ĐỨC CHA MICAE NGUYỄN KHẮC NGỮ VÀ THÁNH LỄ

Đức Cha Cố Micae đã ra đi. Ngài để lại nhiều hình ảnh đẹp. Một trong những hình ảnh đẹp đáng là hình ảnh kỷ niệm sáng giá, đó là hình ảnh ngài dâng thánh lễ. Theo nhiều người, hình ảnh đó là một đặc điểm rất nổi của Ngài.

Trong thánh lễ từ biệt Ngài, tôi xin phép Ngài được trao hình ảnh kỷ niệm đó cho tất cả anh chị em. Hình ảnh đó có nhiều nét Kinh Thánh.

Được cộng tác với Đức Cha Cố Micae gần 5 chục năm, tôi thấy cái hồn của Ngài là sự dâng hiến. Dâng hiến cụ thể nhất và sâu sắc nhất, chính là dâng hiến trong thánh lễ.

I.

Trong thánh lễ, Ngài đến bên Chúa với tâm tình rất mực khiêm tốn. Khiêm tốn ấy không phải chỉ là tự nhiên. Nhưng nhất là thấm nhuần lời Chúa đã phán: "Thầy không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9, 13).

Lời Chúa giúp Ngài khiêm tốn vác trên vai gánh nặng tội lỗi của riêng mình, tội lỗi của đoàn chiên, và tội lỗi của bao người khác. "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng". Sự Ngài nhìn nhận tội lỗi luôn đi đôi với tâm tình sám hối, xin ơn thương xót.

Cùng với lòng khiêm nhường sám hối và xin thương xót, Đức Cha Cố đã đến bên Chúa với lòng mến yêu nồng nàn. Ngài tin vào lời Chúa đã nói về người phụ nữ tội lỗi xưa: "Tội của chị rất nhiều. Nhưng đã được tha. Bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều" (Lc 7,47). Chúa cho Ngài thấy: Tội lỗi tuy nhiều, nhưng khi được tha thì tình mến được tăng lên. Tội lúc đó coi như một dịp để đốt nóng lên tình yêu mến trong Ngài.

Ngoài ra, Đức Cha Cố đã đến bên Chúa với tâm tình cảm tạ. Vì Ngài tin vào lời thánh Phaolô: "Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20).

Thực vậy, Đức Cha Cố Micae luôn nhận thức mình mang thân phận tội lỗi. Từ vực sâu tội lỗi, Ngài khiêm tốn đón nhận, ca ngợi và cảm tạ lòng thương xót Chúa.

II.

Thánh lễ của Đức Cha Cố Micae trên bàn thờ là như vậy. Thánh lễ đã được kéo dài trên suốt cuộc đời của Ngài.

Suốt cuộc đời Ngài là một thánh lễ. Thánh lễ cuộc đời là một cuộc chiến đấu triền miên giữa tội lỗi và ân sủng. Trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã chân thành với lòng khiêm tốn trước sức mạnh thực tế của tội lỗi, đồng thời Ngài đã luôn tin cậy sức mạnh siêu nhiên của ơn thánh. Ngài không coi thường các giá trị trần thế và nhân loại, nhưng Ngài không hề ảo tưởng những giá trị đó có sức cứu độ. Ơn cứu độ là sức mạnh của tình yêu từ thánh giá Chúa.

Xác tín đó được nhận thấy rất rõ ở tu đức, mục vụ và truyền giáo nơi Đức Cha 100 tuổi của chúng ta. Ngài đặt ưu tiên tuyệt đối ở ơn Thánh.

Xác tín đó là của thánh Phaolô: "Chính do dân sủng mà anh em được cứu độ" (Ep 2,5).

Trên đây là mấy nét của hình ảnh kỷ niệm nhỏ, mà Đức Cha Cố Micae gởi lại. Chúng ta đón nhận, chiêm ngắm, nhất là để noi gương bắt chước. Giờ đây, Ngài được an táng, như "hạt lúa gieo vào lòng đất" (Ga 12,29). Chúng ta tin tưởng hạt lúa này sẽ góp phần sinh ra được một mùa màng thiêng liêng phong phú.

Cúi xin Đức Cha rất thương mến cầu nguyện cho tất cả chúng con. Cùng với Đức Cha, chúng con xin dâng hiến cuộc đời chúng con lên Chúa giàu tình yêu thương xót.

Long Xuyên, ngày 15 tháng 6 năm 2009.