh trương hay ông ông trùm, trông chừng cho mọi công việc của họ đạo được trôi chảy.
Thư ký: Lập và giữ các biên bản cho họ đạo.
Thủ quỹ hay thủ quản: Dưới quyền cha sở, trông coi động sản và bất động sản của họ đạo. Đây là thành viên quan trọng của Hội Đồng Quí Chức. Chúng ta sẽ nói rõ hơn ở chương VI.
Tuần kiểm: Người giữ an ninh, lo trật tự trong họ đạo, ông quan sát và báo cáo với người có thẩm quyền
Trùm họ: Là người đại diện cho cha sở và chánh trương hay trùm cả ở một họ lẻ hay một họ nhánh. Ông cũng đại diện cho cha sở và cho họ đạo của ông trong Hội Đồng Chức Việc. Ông đứng đầu họ đạo của ông. Tất cả những tài liệu liên quan đến Hội Đồng Chức Việc đều nói rõ vai trò và những công việc của ông. Trong thời cấm đạo và ngay những năm gần đây, để đơn giản hóa cách tổ chức các chức việc, người ta đã bỏ không lập các chức chánh phó trương hay trùm cả, ông câu, nhưng chưa bao giờ bãi bỏ chức vụ và công việc của trùm họ. Tất cả những điều này cho phép chúng ta không ngần ngại nói rằng: trong Hội Đồng Quí Chức hay Hội Đồng Chức Việc, chánh trương hay trùm cả là chức vụ danh dự nhất, nhưng người trùm gánh vác nhiều việc nhất. Vì thế không ai ngạc nhiên khi thấy chúng tôi nhắc đến ông trùm họ nhiều hơn là ông chánh trương hay ông trùm cả của giáo xứ.
Nam nữ quản giáo: là những người trách nhiệm các hội đoàn, nhất là dạy dỗ các trẻ em, dạy giáo lý và kinh nguyện, cũng như giữ trật tự trong nhà thờ.
Trưởng xóm, biện phái hay ông giáp: là phụ tá của người trùm.
g) Quyền lợi của chức việc hay quí chức.
Các chức việc có rất nhiều quyền lợi về tinh thần đi đôi với bổn phận của họ: Họ được giáo dân tôn trọng và nghe lời, họ có bằng cấp đức giám mục ban. Mỗi khi đọc kinh hay có nghi lễ ở nhà thờ, các chức việc được sắp theo thứ tự ngôi vị ở hàng ghế đầu, rao lịch phụng vụ; họ cũng đảm nhận đọc thông báo, đọc sách thánh, xướng kinh, điều động công việc ở họ lẻ và họ đạo, giữ sổ sách, thu xếp, xử lý những tranh chấp giữa các giáo dân. Hàng năm họ có buổi tĩnh tâm do cha sở hay đức giám mục tổ chức. Khi một chức việc qua đời, họ đạo xin một, hai hay ba lễ cho họ, tùy theo phẩm trật họ đảm nhiệm.
Như chúng ta đã thấy, các chức việc không hưởng quyền lợi nào về vật chất. Thực tế và những điều luật chính thức đã xác nhận. Nhưng thường vì quý trọng, nên có những quyền hạn về mặt thiêng liêng làm tăng thêm phẩm cách cho chức việc. Điều 3 đoạn thứ nhứt trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, in năm 1884, của đức cha Colombert, cho chúng ta thấy: "Tuy các chức việc của họ đạo không hưởng quyền lợi nào về vật chất, nhưng tầm quan trọng về thiêng liêng còn cao trọng hơn tất cả tước vị của thế gian. Các chức việc luôn phải coi bổn phận của họ dưới ánh sáng đức tin và chấp nhận giá trị danh vị của mình. Người nào nhìn công việc bằng cặp mắt người đời thì không thể biết sự cao quý và do đó không xứng đáng với chức vụ. Không phải bất cứ ai đều được kêu gọi để đảm nhiệm công việc, nhưng chỉ có những người được Chúa ban cho hiểu biết, có tâm tình nồng nhiệt và cảm phục tất cả mọi khía cạnh của công việc mình làm. Những ai được mời gọi đảm nhiệm công việc cao quý này cũng đừng coi thường những chức vụ hay ông việc ngoài đời, vì chính Chúa an bài mọi sự, như có lời Thánh Kinh: "Mọi việc có đều do Chúa xếp đặt" (Tv 15,5; Tl 2,24-26) (69).
4) Giáo dân.
Dựa vào số người ghi danh trong sổ nhân danh của họ đạo. Ngay từ ngày được Rủa Tội, mỗi giáo dân được chính thức ghi tên vào trong sổ này. Mỗi người phải thực sự hội nhập vào họ đạo ít nhất 7 năm và chỉ được bầu hội đồng chức việc khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, như trong một ngôi làng dân sự, ở họ đạo và họ lẻ, giáo dân chia làm 3 hạng, tùy theo nam, nữ và tuổi tác: mỗi giới được tổ chức rõ ràng, sau hàng các chức việc:
a) Giới cao niên.
Các lão ông hay những người nam cao niên: Không phải là một cấp bậc, nhưng là lớp người từ 60 tuổi trở lên. Họ chiếm một chỗ danh dự trong những buổi họp giáo xứ hay họ đạo. Họ được mễn việc nặng nhọc (miễn dịch), trừ trong những trường hợp như cha Cadière ghi lại: "Khi tất cả mọi người bị động viên làm việc chung trong họ, những người cao niên này cũng có mặt. Họ đến với lưỡi liềm lớn trong tay, ý thức sự lớn tuổi của mình. Họ được dành cho những công việc nhẹ: như phát quang một bụi rậm làm cản trở những người làm việc, chặt một khúc tre làm giây buộc, bện những sợi dây mây để làm giỏ đựng…" (70).
Các lão bà hay những bà trọng tuổi, từ 50 tuổi trở lên, được chú tâm riêng vào đời sống tôn giáo và những hoạt động từ thiện của họ đạo. Vì thế, chúng tôi nghĩ: "Không thể nói rằng giới nữ không đáng kể trong tổ chức những họ đạo Việt Nam" (71). Chức vụ các bà quản và những bà giúp rửa tội ở mỗi họ đạo đã chứng minh điều này.
b) Giới tráng niên.
Lớp trung niên: từ 31 đến 60 tuổi và những thanh niên từ 18 đến 30 tuổi là hai nhóm hoạt động nhất của giáo dân, chu toàn mọi việc nặng nhọc trong họ đạo. Cha Cadière gọi họ là 'những người lao động' (72).
Những tráng nữ: Các thanh nữ tuy phục vụ ít hơn phái nam nhưng cũng là những thành phần tích cực của họ đạo. Đặc biệt họ tham dự sốt sáng trong các nghi lễ phụng vụ.
c) Giới trẻ:
Gồm thiếu niên và thiếu nữ từ 12 đến 18 tuổi, lớp trẻ hơn là nhi nam, nhi nữ từ 7 đến 12 tuổi. Các em thay phiên nhau giữ việc đọc kinh và hát trong ca đoàn ở nhà thờ.
Việc tổ chức các giáo dân thành từng lớp, hay nhóm hoặc đoàn nhằm phát triển, nâng đỡ cùng nhau sống đức tin trong họ đạo, thí dụ như: những cuộc thi giáo lý. Hơn nữa, nhiều giáo dân gia nhập hội đoàn hay phong trào mang sắc thái tôn giáo hoặc xã hội mà chúng tôi sẽ nói tới sau.
V. Đời sống của họ đạo
1) Đời sống đạo
Tại Việt Nam, cho tới nay, rất ít giáo dân không giữ đạo. Một khi đã vào đạo, người ta quyết tâm sống đạo. Dưới đây, chúng tôi nói đến sự cầu nguyện ở nhà thờ, trong gia đình và đời sống thánh hóa của giáo dân Việt Nam.
a) Cầu nguyện tập thể ở nhà thờ
Ở họ đạo, dù có mặt linh mục hay không, giáo dân luôn hợp thành như 'một cộng đồng tôn giáo' với những giờ cầu nguyện chính yếu trong ngày (73). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn ấn định rõ ràng về "Những bổn phận của giáo dân trong họ đạo". Đặc biệt về đời sống thiêng liêng của giáo dân hai cuốn Chỉ Nam đều ghi: "Giáo dân ở họ đạo không giữ đạo riêng rẽ một mình, nhưng công khai và chung với nguời khác: vào ngày chúa nhật và ngày lễ lớn, họ cùng nhau dâng lễ, cùng nhau đọc kinh ban sáng, ban chiều, có khi cả ban trưa. Mỗi ngày trong tuần, cả họ đến nhà thờ đọc kinh chung sáng, tối Kinh nguyện thay đổi:
1) Theo mùa phụng vụ: mùa Giáng Sinh, mùa Chay, tháng Mân Côi, tháng Kính thánh Giuse, tháng kính Đức Mẹ, tháng Thánh Tâm, tháng các Linh Hồn.
2) Theo ngày trong tuần: thứ hai, cầu cho người qua đời; thứ ba kính thánh Antôn; thứ tư kính thánh Giuse, thứ năm kính Chúa Giêsu Thánh Thể; thứ sáu kính Sự Thương khó Chúa Giêsu, đi đàng Thánh Giá; thứ bảy tôn kính Đức Mẹ.
3) Nếu trong họ có người qua đời, cả họ dành nhiều ngày đặc biệt cầu cho linh hồn người quá cố v.v… (74).
Cha Louvet viết: "Từ 5 giờ sáng, tiếng trống vang dội mời gọi từ trẻ đến già tới nhà thờ hay nhà nguyện. Mọi người mau thức giấc làm dấu thánh giá và bước ra khỏi giường… đi đến nhà thờ, mỗi cử chỉ hầu như là tự động. Trong nhà thờ, trẻ em được đặt ngồi phía trước, bên cạnh các ông quản bà quản, vừa xem chừng các em, vừa xướng kinh. Mọi người mở đầu bằng kinh Truyền Tin, chia làm hai bè, nam nữ riêng biệt, tiếp theo là kinh cầu Chúa Thánh Thần, để biểu lộ đức tin, lòng cậy trông và lòng mến Chúa, rồi những kinh cầu. Ngày chủ nhật, còn có giờ học 'giáo lý hỏi thưa'. Khi có linh mục đến thăm họ đạo, toàn thể mọi người đều dự lễ, nghe giảng và hầu như tất cả đều rước lễ. Nơi có linh mục cư ngụ, nhiều người rước lễ hàng ngày. Và không ai quên đọc kinh cám ơn chung.
Buổi chiều, lại nổi hồi trống khác, đó giờ giáo lý cho các em hay tân tòng. Và một hồi trống nữa báo hiệu giờ kinh chiều, những ai có thì giờ hay ở gần nhà thờ, đều tụ họp lại để cầu nguyện. Tùy theo phiên, một chức việc chủ tọa buổi kinh nguyện. Cùng với ông, các cô thanh nữ thay phiên nhau thưa kinh với cộng đoàn mỗi tuần (76). Giáo dân đến đọc kinh đông hay ít tùy theo ngày: nếu trời mưa thì không đông lắm; ngày chủ nhật có chầu Thánh Thể, nhà thờ luôn đầy người".
b) Cầu nguyện trong gia đình
Khi người ta không thể đến cầu nguyện chung với mọi người ở nhà thờ, thì cầu nguyện trong gia đình với sự hướng dẫn của ông bố hay bà mẹ. Tất cả gia đình đều quỳ trước bàn thờ mà mỗi gia đình công giáo đều có. Cha Louvet cho chúng ta biết cảm tưởng của ngài: Thật là một khung cảnh tuyệt vời, làm tôi rất cảm động khi đến nhận việc, mỗi khi chiều xuống, lúc đi dạo trong một ngôi làng công giáo: giữa thinh lặng của ban đêm, tai nghe trổi lên ở mỗi nhà một điệu ngân nga, chậm rãi và hơi buồn; đó là lời kinh cầu của người Việt Nam, của từng gia đình ở họ đạo dâng lên tòa Chúa, cầu xin ơn trên ban xuống cho cả họ và gia đình. Buổi sáng, vào lúc hừng đông, lời cầu kinh sốt sáng lại bắt đầu, có nhiều khi, những người ngoại đạo chèo thuyền dọc theo một họ đạo, đã ngạc nhiên và xúc động khi nghe thấy một nhịp điệu rất mới đối với họ, những lời kinh mà họ được nghe lần đầu tiên, là tiếng kêu xin huyền bi đánh động nhiều người và làm cho họ trở về trong nôi của vị chủ chiên" (77).
Và đây là một nhận xét khác của cha Girod, cha viết "Nhiều lần trong đêm, khi đi qua những ngôi làng để đến thăm người bệnh, thử hỏi người truyền giáo nào mà không cảm thấy được an ủi, cảm hóa và thêm sức mạnh khi nghe một gia đình nghèo nàn, chen chúc trong mái lều tối tăm, cùng nhau cầu xin Cha trên trời ban cho lương thực hàng ngày" (78).
Cũng cần nói thêm rằng: Các giám mục rất quan tâm đến việc cầu nguyện trong các gia đình công giáo: Các ngài khuyến khích các gia đình nên trung thành với tục lệ sùng kính này, đồng thời, đưa ra những hình thức đơn sơ và thực tế cho việc cầu nguyện trong gia đình, là nên đọc hàng ngày và đừng làm ai chán nản. Chúng tôi hân hạnh trình bày một văn bản trích trong thư chung của đức cha Victoire Charles Quinton:
"Anh em thân mến, ngày trước cha ông anh em thích đọc kinh chung với nhau trong gia đình và xem đó là bổn phận thiết yếu cho từng thành phần của một gia đình công giáo, sống đạo theo đúng nghĩa; như trong thời kỳ cấm đạo, người công giáo không bao giờ bỏ đọc kinh sáng, tối, và với sự kiên trì họ luôn giữ được thói quen tốt lành đó cho tới lúc chấm dứt việc cấm đạo…
Thời nay, không còn bị sợ hãi như ngày trước, nhưng tiếc thay, thói tốt lành này mỗi ngày một kém đi. Rất nhiều gia đình công giáo không còn đọc kinh chung ở nhà, Vì vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi anh em hãy đọc kinh chung sáng, tối trong gia đình…
Có nhiều gia đình đọc kinh quá lâu: lúc đầu đọc thích thú và vui vẻ, nhưng dần dần đi đến lúc không còn đọc được với sự sốt sáng mà còn cảm thấy chán ngán, xem việc đạo như một gánh nặng, và như thế người ta bỏ việc đọc kinh sáng, tối. Ít đọc kinh vì không đủ khả năng của mình, hay dành ít thì giờ đọc, nhưng đọc với sự nhiệt tình phải có, cần nhất là đọc hàng ngày không bỏ ngày nào, còn hơn là muốn đọc nhiều rồi sau đó chán nản không muốn đọc nữa hay tiếp tục đọc nhiều nhưng vội vàng, không để ý, tâm trí lơ đễnh bởi những ý nghĩ chu du…" (79)
c) Đời sống bí tích
Cầu nguyện giúp thánh hóa đời sống. Qua hai văn kiện khác nhau, cha Cadière cho chúng ta thấy đời sống bí tích của giáo dân Việt Nam như thế nào. Ngài viết: "Hàng năm vào lễ thánh Phêrô và Phaolô, các chức việc họp lại tính sổ thiêng liêng của họ đạo xem đã có bao nhiêu giáo dân chu toàn bổn phận mùa Phục Sinh bao nhiêu người không làm…Tôi cần nói thêm như ở họ đạo Di Loan có khoảng 2.500 giáo dân, số người bê trễ chỉ đếm không đầy năm ngón tay" (80)
Chỗ khác cha viết: "Tại Huế có 341 họ đạo. Họ lớn nhất được 2.811 giáo dân, nhiều họ chỉ có vài chục gia đình. Trong số các họ đạo, có những họ sốt sáng hơn họ khác. Nhưng tôi phải nói rằng tất cả giáo dân đều giữ đạo: Tính số các bí tích trong năm 1909-1910, tôi ghi nhận, số giáo dân tổng quát là 42.489 giáo dân, trong mùa Phục Sinh có 26.814 người xưng tội và 25.267 người rước lễ, và chỉ có 672 người không xưng tội. Trong họ đạo của tôi, chỉ có ba người vì những lý do riêng, không thể giữ luật mùa Phục Sinh, so với 680 người xưng tội" (81).
2) Những nơi sinh hoạt chính
a) Nhà thờ hay nhà nguyện
Ngôi chùa là trung tâm của một làng truyền thống, nhà thờ cũng vậy đối với một họ đạo. Đó là nơi riêng biểu lộ đời sống tôn giáo. Một họ đạo không thể thành hình nếu thiếu nhà thờ hay nhà nguyện. Vì lý do này trong lịch sử cấm đạo, để tiêu diệt một cộng đoàn công giáo, trước tiên kẻ thù của đức tin phải phá hủy nhà thờ hay nhà nguyện. Trái lại, một trong những việc chính để lập họ đạo mới là xây ngôi nhà thờ hay nhà nguyện.
Để đánh dấu sự tiến bộ lớn của việc truyền giáo, trong bản tường trình gửi đến cha giám tỉnh năm 1645-1646, cha Jean Gâbal dòng Tên đã ghi số 24.000 người rửa tội, 200 nhà thờ chưa kể số nhà thờ nhỏ và nhà nguyện. Gần cạnh nhà thờ hay nhà nguyện, có một ngôi nhà khang trang dùng làm chỗ cư ngụ cho linh mục (82).
Và cũng theo cha Marini, cha phó duy nhất ở miền Bắc, vào năm 1657 đã có 414 nhà thờ. Những nhà thờ này không được xây đẹp đẽ bằng đá cẩm thạch như những nhà thờ ở Âu Châu, mà chỉ làm bằng gỗ, sơ sài theo kiểu Việt Nam, nhưng sạch sẽ và thích hợp cho việc thờ phượng. Những vùng có nhiều nhà thờ là: Hà Nội, với 4 nhà thờ ở thành phố và 12 ở ngoại ô; Nghệ An có 112 nhà thờ; Thanh Hóa với 74 nhà thờ và nhà nguyện (82). Vào năm 1884, đã có 622 nhà thờ hay nhà nguyện trong bốn giáo phận ở miền Nam (84)
Tất cả sự kiện trên cho chúng ta hiểu dễ dàng những công việc đòi hỏi các giám mục cố sức thực hiện sau thời cấm đạo. Cha L. Louvet viết: "Công tác chính trong những năm sau này là xây dựng nhà thờ, trường học và nhà cha sở ngụ. Cùng với những nhà thờ chính, lòng sùng đạo của giáo dân, hợp với sự hăng hái của vị truyền giáo đã gây dựng được nhiều nhà nguyện nhỏ khang trang nơi những họ đạo xa xôi… (85) Hơn nữa, hầu hết các cuốn Chỉ Nam giáo phận đều nhấn mạnh đến việc xây cất nhà thờ và nhà nguyện (86). Đặc biệt, cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội khuyến khích các giáo dân theo khả năng của mình, ít nhất xây được một giáo đường đàng hoàng ở mỗi họ chính và một nhà nguyện thích hợp cho từng họ lẻ (87).
b) Nhà Cha sở hay nhà xứ
Ngay cạnh giáo đường hay nhà nguyện có nhà cha sở ở rồi đến trường học của giáo xứ. Đối với giáo dân Việt Nam, nơi cha ngụ là "nhà Đức Chúa Trời". Mọi người đều kính trọng và góp phần xây dựng. Những câu sau đây ghi lại vài nét của một ngôi nhà cha ở Việt Nam: "Mỗi họ lẻ đều có một ngôi nhà rộng gọi là nhà cha hay nhà 'Đức Chúa Trời', nghĩa là nhà ở cho các linh mục và các thầy giảng. Thường thường ngôi nhà bao bọc bởi rặng tre, có ao và mảnh vườn nhỏ, cũng có vài mẫu đất để trồng trọt. ở mỗi họ lẻ, cha sở và cha phó, nếu có, nuôi khoảng từ hai đến ba chục người trẻ trong nhà xứ. Người này làm việc nhà và trông coi việc trồng trọt ngoài vườn, ngoài ruộng, việc tiếp khách, người khác là giáo lý viên hay giúp cha dạy học cho các em nhỏ, và trong các việc mục vụ khác" (88)
Giáo dân Việt Nam rất thích lui tới nhà xứ Quy chế giáo phận ở Sài Gòn nhắc nhở các linh mục: "Đây là tục lệ ở miền Nam, nhà các cha phải luôn mở cho giáo dân hay những người muốn tới, hoặc để hỏi han công việc hay muốn gặp và nói chuyện với cha, họ đạo là một gia đình và nhà cha ở dù là người Âu hay người Việt vẫn luôn duy trì truyền thống này. Cha sở lúc nào cũng tiếp đãi ân cần các khách đến thăm. Ngài để ý đến công việc, chia sẻ niềm vui cũng như an ủi khi họ đau khổ. Nhiều lúc vì bận rộn, ngài bắt buộc thâu ngắn buổi gặp gỡ, và tiễn khách ra cửa một cách lịch sự; nhã nhặn, đối với mọi nguời cha như một người cha, đúng nghĩa với danh xưng, người ta đến gặp ngài dễ dàng, với hết tâm tình, và không khi nào không có một lời khuyên nhủ của ngài lúc ra về...(89)
c) Trường của họ đạo
Sau nơi các cha ở, trường nhà xứ là nơi tất cả các giáo dân để ý tới. Hơn nữa, ở nhiều họ đạo, không có nhà cha ở, thì sau nhà nguyện là tới trường học. Trường học cũng là nhà hội của các chức việc, lớp dạy giáo lý, nơi sinh hoạt của các nhóm và các hội đoàn. Trường học không chỉ dành riêng cho các em đạo công giáo nhưng cũng cho trẻ em ngoại đạo. Nhiều khi số các em này còn đông hơn các em có đạo. Cha Louvet đã có lý khi ngài viết: "Vấn đề trường học được đặt ra ngay sau khi có nhà thờ và nói đúng hơn, hai việc này không thể tách rời nhau, vì nhất là ở những họ đạo mới thành lập, chúng ta xem trường học cũng cần có như là nhà thờ, để bảo đảm việc dạy đạo Chúa cho các em…(90). Đức cha Depierre đã có cùng ý nghĩ khi ngài tuyên bố: "Cạnh nhà thờ là trường học, đạo Công Giáo không bao giờ chống lại việc giáo dục" (91)
3) Những lễ đạo
Trừ những lễ dân tộc như chúng ta đã thấy khi nói đến đời sống của một làng truyền thống, các họ đạo còn có những lễ của đạo Công Giáo như:
Những ngày chủ nhật và ngày lễ theo luật buộc (lễ Giáng Sinh, lễ Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ Lên Trời, lễ Các Thánh) giáo dân bắt buộc dự lễ và kiêng việc xác. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, tất cả đều đến nhà thờ (92). Và cả những ngày ấn định họp các hội đoàn công giáo, hội đồng chức việc, hay những sinh hoạt đoàn thể. Những buổi thi giáo lý thường được tổ chức vào lễ Phục Sinh hay lễ Các Thánh (93).
