“Những công trình nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, nếu hàng ngày trẻ dành 3-4 giờ để xem những chương trình ti vi không có nội dung giáo dục, thì sau khi kết thúc phổ thông trung học, trẻ có thể đã xem được khoảng 8.000 vụ giết người.”

Thông tin nêu trên gợi cho chúng ta viễn cảnh về một tương lai ảm đạm, đầy bạo lực.

Các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh rằng truyền thông có sức tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của con người, đặc biệt là người trẻ.

Trong thế giới số hoá ngày nay, người trẻ dễ dàng tiếp xúc với kho thông tin đại chúng khổng lồ hầu như ở mọi lúc, mọi nơi. Họ tự do làm điều mình thích, không giới hạn tìm tòi và cũng không đủ nhận thức để sàng lọc các thông tin trên mạng.

Với nhãn quan này, truyền thông thời @ đang len lỏi vào cuộc sống của từng gia đình và lôi kéo người trẻ vào một thế giới ảo, với những giá trị sống giả tạo và những đẳng cấp phù phiếm. Trong tương lai, những ảnh hưởng của truyền thông ngày càng trở nên mạnh mẽ và nhiều lãnh vực thuộc đời sống xã hội bị chi phối cách nghiêm trọng hơn. Đây là một vấn đề rất lớn và đầy thách đố cho chính bản thân người trẻ, các bậc làm cha mẹ, Giáo hội và xã hội.

Để có một cái nhìn hệ thống về tác hại của truyền thông đối với giới trẻ và định hướng của người trẻ Công Giáo trong thời đại công nghệ thông tin, chiều ngày 12.12.2009 tại TTMV, với sự có mặt của hơn 200 tham dự viên gồm nhiều thành phần khác nhau, Sơ Nguyễn Thị Ngọc Lan, dòng Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã thuyết trình đề tài: “Truyền thông và Giới trẻ”

I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI TRẺ TRONG THẾ GIỚI SỐ HOÁ:

Truyền thông là một quá trình trao đổi thông tin.

Ngoài các phương tiện truyền thống như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, còn có các phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại, internet.

Ngày nay, các phương tiện truyền thông trở nên quen thuộc với mọi người và truyền thông đóng một vai trò lớn trong lòng thế giới.

@ là kí hiệu được sử dụng cho một thế hệ mới được định hình bởi truyền thông. Các chương trình quảng cáo, ti vi, phim ảnh,… đóng vai trò chuyển tải thông tin và ảnh hưởng đến nhận thức, sự lựa chọn của người đương thời, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó hình thành những đặc điểm của con người trong thời đại kỹ thuật số ngày nay.

1. Con người dị dạng:

Trong thế giới tràn ngập thông tin, người trẻ học hỏi nhiều từ kho tàng internet đồ sộ. Tuy nhiên, truyền thông cũng đã định hình một thế hệ người trẻ dị dạng. Đây là sự phát triển không cân bằng giữa vốn liếng tri thức và đời sống cảm xúc, tâm linh của giới trẻ.

Truyền thông ngày nay hô hào, cổ võ cho chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ. Từ đó hình thành não trạng tìm kiếm sự tiện lợi, nhanh chóng, dễ dãi… Khi bị đòi hỏi phải cố gắng, người trẻ thiếu bản lĩnh để gánh vác những khó khăn xảy ra trong cuộc sống. Họ thiếu tự tin và nghị lực để đảm trách cuộc đời mình. Họ thiếu lòng can đản, sợ bị từ chối, sợ thất bại.

Trải nghiệm cuộc sống vượt qua bốn bức tường bằng những cái click chuột, lướt web, tán gẫu,… trái tim người trẻ chưa đủ lớn để ươm mầm cho những hạt giống tâm hồn nảy lộc, đâm chồi. Trái tim nhỏ bé không đủ chỗ dưỡng nuôi những cảm xúc sâu lắng.

Đời sống tâm linh phát triển èo uột trên nền tảng đời sống nhân bản bị thui chột.

Ngoài những dị dạng của đời sống nội tâm, những nghiên cứu gần đây cho thấy, sự thiếu vận động chạy, nhảy và các hoạt động thể dục do việc lạm dụng ti vi, máy tính dễ dẫn đến bệnh mập phì kèm theo các triệu chứng về tim mạch, tiểu đường…

2. Những khủng hoảng và ước mơ của người trẻ:

Tuổi trẻ vốn năng động, đầy ắp ước mơ và hoài bão… Nhiều người trong số họ luôn gặp áp lực, căng thẳng khi chạy đua với thời gian, để đạt được những mơ ước trong cuộc đời. Ngược lại, không ít bạn trẻ chẳng hề có khát vọng gì, do cuộc sống của họ mứa thừa vật chất. Các nhà khoa học gọi đây là “khủng hoảng thừa” ở giới trẻ.

