Để mừng ngày trọng đại Chúa Giêsu ra đời, ngay từ đầu tháng 11 hàng năm, người ta đã chuẩn bị tâm hồn và khởi sự khai trương mua sắm hàng hoá đồ đạc phục vụ cho mùa Giáng Sinh, vì từ lâu lễ Noel đã trở thành “Ngày lễ Quốc Tế”, chẳng còn dành riêng cho những người theo Kitô giáo nữa, mà còn là niềm hy vọng, vui chung của cả nhân loại trên khắp mặt địa cầu.

Nhân đây, chúng ta cùng nhìn lại đôi nét lai lịch về ngày lễ Giáng Sinh theo dòng thời gian, đồng thời tìm hiểu tập tục tổ chức mừng Lễ của một số quốc gia trên thế giới qua biến cố quan trọng nhất trong lịch sử loài người: Chúa Giêsu Giáng trần.

LAI LỊCH NGÀY 25.12, LỄ CHÚA GIÁNG SINH

Theo sử sách ghi lại, nguồn gốc Lễ Giáng Sinh ban đầu phát xuất từ những tư tưởng Tôn giáo ở những địa phương nằm về phía Đông các quốc gia Tây phương, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của nền văn minh cổ Hy Lạp và cả La Mã thời bấy giờ. Từ đó thấm nhuần thêm tính chất đặc thù của Thiên Chúa giáo, tiếp đến cùng hoà hợp với một số nền văn hoá địa phương, vào những thế kỷ đầu, đã hình thành tổ chức Lễ mừng Chúa sinh ra. Sau đó, ngày Lễ này được lan truyền dần đi các nơi.

Ngày nay, hàng năm chúng ta long trọng mừng kính ngày sinh của Chúa Giêsu Hài Đồng vào ngày 25 tháng 12. Nhưng ngược dòng lịch sử qua truyền thuyết không cho biết chính xác ngày sinh nhật của Chúa Giêsu. Bởi vậy trong những thế kỷ đầu, ngày mừng Chúa sinh ra đã được cử hành vào nhiều thời điểm khác nhau. Có nơi các Tín hữu mừng kính vào ngày mồng 6 tháng Giêng, Lễ Chúa Hiển Linh. Nơi khác lại tổ chức lễ vào ngày 25 tháng Chạp mỗi năm.

Sở dĩ có sự chênh lệch ngày tháng như trên là do vào những thời kỳ trước đây ở Châu Âu có nhiều ý niệm về tín ngưỡng chưa được minh định rạch ròi. Tuy cùng ý nghĩa mừng ngày lễ đó, nhưng mỗi nơi lại có các niềm tin khác hẳn nhau.

Nếu dân chúng theo Ai Cập, nơi đây nguồn gốc khái niệm về Chúa Cứu Thế là Đấng có trước nhất, thì phải mừng lễ vào ngày sớm nhất, mồng 6 tháng Giêng đầu năm trùng với ngày thờ thần Aion, còn ngày 25 tháng Chạp cuối năm được xem là ngày lễ Giáng Sinh của thần Helios rồi.

Ngược lại, đối với tín đồ La Mã thì ngày 25 tháng Chạp là ngày lễ thờ thần Saturne mà theo thần thoại là con của Trời và Đất, lại trùng với thời điểm làm lễ Đông chí rất lớn.

Riêng Giáo hội Thiên Chúa giáo, trong giai đoạn đầu mở mang phát triển tại La Mã, vào thời kỳ này hằng năm Giáo Hội chỉ chú tâm cử hành lễ Chúa Hiển Linh vào ngày 6 tháng Giêng, chứ chưa tổ chức lễ Giáng Sinh mừng Chúa ra đời.

Đợi mãi cho đến thế kỷ thứ IV, Tòa Thánh mới phổ biến rộng rãi cho biết chi tiết Chúa Giêsu ra đời tại Bethlehem vào tiết mùa Đông chí lạnh lẽo, chứ không nói rõ Chúa sinh ra vào ngày tháng nào cụ thể trong năm.

