Chúa Nhật 5 Phục Sinh B

Ga 15, 1-8

THẦY LÀ CÂY NHO THẬT

Thưa quí vị.

Với dân tộc Do thái, hình ảnh vườn nho, cây nho mà Thiên Chúa vừa là người canh tác, vừa là ông chủ rất phổ thông và gần gũi. Đó là hình ảnh Kinh thánh Cựu ước áp dụng cho Israel mà mọi người phải đọc, phải học và suy gẫm. Như thế trong bài đọc Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu tự so sánh mình với cây nho Thiên Chúa trồng và các môn đệ là ngành không có gì lạ lẫm, mới mẻ. Trái lại rất dễ hiểu, ngang tầm trí khôn mọi người. Lập vườn trồng nho là nghề sinh sống của một phận không nhỏ trong dân gian Do thái. Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh hôm nay là Ngài đồng hoá mình với cây nho. Sức sống của nó và các cành đều đến từ Thiên Chúa. Ngài không nói về tương lai, hoặc cuộc đời sau cái chết khi nhân loại sống mật thiết với Thiên Chúa, mà chính ngay cuộc đời này. Bởi lẽ Ngài dùng thì hiện tại. Nghĩa là ngay lúc này các môn đệ và chúng ta phải kết hợp với Ngài bằng sự sống hữu cơ như cành với cây và cố gắng hết sức duy trì sức sống đó: “Khi ấy Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa kết trái thì Người chặt đi, còn cành nào sinh hoa kết trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”

Điểm lưu ý thứ nhất trong đoạn Tin mừng là Chúa Giêsu không tách biệt, không loại trừ ai. Tất cả đều được mời gọi vào cuộc sống của Ngài, chẳng cần quốc tịch, màu da, tiếng nói, tầng lớp nào! Chẳng cần giầu nghèo, sang hèn, thông minh hay ngu tối, khẻo mạnh hay yếu đau, tài giỏi hay đần độn, triệu phú hay ăn mày, tu sĩ hay giáo dân. Chỉ cần điều duy nhất: Tình yêu. Cuộc sống mỗi người sẽ minh chứng cho tình yêu đó, nếu như họ thực sự đã tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô. Trong bài đọc 2, thánh Gioan tóm tắt: “Chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.” Nghĩa là chẳng cần căn cước nào khác, chẳng cần quần áo đẹp, đồng phục, huy hiệu, cờ xí, chẳng cần băng đeo tay, đoàn thể, trong cộng đồng mới mẻ của Chúa Giêsu. Yêu thương nhau là dấu chỉ duy nhất chứng tỏ chúng ta thuộc về cây nho và ở lại trong sức sống của nó. Yêu thương không loại trừ. Yêu thương hết mọi thành phần trong xã hội nhân loại, chứ không phải chỉ những thân thuộc của mình. Yêu thương cả đến những kẻ thù, người vô đạo hay dửng dưng tôn giáo. Hơn nữa, khi còn ở trần gian Chúa Giêsu tìm đến những kẻ chẳng được xã hội chấp nhận, chẳng được yêu mến, thì đó cũng là đối tượng đặc biệt của những người theo Chúa hiện nay. Sức sống của cây nho lưu thông trong khắp các chi thể. Cành nào ngăn cản, tức khắc bị héo khô. Tín hữu nào mang não trạng loại trừ, tức khắc không còn là môn đệ của Chúa Kitô nữa!

Điểm thứ hai. Chúa Giêsu không xưng mình là gốc hay rễ nho. Nếu Ngài ví như thế, chẳng hoá ra những cành lá gần gốc rễ có thể tự coi quan trọng hơn kẻ khác, vì được ở gần nguồn sống. Họ có thể hãnh diện về vị trí của mình, đòi hỏi những đặc quyền đặc lợi (như nhiều vị trong Giáo hội ngày nay). Họ sẽ độc quyền điều khiển dòng chảy của nhựa cây nho, ban cho người này kẻ khác những ưu đãi. Hậu quả là sẽ có môn đệ hạng nhất, hạng hai, ba, bốn và rốt cùng! Sẽ có những tín hữu sang trọng và những tín hữu thấp hèn. Chúa Giêsu không gọi mình là gốc nho, mà đơn giản là “cây nho”. Cho nên, chẳng ai có thể cậy mình hơn kẻ khác, hoặc tự hào về địa vị trong Giáo hội. Điều cần quan tâm là mang nhiều hoặc ít hoa trái. Vì đã được nối kết vào cây nho, cho nên trách nhiệm là phải sinh hoa kết trái. Nhờ bí tích thánh tẩy, các tín hữu đã nên một với Đức Ki-tô, sức sống của Ngài lan toả tới hết mọi chi thể, thì không ai được miễn trừ mang nhiều hoa trái. Tuy nhiên thực tế có khi ngược lại, vô sinh, cằn cỗi, héo hon.