Không ai phủ nhận vai trò tích cực của truyền thông trong sự phát triển của người trẻ ngày nay. Tuy nhiên, nếu người trẻ không sớm nhận thức đúng đắn về giá trị của truyền thông và tác hại của nó, cũng như họ không sớm nhận được sự nâng đỡ, đồng hành của các ban ngành, đoàn thể liên quan, thì giới trẻ ngày nay có nguy cơ xây dựng đời sống của mình trong thế giới số và ảo.

Thế giới số hoá cho ra đời những nhân vật ảo. Những người hùng trên màn ảnh nhỏ dần dần xâm nhập vào lối suy nghĩ và cách hành xử của người trẻ, khiến họ ngộ nhận về chính bản thân mình, dễ dàng trở thành “cái rốn của vũ trụ”, nhưng lại đầy xa lạ, lạc lõng và ngớ ngẩn trong thực tại.

Quan điểm sống của người trẻ bị lệch lạc, khi họ tiếp nhận phần lớn những hình ảnh chết chóc, bạo lực trên các phương tiện truyền thông. Do các quá trình hưng phấn thần kinh của vỏ não mạnh và chiếm ưu thế, nên người trẻ dễ gây hấn và thiếu kiềm chế, họ có xu hướng cho rằng bạo động là giải pháp ưu tiên cho đa số các vấn đề trong cuộc sống.

Các trang web đen đang tấn công trí tò mò của người trẻ. Nếu không đủ nhận thức và kiểm soát, tâm trí non nớt của họ sẽ dễ dàng bị ám ảnh bởi những hình ảnh bạo lực đẫm máu và khiêu dâm. Từ đó, xuất hiện lối sống lệch lạc, những nhu cầu thiếu lành mạnh. Tệ hơn nữa là dẫn đến những thảm kịch đau lòng.

Quan hệ bạn bè có sức mạnh đáng kể ở giới trẻ. Họ có xu hướng tìm kiếm các mối quan hệ ở ngoài gia đình. Những mối tình ảo ra đời đáp ứng nhu cầu được yêu thương, được thông hiểu và xoa dịu đi sự trần trụi của thực tế. Lún sâu vào tình ảo, đầu tư quá nhiều cho những mối tương quan không thật và không ích lợi, người ta dễ quên đi hay phớt lờ bổn phận của mình trong gia đình, trong xã hội.

Ngày nay, người trẻ không ưu tiên lựa chọn xây dựng những mối quan hệ trong sáng, lâu dài và nghiêm túc. Các chương trình truyền thông thiếu lành mạnh còn là nguyên nhân của tình trạng người trẻ sống vội, tạo những mối quan hệ dễ dàng, kém bền… Lối sống này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ và gây ra những chấn thương trong đời sống nội tâm.

Sống trong thế giới ảo cũng là một hệ quả do sử dụng internet quá nhiều. Không chỉ tốn nhiều thời gian và tiền bạc, sự say mê game online làm người trẻ dễ dàng bị tiêm nhiễm và cuộc sống của họ cũng chỉ xoay quanh các trò chơi mà thôi.

Sự tan vỡ của những hoài bão thiếu thực tế dễ làm họ ngã lòng, thất vọng và chán nản.

Với cuộc sống đương đại đầy náo động, những áp lực xuất phát từ kỳ vọng gia đình, những căng thẳng, mệt mỏi từ xã hội, người trẻ không đủ nội lực để đối mặt với thực tại, họ rơi vào những cơn khủng hoảng triền miên, không lối thoát. Mất phương hướng và hoang mang, người trẻ không biết kêu cứu hay bám víu vào đâu.

Ngày nay, đặc biệt là ở các nước phát triển, con số thanh thiếu niên tự tử ngày càng tăng. Đây là hậu quả thiếu tình thương của gia đình, thiếu quan tâm của nhà trường, thiếu đồng hành của xã hội và Giáo hội. Một điều rất đáng tiếc là: truyền thông chỉ lên tiếng mô tả về các vụ việc tự tử mà ít khi chỉ cho người trẻ thấy đây là việc không nên làm.

Vấn đề đặt ra là: làm sao giải cứu người trẻ ra khỏi ma lực của truyền thông và giúp cho các mối tương quan của họ được tăng trưởng, để đời sống của họ được thăng tiến?

