ĐỨC KITÔ - TRUNG TÂM TRONG TƯ TƯỞNG CỦA THÁNH BONAVENTURA

1.DẪN NHẬP

Vai trò của Đức Kitô trong lịch sử cứu độ là một đề tài Kitô học được nhiều nhà thần học quan tâm bởi vì nó có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Hơn nữa, tìm hiểu vai trò Đức Kitô trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa cũng là cách mà con người khắm phá các mầu nhiệm chính của niềm tin Kitô giáo.

Nhìn vào thần học Kitô giáo trong hơn hai mươi thế kỷ qua, chúng ta thấy tùy theo quan điểm và lối tiếp cận khác nhau, các nhà thần học từ cổ chí kim đã có những câu trả lời khác nhau về vai trò trung gian của Đức Kitô. Thực vậy, bằng tài năng và nhãn quan riêng của mỗi nhà thần học, vấn đề này đã được giải thích dưới những cách thức khác nhau, nhằm làm phong phú thêm sự hiểu biết về mầu nhiệm của Đức Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người.

Trong bài này, người viết trở về với thần học Phan sinh để tìm hiểu quan điểm Kitô học của thánh Bonaventura; với mong muốn hiểu biết hơn về quan điểm của một vị thánh trong dòng, đồng thời cũng mở lòng mình ra để cho ánh sách mầu nhiệm đó chiếu rọi, hầu cũng cố niềm tin và niềm hy vọng vào Đức Giêsu – Kitô, Vua tình yêu.

2. ĐỨC KITÔ - TRUNG TÂM TRONG TƯ TƯỞNG CỦA THÁNH BONAVENTURA

Qua các tác phẩm của thánh Bonavetura, chúng ta nhận thấy ngài là một bậc thầy lỗi lạc về thần học. Sự đóng góp của ngài cho khoa thần học có một tầm ảnh hưởng không chỉ trên phong trào Phan sinh, nhưng còn trên nền thần học của Giáo hội. Tất cả công lao của ngài được huấn quyền nhìn bằng cách phong thánh cho ngài và tôn ngài lên hàng tiến sĩ Hội thánh.

Ngày nay, nếu chúng ta chiêm ngắm thần học của Bonaventura như một bức tranh hoàn mỹ, thì Kitô học là nét vẽ điêu luyện và độc đáo của ngài trong bức tranh đầy màu sắc ấy. Còn tác giả Ewart Cousins thì đã ví von rất hay về thần học của thánh tiến sĩ: “Thần học của Bonaventura giống như nhà thờ chính toà Logic. Hai ngọn tháp Chúa Ba Ngôi và Chúa Kitô liên kết với nhau trong những cột nhà nhân loại và thụ tạo cao vút. Nếu lấy đi hai ngọn tháp này, nhân tính sẽ bị sụp đổ. Không có Chúa Ba Ngôi thì không có Chúa Kitô. Chúa Ba Ngôi và Chúa Kitô cùng gìn giữ toà nhà vĩ đại”[1].

Thực thế, với cái nhìn tinh tế, thánh nhân muốn nối kết cả Ba Ngôi và vũ trụ tạo thành trong Đức Kitô.

*Đức Kitô trung tâm của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Theo thánh Bonaventura Đức Kitô vừa ở giữa Thiên Chúa và thế giới, nhưng đồng thời Ngài cũng vừa ở trong Thiên Chúa và trong thế giới. Các tác phẩm của thánh Tiến Sĩ Chí Ái đề cập đến mối quan tâm này.

Bài giảng nhứ nhất trong Hexamenron, thánh Bonaventura đã giải thích rõ quan điểm Đức Kitô trung tâm: “Trung tâm của bản thể trong sự Phát Sinh Vĩnh Hằng; Trung tâm của thiên nhiên trong Nhập Thể; Trung tâm của tầm rộng trong Khổ Nạn; Trung tâm của học thuyết trong Phục Sinh; Trung tâm của sự tự chủ trong Thăng Thiên; Trung tâm của công bình trong Phán xét chung; Trung tâm của hoà hợp trong phúc thật vô cùng vô tận.”[2] Đây là một cái nhìn tổng quát, giúp chúng ta đi sâu vào từng vấn đề cụ thể của đề tài Đức Kitô - trung tâm.

