Ngày 11 Tháng 2, năm 2019
Kính thưa…
Hôm nay là ngày công bố thành lập Giáo phận Hà tĩnh đồng thời là ngày tựu chức của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Ngày mai, tại nhà thờ Chính Toà Xã Đoài, Nghệ An, Đức Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, sẽ tựu chức Giám mục Giáo phận Vinh. Hai biến cố chỉ cách nhau có một ngày cốt là để thuận tiện cho việc đi lại, nhưng sâu xa hơn, hai biến cố đều có chung một mẫu số: Giáo phận Vinh được tách làm đôi.
Thực ra giấc mơ chia tách giáo phận đã có từ thời Đức cha Phêrô Gioan Trần xuân Hạp. Rất tiếc là giấc mơ chưa thành thì ngài đã qua đời. Người sau đó tiến hành thủ tục chia tách chính là Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đang hiện diện trước mặt chúng ta đây. Chính ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ Văn Hạnh này làm nhà thờ chính toà và làm cơ sở nền tảng cho Giáo phận mới.
Ngài được mệnh danh là vị Giám mục trên từng cây số. Hộ khẩu thường trú là xe chứ không phải nhà. Bây giờ tuổi ngài đã cao nhưng sức ngài vẫn chưa yếu. Hiện ngài đang hưu dưỡng tại Nghệ An, không biết sắp tới đây ngài có về giúp Hà Tĩnh không, nhưng chúng con tin rằng ngài vẫn tiếp tục để lại dấu ấn và luôn sẵn sàng có mặt trên từng cây số cả hai Giáo phận máu thịt của ngài.
Kính thưa Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp,
Đức cha là Giám mục tiên khởi của Tân Giáo Phận Hà Tĩnh. Bỗng dưng con có ý nghĩ tên của Đức cha rất đẹp nhưng lại là một nghịch lý. Thái là cắt ra từng mảnh. Hợp là liên kết lại. Đã thái ra rồi thì không thể hợp lại nữa thưa Đức cha.
Thế mà trong ngày lịch sử này con lại thấy thái rồi vẫn hợp được. Có người bảo rằng ở các nước tiên tiến, người ta văn minh đến độ dẫn một con bò đến một chiếc máy, chỉ cần đẩy nó vô đó là mấy phút sau nó thành thịt bò đóng hộp.
Nhưng văn minh như thế không ăn thua. Việt Nam chưa phải là nước tiên tiến, nhưng người Việt Nam thì thông minh không ai bì kịp. Trong một tương lai không xa, người Việt Nam chỉ cần bỏ thịt bò hộp vô máy, lập tức nó sẽ đùn ra đầu kia một con bò sống rừng rực sức khoẻ, có thể dẫn đi cày được ngay.
Chắc có người thầm nhủ ông này là Giám mục mà nổ Trảng Bom. Nói thế là nói phét. Làm gì lại có chuyện như thế.
Có lẽ tôi lấy ví dụ hơi vụng về. Nhưng ý tôi chỉ muốn nói rằng lịch sử Giáo Hội luôn là một quá trình biện chứng giữa tan rồi hợp. Hay nói cho cụ thể: thái xong rồi hợp, thái ra để hợp lại.
Năm 1659 Việt Nam chỉ có hai Giáo phận: Đàng Trong và Đàng Ngoài. Thế mà theo dòng thời gian, hai Giáo phận đó dần dà đã được thái nhỏ ra thành 26 Giáo phận, nay thêm Hà Tĩnh nữa là 27 Giáo phận. Điều kỳ diệu là mỗi lần thái nhỏ ra là mỗi lần Giáo Hội lại biến thành một khối hiệp thông mới.
Trong thánh lễ đón tiếp vị chủ chăn mới của Giáo phận Hà Tĩnh ngày 23/01/2019, cũng tại nhà thờ này, tất cả những bài phát biểu đều đã đề cao tình hiệp thông. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp phân tích rằng Nghệ Tĩnh Bình, vốn là đất cày lên sỏi đá, “mưa thối đất, nắng đỏ trời”, đã trở thành xinh tươi màu mỡ nhờ sự hợp lực của mọi tầng lớp và mọi thế hệ Kitô hữu. Đức cha Alphong Nguyễn Hữu Long khẳng định rằng Nghệ An, Hà Tĩnh giống như anh em ruột thịt tuy hai mà một. Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Sỹ Hướng đại diện cho giáo phận Vinh đã ví von đại cuộc Hà Tĩnh sẽ êm thấm như cảnh thuận vợ thuận chồng tát cạn biển đông. Cha Phêrô Trần phúc Chính, thay lời cho đại gia đình Hà Tĩnh đã thân thưa với Đức cha Phaolô tân nhiệm rằng giáo phận mới là một con thuyền các thuỷ thủ chèo chống nhịp nhàng dưới quyền điều khiển của một vị giám mục thuyền trưởng duy nhất.
Nhiều cách diễn tả khác nhau, nhưng tất cả đều tuyên xưng và tôn vinh tình hiệp nhất, tất cả đều cam kết chung lưng đấu cật xây dựng toà nhà Giáo Hội.
Đúng như ý nghĩa của kẹo cu đơ. Bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao nhiêu loại bánh cạnh tranh nhưng kẹo ta vẫn cứ hiên ngang với thời gian.
Dòng sông Cả từ đây chia Giáo Phận Vinh thành đôi bờ ngăn cách. Nhưng cầu Bến Thuỷ vẫn còn đó, lúc nào cũng nối liền hai khối yêu thương. “Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”. Tình cũng là bí quyết Đức cha Phaolô Hà Tĩnh chọn làm châm ngôn Giám mục.
Hà Tĩnh là “địa linh nhân kiệt”, quê hương của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chí sĩ Phan Đình Phùng, nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn, nhà sử học Trần Trọng Kim, nhà thơ Xuân Diệu, Cù Huy Cận v.v…
Thay lời cho HĐGM, con kính chúc Đức cha sẽ là một danh nhân Công Giáo kiệt xuất đi vào lịch sử của Hà Tĩnh.
Cuối cùng, trong bầu khí mùa xuân vẫn còn quanh quẩn đâu đây, tôi cầu chúc mọi người, mọi thành phần dân Chúa đang hiện diện, cách riêng dân Chúa Hà Tĩnh một tương lai tươi sáng tuyệt vời như mùa mùa Xuân Giáo Hội.
Trân trọng cám ơn,
+ TGM Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam