Quan niệm của Jean-Paul Sartre về hữu thể và hư vô

Một trong những triết gia nổi danh nhất tại Pháp vào thế kỷ XX, người ta nhất thiết phải nêu danh triết gia Jean-Paul Sartre, một đại diện chân chính của học thuyết Hiện sinh (Existentialisme). Ông được sinh hạ trong một gia đình sĩ quan thuộc binh chủng thủy quân Pháp vào ngày 21.6.1905 tại Paris và qua đời ngày 15.4.1980. Nhưng số phận oan nghiệt thay, khi ông vừa được 15 tháng tuổi, thì cha ông bị bạo bệnh và qua đời. Và sau cái chết của cha ông, mẹ ông là bà Anne-Marie – một người bà con với nhà thần học, triết học và bác sĩ y khoa thời danh Albert Schweitzer (1875-1965), một người đã trọn đời dấn thân cứu chữa các bệnh nhân nghèo đói thuộc các bộ lạc bán khai ở Phi châu, và được xưng tụng là „bác sĩ rừng già Phi châu“ và là người được giải thưởng Nobel hòa bình của năm 1952 – đã bồng con về quê ngoại sống với cha mẹ mình. Và năm 1916, bà lại tái hôn với vị giám đốc của xưởng đóng tàu tại La Rochelle. Chính ở đây, Jean-Paul Sartre lại tiếp tục theo học tại trường trung học. Nhưng vào năm 1920, khi người cha nuôi nhận thấy Jean-Paul có một trí khôn thông minh sắc sảo khác thường, ông liền gửi cậu vào học tại một trường trung học danh tiếng ở Paris. Và hai năm sau đó, Jean-Paul thi đậu bằng tú tài và bắt đầu đăng ký theo học triết học tại đại học Paris. Từ đây cuộc đời Jean-Paul Sartre – từ nhân sinh quan, vũ trụ quan cho tới cách tư duy – bắt đầu thay đổi dần, tiệm tiến theo các tư tưởng triết học mà ông đắc thủ được. Kết quả sau cùng của sự phát triển các tư tưởng triết học đó là ông đã đề xướng một khuynh hướng triết học mới mẻ: Chủ thuyết Hiện sinh (Existentialisme) thiên về vô thần. Cùng đồng hành với ông trên con đường tư duy triết học Hiện sinh là nữ văn sĩ Simone de Beauvoir (1908-1986). Tuy hai người không đăng ký kết hôn và không cùng sống chung dưới một mái nhà, nhưng họ là những người bạn thân tình nhất của nhau trong tư tưởng hiện sinh phóng khoáng và trong cuộc sống hằng ngày hoàn toàn tự do, không lệ thuộc vào những ràng buộc luân lý thường tình.

Triết gia Jean-Paul Sartre
Còn công trình trước tác về triết học của Jean-Paul Sartre có thể nói được là rất đồ sộ. Ở đây chúng tôi xin trích dẫn một số tác phẩm quan trọng của ông: „Esquisse d’une théorie des émotions“ (Bản sơ thảo một lý thuyết về các cảm xúc), „Le Diable et le bon Dieu“ (Quỷ sứ và Thiên Chúa nhân lành), „L’Existentialisme est un humanisme“ (Thuyết Hiện sinh là một nhân bản chủ nghĩa), „Critiques littéraires“ (Bình phẩm văn chương), „Situation philosophique“ (Tình trạng triết học), „L’Idiot de la famille“ (Kẻ ngu si trong gia đình), „Critique de la raison dialectique“ (Phê bình lý trí biện chứng), „L’Être et le néant“ (Hữu thể và hư vô), „L’Âge de raison“ (Tuổi đứng đắn), „La Nausée“ (Nôn mửa), v.v…

Tuy mỗi tác phẩm của Sartre đều có tác dụng hướng dẫn người đọc tiến sâu vào „mê cung“ đầy huyền bí của những tư tưởng hiện sinh của ông, nhưng đặc biệt nhất là trong tác phẩm quan trọng „Hữu thể và hư vô“, Sartre đã trình bày rõ ràng quan niệm của ông về vấn đề hữu thể, một chủ đề cơ bản của khoa siêu hình học. Chính trong phần mở đầu của tác phẩm, Sartre đã viết: „Si toute métaphysique suppose une théorie de la connaissance, en revanche toute théorie de la connaissance suppose une métaphysique“: Nếu toàn thể khoa siêu hình học giả thiết một lý thuyết tri thức, thì ngược lại, toàn thể lý thuyết tri thức cũng giả thiết một khoa siêu hình học.(1) Bởi vì, đã là một triết gia chân chính, thì dù muốn hay không, Sartre cũng không thể bỏ qua được vấn đề trọng yếu đó của siêu hình học.

