CHICAGO (Zenith.org) - Một số người Mỹ vô thần đang chống đối dự án của bưu điện Hoa kỳ sẽ phát hành tem thư tôn vinh Chân phước Teresa Calcutta, thường được gọi là Mẹ Teresa. Hàng ngàn người Công giáo đã phản ứng lại, cho việc chống đối đó là hành động kỳ thị tôn giáo.

Hôm thứ Ba vừa qua, tổ chức CatholicVoteAction.org đã phổ biến một thông báo cho báo chí, kêu gọi người Mỹ gia nhập nhóm gần 78 ngàn người đã ký tên trên một thỉnh nguyện thư ủng hộ việc phát hành con tem tôn vinh Mẹ Teresa.

Thỉnh nguyện thư, gửi cho ông Giám đốc Bưu điện Hoa kỳ Jack Potter, khẳng định: “Chúng tôi thật bàng hoàng và buồn bã khi được biết có những nhóm người vô thần đang vận động để ngăn chặn [Sở Bưu diện Hoa kỳ] không cho phát hành một tem thư mới nhằm tôn vinh Mẹ Teresa.”

Bản thỉnh nguyện thúc giục ông Potter “duy trì quyết định sẽ phát hành con tem vào ngày 26 tháng 8 sắp tới, và loại bỏ những cuộc tấn công mù quáng nhằm nhục mạ vị nữ tu vì đầy niềm tin, đã cống hiến cả cuộc đời để chăm sóc cho người già nua và thiếu thốn trong thế giới chúng ta.”

Brian Burch, chủ tịch nhóm hoạt động nói trên, tuyên bố: “Chúng tôi mong muốn vị Tổng giám đốc Bưu điện biết cho rằng hàng triệu người Mỹ đã ủng hộ quyết định của Bưu điện phát hành một tem thư mới tôn vinh Mẹ Teresa.”

“Tuy chúng tôi hài lòng vì ông Tổng giám đốc Bưu điện Potter cho đến nay đã bảo vệ quyết định đó, nhưng chúng tôi tiếp tục chống đối lại những người đang tìm cách phỉ báng người nữ tu đầy đức tin này.”

Ông Burch cho biết rằng sở bưu điện có chính sách cấm phát hành những tem thư nhằm “tôn vinh các tổ chức hay cá nhân thuộc tôn giáo nào mà các thành quả chính có liên hệ trực tiếp với các hoạt động kinh doanh hay niềm tin tôn giáo.”

Tuy nhiên, ông khẳng định rằng chính sách này không nên loại bỏ ra ngoài những nhân vật tôn giáo nào lừng danh vì những cống hiến cho thế giới.

Nhóm hành động nói trên cho biết rằng trong quá khứ, các nhân vật tôn giáo cũng đã được vinh danh bằng tem thư tưởng niệm, như John Witherspoon năm 1976, Mục sư Martin Luther King, Jr. năm 1979 và 1999, Martin Luther năm 1983, and Linh mục Edward Flanagan năm 1986.

Xứng đáng



Ông Burch phát biểu: “Mẹ Teresa hãnh diện là một người Công giáo Roma, và đức tin tôn giáo của Mẹ quả đã linh hứng cho Mẹ làm được những việc bác ái. Tuy nhiên, sự nghiệp phục vụ cho thế giới của Mẹ đã được cả toàn cầu công nhận là xứng đáng được biểu dương.”

“Sự kiện Mẹ là một nữ tu Công giáo không nên được coi là yếu tố làm cho Mẹ bị loại bỏ không được nhận những vinh dự vì các hành động bác ái và hoà bình rất đáng ngạc nhiên của Mẹ. Làm thế sẽ tạo thành một hình thức kỳ thị tôn giáo thô bạo.”

Tổ chức Freedom From Religion Foundation đang lãnh đạo phong trào chống đối việc phát hành tem thư Mẹ Teresa, cho rằng nữ tu này đã một “khía cạnh đen tối”, như lời trong bản thông cáo của họ cho biết.

Ông Burch khẳng định rằng “lý do thật sự gây nên nỗi bất bình của những người này dường như là vì công cuộc bảo vệ của Mẹ Teresa đối với nền luân lý tính dục và phẩm giá của mọi cuộc sống con người.”

Ông giải thích là tổ chức nói trên đã kết án vị nữ tu này vì đã phát biểu một “tràng đả kích nạn phá thai” khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979.

Nhóm hành động đã chỉ ra cho biết có nhiều lý do tại sao nên tôn vinh Mẹ Teresa.

Lời trong thỉnh nguyện thư viết: “Bằng tình yêu thương và lòng bác ái, Mẹ Teresa đã chăm sóc cho hàng chục ngàn người không phân biệt tình trạng đói nghèo, chủng tộc, giới tính hay tôn giáo. Mẹ đã chăm sóc cho họ vì họ là những con người, và nay còn tiếp tục linh hứng cho cả hàng triệu người cả sau khi đã qua đời.”

Có thể ký thỉnh nguyện thư tại: www.stampoutbigotry.com

Số người ký tên hiện nay đã trên 79 ngàn, và còn đang tiếp tục gia tăng.