Thứ Năm Tuần Thánh

Thánh lễ Tiệc Ly

Bài đọc 1: Xh 12, 1-8. 11-14

Bài đọc 2: 1 Cr 11, 23-26

Tin mừng: Ga 13, 1-15

Bí tích Tình yêu

Kính thưa…

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, Phụng vụ Giáo Hội nhắc mỗi người chúng ta nhớ đến việc Đức Giêsu thiết lập hai bí tích quan trọng để giúp chúng ta kết hợp mật thiết với Ngài, đó là bí tích Truyền Chức Thánh và bí tích Thánh Thể.

Trong thánh lễ sáng nay, thường gọi là Lễ Truyền Dầu hay làm phép Dầu, phụng vụ nhắc lại việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh. Nhờ bí tích này, Đức Giêsu đã chọn gọi một số người tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế duy nhất của Ngài. Nhờ đó, "sứ mạng Chúa Kitô uỷ thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế" (SGL 1536).

Còn Thánh lễ chiều nay thường gọi là Lễ Tiệc Ly, nhắc chúng ta nhớ đến việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Đây là nguồn mạch và chóp đỉnh mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Vì thế, bí tích này còn có nhiều tên gọi khác nữa, chẳng hạn như: bí tích Tình yêu, bí tích Hiệp nhất, bí tích Vượt Qua…, mỗi tên gọi nói lên một khía cạnh vô cùng phong phú của bí tích.

Trong các tên gọi đó, thì tên gọi "bí tích Tình yêu" có lẽ diễn tả đầy đủ hơn cả về đặc tính của bí tích này. Vì chỉ có tình yêu mới có thể giải thích được lý do tại sao Đức Giêsu lại hiến cả mạng sống, rồi lại còn lấy Thịt và Máu mình làm lương thực nuôi sống cho từng người chúng ta.

Tình yêu đó của Đức Giêsu đã được thánh sử Gioan diễn tả cách ngắn gọn, nhưng cũng thật súc tích trong lời mở đầu của bài Tin mừng hôm nay: "Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ mình phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng". Và hôm nay, tôi muốn chia sẻ với quý ông bà anh chị em cái "đến cùng" trong tình yêu đó của Đức Giêsu.

1. Tình yêu phục vụ:

Thánh sử Gioan viết tiếp: "Sau bữa ăn tối…Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau". Điều đó cho thấy chính vì yêu thương những kẻ thuộc về mình đến cùng, Đức Giêsu đã không ngần ngại hạ mình làm một công việc của người đầy tớ, đó là rửa chân cho các môn đệ. Theo tục lệ của người Do Thái lúc bấy giờ, rửa chân là công việc của một đầy tớ, hay một người nô lệ làm cho chủ. Thế mà Đức Giêsu là Thầy, là Chủ lại đi rửa chân cho các môn đệ của mình. Quả thật, đây là một hành vi không thể hiểu theo suy nghĩ bình thường. Và chuyện này còn bất bình thường hơn nữa, khi Đức Giêsu không chỉ rửa chân cho một hay hai môn đệ mà Ngài yêu quý, nhưng lại rửa chân cho "các môn đệ", nghĩa là, Ngài rửa chân cho cả Giuđa, kẻ mà Ngài biết sẽ bán Ngài, và Phêrô, kẻ sẽ chối Ngài.

Một tình yêu thật sự, một tình yêu cho đến cùng đối với người mình yêu là thế đó. Với tình yêu này, con người ta có thể làm được rất nhiều việc mà người không yêu, không thể hiểu nổi. Chúng ta có thể cảm nghiệm được một phần nào tình yêu này qua tình mẫu tử của người mẹ dành cho con. Vì yêu chồng, thương con, người mẹ sẵn sàng sẵn sàng thức khuya, dậy sớm, ăn đói, mặc rách miễn sao chồng con được no đủ.