Nhưng theo Sartre, hữu thể học phải được nhìn dưới nhãn quan hiện tượng học (phénoménologique). Dĩ nhiên, hiện tượng mà Sartre quan niệm hoàn toàn khác với hiện tượng trong tư tưởng nhà triết học người Đức Immanuel Kant. Cũng vì thế, để làm phụ đề cho cuốn „Hữu thể và hư vô“, ông đã chọn tựa đề: „Essai d’ontologie phénoménologique“ (Lược khảo về hữu thể học hiện tượng học). Và ngay trong 34 trang đầu của phần nhập đề, Sartre đã trình bày một cách có hệ thống quan niệm hữu thể học của ông, đúng như ông đã đặt tựa đề cho phần nhập đề đó là „Introduction à la recherche de l’être“: Công trình nghiên cứu về hữu thể nhập môn. Nhưng quan niệm tổng quát của Sartre về hữu thể học mà ông trình bày trong tác phẩm trên, người ta có thể tóm tắt lại trong ba đặc điểm chính như sau:

• Hữu thể có (l’être est),

• Hữu thể là tự nội (l’être est en soi),

• Hữu thể là chính mình nó (l’être est ce qu’il est).

Thứ nhất, hữu thể có: Theo quan niệm của Sartre, hữu thể là một cái chi „luôn có đó“ (déjà là), không có chi có thể thay đổi được nó, nó luôn luôn vẫn thế mãi. Do đó, nó không cần phải hiện hữu. Hữu thể là một cái chi „dư thừa“ (de trop). Chúng ta hãy đọc đoạn văn Sartre trình bày về hữu thể như sau:

Hữu thể tự nội có (l’être-en-soi est). Điều đó có nghĩa là hữu thể không thể bị chuyển hóa (être dérivé) bởi cái khả hữu (le possible), cũng không bị dẫn đến sự tất hữu (le nécessaire). Sự khẩn thiết thì tương quan đến sự liên kết (liaison) của những đề án còn trong ý niệm, chứ không liên quan đến sự liên kết của những cái hiện hữu. Một cái đã hiện hữu dưới hình thức hiện tượng thì không bao giờ bị chuyển hóa bởi một cái hiện hữu khác xét như nó đang hiện hữu… Nhưng hữu thể tự nội (l’être-en-soi) cũng không thể bị chuyển hóa bởi cái khả hữu nữa. Cái khả hữu là một cấu trúc của cái hiện hữu tự biệt (structure du pour-soi), nghĩa là nó thuộc về một lãnh vực khác (l’autre région) của hữu thể. Hữu thể tự nội thì không bao giờ khả hữu hay bất khả hữu, nó có (il est). Đó là điều mà ý thức bày tỏ cho thấy qua việc tuyên bố rằng hữu thể thì dư thừa; nghĩa là ý thức thì tuyệt đối không thể chuyển hóa được hữu thể bởi bất cứ điều gì, dù bởi một hữu thể khác, bởi một cái khả hữu hay bởi một điều luật tất yếu (la loi nécessaire). Hữu thể không được tạo dựng nên, nó không có lý do để hiện hữu, không có tương quan với một hữu thể khác, hữu thể tự nội thì dư thừa mãi mãi cho đến muôn đời.“(2)

Ở đây, chúng ta cũng cần ghi nhận rằng trong đoạn văn trên đây, Sartre đã nhắc đến vai trò của ý thức đối với hữu thể. Nhưng người ta tự hỏi: Sartre quan niệm thế nào về ý thức?