Các lễ quan thầy, cầu cho các linh hồn ở luyện tội và ngày đầu năm cũng là những lễ quan trọng của họ đạo. Mọi việc đều tạm ngưng. Các tín hữu tới tòa giải tội, tụ họp dự lễ trọng thể và cầu nguyện rất lâu. Tóm lại, mỗi ngày đều có những lễ nghi đặc biệt, thí dụ như: "viếng nghĩa trang, giờ thánh" v.v.
Đời sống đạo ở họ đạo còn được đánh dấu bởi những buổi rước công cộng như rước Thánh Thể, kiệu Đức Mẹ trong ngày lễ Đức Mẹ lên trời hoặc mổi chủ nhật đầu tháng (94). Sau cùng, vào những ngày lễ, người ta còn tổ chức những bữa tiệc, những trò chơi dân gian như trong một làng dân sự.
4) Tinh thần đoàn kết.
Chính nhờ sự tổ chức tốt đẹp và cấu trúc chặt chẽ mà các họ đạo Việt Nam đã trở thành những thân thể sống động, vững chắc và gắn bó với nhau. Giáo dân Việt Nam đã thể hiện được sự hợp nhất của bí tích Rửa Tội và Đức Tin. Chúng tôi muốn nói đến sự đoàn kết của giáo dân trong cùng họ đạo ở những trường hợp cụ thể như sau:
a) Bởi đức tin và bác ái
Sự đoàn kết của giáo dân Việt Nam được biểu lộ trước hết bởi lòng thương yêu bác ái, đến từ ý hướng liên kết trong hội đoàn Việt Nam, đặt vào niềm tin của người công giáo, thúc đẩy tất cả mọi thành phần của họ đạo đối xử với nhau như anh em, khuyến khích nhau sống vững đức tin. Hơn cả người Việt Nam trong một làng dân sự, giáo dân đều tự nguyện tuân giữ luật lệ của họ đạo, chỉ thị của cha sở và của các chức việc. Họ nghe theo các chức việc trong những công vụ mang lại lợi ích cho họ đạo hay Giáo Hội. Trước khi đưa ra một câu chuyện có thực, cha Louvet đã công nhận rằng: "Giáo dân kính trọng và tuân phục những quyết định của các chức việc" (95) Và cha kể lại:" Năm 1787, Nhạc, anh lớn của nhà Tây Sơn, đã ra một chỉ dụ, trong đó ông đã khôn khéo đòi các lý trưởng lập sổ nhân danh ghi tên tuổi giáo dân. Phần lớn giáo dân cho tiền các quan chức ngoại đạo để họ ghi thiếu sót hầu tránh chính quyền làm phiền nhiễu. Nhưng ở Lái Thiêu, ông trùm là người đầy hăng hái và có đức tin mạnh, đã tụ họp các giáo dân tại nhà của ông và trình bày với họ rất hùng hồn đến độ tất cả cùng lấy quyết định đi gặp lý trưởng. Thế rồi đàn ông, đàn bà, người già, thanh nam thiếu nữ, các bà mẹ bồng bế con cái, đến khẩn nài để được ghi tên vào danh sách những người bị xử. Họ tuyên bố sung sướng vì không bỏ qua dịp tốt được chịu áp bức vì đạo Chúa. Người ta ghi lại có hơn ba trăm người. Và sau đó, những người này bị đánh thuế mỗi người 5 kg đồng. Những người nghèo không thể trả nổi, nhưng người khá giả hơn đã bán những gì mình có để giúp anh em" (96) Giáo dân Việt Nam rất quý trọng những gì gọi là "danh dự của họ đạo".
b) Bởi tinh thần tin cậy trong sự hợp tác
Sự đoàn kết của họ đạo Việt Nam còn biểu lộ trong tinh thần hợp tác hoàn tất công việc chung. Không chỉ riêng những chức việc, mà tất cả giáo dân cũng rất đoàn kết vào việc xây dựng họ đạo của mình. Đó là niềm an ủi và khích lệ cho các linh mục được sự hợp tác của giáo dân. Sau nhiều năm làm cha sở, cha Cadière đã có lý khi viết như sau: "Chúng tôi sung sướng được sự hợp tác tích cực của giáo dân, họ tin tưởng và vâng phục các linh mục. Và đây là sự hợp tác liên tục mỗi ngày, mỗi lúc, sự hợp tác của toàn thể trong tất cả mọi công việc của họ đạo. Tóm lại, sự hợp tác của toàn thể luân phiên nhau làm chuyển động mọi thành phần của họ đạo" (97).
Để đưa ra một điểm cụ thể, cha viết tiếp ở trang khác:" Tôi thấy trong những họ đạo tôi đã quản nhiệm, với sự giúp sức của giáo dân Tam Tòa, tôi làm lại mái nhà thờ của họ; giáo dân Cự Lạc giúp tôi xây nhà thờ của họ đạo; ở Bố Khê họ giúp tôi xây nhà thờ và nhà cha sở; ở Cổ Vưu, họ giúp tôi xây nhà thờ và một phần nhà xứ; ở Di Loan cùng với giáo dân tôi đã hoàn tất ngôi nhà thờ đẹp đẽ, sửa lại nhà xứ, trường học, nhà hội; ở Hòa Ninh cũng cùng với giáo dân tôi hoàn thành nhà thờ của họ đạo và xây được trường học ở Loan Lý…". Sau cùng, cha kết luận:"Trong giáo phận Huế và ở khắp Đông Dương công việc đều như thế" (98)
c) Sự đoàn kết ngoài họ đạo
Không chỉ với những giáo dân cùng trong một họ đạo, sự kết hợp này còn lan rộng ra đối với những họ đạo khác, đồng chủng tộc hay khác nòi giống. Đây là cảm tưởng của cha Courtelin khi nói đến hội từ thiện đầu tiên trong họ đạo của cha: "Giáo dân Việt Nam tuy nghèo nhưng rộng rãi. Họ hết lòng đóng góp tiền của hay hiện vật cho công việc xã hội, khi các Bề trên yêu cầu. Nhưng đáng kể nhất là họ đoàn kết trong tình thương yêu" (99)
Sử sách kể câu chuyện: tất cả giáo phận Sài Gòn được chiếu cố để giúp đỡ giáo phận Quy Nhơn bị thiệt hại nặng nề bởi ngập lụt năm 1924, rồi từ năm 1925, ở giáo phận Sài Gòn có phong trào xây cất lại những nhà thờ, trường học của họ đạo đã cũ, và tất cả các họ đạo khác đều tham gia hết long (100).
d) Những chia rẽ đáng tiếc
Nhưng tất cả các vụ việc trên không thể nói là luôn có sự đồng tâm và đoàn kết hoàn hảo với mọi giáo dân trong cùng họ đạo. Không phải không có lý do khi cha Bennet viết về sự ngoan cố của các giáo dân ngài trông coi (102), và cha Vignau đã có nói đến sự "chửi rủa" có nghĩa là "nguyền rủa lẫn hau với những lời độc địa nhất", giữa giáo dân, nhất là giữa phái nữ (103). Và cha Cadière, có rất nhiều kinh nghiệm mục vụ đã ngõ ý xin các cha sở quan tâm đến hiện tượng "phe phái gia đình" trong các họ đạo: có những vụ cạnh tranh, gây gổ, kiện thưa, thường xảy ra giữa dòng họ này với dòng họ khác (104).
Hơn nữa, đôi khi chuyện cãi cọ, thưa gửi trở nên bất trị trong một họ đạo: như trường hợp họ đạo Định Cát. Một vị truyền giáo thế kỷ 17 đã viết: "Phần các giáo dân ở Định Cát, họ không ngừng thưa kiện nhau, tôi phải trao họ vào sự quan phòng của Chúa" (105). Rồi năm 1955, cha Cadière đã viết: "Họ thưa kiện nhau không ngớt; linh mục đã cố gắng, bỏ ra nhiều thì giờ và sức lực để giải hòa" (106).
Chúng ta đã dượt qua cách hình thành và sinh hoạt của ngôi làng cổ truyền, và của họ đạo Việt Nam. Sự trình bày trên không thể là cách đối chiếu giữa ngôi làng và nhà thờ. Tuy nhiên, chúng tôi có thể nói rằng, được thành hình theo như cách thức của ngôi làng cổ truyền, họ đạo có một tổ chức vững chắc hơn của làng và Hội Đồng Quí Chức có cơ cấu chặt chẽ hơn tổ chức của các chức sắc trong làng. Đây là những kết quả cụ thể, mà các vị thừa sai đã hội nhập khéo léo vào các họ đạo, nhờ hiệu quả tốt đẹp của những nội quy cho chức việc và họ đạo do các giám mục đặt ra cho giáo dân. Nói như thế không phải tất cả những người công giáo Việt Nam tốt hơn những người dân ngoại, bởi vì có nhiều phật tử là những người rất ngay thẳng và sốt sắng. Chúng ta thấy nhờ ơn Chúa và giáo huấn của các cha, nhờ cách tổ chức vững chắc và nhờ ở các chức việc nhiệt tình, tận tụy và đáng mến, các họ đạo Việt Nam đã có một đời sống luân lý và đạo đức tương đối cao, theo như Thánh Kinh. Chúng ta sẽ thấy rõ khi nói đến sự tham gia của các quí chức (chức việc) vào thừa tác vụ linh mục, thừa tác vụ thánh hóa, tác vụ dạy dỗ và điều hành họ đạo.
---------------------------
Chú thích
(1) NHẤT-THANH, ĐẤT LỀ QUÊ THÓI trg 465-466 đã viết: "Triều Lê (1500-1800), người ta dùng những tên phân biệt: Trang, Động, Sách, Trại, Sở để chỉ những xóm, làng, ở tiếp giáp, hay nơi sâu thẳm trong rừng núi. Vạn là những xóm làng ở ven sông, ven biển, dân sống với nghề chài lưới; Phường là khu các nhà cùng làm một nghề ở quy tụ với nhau. Nhưng từ đời vua Minh-Mạng (1820-1830), nhà Nguyễn bỏ sự phân biệt này trong sổ sách, công văn, chỉ gọi là làng hay xã.
(2) Cf. Ory P. LA COMMUNE ANAMITE AU TONKIN trg.4-5; NGUYỄN VĂN PHONG, LA SOCIETÉ VIETNAMIENNE DE 1822-1902; trg.66-67.
(3) Danh từ dòng, phái, chỉ những gia đình mang cùng họ, con cháu cùng gốc; nói cách khác, dùng để chỉ tất cả các gia đình cùng một tên họ. Ở Việt Nam, có khoảng 40 tên họ một trong những họ nổi tiếng, có thể kể họ LÊ, NGUYỄN, VŨ, PHAN v.v… Dòng họ chỉ tính quan hệ nguồn gốc trên những người đàn ông. Ngoài ra, cũng phải nhắc đến nhiều gia đình tuy mang cùng tên họ nhưng không phải cùng gốc.
(4) Cf. ORY P. sd. trg1-5, ĐÀO DUY ANH, VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG trg 123-137; NGUYỄN HỮU GIAI, LA PERSONNALITÉ DE LA COMMUNE ANNAMITE trg 15-22; TOÀN ÁNH, LÀNG XÓM VIỆT NAM trg 30-36; NHẤT THANH sd trg 464-466.
(5) Đây là một vài chỉ dụ của nhà Nguyễn: Những chỉ dụ của vua Tự Đức năm 1785, của vua Đồng Khánh năm 1886 và 1887, vua Khải Định năm 1920 và của vua Bảo Đại năm 1935, kể theo NGUYỄN HỮU GIẢI sd. trg 21-22.
(6) Cf. NHẤT THANH sd trg 469-471.
(7) Theo NGUYỄN HỮU GIẢI, sd. trg 21, mức lợi tức thấp nhất của làng phải có: 30 người đóng thuế và 50 mẫu ruộng hay đất; Cf. NGUYỄN VĂN PHONG sd. trg 98-99.
(8) Sự phân biệt tùy theo mỗi làng. Chúng ta còn thấy tài liệu khác, thí dụ, của NGUYỄN VĂN GIẢI sd. tr.45-46: bình quyền dân sự là một điều, nhưng luật lệ xã hội là chuyện khác. Vì vậy, dân trong xã được sắp theo nhiều hàng khác biệt: những vi cấp cách dưới 18 tuổi, dân đinh là người trẻ từ 18-20 tuổi, tráng đinh đàn ông từ 20-60 tuổi, lão nhiêu người lớn tuổi trên 60 tuổi, những cô nhi, người tàn tật, quan viên, quan viên tử (con trai của quan viên), chức sắc, hương chức, bình đinh (lính), trạm (phát thư), học sinh, bá hộ (nguời giàu có), người bần cùng, kỳ cựu (ở lâu trong làng).
(9) Hương chức và chức việc có cùng nghĩa trong chức vụ. để phân biệt, chúng tôi dùng chữ Hương chức cho người có trách nhiệm ở làng và Chức việc cho những người trong họ đạo.
(10) Cf. NGUYỄN VĂN PHONG trích trg 100-101.
(11) Quyền hạn và trách nhiệm của hương chức trong làng được xác định trong chỉ dụ của vua Khải Định năm 1924 và hình luật của vua Bảo Đại năm 1935, NGUYỄN VĂN GIẢI sd. trg 61.
(12) Cf. LURO, COUR D' ADMINISTRATION ANNAMITE (in lần đầu lưu trữ các cha MEP) 1965 trg 143-145, 150. Theo NHẤT THANH s. trg 476-477 và NGUYỄN HỮU GIAI sd. trg 50: Cho đến thời vua Gia Long, gọi" xã trưởng "là người trông coi xã, đến thời Minh Mạng gọi người giữ trách nhiệm là 'Lý trưởng". Ngoài ra, theo ĐẶNG PHƯƠNG NGHI, LES INSTITUTIONS DU VIET NAM AU XVIlI SIECLE trg 87: trước năm 1735 xã trưởng được chỉ định bởi quan phủ hay quan huyện trực thuộc, đến thời Long Đức (1732) và Vĩnh Hựu (1735), dân làng được quyền chọn xã trưởng theo đa số khi làng, xã tự quản lý được.
(13) Trong nhiều làng còn những hương chức khác như: hương trưởng, làm việc với phó lý, người "tiên chỉ" người tuổi tác, tiếng tăm, giàu có và quen biết nhiều nên được coi như lớn nhất ở làng, người "thông-giảng" giảng giải chỉ dụ của triều đình cho dân làng; "thày sãi" trông coi chùa ở làng. CF. LURO sd trg 147-149; NGUYỄN VĂN PHONG sd. trg 101-102; NHẤT THANH sd. trg 478-479.
(14) ORY viết: "Theo chỉ dụ của triều đình, những phó lý và lý trưởng, không được ngưng hợp đồng làm việc trước ba năm, và hơn nữa, không dưới 30 tuổi. Hai quy chế này ít được áp dụng; vì thực tế vẫn mạnh hơn luật lệ (sd. trích trg 23). Chúng tôi không tìm ra ngày ký hai quy chế này. Nhưng chúng tôi biết vào giữa đời Cảnh Trị (1663-16720), Trịnh Tạc quyết định là, sau ba năm làm lý trưởng được lên chức Huyện nếu đã làm tốt, tròn công việc. Cũng vậy, năm 1720 (năm đầu đời Bảo Thái), Trịnh Cường quyết định các xã trưởng nếu qua hai kỳ thi tuyển (cứ ba năm tổ chức một lần) sẽ lên trật quan chức. Lệ này trở thành cũ kỹ và trung ương càng ngày càng không để ý đến hành chính của xã hay làng. ĐẶNG PHƯƠNG NGHI sd. trg 86
(15) Cf. LỊCH ANNAM THÔNG DỤNG TRONG SÁU TỈNH NAM KỲ 1873 trg 74-77.
(16) Cf. ĐÀO DUY ANH sd. trg 134
(17) Cf. ĐÀO DUY ANH sd. trg 133
(18) Hiệp định Genève ký ngày 10.07.1954 ấn định vạch đình chiến ở vĩ tuyến 17: Miền Bắc thủ đô là Hà Nội với chế độ Cộng-sản. Miền Nam thủ đô Sài Gòn chế độ Quốc-gia; Sài Gòn sụp đổ ngày 30.04.75.
(19) Cf. ORY sd. trg 57-65
(20) Chúng tôi đưa một thí dụ: "Cãi cọ, nguyền rủa không ẩu đả thì phạt nhẹ, thường các trưởng xóm tuyên phạt, từ 1-5 roi mây; nếu ẩu đả không gây thương tích, các hương chức sẽ tuyên án từ 10-20 roi. Nếu có thương tích thì phạt vạ nặng hơn và trình lên quan để xét xử" xem LURO sd. tr. 152-157.
(21) DELOUSTAL R. CODE DES LÊ ( Art. 141) trong Bull.E.F.EO.IX (1909) trg 781.
(22) Bởi thế có lệ từ thế kỷ 15 đã nói đến các vụ kiện liên quan đến việc biếu phần hay phần hưởng của những người có địa vị trong làng. Cf. RELOUSTRAL, CODE DE PROCEDUIRES (Art.1) trong Bull.E.F. EO. XIX (1919) trg 1, n.3.
(23) Nói đến sự quan trọng của ngày Tết chúng tôi xin đưa ra câu nói của PRYLUSKY: "Ngày Tết là ngày quan trọng đánh dấu thời gian và đình trệ nhịp sống mọi người" HUARD thuật lại và DURAND M. trong CONNAISSANCE DU VIETNAM, trg 78, và NGUYỄN VĂN PHONG sd.. trg 166.
(24) Cf. LG. 17 in. AAS 57 (1965) trg 21; GS 58, 62 in AAS 58 (1966) trg 1079, 1087; AG 15, 22 in AAS 58 (1966) trg 964, 973.