Nếu thánh Tôma Aquinô bàn đến vai trò trung gian của Đức Kitô trong phạm vi cứu chuộc, đền tội, thì thánh Bonaventura lại hướng vai trò trung gian này tới một phạm vi rộng lới hơn. Rất có thể, quan điểm này được gợi hứng từ kinh nghiệm của thánh Phanxicô về Đức Kitô: “Nếu Đức Kitô đóng vai trò trọng tâm của mọi cảm nghiệm trong cuộc sống của thánh Phanxicô, thì Ngài sẽ là tâm điểm thần học trong nền tảng siêu hình của Bonavetura”[3]. Hạt nhân của nền Kitô học đó là Đức Kitô trung tâm, mà trung tâm đầu tiên là trung tâm của mầu nhiệm Ba Ngôi, trong tư cách là Ngôi Lời vĩnh cửu.

Thánh Bonavetura khởi đầu thần học với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của mặc khải Kitô giáo. Trong tương quan Ngôi vị thì Chúa Cha là Đấng Bất tạo và là nguồn khởi của đời sống Ba Ngôi. Từ đó trào tràn một nguồn suối chan chứa sự tốt lành và thiện hảo. Theo thuyết Lan tỏa thì tình yêu sung mãn tự nó đòi hỏi phải có một sự trao ban hay “hiến thân” trọn vẹn một cách vô biên; Chúa Cha là Tình yêu tuyệt đối, đòi hỏi phải có một sự trao ban chính mình tuyệt đối, từ đó nhiệm xuất Chúa Con: “Từ muôn thuở Cha sinh ra Con giống như chính Người và tỏ hiện chính Người một sự tương tự như chính Người, và như thế người tỏ hiện tất cả quyền năng của người”[4]; Và tình yêu giữa Cha – Con làm phát sinh Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết cộng đoàn Ba Ngôi, Ngài đồng bản tính và quyền năng như hai ngôi kia.

Trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Đức Kitô có một vai trò trung tâm nối kết mọi hoạt động của các Ngôi vị: “Ngôi Lời là mầu nhiệm Ba Ngôi, và trong cấu trúc học thuyết Ba Ngôi của thánh Bonavetura, mầu nhiệm Nhập Thể là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa (Hex, 9.2). Những suy tư sâu sắc này được tìm thấy trong các tác phẩm thần bí của ngài, trong đó người nhận thức rằng tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể”[5].

Theo thánh Bonaventura thì khái niệm “trung tâm” có một chỗ đứng quan trọng trong cấu trúc của Ngôi Lời, vì Ngôi Lời nối hai cực vào một trung tâm. Và theo chiều ngang cũng như chiều dọc, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu hoàn hảo đã được thể hiện nhờ Ngôi Lời là trung gian –trung tâm[6]. Cha Paul Brown rất có lý khi cho rằng: “Thánh Bonaventura đặt Ngôi Hai tại trung tâm điểm của sự sống của Ba Ngôi, vừa đón nhận tình yêu của Chúa Cha, vừa trao trả tình yêu cho Chúa Cha, như thế phát ra cùng với Chúa Cha một tình yêu gắn bỏ cả hai chính là Chúa Thánh Thần. Vì vậy, Ngôi vị tại trung tâm điểm của Ba Ngôi là Ngôi vị làm trung gian cho tất cả mọi hoạt động của Thiên Chúa qua công cuộc tạo thành và qua lịch sử cứu độ”[7].

Tóm lại, Đức Kitô trong tư cách là Ngôi Lời vĩnh cửu là trung tâm lan tỏa trong mầu nhiệm Ba Ngôi, vì Ngài diễn đạt tất cả những gì Cha sinh ra Con giống như chính Ngài và những gì Ngài thực hiện, và như thế Ngài trở nên mô mẫu cho tất cả những gì Chúa Cha tạo nên.

