VINH - Trong mấy ngày vừa qua (1.10-5.10), các trận mưa lớn đã gây ra ngập lụt trên diện rộng các tỉnh Bắc Trung Bộ. Giáo phận Vinh nằm trọn trong khu vực này và lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho hàng chục nghìn giáo dân, nặng nhất là giáo dân tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình hiện vẫn đang bị cơn lũ dữ bủa vây. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến chiều ngày 5.10.2010, cơn lũ đã cướp đi sinh mạng của 27 người, hàng chục nghìn nhà dân bị ngập, cuốn trôi.

Tại Hà Tĩnh, Ngàn Sâu là giáo hạt chịu thiệt hại nặng nề nhất. Giáo hạt bao gồm 14 giáo xứ, thuộc huyện miền núi Hương Khê. Mưa với cường độ lớn trong những ngày qua đã gây ngập lụt toàn huyện với 15/22 xã bị nước nhấn chìm.

Đây là huyện có tỉ lệ giáo dân đông đảo (29.072 giáo dân) và phân bố dàn trải ở hầu hết các xã. Trong email của linh mục Lâm Văn Hân gửi về đã thông báo tình hình tại giáo xứ Tri Bản, nơi mưa lũ đã làm ngập khoảng 160 nóc nhà với 800 giáo dân, hầu hết đang sống trong cảnh lênh đênh màn trời chiếu đất trên triền núi, cạnh các con đường.

Tình hình các giáo xứ vùng trũng Hương Khê và ven sông Ngàn Sâu như Thổ Hoàng, Vạn Căn, Thọ Vực, Kẻ Vang, Ninh Cường, Thịnh Lạc... càng khốn đốn hơn. Nước lũ từ trên ngàn đổ về cuồn cuồn nhưng đây là khu vực nằm ở các thung lũng, xung quanh là núi bao bọc nên tất cả đều bị cô lập đường bộ, chỉ có một số vùng dùng thuyền, đò mới tiếp cận được. Hầu hết các hộ giáo dân ở đây đều bị nước cuốn trôi nhiều vật dụng trong nhà, gia súc, gia cầm.

Giáo dân xứ Tràng Lưu - quê hương Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên - nhiều người buộc phải di chuyển bằng đò trong dòng nước chảy xiết để đến trung tâm huyện lỵ mua mỳ tôm và các nhu yếu phẩm cần thiết.

Đáng ngại nhất trong những ngày qua là nguy cơ vỡ đập thủy điện Hố Hô được xây dựng trên đất Tuyên Hóa, Quảng Bình nhưng ảnh hưởng đến lưu vực sông Ngàn Sâu. Do hệ thống xả lũ trục trặc nên nước dâng cao, vượt qua đập tràn xả nước ào ạt gây nguy cơ vỡ đập. Nếu hệ thống đập thủy điện này vỡ sẽ gây ra một hậu quả vô cùng khủng khiếp đối với xứ Vĩnh Hội nằm không xa chân đập. Giáo dân các họ đạo Lộc Giang, Tân Dừa, Phú Lễ, Vân Sơn và một số họ thuộc Tràng Lưu đã được nhận lệnh sơ tán lên núi do lo ngại đập vỡ.

Hình ảnh bên trái là giáo xứ Kinh Nhuận, bên bờ sông Gianh, thuộc hạt Minh Cầm, Giáo phận Vinh (xã Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) bị ngập lụt (xã Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) ghi được trong những ngày đầu cơn hồng thủy 3.10.2010.

Tại cửa biển giáo xứ Trung Nghĩa, chiếc tàu ông Nguyễn Hùng Thích làm chủ và 6 thuyền viên đã bị mất liên lạc ở vị trí cách đất liền 7 hải lý. Đêm ngày mồng 4, rạng sáng ngày 5-10, mưa to lại gây lũ lớn và nhận chìm 5 xã của huyện Cẩm Xuyên thuộc các xứ đạo Vạn Thành, giáo hạt Cẩm Xuyên.

Tính đến sáng ngày 05/10, một linh mục vùng lũ Hà Tĩnh điện thoại cho biết tình hình nước lũ vẫn đang chưa được cải thiện do trời đang tiếp tục mưa to.

Tại Quảng Bình, đôi bờ sông Gianh tan hoang trong cơn lũ dữ. Giáo dân Công giáo Quảng Bình sống chủ yếu tại lưu vực con sông này nên chịu thiệt hại càng nặng nề gấp bội.

Xuôi từ thượng nguồn xuống, hầu hết các giáo xứ Đá Nện, Kim Lũ, Tân Hội, Minh Cầm, Phù Kinh, Kinh Nhuận đều bị nước đổ về gây ngập lụt nặng nề ngay từ những ngày đầu tiên. Giáo xứ Đá Nện bị chia cắt, họ Đồng Tre và Đình Sơn bị cô lập hoàn toàn, 4 giáo dân thiệt mạng bị lũ cuốn trôi, đến 80% hộ gia đình bị ngập nước kể từ chiều ngày 2.10. Ngày 4/10, lượng mưa đo được tại giáo xứ Minh Cầm (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) được đài khí tượng xem là lớn nhất trong cả nước. Tại xã Cảnh Hóa nơi có giáo xứ Kinh Nhuận cạnh sông Gianh cũng bị nước cuốn trôi nhiều nhà, địa điểm này được chính quyền đặt làm trạm chỉ huy tiền phương chống lũ. Cả vùng Minh Cầm, Kinh Nhuận, Phù Kinh là rốn lũ của khu vực Tây Bắc Quảng Bình. Linh mục Trần Văn Thành, chính xứ Kinh Nhuận cho biết trời vẫn còn mưa to, gió lớn nên tình hình rất nguy hiểm, do ảnh hưởng của triều cường nên nước tiếp tục dâng có thể gây ra thiệt hại tính mạng giáo dân. Ngài buộc phải di chuyển bà con ở vùng thấp về tầng 2 nhà xứ và các vùng đất cao hơn.

