Dẫn

Nhắc đến trình thuật Tin Mừng (Lc 4, 21-30), người ta dễ liên tưởng ngay đến việc Đức Giê-su bị người đồng hương Na-da-rét tẩy chay, bởi sự thật là thế.

Tuy nhiên, sự kiện này càng chứng thực: Thiên Chúa không như ý tưởng của con người.

Thiên Chúa là Tình yêu.

I. Làm người

Từ sông Gio-đan bước lên, được Chúa Cha công khai tuyên bố Ngôi Vị là Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su đã trở về quê hương Na-da-rét.

Tại đây, những người đồng hương của Đức Giê-su đã sớm nhận ra Người và họ hỏi nhau: “Người này không phải là con ông Giu-se sao?” (Lc 4, 22).

Câu hỏi của đồng hương đã gián tiếp cho mọi người biết Thiên Chúa đã làm người thực sự và đã bước vào một gia đình nhân lọai, chấp nhận những con người thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên làm cha nuôi (thánh Giu-se) làm mẹ (Đức Ma-ri-a) và chấp nhận những luật lệ sinh họat tôn giáo như bao người.

Thánh Gio-an khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Là tình yêu, Thiên Chúa đã xóa đi khỏang cách xa vời vợi giữa Thiên Chúa và con người mà thay vào đó là sự dấn thân, là sự hy sinh đến quên mình.

Trong thân phận con người mang tên Giê-su, Thiên Chúa đã trở nên con người khốn khổ nhất và đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa hòa điệu với muôn người.

II. Thăm quê

Ngày Sa-bát Đức Giê-su vào hội đường cử hành lời Chúa. Thoạt đầu, người đồng hương hân hoan đón tiếp Người với sự kinh ngạc: “Mọi người làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra,” (Lc 4, 22).

Tiếp đến, họ hỏi nhau: “Người này không phải là con ông Giu-se sao?” (Lc 4, 22). Như vậy, đồng hương của Đức Giê-su đã công nhận nhận thân thế của Người.

Từ sự công nhận mối liên hệ đồng hương với Đức Giê-su, người Na-da-rét tìm cách líu kéo Đức Giê-su ban riêng cho họ những đặc quyền đặc lợi: “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm ở Ca-phác-na-um, ông hãy làm tại đây, tại quê hương xem nào!” (Lc 4, 21). Vậy là, họ đón nhận Đức Giê-su không vì đức tin mà là tìm kiếm những lợi lộc vật chất như được chữa bệnh, được ăn uống no nê…

Mặt khác Đức Giê-su đã biết được tâm ý của người Na-da-rét nên người áp dụng câu tục ngữ: “Thầy lang ơi hãy chữa lấy mình!” (Lc 4, 21) để nói lên tư tưởng của họ “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm ở Ca-phác-na-um, ông hãy làm tại đây, tại quê hương xem nào!” (Lc 4, 21). Điều này cho thấy nơi người Na-da-rét ngầm chứa sự khiêu khích. Họ không tìm Đức Giê-su để tôn thờ Người là Đấng Cứu Thế mà đơn giản họ đến với Người vì sự hiếu kỳ. Tệ hơn nữa, họ muốn lợi dụng Người như lợi dụng một người đồng hương có tài năng xuất chúng để gây vinh vang cho làng quê Na-da-rét.

Thiên Chúa không thiên vị người nào (x Gl 2, 6); mỗi người đều có chỗ đứng trong trái tim của Chúa. Ai ai cũng là những đối tượng được Thiên Chúa xót thương và ước mong cứu rỗi. Thiên Chúa cũng không ấu trĩ trước những sự khiêu khích diễn kịch của những kẻ cực đoan. Không được như ý, đồng hương của Đức Giê-su đã thất vọng và họ đã quay lại chống đối, tìm cách xô Người xuống vực thẳm (x. Lc 4, 29).

Thường thấy, lý của người đời là sẽ tìm cách trả đũa những kẻ ngược đãi, những kẻ âm mưu sát hại mình. Ở đây lý của tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giê-su cách nhẹ nhàng: “Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 30).

III. Phổ quát

Đức Giê-su đã cất bước ra đi khỏi quê hương của mình vì đơn giản: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê hương của mình” (Lc 4, 24).

Sự ra đi ấy chính là thông điệp cho người đồng hương, cũng như cho mọi người:

- Tình yêu Thiên Chúa làm chủ mọi tình huống xử sự. Khi giờ chưa đến, Người không đối đầu quyết liệt mà chỉ nhẹ nhàng: “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 30).

- Tình yêu Thiên Chúa được trao ban cho toàn thể nhân lọai chứ không cho riêng người Do Thái hay bất cứ một nhóm người nào (x. Rm 1, 16). Những tiêu chuẩn thanh lọc, chọn lựa, bè phái, chủng tộc, màu da… đều trái ngược với tình yêu của Thiên Chúa.

- Tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi sự trao ban sự sống “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3, 16) chứ không phải là những việc đặc quyền đặc lợi riêng tư. Tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa (x. 1 Ga 3, 1-2) và được thương yêu như nhau (x. Rm 2, 11).

- Tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi sự hy sinh “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13) chứ không phải là những trò phô diễn làm loè mắt thiên hạ theo như yêu cầu của người đồng hương Na-da-rét (x. Lc 4, 21).

- Tình yêu Thiên Chúa sẽ đổ đầy vào lòng những ai thiện chí (x. Rm 5, 5), nâng cao tầm hiểu biết, khơi dậy đức tin để khi gặp gỡ Đức Giê-su người ta không chỉ là gặp gỡ con người đơn giản “là con ông Giu-se” mà là gặp gỡ Thiên Chúa làm người và ai trông cậy vào Người sẽ không bao giờ thất vọng (x. Rm 10, 11).

- Tình yêu của Thiên Chúa sẽ làm nên sự sống “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tôi sống trong tôi” (Gl 2, 20) và là nguồn động lực dấn thân “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5, 14).

Kết

Người Na-da-rét xác định Đức Giê-su là người đồng hương của họ là một điều đúng đắn phù hợp với lịch sử.

Tuy nhiên, vì không chịu thi thố tài năng theo ý đồng hương nên Đức Giê-su bị người đồng hương tìm cách hủy diệt.

Qua đấy, người tín hữu càng xác tín Thiên Chúa không bị giới hạn trong suy nghĩ của con người. Thiên Chúa là tình yêu! Tình yêu không bao giờ hư mất (x 1Cr 13, 8).