Ngày thứ bảy 29 tháng 1 và Chúa nhật 30 tháng 1 năm 2011 vừa qua, giáo xứ thánh Minh Orlando tổ chức hội chợ Tết, mang tên Hội Tết Về Nguồn. Năm nay là Hội Tết Về Nguồn lần thứ 19. Đây quả là dịp để người Việt trong vùng đến để vui chơi, để nhìn lại những hình ảnh Tết của quê hương. Năm nay, năm Tân Mão, khách đến với Hội Tết Về Nguồn sẽ được thưởng thức những món ăn “đậm tình quê hương”, sẽ được dịp vui cười nhìn đoàn lân lớn bé đang say pháo, sống lại đôi phút lịch sử với vở kịch “Tiếng trống Mê Linh” được trình diễn ngoài trời.

Nơi đây xứ lạ quê người mà phong tục có khác thì ngày Tết quả là ngày vui đặc biệt riêng của bà con mình. Người ta không lo trữ gạo nếp để gói bánh chưng, bánh tét, cũng không lo quết bột để làm bánh ít bánh gai mà chỉ cần đi mua sắm. Người ta cũng sắm sửa, người ta cũng lo rước ông bà. Người ta cũng đi thăm viếng, người ta cũng đi lễ chùa, lễ nhà thờ, người ta cũng đi hái lộc đầu năm, người ta cũng "trẩy hội xuân", nhưng mà:

Vui xuân thiên hạ bao nhiêu kẻ
Ngồi nhớ xuân xưa họa có ta

Tuy ở nhiều nơi, các cộng đồng người Việt đón Xuân cũng tưng bừng lắm, nhưng nhớ lại một chút những ngày Xuân trước kia thì chắc là không làm sao có lại được. Không biết có nơi nào đó mà ta có thể thấy lại những sạp báo phủ đầy những tờ báo Xuân đa dạng: Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Dân Chủ, Dân Đen, Dân Chúng, Công Luận, Phụ Nữ Diễn Đàn, Tiền Phong, Thời Nay, Phổ Thông,. .. khổ to, khổ nhỏ, màu xanh, màu đỏ. ..

Rồi từ đầu tháng chạp (12 âm lịch), xung quanh các chợ, các sạp bán Tết được dựng lên. Ở những sạp bên cạnh chợ: chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Thị Nghè, Gia Định, hay ở các tỉnh. .. bày la liệt, mứt bánh, bánh ngon bánh dỡ, rượu thiệt rượu giả, thèo lèo "cứt chuột", mứt bí mứt dừa, hàng Tây hàng Mỹ (bôm, nho, xá lị, rượu), hàng Nhật, Hồng Kông bên Tàu, Hồng Kông "bên hông Chợ Lớn", hàng Á Rặp (chà là), hàng Thái Lan, Cam Bốt. .., lạp xưởng, vịt quay, vịt lạp, thịt khô, thịt muối...

Đọc trong những tờ báo hồi đó, thỉnh thoảng ta cứ gặp lại những cảnh Xuân ngày xưa:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

Ông đồ ngày xưa viết thuê cho người những câu đối vì ngày xưa khi mà:

Còn vài hôm nữa hết mùa đông
Cột nhà hàng xóm lên câu đối.
Chuẩn bị đón Xuân, ngoài các thứ, nhiều người lo trong nhà có câu đối Tết, cầu mong những điều may mắn cho gia đình trong năm mới, cầu chúc những điều lành cho khách đến chơi và còn lo dọn dẹp nhà cửa, sửa sang lại trong ngoài. Nói tới Tết, nhớ tới mẹ tôi, thôi thì khỏi nói:

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều
Sân gạch tường hoa người quét lại
Vẽ cung trừ quỹ giồng cây nêu.
Mẹ tôi đã lo từ lâu lắm:
Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Mẹ tôi đã tính "Tết thì vừa"
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà dọn cửa rửa bàn thờ.

