ĐỨC MẸ GIA ĐÌNH CON

Tháng Mân Côi đã về với mỗi gia đình, mỗi tâm hồn chúng ta. Trong Kinh Cầu, Giáo Hội dạy chúng ta “Nữ Vương ban sự bình an” và đặc biệt hơn nữa “Nữ Vương các gia đình - cầu cho chúng con”. Nói Nữ Vương các gia đình là Đức Mẹ làm vua trong gia đình của chúng ta, và như vậy, trong gia đình của chúng ta có một Người Mẹ, có một vị Nữ Hoàng để lắng nghe và yêu thương cũng như dẫn dắt chúng ta trên bước đường dương thế. Người Mẹ ấy, người Nữ Vương ấy không phải là ai khác mà là chính Đức Trinh Nữ Maria. Ai đã chọn Mẹ? Ai đã đặt Mẹ? Không ai khác là chính Đức Giêsu Kito, Đấng Cứu Độ chúng ta. Đức Giêsu Kito đã chọn Mẹ trong Gia đình Thánh Gia; Đức Giêsu Kito đã đặt Mẹ khi Ngài chiến thắng Satan, chiến thắng sự chết khải hoàn vinh hiển. Nếu chúng ta chọn thì có thể còn rất nhiều sai lầm, nhưng Đức Giêsu Kitô đã chọn thì đó là sự thật, sự sống và là đường để chúng ta theo.

Tháng Mân Côi về không phải chỉ là để dành một chút thời gian trong việc lần hạt Mân Côi đến với Đức Mẹ. Nếu có như vậy thì quá ít !. Thời gian để chúng ta lần hạt Mân Côi một ngày – mà ai đó lần được năm chục – có khi đã kể công với cả hàng xóm láng giềng. Mà năm chục hạt, có đáng là bao nhiêu: mười đến mười lăm phút. Nếu chúng ta dành cho Đức Mẹ trong một thời gian, khoảnh khắc của lần hạt Mân Côi nhiều khi là máy móc, là thói quen như vậy. Giống như chúng ta “bố thí” cho Đức Mẹ một vài nghìn đồng lẻ tiền Việt Nam, trong khi chúng ta có cả trăm nghìn đồng, triệu đồng để chi tiêu cho việc khác. Thời gian dành cho Đức Mẹ ít như vậy mà lại tiêu bằng tiền lẻ là những đồng tiền mà người ta coi là rảnh rỗi, là dư thừa trong túi. Đức Mẹ là Nữ Vương, là Mẹ được chính Đức Giêsu Kito lựa chọn mà chúng ta cư xử như thế, hỏi có xứng đáng không? Trong khi một Người Mẹ yêu thương ân cần, chăm chút cho từng đứa con; dẫn dắt chúng ta từ chập chững cho đến lúc vào đời và ngay cả khi chúng ta trưởng thành thì “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” luôn yêu thương săn sóc cho chúng ta. Bài hát “Lạy Mẹ Là Ngôi Sao Sáng” có câu: “Mẹ là ngôi sao sáng, dẫn lối cho con lúc vượt biển thế gian”. Không những Mẹ dẫn chúng ta những bước đi chập chững, những bước đi trưởng thành mà còn là vượt qua biển, sóng gió thế gian nữa. Có nhận ra điều đó, thì việc chúng ta yêu mến Đức Mẹ có đòi hỏi chúng ta thì không tính bằng phút, bằng giờ, thậm chí không được tính bằng ngày hay bằng cả tháng Mân Côi mà phải tính bằng cả cuộc đời của chúng ta. Người Mẹ yêu thương chăm sóc cho con cái từ lúc mà đứa con biết gọi tiếng đầu tiên là “mẹ”. Tiếng mẹ đầu tiên và tiếng mẹ cuối đời. Đó là những tiếng thân thương nhất.

