-->Xem Photos giáo xứ Suiza -- -->Xem Photos các loại hoa trong vườn giáo xứ Suiza
Vương cung thánh đường Đức Mẹ Các Thiên Thần hiện nay được kiến trúc trên 2 nền nhà thờ cũ, và là một thánh đường nguy nga, bên ngoài có nhiều tháp xây kiểu barốc, bên trong các cột và trần bằng gỗ, sơn vẽ hình ảnh rực rỡ, nhất là tượng Đức Mẹ đá đen được tôn kính tại đây (chúng tôi sẽ có dịp viết về sự tích và phép lạ Đức Mẹ) được đặt trên một bàn thờ lộng lẫy và sơn thiếp vàng.
Từ thủ đô San José tới thành Cartago chừng hơn 30 cây số, và từ Cartago tới thành Turrialba về phía nam là 40 cây số để từ đó đi tới xứ đạo mà tôi định tới. Tuy không xa nhưng vì đường ngoằn nghèo và vượt rừng leo núi, nên phải mất gần 2 tiếng đồng hồ lái xe. Sau đó từ Turrialba đi thêm một quảng đường 12 cây số nữa thì tới xứ đạo có tên là thánh Isidro Labrador (thánh Isidorô quan thầy nông dân) ở Suiza. Đây là nơi tôi sẽ dừng lại trong một thời gian để tìm hiểu, khám phá, kinh nghiệm mục vụ tại một xứ đạo miền quê và chia sẻ mục vụ với cha xứ ở đây, đàng khác cũng là thời gian để tôi thực tập và trau dồi thêm vốn liếng tiếng tiếng Tây ban nha của tôi.
Suiza một một quận của tỉnh Turrialba và cách thị trấn tỉnh 12 cây số. Quận Suiza bao gồm diện tích 650.000 km2, và mật độ là 10 người ở cho một cây số vuông. Quận bao gồm các cộng đoàn: Suiza trung ương, Las Colonias, Santa Cristina, Los Arcángeles, El Porvenir, Atirro, El Carmen, El Silenzio, Pascuare, Mollejones, Pacayitas và San Vicente. Tất cả làm thành xứ đạo Công giáo Suiza.
Toàn quận Suiza có 11 trường công (có trường chỉ có 20 học sinh như ở Silenzio) và một trường trung học. Có nhà bệnh phát thuốc và cấp cứu, có 1 chi nhánh ngân hàng, một trung tâm dậy về dinh dưỡng và mới đây có tháp viễn thông cho điện thoại cầm tay và internet dựng lên bên kia công trường đối diện với nhà thờ.
Sở dĩ có tên là Suiza (Thụy sĩ) vì ban đầu quãng năm 1910 nói là có gia đình đi dân đến từ Thụy sĩ tới lập cư và thấy phong cảnh núi đồi, hồ nước, thiên nhiên kỳ thú nên đặt tên là Thụy sĩ để tưởng nhớ quê hương xưa. Hiện nay có một địa điểm trong xứ đạo nổi tiếng du lịch đó là khu vực Đồn Điền Hacienda Tayutic. Nơi đây còn giữ lại đuợc một số những ngôi nhà nguyên thủy bằng gổ cả trăm năm cùng những kỉ vật của gia đình đại điền chủ này, còn cả một nhà nguyện riêng cổ xưa, khu vực đồn điền vẫn còn sản xuất café, mía, đường ngọt. Còn có khu khác được thế hệ sau biến thành địa điểm du lịch sinh thái và tiếp đón khách du lịch cao cấp với chỉ 4 phòng trọ sang trọng.
Xứ đạo Suiza một phần nhà giáo dân nằm chênh vênh trên sườn đồi, một phần năm dưới chân núi. Theo tài liệu của giáo phận Cartago thì thánh lễ đầu tiên được cử hành cho dân chúng ở đây vào năm 1916 theo yêu cầu của giáo dân sống ở Suiza và La Canada, và tiếp đó vẫn có các linh mục đến dâng thánh lễ cho giáo dân Nhưng mãi đến năm 1941 giáo xứ này mới được chính thức thành lập và được đặt tên là nhà thờ Thánh Isidro Labrador (thánh Isidôrô thợ) là vị thánh mà dân chúng khắp vùng Turrialba đều rất quen thuộc. Trụ sở giáo xứ cà nhà Cha xứ được xây năm 1966 và nhà thờ nhỏ được dựng lên, nhưng nhà thờ lớn hiện nay mới khánh thành từ năm 2000. Nhà thờ chứa chừng 600 người, ngoài ra còn 12 họ lẻ mà tên đã được kể ở trên, các nơi này còn gọi là các địa điểm truyền giáo, hay là các “communidad”, tất cà đều có nhà nguyện nho nhỏ xinh xinh, số người từng cộng đoàn tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật thay đổi từ 40 đến 200 người.
