Chúng ta có thể lầm tưởng rằng không có những xung đột và tranh chấp giữa những người theo Chúa Giêsu thời sơ khai. Nhưng Tân Ước kể cho chúng ta một câu chuyện hoàn toàn khác. Mặc dù các cha ông của chúng ta trong Đức Tin Kitô giáo có nhiệt thành thế nào đi nữa thì các ngài vẫn là người như chúng ta. Và vì thế mà có rất nhiều tranh chấp!

Thánh Tông Đồ Phaolô thường hay phải ở giữa những tranh chấp ấy! Đó có thể phản ảnh tính hăng say của ngài, nhưng cũng là hậu quả của sự kiện là Thánh Phaolô là một con đường mới nổi bật trong kinh nghiệm Kitô giáo.

Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại rằng ngay cả “tổ truyền giáo” đầu tiên gồm có Thánh Phaolô, Barnaba và Gioan Marcô đã phải tan rã vì sự bất đồng ý kiến (CV 15:36-41). Trong khi Thánh Barnaba muốn đem Thánh Gioan Marcô theo để thăm viếng các giáo đoàn mà Thánh Phaolô và Barnaba đã thành lập, thì Thánh Phaolô phản đối vì ngài tin rằng Gioan Marcô trước kia đã bỏ các ngài. Cho nên Thánh Barnaba và Marcô đã đi một đường, còn Thánh Phaolô và người bạn đồng hành mới là Xila đã đi đường khác!

Những chống đối mà Thánh Phaolô phải đương đầu với vì sự hiểu biết căn bản của ngài về việc truyền giáo cho Dân Ngoại còn trầm trọng hơn nhiều. Đối với Thánh Phaolô, Dân Ngoại tòng giáo không cần phải giữ Luật Do Thái như cắt bì hay thực phẩm hoặc những việc thực hành khác để trở thành những Kitô hữu đích thực. Thánh Phaolô xác tín rằng qua Đức Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho Dân Ngoại cách hoàn toàn và trực tiếp như Ngài đã làm cho Dân Do Thái của Ngài. Thánh Phaolô nói rất thẳng thừng trong Thư gửi tín hữu Rôma rằng, “Có phải Thiên Chúa chỉ là của người Do Thái không? Ngài cũng không phải là Thiên Chúa của các Dân Ngoại sao? Vâng! Ngài cũng là Thiên Chúa của các Dân Ngoại” (Rom 3:29-30).

Lập trường vững chắc của Thánh Phaolô làm cho ngài bị đụng chạm với các Kitô hữu khác, kể cả một số lãnh tụ có ảnh hưởng trong Hội Thánh thời sơ khai. Những Kitô hữu gốc Do Thái này, chắc chắn cũng chân thành như Thánh Phaolô, sợ rằng Tin Mừng của ngài là một sự nhượng bộ nguy hiểm có thể làm Đức Tin Kitô giáo bị yếu đi. Một trong những nơi mà Thánh Phaolô tham gia vào cuộc tranh luận này cách hăng say là trong Thư gửi tín hữu Galatê. Rõ ràng là sau khi Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng cho cộng đồng Dân Ngoại này, một số Kitô hữu gốc Do Thái khác đã đến và bắt đầu nói ngược lại với sứ điệp của ngài. Họ quả quyết rằng những người Dân Ngoại này chỉ có thể tham dự vào Đức Tin nơi Đức Kitô bằng cách chấp nhận những phong tục và cách hành đạo của Do Thái giáo. Thánh Phaolô không còn kiên nhẫn được với cộng đồng của ngài, đến nỗi ngài gọi họ là, “Hỡi những người Galatia khờ dại!” (Gal 3:1), một cách thế chắc chắn không giúp Thánh Phaolô thắng được giải thưởng nhà ngoại giao xuất sắc trong năm. Trong cùng một thư ngài cũng nhắc lại rằng ngài “đã chống đối Phêrô thẳng mặt” bởi vì Thánh Phêrô lúc đầu không thấy gì là trở ngại khi ngồi ăn với Dân Ngoại, nhưng sau đó đã rút lui vì bị những Kitô hữu gốc Do Thái chỉ trích (Gal 2:11-14).

Việc Thánh Phaolô bị chống đối không những chỉ giới hạn trong cộng đồng Galata mà hiển nhiên là theo ngài suốt đời. Giới lãnh đạo Hội Thánh tại Giêrusalem có vẻ cũng e dè về ngài. Chính Thánh Phaolô cũng đã mỉa mai gọi một số những người chống đối ngài là “những tông đồ thượng hạng” (2 Cor 11:5; 12:11)! Và vào cuối đời có lẽ Thánh Phaolô đã thắc mắc rằng viễn tượng của ngài về một Hội Thánh mà trong đó người Do Thái và Dân Ngoại đoàn kết cùng bình đẳng với nhau dưới một tình yêu duy nhất của Thiên Chúa bao giờ mới được thể hiện. Chúng ta không ngạc nhiên khi nghe Thánh Phaolô nói về “nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!" (2 Cor 11:29).

Bất chấp những điều ấy, Thánh Phaolô đã bền tâm và làm việc không biết mệt vì sự hiệp nhất của Hội Thánh. Ngài giữ vững lập trường nhưng cũng mở rộng tay trong tinh thần hoà giải cho những kẻ chống đối ngài trong những cộng đồng mà ngài nói với. Ở một trong những dòng nhẫn nại nhất của ngài, ngài đã khuyên các tín hữu Côrinthô rằng tình yêu “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cor 13: (6)7).

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm thảo luận. Chúng ta không nên ngạc nhiên vì có những bất đồng và chai rẽ trong Hội Thánh ngày nay, nhất là ở một thời điểm mà tất cả chúng ta đều phải phấn đấu để thành những Kitô hữu chân chính trong một thế giới càng ngày càng thêm đa dạng và tục hoá. Chúng ta có thể nhớ sự khẳng khái của Thánh Phaolô trong việc chấp nhận những người khác chúng ta như là con cái Thiên Chúa theo cách của họ và coi đức ái và tôn trọng người khác là những giá trị hàng đầu trong cộng đồng Kitô hữu. Giáo xứ của chúng ta đã trả lời những thách đố về đa nguyên và đa dạng ra sao? Tôi phải đương đầu với những thách đố nào trong việc cố gắng trở thành một Kitô hữu chân chính?

LM Donald Senior, C.P.

từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=175

-------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thời cũng là Giáo Sư Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.