(25) Công nghị Cochinchine 1880, in TEYSEYRE, UN MISSIONNAIRE ALBIGEOIS EN COCHINCHINE, MGR GALIBERT phụ lục trg 342, c.6 Cf. DCO h.1 n.1 trg 3; PCI 33; DHN 104, 107, DQN 75; DH 71, 75. Ngoài ra việc phân chia theo luật của họ lẻ, có thể xem trong: CC.261, 451. Instructio Sacrae Congr. Consistorialis, I augustii 1919 in AAS II (1919) trg 345-346, Instructio Sacrae Congr.P.F. 25 julii 1920 AAS 12 (1920) trg 331-334, 9 decembris 1920 in AAS 13 (1921) trg 18-20. Sự phân chia và những khó khăn ở giáo hạt và các họ lẻ tại Việt-Nam, xem LAUNAY. A, HISTOIRE DE LA MISSION DU TONKIN, I trg 309-435; HISTOIRE DE LA MISSION DE COCHINCHINE, II tg 78-96.
(26) DQN 75.
(27) SC 10.
(28) Thí dụ, trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, chỉ có một trang với 6 điều cho trùm cả, nhưng có tới 14 trang với 23 điều dành cho người trùm.
(29) Xem chương I số III "Các họ đạo đầu tiên" và số IV "Tổ chức các Thầy Giảng".
(30) NGUYỄN HỒNG, LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM I, trg 167.
(31) LAUNAY A. LE TONKIN CATHOLIQUE ET MGR. RETORD (1851- 1858), Lyon 1893 trg 101-102.
(32) NKĐP (báo Nam Kỳ Địa Phận) (1917) số 454 trg 646.
(33) GIROD L. DIX ANS EN HAUT TONKIN trg 15-159
(34) NKĐP (1917) số 451 trg 597.
(35) NKĐP (1918) số 485 trg 326.
(36) NKĐP (1918) số 499 trg 550
(37) NKĐP (1922) số 696 trg 423
(38) NGUYỄN HỒ ĐỊNH, CINQUANTE ANNÉES DE CATHOLICISME DANS LA SOCIÉTÉ VIETNAMIENNE 1895-1945 trg 26.
(39) xem từ chương II. số II "Những trường hợp lịch sử".
(40) CADIÈRE, MISSION DE HUẾ, trong ASME 1911 trg 292.
(41) Những câu sau đây của cha Cadière xác nhận ý kiến chúng tôi: "Tôi lấy thí dụ ở giáo phận Huế mà tôi đã làm việc từ 10 năm nay. Những chi tiết tôi sẽ nêu ở đây (tổ chức và hoạt động của các họ đạo Việt Nam) bằng những công việc tôi làm ở trong Nam từ trước đến nay. Ở giáo phận ngoài Bắc, tổ chức hơi khác, có lớp dạy giáo lý. Dù sao, những gì tôi trình bày có thể áp dụng với vài giới hạn trong những họ đạo cổ xưa ở miền Bắc" (trong Bull. MEP(1955) số 79, trang 309.
(42) Theo tường trình năm 1937-1938 Giáo phận Hà Nội có 87 giáo xứ và 990 họ đạo, riêng họ lẻ Mường Tre có 22 họ đạo. Giáo phận Bùi Chu có 83 giáo xứ và 530 họ đạo, chỉ riêng giáo xứ Ninh Cường có 17 họ đạo…
(43) DQN 112, DH 98.
(44) DHN 107.
(45) Cf. DCO chương V trg 235-246; DQN 22-30; DHN 192-194, 211-216.
(46) Cf. DCO chương III, số III trg 208-209; DHN 95-96
(47) Cf. DCC chương III, số IV trg 212-213, DHN 56-113; DH 1-28, 46-49; DQN 1-21,48-52; PCI 53-87.
(48) Ở nhiều giáo xứ hay họ đạo cha sở còn có cha phó giúp, rồi đến những các thầy giảng và các nữ tu... Nhưng chúng ta không nói tới vì khuôn khổ của việc nghiên cứu.
(49) CSML 1-2.
(50) THƯ CHUNG ĐỊA PHẬN TÂY ĐÀNG NGOÀI II trg 119.
(51) PCI 363-364: "In regionibus nostris auxilium nobis praebere potest ad Actionem Catholicam ordinandam antiqua institutio Consilii notabilium seu priorum christianitatum. Hi priores enim jam magnum auxilium missionariis praebuerunt in administratione temporali et spirituali christianitatum, necnon utiles esse poterunt in fide conservanda apud fideles et provenda apud infideles"
(52) CSML 7,1; THƯ CHUNG ĐịA PHẬN TÂY ĐÀNG NGOÀI II. Trg 120.
(53) TDNS (1972) số 36 trg 13.
(54) GIROD, UNE TURNÉE PASTORALE DANS LE VIC. DU TONKIN. OCC
(55) CSML 10-12.
(56) CSML, in lần thứ hai 1953 số 10 trg 10.
(57) Bull. MEP (1955) số 79 trg 313.
(58) CSML Ấn định: muốn trở thành "Giáp" phải đủ 25 tuổi, "biện" khoảng 30 tuổi (7,2); Mgr P.M. Gendreau nhấn mạnh những ứng viên phải đứng tuổi, chủ tịch và phó chủ tịch ít nhất phải đủ 40 tuổi, thư ký, thủ quỹ, tuần kiểm, trùm họ ít nhất là 35 tuổi, quản giáo hay trưởng xóm là 25 tuổi. Cf. TCĐPTĐN II, trg 200.
(59) Điều kiện tuyển một ứng viên. Cf. CSML 7; QN 114; DH 99; DHN 150,153; AD tit. IV cap. III trg III; TCĐPTĐN II, trg 119-120; THƠ CHUNG ĐỊA PHẬN THANH trg 407-408.
(60) Trích LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DE COCHIN. I trg 107.
(61) "In singulis christianibus instituentur due curatores (ông trùm chính, ông trùm tùy) ab ipsa christianitate electi et a sacerdote approbati" AD tit. IV cap. III. trg III.
(62) Để tuyển những chức việc.Cf. CSML 6-9; TCĐPTĐN II; trg 200-201; DH 100; DQN 114; DHN 150 CADIÈRE: ORGANISATION ET FONCTIONNEMENT D UE CHRETIENTE VIETNAMIENNE trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 311-314.
(63) NKĐP(1932) số 1212 trg 485-487.
(64) DHN 153
(65) DQN 114; DH 100.
(66) Trong TCĐPT II, trg 407-408.
(67) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 313
(68) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 312
(69) CSML 3.
(70) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 82 trg 575
(71) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 317
(72) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 316
(73) VIGNAU, LA VIE CHRETIENNE ANNAMITE trong Miss. Cath. 77 (1945) Trg 12
(74) DQN 129; DN 112.
(75) Cha Cadière cho chúng ta một thí dụ: Họ đạo Kim Long, ở gần Huế, đã có 547 người xưng tội mùa Phục sinh, 9.270 xưng tội sốt sáng và 12.973 rước lễ thường xuyên, trung bình mỗi người rước lễ khoảng 25 lần một năm. Cf. LA MISSION DE HUẾ, trong ASME (1911) trg 296-297.
(76) DHN 246.
(77) LOUVET L., LA COCHINCHINE RELIGIEUSE I trg 358-359.
(78) GOROD, RÉCITS D'UN MISSIONNAIRE trg 81.
(79) Thư mục vụ của Đức cha V.Ch. Quinton năm 1918 trong MBTC II trg 119
(80) OFCV trog Bull. MEP (1955) số 85 trg 964.
(81) LA MISSION DE HUẾ, trong ASME (1911) trg 296; Cf. Lettre de Mgr Marcou (giáo phận Phát-Diệm) trong Miss. Cath. 51 (1919) trg 521.
(82) NGUYỄN HỒNG op.cit. I trg 224.
(83) MARINI, DELLE MISSIONI DE' PADRI DELLA COMPAGNIA DI GIESU NELLA PROVINCIA DEL GIAPPONE… trg 264; Cf. PHAT PHAT HUỒN sd. I trg 82.
(84) LOUVET L. op.cit II trg 450
(85) LOUVET L. op. cit. II trg 441
(86) DQN 241-247; DH 213-220; DHN 227-234.
(87) DHN 227
(88) PIERRE, ANDRÉ RETORD, VICAIRE POSTOLIQUE DU TONKIN OCC. trong APF 25 (1853) trg 15-16
(89) DCO chương III, số III. trg 207-208
(90) LOUVET L. sd.II trg 441
(91) DEPIERRE, SITUATION DU CHRISTIANISME EN COCHINCHINE À LA FIN DU XIXè SIÈCLE trg. 36.
(92) NGUYỄN HỒNG sd. I trg 224; và nhất là thư chung của đức cha MOSARD (Mão) năm 1906: DE L'ASSISTANCE DE LA MESSE DU DIMANCHE trong MBTC, I trg 67; DQN 284-288; DH 256.
(93) DHN 132
(94) DQN 300-302; DHN 250-253; DH 261-273.
(95) LOUVET L. sd. I tr 357; NGUYỄN HỒNG sd. I trg 227
(96) LOUVET L. sd. I trg 435
(97) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 309
(98) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 82 trg 574
(99) Thư cha Courtaulin gửi đức cha Lambert de la Motte ngày 30 tháng 8 năm 1675, trong LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DE COCINCHINE I, tr.159-160.
(100) NKĐP (1925) trg 674
(101) NKĐP (1935) trg37
(102) LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DE COCHINCHINE II. trg 193
(103) Art. cit. trong Miss. Cath. 77 (1945) trg 14-15
(104) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 313-315
(105) The cha Cadière, trong OFCV, Bull. MEP (1955) số 79 trg 311
(106) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 310
Hình chụp ngày Lễ Ngân Khánh 25 năm của hai quý chức (1924-1940) phục vụ trong Hội Đồng Quý Chức Cầu Kho, Sài Gòn.
Đạo mầu dun dủi đến công thành
Bằng điểu tung bay vui phụng sự
CHƯƠNG III: KHUÔN MẶT MỘT HỌ ĐẠO VIỆT NAM
Trong chương này chúng ta sẽ trình bày hai mục chính:
I. Một ngôi làng truyền thống Việt Nam
II. Khuôn mặt một họ đạo Việt Nam
MỤC I: MỘT NGÔI LÀNG TRUYỀN THỐNG VIỆT NAMỘI ĐỒNG QÚY CHỨC
CHƯƠNG III: KHUÔN MẶT MỘT HỌ ĐẠO VIỆT NAM
Tổ chức của họ đạo Việt Nam giống như ngôi làng truyền thống và tựa như một đại gia đình. Như vậy để hiểu rõ hơn, trước hết chúng ta cần biết vài nét tổng quát về cách tổ chức đời sống dân sự và truyền thống.
I. Hình thành một ngôi làng
Con người sinh ra cho xã hội. Thiếu nó, con người không thể tự nuôi sống, tự vệ, tự tạo, và tiến bộ. Trong bản tính, con người có một sức mạnh hay đúng hơn một luật lệ thúc đẩy tìm kiếm sự
đồng hành với những người cùng loại. Luật này trước hết tạo ra gia đình tựa như một xã hội phôi thai. Và sau đó sinh ra ngôi làng, một đơn vị hành chánh ở Việt Nam (1)
Làng Việt Nam có nguồn gốc theo kiểu mẫu Trung Hoa từ thời nhà Chu thế kỷ XII trước công nguyên. Kiểu mẫu này đã du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ nhất bởi những tổng trấn Trung Hoa. Phần lớn, nhất là từ đời Gia Long (1802) sự thành lập những làng tùy vào óc sáng kiến của mỗi cá nhân (2). Người ta còn có thể nói làng Việt Nam thật sự là quy tụ của nhiều gia đình có những liên hệ về họ hàng, hợp lại với nhau ở một chỗ, gần một ngọn suối, dọc theo một con sông, ở giữa một cánh rừng v.v… để cùng nhau khai phá một vùng đất còn hoang vu, chưa trồng trọt.
Lý do tụ tập này có thể bởi sự kiện làng nguyên thủy quá đông đảo, cần phân nhỏ ra để dễ bề sinh sống, hay bởi những thiên tai xẩy tới hoặc do sự cạnh tranh 'bè phái' (clan) trong một gia tộc (3). Họ đã đến lập nghiệp tại một nơi, và để sinh tồn, để vươn lên trên những yếu kém và muốn đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống, họ phải đoàn tụ lại, gắn bó với nhau hầu tạo nên sức mạnh và nguồn lợi sống.
Sau đó, để giải quyết quan hệ với nhau, những quyền lợi, bổn phận và bảo đảm sự thoải mái cho tập thể. những gia đình này đã có, hay đã lập được một quy chế. Và một ngôi làng mới đã thành hình.
Chúng ta có thể khẳng định rằng sự thành lập những thôn xóm hay làng xã mới luôn được chính quyền nhà vua khuyến khích. (5)
II. Sự tổ chức của làng
1) Những thôn, xóm
Làng được chia làm nhiều thôn khác nhau thường là do địa dư và sự liên hệ về giòng họ giữa những gia đình. Thôn này cách với thôn kia, mỗi thôn có tổ chức hành chánh riêng biệt, nhưng tất cả đều phải góp phần vào những chi phí của làng. Thôn gửi những đại diện tới các buổi họp công cộng, nhất là những buổi họp bất thường, thí dụ như: những công tác chính quyền buộc mọi làng trong tỉnh phải tham gia vì lợi ích chung.
Nhiều làng có tới chục thôn, làng khác không có. Tùy theo số dân cư hay theo vùng đất lớn nhỏ, mỗi thôn chia ra thành giáp hay khu, xóm. (6)
2) Dân số
Dân số trong làng gọi là 'dân làng' (7). Thường gồm có:
a) Dân đinh: Dân đinh là lớp dân hưởng mọi quyền của người công dân, có bổn phận tham gia vào công phí, phải đóng sưu thuế. Phải ghi danh trước 18 tuổi. Người ta phân ra những người phải đóng sưu thuế như sau:
+ Những chức sắc hay quan viên: những người có quyền chức, đỗ đạt, được triều đình phong chức tước.
+ Lão nhiêu, những người già từ 60 tuổi trở lên.
+ Lão hạng, gồm người già từ 55 đến 59 tuổi.
+ Tráng hạng hay tráng đinh, gồm đàn ông từ 21 đến 54 tuổi.
+ Hoàng đinh, người trẻ từ 18 đến 20 tuổi.
Trẻ em, những người chưa tới 18 tuổi và tất cả đàn bà ở mọi lớp tuổi đều không có tên trong "Đinh bộ" (sổ ghi những người đóng thuế) (8).
b) Dân ngoài hay dân lậu: người đến ở làng ít lâu rồi đi hay ở lại luôn, nếu tìm được cách sinh sống.
c) Dân ngụ: người phải trả một số tiền vì được làng cho trú ngụ.
3) Giới chức sắc
Chỉ có những người này mới được ghi danh, đến họp đại hội, và bỏ phiếu ở hội đồng các chức sắc (9). Họ có nhiệm vụ quản trị làng. Để được ứng cử vào hàng chức sắc, cần phải ghi tên trong sổ đinh và ít nhất là 20 tuổi; là điền chủ; hay đại thương gia, có lợi tức, là công chức đang làm việc hay đã hưu trí. Số chức sắc tùy thuộc sự quan trọng, điều kiện dân cư và tục lệ của mỗi làng.
Buổi họp của các chức sắc trong làng gồm có các thành phần tham dự:
'Dịch mục': chức sắc thành niên, được chọn trong số người trẻ và hoạt động nhất. Họ gánh vác mọi việc, đặc biệt thi hành lệnh bắt giữ ai khi có nghị quyết.
'Kỳ mục': chức sắc trưởng thành, chiếm đa số và là thành phần có nhiều ảnh hưởng nhất. Họ là những người sắp xếp mọi vấn đề, đệ trình, bàn cãi để xúc tiến công việc.
Giới chức sắc nắm trong tay những quyền hành rộng rãi. Họ giải quyết mọi vấn đề trong làng, dưới mọi hình thức và lấy những quyết định để bảo vệ quyền lợi của làng. Chính vì thế người ta nói "làng xã là một nhóm hành chính tự trị" hay "Làng xã tự quản lý mình" hoặc "Lệnh vua thua lệ làng" (10)
4) Trọng trách của chức sắc
Những trọng trách chính trong công việc của các chức sắc là: chia việc trong làng, tìm người lao động cho những công việc có lợi ích chung, khi có yêu cầu của quan tỉnh, nhận tất cả tiền lĩnh canh và tiền thuế lợi tức, ký lại hợp đồng cho thuê, thanh toán, thảo luận và tính sổ sách, nhận những tặng vật và di sản, vay mượn và thế đất của làng, quản trị, có quyền trong tất cả mọi việc có lợi ích chung, như xây cất đường làng, cầu, bờ ruộng và bờ đê, phân định phần tiền thuế thu nhập cho những người phải trả thuế, chọn và tuyển tân binh, tổ chức đội canh phòng trong làng, đưa ra tòa án và tiếp nhận những án xử, là người xử hòa giữa dân làng, bằng lời khuyên bảo khôn ngoan. Và nhiều khi còn xử những án nhẹ, nhiều nhất là 10 roi mây, tổ chức những nghi lễ thường lệ, những hội hè và trò vui công cộng, để ý đến việc giáo dục các em nhỏ, giúp những người nghèo khổ và bệnh tật v.v… (11)
5) Lý trưởng và những người phụ tá
a) Lý trưởng: Hội đồng chức sắc cần một người đại diện trong mối quan hệ với nhà nước, họ tìm ở giữa những thành viên một nguời để ủy quyền. Người này sẽ được bầu bởi tất cả những người dân đinh (dân làng trong sổ bộ). Được bầu, ông trở thành lý trưởng, giữ việc thi hành những quyết định của hội đồng (12)
Đó là một người có tài ăn nói hoạt bát và khéo léo, thông thạo việc bảo vệ quyền lợi cho những người bị áp bức; có khả năng tránh cho làng những chi phí và bảo vệ quyền lợi của dân. Nhờ có danh thơm tiếng tốt, ông được các chức sắc chọn lựa và dân làng bầu phiếu.
Ngay khi cuộc bầu cử được chấp nhận bởi 'chức sắc đặc trách cuộc bầu cử', và không ai khiếu nại vì 'ông lý trưởng có tiền án', thì chính 'chức sắc đặc trách cuộc bầu cử' trao cho ông lý trưởng một chứng chỉ và một con dấu ấn (mộc). Hai vật này là biểu hiệu cho chức vụ và quyền hành của lý trưởng: trên mọi giấy tờ chính thức phải mang dấu ấn và chữ ký của ông lý trưởng.
Trong làng, ông lý trưởng lãnh đạo tất cả những công việc quan trọng, ông đích thân đảm nhận mọi việc của hội đồng chức sắc mà chúng ta đã nói ở phần trên. Tất cả những liên hệ và mọi giấy chứng thực sẽ vô hiệu lực nếu không có dấu mộc của ông.
b) Phó lý: Ông lý trưởng không thể trông coi tất cả mọi việc mà ông có trách nhiệm, ông trao lại một phần quyền hành cho một người phụ tá được gọi là "phó lý". người này được dân làng bầu cử với trách niệm sẽ giúp đỡ, trợ tá, và khi cần thiết sẽ thay thế ông lý trưởng. Ông là người đặc biệt chịu trách nhiệm mọi việc linh tinh trong làng, xây cất và sửa chữa từ con đường đến bờ đê. Như lý truởng ông cũng nhận được một chứng thư của 'chức sắc đặc trách cuộc bầu cử', nhưng không có dấu ấn (mộc)
c) Xã tuần hay tuần phiên: Người canh giữ đồng hay khu rừng ban đêm. Trên nguyên tắc ông chịu trách nhiệm nếu có cướp bóc hoặc phá rối, đêm cũng như ngày, trong làng hoặc ngoài đồng. Vì ông không thể trông coi khắp nơi, người ta đặt một nhóm người gọi là 'tuần đinh' để phụ giúp ông.
d) Thủ bộ hay thủ bản: Người này giữ giấy tờ, sổ sách của làng. Ông giữ sổ đinh bộ là sổ chính thức có tên cả dân làng, và sổ điền bộ, sổ chính thức ghi những chi tiết của chủ đất.
e) Tiên Chỉ: là người cao niên, đức hạnh và thế giá trong làng. Ông được tín nhiệm bảo trì thuần phong mỹ tục trong làng, chủ sự các nghi lễ công cộng, quan tâm đến việc giáo dục trẻ em và giới trẻ (13).