Năm đó tháng chạp thiếu (chỉ có 29 ngày):

Nay là hăm tám Tết rồi đây
Tháng thiếu cho nên hụt một ngày
Sắm sửa đồ lề về việc Tết
Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay

Đi chợ những ngày này là để mua dậm thêm những gì còn thiếu:

Không như mọi bận, người mua quà
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà
Cho các em tôi đứa mỗi chiếc
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà

Đến 29 Tết thì tôi và các em tôi đã thuộc nằm lòng câu "nói" để ngày mai mùng một Tết đi mừng tuổi (chúc thọ): "Năm cũ vừa qua bước sang năm mới, con kính chúc. .. được sống lâu trăm tuổi." Phải nói cho trôi, phải nói cho xuôi, đứng khoanh tay ngay ngắn, xong câu là, là... được lì xì.

Đến hôm 29 Tết thì mọi việc kể như xong xuôi:

Giết lợn đồ xôi lại giết gà
Cổ bàn xong cả từ hôm qua.
Đêm 29 Tết: đêm cuối năm, đêm giao thừa:
Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức
Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Ba.

Rồi:

Mẹ tôi gọi cả các em tôi
Đến bên mà dặn: "Sáng ngày mai
Các con phải dậy sao cho sớm
Đầu năm, năm mới phải lanh trai."
Mặc quần, mặc áo lên trên nhà
Thắp hương, thắp nến lễ ông bà
Chớ có cãi nhau, chớ có quấy
Đánh đổ, đánh vỡ như người ta...
Tôi còn nhớ, sáng mồng một:
Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên
Bút lông dầm mực viết lên trên
Trên những gì gì tôi chẳng biết
Giữa đề năm tháng, dưới đề tên.

Còn mẹ tôi thì:

Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi
Rón rén lên bàn thờ ông tôi
Đôi mắt người trông thành kính quá
Ngước xem hương cháy đến đâu rồi
Rồi năm đó, cũng ngày xuân, khi tôi lớn lên rồi:
Tôi mặc một chiếc quần mới may
Áo lương, khăn lượt, chân đi giày
Cho tôi sang lễ bên quê ngoại
Người dặn: con đừng uống rượu say!

Rồi ngày lại ngày, Xuân lại Xuân. .. Giờ cũng Xuân đến, tôi không được đón Xuân nơi quê nội, tôi không được về quê ngoại uống rượu Xuân. Tôi không còn dịp để thấy:

Có những ông già tóc bạc phơ
Rượu đào đôi chén, bút đề thơ
Những bà tóc bạc, hiền như Phật
Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.
Quanh đây làm sao có cảnh:
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ, khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt, miệng nam mô.
Tôi đâu còn có dịp để nghe:
Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi.
thì làm sao ăn được chiếc bánh ngày Xuân mẹ gói cho!
Khứ thế xuân quy sầu cửu biệt!
Thì Xuân về chỉ biết uống rượu làm vui! Nhưng:
Chén rượu tha hương, trời! Đắng quá!

Cho nên:

Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở
- xa nhà, uống rượu có say không?

Chị ơi:

Năm nay, ồ thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng
Xuân này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng

Nơi xứ người:

Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết
Một mình em vẫn cứ tay không

Em nhờ chị:

Vườn nhà Tết đến hoa còn nở
Chị gửi cho em một cánh hồng
Tha hương chả gặp người tri kỷ
Một cánh hoa tươi đỡ lạnh lòng

Vì:

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chao ôi! Tết đến mà không được
Thấy lại quê hương thật não nùng.

Năm nay như mấy năm trước, đêm giao thừa không có bàn thờ mẹ với chị chưng dọn như ở nhà mình ngày xưa, nhưng em cũng có đốt nến, để rồi:

Đêm nay em thức thi cùng nến
Ai biết tình em với núi sông!?

* Trích thơ Nguyễn Bính