Chúng ta biết rằng Sartre đã gọi ý thức (conscience) là một mặc khải được mặc khải (une révélation révélée). Nghĩa là bản chất của ý thức được ẩn chứa trong tác động mặc khải sự vật nọ, nhưng đồng thời nó lại được mặc khải (révélée) như là ý thức về sự vật đó. Điều đó muốn nói rằng ý thức không có bản thể riêng cho mình. Nó chỉ là một „hiện kiện“ (une apparition) thuần túy theo nghĩa là nó chỉ hiện hữu trong mức độ nó xuất hiện mà thôi.(3)

Vì quan niệm về ý thức như thế, nên Sartre đã đưa ra một câu định nghĩa rất nổi danh về ý thức như sau:

La conscience est un être pour lequel il est dans son être question de son être en tant que cet être implique un être autre que lui.”(4)

Người ta có thể nói rằng câu định nghĩa thuần túy mang “tính chất Sartre”, nghĩa là trong câu định nghĩa trên, Sartre đã không những nhấn mạnh đến phương diện hữu thể: vì trong một câu ngắn như thế mà ông đã nhắc tới năm lần từ “hữu thể: l’être”, nhưng ý nghĩa của nó còn quá hàm xúc và sâu sắc, nên có lẽ ngoài triết nhân ra, khó có ai hiểu hết được. Nếu thế, thì việc dịch câu định nghĩa đó ra Việt ngữ lại càng là một vấn đề hầu như bất khả. Tuy thế, chúng tôi cũng xin mạo muội tạm dịch như sau:

Ý thức là một hữu thể, mà vì hữu thể đó có vấn nạn về hữu thể trong hữu thể của nó xét như hữu thể đó bao hàm một hữu thể khác không phải là nó.”

Điểm đặc biệt trong câu định nghĩa trên của Sartre là ông đã phát biểu một cách rõ ràng quan điểm của ông về ý thức. Nói cách khác, theo Sartre, bản chất của ý thức là mặc khải một hữu thể khác không phải là chính nó, và ý thức hoàn toàn lệ thuộc vào hữu thế đó, đến nỗi nếu không có hữu thể đó thì cũng không thể có hữu thể của ý thức được.

Tiếp đến, trong tác phẩm quan trọng này Sartre đã chân thành nêu lên vấn đề nguồn gốc của hữu thể. Và mặc dù với khuynh hướng hiện sinh vô thần vốn nằm sâu trong tâm tưởng của ông, nên ông đã từng chối bỏ thuyết sáng tạo (Créationisme), tức thuyết cho rằng con người, vũ trụ và mọi tạo vật trong vũ trụ đều đã được Thiên Chúa tạo dựng nên,(5) Sartre cũng đã thú nhận là ông không thể tìm ra được câu giải đáp thỏa đáng sau cùng cho vấn đề nguồn gốc của hữu thể. Bởi vậy, chính Sartre đã phải nói, như đã được trích dẫn ở trên, là: vì “không được tạo dựng nên, hữu thể không có lý do hiện hữu, nó muôn đời là một cái chi dư thừa.”

Thứ hai, hữu thể là tự nội: Nói đến hữu thể tự nội là nói đến cái đối ngược lại với hiện tượng của hữu thể, vì hữu thể tự nội thì không xuất hiện dưới bất cứ hình thức hay biểu hiệu nào. Cũng vì thế, theo Sartre, người ta không thể bình luận hay phê phán được gì về hữu thể tự nội cả. Trong tác phẩm “Hữu thể và hư vô”, Sartre viết: “Hữu thể là chính nó. Điều đó có nghĩa là hữu thể tự nội thì không có tính thụ động hay tính chủ động (….). Đặc biệt nhất là hữu thể thì không chủ động: để có được mục đích và các phương tiện thì cần phải có hữu thể trước đã. Càng hơn thế nữa, hữu thể không thể thụ động được, bởi vì, để có thể thụ động thì tất nhiên phải hiện hữu đã.”(6)

Qua đoạn văn trên đây, người ta nhận thấy rằng hữu thể tự nội là cái chi luôn có đó, nhưng đồng thời người ta lại không thể bình luận được gì về nó cả. Và vì thế, nó trở thành “dư thừa”, trở thánh cái hữu danh vô thực, có cũng như không. Nếu vậy, ở đây một câu hỏi được đặt ra là Sartre hiểu ý niệm “tự nội” như thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi vừa được nêu lên, chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây của Sartre:

Quả thực đó là hữu thể, nếu chúng ta định nghĩa nó bằng cách đem so sánh với ý thức, hầu để làm cho các ý tưởng thêm rõ ràng hơn: Nó là ý niệm (noème) trong tư duy (noèse), nghĩa là vật tự nội hoàn toàn tùy thuộc vào chính mình (l’inhérence à soi), không còn một chút kẽ hở nào sót lại. Đứng về phươn diện này, người ta không thể gọi nó là nội tại tính (immanence) được, bởi vì, dù nội tại tính hoàn toàn tương quan với chính mình, nhưng nó hãy còn dành lại một chút khoảng cách tối thiểu nào đó vừa đủ để có thể đi từ chính mình đến với chính mình. Trong khi đó, hữu thể lại không có tương quan với chính mình: Nó là chính nó (…). Mọi sự xảy ra như thể để giải trừ sự quả quyết về chính mình ra khỏi cung lòng hữu thể, thì cần phải có một sự nới lỏng đối với hữu thể.”(7)

Qua đó, Sartre muốn nói rằng hữu thể là chính nó, hiện hữu trong chính mình, chứ không có nội cũng không có ngoại. Vì thế, người ta không thể quả quyết hay phủ nhận được gì về nó, nghĩa là người ta không thể bình luận được gì về nó cả. Vậy trong trường hợp này, để có thể bình luận hay phê phán ít nhiều về hữu thể, thì hữu thể cần phải tự nới lỏng, chứ không quá gắn chặt với ý thức. Nói cách khác, người ta chỉ có thể bàn đến hữu thể, nếu còn có một chút khoảng cách tối thiểu nào đó giữa ý thức và hữu thể. Nhưng tiếc thay, điều đó không thể xảy ra, vì vấn đề đang được đề cập tới ở đây là hữu thể tự nội, một hữu thể mà “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Thứ ba, hữu thể là chính nó: Thực ra, xét cho cùng thì “hữu thể là chính nó” cũng chẳng có gì khác với “hữu thể tự nội” như chúng ta vừa bàn qua ở trên: Cả hai đều không có vấn đề ở trong hay ở ngoài, bởi vì đã là hữu thể tự nội thì đương nhiên nó là chính nó. Chẳng qua Sartre nói rằng hữu thể là chính nó, vì ông muốn quả quyết rằng hữu thể tự nội không có tha tính (altérité). Chắc chắn những dòng sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được suy tư của Sartre hơn khi ông nói hữu thể là chính nó:

Trong thực tế, hữu thể thì hoàn toàn mờ đục, không thấu suốt đối với chính nó, bởi vì nó thì đầy ắp chính mình. Đó chính là điều chúng ta sẽ trình bày rõ ràng hơn khi nói rằng hữu thể là chính nó (l’être est ce qu’il est) … Tính mờ đục không thấu suốt này không có liên quan gì tới tình trạng của chúng ta trong tương quan với cái tự nội (l’en-soi), theo nghĩa là chúng ta bó buộc phải tìm hiểu và phải quan sát nó, bởi vì chúng ta thì “ở ngoài” (dehors). Hữu thể tự nội thì không hề có cái gọi là bên trong, tức cái đối lập lại với cái bên ngoài, và là cái có thể tương tự như một sự phê phán, một điều luật, một ý thức tự quy (conscience à soi). Cái tự nội thì không có gì là bí mật kín đáo cả: nó là khối đặc (massif) (…). Nó là thiết định tính đầy đủ (pleine positivité). Vì thế, nó không biết tới tha tính (altérité): Nó không bao giờ tự đặt mình như khác với một hữu thể khác; nó không hề có bất cứ một tương quan nào với hữu thể khác. Nó vĩnh viễn là chính nó và nó sẽ chỉ là chính nó cho tới khi tự mòn mỏi.”(8)

Ở đây, chúng ta có thể tóm tắt quan niệm của Sartre về hữu thể như sau: Hữu thể là một khối đặc, tràn đầy, tự nội và không thấu suốt, đến nỗi không còn sót lại bất cứ một kẽ hở tối thiểu nào để có thể tạo nên được một tương quan. Cũng vì những đặc tính đó của nó mà hữu thể không còn biết đến một tha thể nào khác nữa, hay nói cách khác, vì hữu thể quá đầy đặc nên không một tha thể nào có thể chen chân len lỏi vào trong đó được.

Tiếp đến, qua những dòng trên đây, chúng ta còn nhìn thấy rõ thêm được quan niệm của Sartre về hữu thể, khi ông cho rằng:

• hữu thể không bị lẫn lộn với ký hiệu,

• hữu thể của hiện tượng không thể đồng hóa với hiện tượng của hữu thể,

• hữu thể thì tự nội và là chính nó, nên siêu tượng (transphénoménal).