Nhiệm kỳ: Thời nhiệm những viên chức của làng không có hạn định. Tùy theo tục lệ mỗi làng. (14)
6) Những sổ ghi chính thức của làng
Mỗi làng thường có ba sổ ghi: Đinh bộ, Điền bộ và Sổ Hàng xã
a) Sổ đinh bộ: Dành để ghi những người có thể và đang là chức sắc, những người dân đinh. Vì hoàn cảnh chiến tranh, có nhiều làng đã bê trễ lập sổ này. (15)
b) Sổ điền bộ: Khoảng thế kỷ thứ VI sau công nguyên, thời nhà Lý, mỗi làng đều nhận lệnh lập một cuốn sổ ghi gọi là Điền bộ, trong sổ mang từng chi tiết tất cả ruộng và đất trồng trọt thuộc về làng hay thuộc về mỗi gia đình trong làng.
c) Sổ hàng xã hay Sổ hàng thôn: Trong đó có từng chi tiết về bổn phận và quyền lợi của dân làng, ghi những vấn đề căn bản như về tôn ti, ngôi thứ và những tập tục địa phương.
7. Tài nguyên của làng
Những nguồn lợi của làng để trang trải các chi phí, do dân làng đóng góp, từ đất đai, những vườn chăn nuôi, bán những chứng khoán, lợi tức bất động sản chung, đến việc vay tiền khi số thu vào không đủ. Trong trường hợp này, sau một buổi họp, hội đồng chức sắc quyết định bổ trên mỗi dân làng một số tiền ấn định tùy từng hạng theo sổ hàng xã. Những nguồn lợi chung của làng xã phải dùng cho việc chung, không được dùng riêng tư.
Người thủ bộ giữ sổ ghi những chi phí và thu nhập. Ông cũng lo việc trả tiền cho người này hay thu hồi của người khác, dĩ nhiên với sự đồng ý của ông lý trưởng. Hàng năm, một bản tường trình được trao cho hội đồng làng xã về tình hình tài chánh của làng và những việc đã thực hiện trong năm.
Trước khi chấm dứt những gì liên quan đến sự tổ chức của làng xã Việt Nam, chúng tôi xin lưu ý những gì đã nói ở phần trên chỉ là những nét tổng quát. Dù việc tổ chức của làng đã đổi mới lại năm 1921 ở miền Bắc Việt Nam (Tonkin) (16) và năm 1927 ở miền Nam Việt Nam (Cochinchine) (17) nhưng vẫn còn giữ được những nét cổ truyền như ngày trước, còn như những làng ở miền Trung Việt Nam (Annam) không bị một sự thay đổi nào. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không nói ở đây khuôn mặt của một làng dưới chế độ xã hội hiện nay. Tất cả đều thay đổi, ở Bắc Việt Nam từ năm 1954 và Nam Việt Nam từ năm 1975 (18)
III. Đời sống của làng
1) Những buổi họp
Không có thể lệ ấn định ngày và số buổi họp. Khi các chức sắc nhận thấy cần bàn cãi trong hội đồng một vấn đề mà họ phải có giải pháp tức thời, họ quyết định triệu tập buổi họp. Người đi thông báo buổi họp là anh trưởng mõ. Anh này cầm mõ gỗ, đi khắp thôn xóm, khua mõ và rao thông báo mời các chức sắc và tất cả dân đinh đến dự buổi họp. Anh nói vắn tắt nhưng rõ ràng ngày tháng, nơi chốn và mục đích của buổi họp.
Những người đến tham dự buổi họp, sẽ ngồi ở chỗ dành cho mình theo thứ tự đã lập trong "sổ hàng xã". Chỉ những chức sắc mới có quyền phát biểu. Dân đinh được mời dự và được giải thích về những vấn đề đã mang ra bàn cãi.
Sau khi bàn cãi, các chức sắc cứu xét và đưa ra những đề nghị được thông qua hay gạt bỏ theo đa số những chức sắc có mặt. Sau hết, vấn đề được biểu quyết và giao cho các tráng đinh thi hành. (19)
2) Đình làng
Đình làng là ngôi nhà chung, là nơi các chức sắc và dân làng thường hội họp để lo công việc hay cùng tổ chức lễ hội. Đây là trung tâm đời sống của làng. Người ta cũng hay dùng nơi này để làm trường học cho các em nhỏ trong làng.
3) Một vài công việc hành chính
a) Sinh sản: Dân làng không bắt buộc phải làm khai sinh khi có một trẻ em mới chào đời. Nhưng nếu em nhỏ là trai và người ta muốn cho em hưởng những đặc quyền và trọng trách sau này thì phải báo cho các chức sắc biết. Những người này sẽ cho em bé một tên ghi trong "sổ hàng xã", sổ danh sách riêng của thôn xóm, và kể từ lúc đó, em nhỏ đựơc xem như một trong những công dân tương lai.
b) Cưới hỏi: Ngày xưa, đám cưới ở Việt Nam được xem như một nghi lễ căn bản tôn giáo, hoàn toàn không có hiệu lực nếu không tôn trọng những nghi lễ của xứ sở. Làng dùng quyền hạn để làm cho đám cưới dân sự thêm phần vững chắc khi có "nộp cheo" hay "cưới cheo", kèm theo một món quà. Thường các chức sắc hiện diện, và lý trưởng thay mặt dân làng nhận tiền cheo và món quà. Chỉ sau đó, mới được cưới dâu và đôi vợ chồng mới được về "sống chung".
c) Qua đời: Làng không ghi sổ những khai tử cũng như khai sanh. Tuy nhiên, gia đình có thể thông báo cho chính quyền trong làng biết khi có người thân qua đời. Nếu người chết có tên trong sổ "đinh bộ", thì bắt buộc phải khai báo để có thể tìm người thế chỗ.
d) Tòa án hòa giải: Ông lý trưởng và các chức sắc là những người xét xử tất cả các vụ việc gây gổ, cãi vả, bất hòa của dân làng. Những người này không tuân theo quy tắc chung của cả nước. Chỉ có một vài quy tắc chính là được triều đình ban (20). Họ đặt một nội quy gọi là "khoán lệ", riêng cho mỗi làng. "Khoán lệ" là tục lệ cổ truyền, nhưng được soạn thảo với quyết định của đa số. Với "khoán lệ", làng giữ quyền cần thiết để bắt mọi người tôn trọng những quy luật, làng có quyền phạt vạ tất cả những vi phạm.
e) Giáo dục: Việc giáo dục công cộng ở Việt Nam rất phổ biến, ngay cả trong thôn xóm nhỏ, cũng có trường học và đông học sinh. Các chức sắc muốn đào tạo nhiều nguời trong làng có học thức và thế giá, nên ho rất quan tâm tới việc giáo dục con em. Thầy giáo (thầy đồ) thường là người cao niên, trí thức với bộ râu trắng, dài dưới cằm. Họ được nể trọng và kính mến như một người cha, không chỉ bởi các học trò mà cả dân làng. Một trong những lý do thực tế và không kém cao cả làm cho các chức sắc, phụ huynh và ngay cả các trẻ em trung thành theo nền giáo dục công cộng, là một khi có học trò thi đỗ ở địa phương, nguời đó sẽ được miễn các dịch vụ và có địa vị danh dự trong làng.
4) Những lễ hội trong làng
Trong mỗi làng luôn có nhiều buổi tiệc linh đình có tầm vóc quan trọng trong đời sống của làng, và mang nhiểu ý nghĩa:
a) Tình hiếu thảo gia đình: Để thể hiện tình gia đình đối với cha mẹ quá cố, các con phải biểu lộ bằng những buổi tiệc linh đình và tốn kém. Nhiều người giàu có bị phá sản vì chi phí quá nhiều cho tang lễ, cho những chuyện mê tín và cho những hình thức phô trương tốn kém. Thời nhà Lê (Hồng Đức 1474-1497) đã có những điều luật nhằm triệt bỏ mọi tục lệ mê tín và tốn kém, đồng thời khuyến khích lâp hội tương trợ giữa những nguời hàng xóm và dân làng trong những dịp hiếu hỷ của gia đình (21)
b) Củng cố thứ bực: Tuy mang đậm tính chất tôn giáo, gia đình hay xã hội, những buổi tiệc hay bữa cơm tốn kém như trên cũng là dịp để củng cố địa vị và thứ bực trong làng. Bởi lẽ đó mà có bàn trên, bàn dưới, những miếng thịt đầu, miếng ở chân, miếng thịt vai và miếng ở bụng... và sự tranh chấp, phản đối liên quan tới việc chia chỗ và phần ăn đúng theo thứ bực đã không tránh được. (22)
c) Khao vọng hay chính thức ra mắt: Một chức sắc được bầu, một khóa sinh thi đậu, một phẩm hàm vua ban, một chức vụ chính thức hay một tước phẩm danh dự, tất cả đều phải cho cả làng biết bằng một bữa tiệc lớn, vì "vô vọng bất thành quan" (chức phận không được công nhận nếu không có buổi tiệc). Vào dịp này, những người được mời tới dự tiệc mang theo một số tiền hay một món quà góp vào những chi phí.
5) Lễ hội trong làng
Đời sống trong làng được đánh dấu bởi bầu khí của nhiều lễ hội:
a) Các lễ hội tôn giáo: Các lễ tôn giáo trong mỗi gia đình như những "lễ giỗ" (ngày qua đời của một người trong gia đình) hay ở chùa (như lễ Phật Đản..., lễ đản sinh của Khổng Tử hay lễ Thần làng...)
b) Những lễ hội dân gian: như lễ Trung Thu, tết Đoan Ngọ, lễ Thanh Minh, và nhất là Tết Nguyên Đán (23), những bữa ăn lạnh của lễ Hàn Thực.
Vào ngày lễ, mọi người trong gia đình hay trong làng đều nghỉ việc, mọi việc đều ngưng lại, những con đường làng tấp nập; người ta diện quần áo mới... Các bàn thờ ở gia đình hay ở chùa đều được trang hoàng bằng những tấm khăn rực rỡ, đầy những lễ vật, thắp sáng những ngọn nến đỏ và nghi ngút hương thơm. Ba việc làm chính trong ngày lễ lớn là cử hành nghi lễ tôn giáo, rồi tham gia tiệc tùng và thưởng ngoạn các trò chơi, kể cả việc chơi bài giải trí.
c) Trò chơi dân gian: Những trò chơi được dân quê Việt Nam ưa thích là những trận đấu trâu, đấu cá, đấu gà, đua dê, đua heo, thi pháo Tầu, thi thả diều v.v… Những trò chơi trên đặc biệt được tổ chức vào các ngày lễ lớn của làng.
IV. Đôi Lời tóm kết
Như chúng ta vừa thấy, ngôi làng Việt Nam được cấu kết rất chặt chẽ. Đó là mối liên hệ đầu tiên, là một hội đoàn được lập ra giữa những người có tên trong sổ bộ và họ tự quản lý lấy về vật chất cũng như tinh thần. Làng không tách rời gia đình, nhưng chồng lên và đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ của dân làng. Nơi đây phải có tinh thần đoàn kết để cho làng tồn tại và phát triển. Một trong những đặc tính quan trọng của người Việt Nam là rất gắn bó với làng mạc cổ truyền: "Đá trôi làng không trôi". Tinh thần xóm làng luôn sống dai dẳng nơi người Việt Nam, đó là mối liên hệ kết hợp dân làng xóm, trong hiện tại cũng như quá khứ, làm họ gắn bó với mảnh đất của tổ tiên và tránh cho họ không bị mất gốc.
Tổ chức đời sống và tinh thần làng xóm có một ảnh hưởng sâu đậm trong việc tổ chức và nuôi sống các xứ đạo tại Việt Nam. Tuy sống chết với niềm tin, người công giáo Việt Nam luôn ý thức mình đã và vẫn là người Việt Nam chôn rễ và gắn bó với thôn xóm, làng mạc thuần túy Việt Nam. Hơn thế, qua họ, đạo công giáo hòa nhập vào văn hóa Việt Nam, làm phát triển thêm nền văn hóa địa phương, cụ thể là nền văn hóa gia đình và thôn làng. (24). Nhận định lịch sử này sẽ được khẳng định mạnh mẽ trong những trang kế tiếp khi chúng ta trình bầy khuôn mặt của một họ đạo tại Việt Nam.
MỤC II: KHUÔN MẶT MỘT HỌ ĐẠO VIỆT NAM
I. Tầm quan trọng của họ đạo
Trên thực tế, các họ đạo Việt Nam đã hiện hữu từ ba thế kỷ trước, nhưng mãi tới công nghị Cochinchine, tổ chức từ ngày 7 đến 14 tháng 8 năm 1880 tại Sài Gòn, mới lần đầu tiên mới ấn định sự phân chia các họ đạo trong mỗi giáo phận:"Mong rằng mỗi giáo phận được chia ra làm giáo hạt hay giáo tổng và mỗi giáo hạt chia ra nhiều giáo xứ hay họ đạo". (Il serait à souhaiter que chaque vicariat fut divisé en districts ou cantons et chaque district en plusieurs quasi-paroisses ou chrétientés) (25)
Chúng tôi không ngại ngùng nói rằng họ đạo là đơn vị căn bản của một giáo phận: "Chúng tôi gọi là họ đạo hay xứ đạo khi ở đó một tập đoàn giáo dân có sinh hoạt riêng, có nhà thờ và có lễ quan thày riêng, có các chức việc riêng và không lệ thuộc vào một tập đoàn giáo dân nào" (26)
Theo như quyết định của công nghị Cochinchne, mỗi giáo xứ thường có nhiều họ đạo: "Để tiện việc sắp xếp công việc cho các linh mục nhiều họ đạo gần nhau hợp lại thành một giáo xứ" (27). Nói cách khác, một giáo xứ có một họ chính hay họ trị sở và nhiều họ lẻ hay họ nhánh.
Như vậy, dựa vào tâm tính của người Việt Nam, vào lịch sử của Giáo Hội Việt Nam và vào ảnh hưởng của sự tổ chức và đời sống một ngôi làng cổ truyền Việt Nam đối với họ đạo, chúng tôi có thể nói rằng giáo xứ chỉ là một đơn vị hành chính, luân lý và tinh thần, trong đó những liên hệ không thực sự ràng buộc; trong khi họ đạo (họ chính hay họ lẻ) còn là một đơn vị hiện thực, trong đó tất cả giáo dân đều biết nhau, cùng có những tập quán chung, cách sống chung và đôi khi là anh em trong một gia đình hay bà con trong một dòng họ. Ngoài ra trong những văn bản chính thức liên quan đến Hội Đồng Quí Chức, người ta đã trình bày về vai trò của ông trùm họ hay ông biện sở của một họ đạo nhiều hơn vai trò của ông chánh trương hay ông trùm cả trong một giáo xứ (28) cũng nên nhắc lại là đơn vị căn bản của giáo phận và đặc biệt với một Giáo Hội còn non trẻ như ở Việt Nam trước 1953, không phải là giáo xứ (quasi-paroisse), không phải giáo hạt (district), nhưng là các họ đạo (chrétientés).
Bởi những lý do trên, trong chương này và cũng như trong suốt công việc trình bày của chúng tôi, chúng tôi sẽ trình bày về cách tổ chức, về đời sống và những chức việc của họ đạo, nhiều hơn là của những giáo xứ: vì chính trong họ đạo chúng tôi thấy rõ sự góp phần của giáo dân và hơn nữa của các chức việc, vào thừa tác vụ của linh mục, nhất là ở các họ đạo không có linh mục thường xuyên.
II. Sự thành hình của một họ đạo
Như chúng ta đã thấy, ở Việt Nam một giáo xứ luôn gồm nhiều họ đạo. Nhưng một họ đạo thành hình như thế nào? Lịch sử cho chúng ta thấy họ đạo được thành hình bởi nhiều sáng kiến và nguyên nhân.
1) Bởi sự khởi xướng cá nhân.
Họ đạo có thể được thành hình bởi niềm tin vững chắc và sâu đậm của một người giàu có, có học thức và nhất là chân thực. Bị đánh động về lòng bác ái hay bởi việc giảng thuyết của vị truyền giáo, người đó hoán cải niềm tin, rồi trở nên tông đồ, giữa những người đồng hương ngoại đạo. Bởi đời sống làm chứng cho đức tin, họ đã thu hút một vài người, với những người này họ thiết lập một họ đạo mới, mà họ là người chỉ huy và làm phát triển dần dần với thời gian (29). Sau đây là một vài trường hợp điển hình:
a) Ông Dominique và họ đạo ở Thuận hóa: Ông được rửa tội bởi cha Benoit de Mattos 30 năm trước khi gặp cha Alexandre de Rhodes. Mặc dù các cha vắng mặt, ông luôn rất tận tâm làm việc truyền giáo. Trong dịp gặp cha Alexandre de Rhodes, ông Dominique đã xin cha rửa tội cho 30 người tân tòng mà chính ông dẫn dạy giáo lý. Ông còn hoán cải được nhiều người trở lại. Kết quả, ông đã lập được một họ đạo mà ở đó chính ông tự xây một thánh đường rất đẹp.(30)
b) Một trí thức vô danh: Cha A. Launay đã kể lại chuyện một người học thức được nghe nói tới đạo Công Giáo, Ông tìm hiểu, thấy tốt đẹp và muốn theo nhưng bị gia đình chống đối ý định. Quyết định theo sự thật, ông rời bỏ những người thân và ẩn trú trong một thôn xóm xa xôi, ở đó ông làm thầy giáo để sinh sống. Có hai người học trò hỏi ông về đức tin, nhờ ông chỉ dẫn một người kể lại cho cha mẹ của mình và tất cả đã lãnh nhận phép rửa tội (31). Rồi từ đó là một họ đạo mới được thành lập.
c) Ông Tổng đốc Ca và họ đạo Hóc Môn: Đây còn là trường hợp khác của một họ đạo được lập ra, trước hết bởi một vị quan đã trở lại đạo rồi lôi kéo những người dưới quyền cùng theo: như họ đạo ở Hóc Môn đã khởi đầu nhờ ông tổng đốc Ca ở làng Hạnh Thông Tây, được rửa tội bởi đức cha Puginier năm 1863. Sau đó ông đã giúp cho 25 người dưới quyền trở lại. Thế rồi ông tổng Ca đã xin cất một ngôi thánh đường và lập nên họ đạo Hóc Môn (32).
d) Ông xã trưởng Phú Lộ và họ đạo St Michel: Ông xã trưởng Phú Lộ rơi vào tay đảng cướp và bị tước đoạt hết của cải, thảm hơn nữa còn bị chúng hại vu cáo. Ông đã tìm gặp một linh mục và thưa cùng ngài "Lúc khó khăn, những người khốn khổ không biết tin tưởng vào ai, nếu ngài rủ thương chấp nhận tôi như một người khách, tôi sẽ trở thành người công giáo cùng với cả gia đình..." Vị linh mục đã làm hết khả năng để giúp ông… Và như thế, sau đó đã có gần khoảng 30 người học giáo lý sửa soạn lãnh phép rửa tội để lập thành những người nồng cốt đầu tiên của họ đạo St Michel ở Phú Lộ (33).
2) Bởi sự khởi xướng của tập thể.
Họ đạo có thể tạo ra bởi sự tập họp một nhóm người công giáo đã rời bỏ nơi sinh quán, trốn tới những vùng xa xôi để tránh sự bắt bớ hay để tránh chiến tranh như:
a) Họ đạo An Nhơn và Vĩnh Hòa: Trước tiên, họ đạo An Nhơn được lập nên bởi một nhóm giáo dân từ Quy Nhơn đến tị nạn trong thời Tây Sơn khởi nghĩa. Họ đạo này được sát nhập với họ lẻ Gia Định (34). Rồi trong thời bách đạo năm 1859, nhiều giáo dân ở phía Bắc di tản xuống phía Nam và đến ở gần sông Rạch Ông. Họ tạo thành họ đạo Vĩnh Hội với một thánh đường đẹp đẽ. Đó là một trong những họ đạo đầu tiên của giáo xứ Khánh Hội hiện nay (35).
b) Họ đạo Tha La và Cu Mi: Vào cuối đời vua Gia Long, nhiều giáo dân, để thoát sự bắt bớ của các quan lại và sự ức hiếp của người ngoại đạo, bỏ trốn vào lập nghiệp trong rừng về phía Nam tỉnh Tây Ninh. Vào năm 1833, Ông Tri, một người công giáo nhiệt tâm và tận tụy trong công tác tông đồ, đã tụ tập họ lại để tạo thành một họ đạo mới. Đó là nguồn gốc của giáo xứ Tha La ngày nay (6). Sau cùng, cha Archimbaud và cha Bảy, đã giúp cả trăm giáo dân gốc Quy Nhơn và Phú Yên, trốn tránh bách đạo và chiến tranh. Họ tụ họp lại ở một miền đất phì nhiêu thuộc tỉnh Phan Thiết và lập thành họ đạo Cu Mi (37).
