THÁNH LỄ MỒNG MỘT TẾT BÌNH AN NĂM MỚI (2010)

(BĐ Chúa Nhật VI Thường niên C)

Cái uy dũng của người Kitô hữu

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa….

Trước hết, trong buổi sáng tinh mơ của ngày Đầu Năm Mới, năm (Canh Dần, 2010), tôi xin được kính chúc Quí Cha, Quí Thầy, Quí nữ tu hai hội dòng Phaolô và MTGQN, cùng toàn thể ÔBACE, đặc biệt các Vị cao niên, các bạn trẻ, các em thiếu nhi và những người ngheo đơn bệnh tật, một Năm Mới đầy tràn bình an và hạnh phúc, một Xuân Mới chan hòa niềm vui và ân lộc của Thiên Chúa. (Cho một tràng pháo tay).

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều đồng cảm và đồng xác tín rằng: chúng ta có mặt đông đảo nơi đây, sum họp sớm sủa trong những giờ đầu tiên của Năm Mới nầy, phải chắng trước tiên là để chúc mừng Thiên Chúa, hay nói theo ngôn ngữ truyền thống bình dân của giáo dân Qui Nhơn chúng ta, đó là “Mừng tuổi Chúa”, mà nội dung và ý nghĩa cốt yếu đó là: Tạ Ơn và dâng Năm Mới cho Thiên Chúa để xin Ngài ban phúc lành bình an và muôn điều tốt lành cho thế giới, cho Hội Thánh, cho Đất Nước quê hương VN, cho mọi gia đình và tất cả chúng ta.

Mùa Xuân năm nay lại về trong Năm Thánh Giáo Hội Việt nam.

Trong ý nghĩa đó, thánh lễ Minh Niên nầy sẽ là món quà quý giá nhất chúng ta dâng lên để “mừng tuổi Chúa”, và là lời chúc tốt đẹp nhất chúng ta dành cho nhau.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lõi chúng ta để xứng đáng cử hành Thánh lễ.

Giáng Lời Chúa:

Theo văn học dân gian, trong 12 Con Giáp, Dần được xếp hạng 3 (Tý, Sửu, Dần) qua cuộc đua việt dã do Ngọc Hoàng Thượng Đế tổ chức. Nhân ngày đầu năm Dần, năm con cọp lên chức hành khiển, có thể rút ra một đôi điều từ sự kiện nầy.

Dân ta gọi Dần là Hổ, Hùm, Cọp, Hạm, Hầm, Khái; đôi lúc vì kính sợ kêu là Ông Ba Mươi hay Ông Kễnh. Vì Hổ có sức mạnh vô địch trong các loài thú nên được phong là Chúa Sơn Lâm. Chắc bạn đã có dịp nhìn trên truyền hình hay đọc báo National Geographic, những con mãnh hổ đuổi theo đàn trâu nước, bò mộng, hươu nai…như gíó cuốn tàn khốc. Chính vì thế Hổ đựoc ghép với một từ khác biểu hiệu sức mạnh uy dũng như như môn võ Hổ quyền-chó sói Hổ lang-rắn độc Hổ lửa, Hổ mang-tướng trăm trận trăm thắng Hổ tướng- phù hiệu hành quân cắt đôi, vua giũ một nửa, một nửa ban cho tướng chỉ huy là Hổ phù-cửa ra vào dinh tướng Hổ môn, hang hổ gọi Hổ huyệt-, bản doanh đóng quân của tướng lãnh Hổ trướng-xương Cọp nấu thành cao chữa bá bệnh là Hổ cốt-trong bát trân (8 món ăn) của các hoàng đế Nhà Đường Trung Hoa món bao tử cọp cũng được kể tên…

Cũng chính với cái biểu tượng oai hùng, uy dũng đó mà nhà thơ Thế Lữ đã có một bài thơ bất hủ về con cọp, bài “Nhớ Rừng” để ví von cảnh tù ngục của một con cọp bị giam trong củi sắt với thân phận của một nhà cách mạng bị lao tù. Xin trích:

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm-thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể muôn của loài
Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.


Nhưng không phải lúc nào cọp cũng được xem trọng. Cũng trong dòng văn học bình dân, đôi khi cọp được cho là con vật “hữu dõng vô mưu” như câu chuyện sau:

Trong sách Giáo khoa xưa có truyện tích dạy đời ‘Trí khôn loài người’. Một hôm, có chú Cọp mò về làng rình bắt trâu bò, nhìn thấy trong ruộng bùn 1 con trâu lớn ì ạch kéo cày dưới làn roi điều khiển của bác nông phu. Nó lấy làm lạ tại sao con trâu to lón lại nghe lời con người nhỏ bé kia, liền cất tiếng hỏi:

- Thưa tại sao ông nhỏ bé thế mà con trâu to lớn phải nghe lời ông?