Điểm thứ ba, điều kiện để mang nhiều hoa trái là “tỉa sạch”. Có lần trong Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là nguồn nước hằng sống, lần khác, Ngài là bánh bởi trời ban sự sống cho nhân loại. Bài huấn dụ hôm nay ở trong bối cảnh bữa Tiệc ly, Ngài nói với các môn đệ Ngài là cây nho thực. Các tác giả ban dịch thuật Thánh kinh Anchor (The Anchor Bible) chú giải: dấu chỉ biểu tượng của lòng tin vào Chúa Giêsu là ăn bánh trường sinh và uống nước hằng sống. Các tín hữu tiên khởi khi nghe huấn dụ này thì nghĩ ngay đến nghi lễ bẻ bánh: Hoa trái của cây nho ban sự sống. Kinh tạ ơn cổ nhất của bí tích Thánh Thể đọc rằng: “Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vì tôi tớ của Cha, cây nho nhà Đavit thánh thiện mà Cha đã mặc khải cho chúng con trong Đức Giêsu Kitô, tôi trung của Cha.” Trường hợp khác Phúc âm Gioan nói đến hoa trái là ở đoạn 12: 4, hạt lúa mì rơi xuống đất phải thối đi mới sinh nhiều hoa quả. Thối đi theo Phúc âm Gioan là chết. Như vậy hoa quả chỉ phát sinh qua đau khổ và sự chết. Nói cách khác “tỉa sạch”. Cho nên, chúng ta phải sống dấn thân để dính liền với cây nho hầu mang nhiều hoa trái. Nhiều lần Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy điều ấy. Tình yêu đòi hỏi hy sinh và ngay cả sự chết. Sống nhung lụa không thể thực hiện được điều Chúa chỉ dạy, có chăng chỉ là môi miệng. Mùa này, nhất là trong thánh lễ này, chúng ta đang cử hành sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Khi rước lễ chúng ta sẽ nhận được sự sống của cây nho để có khả năng hy sinh trong cuộc sống thường nhật. Tự nhận là thành viên của cộng đoàn theo Chúa Kitô không đủ. Phải chứng tỏ bằng việc làm, phản ánh sức sống của cây nho trong cuộc đời mình. Hằng ngày qua bí Thánh Thể chúng ta nhận được ý chí và nghị lực để sống tình yêu “tỉa sạch” như Chúa Giêsu đã sống.

Bài đọc 1 cho chúng ta hay lúc đầu các môn đệ nghi ngại không dám chấp nhận Phaolô. Những điều họ biết về ông khiến họ sợ hãi. Ông đã mạnh tay bách hại các tín đồ, đồng tình với cái chết của Stephanô. Nhưng Barnabas đứng ra bênh vực cho ông, nói với các Tông đồ rằng Phaolô đã thực sự được nhìn thấy Chúa và đã mạnh dạn đến ương ngạnh rao giảng danh Chúa Giêsu. Phần Phaolô, ông đã minh chứng được ở Giêrusalem những điều ông đã làm ở các giáo đoàn khác trong miền cận đông. Đó là dạn dĩ rao giảng danh thánh Giêsu. Ông đã thực sự hối cải và đã tháp nhập vào cây nho thật của Thiên Chúa. Cuộc đời ông đã thay đổi hẳn và mang nhiều hoa quả tốt đẹp. Cái giá đương nhiên ông phải trả là chính sự sống mình, như Chúa Giêsu đã cam chịu trước ông. Cho nên chúng ta không thể từ chối cuộc đời Phaolô chỉ có thể sinh hoa trái khi tháp thập vào cây nho. Nhựa sống của cây nho đã chảy tràn sang Phaolô. Người tín hữu muốn sống có hiệu quả không thể làm khác hơn Phaolô. Ngoài ra là thất bại.