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi người ta vấp chân một cái, có người kêu “Trời ơi”, có người kêu “Ối, mẹ ơi! ”. Đó cũng là thể hiện điều gì đó gần gũi, thân thiết mà trong những lúc thân mật nhất hay trong những lúc gặp sự khó làm người ta nhớ tới. Người mẹ thân yêu của chúng ta luôn luôn vỗ về, chăm sóc và “lòng mẹ bao la như biển thái bình” như bài hát chúng ta thường hát. Bao la như thế nào? Khái niệm “bao la” thì bao trùm đến đâu? Người ta hát chứ người ta không suy. Vậy nếu trong cuộc đời chúng ta, đã có ai đi hết biển Thái Bình Dương chưa? Và thân xác của chúng ta ngần này so với diện tích biển Thái Bình Dương bao la thì biển có bao trùm được hàng triệu người chúng ta không? Vì vậy, suy ngẫm về Đức Mẹ, chúng ta mới thấy được rằng, chúng ta chỉ biết đón nhận mà chưa bao giờ chúng ta biết đền ơn. Tháng Mân Côi về nhắc chúng ta hãy làm việc gì đó để dâng lên Đức Mẹ. Lần chuỗi Mân Côi, làm việc lành phúc đức hay là sự thiện, hoặc bác ái, hoặc yêu thương, hoặc hy sinh trong gia đình... Nghĩa là những việc gì để chúng ta nên giống Đức Mẹ. Đức Mẹ làm những việc gì? Trong gia đình Nazareth, Đức Mẹ không làm việc gì có tên tuổi hết. Những tên tuổi, sự việc, Đức Mẹ dành cho thánh Giuse và đặc biệt là Đức Giêsu. Nhưng những gì là âm thầm của Nazareth, những gì là không tên trong gia đình là hy sinh, là yêu thương, là dịu dàng, là vất vả, là thức khua dậy sớm đều đến tay Đức Mẹ. Bởi vậy, trong tháng này hay là trong một cuộc đời của chúng ta, chúng ta nên làm một điều gì đó: dịu dàng để thông cảm, yêu thương, khiêm tốn, thăm viếng, giúp đỡ hay chúng ta chăm sóc bệnh nhân. Những việc nho nhỏ thôi nhưng là những việc có chất. Nói như Tin Mừng “Đức tin bằng hạt cải” (Lc 17,6) để chúng ta nên giống Đức Mẹ. Khi Đức Giêsu nói “Đức tin bằng hạt cải” thì chúng ta phải nghĩ ngay đến Đức Mẹ. Đức tin bằng hạt cải khi mà Mẹ Maria không thể hiểu mầu nhiệm bao la của Thiên Chúa và nhất là không thể hiểu ngay trong thân phận của mình là trinh nữ mà bây giờ được báo tin làm Mẹ, thì đức tin bằng hạt cải vẫn dạy Mẹ hai tiếng “Xin vâng” sẵn sàng trên miệng, và rồi hai tiếng “Xin vâng” ấy đã đi theo suốt dọc cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria và cho đến bây giờ còn chưa chấm hết. Bởi vì Mẹ muốn tiếng “Xin vâng” của Mẹ được truyền cho tất cả các con cái của Mẹ nơi trần gian này. Chúng ta đã làm được gì? Như vậy, mỗi một việc lành, mỗi một ý thức, mỗi một cử chỉ, mỗi một thái độ, mỗi một hy sinh của từng người chúng ta trong ngày, trong tháng, trong năm và nhất là trong cuộc đời của chúng ta chẳng qua là để chúng ta nối dài hai tiếng “xin vâng” của Mẹ (x.Lc 1, 26-38).