- Vì ta có trí khôn. - Người nông phu đáp.

- Ông có thể cho tôi xem trí khôn của ông được không?

- Tao để quên ở nhà.

- Ông có thể về lấy cho tôi xem được chứ?

- Dễ thôi, nhưng với điều kiện ta phải trói ngươi lại để khi ta về lấy ‘trí khôn’ ngươi không thể ăn thịt trâu ta.

Cọp đồng ý. Thế là bác nông phu lấy giây thừng trói chặt Cọp vào gốc cây rồi châm lửa đốt. Cọp biết bị lừa cố vùng vẫy thoát thân chạy vào rừng, còn nghe tiếng gọi lớn đàng xa vọng lại “ Trí khôn ta đây ! Trí khôn ta đây ! “. Tuy thoát chết, nhưng trên da Cọp còn lưu lại vết cháy rằn ri muôn đời không xóa sạch...


Và có lẽ câu chuyện ngày mồng 3 tháng 7 năm 1991 tại bờ sông Fraser, cách thành phố Vancouver, Canada l;à ý nghĩa nhất để chúng ta cùng suy niệm trong năm Con Cọp nầy:

Larrane Leech là một cô nuôi trẻ, 44 tuổi, tại làng Lillooet, cạnh bờ sông Fraser, cách thành phố Vancouver, Canada 200 cây số. Làng này hẻo lánh thưa người, có rừng núi hoang vu bao bọc, nên thú rừng thường xuất hiện.

Một hôm, cô dẫn 5 em bé cô coi sóc ra bờ sông để hái trái dâu dại, và chơi đùa. Các em này còn rất thơ ngây, chỉ từ 2 đến 5 tuổi. Sau khi hái dâu, cô dẫn các em ra bãi cát bờ sông chơi trò “bỏ khăn”. Đang chơi, bỗng cô thấy các em im lặng, một thứ im lặng hồi hộp dễ sợ… thì ra một con hùm tơ đang liếm mặt Mikey, 2 tuồi, bé trai duy nhất trong bọn. Cô sợ lặng đi đến mấy chục giây. Bình tĩnh lại, cô ra lệnh ngay cho con hùm:

- Không được liếm mặt bé Mikey nữa!

Trong khi đó bé Mikey sợ điếng người. ngồi không nhúc nhích. Thế là cô lao lại phía con hùm, tính kéo đuôi cho nó xa em Mikey ra, nhưng cô lại vươn hai tay thộp cổ con hùm, lắc qua lắc lại. Con hùm bị tấn công, nó nghiêng ra cào vào mặt hai em khác đang đứng chết trân cạnh đó, rồi nó quay lại vươn hai chân trước vồ túm đầu cô Larrane. Cô đưa hai tay ra đỡ, túm chắc hai chân con hùm, đẩy nhau với nó, trong khi cô la lớn “các con lại núp sau lưng cô!” Đám trẻ chạy xón lại sau lưng cô, đồng thanh la hét “cút! cút! cút!…” Cô Larrane tuy đã mệt, nhưng tiếng hét của đám trẻ làm cô lên tinh thần, cô trợn mắt há miệng hét vào mặt con hùm: “Mày cút đi đề cho chúng tao yên!” vừa nói cô vừa lấy hết sức bình sinh đẩy con hùm. Con hùm tơ bị đẩy quá mạnh, nó ngã chúi xuống, rồi lồm cồm bò dậy, cúp đuôi chạy vào rừng.

Vì lòng can đảm, tình yêu thương trẻ và trách nhiệm nghề nghiệp, cô Larrane đã đuổi được con hùm, đùm bọc cho đám trẻ thoát miệng cọp dữ, tuy cũng phải một phen hú vía kinh hồn.

Chắc chắn cô không thể quên cuộc đuổi hổ, ngày mồng 3 tháng 7 năm 1991 ấy.


Từ câu chuyện đó, tôi muốn cộng đoàn chúng ta hướng về sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật của ngày Tết Nguyên Đán.