Vì dân chúng ở đây đa phần là nông dân, có ba vụ mùa và nông sản chính là trồng café, mía và chuối. Tuy nhiên ít người có vườn lớn để trồng cấy nên phải làm thuê cho các địa chủ và lại tuỳ thuộc vào mùa gặt, nên đời sống dân chúng rất nghèo nàn. Các gia đình hầu hết cũng có nhà riêng, mái lợp bằng tôn, vách gạch hay xi măng, có radio, và đôi khi có TV. Điện nước robinê do thành phố cung cấp đầy đủ (dù phải trà tiền hàng tháng) ngay cả ở vùng xâu và xa cũng có điện nước và ngay cả dịch vụ xe bus cũng tới khắp các cộng đoàn xa xôi có khi chỉ là 30 nóc nhà và chừng vài trăm người.
Đường từ quốc lộ 10 đi vào nhà thờ chính của xứ đạo Suiza đã được trải nhựa, nhưng đường đi tới các cộng đoàn và đường đi vào các nhà dân chúng vẫn còn là đường đất và đá. Chỉ có một số gia đình có xe và đa số là xe jeep 4x4 để leo đồi vượt đường đất. Dân chúng ít người có phương tiên đi lại, ngay cả motor hay xe đạp cũng ít. Đa số đi bộ, và nếu cần đi đâu phải đi bộ tới trạm xe bus.
Vì không có phương tiện đi lại nên vấn đề tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật là vấn đế nan giải cho việc mục vụ. Thứ Bảy vừa qua, lúc 2 giờ có lễ cưới, tiếp sau là thánh lễ vọng Chúa nhật vào lúc 4 giờ chiều tại nhà thờ chính. Sau đó, Cha xứ và tôi đã đi dâng lễ tại một địa điểm khác cho chừng 40 giáo dân (trong tổng số 200 giáo dân ở cộng đoàn này).
Ngày Chúa Nhật vừa rồi, chúng tôi dâng lễ lúc 8:00 sáng tại nhà thờ chính cho chừng 350 giáo dân (trong thánh lễ có quan tài một bà 86 tuổi mới qua đời chiều hôm trước) vì thế cũng làm phép xác cho bà trước lễ và làm phép tiễn đưa sau lễ, nhưng thánh lễ theo nghi thức các bài đọc Chúa Nhật I mùa Chay. Sau đó 9:30 đến dâng thánh lễ cho cộng đoàn Silenzio cách chừng 6 cây số. Tiếp đến đi thêm 6 cây số nữa dâng lễ vào lúc 11:30 tại nhà thờ ở Pacayitas cho giáo dân ở cộng đoàn này và 2 cộng đoàn gần đó là Mollejones và San Vincente.
Trở về giáo xứ nghỉ ngơi một chút rồi đi tiếp tới cộng đoàn La Canada dâng lễ lúc 4 giờ cho chừng 130 người. Sau cùng về giáo xứ chính dâng lễ lúc 6 giờ chiều cho chừng 300 người nữa.
Thật là một ngày vất vả trong công tác mục vụ và phải quan tâm tới nhiều khía cạnh khác nhau khi thi hành mục vụ tại một nơi mà không những thiếu linh mục mà còn thiếu nhiều các phương tiện và trong những điều kiện rất khó khăn. Có đến đây và cùng chia sẻ mục vụ với linh mục chính xứ là Cha Eliecer Monge Marin, tôi mới cảm nhận được đâu là tình thần và đời sống của một vị linh mục truyền giáo.
Tôi rất cảm phục và hãnh diện co dịp làm quen và biết vị linh mục đầy sinh lực và năng động này. Ngài cao lớn còn ở trạc tuổi dưới 50. Tuy nhiên kinh nghiệm mục vụ rất trổi vượt. Ngài trước đây thuộc dòng Augustinô nhưng này đã nhập giáo phận Cartago. Ngài về được 2 năm, nhưng trước đó đã từng là thừa sai truyền giáo tại nước Brazil, một nước mà ngài nói kinh nghiệm truyền giáo còn gặp khó khăn nhiều gấp bội ở đây vì đường xá xa xôi và dân bản địa Amazon chưa thích nghi và hiểu cuộc sống thế giới tôn giáo và văn minh hiện đại.
Vì thiếu linh mục, nên Cha Eliecer đã tổ chức tại một xứ đạo một Ban Giáo Lý viên lo các việc chẳng những về phụng vụ mà còn lo dậy đạo cho các em. Các giáo lý viên chinh là những bàn tay nối dài của linh mục tại các thí điểm truyền giáo như các Communidad nơi đây.
Có dịp chúng tôi sẽ chia sẻ thêm về đời sống gia đình, giáo dục và học đường, vấn đề xã hội và ý hướng vươn lên tại các cộng đoàn xa xôi hẻo lánh ra sao…