TÌNH CHÚA BAO DUNG

Qua hai dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về “Con chiên lạc” và “Đồng tiền bị đánh mất” ta nhận thấy có những điểm giống nhau:

1. Con chiên bị lạc và đồng bạc bị đánh mất. Cả hai đều được chủ đi tìm cách tận tình.

2. Khi tìm thấy, cả hai chủ đều vui mừng, mời bạn hữu đến chia vui.

Xét về mặt kinh tế, có khi việc mời bạn bè đến chia vui còn phải chi phí nhiều hơn giá trị con chiên hay đồng bạc tìm lại được. Nhưng giá trị của con chiên hay đồng bạc chính ở chỗ đó, vì nó đã trở nên thân thiết bằng giá sự sống của người chủ, khiến chủ không còn tính toán hơn thiệt, chỉ vui mừng vì tìm lại được những gì thân thiết đã mất. Đối với dụ ngôn “Con chiên lạc” chủ còn vác chiên lên vai, khiến ta nghĩ tới lời Chúa Giêsu dạy các Tông đồ “Thầy không gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy đã gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết” (Ga 15, 15). Từ tình trạng tôi tớ trở thành bạn hữu, đó chính là sự biến đổi về chất. Hình ảnh chiên được vác trên vai diễn tả một thực tế còn biến đổi sâu xa hơn nữa, đó là sự biến đổi của chính mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn giải sự biến đổi đó: “ Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba ! Cha ơi !” (Rm 8,15)

Người ta có thể lập luận rằng con chiên lạc có thể do ngoại cảnh tác động, nhưng biết đâu có con đã cố ý tách đoàn hay “ăn mảnh” vì tìm được nguồn lợi riêng thì sao? Cho dù sự thật là thế thì bước chân trở lại của chiên lạc do yếu đuối tội lỗi kia cũng khiến cả “Thiên đàng vui mừng” (x. Lc 15,10). Ta nhận ra chỉ có tình thương của Chúa mới xử sự cách lạ kỳ và không tính toán như vậy. Lòng khoan dung của Chúa là vô bờ bến, xuất phát từ tình yêu vô cùng của Chúa. Tình yêu và lòng khoan dung ấy luôn đi bước trước. Như thánh Phaolô đã diễn tả: “ Ngay khi chúng ta còn là những người tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chịu chết vì chúng ta, phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.” (Rm 5,8-9). Vì Chúa yểu thương và tha thứ trước, nên khoảng cách chỉ còn là một sự quay đầu trở lại. Dù ta đã quay lưng lại với Chúa, dù ta đã lạc xa đường Chúa đến mấy. Thông điệp tình yêu Chúa gửi cho ta là hãy luôn nhận biết tình Chúa yêu thương, và vì yêu thương nên luôn luôn theo dõi ân cần, thao thức tìm kiếm...

Hồi Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đi Rôma lần đầu tiên năm 1980, Liên Tu sĩ Việt Nam tại Rôma và đặc biệt là con cái Phát Diệm tại Rôma vui mừng đón tiếp người cha già kính yêu từ giáo phận quê hương sang thăm. Tấm lòng hiếu thảo thúc đẩy sáng kiến để ai cũng có quà tặng người cha khi về nước. Trong số các quà tặng đó, có một chiếc đồng hồ đeo tay mạ vàng của Thụy Sĩ đắt giá. Về đến nhà, Đức cha luôn giữ gìn như một kỷ niệm. Ngày kia có đứa bé ăn xin đã lấy cắp chiếc đồng hồ đó. Đức cha phát hiện được ngay khi đứa bé mới ra đến cổng. Ngài gọi người nhà cho biết sự việc. Ai cũng nghĩ phải đuổi theo ngay để lấy lại chiếc đồng hồ. Nhưng Đức cha lại không nghĩ như vậy. Ngài băn khoăn thổ lộ: “Làm sao tìm được đứa bé ấy và bảo cho nó biết rằng đồng hồ ấy đắt giá lắm đấy, để nó biết giá mà bán được nhiều tiền, đừng vội vàng bán rẻ đi” !

Tấm lòng của Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo giúp ta dễ hiểu hơn về lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu Kitô, Đấng chăn chiên đích thực, Đấng đã luôn kêu gọi: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 15, 9b).

Lạy Chúa Giêsu,
con đã lạc xa đường Chúa.
Con mang trên mình những vết thương
là hậu quả của sự xa lạc ấy.
Chúa không phân tích, tính toán
Nhưng chỉ hối thúc con mau trở về.
Xin thêm sức mạnh cho con
để con không lạc xa đường Chúa nữa.
Xin băng bó vết thương cho con
để con yên hàn nghỉ ngơi trong tình Chúa.
Xin dạy con biết yêu như Chúa yêu,
để con luôn được ở trong tình yêu Chúa.
Trong cánh tay quyền năng và tấm lòng bao dung của Chúa. Amen.