Lời Chúa hôm nay gần như tập chú để nói với chúng ta rằng: thái độ đức tin đúng đắn nhất của người Kitô hữu phải chăng là khiêm hạ, khó nghèo, một thái độ đã được chính Chúa hướng dẫn và huấn luyện trong suốt dòng chảy của licghj sử cứu độ từ Cựu ước sang Tân ước, đó là thái độ đức tin của “những người nghèo của Gia-Vê” (Anawim), những người đặt hết niềm tin tưởng phó thác cho tình thương và quyền năng của Thiên Chúa trong ý thưc thân phận bé nhỏ khiêm nhu của chính mình. Chính thái độ đó đã mang về hạnh phúc đích thực như Giêrêmia đã tuyên cáo trong BĐ 1 hôm nay:

Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, …”

Thái độ đó, tâm tình đó hoàn toàn đối nghịch với hạng người giàu bất cần Thiên Chúa, vô tín và kiêu căng, đặt mọi giá trị và cùng đích trên chính bản thân mình… cũng được sứ ngôn Giêrêmia nói đến chính nơi trích đoạn sách thánh nầy:

“”Đáng nguyền rũa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa ! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa, chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ…”

Tiếp nối dòng chảy của Cựu ước, Tân ước tiếp tục làm vang lên sứ điệp chúc tụng-tạ ơn của những người nghèo của Thiên Chúa mà những kẻ đại diện lại là những nhân vật quyết định cho biến cố cứu độ: Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse, Thánh Gioan Tẩy giả, các Tông Đồ, Hội Thánh Chúa Kitô…

Ngày từ Bài Giảng đầu tiên khai mạc công cuộc tuyên rao Tin Mừng, Đức Kitô đã dõng dạc công bố “Con đường phúc thật” mà trình thuật Tin Mừng Luca hôm nay đã tóm tắt qua 4 hạng người tiêu biểu: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…Phúc cho anh là những kẻ bây giờ phải đói…, phúc cho anh là những kẻ bây giờ phải khóc…., phúc cho anh em vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa…” (Lc 6,20-22)

Và cũng giống như Giêrêmia đưa ra 2 loại người bị chúc dữ và được chúc phúc đối lập nhau, Đức Kitô sau khi nêu bật những kẻ được chúc phúc, đã công bố thân phận của 4 hạng người bị chúc dữ: những kẻ giàu, những người no nê, những người vui cười và những kẻ được ca tụng…

Và Ngài cũng đã minh thị xác nhận rằng: Kẻ nghèo hèn, thấp cổ bé miệng, chính là đối tượng của sự mặc khải của Thiên Chúa, là ưu tiên một trong bảng xếp hạng tiến vào Nước Trời:

“Lạy Cha là Chúa tể trời đât, con xin ngời khen Cha…”(Mt 11,25).

“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).


Và Tin Mừng đã minh chứng Ngài đã lựa chọn làm người trong thân phận một kẻ nghèo thật sự:

* Sinh trong cảnh nghèo: Hang lừa, máng cỏ…

* Sống nghèo: Nghề thợ mộc,

* Đi rao giảng trong cảnh nghèo: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9, 58).

* Quan hệ, quan tâm đến những kẻ nghèo, thấp cổ bé miệng, bị loại trừ, tội lỗi, bệnh hoạn tật nguyền…

* Và sau cùng chết trần trụi trên cây thánh giá...

Và chúng ta còn nhận ra rằng, những kẻ liên kết mật thiết với Đức Kitô, thì cũng đã hoàn toàn để cho Tin Mừng nghèo khó thấm nhập vào cả cuộc đời:

Chính “Người thôn nữ Maria ở Na-da-rét”, Mẹ Đấng Cứu Thế, đã cảm nghiệm sâu xa hồng ân cao cả của Thiên Chúa dành cho kẻ thấp hèn nên đã cất cao lời ca khen chúc tụng:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng…
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường…” (Lc 1,46-55)


Những con người như Thánh Cả Giuse, các Thánh Tông Đồ, và kế tiếp suốt 2000 năm nay, bao thế hệ Kitô tô hữu muôn nơi muôn thuở với những gương mặt như Phanxicô thành Assisi, Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Maximilien Kolbe, Anre Phú Yên, Mẹ Têrêsa thành Calcutta… đã quyết chọn thái độ khó nghèo để phục vụ tình yêu Thiên Chúa và hiến dâng cuộc đời như lời ca khen chúc tụng và như của lễ cảm tạ tri ân..