Có ai đó nghĩ rằng mình đã quá yêu mến Đức Mẹ rồi; có ai đó nghĩ rằng mình đã quá sốt sắng cầu nguyện với Đức Mẹ rồi; bởi vì đếm trên đầu ngón tay thì nào là hành hương La Vang, hành hương Lộ Đức (Lourdes), thậm chí có người khoe mình đến được cả Fatima. Đúng là chúng ta không đi được vì không có tiền để có thể bay sang Lộ Đức, để có thể đến Fatima. Nhưng mà Đức Mẹ Fatima bằng hình ảnh ngự trị ngay tại đây. Chúng ta hát kinh hay hát thánh ca về Mẹ: “Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi. Có Đức Mẹ Chúa Trời, hiện ra uy linh sáng chói...”. Tại sao chúng ta không làm được? Không có tiền để đi Fatima nhưng làm việc để kính mến Đức Mẹ Fatima với tràng chuỗi mân côi Fatima, chúng ta có thể làm được không? Bức tượng Đức Mẹ trước mắt chúng ta đây là một pho tượng quý. Khi tôi vào miền Nam, có một cha hỏi tôi: “Cha có biết bí mật của pho tượng Đức Mẹ trong Nhà thờ Chính toà Phát Diệm không?” Tôi thành thực trả lời: “Thưa cha, con không biết”. “Bí mật đó là: Cây sồi mà Đức Mẹ hiện ra ở Fatima có ba khúc lớn, một khúc chia thành nhiều tượng Đức Mẹ nhỏ, hai khúc còn lại được chuyển hóa thành hai pho tượng Đức Mẹ rất đẹp. Pho tượng thứ nhất: đặt tại Fatima; Pho tượng thứ hai là pho tượng Đức Mẹ được chuyển về Việt Nam, rồi được chuyển về Phát Diệm của chúng ta. Vì thế, khi pho tượng Đức Mẹ cập bến cảng Hải Phòng thì giáo dân đã đón rước Đức Mẹ long trọng ngay ở đó và rước về Phát Diệm. Chúng ta còn chứng kiến năm 1972, bom dội xuống Nhà thờ Phát Diệm. Quả bom thả gần nhất là ngay đường kiệu, cách nhà thờ có 5m; 112 cánh cửa Pano xung quanh nhà thờ chỉ còn lại 4 cánh cửa; 26 viên đá của đường kiệu bay lên trên mái nhà thờ, toàn bộ ngói nhà thờ bay tung tóe đi khắp nơi; toàn bộ gian Cung thánh đều trống tan hoang, 14 Đường Thánh Giá bằng đá trên gian Cung Thánh bị nứt, thậm chí bị vỡ và rơi xuống. Nhưng tượng Đức Mẹ vẫn đứng nguyên trên toà. Đó là những hình ảnh mà chúng ta phải thấy được và chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của tượng Đức Mẹ Fatima trước những gì chúng ta đã chứng kiến. Chúng ta đừng nghĩ rằng, đứng trước một pho tượng không biết nói, chúng ta cũng đứng trơ ra như gỗ. Vậy mà pho tượng gỗ của Đức Mẹ Fatima nói được đó. Nói trong trái tim của chúng ta, nói trong sự kiện Phát Diệm của chúng ta để nhắc nhủ con cái Mẹ là đừng lãnh đạm, đừng để cho thời gian trôi vào dĩ vãng, đừng để cho những kho báu mà không được khám phá. Nhưng tôi không muốn nói để chúng ta chỉ đến với pho tượng Đức Mẹ mà thôi, pho tượng quý nhưng chính là để từ đó khơi lên một cõi lòng quý mến của chúng ta, để chúng ta đến với Đức Mẹ Fatima bằng ngay chính tấm lòng của chúng ta, ngay chính tại Phát Diệm đây, chứ phải đợi có tấm vé để đi Fatima thì biết đến bao giờ.

Tôi cũng đã đăng ký đi dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Madrid 2011 tại Tây Ban Nha, rất gần Bồ Đào Nha để có thể đến viếng Đức Mẹ Fatima. Tôi hứa nếu tôi đi được, khi về tôi sẽ kể chuyện một cách chi tiết. Nhưng chuyện là chuyện còn lòng kính mến lại là chuyện khác. Lòng kính mến không phải đợi đến khi tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và có điều kiện đi được, hay là đi được rồi mới về kể được. Lòng kính mến được biểu lộ ngay bây giờ, ngay lúc này đây. Từ Đức Mẹ Fatima chúng ta nhân lên với Đức Mẹ Lộ Đức, với Đức Mẹ La Vang, đó là những địa danh của từng nước để rồi chúng ta lại trở về với Đức Mẹ trong gia đình của mình. Không phải nói xa nữa, Nữ Vương các gia đình chính là Đức Mẹ gia đình ta. Ngay hôm nay, chúng ta trở về chúng ta có thể gọi thân thương “Đức Mẹ gia đình A của con”, “Đức Mẹ gia đình B của con”, chúng ta thêm tên vào như là đại lý người ta thêm tên của gia đình họ treo ngay trước cửa nhà. Chúng ta có quyền như vậy. Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ La Vang, bây giờ có Đức Mẹ gia đình A,B,C... Tại sao chúng ta không làm được? Chúng ta làm được và chúng ta hãy làm đi. Nhưng nhớ là treo trong trái tim hàng ngày chứ không treo như trước cửa đại lý !

Lạy Đức Mẹ gia đình của con,

Xin ban ơn cho mỗi người chúng con.

Không phải chờ bất cứ điều kiện gì

khi con tim có thể làm ngay từ hôm nay.

Tháng Mân Côi về,

Xin Mẹ nhắc nhủ chúng con,

khơi lên trong lòng chúng con

Lòng yêu kính Đức Mẹ

mà chính Đức Giêsu, con Mẹ, đã hết lòng yêu mến.

Xin cho chúng con được yêu mến Mẹ

để chúng con đến với Đức Giêsu Kito, con Mẹ

là đến với ơn cứu độ đời đời cho mỗi người chúng con. Amen.