* Đức Kitô là trung tâm giữa Thiên Chúa và tạo thành

Trong quan điểm về Kitô học, thánh Bonaventura quan tâm đặc biệt đến khái niệm Đức Kitô là “mô mẫu” (Exemplar) của tạo thành. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng theo Bonaventura thì Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới thụ tạo này theo hình ảnh của Ngôi Lời, hay Ngôi Lời là mô mẫu tuyệt vời nhất để Thiên Chúa sáng tạo thế giới vạn vật. Thánh Bonaventura đã đề cập đến điểm này trong tác phẩm Hexaermeron: “Cần phải khởi đầu từ trung tâm, tức là Chúa Kitô…Từ trước vô cùng Chúa Cha sinh ra Chúa Con giống như mình và tự diễn tả trong một hữu thể giống như mình. Khi làm như thế Ngài bộc lộ toàn thể quyền năng của mình; Ngài bộc lộ những gì Ngài có thể làm, và những gì Ngài muốn làm. Ngài bộc lộ tầt cả những gì có trong Ngài nơi Chúa Con, Đấng là chính trung tâm vạn vật. [Hex. 1,10.13]”[8]. Với khẳng định này, thì thánh Bonaventura đã nhìn nhận vai trò quan trọng của Đức Kitô trong công trình tạo dựng. Mọi vật mọi loài được hiện hữu là nhờ Đức Kitô và hiện hữu trong Ngài.

Còn trong tác phẩm “Lộ trình tâm linh”, thánh Bonaventura sử dụng các kiểu nói: “Lời bất tạo”, “Lời nhập thể” và “Lời đầy Thần Khí” để nói về vai trò trung gian của Đức Kitô trong tạo thành. Theo ngài, “Verbum increatum” (Lời bất tạo) là chỉ về Chúa Kitô là nguyên mẫu, vì trong Ngài, Thiên Chúa Cha đã diễn tả bản thân mình cũng như những gì mình định làm hay muốn làm. Như vậy, Ngôi Lời bất tạo là “quyển sách được viết ở mặt trong”. Kế đến, thánh nhân gọi Ngôi Lời là “Ars Patris” (Nghệ thuật của Thiên Chúa). Khái niệm này đồng nghĩa với “Nguyên mẫu”, muốn diễn tả Ngôi Lời là sự khôn ngoan và quyền năng, qua đó Chúa Cha tạo dựng nên vạn vật. Đức Kitô là nguồn gốc, mẫu mực của vạn vật: “Tài năng này là nguồn gốc, nguyên nhân và mẫu mực của mọi vẻ đẹp…đó là nguyên mẫu chẳng những làm phát sinh muôn loài mà còn bảo tồn và phân loại chúng”[9].

Như vậy, tạo thành được dựng nên theo những ý niệm và mẫu mực Chúa Cha đặt để nơi Ngôi Lời, nên chúng diễn tả sự hiện hữu của Thiên Chúa tuỳ theo cách thức hiện hữu của chúng trong các “vết tích”, “hình ảnh”. Dấu tích có trên các sự vật, nhưng hình ảnh chỉ có nơi con người, vì con người được dựng lên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Vì thế, tạo thành được gọi là “quyển sách viết ở mặt ngoài” phản ánh sự hiện hữu của Thiên Chúa theo các mức độ khác nhau, giúp con người nhận ra Thiên Chúa và trở về với Ngài.

Tóm lại, thánh Bonaventura đã đề cao vai trò trung tâm của Đức Kitô giữa Thiên Chúa và tạo thành, Đức Kitô là mô mẫu của tạo thành, nhờ Ngài mà vạn vật được hiện hữu. Trong số các thụ tạo thì con người là tác phẩm tuyệt tác nhất của Thiên Chúa, nên Đức Kitô lại có một vai trò trung tâm rất đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người.

* Đức Kitô là trung tâm giữa Thiên Chúa và con người

Từ chỗ nhìn nhận Sáng tạo và Nhập thể không phải là hai thực tại tách biệt nhau, nhưng như hai mặt của một đồng tiền, thánh Bonaventura khai triển vai trò trung tâm của Đức Kitô giữa Thiên Chúa và con người. Điều này thể hiện trong sáng tạo, nhập thể và cứu độ.