Thời gian sau, đến tận cuối thế kỷ thứ IV, để hòa đồng niềm tin của giáo dân với những tập tục tốt lành của địa phương, vào năm 350 Đức Thánh Cha Julius (337 - 352) mới ban sắc lệnh chỉ định ngày 6 tháng 1 hằng năm, chỉ là ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rữa tại dòng sông Jordan, đồng thời chính thức ấn định cho toàn thể giáo hữu kể từ nay mừng kỷ niệm Chúa Giêsu Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 mỗi năm, trùng với thần thoại ngày thờ Thần Saturne là con của Trời, đồng thời cũng là ngày Đông chí theo cách tính lịch thời đó.

Kể từ năm 350 đến nay, Giáo Hội đã hân hoan mừng lễ Chúa Giêsu Hài Đồng Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 với ý hướng bày tỏ niềm tin vào Chúa Giêsu là Mặt Trời Công Chính, là ánh sáng chiếu rọi vào nhân loại đang đau khổ, lầm than vì tội lỗi, chờ mong Ngôi Hai giáng trần đem niềm hy vọng và sự bình an cho những tâm hồn ngay lành dưới thế.

TẬP TỤC MỪNG LỄ GIÁNG SINH Ở CÁC NƯỚC

Đã từ lâu đời, việc tổ chức mừng Chúa Giáng Sinh đã lần hồi hội nhập vào các sắc dân trên thế giới với đặc điểm bao quát bề ngoài, mặc dù có đôi điều chung nhất giống nhau như trang trí nhà cửa bằng cây thông, hoặc trưng bày hang đá, máng cỏ hay mua sắm quà, thiệp Noel gửi tặng cho nhau. Ngoài ra, mỗi quốc gia Tây phương còn điểm tô thêm nhiều nét của tập tục địa phương, làm nổi bật sắc thái riêng mừng lễ.

Chẳng hạn như: Tại Pháp Quốc: Lễ Giáng Sinh được gọi là Lễ Noel, chỉ có tập tục tặng quà bánh cho các em thiếu nhi. Còn những người trưởng thành chỉ tặng quà cho nhau vào dịp đầu năm mới. Việc trang hoàng cây thông và máng cỏ luôn có trong mỗi nhà. Các em bé hay để giày và vớ (bí tất) ở cạnh lò sưởi, tin rằng đêm Giáng Sinh, ông già Noel sẽ trượt theo đường ống khói, bỏ quà vào đó. Riêng đêm 24.12, mọi người trong gia đình đều đi dự lễ tại nhà thờ. Sau đó tụ tập tại tiệm ăn hay về lại tư gia dự tiệc Reveillon. Luôn có món Gà Tây và bánh tráng miệng Buche de Noel, bánh có hình dạng và màu sắc giống khúc gỗ, được trang hoàng thêm hình hoa lá bằng kem rất đẹp và sinh động.

Ở Anh Quốc: Nhà cửa được trang hoàng rực rỡ chuẩn bị ngày Lễ Giáng Sinh Christmas Day. Riêng phòng khách còn được chăng thêm những sợi dây màu sắc sặc sỡ đẹp mắt. Đêm 24, mọi người đến thánh đường dự lễ xong mới về lại nhà dự buổi tiệc thịnh soạn, gồm món cổ truyền Gà Tây (Turkey) và món Plumpudding tráng miệng. Tục lệ ở đây, các em thiếu nhi cũng treo bí tất (vớ) ở đầu giường hay cạnh lò sưởi, chờ đêm xuống ông già Noel sẽ đến bỏ quà vào cho.

Tới Ý Đại Lợi: Từ lâu tâm điểm của Lễ Giáng Sinh ở đây vẫn là cái hang đá máng cỏ có Chúa Giêsu Hài Đồng, người ta gọi là “Gesu Bambino”. Cây thông không có nhiều. Vào đêm 24.12, con cái nhỏ đều ngủ tại nhà. Cha me, người lớn tuổi đi dự Lễ Giáng Sinh tại các nhà thờ. Khi về lại nhà, cha mẹ mới để quà tặng lên giường ngủ của con cái. Sáng mai chúng thức dậy sẽ phấn khởi vui mừng nhận quà. Sau đó toàn thể cả gia đình đến nhà thờ. Dự lễ xong, mới trở về nhà tổ chức bữa ăn thịnh soạn.

Nhiều nơi ở Ý còn giữ tập tục cũ, không phát quà cho trẻ em vào đêm Giáng Sinh mà đợi đến ngày 6.01 lễ Hiễn Linh, ngày mà Chúa Gesu Bambino nhận được đồ dâng hiến của Ba Vua.

