LONDON - Cừu Dolly không phải là sinh vật đầu tiên được ra đời bằng phương pháp sinh sản vô tính. Thế nhưng hẳn nhiên đó là trường hợp gây nhiều tranh cãi nhất, vì nó là sinh vật đầu tiên được ra đời bằng cách sử dụng DNA trưởng thành.

Nếu như công thức gene của một con cừu có thể chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì sao con người lại không tìm cách để gene của mình được trường sinh bất lão?

Với nhiều người, việc ra đời của cừu Dolly hồi năm 1996 là báo hiệu cho một thế giới mới đầy kiêu hãnh của các em bé được cố tình sinh ra, đầy ưu việt, và các khoa học gia sẽ bận rộn thay Đức Chúa Trời tạo ra con người.

Thế nhưng với những người tạo ra cừu Dolly thì sản phẩm này chỉ đơn thuần là một con đường tìm đến những loại thuốc tốt hơn, tạo ra những sinh vật có khả năng sản xuất ra thuốc và vaccine phòng bệnh ngay trong dòng sữa của chúng.

Nếu như sự tạo ra cừu Dolly đã gây nên những tiếng vang ồn ã thì sự qua đời của chú cừu này hồi đầu năm nay quả là một sự kiện chẳng mấy lãng mạn. Chú cừu này nhiễm bệnh viêm phổi và các bác sỹ thú y đã quyết định chấm dứt cuộc đời của chú.

Hội đồng quản trị của Bảo Tàng Hoàng Gia tại Edinburgh, nơi chú cừu này sẽ được trưng bày, hy vọng rằng cái xác vẫn còn nguyên bộ lông dày của chú sẽ khiến trẻ em quan tâm tới những tranh luận mang tính xã hội sâu sắc quanh câu chuyện cừu Dolly.

Chú cừu này sẽ là một phần của cuộc triển lãm kỷ niệm 50 năm ngày Crick và Watson khám phá ra cấu trúc DNA. Rõ ràng cừu Dolly không thể ra đời nếu như không có khám phá nổi tiếng của hai ông này.

Xác cừu Dolly cũng rất thích hợp vì cuộc triển lãm khai trương vào tuần lễ mà các khoa học gia Hoa Kỳ tuyên bố rằng có những trở ngại về gene khiến việc cho sinh sản vô tính con người là không thể thực hiện được.(bbc)