CƠN THỬ THÁCH VÀ SỰ THÁNH THIỆN

Trong thời gian vừa qua, Hội Thánh Công giáo toàn cầu và Hội Thánh địa phương tại Việt nam gặp quá nhiều sóng gió. Có những nơi sóng cao gió lớn đến nỗi kẻ thù của Hội Thánh vỗ tay reo mừng chờ con thuyền ấy lật nhào và chìm hẳn.

Trong cơn thử thách ấy, một số người lên án Hội Thánh, người thì sẵn sàng “giết” anh em nhân danh Hội Thánh, một số khác suy tư, cầu nguyện và tìm nguyên nhân để đề nghị những giải pháp, lại có người dửng dưng như không có gì xảy ra. Nhưng xét cho cùng, dù con người làm gì đi nữa, gương mặt khổ nạn của Đức Kitô vẫn cúi xuống trên Hội Thánh với lòng nhân hậu bao dung.

Lời tiên báo của Đức Kitô rằng Con Người sẽ lên Giêrusalem, “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Mc.8,31), không chỉ ứng nghiệm cho chính mình Người, mà còn cho các Tông đồ và cho Hội Thánh cho đến ngày thế mạt.

Và chính trong nỗi thống khổ của Đức Kitô, người ta đã nghe lời tiên báo về ngày Người sống lại. Cũng vậy, chính trong cơn thống khổ của Hội Thánh, thế gian nhận ra dung mạo uy nghi của Đấng cứu độ trần gian.

Nếu chúng ta lướt nhìn lại lịch sử 2000 năm của Hội Thánh Công Giáo, chúng ta nhận thấy điều gì? Ấn tượng đầu tiên là cho dù Hội Thánh ấy gặp quá nhiều chống đối, lên án và cả chia rẽ nội bộ, Hội Thánh ấy không suy sụp sau 70 năm hay 100 năm, mà là một Hội Thánh vươn lên mạnh mẽ hơn sau mỗi thời khủng hoảng.

Điều thứ hai khiến ta chú ý, là khi Hội Thánh được trần gian “chiều chuộng”, được các thế lực nâng đỡ, thì Hội Thánh đi xa dần con đường mà Thầy chí thánh đã bước đi.

Quả thật như thế, hai mươi thế kỷ qua đi làm cho các vết thương trên Thân mình Mầu nhiệm Đức Kitô thêm dày đặc. Những cơn bách hại của đế quốc Rôma suốt 250 năm, rồi đến các lạc giáo suốt năm thế kỷ bắt đầu từ lúc Chúa Giêsu về Trời được 100 năm.

Không chỉ có thế, càng về sau này Hội Thánh còn gặp nhiều gian lao, đau khổ, có khi là do cách hành xử của chính mình, có khi do sự chi phối của thế quyền vì họ muốn can thiệp vào Hội Thánh. Thế kỷ thứ VII còn chứng kiến các cuộc xâm lăng của Hồi giáo, rồi vấn đề ly giáo v… Tất cả trở thành những vết đinh đóng sâu vào lòng Hội Thánh.

Từ đó về sau, không có thời đại nào mà Hội Thánh lướt đi êm ả giữa lòng thế giới mà không có biến động. Những cuộc ly giáo, những lạc thuyết mới và sự suy đồi của đời sống giáo sĩ v.v… là nỗi đau vô bờ mà nếu không có ơn Chúa, không ai vượt qua nổi.

Từ đầu thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, với lời thách thức ngạo mạn “Giáo Hoàng có được bao nhiêu binh đoàn?”, với cách hành xử với Hội Thánh ở những nước xã hội chủ nghĩa, với sự chia rẽ trong các quan điểm… Hội Thánh dưới con mắt của nhiều người, cũng sẽ tan đi như khói thuốc phiện mê hoặc con người.

Thế nhưng, điều kỳ diệu là cứ sau mỗi biến cố tưởng như vùi dập tất cả, thì Hội Thánh lại vươn mình lên cao, không ngạo nghễ, không kiêu căng, nhưng hãnh diện với tất cả vẻ huy hoàng của ngày Phục Sinh.

Lần giở lại lịch sử Hội Thánh, chúng ta không nhằm mục đích tranh giành vị thế với bất cứ ai, vì xét cho cùng chẳng có cơ chế nào lâu dài như Hội Thánh Chúa Kitô để so sánh. Nhưng, như linh mục sử gia Bùi Đức Sinh O.P. nhận xét trong tác phẩm Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, chúng ta “muốn có một quan niệm cao hơn về sứ mạng của Giáo Hội” và “đưa ra ánh sáng cái tiềm lực đã làm cho Giáo Hội sống động và uyển chuyển qua các thời đại”.

Vẫn có những người sợ thế gian thấy những khuyết điểm của Hội Thánh. Thật ra chẳng có gì phải sợ. Cha Timothy Radcliff nhận xét: “Chúng ta có thể cảm thấy ngượng ngùng khi nhận mình là người Công Giáo, nhưng chẳng phải Đức Giêsu vốn đã giữ bên mình những kẻ đồng hành đáng xấu hổ ngay từ thủa đầu rồi sao?”.

Không phải vì Phêrô chối Chúa hay vì Giuđa phản bội thì công cuộc cứu độ không được hoàn tất. Trái lại, Thiên Chúa quyền năng đã dùng chính những yếu đuối bất toàn ấy để kiến tạo một công trình sẽ còn lưu dấu cho đến muôn đời, ấy là đoàn người đông đảo cầm lá thiên tuế tiến lên.

Vâng, Hội Thánh xét như tập hợp những con người thì chắc chắn cũng tập hợp cả những ưu khuyết điểm của con người. Có tập hợp người nào mà loại trừ những phần tử có lỗi lầm?

Nhưng Hội Thánh xét như công trình của Chúa Thánh Thần là Hội Thánh thánh thiện, vì khi Chúa Thánh Thần dùng lửa để thánh hoá và khi Chúa Giêsu làm đầu Hội Thánh, thì lời tuyên xưng của người tín hữu là chân lý muôn đời: “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.

Đọc tin tức về nhiều mặt, tôi hoang mang. Theo dõi các diễn biến, tôi lo âu. Nhìn các cá nhân, tôi thấy mệt mỏi. Nhìn vào chính tôi với những bất toàn, tôi càng lo lắng hơn. Nhưng khi đọc lại kinh Tin Kính, tôi vui mừng và đọc lớn: Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện…

Khi tôi hỏi các em lớp Hành Trình Đức Tin ở giáo xứ tôi: “Giáo Hội có những đặc tính nào?”, các em hãnh diện nói lớn: “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, và tôi hoà cùng niềm vui với các em tôi.

Trong cơn gian nan của Hội Thánh, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm được cùng với lời cầu nguyện thiết tha. Xin đừng trách móc, phê phán hay lên án nhau, dù rằng điều ấy cũng đã xảy ra trong suốt hành trình dương thế của Hội Thánh.

Cũng đừng nên trách anh em mình là nói dối tinh vi và tệ hại nhất, hay là suy diễn và phê phán sai lạc… nếu họ nói khác mình, vì tất cả những ai bước theo Đức Kitô là chỉ mong ước làm cho Danh Chúa cả sáng.

Bước vào Tháng Hoa của Mẹ, chắc chắn bông hoa đẹp nhất chúng ta dâng lên Mẹ là Hội Thánh Chúa, là Nhiệm Thể của Chúa Giêsu, Con chí ái của Mẹ. Xin Mẹ nhận lấy và gìn giữ nâng đỡ như Mẹ luôn thực hiện trong lịch sử hai ngàn năm của Hội Thánh Chúa.