Từng đoàn xe đạp mang trên mình những sợi rơm vàng óng, chất cao nghi ngút len lỏi đến tận thôn làng hạ huyện Nghi Lộc mỗi độ giáp hạt “tháng ba ngày tám” về. Thứ hàng hóa đặc biệt, ít người biết đến mang thương hiệu hẳn hoi mà có thời cha già Lợi thường đùa vui là sản phẩm “made in Bùi Ngõa”. ..

Từ câu chuyện về sợi rơm vàng, chúng tôi tìm về Bùi Ngõa trong tuần chầu lượt giáo xứ. Tiếp xúc với ông trùm xứ Giuse Nguyễn Văn Bảo mới thấy cảm nghiệm hết những vất vả, đắng cay trong kiếp sống mưu sinh của bà con nơi xứ sở chiêm trũng Hưng Nguyên này.

Là xứ đạo phía tây Tòa Giám mục Xã Đoài; xét về mặt địa lý, đây là giáo xứ gần trung tâm Giáo phận nhất. Kể cả giáo họ Bùi Chu thuộc xứ Xã Đoài, tỷ lệ giáo dân chiếm gần 65% dân số xã Hưng Trung. Là vùng quê thuần nông, tất cả đều trông chờ vào hạt lúa, củ khoai. Ông Bảo kể cứ đến vụ gặt, người dân trong xứ lại tất bật, hối hả trong công tác thu hoạch. Tất cả sản phẩm nông nghiệp đều được chắt chiu, tận dụng tối đa. Không như những nơi khác thường sử dụng máy đập lúa hay gặt đập liên hiệp, bà con nơi đây vẫn giữ lại chiếc máy tuốt môtơ vừa tiết kiệm vừa cho ra những sợi rơm “giữ lại được chất xơ, chất ngọt mà trâu bò ưa thích”.

Rơm được phơi vào những ngày khô nắng đến khi vàng óng thì được đem xây thành những cây rơm. Khi mùa giáp hạt đến, rơm trở thành thức ăn khoái khẩu với trâu bò. Người dân trong xứ lại lên đường, mỗi xe rơm nếu được giá cũng kiếm được khoảng 13-15.000đ. Nếu gặp may làm được vài chuyến cũng có ít tiền tiêu.

Do sống trong địa bàn trũng nước, nơi đây thường xuyên phải đối diện với cảnh ngập lụt khi mùa mưa bão đến. Năm 2010 này là năm Bùi Ngõa chịu nhiều thiệt hại so với các năm.

- “Năm nay trận lụt do cơn bão số 3 gây ra làm chúng tôi điêu đứng chú à. Toàn bộ diện tích nông nghiệp coi như mất trắng”. Đang miên man dòng suy nghĩ về những mùa vụ trước đây, ông Bảo bất chợt nhìn về hiện tại.

Thời điểm lũ về, cánh đồng đang bắt đầu trổ đòng. Nước ngập xăm xắp, cây lúa phơi giữa đồng nước hàng mấy ngày liền. Chỉ có một số ít hộ gia đình may mắn gieo trồng sớm hơn thì vớt vát được một ít lúa nhưng cũng chỉ để về chăn nuôi. “Hạt lúa đã như thế, rơm cũng thối hết”, ông Bảo cho biết.

Tháng tám này, mưa rả rích không lúc ngớt, nhất là trong tuần chầu lượt. Khu vườn nhà xứ trồng cam, chanh, ngô cũng đã lấp xấp nước. Cha xứ Gioan Nguyễn Phương Hướng cho biết có hôm nước ngập cả đến tận sân, lên tận nhà thờ. Nhìn về cánh đồng giáo họ Thanh Phong, Ngã Ba trắng xóa những nước không thoát kịp ra sông.

Nam Linh, một người con giáo xứ Trang Nứa láng giềng trong bài “Kêu cầu Mẹ” đã khắc họa đậm nét hình ảnh của những người dân trên đất chiêm trũng quê hương Hưng Nguyên của ông. Lời bài hát có đoạn. ..“Mẹ có thấy đoàn con ngày ngày đêm dầm mưa dãi nắng, đời vất vả lầm than, mà quanh năm sống trong nghèo nàn” nghe sao thật đúng với cảnh sống của bà con giáo dân nơi đây.

Làng trên xóm dưới bàn tán nhau về cảnh mất mùa. Không có thu hoạch, có lẽ phải tiếp tục hành trình lên phố cửu vạn qua ngày. Trong làng cũng có nghề mây tre đan nhưng do ảnh hưởng xấu của nền kinh tế thế giới, sản phẩm của người dân làm ra cũng không mang lại thu nhập bao nhiêu.

Lao động cật lực nhưng khổ vẫn hoàn khổ, anh chị em giáo dân nơi đây đang trông chờ vào dự án khai thông dòng chảy dòng kênh Sắt bằng việc xây thêm cây cầu mới cách cầu Phương Tích cũ chừng 1km. Nếu công trình hoàn thành, việc tiêu úng cho các địa phương Hưng Yên, Hưng Trung, Nghi Diên, Nghi Hoa. v.v... sẽ dễ dàng hơn và tình hình ngập lụt cũng được cải thiện.