Như thế, đối với Đức Giêsu, một tình yêu "đến cùng" là tình yêu dẫn đến sự phục vụ cách nhưng không và trọn vẹn cho người mình yêu, cho dù đó là kẻ làm cho mình phải khổ, làm cho mình phải chịu thiệt thòi, oan ức, hiểu lầm…

2. Tình yêu hiến thân:

Tình yêu đến cùng của Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở việc phục vụ, nhưng còn tiến xa hơn với việc Ngài lấy chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn cho chúng ta. Thánh Phaolô thuật lại: "Chúa Giêsu trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con… Chén này là Tân ước trong Máu Ta". Và Máu của Đức Giêsu không những đã thực sự trở nên của ăn, của uống cho linh hồn chúng ta, nhưng còn là máu của Giao ước mới, đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Giao ước này đã được báo trước qua hình ảnh con chiên bị sát tế lấy máu bôi lên cửa nhà người Do thái mà chúng ta vừa nghe trong bài sách Xuất Hành. Lúc đó, trong đêm Vượt Qua đầu tiên tại đất Ai Cập, lúc thiên thần đi qua để sát hại các con đầu lòng của người Ai Cập, thì nhờ dấu máu bôi lên cửa này, những đứa con đầu lòng của người Do thái đã được cứu sống.

Như thế, vì yêu chúng ta cho đến cùng mà Đức Giêsu không muốn chúng ta phải chết, nhưng muốn chúng ta được sống và sống cách dồi dào (x. Ga 10, 10).

3. Loan truyền tình yêu:

Đứng trước tình yêu của Đức Giêsu, một tình yêu "cho đến cùng", không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính việc phục vụ và trao ban chính mình Ngài làm của ăn cho chúng ta, có lẽ việc đầu tiên mà mỗi người chúng ta có thể làm, là dâng lời tạ ơn như lời tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca: "Tôi sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm sính lễ… Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa". Mặt khác, khi trao ban tình yêu đó cho từng người chúng ta, Đức Giêsu cũng muốn chúng ta cũng biết loan truyền tình yêu đó cho mọi người qua đời sống phục vụ, yêu thương cho đến cùng như lời Ngài dạy: “Các con hãy yêu mến nhau, như Ta đã yêu mến các con” (Ga 15, 12). Ngay trong bữa tiệc cuối cùng này, sau khi rửa chân cho các môn đệ, chính Đức Giêsu cũng đã nhắn bảo với các môn đệ và cũng là với từng người chúng ta:“Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”. Đáp lời của Đức Giêsu, thánh Phaolô cũng dặn dò chúng ta: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

Như thế, nhận được tình yêu cho đến cùng của Đức Giêsu, mỗi người chúng ta cũng phải biết đáp lại bằng cách yêu Chúa và yêu anh em cũng cho đến cùng.

Yêu Chúa cho đến cùng, nghĩa là, chúng ta phải chu toàn mọi bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa. Mỗi khi tham dự các giờ phụng vụ, chúng ta cứ bớt đầu, cắt đuôi, than thở dài ngắn, thì thử hỏi chúng ta đã yêu Chúa cho đến cùng chưa? Nếu như chúng ta dễ dàng bỏ ngày lễ Chúa Nhật chỉ vì một chuyến đi chơi với gia đình, với bạn bè, hay chỉ vì một bữa nhậu, một bộ film, một trận bóng đá dang dở, thì đó có phải là chúng ta đã yêu Chúa cho đến cùng không?

Mặt khác, tình yêu Chúa không thể tách khỏi tình yêu đối với anh chị em. Do đó, tham dự Thánh lễ Tiệc Ly chiều nay cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại cách mình cư xử với anh chị em, nhất là những người xúc phạm đến chúng ta. Tình yêu cho đến cùng đòi hỏi chúng ta sẵn sàng tha thứ, và hơn nữa, sẵn sàng làm ơn cho những người gây phiền hà cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ đối xử cách "sòng phẳng" đối với họ, thì chúng ta có khác gì những người không tin (x. Mt 5, 43-47), và như thế, chúng ta cũng chưa thật sự yêu cho đến cùng.

Nếu mỗi người chúng ta luôn sẵn sàng yêu mọi người cho đến cùng, nghĩa là, yêu mọi người với hết khả năng có thể của chúng ta, thì lúc đó, thánh lễ sẽ không dừng ở ngôi thánh đường này, nhưng sẽ được kéo dài trong suốt cuộc sống của chúng ta. Amen.