3. Sự trở lại của cả tập đoàn
Một họ đạo còn có thể thiết lập bởi việc trở lại của nhiều gia đình, nhiều khi cả thôn. Thường thường, một nhóm trung bình từ 10 đến 12 gia đình trong làng đến tìm gặp linh mục để xin được rửa tội. Linh mục khuyến khích họ và tuyển lựa thêm ít người nữa cùng khao khát như vậy. Khi có đủ số đông, linh mục gửi một thày giảng đến giúp họ xa tránh những tập tục ngoại giáo, rồi ứng tiền để dựng một chòi lá hay căn nhà gỗ, làm nhà nguyện cho họ đạo mới khai sinh. Nếu như chỉ có hai hay ba gia đình thì linh mục sẽ giúp cho họ tới lập nghiệp gần một ngôi làng công giáo tránh ảnh hưởng người ngoại đạo.
Đây là cha Cadière đã ghi lại: "Trong một ngôi làng đã lập được một họ đạo, có một, hai, mười gia đình trở lại, họ nhập với những gia đình công giáo khác để thích nghi đời sống đạo, để được giúp đỡ, rồi từ từ họ sẽ quen dần với sự cầu nguyện và chịu các bí tích của đời sống người giáo dân. Linh mục sẽ được bớt gánh nặng và có thể dạy họ giáo lý và giúp đỡ họ một cách thiết thực về vật chất. Mặt khác những cuộc trở lại riêng rẽ làm cho làng xã và nhà cầm quyền ít chú ý hơn" (38).
Chúng ta cũng có thể lấy làm thí dụ điển hình sự khai sinh của họ đạo Cửa Bạng và họ đạo An Vực mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên (39).
III. Ý nghĩa của từ 'Họ đạo' trong ngôn ngữ Việt Nam
Những khác biệt của sự thành hình các họ đạo như trên đã nói lên phần nào ý nghĩa chữ 'họ đạo' trong ngôn ngữ Việt Nam. Ở đây, một lần nữa chúng tôi xin mượn lời của cha Cadière để dẫn giải. Ngài viết: "Tại Việt Nam, họ đạo là một tế bào chủ yếu của công trình truyền giáo và của đời sống công giáo. Họ đạo bao gồm từ 'Họ', tiếng của người Việt Nam, trước tiên nêu bật ý nghĩa 'gia đình', 'họ hàng', thứ đến, theo nghĩa rộng hơn, áp dụng cho 'một nhóm người' hay 'một đoàn thể'. Từ này đã cho chúng ta thấy họ đạo dưới một khía cạnh thật đặc biệt. Thật ra, ở Việt Nam, quan hệ họ hàng, không phải là sự tụ họp lại của những người cùng có liên hệ một họ như ở Âu Châu. Sự liên hệ mà từ 'họ' muốn bày tỏ, bao hàm ý nghĩa rộng hơn, bởi vì ở Việt Nam, liên hệ họ hàng còn được tạo nên bởi việc thờ cúng tổ tiên, và như vậy, mối liên hệ không chỉ có tính chất tôn giáo mà còn thêm liên đới huyết tộc gắn bó những người cùng gốc gác với nhau, nó bao gồm cả những quyền lợi chung trong phạm vi tôn giáo. Như thế họ đạo, tương tự như họ đạo ở Âu Châu, không chỉ là sự tập họp những cá nhân, vào thời giờ ấn định, trong một nhà thờ. 'Họ đạo' không phải là một cơ thể giả tưởng với những thành phần, nhiều hay ít, có cùng một đức tin, nhưng đó là một cơ thể có thật, vững chắc và sống động " (40).
IV. Công trình tổ chức một họ đạo
Mặc dù gặp phải những khác biệt và khó khăn lớn lao gây ra bởi tình hình địa lý, khí hậu từ Bắc vào Nam, chiến tranh liên tiếp; bởi những khó khăn về chính trị, ngay cả sau cuộc bách đạo; bởi tâm tính khác biệt của người miền Bắc và miền Nam; bởi những phương pháp truyền đạo riêng của những linh mục dòng Tên, dòng Đaminh và hội Thừa Sai Paris v.v…, công trình truyền giáo tại Việt Nam có một sự may mắn lớn, đó là cách đồng nhất trong việc tổ chức các họ đạo, và các Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo. Vì thế chúng tôi không ngần ngại nói rằng phần trình bày của chúng tôi là một sự tổng hợp có thể áp dụng với những giới hạn cần thiết, cho bất cứ họ đạo nào, Hội Đồng Quí Chức nào ở Việt Nam (41).
1) Theo mẫu một ngôi làng cổ truyền
Giáo xứ là sự tập hợp của nhiều họ đạo nằm trong những làng, thôn, cách biệt nhau. Đó là một trong những sắc thái độc đáo của các giáo xứ ở Việt Nam (42). Họ đạo lớn nhất, nơi linh mục cư ngụ gọi là 'họ chánh' hay 'họ trị sở', những họ khác gọi là 'họ lẻ'.
Dĩ nhiên giáo dân phải theo những điều luật quản trị chung áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng khuôn khổ hành chính dân sự không đủ đối với đời sống đạo của giáo dân. Bởi thế họ ghép cách tổ chức của ngôi làng vào cách tổ chức đời sống họ đạo, đồng thời gạt ra những điều tiêu cực và thế vào đó những yếu tố xác thực, phù hợp với đạo giáo. Vì vậy người ta cho rằng hầu hết những họ đạo Việt Nam được tổ chức giống theo như một ngôi làng hay một thôn xã thời xưa
Như vậy họ đạo Việt Nam có tổ chức theo cấp bực, giống như chúng ta đã thấy ở trong ngôi làng cổ truyền. Trong cấp bực của xã hội, hành chính và tôn giáo này gồm có linh mục, Hội Đồng Quí Chức và những giáo dân.
2) Linh Mục.
Là nguời duy nhất có trách nhiệm làm trôi chảy mọi việc trong họ đạo đã được trao phó cho ngài (43). Vì vậy ngài là người đứng đầu chỉ huy họ đạo hay giáo xứ. Ngài nắm trong tay tất cả mọi quyền cần thiết để điều khiển giáo xứ, trừ truờng hợp Giáo luật dành riêng cho đức giám mục. Để trông nom những giáo dân được ủy nhiệm cho ngài, ngài có một dấu triện riêng (44).
Đối với người công giáo Việt Nam, nhất là đối với những chức việc, linh mục là cha linh hồn, là người đại diện cho Chúa, là thầy dạy. Mọi người đều nghe theo, kính trọng, tin tưởng và vâng lời ngài. Nhưng cùng lúc, giáo dân theo dõi đời sống của linh mục.
Họ xem như một tai tiếng lớn khi thấy linh mục thiếu trang nghiêm trong đời sống mục vụ. Và do đó có những chuyện đáng tiếc xảy ra giữa họ đạo và linh mục. Vì ý thức được những vấn đề này, trong những thư chung của các giám mục, những cuốn Chỉ Nam và văn bản các công nghị đã luôn khuyến khích các linh mục phải gắng sức sống cho đúng đời sống tu trì: lòng đạo sâu xa, sự nhiệt tình trong công việc tông đồ, chăm sóc và kiên nhẫn với giáo dân, kín đáo trong mục vụ, nghiêm chỉnh trong cách ăn mặc, về lời nói, trong đời sống riêng tư cũng như khi thi hành công việc mục vụ. Linh mục là con người mô phạm.
Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi hân hạnh đưa ra dưới đây những văn bản thực tế về mục vụ của linh mục họ đạo.
a) Tận tụy trong công việc tông đồ: Tận tụy là đức tính đặc trưng của các mục tử. Dù là cha sở hay cha phó, linh mục luôn nhớ rằng: một khi lãnh nhận thừa tác mục vụ và sứ vụ tông đồ, các ngài phải lo phục vụ dân Chúa bằng đức tính tận tụy và cứu rỗi các linh hồn bằng đời sống thánh thiện. Vậy, trước hết linh mục phải săn sóc những giáo dân đã được rửa tội và những người tân tòng đang học giáo lý. Nhưng ngài cũng không quên những người dân ngoại đang khao khát Tin Mừng và cần được giúp đỡ (45).
b) Kiên nhẫn với giáo dân: Tự bản tính, người Việt Nam ít nóng nảy và rất kiên nhẫn. Vì thế các linh mục phải giữ sao không nên nóng giận: đạt được sự bình thản là yếu tố cần có của những người lãnh đạo… Nóng giận làm giảm bớt uy tín, sự kiên nhẫn của linh mục làm cho mọi người nghe theo và kính trọng hơn là sự thông minh trong công việc hoạt động: Patientia opus perfectum habet (46).
c) Đời sống gương mẫu: Ở nơi cha, con người và linh mục chỉ làm một, nghĩa là ngài luôn là linh mục ở mọi nơi và mọi lúc. Đời sống của ngài là sự thực hành những gì ngài giảng dậy. Người ta sẽ đặt câu hỏi khi thấy một linh mục giảng trước công chúng phải hãm mình nhưng thích tìm kiếm thức ăn ngon; ca tụng điều đơn giản, không bám víu, nhưng lại xa hoa trong cách sống và phục sức; ca ngợi giá trị đức khó nghèo nhưng chính mình lại chạy theo tiền bạc. Sống làm sao để giáo dân có thể thấy những gì cha giảng dậy là điều cha thực hành mỗi ngày, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Có như vậy, việc tông đồ mới trổ sinh hoa trái (47). Một linh mục sống như vậy mới có thể kéo níu sự hợp tác của giáo dân trong việc tông đồ, mà đầu tiên là các chức việc.
3) Quí Chức.
Linh mục là người duy nhất chịu trách nhiệm điều hành các công việc trong họ đạo mà ngài đã được giao phó, với sự giúp đỡ của Hội Đồng Quí Chức (48) chúng tôi xin trình bày kỹ lưỡng trong những trang kế tiếp.
a) Mục đích và ý nghĩa của sự thiết lập Hội Đồng Quí Chức: Các chức việc được so sánh như 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Giống như Chúa Giêsu, các Bề Trên trong Giáo Hội lo thiết lập Hội Đồng Quí Chức để giúp các linh mục trong việc truyền giáo và mục vụ. Nghĩa là tham gia vào thừa tác vụ của linh mục. Những văn bản chính thức sau đây đã xác định:
Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, đức cha Colombert đã khẳng định: "Trước kia Chúa đã chọn 72 môn đệ. Trước khi đến nơi nào giảng dậy, Chúa sai các môn đệ đi trước để sửa soạn đường cho Chúa. Ngày nay, theo gương Chúa Giêsu, các Bề Trên trong Giáo Hội cũng chọn các chức việc trong họ đạo để họ giúp các linh mục. Ý định của các Bề Trên khi chọn các chức việc trong họ đạo trước tiên vì mục đích thiêng liêng: mở rộng nước Chúa, cho danh Chúa cả sáng, mang ơn cứu độ đến mọi nơi.
Sau nữa, các Bề Trên muốn các quí chức tham gia vào việc quản trị trong họ đạo, như những cộng tác viên của các linh mục, và trong những phạm vi cho phép hay trong những trường hợp cần thiết, quí chức có thể thay thế linh mục. (49).
Trong thư chung đề ngày 07.09.1899, đức cha P.M Gendreau đã viết: "Họ đạo nào cũng phải có các quí chức giúp linh mục lo việc mục vụ, lo các bí tích, trông coi các linh hồn và luôn giữ trật tự, yên ổn trong họ đạo hầu làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Vì thế người ta có thông lệ đề cử một người để trông coi họ chính và những người khác trông họ lẻ và từng khu xóm. Thông lệ này rất tiện lợi và tất cả các họ đạo phải áp dụng" (50)
Sau hết, công đồng Indochine năm 1934 đã nhấn mạnh: "Trong xứ chúng ta, Hội Đồng Quí Chức đã được thiết lập từ lâu, có thể giúp đỡ rất nhiều trong cách tổ chức Công Giáo Tiến Hành. Hội Đồng Quí Chức đã giúp các cha trong công việc tông đồ về cả phạm vi thiêng liêng và phạm vi thế tục. Phải nói, quí chức rất hữu ích trong việc giúp giáo dân sống vững niềm tin và tiếp xúc với lương dân" (51).
b) Những danh xưng của các chức việc. Giống như những điều chúng tôi đã nói về Hội Đồng Chức Sắc của làng, Hội Đồng Quí Chức của họ đạo, tuy có những điểm trùng hợp trên nét chính, nhưng cũng có nhiều khác biệt về chi tiết cho mỗi vùng hay mỗi giáo phận. Chúng ta sẽ thấy rất rõ khi nói đến các danh xưng và số người trong ban chức việc. Những danh xưng này rất phức tạp và nhiều thể loại. Chúng ta xem theo từng miền, từ miền Bắc tới miền Trung và miền Nam
Các giáo phận ngoài Bắc (Tonkin): Nghĩa là ở những vùng Thanh Hóa, Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình, Hưng Hóa, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn và Hà Nội, những thành viên của Hội Đồng Quí Chức đều có danh xưng giống nhau.
- Hội Đồng Quí Chức được gọi là 'Hội hàng phủ', hay 'Ban hàng xứ', 'Ban Phủ xứ' hoặc 'Hội đồng xứ'.
- Hội Đồng Quí Chức gồm có 'Ban tư vấn' và 'Ban trị sự' lo việc hành chánh. Trong thực tế, Ban tư vấn chỉ có trong một vài giáo xứ lớn ở mỗi giáo phận miền Bắc. Ở miền Trung và trong Nam không có Ban tư vấn.
- Thành viên của Ban trị sự hay đúng hơn của Hội Đồng Quí Chức trong mỗi giáo xứ gồm có 'chánh trương', 'phó trương', 'thư ký', 'thủ quỹ', 'tuần kiểm'; trong mỗi họ đạo, nghĩa trong một họ chính có cha sở và nhiều họ lẻ, thì có người đứng đầu họ đạo là 'trùm họ' hay 'giữ việc' hoặc 'thủ việc', người phụ tá là 'trùm phó', người lo an ninh gọi là 'thu khoán' và những người lo dạy giáo lý trẻ em là các 'quản giáo'.
Các giáo phận miền Trung (Annam): Là vùng Vinh, Huế, Quy Nhơn và Kontum, những thành viên của Hội Đồng Chức Việc hầu như cùng mang một danh xưng:
- Hội Đồng Quí Chức gọi là 'Ban chức sở' hay 'Ban chức việc'.
- Thành viên của Hội Đồng Quí Chức là: Trong mỗi giáo xứ có 'trùm cả' hay 'trùm chính', những người phụ trùm cả là 'câu nhất', 'câu nhì' v.v… trong mỗi họ đạo, người đứng đầu là 'biện sở' hay 'biện nhất', rồi những phụ tá là 'biện nhì', 'biện ba' v.v… tùy theo tầm quan trọng của họ đạo. Mỗi người trông coi một công việc đặc biệt, các quản giáo thì gọi là 'cai sĩ'.
Các giáo phận miền Nam (Cochinchine) Gồm Sài Gòn, Vĩnh Long, những thành viên của Hội Đồng Chức Việc giữ cùng một danh xưng:
- Hội Đồng Quí Chức được gọi là 'Hội Đồng quới chức’ hay 'Ban quới chức' hay 'Hàng chức sở'.
- Thành phần của Hội Đồng Quí Chức gồm: Trong mỗi giáo xứ, có người chủ tịch danh dự là 'trùm phủ' (phẩm chức này chỉ có ở vài giáo xứ lớn), ông chủ tịch gọi là 'trùm', phó chủ tịch là 'câu nhất', rồi 'câu nhì' v.v… và có nhiều ông 'biện' giữ những chức vụ khác như thư ký, thủ quỹ v.v… vì vậy phải có 'biện việc', 'biện hai', 'biện ba'… tùy theo tầm quan trọng của họ đạo.
Nhận xét quan trọng: nên chú ý rằng ở mỗi họ đạo được chia ra từng khu, người giữ trách nhiệm được gọi là 'trưởng khu' hay 'trưởng xóm' ở miền Bắc, là 'biện phái' ở miền Trung và là 'Giáp trưởng' ở miền Nam. Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ và trong tất cả những tài liệu chính thức tương tự, người ta nói đến trách nhiệm của trưởng khu, nhưng không công nhận người đó là thành viên của Hội Đồng Quí Chức. Luôn luôn trưởng khu chỉ được xem như bước đầu phải qua cho những ai muốn ứng cử sau này để bước lên một chức vụ cao hơn (52). Ngoài ra, danh dự nhất trong Hội Đồng Quí chức là ông chủ tịch, nhưng hoạt động nhiều, quan trọng, và trong coi mọi việc là ông trùm họ. Vì thế, trong tất cả các văn kiện liên quan đến Hội Đồng Quí Chức, người ta nói đến các ông trùm họ nhiều hơn ông chủ tịch hay những chức việc khác. Theo diễn tiến chúng tôi sẽ trình bày về đời sống của họ đạo nhiều hơn của giáo xứ, về những hoạt động tông đồ của các chức việc trong họ đạo nhiều hơn là các chức việc ở giáo xứ.
2) Trong các giáo xứ nhỏ, không có chức Trùm mà có chức Câu.
3) Ở nhiều họ đạo các giáo lý viên, nhất là giáo lý viên nữ, không được kể là thành viên của Hội Đồng Quí Chức.
4) Trưởng khu, Biện phái, Giáp không phải thành viên của Hội Đồng Quí Chức.
c) Các thành viên của hội đồng chức việc: Số các chức việc tùy theo sự quan trọng và cần thiết của họ đạo. Thường người công giáo Việt Nam rất quý hàng chức việc. Bởi vậy có rất đông chức việc. Thí dụ, giáo xứ Tân Định ở thời cha Eveillar (1874) đã bầu lại các chức việc gồm hai ông trùm cả, hai ông câu, 12 ông biện và 14 ông giáp (53). Ngoài ra, năm 1882, cha Girod, đã lập một Hội Đồng Quí Chức gồm từ 40 đến 50 người, chọn trong tất cả những họ đạo phụ thuộc (54). Năm 1884, trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, đức cha Colombert đã xác định một số chức việc như sau:
• Ở họ đạo có 1.000 giáo dân trở lên, nên có hai ông trùm, hai ông câu và 12 ông biện tùy theo số họ đạo lẻ. Trong họ đạo có số giáo dân không quá 1.000 người và là nơi cha sở cư ngụ, phải có một ông trùm, hai ông câu và 9 ông biện. Nếu họ đạo nào không có cha sở, có thể đặt một ông câu và 4 hay 6 ông biện, tùy theo số giáo dân. Cha sở lập những truởng khu nhiều hay ít theo nhu cầu. Những họ đạo muốn tăng thêm số chức việc phải xin phép giám mục. Họ đạo nào đã có số chức việc quá đông có thể giữ tình trạng y nguyên, nhưng khi có một chức việc qua đời hay từ chức, không được bầu thêm để thay thế và phải theo như số chức việc đã được ấn định (55)
• Vào năm 1953, đức cha Ngô Đình Thục lần đầu tiên sửa lại điều lệ như sau: trong họ đạo có 2.000 giáo dân trở lên, nên có hai ông trùm, hai ông câu, ít ra có một số ông biện tùy theo số họ đạo của giáo xứ, nhưng không được quá 20 người (56). Cũng nên nói thêm, sau thời kỳ bách đạo, số các linh mục gia tăng, các họ đạo được cải tổ, các hội đồng chức việc cũng được tổ chức lại và bớt số thành viên. Hơn nữa, theo cha Cadière: "Chỉ những họ đạo quan trọng mới có số chức việc vào khoảng 12 người, đôi khi có thể hơn. Ở họ đạo trung bình, không có ông trùm, có khi không có cả ông câu. những họ đạo nhỏ chỉ có một vài ông giáp. Thường ông giáp nào trổi trang hơn sẽ làm trùm họ" (57)
d) Điều kiện bầu cử một ứng viên: Một người công giáo muốn đắc cử trở nên thành viên của hội đồng chức việc, trước hết phải là chức việc đã hoạt động trong giáo xứ hay trong họ. Đi vào chi tiết, chúng ta thấy:
Những điều kiện phải có:
1) Đã làm giáp vài năm, nếu không thì phải xin phép đặc biệt của đức giám mục
2) Muốn trở thành trùm, ít nhất ứng viên phải đủ 25 tuổi.
3) Không đặc cử một chức vụ cao hơn nếu người đó chưa làm việc với chức thấp trước.