Đặc biệt, tại thành phố Naples, dân chúng còn tổ chức tràn ra đầy đường nhảy múa, ca hát, đốt pháo bông để mừng đêm Giáng Sinh.

Đến Đan Mạch: Tất cả nhà cửa đều được dọn dẹp, trang hoàng đẹp đẽ. Dân chúng đi lễ nhà thờ sớm ngay từ buổi chiều ngày 24.12 để kịp về lại nhà ăn bữa cháo hạc cổ truyền. Sau đó chờ cho đến đêm tối mới dùng bữa tiệc thịnh soạn với món ngỗng quay và su su đỏ. Trong khi đó, các em thiếu nhi cầm tay nhau ca hát quanh cây thông trang trí thắp sáng ánh đèn rực rỡ, vui vẻ nô đùa chờ ông già Noel đến phát quà cho bọn chúng.

Về Phần Lan: Ngoài việc trang trí nhà cửa ra, đến ngày lễ Giáng Sinh ở đây có tập tục từ chập tối ngày 24.12 mọi người ra nghĩa trang thăm viếng mộ phần của ông bà, cha mẹ, bà con thân thuộc. Cầu nguyện và thắp nến sáng trưng, sau đó về lại nhà tham dự một bữa ăn đã soạn sẵn trên bàn cũng được thắp nến, chờ đợi ông già Noel Weihnachtsbock đi trên loại xe kéo lê trên tuyết, đến phát quà bánh cho các em nhỏ.

Sang Hoa Kỳ: Bầu khí Giáng Sinh nở rộ rất sớm qua các thương vụ buôn bán hàng hóa, dịch vụ về Noel được bày bán với giá khuyến mãi để lôi cuốn người dân mua sắm. Riêng quang cảnh quảng trường trước tòa nhà Bạch Ốc ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hằng năm khu vực này đều có trồng cây thông thật lớn, trang hoàng đèn chớp nháy mỗi năm kết gắn một kiểu khác nhau. Xung quanh còn 50 cây thông nhỏ ghi tên tượng trưng cho 50 tiểu bang của đất nước Hoa Kỳ, đã thu hút nhiều người dân bản xứ và du khách chen chân nhau đến thưởng lãm đông đảo, bất chấp gió lạnh.

Với dòng thời gian, những di dân sang Mỹ sinh sống còn mang theo nhiều tập tục cố hữu Giáng Sinh của nguyên quán họ đến đây, khiến cho việc tổ chức mừng lễ Noel càng thêm phong phú.

Một đặc điểm riêng tại những vùng mà Đức ngữ được sử dụng chung, quen thuộc như các nước Thụy Sĩ, Áo Quốc, Đức Quốc, Thụy Điển … thì lễ Giáng sinh được gọi là Weihnecten và việc tổ chức mừng lễ thường có tính chất riêng lẻ, vui chơi trong phạm vi gia đình.

Thêm một sinh hoạt đáng lưu ý ở các quốc gia miền Bắc Đông Âu, thông thường từ 4 tuần lễ trước Giáng Sinh, có tục lệ tổ chức Chợ Trời bán hàng Noel với giá rẻ. Việc họp Chợ Trời đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vienne thuộc Áo Quốc rồi dần dần phát triển sang các quốc gia xung quanh. Lúc đầu có mục đích chỉ để bán những dụng cụ trang trí hay quà tặng nhân dịp lễ mừng Chúa ra đời. Mọi người chú ý nhất là những cây thông được bày bán rất nhiều. Thời gian sau Chợ mở rộng bán thêm nhiều thực phẩm ăn uống cùng tổ chức xen kẽ các dịch vụ, có ca hát, trò chơi giải trí khiến cho thời gian và bầu khí trước lễ Giáng Sinh càng vui nhộn, rạo rực tâm hồn mọi người chờ đợi ngày Chúa đến.

Chúng ta vừa điểm đôi nét tượng trưng việc mừng lễ Noel đó đây, đã nói lên sự kiện Chúa Giêsu Giáng Thế hầu cứu chuộc nhân trần, không dành riêng cho dân tộc nào, mà Chúa đến để làm cuộc giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người, hầu mang lại ánh sáng tình thương và niềm vui bất tận cho cuộc sống mỗi người.

Maryland, Mùa Đông 2009.