NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG

Chúa nhật V Phục sinh C (Ga 13, 31-33a. 34-35)

Trình thuật Tin Mừng (Ga 13, 31-33a. 34-35) trích những lời từ biệt của Đức Giê-su nói về việc Người ban cho các môn đệ điều răn mới: Yêu thương như Thầy yêu thương.

I. DI CHÚC

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”

Đây là lời Đức Giê-su căn dặn các môn đệ trước khi Người ra đi chịu chết. Lời căn dặn này xác định một luật mới. Luật cũ do ông Mô-sê hướng dẫn phảng phất nét tiêu cực “ơn đền oán trả”: “mắt đền mắt răng đền răng” (Mt 5, 38). Luật mới của Đức Giê-su ban xuất phát từ tình yêu và sẽ diễn tả tình yêu. Tình yêu thì không vụ lợi toan tính. Tình yêu sẽ dẫn lối cho con người tìm về Chúa và chan hòa với mọi nhau.

Với luật mới này, Đức Giê-su đã trao cho các môn đệ một nguyên tắc sống: yêu thương nhau. Đây không phải là lời đề nghị mà là một lệnh truyền. Đã là một lệnh truyền thì các môn đệ của Đức Giê-su buộc phải tuân thủ như một nguyên tắc sống nếu muốn tồn tại. Nguyên tắc yêu thương đã được chính Đức Giê-su thực hiện và trở thành chuẩn mực cho mọi người mọi thời.

Về mặt con người, việc Thầy Giê-su ra đi chịu chết là sự mất mát không sao bù đắp được. Tuy nhiên, trong lòng tin, Đức Giê-su vẫn đang hiện diện bởi Người là tình yêu (1Ga 4,16) mà tình yêu thì không bao giờ mất được (1Cr 13, 8). Thế nên, khi sống lệnh truyền yêu thương, cộng đoàn yêu thương là dấu chỉ cộng đoàn ấy có Chúa đang hiện diện (x. 2Cr 13, 11).

II. KHUÔN MẪU

Đức Giê-su truyền dạy các môn đệ một khuôn mẫu yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đức Giê-su đã dạy các học trò bằng chính đời sống của Người. Phận là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su đã hạ mình mang thân phận con người sống giữa muôn người. Hằng ngày, Người còn tiếp tục khiêm tốn hạ mình nơi Thánh Thể để cho con người lãnh nhận để nên một với Người. Mặt khác, Người còn hiện diện nơi Lời sống động để ngày ngày đi vào cuộc đời của con người.

Gắn bó là biểu hiện thiết thân của tình yêu. Một khi tình yêu đã đến đỉnh điểm sẽ vượt trên cả sự gắn bó và là sự hy sinh không điều kiện: “Không có tình yêu nào cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì nạn hữu mình” (Ga 15, 13). Thập giá đã minh chứng tình yêu Thiên Chúa yêu thương con người và là lời mời gọi những ai muốn bước theo Thầy Giê-su để làm môn đệ của Người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Theo gương mẫu của Thầy Giê-su các môn đệ không sống kiểu “ đầu môi chóp lưỡi” (1Ga 3 18). Trái lại, các ngài thể hiện tình yêu thương bằng sự chân thật và bằng những việc làm dấn thân cụ thể, hiến mình phục vụ ơn cứu độ.

Tình yêu không nhất thời hay như ngọt lửa vụt lên trong chốc lát mà đòi hỏi sự trung tín. Thầy Giê-su đã thể hiện điều này khi Người tuyên bố: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chúa Giê-su đang ở cùng các môn đệ qua Hội Thánh và nhiều phương thế để tiếp tục ban phát tình yêu cho nhân loại. Tình yêu Chúa trào tràn đến đâu thì sẽ bừng lên sức sống đến đấy.

III. THÔNG ĐIỆP

Đức Giê-su đã ban luật yêu thương cho các môn đệ, một luật riêng không theo kiểu thế gian: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Thế gian thường ứng xử tính toán “bánh ít đi, bánh quy lại”… Trái lại, được tình thương của Thầy Giê-su cảm hóa, các môn đệ của Người được gìn giữ trong ân sủng và bình an hầu chủ động vươn tới mọi tâm hồn: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 12, 7), mang lại niềm vui cứu độ cho mọi người.

Sống luật riêng Thầy ban, trên đường nhân đức, thấm nhuần lời dạy yêu thương của Thầy mình, các môn đệ sẽ không tìm lợi ích cho chính mình mà tìm lợi ích cho người khác (x. Gl 2, 4), thể hiện tình yêu thương hy sinh đến tận cùng: “Lòng mến dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 7). Trong khi thi hành nhiệm vụ, các tông đồ đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi, nhiều bách hại: vu khống, khinh khi nhục mạ, bắt bớ, tù đày… thậm chí thiệt cả mạng sống. Thế nhưng, được tình yêu của Chúa Giê-su thúc bách (2Cr 5, 14), trong mọi hoàn cảnh, các môn đệ luôn chứng tỏ các ngài là người phục vụ Thiên Chúa (x. 2Cr 6, 1-10).

Tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đã biến đổi cuộc đời các môn đệ. Mới ngày nào, các môn đệ là những con người yếu đuối thậm chí tội lỗi, tranh dành ngôi vị (x. Mc 9, 34)… nay lại trở nên hiệp nhất yêu thương (x, Cv 2, 42), mạnh mẽ tuyên bố trước mặt mọi người “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29), làm được những “dấu lạ điềm thiêng” chỉ cần cái bóng của các ngài cũng có thể mang lại ơn chữa lành cho người khác (x. Cv 5, 15)… Thiên Chúa đã thực hiện những điều cao cả nơi cuộc đời các môn đệ. Để rồi, qua những hoạt động và nhất là qua cách sống yêu thương của các môn đệ, người đời nhận ra các ngài là môn đệ của Chúa Giê-su Thiên Chúa đang dùng để phục vụ ơn cứu độ (x. Cv 2, 47).

KẾT

Trước khi ra đi chịu chết, như lời di chúc, Đức Giê-su căn dặn các môn đệ yêu thương nhau.

Vâng lệnh Thầy mình, các môn đệ đã sống yêu thương: mọi lúc, mọi nơi, các ngài luôn hoạt động trong danh Chúa, nhờ Người mà tồn tại: (1Cr 10, 31).

Khi đã sống yêu thương thể hiện nơi sự hy sinh đến tận cùng: “dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 7) cuộc sống các môn đệ của Chúa Giê-su sẽ là câu thông điệp yêu thương mời gọi mọi người hướng đến Thiên Chúa để được ơn cứu độ.