Tuổi trẻ là lứa tuổi đẹp nhất nhưng cũng khó vượt qua nhất trong hành trình làm người. Do đó, họ cần nhận được sự thông hiểu và trợ lực của mọi người xung quanh.

3. Những căn bệnh thời hiện đại:

Nhiều người trẻ ngày nay sớm trở thành những ông bà già với cái đầu đầy thông tin và với đôi chân như mọc rễ trước màn ảnh nhỏ. Tuổi thơ trôi tuột qua bàn tay với những động tác bấm bàn phím, nhấp chuột, tắt – mở các phương tiện truyền thông cách nhuần nhuyễn. Kí ức tuổi thơ sẽ còn lại gì trong hành trang làm người?

Thời đại số hoá nhào nặn những con người đóng kín mình, vô cảm, quy ngã, ảo tưởng, ghiền mạng, …… Tác hại của truyền thông làm cho người trẻ chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân, có lối sống ích kỷ, thiếu kiềm chế. Thờ ơ với cuộc sống, khó lòng quan tâm và mở ra với người khác,… là triệu chứng những của căn bệnh Makeno và bất cần. Thích hàng hiệu, thích sự khác biệt, tiêu tốn thời giờ để chăm chút cho blog-nhật ký online, để đánh bóng chính mình,… là những dấu hiệu của căn bệnh vip…

Quá lệ thuộc vào việc dễ dàng tìm kiếm các thông tin trên internnet, người trẻ cảm thấy ngại khi bước ra tìm hiểu môi trường bên ngoài.

Thông qua các phương tiện truyền thông phi truyền thống, một thế giới ảo được hình thành. Thế giới ảo làm cho người ta thoát ly những khó khăn của cuộc sống, mang cho họ sự tin tự trong giao tiếp, sự dễ dàng để bộc lộ tâm tư, tình cảm thầm kín… mà đôi khi khó thực hiện trong đời sống hiện thực. Điều này khiến người trẻ dễ mở lòng ra với cộng đồng mạng, nhưng lại vô cảm, khép kín với những con người bằng xương, bằng thịt xung quanh. Những bữa cơm gia đình trở nên vắng lạnh, các thành viên trong gia đình trở nên cô đơn, lạc lõng… Người ta chỉ nói với nhau vài lời khi cần thiết, chỉ rời khỏi màn hình khi cần giải quyết nhu cầu ăn uống hay vệ sinh. Thiếu thời gian để quan tâm đến nhau, người ta co rút vào căn phòng đầy đủ tiện nghi của mình để tiêu tốn hàng giờ cho ti vi, cho online.

Làm sao người ta có thể lớn lên được khi đôi bàn chân không đạp đất và mang trong lòng một trái tim băng giá?

II. NHỮNG THÁI ĐỘ CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI TRẺ:

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự quyến rũ và cám dỗ của những thú vui thiếu lành mạnh đang xâm nhập vào tận phòng ngủ của giới trẻ, thông qua các phương tiện truyền thông như ti vi, internet, điện thoại… Người trẻ đang có nguy cơ bị lây nhiễm, bị xâm hại ngay trong chính căn nhà của mình.

Vì thế, đây là một vấn đề nóng bỏng, nguy cấp, đòi hỏi có sự nhập cuộc của tất cả mọi người, đặc biệt là gia đình và bản thân người trẻ, để xây dựng cho họ có những thái độ cần thiết và đúng đắn trong cuộc sống ngày nay.

1. Dám nghĩ đúng và dám làm:

Dám nghĩ đúng và dám làm là một đức tính quý báu không tự nhiên mà có. Người ta cần phải có thời gian để học và tập đứng vững trên đôi chân của mình.

Gia đình là cái nôi của giáo dục. Học đường là một xã hội thu nhỏ để người trẻ trao đồi kiến thức và dần xâm nhập cuộc sống. Giáo hội, xã hội là môi trường rộng lớn để người trẻ tiếp tục học hỏi, tương quan và tung cánh.

Tất cả mọi nhân tố nêu trên, cần có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, giáo dục, nâng đỡ, khuyến khích, đồng hành … để người trẻ cảm nhận cuộc sống bằng trái tim của mình, biết suy nghĩ một cách tích cực, lô-gíc, sáng tạo, tự tin và có khả năng nhận thức đúng-sai. Từ đó làm nền tảng xây dựng cho họ tầm nhìn rộng và sâu hơn.

Các chương trình hành động vì công ích trong học đường, khu phố, giáo xứ… phải đạt hiệu quả bằng việc người trẻ ý thức được việc làm của mình.