Trong tiến trình mang hoa kết trái, chúng ta luôn cần đến việc tỉa sạch. Lý do vì những thói hư tật xấu của con người cũ. Con người hoang dã của bản tính hư hỏng: Ghen tương, thù hận, thành kiến, tự tôn, kiêu ngạo, gian dối, lừa đảo, buông thả, trác táng, vô luân, ích kỷ… Những thói xấu đó làm tắc nghẽn dòng chảy tự do của sức sống Chúa Giêsu trong các linh hồn. Cho nên công việc tẩy sạch là cần thiết và bắt buộc. Cây nho không tỉa cành, chẳng bao giờ đâm bông kết trái. Do đó, đến mùa, người làm vườn phải tỉa sạch các gốc nho quí giá. Người tín hữu cũng vậy, luôn phải sửa mình ngõ hầu có thể phát triển trên con đường thiêng liêng. Ngay trong lòng Giáo hội cũng cần có việc “tỉa sạch” : Phân chia bè phái, cãi cọ thần học, giáo lý, nghi thức, chữ đỏ, tự ái cục bộ. Đúng ra trong Giáo hội Chúa Kitô không có cấp bậc quyền bính, mà chỉ có phục vụ. “Ai muốn làm lớn trong anh em thì hãy làm đầy tớ mọi người”. Lời Chúa vang vọng khắp các thế kỷ, nhưng cũng khắp các thời đại, luôn có chia rẽ, tranh giành, trù dập… Sức sống của Chúa Giêsu do Thánh Thần điều hành chứ không phải loài người. Nó mang thiên hình vạn trạng khác nhau, chứ không đơn điệu. Không người nào được phép cho mình ưu tiên trong Chúa Giêsu!

Cứ nhìn vào đời sống Giáo hội tiên khởi tức khắc chúng ta nhận thấy sự thật. Ơn Chúa Phục Sinh thúc đẩy họ bung ra. Bão táp không ngăn cản nổi, trái lại còn giúp Giáo hội gieo rắc hạt giống khắp nơi. Họ luôn một lòng một ý, chăm lo cầu nguyện, nghe giáo lý các Tông đồ. Nhưng khi có tranh giành quyền bính, là bắt đầu có chia rẽ bè phái. Sự chi rẽ lớn mạnh khi tranh cãi thần quyền giáo lý trở nên sôi nổi. Cho nên tiến trình tỉa sạch là cần thiết. Đúng lý, sức sống của ơn Chúa Phục Sinh giống như cây nho âm thầm lan rộng, chẳng cần võ khí, không cần tên lửa, máy bay, tầu chiến, xe tăng giúp đỡ. Nó tự lớn mạnh và toả lan. Khi gươm giáo được sử dụng thì liền có những hậu quả thảm khốc. Danh Thiên Chúa bị chế nhạo ngay trong hàng ngũ các đạo binh Thánh giá. Cờ lệnh, thập tự trên các khiên mộc trở nên dấu hiệu báng bổ Cây Nho đích thật và dịu dàng. Chúng là những cành nho khô, cần được cắt bỏ. Tác giả Luca trong bài đọc 1 gọi Phaolô bằng tên cũ Saulô, cái tên đã làm cho các tín hữu run sợ, thì bây giờ ông đã được tỉa sạch nhờ xem thấy Chúa và nghe Lời Ngài trên đường đi Đamát, ông can đảm rao giảng Danh Chúa Giêsu bằng lời nói và hành động yêu thương của mình. Ông đã thực sự liên kết với sức sống của cây nho.

Tóm lại, đòi hỏi “tỉa sạch” của Tin mừng hôm nay quả hợp lý, quan trọng và tuyệt vời. Nó cần thiết cho mỗi linh hồn, mỗi cộng đoàn tín hữu, tu trì và toàn thể Giáo hội để tiến triển trên con đường nên thánh. Không có “tỉa sạch” thì mọi chương trình, mọi dự phóng đều vô ích. Bởi sự sống cây nho còn bị ngăn cản thì làm sao sinh hoa kết trái? Dương dương tự đắc không phải là thái độ của người theo Chúa Giêsu. Ngược lại, suy gẫm và sửa mình là công việc thường xuyên để khai thông nhựa sống cho tâm hồn, từ đó mới đưa đến mục tiêu. Bí tích thánh thể là phương tiện hiệu quả kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu. Hãy đến ăn, uống bánh bởi trời và nước hằng sống, ngõ hầu tăng cường quyết tâm ở lại trong Cây Nho đích thực. Amen. Alleluia.