Trong sáng tạo, Thiên Chúa Cha tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và trong mầu nhiệm nhập thể Đức Kitô là hình ảnh tròn đầy của Thiên Chúa. Tuy nhiên, mối tương qua giữa con người và Thiên Chúa bị rạn nứt bởi tội lỗi, nên cần phải được phục hồi nhờ một Đấng vừa là Chúa vừa là người. Đối với Bonaventura thì mầu nhiệm Nhập thể là sự phục hồi tương quan nguyên tuyền giữa Thiên Chúa và tạo thành và điều đó được hoàn tất qua việc Ngôi Lời Nhập Thể.

Trong nhập thể, thánh Bonaventura quan niệm mầu nhiệm nhập thể là sự trao ban hoàn toàn của Ngôi Lời, hầu có thể mặc khải sự thật và ân sủng trong mầu nhiệm Nhập thể, ở đó bản tính thấp hèn của chúng ta được kết hợp với bản tính thần linh. Nhập thể là việc đích thân Thiên Chúa đến với con người trong Đức Kitô, ngõ hầu chúng ta có thể nhận biết, yêu mến và chiêm ngưỡng Ngài. Đối với thánh Bonaventura thì Nhập thể là công trình cao quý nhất của Thiên Chúa, bởi vì tội lỗi không phải là lý do duy nhất khiến Ngôi Lời nhập thể. Nhưng vì nhiều mục đích khác nhau như: Đó là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ Nhập thể mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa được tỏ hiện trong lịch sử nhân loại; sự toàn hảo của vũ trụ cũng là mục tiêu của nhập thể, vì Trưởng Tử phải nối kế với loài thụ tạo cuối cùng, nên Ngôi Lời thần linh phải nối kết với nhân loại; khi để cho thế giới chiêm ngưỡng Thiên Chúa là Đấng thông truyền chính mình qua mầu nhiệm Nhập thể, Ngài cũng làm cho con người được chiêm người trong vĩnh cửu; và sau cùng Nhập thể là để khắc phục tội lỗi do con người gây ra và vì thấ càn phải có Thiên Chúa - con người làm trung gian (x. Hayes, Hidden Center, 172 -173)[10]. Đối với thánh Bonaventura, con người có một vị trí rất quan trọng trong vũ trụ tạo thành, vì Đức Kitô không chỉ là điểm hoàn thiện, nhưng Ngài còn là bản thiết kế, khuôn mẫu và hình ảnh mà con người được kêu gọi hướng tới sự hoàn thiện thiêng liêng, phải dựa vào đó để khuôn đúc chính mình. Chính ở điểm này mà mầu nhiệm Đức Kitô gặp gỡ mầu nhiệm con người và toàn thể tạo thành.

Nếu mầu nhiệm Vượt qua là đỉnh cao trong cuộc đời của Chúa Giêsu và là trung tâm của đời sống Kitô hữu, thì vai trò trung tâm của Đức Kitô giữa Thiên Chúa và con người càng được thể hiện rõ nét hơn. Ta thấy, trong tác phẩm “Lộ trình tâm linh”, thánh Bonaventura mô tả chặng cuối của cuộc hành trình, con người phải vượt qua thế giới khả giác để đạt đến thực tại thần linh, ở đó Đức Kitô trở thành vị trung gian duy nhất: “Người là đường và là cửa, là thang và là xe”; Ngài là nắp xá tội đặt trên hòm bia Thiên Chúa” và “là mầu niệm được giữ kín từ muôn thuở.”[11] Ở đây, thánh nhân tin rằng, nhờ việc chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh, với lòng tin, cậy, mến, với lòng sùng kính ngưỡng mộ, vui mừng với lòng tôn kính, ngợi khen, hoan hỷ, thì con người cùng với Đức Kitô trải qua cuộc vượt qua cuối cùng để đạt tới niềm hạnh phục vĩnh cửa trong Thiên Chúa.

