Thiếu trách nhiệm hay thiếu trình độ

2009-07-17


Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, đề thi môn ngữ văn yêu cầu thí sinh bình luận một đoạn văn nổi tiếng có tựa đề:”Thư gửi thầy hiệu trưởng” được cho là của Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln.

Ngay sau đó nhiều phụ huynh đã phát hiện ra bức thư này không phải do Tổng Thống Abraham Lincoln viết mà là của một người khác. Dư luận tỏ ra nghi ngờ tính chất chuyên nghiệp và mức độ tin cậy của các tác giả soạn sách giáo khoa cho học sinh của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

Giá trị của sách giáo khoa VN

Tựa đề thi môn ngữ văn kỳ thi đại học năm 2009 như sau: Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

Chính bản thân đề thi không có vấn đề gì nhưng nội dung trích dẫn thì lại vấp vào một sai phạm lớn. Bộ sách giáo khoa Ngữ Văn Lớp 10 trích lại nguyên văn bức thư từ Internet và ghi tên người sáng tác là Tổng Thống Abraham Lincoln.

Thế nhưng nhiều người quan tâm đến vấn đề đã cất công tìm hiểu sự thật qua nhiều nguồn khác nhau mà trong đó có anh Nguyễn Đình Nam, thành viên sáng lập một trang web có tên vanhocmang.net.

Anh Nam chứng minh rằng ngôn ngữ bức thư không nằm trong giai đoạn nó được sáng tác tức là năm mà Tổng Thống Abraham Lincoln còn tại chức.

Thời gian sáng tác bức thư rất gần với đương đại. Anh Nam còn cất công truy tìm những tài liệu lịch sử của Mỹ tại Tiểu Bang Illinois nơi có Thư Viện Tổng Thống Lincoln.

Nhà sử học Thomas F. Schwartz, Bang Illinois, chuyên nghiên cứu về Lincoln, là Giám Đốc Thư Viện và Bảo Tàng Viện Tổng Thống Lincoln. Trong 16 năm lại đây, ông đã xuất bản rất nhiều sách về Tổng Thống Lincoln, cho biết "Lincoln chưa bao giờ nói vậy". TS Thomas F. Schwartz khẳng định rằng bức thư này là 1 trong 10 điều mà ông Lincoln chưa bao giờ nói hay viết, nhưng bị gán cho ông.

Sau khi mọi việc đã được chứng minh, GS Phan Trọng Luận, tổng chủ biên sách giáo khoa ngữ văn lớp 10, trả lời với báo chí rằng nếu thông tin về bức thư này sai thì đính chính. Theo GS Luận, khi biên soạn, những nhà làm sách đã lấy nguồn bức thư này trong cuốn sách của NXB Trẻ in năm 2004 trích lại từ Internet, do vậy, NXB Trẻ phải chịu trách nhiệm trước tính xác thực của thông tin.

Câu trả lời thiếu thuyết phục này khiến dư luận một lần nữa dấy lên làn sóng phản đối mạnh hơn. Là người viết sách giáo khoa có nghĩa đã được xã hội tin cậy đặt vào tay mình chức năng hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên mài luyện tri thức với tính chuyên nghiệp và trách nhiệm tuyệt đối.

Nhà xuất bản Trẻ không thể chịu trách nhiệm khi chính ban soạn thảo sách giáo khoa tự ý mua về trích dẫn và đưa toàn bộ văn bản vào đề thi.

Trách nhiệm tối thiểu mà giảng đường đại học luôn hướng dẫn cho sinh viên là cẩn thận khi trích nguồn vì tính chất đáng tin cậy tùy thuộc vào nơi được trích.

Có nhiều trường hợp, nguồn trích từ Internet không được giáo sư đại học chấp nhận cho sinh viên làm bài thực tập, vì đơn giản đây là nơi trôi nổi biết bao thông tin không chính xác mà nếu thiếu cẩn trọng sẽ mang lại tác hại khôn lường.

Bất cẩn đến mức báo động

Sách giáo khoa lại càng không thể trích từ nguồn Internet. Việc xác minh khá dễ dàng của anh Nguyễn Đình Nam đã cho thấy sự bất cẩn của ban biên soạn sách giáo khoa lên đến mức báo động. Việc sai và sửa như một điệp khúc không mệt mỏi có vẻ không còn hợp thời nữa khi dư luận ngày một đòi hỏi những cán bộ soạn sách giáo khoa phải chịu trách nhiệm cụ thể hơn và nhất là phải biết cách cáng đáng một công việc có quan hệ sống còn đối với tri thức của bao thế hệ.

Giáo sư Văn Như Cương người cũng từng tham gia biên soạn sách giáo khoa bộ môn toán cho biết:

- Tôi thấy lời in ở trong sách giáo khoa nhầm lẫn từ đề của Lincoln đã nói. Mọi người đều không kiểm tra lại. Thực ra là không phải (của Lincoln). Đấy là một thiếu sót quá lớn, không biết trích dẫn từ nguồn ở đâu ra mà xem bức thư ấy là của Lincoln.

Bây giờ tác giả phải trả lời là tác giả căn cứ vào đâu. Hình như cũng có căn cứ vào một nguồn nào khác nhưng không chính xác, không kiểm tra cho thực sự cẩn thận. Không kiểm tra cẩn thận nguồn gốc cho nó thực đúng. Cái đề thi này mà nhầm lẫn như thế thì cũng là tai hại.

Giáo sư Phạm Phụ, người có tâm huyết đối với việc dạy và học của học sinh thì thấy đây là một việc làm tắc trách:

- Sách giáo khoa là mẫu mực để cho người ta học mà làm như vậy thì nó qua bất tiện đi. Cũng cái anh gì phó hội đồng khảo thí thì nói là nó không ảnh hưởng đến bài thi; thực ra nói như vậy nó không đúng. Chỗ này, theo tôi, là một vấn đề rất là không nên. Đứng về mặt ảnh hưởng trong thực tế tôi cho là cũng không phải lớn. Đó là một cách rất dở nhưng không phải lớn.

Một điều mà Giáo sư Phạm Phụ quan tâm hơn nữa là chương trình bậc trung học mà học sinh Việt Nam đang hàng ngày được huấn luyện. Ông nói:

- Thực ra vấn đề hiện nay sai lầm lớn nhất là ở chương trình giáo dục phổ thông. Việt Nam còn lao động phổ thông hết sức đơn giản này, học làm người, học biết nói lời xin lỗi, biết nói lời cảm ơn, thì gần như không có học, không biết gì hết.

Ngồi đây giải phương trình bậc hai, rồi điểm cực đại, rồi cực tiểu, thậm chí học tích phân, nó quá hàn lâm, nó không tương thích, theo tôi đó mới là vấn đề cần một cuộc cách mạng thật sự trong giáo dục phổ thông.


Giáo dục Việt Nam đang dẫn đầu về những bất cẩn so với các nước trong khu vực. Nhiều trí thức từng lên tiếng khá gay gắt về sách giáo khoa vẫn không thể hiểu nổi tại sao Bộ Giáo Dục và Đào Tạo không mạnh dạn chắt lọc những sai phạm đã được chứng minh nhằm từng bước sửa sai một cách thiện chí trong tinh thần lắng nghe và cầu thị.