Dám nghĩ đúng và dám làm là dấu hiệu của sự năng động, trưởng thành và can đảm. Sống chủ động giúp cho người trẻ gia tăng xây dựng đời sống nội tâm và tình liên đới với người khác.

2. Biết đặt ưu tiên và dám chọn lựa trước những trào lưu của cuộc sống:

Cuộc sống bao gồm một chuỗi những lựa chọn. Lựa chọn và từ bỏ là hai mặt của một vấn đề. Lựa chọn nói lên sự tự do và trách nhiệm của chủ thể trong hành động của mình.

Trước những cám dỗ, những thú vui, những trào lưu của cuộc sống luôn đòi hỏi người trẻ phải ưu tiên lựa chọn cho mình một hướng đi đúng, cũng như đòi hỏi ở họ tính kỷ luật và lòng can đảm để kiên định theo đuổi điều mình đã lựa chọn.

Nếu không chủ động để chọn lựa, người trẻ sẽ bị cuốn phăng vào những vòng xoáy của cuộc đời và dễ đánh mất chính mình.

Sợ trách nhiệm và né tránh là thái độ thường thấy ở những người không biết đặt ưu tiên, không dám lựa chọn và không thể đảm trách đời mình.

3. Vai trò của đời sống niềm tin và những sân chơi lành mạnh:

Sự hấp dẫn của truyền thông đang chinh phục và bóp nghẹt người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ. Ở đâu, họ có thể tìm thấy sự nâng đỡ và hướng dẫn?

Các nhóm sinh hoạt, các sân chơi lành mạnh là những nơi phải đủ sức hấp dẫn để lôi kéo người trẻ khỏi sự quyến rũ của màn ảnh nhỏ.

Nơi những sân chơi lành mạnh, người trẻ có cơ hội gặp gỡ và tạo mối dây liên đới với người khác.

Đời sống niềm tin phải được xây dựng vững chắc trên đời sống nhân bản và trở nên nguồn nội lực dồi dào cho các hoạt động ra khỏi chính mình, hướng đến tha nhân.

III. NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI:

Trong thời đại công nghệ thông tin, thế giới ngày nay như đang nằm trên đầu những ngón tay. Rào cản duy nhất giữa con người với nhau không còn là khoảng cách địa lý, mà là lối suy nghĩ. Để có thể mở lòng ra đón nhận người khác, để có thể thay đổi được não trạng tư duy, phương thức duy nhất là từng bước nương tựa vào Thiên Chúa.

1. Đức Giêsu, người bạn và là nhà truyền thông tuyệt vời:

Thiên Chúa là tình yêu. Mỗi người đều được mời gọi để trở thành cánh tay nối dài trong chương trình tình yêu và cưú độ của Thiên Chúa. Học biết thương yêu là điều không dễ, bởi nó trái ngược với bản tính tự quy về mình. Đó là lý do tại sao chúng ta dành cả một đời để học yêu thương.

Đức Giêsu là người bạn khiêm nhường và là nhà truyền thông tuyệt vời. Ngài thông truyền Tin Mừng cho mọi người không phải chỉ bằng lời xuất phát từ trái tim đầy yêu thương, mà còn bằng những hành động khiêm nhu cụ thể qua việc phục vụ, rửa chân cho các tông đồ,....... Sứ điệp mà Đức Giêsu loan báo là sứ điệp hân hoan của sự sống và hoà bình.

2. Người trẻ đáp ứng những thách thức của sứ điệp Tin Mừng:

Cùng với mọi Kitô hữu khác, người trẻ được mời gọi để đem Tin Mừng vào đời sống của họ và môi trường xung quanh. Muốn vậy, người trẻ phải hiểu biết và yêu mến Tin Mừng. Họ cần có một trái tim nhạy cảm để nhận ra Lời Chúa đang mời gọi họ dấn thân phục vụ.

Để đáp ứng được những thách thức của sứ điệp Tin Mừng, đòi hỏi người trẻ phải luôn trao dồi đời sống nội tâm và gắn bó với Thánh Linh và Giáo Hội qua Lời Chúa, Thánh Lễ, đón nhận các bí tích, tham gia các hoạt động trong giáo xứ.......

Các bậc làm cha mẹ cần khuyến khích, hỗ trợ người trẻ trong việc giữ gìn và thực hành niềm tin Kitô giáo.

Các đoàn thể tôn giáo phải đủ sức hấp dẫn và lôi cuốn người trẻ, nhằm giáo dục, hướng dẫn cho họ những kỹ năng sống để hoà nhập và thực thi sứ vụ tông đồ của mình.

