NEW YORK - Vào thứ Hai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức thông báo Việt Nam trở thành nước đầu tiên khống chế thành công dịch bệnh SARS

WHO cho biết bệnh SARS dường như đã dịu bớt tại Canada, Singapore và Hong Kong, nhưng tình hình SARS ở Trung Quốc vẫn đang rất căng thẳng.

Việt Nam, một trong những nước nhiễm bệnh SARS đầu tiên, đã không phát hiện ca nhiễm nào mới từ ngày 8/4.

Theo quy định, WHO sẽ tuyên bố dịch SARS được kiểm soát và tháo bỏ các khuyến cáo du lịch nếu trong 20 ngày, tức là gấp hai lần chu kỳ nhiễm bệnh, không phát hiện thêm một ca nhiễm mới nào.

Trong khi đó, Indonesia vừa ghi nhận trường hợp thiệt mạng đầu tiên nghi ngờ do SARS của một thương gia Đài Loan.

Đã có thêm 12 người ở Hong Kong và chín người ở Trung Quốc thiệt mạng vào Chủ Nhật, nâng tổng số người chết vì SARS trên toàn thế giới lên hơn 300.

Nhà chức trách ở Canada, nơi có 21 người chết vì SARS, nói họ sẽ tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế vào cuối tuần này nhằm bàn thảo về dịch bệnh SARS.

'Vẫn còn hy vọng'

WHO đã ca ngợi chính phủ Việt Nam "đã hết sức nỗ lực phòng chống dịch bệnh từ khi dịch bệnh mới bắt đầu".

Bà Pascale Brudon, đại diện của WHO tại Hà Nội, cho biết: "Việt Nam đã chứng tỏ cho thế giới thấy vẫn còn hy vọng khống chế bệnh SARS".

Việt Nam đã từng được xem như một nước bị SARS tấn công nặng nề với năm người chết trong tổng số 68 trường hợp nhiễm bệnh.

Số nạn nhân tử vong

Trung Quốc: 139 Hong Kong: 138 Singapore: 21 Canada: 21 Việt Nam: 5 Thái Lan: 2 Malaysia: 2 Philippines: 2 Đài Loan: 1 Indonesia: 1 (chưa xác nhận) Nguồn: WHO/chính quyền nước sở tại

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Trần Thị Trung Chiến khuyến cáo Việt Nam không nên tỏ ra chủ quan.

Bà Chiến nói: "Nguy cơ truyền bệnh SARS vào Việt Nam qua du lịch là rất lớn".

Bà cũng đã đề nghị thủ tướng Phan Văn Khải đóng cửa tạm thời biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, nơi có số bệnh nhân SARS đông nhất thế giới.

Nhà chức trách tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng bệnh SARS đang gia tăng.

Theo ước tính, khoảng 8.000 người hiện bị cách ly, và thành phố đã đóng cửa tất cả các tụ điểm giải trí bao gồm nhà hát, rạp chiếu phim và cà phê internet.

Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes nói Bắc Kinh dường như đang trở thành một thành phố ma ảo - tất cả đường sá và văn phòng làm việc đều không một bóng người vào thứ Hai.

Biện pháp cứng rắn

Nhiều quốc gia Á châu đang cân nhắc những biện pháp cứng rắn mới theo sau cuộc họp của các bộ trưởng y tế vào cuối tuần rồi.

Đài Loan tuyên bố lệnh cấm nhập cảnh hai tuần đối với người đến từ các vùng nhiễm SARS trầm trọng như là Trung Quốc, Hong Kong và Singapore.

Chính phủ Hàn Quốc nói họ sẽ tăng cường việc kiểm tra tại sân bay và chuẩn bị thêm giường bệnh, mặc dù Hàn Quốc chưa phát hiện trường hợp nhiễm SARS nào.

Trong khi đó tại Philippines, nơi ghi nhận hai người thiệt mạng và bốn trường hợp nhiễm bệnh, chính phủ nói cảnh sát có thể bắt giữ những người vi phạm luật cách ly.

Tình hình SARS tại Singapore có dấu hiệu suy giảm sau khi chính phủ Singapore ban hành các biện pháp nghiêm khắc như việc chẩn đoán nhiệt độ hành khách nhằm phát hiện những người có nhiệt độ cao.

Mặc dù dịch bệnh SARS đang hoành hành nhiều nước, bà Gro Harlem Brundtland, tổng giám đốc WHO, nói thế giới vẫn còn "cửa sổ cơ hội" ngăn cản bệnh SARS trở thành đại dịch toàn cầu. (bbc)