Còn khi bàn về tính chất của hiện tượng, thì Sartre quan niệm rằng hiện tương không phải là một cái chi tự tồn tại được, nhưng nó chỉ tồn tại khi được dựa vào một hữu thể chắc chắn (un être solide). Vì thế, khi thiếu một hữu thể chắc chắn, tức khi không còn ý thức nào cho nó xuất hiện, thì hiện tượng sẽ trở nên hư vô. Trong khi đó, hữu thể thì tự nội, là một khối đặc cứng (massif). Bởi vậy, Sartre cho rằng hiện tượng đòi hỏi phải có hữu thể siêu tượng, tức hữu thể không hiện tượng. Nhưng hữu thể không hiện tượng hay hữu thể siêu tượng lại chính là hữu thể tự nội đã được bàn đến ở trên.

Ở đây, chúng ta cần mở một dấu ngoặc để ghi nhận rằng, nếu trong những dòng suy tư này chúng ta sử dụng từ ngữ “hiện tượng” là chỉ theo quan niệm bình thường mà thôi, chứ Sartre đã thay từ “hiện tượng” (phénomène) trong quan niệm triết học của Immanuel Kant bằng từ “hiện kiện” (apparition) hay ông cũng gọi bằng từ “xuất hiện” (apparence). Lý do chính là Sartre không muốn người ta hiểu lầm quan niệm triết học của ông với quan niệm triết học của Kant mà ông luôn phi bác, và Sartre phi bác không chỉ quan niệm của Kant mà còn phi bác toàn bộ quan niệm về hữu thể của phái Duy tâm chủ nghĩa (idéalisme). Vì Sartre cho rằng hiện tượng của triết gia Kant chỉ là lớp vỏ bên ngoài để che dấu vật tự nội, trong khi đó, hiện kiện hay xuất hiện của ông không phải là lớp vỏ và không che dấu bất cứ điều gì cả, nhưng nó là chính nó: “L’apparence ne cache pas l’essence, elle la révèle: elle est l’essence: Sự xuất hiện (hay hiện kiện) không che dấu yếu tính, nó mặc khải yếu tính: nó là yếu tính.”(9)

Kết luận

Nói tóm lại, Jean-Paul Sartrte cho rằng hữu thể là một siêu việt (un transcendant) đối với ý thức con người. Nếu ý thức là ý thức một đối tượng, nên nếu không có đối tượng để ý thức, thì tất nhiên không thễ có ý thức. Như vậy, đối tượng của ý thức không phải là ý thức, nhưng đứng đối diện với ý thức và ở ngoài ý thức. Nhưng hữu thể lại không phải là đối tượng của ý thức, vì nó tự nội và là chính nó, và hơn nữa, nó là một khối dày đặc, không còn một chút kẽ hở cho ý thức chen chân vào. Điều đó cũng muốn nói rằng hữu thể là một cái chi có bản tính ngược lại với bản tính của ý thức, nó không phải là một tư tưởng và cũng không thuộc về bản tính của tư duy.

Sau cùng, chúng ta cũng phải thành thật thú nhận rằng, trước những quan niệm triết học sâu xa và uyên bác của một đại triết gia như Jean-Paul Sartre như đã được trình bày trong tác phẩm “Hữu thể và hư vô”, người ta không dễ gì có thể tóm lược lại trong một vài trang giấy được. Vì thế, qua những dòng trình bày trên đây, chúng tôi không hề có tham vọng tóm tắt toàn bộ tư tưởng của triết nhân trong tác phẩm lại, nhưng chỉ dám mạo muội đưa ra một vài nhận xét thô sơ và đầy khiếm khuyết nào đó, hầu người đọc có thể có được một ý niệm tổng quát về tư tưởng của triết nhân trong tác phẩm mà thôi.

_______________________________________

1. Jean-Paul Sartre: L’Être et le néant”, 1943, trang 16.

2. cùng chỗ như trên, trang 34.

3. cùng chỗ như trên, xem trang 23.

4. cùng chỗ như trên, trang 29.

5. cùng chỗ như trên, xem trang 25 và 31.

6. cùng chỗ như trên, xem trang 32.

7. cùng chỗ như trên.

8. cùng chỗ như trên, trang 33-34.

9. cùng chỗ như trên, trang 12.

Lm Nguyễn Hữu Thy