3. Người trẻ chuẩn bị hành trang cho chính mình:

Biết đặt ưu tiên cho những lựa chọn của mình, biết tìm hướng đi đúng là thứ hành trang không thể thiếu để người trẻ vào đời.

Lớp trẻ cần nhận thức những cái mạnh, cái yếu của bản thân để rèn luyện, gia tăng những thói quen tốt đồng thời loại bỏ, giảm thiểu những thói quen thiếu lành mạnh.

Trong đời sống ngày nay, vai trò cực kỳ quan trọng của các phương tiện thông tin đại chúng là không thể phủ nhận. Nó là nguồn tri thức, nguồn cung cấp thông phong phú cho mọi người. Tận dụng những tiện ích của truyền thông, người trẻ chuẩn bị đầy đủ tri thức cho tương lai. Tuy nhiên, vào đời không chỉ là với cái đầu đầy kiến thức mà còn với trái tim đủ lớn để đón nhận người khác; đôi bàn tay biết mở ra để cho đi và đôi chân đạp đất để sống đời thực tại.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, ngay cả bản thân người lớn đôi khi cũng cảm thấy khó lòng để cưỡng lại những quyến rũ của các phương tiện truyền thông. Huống chi là người trẻ, những người đã được sinh ra và trưởng thành cùng với các loại phương tiện này.

Không ai có thể chối bỏ sự tiện lợi và hấp dẫn truyền thông. Tuy nhiên, người ta cần học cách thức sử dụng chúng hợp lý và không lấn sang khung thời gian của các hoạt động cần thiết khác. Người lớn cần phải làm gương cho giới trẻ.

Gia đình, nhà trường, giáo hội và xã hội cần có sự hợp tác nghiêm túc trong việc lôi kéo người trẻ ra khỏi thế giới ảo và hướng dẫn họ sống tích cực trong đời sống thực tại. Tuy nhiên, cũng cần có sự phối hợp tích cực của phương tiện truyền thông.

Các bậc làm cha mẹ cần đặt giới hạn cho trẻ xem những chương trình ti vi bổ ích, dành thời gian xem ti vi cùng con và trao đổi với chúng những điều xem thấy; giúp trẻ hiểu rằng quảng cáo đôi khi chỉ khuyến dụ người ta mua những thứ có thể họ không cần đến. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên làm gương tốt cho con cái trong việc hạn chế xem ti vi và lựa chọn các hoạt động khác ngoài ti vi như làm vườn, thể dục thể thao… Gia đình là nhân tố rất quan trọng trong việc giáo dục, định hướng lối sống lành mạnh cho ngươi trẻ.

Nhà trường không chỉ dạy trẻ về kiến thức mà còn chú trọng về nhân nghĩa, đạo lý, lối sống và phát triển thể chất. Cũng như gia đình, nhà trường cần khuyến khích cho trẻ có thói quen đọc sách và viết chữ thuần Việt.

Muốn giữ lấy người trẻ khỏi sa lạc vào ma trận của truyền thông, Giáo hội phải đầu tư hơn nữa để tạo ra sân chơi và tăng cường giáo dục cho người trẻ lối sống lành mạnh, khát khao vươn lên trong học tập, trong rèn luyện.

Xã hội cần phải lên tiếng, cần có những phương tiện và những chương trình hành động cụ thể để đồng hành cùng người trẻ. Đó phải là những chương trình sinh động, bám sát nhu cầu người trẻ, đặc biệt là người trẻ đô thị.

Trong thời đại công nghệ số, văn hoá nghe nhìn trở nên phổ cập và hấp dẫn hơn. Những tác phẩm văn học mang đậm tính nhân văn không còn là sách “gối đầu giường” của nhiều bạn trẻ. Người trẻ ngày nay không yêu thích việc đọc sách và họ đọc theo kiểu hưởng thụ hơn là suy gẫm. Điều này gây tác hại to lớn đến khả năng tư duy của họ.

Để thoát khỏi sự đè bẹp của văn hoá nghe nhìn, văn hoá đọc phải tìm được chỗ đứng cho mình trong thời đại ngày nay, cùng với sự hỗ trợ của các chương trình giảm giá sách, sự ra đời của các tác phẩm hay cả về nội dung lẫn hình thức, các phòng đọc sách tiện nghi, các phong trào khuyến khích người viết và bảo vệ bản quyền của tác giả…

Sự tràn lan của các thông tin trên mạng, đòi hỏi người đọc, đặc biệt là giới trẻ, phải đủ sáng suốt để nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Một trong những vai trò của truyền thông là chuyển tải thông tin, nhưng không phải bất kỳ thông tin nào được chuyển tải đều xác thực.