4) Phải là người đứng đắn, có hạnh kiểm tốt. nên chọn lựa những người đã lập gia đình. (58)
5) Phải hiểu biết đạo để có thể chỉ dẫn những điểm căn bản của đạo Chúa.
6) Phải là người tốt đạo thật sự.
7) Ít nhất phải biết đọc và viết chữ quốc ngữ.
8) Càng tốt hơn nếu có chức vụ trong phạm vi dân sự.
9) Ngoài những điều kiện trên điều cần nhất phải có là lòng sùng đạo.
Những điều kiện không được có: Tuyệt đối không được chọn ứng viên sau đây:
1) Người thích chia rẽ và coi thường người khác.
2) Người tính tình khó khăn, thiếu nhã nhặn khó dung hòa với người khác.
3) Người có đời sống hôn nhân bất hợp lệ.
4) Người có tiếng không tốt, nghiện ngập hay dâm đãng.
5) Người đã nhiều năm không xưng tội rước lễ.
6) Người thưa kiện trước toà dân sự về vấn đề tôn giáo.
7) Người không tuân phục cha sở, trùm họ trong vấn đề quan trọng hay ẩu đả với một trong những chức việc.
8) Người cho vay ăn lời quá đáng hay thông đồng với trộm cướp, lấy của cải của người khác.
Tóm lại, để chọn lựa một người chức việc, trước hết, phải chọn người đạo đức, hăng hái, thông minh và học thức, tuyển chọn được những người có nhiều khả năng (59)
e) Phương cách bầu cử các chức việc.
Theo nguyên tắc: Như những nguời có phẩm tước trong làng, các chức việc luôn được lựa chọn bởi giáo dân, nhất là ở những họ đạo không có linh mục, sau đó giám mục hay cha sở chuẩn y cuộc bầu cử. Quyết định của các công nghị Faifo (1672) và Tonkin (1900) đều xác nhận.
Công nghị Faifo tán thành: "Những họ đạo không có Thầy giảng (Catéchiste) có thể lựa chọn một giáo dân có khả năng, đức hạnh nhất để giúp đỡ cộng đoàn; ngay sau đó, tên tuổi người được chọn, phải đưa lên đức cha de Bérithe (đức cha Lambert de la Motte) hay đức giám mục phó để các ngài xác nhận, nếu vì nhu cầu cần thiết, người được chọn có thể làm việc ngay trước khi được chứng nhận" (60)
Công nghị Tonkin đã xác định vắn tắt rằng: "Ở mỗi họ đạo, sẽ ấn định hai chức việc (ông trùm và người phụ tá) được giáo dân chọn và cha sở xác nhận (61).
Những quy định rõ ràng nhất đã được đức cha Colombert sọan trong cuốn Chức Sở Mục Lệ. Những quy luật này đức cha P.M.Gendreau và các cuốn Chỉ Nam Giáo phận Huế, Quy Nhơn và Hà Nội đã lập thành văn bản như sau: "Cuộc bầu cử các chức việc là vấn đề rất quan trọng của họ đạo, vì vậy phải theo những thủ tục được xác định rõ ràng:
1) Việc bầu cử những ứng viên phải qua một cuộc bỏ phiếu của tất cả giáo dân từ 20 tuổi trở lên hay ít nhất bởi các thành viên của Hội Đồng Quí Chức.
2) Ứng viên phải được ít nhất 2/3 số biểu quyết, rồi sau đó mới được lập tên trên danh sách bầu cử.
3) Các chức chánh trương (trùm cả), phó trương (câu 1) hay trùm họ chỉ được đắc cử thực thụ sau khi cha sở đã ký giấy, và gửi xin đức giám mục phê chuẩn và cấp bằng.
4) Việc bầu các chức việc khác như: thư ký, thủ quỹ, tuần kiểm, giáo lý viên, chỉ cần chấp thuận của cha sở hay người kỳ cựu nhất tùy theo tập quán của mỗi miền.
5) Các chức việc một khi nhận được bằng chứng nhận của đức giám mục, thì chỉ có ngài mới có quyền cho ngưng việc hay từ chức. Những chức vụ khác nếu có lý do chính đáng muốn ngưng việc, chỉ cần xin cha sở (62).
Trên thực tế: Những điều lệ của Giáo quyền không được áp dụng hoàn toàn trên thực tế. Như những làng dân sự, nhiều họ đạo thích theo những điều lệ đã có từ trước hơn là theo luật của hàng giáo phẩm. Mặt khác, các cha sở thường ít tỏ ra dân chủ hoặc ít để ý tới nhiệm vụ. Chúng tôi xin nêu vài trường hợp lịch sử:
Bầu cử nghiêm chỉnh ở họ đạo Tân Quy: Được thực hiện theo như điều lệ: "Với một ngàn giáo dân, Tân Quy được kể là một trong những họ đạo lớn của giáo phận. Nhưng khi cha André Diên làm cha sở, ngài tổ chức những cuộc bầu cử các chức việc giữa giáo dân để có những người đáng tin cậy giúp trông coi linh hồn giáo hữu, và làm phát triển công việc ở họ đạo. Đúng theo luật, thì họ đạo Tân Quy phải có một ông trùm cả, hai ông câu và nhiều chức việc khác. Lần này cha Diên muốn chọn lựa một ông trùm cả và hai ông câu, nhưng làm sao để chọn được một cách thực dụng và hợp lý ? Thường thì có ba cách thức: - bề trên tùy ý chỉ định, - đề cử người đã làm việc lâu năm - hoặc tổ chức cuộc bầu cử. Cha Diên và các chức việc cùng toàn thể giáo dân đã lựa cách bầu cử. Thế là buổi chiều ngày 21 tháng 7 năm 1932 tại phòng hội, dưới sự chủ tọa của cha chính địa phận, với sự hiện diện của cha hạt trưởng, họ đạo Tân Quy đã bầu ra một ông trùm cả và hai ông câu. Cuộc bầu chức trùm cả đã gây sôn sao ngay ở vòng đầu: người này không được 2/3 số phiếu và cha chính giáo phận đã tuyên bố phải bầu lại lần thứ hai. lần sau này ông trùm cả đạt được đa số phiếu (63).
Cảnh cáo các cha sở lạm 'quyền chỉ định': Là những cha sở tự quyền chỉ định các chức việc.Cuốn Chỉ Nam giáo phận Hà Nội đã nhấn mạnh: "Tất cả những chức việc được bầu ra bởi cuộc đầu phiếu, phải được chọn trong số những người lớn tuổi nhất ở họ đạo, chứ không do cha xứ chỉ định độc đoán" (64). Tế nhị hơn, Chỉ Nam giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn nhắc nhở các cha sở: "Đề cử bất cứ ứng viên nào qua lá phiếu đều làm cho họ trở thành đại diện cho giáo dân trong hội đồng chức việc, chứ không phải là người nhận chỉ thị của cha sở " (65).
Cảnh cáo các cha sở không để ý bổn phận: Trái với trường hợp trên, có những cha sở để mặc giáo dân tự lo cuộc bầu cử. Với các cha sở này, đức cha Marcou giám mục ở Phát Diệm đã nhắc nhở: "Việc chọn những người đứng đầu hay phụ tá của họ đạo là việc rất quan trọng, các cha sở không nên coi thường, đừng để mặc cho giáo dân tự do, muốn tổ chức cuộc bầu như thế nào cũng được. Làm thế sẽ xảy ra sự thiệt hại lớn cho tất cả và gay tai tiếng cho đạo giáo" (66).
Sau hết, chúng tôi có thể chấm dứt nói về việc bầu cử các chức việc bằng lời sau của cha Cadière: "Chọn lựa các chức việc ở họ đạo là việc rắc rối và khó khăn. Do đó ở một giáo xứ lớn hay ở một họ đạo nhỏ, việc chọn lựa chức việc phải được quan tâm tối đa, mới tạo được sự hợp tác toàn hảo giữa những giáo dân với cha sở" (67)
f) Bổn phận của chức việc hay quí chức.
Cha Cadière rất có lý khi ngài đề nghị gọi "Hội Đồng Quí Chức" là "Ban Chức Việc", bởi lẽ 'danh xưng này vừa rất đẹp, vừa rất cụ thể': Từ 'Chức' có nghĩa là 'danh dự', 'chức vụ', 'tước vị', 'thế giá'; từ 'việc' có nghĩa 'trách nhiệm', là 'hành động', là 'làm việc', 'công việc', 'bổn phận', 'đòi buộc'. Như vậy các chức việc (quí chức) của họ đạo là những người có trách nhiệm trong các công việc, xây đắp cho họ đạo. Đó là bổn phận của họ (68). Chúng tôi sẽ nói rõ về điểm này trong những chương kế tiếp, ở đây chúng tôi chỉ nêu ra vài nét chính.
Nhìn tổng quát:
Đối với cha sở: Tùy theo những hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi họ đạo, các chức việc đảm nhận là trung gian giữa cha sở và giáo dân trong lễ cưới, rửa tội, thăm viếng người bệnh, tang lễ... Các chức việc là những người hợp tác chín chắn của cha sở; tùy từng trường hợp, họ có thể thay thế cha trong những việc đặc biệt. Bởi thế họ luôn tùy thuộc cha sở, họ phải tôn kính, vâng lời, phục tùng và giúp đỡ ngài.
Đối với giáo dân: các chức việc phải là gương mẫu cho tất cả giáo dân noi theo; họ phải lo cho giáo dân tuân giữ luật Chúa và Giáo Hội, đặc biệt ở họ đạo không có cha sở, lo cho các em nhỏ học kinh bổn đầy đủ. Họ giữ trật tự trong nhà thờ và giữa họ đạo. Họ quản lý tài chánh của họ đạo với sự đồng ý của cha sở.
Đối với lương dân: Ngay từ đầu, các chức việc cần phải cố gắng làm gương mẫu, dùng lời nói việc làm đưa lương dân về với Chúa… Sự cộng tác của họ với cha sở không chỉ giới hạn về hành chính của họ đạo mà còn đến cả việc rao giảng Phúc Âm.
Như thế, bổn phận của chức việc là tham gia tích cực vào thừa tác vụ linh mục dưới mọi hình tức phục vụ, thiêng liêng hay vật chất. Chúng tôi sẽ giới thiệu việc tham gia đăc biệt của họ trong thừa tác vụ thánh hóa, giáo dục, và trông coi họ đạo của linh mục.
Nhìn riêng từng chức việc.
Ông chánh trương hay ông trùm cả: Là người tùng phục cha sở, đứng đầu họ đạo, phải phối hợp công việc với các chức việc khác cũng như mọi giáo dân của họ đạo. Ông chủ tọa những buổi họp của hội đồng chức việc khi cha sở vắng mặt. Ông đại diện cha sở, các chức việc, và toàn thể họ lẻ, ông cũng chủ tọa những buổi cầu nguyện của giáo dân.
Ông phó trương hay ông câu: Phụ tá của chánh trương hay ông trùm, không có chức vụ đặc biệt. Ông hợp tác với ông chánh trương hay ông ông trùm, trông chừng cho mọi công việc của họ đạo được trôi chảy.
Thư ký: Lập và giữ các biên bản cho họ đạo.
Thủ quỹ hay thủ quản: Dưới quyền cha sở, trông coi động sản và bất động sản của họ đạo. Đây là thành viên quan trọng của Hội Đồng Quí Chức. Chúng ta sẽ nói rõ hơn ở chương VI.
Tuần kiểm: Người giữ an ninh, lo trật tự trong họ đạo, ông quan sát và báo cáo với người có thẩm quyền
Trùm họ: Là người đại diện cho cha sở và chánh trương hay trùm cả ở một họ lẻ hay một họ nhánh. Ông cũng đại diện cho cha sở và cho họ đạo của ông trong Hội Đồng Chức Việc. Ông đứng đầu họ đạo của ông. Tất cả những tài liệu liên quan đến Hội Đồng Chức Việc đều nói rõ vai trò và những công việc của ông. Trong thời cấm đạo và ngay những năm gần đây, để đơn giản hóa cách tổ chức các chức việc, người ta đã bỏ không lập các chức chánh phó trương hay trùm cả, ông câu, nhưng chưa bao giờ bãi bỏ chức vụ và công việc của trùm họ. Tất cả những điều này cho phép chúng ta không ngần ngại nói rằng: trong Hội Đồng Quí Chức hay Hội Đồng Chức Việc, chánh trương hay trùm cả là chức vụ danh dự nhất, nhưng người trùm gánh vác nhiều việc nhất. Vì thế không ai ngạc nhiên khi thấy chúng tôi nhắc đến ông trùm họ nhiều hơn là ông chánh trương hay ông trùm cả của giáo xứ.
Nam nữ quản giáo: là những người trách nhiệm các hội đoàn, nhất là dạy dỗ các trẻ em, dạy giáo lý và kinh nguyện, cũng như giữ trật tự trong nhà thờ.
Trưởng xóm, biện phái hay ông giáp: là phụ tá của người trùm.
g) Quyền lợi của chức việc hay quí chức.
Các chức việc có rất nhiều quyền lợi về tinh thần đi đôi với bổn phận của họ: Họ được giáo dân tôn trọng và nghe lời, họ có bằng cấp đức giám mục ban. Mỗi khi đọc kinh hay có nghi lễ ở nhà thờ, các chức việc được sắp theo thứ tự ngôi vị ở hàng ghế đầu, rao lịch phụng vụ; họ cũng đảm nhận đọc thông báo, đọc sách thánh, xướng kinh, điều động công việc ở họ lẻ và họ đạo, giữ sổ sách, thu xếp, xử lý những tranh chấp giữa các giáo dân. Hàng năm họ có buổi tĩnh tâm do cha sở hay đức giám mục tổ chức. Khi một chức việc qua đời, họ đạo xin một, hai hay ba lễ cho họ, tùy theo phẩm trật họ đảm nhiệm.
Như chúng ta đã thấy, các chức việc không hưởng quyền lợi nào về vật chất. Thực tế và những điều luật chính thức đã xác nhận. Nhưng thường vì quý trọng, nên có những quyền hạn về mặt thiêng liêng làm tăng thêm phẩm cách cho chức việc. Điều 3 đoạn thứ nhứt trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, in năm 1884, của đức cha Colombert, cho chúng ta thấy: "Tuy các chức việc của họ đạo không hưởng quyền lợi nào về vật chất, nhưng tầm quan trọng về thiêng liêng còn cao trọng hơn tất cả tước vị của thế gian. Các chức việc luôn phải coi bổn phận của họ dưới ánh sáng đức tin và chấp nhận giá trị danh vị của mình. Người nào nhìn công việc bằng cặp mắt người đời thì không thể biết sự cao quý và do đó không xứng đáng với chức vụ. Không phải bất cứ ai đều được kêu gọi để đảm nhiệm công việc, nhưng chỉ có những người được Chúa ban cho hiểu biết, có tâm tình nồng nhiệt và cảm phục tất cả mọi khía cạnh của công việc mình làm. Những ai được mời gọi đảm nhiệm công việc cao quý này cũng đừng coi thường những chức vụ hay ông việc ngoài đời, vì chính Chúa an bài mọi sự, như có lời Thánh Kinh: "Mọi việc có đều do Chúa xếp đặt" (Tv 15,5; Tl 2,24-26) (69).
4) Giáo dân.
Dựa vào số người ghi danh trong sổ nhân danh của họ đạo. Ngay từ ngày được Rủa Tội, mỗi giáo dân được chính thức ghi tên vào trong sổ này. Mỗi người phải thực sự hội nhập vào họ đạo ít nhất 7 năm và chỉ được bầu hội đồng chức việc khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, như trong một ngôi làng dân sự, ở họ đạo và họ lẻ, giáo dân chia làm 3 hạng, tùy theo nam, nữ và tuổi tác: mỗi giới được tổ chức rõ ràng, sau hàng các chức việc:
a) Giới cao niên.
Các lão ông hay những người nam cao niên: Không phải là một cấp bậc, nhưng là lớp người từ 60 tuổi trở lên. Họ chiếm một chỗ danh dự trong những buổi họp giáo xứ hay họ đạo. Họ được mễn việc nặng nhọc (miễn dịch), trừ trong những trường hợp như cha Cadière ghi lại: "Khi tất cả mọi người bị động viên làm việc chung trong họ, những người cao niên này cũng có mặt. Họ đến với lưỡi liềm lớn trong tay, ý thức sự lớn tuổi của mình. Họ được dành cho những công việc nhẹ: như phát quang một bụi rậm làm cản trở những người làm việc, chặt một khúc tre làm giây buộc, bện những sợi dây mây để làm giỏ đựng…" (70).
Các lão bà hay những bà trọng tuổi, từ 50 tuổi trở lên, được chú tâm riêng vào đời sống tôn giáo và những hoạt động từ thiện của họ đạo. Vì thế, chúng tôi nghĩ: "Không thể nói rằng giới nữ không đáng kể trong tổ chức những họ đạo Việt Nam" (71). Chức vụ các bà quản và những bà giúp rửa tội ở mỗi họ đạo đã chứng minh điều này.
b) Giới tráng niên.
Lớp trung niên: từ 31 đến 60 tuổi và những thanh niên từ 18 đến 30 tuổi là hai nhóm hoạt động nhất của giáo dân, chu toàn mọi việc nặng nhọc trong họ đạo. Cha Cadière gọi họ là 'những người lao động' (72).
Những tráng nữ: Các thanh nữ tuy phục vụ ít hơn phái nam nhưng cũng là những thành phần tích cực của họ đạo. Đặc biệt họ tham dự sốt sáng trong các nghi lễ phụng vụ.
c) Giới trẻ:
Gồm thiếu niên và thiếu nữ từ 12 đến 18 tuổi, lớp trẻ hơn là nhi nam, nhi nữ từ 7 đến 12 tuổi. Các em thay phiên nhau giữ việc đọc kinh và hát trong ca đoàn ở nhà thờ.
Việc tổ chức các giáo dân thành từng lớp, hay nhóm hoặc đoàn nhằm phát triển, nâng đỡ cùng nhau sống đức tin trong họ đạo, thí dụ như: những cuộc thi giáo lý. Hơn nữa, nhiều giáo dân gia nhập hội đoàn hay phong trào mang sắc thái tôn giáo hoặc xã hội mà chúng tôi sẽ nói tới sau.
V. Đời sống của họ đạo
1) Đời sống đạo
Tại Việt Nam, cho tới nay, rất ít giáo dân không giữ đạo. Một khi đã vào đạo, người ta quyết tâm sống đạo. Dưới đây, chúng tôi nói đến sự cầu nguyện ở nhà thờ, trong gia đình và đời sống thánh hóa của giáo dân Việt Nam.
a) Cầu nguyện tập thể ở nhà thờ
Ở họ đạo, dù có mặt linh mục hay không, giáo dân luôn hợp thành như 'một cộng đồng tôn giáo' với những giờ cầu nguyện chính yếu trong ngày (73). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn ấn định rõ ràng về "Những bổn phận của giáo dân trong họ đạo". Đặc biệt về đời sống thiêng liêng của giáo dân hai cuốn Chỉ Nam đều ghi: "Giáo dân ở họ đạo không giữ đạo riêng rẽ một mình, nhưng công khai và chung với nguời khác: vào ngày chúa nhật và ngày lễ lớn, họ cùng nhau dâng lễ, cùng nhau đọc kinh ban sáng, ban chiều, có khi cả ban trưa. Mỗi ngày trong tuần, cả họ đến nhà thờ đọc kinh chung sáng, tối Kinh nguyện thay đổi:
1) Theo mùa phụng vụ: mùa Giáng Sinh, mùa Chay, tháng Mân Côi, tháng Kính thánh Giuse, tháng kính Đức Mẹ, tháng Thánh Tâm, tháng các Linh Hồn.
2) Theo ngày trong tuần: thứ hai, cầu cho người qua đời; thứ ba kính thánh Antôn; thứ tư kính thánh Giuse, thứ năm kính Chúa Giêsu Thánh Thể; thứ sáu kính Sự Thương khó Chúa Giêsu, đi đàng Thánh Giá; thứ bảy tôn kính Đức Mẹ.
3) Nếu trong họ có người qua đời, cả họ dành nhiều ngày đặc biệt cầu cho linh hồn người quá cố v.v… (74).