Tóm lại, theo thánh Bonaventura thì chỉ qua Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, con người đại diện và giữ trong mình toàn bộ trật tự tự nhiên đã được tạo thành. Nhờ đó, con người tìm thấy lại chân lý của mọi thực tại khi noi gương Đức Kitô, Ngôi Lời và Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Ngày ngay, khi chúng ta cộng tác, học hỏi và chiêm ngắm Đức Kitô, dõi theo sứ vụ, những lời giáo huấn và các việc làm của Ngài, và nhất là tham dự vào cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Ngài, thì chúng ta mới có thể khám phá chiều sâu ý nghĩa đời sống đức tin của mình.

3. KẾT LUẬN

Từ việc tìm hiểu quan điểm Đức Kitô - trung tâm trong tư tưởng của Bonavetura, chúng ta đi đến một vài nhận định.

Thứ nhất, thánh Bonaventura đã có một cái nhìn rất độc đáo về vai trò trung tâm của Đức Kitô trong mầu nhiệm Ba Ngôi, chính Ngài trong tư cách và Ngôi Lời Vĩnh cửu trở thành điểm nối kết của tình yêu trao ban giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Từ đời sống sung mãn của Ba Ngôi làm nẩy sinh sự tuôn tràn xuống tạo thành theo mô mẫu của Đức Kitô. Đấy là một quan điểm Kitô học rất độc đáo trong bối cảnh thần học Trung cổ. Tuy bị quên lãng trong nhiều thập kỷ, nhưng nay tư tưởng này đã lấy lại được một sự ngưỡng mộ và ưu ái của các thần học gia hiện đại.

Kế đến, Bonaventura trình bày cho chúng ta vai trò trung tâm của Đức Kitô giữa Thiên Chúa và tạo thành. Trong tư cách là Ngôi Lời vĩnh cửu, Ngài là mô mẫu để Thiên Chúa sáng tạo muôn loài thụ tạo. Nhưng trong tư cách là Ngôi Lời Nhập thể, Ngài trở thành điểm nối kết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với thế giới thụ tạo, giữa vĩnh cửu với thời gian và mang lại cho thế giới thụ tạo một sự thánh thiêng và cao quý trong chương trình tạo thành và cứu độ của Thiên Chúa. Chiều kích này đang được nhiều người quan tâm, nhất là trong lĩnh vực thần học môi sinh và cánh chung học.

Sau cùng, chúng ta thấy trong thế giới thụ tạo, con người là loài được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt nhất, được xem là “vương miện” của thụ tạo. Vì vậy, với con người, Đức Kitô trở thành một trung gian duy nhất, qua đó chúng ta biết Thiên Chúa là cội nguồn hạnh phúc đích thực của mình, Đức Kitô là tấm gương giúp con người noi gương bắt chước để phục hồi lại hình ảnh thánh thiêng mà mình bị đáng mất vì tội lỗi và có khả năng trở về với Thiên Chúa.

Quan điểm Đức Kitô – trung tâm theo thánh Bonaventura đã trở thành một lối mở vào đời sống thánh thiêng với Đức Kitô, trung tâm của mọi thực tại cuộc sống con người, hầu làm cho đời sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa và đầy tràn hy vọng vào một thực tại vĩnh hằng trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

QUANG HUYỀN, OFM

--------------------------------------------------------------------------------

[1] S. Mullholand, OFM, Tập tài liệu bài Giảng môn thần học Phan sinh, lưu hành nội bộ, tr 43.

[2] Trần Phổ, Thánh Bonaventura, Học viện Phanxicô 2005, trang 150.

[3] Ts. Paul Brown, Bài thuyết trình về đề tài Thần học Phan sinh, tại học viện Phanxicô Việt Nam, tháng 10 năm 2008.

[4] Tài liệu đã dẫn.

[5] S. Mullholand, OFM, Sđd., tr 20.

[6] X. Sđd., tr 21.

[7] X. Paul Brow, tài liệu đã dân.

[8] S. Mullholand, OFM, Sđd., tr 57.

[9] Thánh Bonavetura, Lộ trình tâm linh, Chương II, 9, tr 80.

[10]X.S. Mullholand, OFM, Sđd., tr 23.

[11] Bonaventura, Sđd., trang 61.