Hiện có khoảng gần 19.000 giáo dân giáo hạt Minh Cầm đang cầm cự với lũ đang rút dần ở phía thượng nguồn trong ngày 5.10.

Cồn bãi sông Gianh là nơi cư trú của giáo dân Liên Hòa, Cồn Sẻ, Cồn Nâm, Giáp Tam, Văn Phú.v.v. thuộc hai hạt Hướng Phương và Hòa Ninh. 9 xã Nam Quảng Trạch nơi giáo dân các xứ đạo này đang sinh sống không thể tiếp cận. Chỉ biết được một thông tin ngắn gọn là đã có một tàu đánh cá xứ Cồn Sẻ đã bị chìm, một thuyền viên tử nạn. Các lực lượng cứu hộ không thể ứng cứu được vùng này đành phó mặc số phận của 1,5 vạn dân trong cơn lũ dữ, có nhà đã ngập tận nóc trong dòng nước chảy xiết. Tình hình các giáo xứ nói trên đáng quan ngại nhất tại Quảng Bình. Điện thoại của các linh mục thuộc các giáo xứ này đều nằm trong tình trạng không thể liên lạc do hết pin, mất sóng.

Ngay cả vùng Hướng Phương là vùng cao ráo ít bị lũ lụt thì nay cũng đã tràn ngập nước băng đồng, đường sá, nhà cửa. Tiếp xúc qua điện thoại với linh mục quản hạt Giuse Hoàng Thái Lân lúc 20h30’ ngày 5.10.2010, Ngài cho biết các họ đạo ven sông như Phú Ninh, Thanh Sơn nước dâng cao, người dân nông nghiệp lâu ngày không chuẩn bị thuyền bè nên rất bị động trong di chuyển. Nhà xứ đã dùng máy nổ phát điện để phương tiện thông tin liên lạc được đảm bảo.

Riêng giáo xứ Đan Sa và Nhân Thọ tại thị trấn Ba Đồn, trận lũ này được nhiều cụ già nhìn nhận là chưa từng chứng kiến trong lịch sử hàng chục năm gần đây. Các linh mục khóa VII họp lớp đã bị kẹt lại tại nhà xứ Đan Sa, mới trở về tới nhà lúc 1h sáng nay 6.10.2010. Riêng giáo xứ Tân Mỹ nằm ở cửa sông Gianh đang phải gồng mình đối phó với dòng nước ào ạt đổ về biển, nhiều tàu bè trong xứ bị hư hại.

Giáo hạt Đồng Troóc cũng chịu nhiều thiệt hại trong cơn lũ vừa qua do nằm ở thượng nguồn Son. Tuyến đường chính từ đường mòn đi vào động Phong Nha - Kẻ Bàng đến các giáo xứ Chày, Yên Giang, Hà Lời có đoạn ngập sâu 3-4m. Tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh nơi có giáo xứ Bình Thôn đã bị cô lập từ tối hôm qua.

Tính đến chiều nay 5.10, nước lũ đã dâng trắng khắp 6/7 huyện ở Quảng Bình, với hơn 35.000 hộ dân bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng chục vạn giáo dân đang sống tại đây.

Tại Nghệ An, nhiều làng mạc Công giáo cũng đã ngập nước ít nhiều, nhất là một số giáo xứ thuộc Đồng Tháp, Bùi Ngõa...

Giáo phận Vinh đã nhanh chóng hành động để giúp đỡ bà con giáo dân Hà Tĩnh và Quảng Bình trong cơn khốn khó. Sáng ngày 4.10.2010, Đức Cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên cùng với Caritas Giáo phận kết hợp với Doanh nhân Công giáo Phạm Anh Tuấn (Khánh sạn Đức Tài – Hương Khê) cứu trợ hàng trăm thùng mì tại giáo xứ Ninh Cường. Sáng ngày 5.10.2010, nhân viên Caritas Giáo phận đã lên đường từ Tòa Giám mục vào Quảng Bình nhưng buộc phải dừng lại dưới chân đèo Ngang do đoạn đường từ đây đi vào tắc nghẽn.

Riêng Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp hiện đang tham dự Đại hội lần thứ XI của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên gọi điện theo dõi tình hình Giáo phận.

Trong sáng nay 6.10.2010, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Caritas Giáo phận Vinh đang cùng các thành viên Ban tiếp tục tiến hành công tác cứu trợ cho các địa phương thiệt hại nặng, bước đầu là lương thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men. Tin tức thiệt hại cụ thể sẽ được tiếp tục cập nhật trong thời gian tới.

Mọi sự chia sẻ với Giáo phận, xin liên hệ: LM Giám đốc Caritas Giáo phận Vinh, Điện thoại: 0933.181.654; Email: caritasvinh@gmail.com