Cha Louvet viết: "Từ 5 giờ sáng, tiếng trống vang dội mời gọi từ trẻ đến già tới nhà thờ hay nhà nguyện. Mọi người mau thức giấc làm dấu thánh giá và bước ra khỏi giường… đi đến nhà thờ, mỗi cử chỉ hầu như là tự động. Trong nhà thờ, trẻ em được đặt ngồi phía trước, bên cạnh các ông quản bà quản, vừa xem chừng các em, vừa xướng kinh. Mọi người mở đầu bằng kinh Truyền Tin, chia làm hai bè, nam nữ riêng biệt, tiếp theo là kinh cầu Chúa Thánh Thần, để biểu lộ đức tin, lòng cậy trông và lòng mến Chúa, rồi những kinh cầu. Ngày chủ nhật, còn có giờ học 'giáo lý hỏi thưa'. Khi có linh mục đến thăm họ đạo, toàn thể mọi người đều dự lễ, nghe giảng và hầu như tất cả đều rước lễ. Nơi có linh mục cư ngụ, nhiều người rước lễ hàng ngày. Và không ai quên đọc kinh cám ơn chung.
Buổi chiều, lại nổi hồi trống khác, đó giờ giáo lý cho các em hay tân tòng. Và một hồi trống nữa báo hiệu giờ kinh chiều, những ai có thì giờ hay ở gần nhà thờ, đều tụ họp lại để cầu nguyện. Tùy theo phiên, một chức việc chủ tọa buổi kinh nguyện. Cùng với ông, các cô thanh nữ thay phiên nhau thưa kinh với cộng đoàn mỗi tuần (76). Giáo dân đến đọc kinh đông hay ít tùy theo ngày: nếu trời mưa thì không đông lắm; ngày chủ nhật có chầu Thánh Thể, nhà thờ luôn đầy người".
b) Cầu nguyện trong gia đình
Khi người ta không thể đến cầu nguyện chung với mọi người ở nhà thờ, thì cầu nguyện trong gia đình với sự hướng dẫn của ông bố hay bà mẹ. Tất cả gia đình đều quỳ trước bàn thờ mà mỗi gia đình công giáo đều có. Cha Louvet cho chúng ta biết cảm tưởng của ngài: Thật là một khung cảnh tuyệt vời, làm tôi rất cảm động khi đến nhận việc, mỗi khi chiều xuống, lúc đi dạo trong một ngôi làng công giáo: giữa thinh lặng của ban đêm, tai nghe trổi lên ở mỗi nhà một điệu ngân nga, chậm rãi và hơi buồn; đó là lời kinh cầu của người Việt Nam, của từng gia đình ở họ đạo dâng lên tòa Chúa, cầu xin ơn trên ban xuống cho cả họ và gia đình. Buổi sáng, vào lúc hừng đông, lời cầu kinh sốt sáng lại bắt đầu, có nhiều khi, những người ngoại đạo chèo thuyền dọc theo một họ đạo, đã ngạc nhiên và xúc động khi nghe thấy một nhịp điệu rất mới đối với họ, những lời kinh mà họ được nghe lần đầu tiên, là tiếng kêu xin huyền bi đánh động nhiều người và làm cho họ trở về trong nôi của vị chủ chiên" (77).
Và đây là một nhận xét khác của cha Girod, cha viết "Nhiều lần trong đêm, khi đi qua những ngôi làng để đến thăm người bệnh, thử hỏi người truyền giáo nào mà không cảm thấy được an ủi, cảm hóa và thêm sức mạnh khi nghe một gia đình nghèo nàn, chen chúc trong mái lều tối tăm, cùng nhau cầu xin Cha trên trời ban cho lương thực hàng ngày" (78).
Cũng cần nói thêm rằng: Các giám mục rất quan tâm đến việc cầu nguyện trong các gia đình công giáo: Các ngài khuyến khích các gia đình nên trung thành với tục lệ sùng kính này, đồng thời, đưa ra những hình thức đơn sơ và thực tế cho việc cầu nguyện trong gia đình, là nên đọc hàng ngày và đừng làm ai chán nản. Chúng tôi hân hạnh trình bày một văn bản trích trong thư chung của đức cha Victoire Charles Quinton:
"Anh em thân mến, ngày trước cha ông anh em thích đọc kinh chung với nhau trong gia đình và xem đó là bổn phận thiết yếu cho từng thành phần của một gia đình công giáo, sống đạo theo đúng nghĩa; như trong thời kỳ cấm đạo, người công giáo không bao giờ bỏ đọc kinh sáng, tối, và với sự kiên trì họ luôn giữ được thói quen tốt lành đó cho tới lúc chấm dứt việc cấm đạo…
Thời nay, không còn bị sợ hãi như ngày trước, nhưng tiếc thay, thói tốt lành này mỗi ngày một kém đi. Rất nhiều gia đình công giáo không còn đọc kinh chung ở nhà, Vì vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi anh em hãy đọc kinh chung sáng, tối trong gia đình…
Có nhiều gia đình đọc kinh quá lâu: lúc đầu đọc thích thú và vui vẻ, nhưng dần dần đi đến lúc không còn đọc được với sự sốt sáng mà còn cảm thấy chán ngán, xem việc đạo như một gánh nặng, và như thế người ta bỏ việc đọc kinh sáng, tối. Ít đọc kinh vì không đủ khả năng của mình, hay dành ít thì giờ đọc, nhưng đọc với sự nhiệt tình phải có, cần nhất là đọc hàng ngày không bỏ ngày nào, còn hơn là muốn đọc nhiều rồi sau đó chán nản không muốn đọc nữa hay tiếp tục đọc nhiều nhưng vội vàng, không để ý, tâm trí lơ đễnh bởi những ý nghĩ chu du…" (79)
c) Đời sống bí tích
Cầu nguyện giúp thánh hóa đời sống. Qua hai văn kiện khác nhau, cha Cadière cho chúng ta thấy đời sống bí tích của giáo dân Việt Nam như thế nào. Ngài viết: "Hàng năm vào lễ thánh Phêrô và Phaolô, các chức việc họp lại tính sổ thiêng liêng của họ đạo xem đã có bao nhiêu giáo dân chu toàn bổn phận mùa Phục Sinh bao nhiêu người không làm…Tôi cần nói thêm như ở họ đạo Di Loan có khoảng 2.500 giáo dân, số người bê trễ chỉ đếm không đầy năm ngón tay" (80)
Chỗ khác cha viết: "Tại Huế có 341 họ đạo. Họ lớn nhất được 2.811 giáo dân, nhiều họ chỉ có vài chục gia đình. Trong số các họ đạo, có những họ sốt sáng hơn họ khác. Nhưng tôi phải nói rằng tất cả giáo dân đều giữ đạo: Tính số các bí tích trong năm 1909-1910, tôi ghi nhận, số giáo dân tổng quát là 42.489 giáo dân, trong mùa Phục Sinh có 26.814 người xưng tội và 25.267 người rước lễ, và chỉ có 672 người không xưng tội. Trong họ đạo của tôi, chỉ có ba người vì những lý do riêng, không thể giữ luật mùa Phục Sinh, so với 680 người xưng tội" (81).
2) Những nơi sinh hoạt chính
a) Nhà thờ hay nhà nguyện
Ngôi chùa là trung tâm của một làng truyền thống, nhà thờ cũng vậy đối với một họ đạo. Đó là nơi riêng biểu lộ đời sống tôn giáo. Một họ đạo không thể thành hình nếu thiếu nhà thờ hay nhà nguyện. Vì lý do này trong lịch sử cấm đạo, để tiêu diệt một cộng đoàn công giáo, trước tiên kẻ thù của đức tin phải phá hủy nhà thờ hay nhà nguyện. Trái lại, một trong những việc chính để lập họ đạo mới là xây ngôi nhà thờ hay nhà nguyện.
Để đánh dấu sự tiến bộ lớn của việc truyền giáo, trong bản tường trình gửi đến cha giám tỉnh năm 1645-1646, cha Jean Gâbal dòng Tên đã ghi số 24.000 người rửa tội, 200 nhà thờ chưa kể số nhà thờ nhỏ và nhà nguyện. Gần cạnh nhà thờ hay nhà nguyện, có một ngôi nhà khang trang dùng làm chỗ cư ngụ cho linh mục (82).
Và cũng theo cha Marini, cha phó duy nhất ở miền Bắc, vào năm 1657 đã có 414 nhà thờ. Những nhà thờ này không được xây đẹp đẽ bằng đá cẩm thạch như những nhà thờ ở Âu Châu, mà chỉ làm bằng gỗ, sơ sài theo kiểu Việt Nam, nhưng sạch sẽ và thích hợp cho việc thờ phượng. Những vùng có nhiều nhà thờ là: Hà Nội, với 4 nhà thờ ở thành phố và 12 ở ngoại ô; Nghệ An có 112 nhà thờ; Thanh Hóa với 74 nhà thờ và nhà nguyện (82). Vào năm 1884, đã có 622 nhà thờ hay nhà nguyện trong bốn giáo phận ở miền Nam (84)
Tất cả sự kiện trên cho chúng ta hiểu dễ dàng những công việc đòi hỏi các giám mục cố sức thực hiện sau thời cấm đạo. Cha L. Louvet viết: "Công tác chính trong những năm sau này là xây dựng nhà thờ, trường học và nhà cha sở ngụ. Cùng với những nhà thờ chính, lòng sùng đạo của giáo dân, hợp với sự hăng hái của vị truyền giáo đã gây dựng được nhiều nhà nguyện nhỏ khang trang nơi những họ đạo xa xôi… (85) Hơn nữa, hầu hết các cuốn Chỉ Nam giáo phận đều nhấn mạnh đến việc xây cất nhà thờ và nhà nguyện (86). Đặc biệt, cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội khuyến khích các giáo dân theo khả năng của mình, ít nhất xây được một giáo đường đàng hoàng ở mỗi họ chính và một nhà nguyện thích hợp cho từng họ lẻ (87).
b) Nhà Cha sở hay nhà xứ
Ngay cạnh giáo đường hay nhà nguyện có nhà cha sở ở rồi đến trường học của giáo xứ. Đối với giáo dân Việt Nam, nơi cha ngụ là "nhà Đức Chúa Trời". Mọi người đều kính trọng và góp phần xây dựng. Những câu sau đây ghi lại vài nét của một ngôi nhà cha ở Việt Nam: "Mỗi họ lẻ đều có một ngôi nhà rộng gọi là nhà cha hay nhà 'Đức Chúa Trời', nghĩa là nhà ở cho các linh mục và các thầy giảng. Thường thường ngôi nhà bao bọc bởi rặng tre, có ao và mảnh vườn nhỏ, cũng có vài mẫu đất để trồng trọt. ở mỗi họ lẻ, cha sở và cha phó, nếu có, nuôi khoảng từ hai đến ba chục người trẻ trong nhà xứ. Người này làm việc nhà và trông coi việc trồng trọt ngoài vườn, ngoài ruộng, việc tiếp khách, người khác là giáo lý viên hay giúp cha dạy học cho các em nhỏ, và trong các việc mục vụ khác" (88)
Giáo dân Việt Nam rất thích lui tới nhà xứ Quy chế giáo phận ở Sài Gòn nhắc nhở các linh mục: "Đây là tục lệ ở miền Nam, nhà các cha phải luôn mở cho giáo dân hay những người muốn tới, hoặc để hỏi han công việc hay muốn gặp và nói chuyện với cha, họ đạo là một gia đình và nhà cha ở dù là người Âu hay người Việt vẫn luôn duy trì truyền thống này. Cha sở lúc nào cũng tiếp đãi ân cần các khách đến thăm. Ngài để ý đến công việc, chia sẻ niềm vui cũng như an ủi khi họ đau khổ. Nhiều lúc vì bận rộn, ngài bắt buộc thâu ngắn buổi gặp gỡ, và tiễn khách ra cửa một cách lịch sự; nhã nhặn, đối với mọi nguời cha như một người cha, đúng nghĩa với danh xưng, người ta đến gặp ngài dễ dàng, với hết tâm tình, và không khi nào không có một lời khuyên nhủ của ngài lúc ra về...(89)
c) Trường của họ đạo
Sau nơi các cha ở, trường nhà xứ là nơi tất cả các giáo dân để ý tới. Hơn nữa, ở nhiều họ đạo, không có nhà cha ở, thì sau nhà nguyện là tới trường học. Trường học cũng là nhà hội của các chức việc, lớp dạy giáo lý, nơi sinh hoạt của các nhóm và các hội đoàn. Trường học không chỉ dành riêng cho các em đạo công giáo nhưng cũng cho trẻ em ngoại đạo. Nhiều khi số các em này còn đông hơn các em có đạo. Cha Louvet đã có lý khi ngài viết: "Vấn đề trường học được đặt ra ngay sau khi có nhà thờ và nói đúng hơn, hai việc này không thể tách rời nhau, vì nhất là ở những họ đạo mới thành lập, chúng ta xem trường học cũng cần có như là nhà thờ, để bảo đảm việc dạy đạo Chúa cho các em…(90). Đức cha Depierre đã có cùng ý nghĩ khi ngài tuyên bố: "Cạnh nhà thờ là trường học, đạo Công Giáo không bao giờ chống lại việc giáo dục" (91)
3) Những lễ đạo
Trừ những lễ dân tộc như chúng ta đã thấy khi nói đến đời sống của một làng truyền thống, các họ đạo còn có những lễ của đạo Công Giáo như:
Những ngày chủ nhật và ngày lễ theo luật buộc (lễ Giáng Sinh, lễ Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ Lên Trời, lễ Các Thánh) giáo dân bắt buộc dự lễ và kiêng việc xác. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, tất cả đều đến nhà thờ (92). Và cả những ngày ấn định họp các hội đoàn công giáo, hội đồng chức việc, hay những sinh hoạt đoàn thể. Những buổi thi giáo lý thường được tổ chức vào lễ Phục Sinh hay lễ Các Thánh (93).
Các lễ quan thầy, cầu cho các linh hồn ở luyện tội và ngày đầu năm cũng là những lễ quan trọng của họ đạo. Mọi việc đều tạm ngưng. Các tín hữu tới tòa giải tội, tụ họp dự lễ trọng thể và cầu nguyện rất lâu. Tóm lại, mỗi ngày đều có những lễ nghi đặc biệt, thí dụ như: "viếng nghĩa trang, giờ thánh" v.v.
Đời sống đạo ở họ đạo còn được đánh dấu bởi những buổi rước công cộng như rước Thánh Thể, kiệu Đức Mẹ trong ngày lễ Đức Mẹ lên trời hoặc mổi chủ nhật đầu tháng (94). Sau cùng, vào những ngày lễ, người ta còn tổ chức những bữa tiệc, những trò chơi dân gian như trong một làng dân sự.
4) Tinh thần đoàn kết.
Chính nhờ sự tổ chức tốt đẹp và cấu trúc chặt chẽ mà các họ đạo Việt Nam đã trở thành những thân thể sống động, vững chắc và gắn bó với nhau. Giáo dân Việt Nam đã thể hiện được sự hợp nhất của bí tích Rửa Tội và Đức Tin. Chúng tôi muốn nói đến sự đoàn kết của giáo dân trong cùng họ đạo ở những trường hợp cụ thể như sau:
a) Bởi đức tin và bác ái
Sự đoàn kết của giáo dân Việt Nam được biểu lộ trước hết bởi lòng thương yêu bác ái, đến từ ý hướng liên kết trong hội đoàn Việt Nam, đặt vào niềm tin của người công giáo, thúc đẩy tất cả mọi thành phần của họ đạo đối xử với nhau như anh em, khuyến khích nhau sống vững đức tin. Hơn cả người Việt Nam trong một làng dân sự, giáo dân đều tự nguyện tuân giữ luật lệ của họ đạo, chỉ thị của cha sở và của các chức việc. Họ nghe theo các chức việc trong những công vụ mang lại lợi ích cho họ đạo hay Giáo Hội. Trước khi đưa ra một câu chuyện có thực, cha Louvet đã công nhận rằng: "Giáo dân kính trọng và tuân phục những quyết định của các chức việc" (95) Và cha kể lại:" Năm 1787, Nhạc, anh lớn của nhà Tây Sơn, đã ra một chỉ dụ, trong đó ông đã khôn khéo đòi các lý trưởng lập sổ nhân danh ghi tên tuổi giáo dân. Phần lớn giáo dân cho tiền các quan chức ngoại đạo để họ ghi thiếu sót hầu tránh chính quyền làm phiền nhiễu. Nhưng ở Lái Thiêu, ông trùm là người đầy hăng hái và có đức tin mạnh, đã tụ họp các giáo dân tại nhà của ông và trình bày với họ rất hùng hồn đến độ tất cả cùng lấy quyết định đi gặp lý trưởng. Thế rồi đàn ông, đàn bà, người già, thanh nam thiếu nữ, các bà mẹ bồng bế con cái, đến khẩn nài để được ghi tên vào danh sách những người bị xử. Họ tuyên bố sung sướng vì không bỏ qua dịp tốt được chịu áp bức vì đạo Chúa. Người ta ghi lại có hơn ba trăm người. Và sau đó, những người này bị đánh thuế mỗi người 5 kg đồng. Những người nghèo không thể trả nổi, nhưng người khá giả hơn đã bán những gì mình có để giúp anh em" (96) Giáo dân Việt Nam rất quý trọng những gì gọi là "danh dự của họ đạo".
b) Bởi tinh thần tin cậy trong sự hợp tác
Sự đoàn kết của họ đạo Việt Nam còn biểu lộ trong tinh thần hợp tác hoàn tất công việc chung. Không chỉ riêng những chức việc, mà tất cả giáo dân cũng rất đoàn kết vào việc xây dựng họ đạo của mình. Đó là niềm an ủi và khích lệ cho các linh mục được sự hợp tác của giáo dân. Sau nhiều năm làm cha sở, cha Cadière đã có lý khi viết như sau: "Chúng tôi sung sướng được sự hợp tác tích cực của giáo dân, họ tin tưởng và vâng phục các linh mục. Và đây là sự hợp tác liên tục mỗi ngày, mỗi lúc, sự hợp tác của toàn thể trong tất cả mọi công việc của họ đạo. Tóm lại, sự hợp tác của toàn thể luân phiên nhau làm chuyển động mọi thành phần của họ đạo" (97).
Để đưa ra một điểm cụ thể, cha viết tiếp ở trang khác:" Tôi thấy trong những họ đạo tôi đã quản nhiệm, với sự giúp sức của giáo dân Tam Tòa, tôi làm lại mái nhà thờ của họ; giáo dân Cự Lạc giúp tôi xây nhà thờ của họ đạo; ở Bố Khê họ giúp tôi xây nhà thờ và nhà cha sở; ở Cổ Vưu, họ giúp tôi xây nhà thờ và một phần nhà xứ; ở Di Loan cùng với giáo dân tôi đã hoàn tất ngôi nhà thờ đẹp đẽ, sửa lại nhà xứ, trường học, nhà hội; ở Hòa Ninh cũng cùng với giáo dân tôi hoàn thành nhà thờ của họ đạo và xây được trường học ở Loan Lý…". Sau cùng, cha kết luận:"Trong giáo phận Huế và ở khắp Đông Dương công việc đều như thế" (98)
c) Sự đoàn kết ngoài họ đạo
Không chỉ với những giáo dân cùng trong một họ đạo, sự kết hợp này còn lan rộng ra đối với những họ đạo khác, đồng chủng tộc hay khác nòi giống. Đây là cảm tưởng của cha Courtelin khi nói đến hội từ thiện đầu tiên trong họ đạo của cha: "Giáo dân Việt Nam tuy nghèo nhưng rộng rãi. Họ hết lòng đóng góp tiền của hay hiện vật cho công việc xã hội, khi các Bề trên yêu cầu. Nhưng đáng kể nhất là họ đoàn kết trong tình thương yêu" (99)
Sử sách kể câu chuyện: tất cả giáo phận Sài Gòn được chiếu cố để giúp đỡ giáo phận Quy Nhơn bị thiệt hại nặng nề bởi ngập lụt năm 1924, rồi từ năm 1925, ở giáo phận Sài Gòn có phong trào xây cất lại những nhà thờ, trường học của họ đạo đã cũ, và tất cả các họ đạo khác đều tham gia hết long (100).
d) Những chia rẽ đáng tiếc
Nhưng tất cả các vụ việc trên không thể nói là luôn có sự đồng tâm và đoàn kết hoàn hảo với mọi giáo dân trong cùng họ đạo. Không phải không có lý do khi cha Bennet viết về sự ngoan cố của các giáo dân ngài trông coi (102), và cha Vignau đã có nói đến sự "chửi rủa" có nghĩa là "nguyền rủa lẫn hau với những lời độc địa nhất", giữa giáo dân, nhất là giữa phái nữ (103). Và cha Cadière, có rất nhiều kinh nghiệm mục vụ đã ngõ ý xin các cha sở quan tâm đến hiện tượng "phe phái gia đình" trong các họ đạo: có những vụ cạnh tranh, gây gổ, kiện thưa, thường xảy ra giữa dòng họ này với dòng họ khác (104).