Trong giây phút thiêng liêng khi trời đất giao mùa, chúng ta có dịp ngồi lại với nhau trước mặt Chúa để nhờ ánh sáng của Lời Ngài mà định hướng thái độ sống đức tin cho suốt một năm, năm Canh Dần, năm Con Cọp.

Chính trong cái biểu tượng uy hùng, manh mẽ của con cọp mà chúng ta ý thức chức phận cao cả của ơn gọi cuộc đời Kitô hữu, một cơn gọi và cuộc đời không phải để sống khiếp nhược nhưng anh hùng, không yếu hèn nhưng mạnh mẽ; cái mạnh mẽ của “những vì sao chiếu sáng trong bầu trời” (như ngôn ngữ của Thánh Phaolô), cái mạnh mẽ như “ngọn đèn cháy sáng, như men vùi trong thúng bột” (ngôn từ và hình ảnh của chính Chúa Giêsu).

Tuy nhiên, cái mạnh mẽ đó, cái uy hùng đó không bao giờ lại dính bén chút nào tới cái kiêu căng, hợm hĩnh, trịch thượng, vô tín vô tâm trước Thiên Chúa và với anh em mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay cảnh báo bằng cụm từ “khốn cho những kẻ…”, mà là cái mạnh mẽ uy dũng của “người chứng nhân Tin Mừng”, của người Tông Đồ làm chứng sức mạnh của tình yêu phục vụ và khiêm tốn, quảng đại và biết sẻ chia. Đó chính là cái mạnh mẽ của chính Chúa Giêsu, Đấng đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ và hiến thân chịu chết cho muôn người; là cái mạnh mẽ của Phêrô can đảm thân thưa với Thầy Chí Thánh: “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời”; là cái mạnh mẽ của các Tông Đồ “hân hoan vui mừng vì được chịu đau khổ bách hại vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng”; là cái mạnh mẽ của Đức Trinh Nữ Maria can đảm đứng dưới chân thập giá để liên kết với Con trong hành trình khổ nạn và Hy tế Thập Giá; là cái mạnh mẽ của những bao vị Thánh Tử đạo sẵn sàng đón nhận gươm đao, tù đầy, đầu rơi máu chảy chứ không thể khước từ mình thuộc về Chúa Kitô; là cái mạnh mẽ của cô gái Maria Goretti, can đảm bảo vệ đức khiết trinh cho dù lảnh đủ 14 nhát dao cho tới chết; hay của chàng thanh niên 19 tuổi Anrê Phú Yên, tươi vui mang gông ra pháp trường thành Chiêm và cõi lòng vui như mở hội vì được “đáp trả tình yêu” cho chính Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương mình…

Bắt đầu một Năm mới cũng là dịp để chúng ta cùng đổi mới. Thay đổi cuộc sống, đổi mới tâm hồn sao cho cuộc hành trình đức tin không bao giờ là một lặp lại nguyên xi những thói quen cũ mòn xơ cứng, như cái nhìn của nhà thơ Thế lữ gieo vào đầu óc của con cọp bị nhốt trong sở thú trong bài thơ “Nhớ rừng”, đã khinh chê cái tầm thường, giả dối của những hòn non bộ:

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ sén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.


Trước thềm năm mới, chúng ta cầu chúc cho nhau “nhật nhật tân”, mỗi ngày mỗi đổi mới trên nền tảng của Tin Mừng, Tin Mừng Tám Mối Phúc Thật, Tin Mừng bác ái yêu thương, Tin Mừng khiêm nhu nghèo khó, Tin Mừng phó thác trông cậy, Tin mừng kiên nhẫn tin yêu, Tin Mừng can đảm nói không với trào lưu buông tuồng mất nết của nền văn minh sự chết, văn minh hưởng thụ và ích kỷ, để sẵn sàng nói có với những giá trị luân lý Công Giáo, với các nhân đức anh hùng của Phúc âm. Và như thế, biểu tượng của Con Cọp, của Năm Dần sẽ mang theo một chiều kích tích cực để tát cả chúng ta cùng nỗ lực lên đường như lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt nam trong thư công bố Năm Thánh 2010:

“Vì thế, khi xây dựng đời sống mình trên nền tảng những giá trị Tin Mừng như bác ái, liêm chính và quí trọng công ích, anh chị em chính là những công dân tốt, tích cực tham gia vào việc xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Qua anh chị em, Giáo Hội đóng góp phần mình vào việc phát triển con người và xã hội cách toàn diện, trong tinh thần đối thoại chân thành, hợp tác lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau…”

Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện đầu năm của chúng ta. Amen.