Hơn nữa, đôi khi chuyện cãi cọ, thưa gửi trở nên bất trị trong một họ đạo: như trường hợp họ đạo Định Cát. Một vị truyền giáo thế kỷ 17 đã viết: "Phần các giáo dân ở Định Cát, họ không ngừng thưa kiện nhau, tôi phải trao họ vào sự quan phòng của Chúa" (105). Rồi năm 1955, cha Cadière đã viết: "Họ thưa kiện nhau không ngớt; linh mục đã cố gắng, bỏ ra nhiều thì giờ và sức lực để giải hòa" (106).
Chúng ta đã dượt qua cách hình thành và sinh hoạt của ngôi làng cổ truyền, và của họ đạo Việt Nam. Sự trình bày trên không thể là cách đối chiếu giữa ngôi làng và nhà thờ. Tuy nhiên, chúng tôi có thể nói rằng, được thành hình theo như cách thức của ngôi làng cổ truyền, họ đạo có một tổ chức vững chắc hơn của làng và Hội Đồng Quí Chức có cơ cấu chặt chẽ hơn tổ chức của các chức sắc trong làng. Đây là những kết quả cụ thể, mà các vị thừa sai đã hội nhập khéo léo vào các họ đạo, nhờ hiệu quả tốt đẹp của những nội quy cho chức việc và họ đạo do các giám mục đặt ra cho giáo dân. Nói như thế không phải tất cả những người công giáo Việt Nam tốt hơn những người dân ngoại, bởi vì có nhiều phật tử là những người rất ngay thẳng và sốt sắng. Chúng ta thấy nhờ ơn Chúa và giáo huấn của các cha, nhờ cách tổ chức vững chắc và nhờ ở các chức việc nhiệt tình, tận tụy và đáng mến, các họ đạo Việt Nam đã có một đời sống luân lý và đạo đức tương đối cao, theo như Thánh Kinh. Chúng ta sẽ thấy rõ khi nói đến sự tham gia của các quí chức (chức việc) vào thừa tác vụ linh mục, thừa tác vụ thánh hóa, tác vụ dạy dỗ và điều hành họ đạo.
---------------------------
Chú thích
(1) NHẤT-THANH, ĐẤT LỀ QUÊ THÓI trg 465-466 đã viết: "Triều Lê (1500-1800), người ta dùng những tên phân biệt: Trang, Động, Sách, Trại, Sở để chỉ những xóm, làng, ở tiếp giáp, hay nơi sâu thẳm trong rừng núi. Vạn là những xóm làng ở ven sông, ven biển, dân sống với nghề chài lưới; Phường là khu các nhà cùng làm một nghề ở quy tụ với nhau. Nhưng từ đời vua Minh-Mạng (1820-1830), nhà Nguyễn bỏ sự phân biệt này trong sổ sách, công văn, chỉ gọi là làng hay xã.
(2) Cf. Ory P. LA COMMUNE ANAMITE AU TONKIN trg.4-5; NGUYỄN VĂN PHONG, LA SOCIETÉ VIETNAMIENNE DE 1822-1902; trg.66-67.
(3) Danh từ dòng, phái, chỉ những gia đình mang cùng họ, con cháu cùng gốc; nói cách khác, dùng để chỉ tất cả các gia đình cùng một tên họ. Ở Việt Nam, có khoảng 40 tên họ một trong những họ nổi tiếng, có thể kể họ LÊ, NGUYỄN, VŨ, PHAN v.v… Dòng họ chỉ tính quan hệ nguồn gốc trên những người đàn ông. Ngoài ra, cũng phải nhắc đến nhiều gia đình tuy mang cùng tên họ nhưng không phải cùng gốc.
(4) Cf. ORY P. sd. trg1-5, ĐÀO DUY ANH, VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG trg 123-137; NGUYỄN HỮU GIAI, LA PERSONNALITÉ DE LA COMMUNE ANNAMITE trg 15-22; TOÀN ÁNH, LÀNG XÓM VIỆT NAM trg 30-36; NHẤT THANH sd trg 464-466.
(5) Đây là một vài chỉ dụ của nhà Nguyễn: Những chỉ dụ của vua Tự Đức năm 1785, của vua Đồng Khánh năm 1886 và 1887, vua Khải Định năm 1920 và của vua Bảo Đại năm 1935, kể theo NGUYỄN HỮU GIẢI sd. trg 21-22.
(6) Cf. NHẤT THANH sd trg 469-471.
(7) Theo NGUYỄN HỮU GIẢI, sd. trg 21, mức lợi tức thấp nhất của làng phải có: 30 người đóng thuế và 50 mẫu ruộng hay đất; Cf. NGUYỄN VĂN PHONG sd. trg 98-99.
(8) Sự phân biệt tùy theo mỗi làng. Chúng ta còn thấy tài liệu khác, thí dụ, của NGUYỄN VĂN GIẢI sd. tr.45-46: bình quyền dân sự là một điều, nhưng luật lệ xã hội là chuyện khác. Vì vậy, dân trong xã được sắp theo nhiều hàng khác biệt: những vi cấp cách dưới 18 tuổi, dân đinh là người trẻ từ 18-20 tuổi, tráng đinh đàn ông từ 20-60 tuổi, lão nhiêu người lớn tuổi trên 60 tuổi, những cô nhi, người tàn tật, quan viên, quan viên tử (con trai của quan viên), chức sắc, hương chức, bình đinh (lính), trạm (phát thư), học sinh, bá hộ (nguời giàu có), người bần cùng, kỳ cựu (ở lâu trong làng).
(9) Hương chức và chức việc có cùng nghĩa trong chức vụ. để phân biệt, chúng tôi dùng chữ Hương chức cho người có trách nhiệm ở làng và Chức việc cho những người trong họ đạo.
(10) Cf. NGUYỄN VĂN PHONG trích trg 100-101.
(11) Quyền hạn và trách nhiệm của hương chức trong làng được xác định trong chỉ dụ của vua Khải Định năm 1924 và hình luật của vua Bảo Đại năm 1935, NGUYỄN VĂN GIẢI sd. trg 61.
(12) Cf. LURO, COUR D' ADMINISTRATION ANNAMITE (in lần đầu lưu trữ các cha MEP) 1965 trg 143-145, 150. Theo NHẤT THANH s. trg 476-477 và NGUYỄN HỮU GIAI sd. trg 50: Cho đến thời vua Gia Long, gọi" xã trưởng "là người trông coi xã, đến thời Minh Mạng gọi người giữ trách nhiệm là 'Lý trưởng". Ngoài ra, theo ĐẶNG PHƯƠNG NGHI, LES INSTITUTIONS DU VIET NAM AU XVIlI SIECLE trg 87: trước năm 1735 xã trưởng được chỉ định bởi quan phủ hay quan huyện trực thuộc, đến thời Long Đức (1732) và Vĩnh Hựu (1735), dân làng được quyền chọn xã trưởng theo đa số khi làng, xã tự quản lý được.
(13) Trong nhiều làng còn những hương chức khác như: hương trưởng, làm việc với phó lý, người "tiên chỉ" người tuổi tác, tiếng tăm, giàu có và quen biết nhiều nên được coi như lớn nhất ở làng, người "thông-giảng" giảng giải chỉ dụ của triều đình cho dân làng; "thày sãi" trông coi chùa ở làng. CF. LURO sd trg 147-149; NGUYỄN VĂN PHONG sd. trg 101-102; NHẤT THANH sd. trg 478-479.
(14) ORY viết: "Theo chỉ dụ của triều đình, những phó lý và lý trưởng, không được ngưng hợp đồng làm việc trước ba năm, và hơn nữa, không dưới 30 tuổi. Hai quy chế này ít được áp dụng; vì thực tế vẫn mạnh hơn luật lệ (sd. trích trg 23). Chúng tôi không tìm ra ngày ký hai quy chế này. Nhưng chúng tôi biết vào giữa đời Cảnh Trị (1663-16720), Trịnh Tạc quyết định là, sau ba năm làm lý trưởng được lên chức Huyện nếu đã làm tốt, tròn công việc. Cũng vậy, năm 1720 (năm đầu đời Bảo Thái), Trịnh Cường quyết định các xã trưởng nếu qua hai kỳ thi tuyển (cứ ba năm tổ chức một lần) sẽ lên trật quan chức. Lệ này trở thành cũ kỹ và trung ương càng ngày càng không để ý đến hành chính của xã hay làng. ĐẶNG PHƯƠNG NGHI sd. trg 86
(15) Cf. LỊCH ANNAM THÔNG DỤNG TRONG SÁU TỈNH NAM KỲ 1873 trg 74-77.
(16) Cf. ĐÀO DUY ANH sd. trg 134
(17) Cf. ĐÀO DUY ANH sd. trg 133
(18) Hiệp định Genève ký ngày 10.07.1954 ấn định vạch đình chiến ở vĩ tuyến 17: Miền Bắc thủ đô là Hà Nội với chế độ Cộng-sản. Miền Nam thủ đô Sài Gòn chế độ Quốc-gia; Sài Gòn sụp đổ ngày 30.04.75.
(19) Cf. ORY sd. trg 57-65
(20) Chúng tôi đưa một thí dụ: "Cãi cọ, nguyền rủa không ẩu đả thì phạt nhẹ, thường các trưởng xóm tuyên phạt, từ 1-5 roi mây; nếu ẩu đả không gây thương tích, các hương chức sẽ tuyên án từ 10-20 roi. Nếu có thương tích thì phạt vạ nặng hơn và trình lên quan để xét xử" xem LURO sd. tr. 152-157.
(21) DELOUSTAL R. CODE DES LÊ ( Art. 141) trong Bull.E.F.EO.IX (1909) trg 781.
(22) Bởi thế có lệ từ thế kỷ 15 đã nói đến các vụ kiện liên quan đến việc biếu phần hay phần hưởng của những người có địa vị trong làng. Cf. RELOUSTRAL, CODE DE PROCEDUIRES (Art.1) trong Bull.E.F. EO. XIX (1919) trg 1, n.3.
(23) Nói đến sự quan trọng của ngày Tết chúng tôi xin đưa ra câu nói của PRYLUSKY: "Ngày Tết là ngày quan trọng đánh dấu thời gian và đình trệ nhịp sống mọi người" HUARD thuật lại và DURAND M. trong CONNAISSANCE DU VIETNAM, trg 78, và NGUYỄN VĂN PHONG sd.. trg 166.
(24) Cf. LG. 17 in. AAS 57 (1965) trg 21; GS 58, 62 in AAS 58 (1966) trg 1079, 1087; AG 15, 22 in AAS 58 (1966) trg 964, 973.
(25) Công nghị Cochinchine 1880, in TEYSEYRE, UN MISSIONNAIRE ALBIGEOIS EN COCHINCHINE, MGR GALIBERT phụ lục trg 342, c.6 Cf. DCO h.1 n.1 trg 3; PCI 33; DHN 104, 107, DQN 75; DH 71, 75. Ngoài ra việc phân chia theo luật của họ lẻ, có thể xem trong: CC.261, 451. Instructio Sacrae Congr. Consistorialis, I augustii 1919 in AAS II (1919) trg 345-346, Instructio Sacrae Congr.P.F. 25 julii 1920 AAS 12 (1920) trg 331-334, 9 decembris 1920 in AAS 13 (1921) trg 18-20. Sự phân chia và những khó khăn ở giáo hạt và các họ lẻ tại Việt-Nam, xem LAUNAY. A, HISTOIRE DE LA MISSION DU TONKIN, I trg 309-435; HISTOIRE DE LA MISSION DE COCHINCHINE, II tg 78-96.
(26) DQN 75.
(27) SC 10.
(28) Thí dụ, trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, chỉ có một trang với 6 điều cho trùm cả, nhưng có tới 14 trang với 23 điều dành cho người trùm.
(29) Xem chương I số III "Các họ đạo đầu tiên" và số IV "Tổ chức các Thầy Giảng".
(30) NGUYỄN HỒNG, LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM I, trg 167.
(31) LAUNAY A. LE TONKIN CATHOLIQUE ET MGR. RETORD (1851- 1858), Lyon 1893 trg 101-102.
(32) NKĐP (báo Nam Kỳ Địa Phận) (1917) số 454 trg 646.
(33) GIROD L. DIX ANS EN HAUT TONKIN trg 15-159
(34) NKĐP (1917) số 451 trg 597.
(35) NKĐP (1918) số 485 trg 326.
(36) NKĐP (1918) số 499 trg 550
(37) NKĐP (1922) số 696 trg 423
(38) NGUYỄN HỒ ĐỊNH, CINQUANTE ANNÉES DE CATHOLICISME DANS LA SOCIÉTÉ VIETNAMIENNE 1895-1945 trg 26.
(39) xem từ chương II. số II "Những trường hợp lịch sử".
(40) CADIÈRE, MISSION DE HUẾ, trong ASME 1911 trg 292.
(41) Những câu sau đây của cha Cadière xác nhận ý kiến chúng tôi: "Tôi lấy thí dụ ở giáo phận Huế mà tôi đã làm việc từ 10 năm nay. Những chi tiết tôi sẽ nêu ở đây (tổ chức và hoạt động của các họ đạo Việt Nam) bằng những công việc tôi làm ở trong Nam từ trước đến nay. Ở giáo phận ngoài Bắc, tổ chức hơi khác, có lớp dạy giáo lý. Dù sao, những gì tôi trình bày có thể áp dụng với vài giới hạn trong những họ đạo cổ xưa ở miền Bắc" (trong Bull. MEP(1955) số 79, trang 309.
(42) Theo tường trình năm 1937-1938 Giáo phận Hà Nội có 87 giáo xứ và 990 họ đạo, riêng họ lẻ Mường Tre có 22 họ đạo. Giáo phận Bùi Chu có 83 giáo xứ và 530 họ đạo, chỉ riêng giáo xứ Ninh Cường có 17 họ đạo…
(43) DQN 112, DH 98.
(44) DHN 107.
(45) Cf. DCO chương V trg 235-246; DQN 22-30; DHN 192-194, 211-216.
(46) Cf. DCO chương III, số III trg 208-209; DHN 95-96
(47) Cf. DCC chương III, số IV trg 212-213, DHN 56-113; DH 1-28, 46-49; DQN 1-21,48-52; PCI 53-87.
(48) Ở nhiều giáo xứ hay họ đạo cha sở còn có cha phó giúp, rồi đến những các thầy giảng và các nữ tu... Nhưng chúng ta không nói tới vì khuôn khổ của việc nghiên cứu.
(49) CSML 1-2.
(50) THƯ CHUNG ĐỊA PHẬN TÂY ĐÀNG NGOÀI II trg 119.
(51) PCI 363-364: "In regionibus nostris auxilium nobis praebere potest ad Actionem Catholicam ordinandam antiqua institutio Consilii notabilium seu priorum christianitatum. Hi priores enim jam magnum auxilium missionariis praebuerunt in administratione temporali et spirituali christianitatum, necnon utiles esse poterunt in fide conservanda apud fideles et provenda apud infideles"
(52) CSML 7,1; THƯ CHUNG ĐịA PHẬN TÂY ĐÀNG NGOÀI II. Trg 120.
(53) TDNS (1972) số 36 trg 13.
(54) GIROD, UNE TURNÉE PASTORALE DANS LE VIC. DU TONKIN. OCC
(55) CSML 10-12.
(56) CSML, in lần thứ hai 1953 số 10 trg 10.
(57) Bull. MEP (1955) số 79 trg 313.
(58) CSML Ấn định: muốn trở thành "Giáp" phải đủ 25 tuổi, "biện" khoảng 30 tuổi (7,2); Mgr P.M. Gendreau nhấn mạnh những ứng viên phải đứng tuổi, chủ tịch và phó chủ tịch ít nhất phải đủ 40 tuổi, thư ký, thủ quỹ, tuần kiểm, trùm họ ít nhất là 35 tuổi, quản giáo hay trưởng xóm là 25 tuổi. Cf. TCĐPTĐN II, trg 200.
(59) Điều kiện tuyển một ứng viên. Cf. CSML 7; QN 114; DH 99; DHN 150,153; AD tit. IV cap. III trg III; TCĐPTĐN II, trg 119-120; THƠ CHUNG ĐỊA PHẬN THANH trg 407-408.
(60) Trích LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DE COCHIN. I trg 107.
(61) "In singulis christianibus instituentur due curatores (ông trùm chính, ông trùm tùy) ab ipsa christianitate electi et a sacerdote approbati" AD tit. IV cap. III. trg III.
(62) Để tuyển những chức việc.Cf. CSML 6-9; TCĐPTĐN II; trg 200-201; DH 100; DQN 114; DHN 150 CADIÈRE: ORGANISATION ET FONCTIONNEMENT D UE CHRETIENTE VIETNAMIENNE trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 311-314.
(63) NKĐP(1932) số 1212 trg 485-487.
(64) DHN 153
(65) DQN 114; DH 100.
(66) Trong TCĐPT II, trg 407-408.
(67) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 313
(68) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 312
(69) CSML 3.
(70) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 82 trg 575
(71) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 317
(72) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 316
(73) VIGNAU, LA VIE CHRETIENNE ANNAMITE trong Miss. Cath. 77 (1945) Trg 12
(74) DQN 129; DN 112.
(75) Cha Cadière cho chúng ta một thí dụ: Họ đạo Kim Long, ở gần Huế, đã có 547 người xưng tội mùa Phục sinh, 9.270 xưng tội sốt sáng và 12.973 rước lễ thường xuyên, trung bình mỗi người rước lễ khoảng 25 lần một năm. Cf. LA MISSION DE HUẾ, trong ASME (1911) trg 296-297.
(76) DHN 246.
(77) LOUVET L., LA COCHINCHINE RELIGIEUSE I trg 358-359.
(78) GOROD, RÉCITS D'UN MISSIONNAIRE trg 81.
(79) Thư mục vụ của Đức cha V.Ch. Quinton năm 1918 trong MBTC II trg 119
(80) OFCV trog Bull. MEP (1955) số 85 trg 964.
(81) LA MISSION DE HUẾ, trong ASME (1911) trg 296; Cf. Lettre de Mgr Marcou (giáo phận Phát-Diệm) trong Miss. Cath. 51 (1919) trg 521.
(82) NGUYỄN HỒNG op.cit. I trg 224.
(83) MARINI, DELLE MISSIONI DE' PADRI DELLA COMPAGNIA DI GIESU NELLA PROVINCIA DEL GIAPPONE… trg 264; Cf. PHAT PHAT HUỒN sd. I trg 82.
(84) LOUVET L. op.cit II trg 450
(85) LOUVET L. op. cit. II trg 441
(86) DQN 241-247; DH 213-220; DHN 227-234.
(87) DHN 227
(88) PIERRE, ANDRÉ RETORD, VICAIRE POSTOLIQUE DU TONKIN OCC. trong APF 25 (1853) trg 15-16
(89) DCO chương III, số III. trg 207-208
(90) LOUVET L. sd.II trg 441
(91) DEPIERRE, SITUATION DU CHRISTIANISME EN COCHINCHINE À LA FIN DU XIXè SIÈCLE trg. 36.
(92) NGUYỄN HỒNG sd. I trg 224; và nhất là thư chung của đức cha MOSARD (Mão) năm 1906: DE L'ASSISTANCE DE LA MESSE DU DIMANCHE trong MBTC, I trg 67; DQN 284-288; DH 256.
(93) DHN 132
(94) DQN 300-302; DHN 250-253; DH 261-273.
(95) LOUVET L. sd. I tr 357; NGUYỄN HỒNG sd. I trg 227
(96) LOUVET L. sd. I trg 435
(97) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 309
(98) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 82 trg 574
(99) Thư cha Courtaulin gửi đức cha Lambert de la Motte ngày 30 tháng 8 năm 1675, trong LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DE COCINCHINE I, tr.159-160.
(100) NKĐP (1925) trg 674
(101) NKĐP (1935) trg37
(102) LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DE COCHINCHINE II. trg 193
(103) Art. cit. trong Miss. Cath. 77 (1945) trg 14-15
(104) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 313-315
(105) The cha Cadière, trong OFCV, Bull. MEP (1955) số 79 trg 311
(106) OFCV trong Bull. MEP (1955) số 79 trg 310
Hình chụp ngày Lễ Ngân Khánh 25 năm của hai quý chức (1924-1940) phục vụ trong Hội Đồng Quý Chức Cầu Kho, Sài Gòn.
Đạo mầu dun dủi đến công thành
Bằng điểu tung bay vui phụng sự