Dường như chưa bao giờ Giáo Hội có một hiến chế về con người như “Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay” – Gaudium et Spes (GS) – của Công đồng Vatican II. Vì sao? Bởi vì Giáo Hội đã và đang nỗ lực “đọc ra dấu chỉ của thời đại” (Đức Gioan XXIII) và muốn đáp ứng tức khắc những khát vọng sâu xa của con người, đồng thời thấy rõ những giá trị, phẩm giá con người. Chính trong hiến chế GS, Giáo Hội nhấn rất mạnh đến con người và phẩm giá con người, cho con người thấy rõ đâu là nguồn gốc của con người? Ý nghĩa và cùng đích tối hậu của con người là gì? Đâu là con đường chính mà con người phải đi để phẩm giá con người cũng như chính con người đạt tới đích cuối cùng?

Giáo Hội đã có hướng dẫn, chỉ lối như thế nào cho tín hữu và con người hôm nay? Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề trong GS và đào sâu lối nhìn cũng như cách hành động của Giáo Hội nhằm dấn thân cho phẩm giá con người và chính con người trong thế giới hôm nay.

1. Đôi dòng lược sử vấn đề phẩm giá con người:

Có lẽ phẩm giá con người luôn là vấn đề quan trọng trong tiến trình của lịch sử loài người. Chính vì vậy, việc bảo vệ, đề cao, nâng cao phẩm giá con người phải được Giáo Hội đặt lên hàng đầu trong mọi thời đại. Nếu như vào thời đại nào đó, phẩm giá con người bị chà đạp, bị xúc phạm nghiêm trọng thì đó là dấu hiệu của sự vô luân, của sự thiếu nhân tính, của sự ngông cuồng, của sự hủy diệt. Ngược lại, nếu xã hội tôn trọng phẩm giá con người thì đó là dấu cho thấy xã hội ấy an hòa, thái bình và quyền con người được tôn trọng và đề cao. Chúng ta thấy, ngay vào thời Đức Giêsu, phẩm giá con người được đề cập đến, được đề cao, được tôn trọng do chính hành vi của

Đức Giêsu. Chúng ta còn nhớ, Đức Giêsu đã không lên án chị phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp. Câu chuyện được thánh Gioan thuật lại trong Tin Mừng của Ngài ở chương 4. Đức Giêsu không lên án chị ta do tội của chị – ngoại tình, năm đời chồng, và đang chung chạ với người thứ sáu không phải là chồng chị – tội tày trời nhưng Đức Giêsu không lên án, trái lại, Người tôn trọng chị và chỉ cho chị thấy rõ phẩm giá của chị đồng thời vạch rõ cho chị con đường dẫn đến giá trị, sự sống vĩnh cửu. Phẩm giá cao quý của chị nói riêng và của con người nói chung là được tham dự vào giá trị, sự sống vĩnh cửu này (x. Ga 4,1-42). Còn trong thư của thánh Giacôbê, ngài đã lên tiếng rất mạnh để bảo vệ và đề cao phẩm giá của người cô thân nghèo hèn (x. Ga 2,1-9).

Trải qua dòng lịch sử, việc bảo vệ và đề cao phẩm giá con người luôn được các văn kiện của Tòa Thánh cũng như các tác giả đề cập đến. Chẳng hạn, Đức Lêô XIII với thông điệp Rerum Novarum (Thông điệp Tân Sự, nói về điều kiện của giai cấp công nhân), công bố vào tháng 5.1891. Qua thông điệp này, Đức Lêô XIII nói lên tiếng nói bênh vực cho giai cấp công nhân, những người lao động nghèo khổ đang bị bóc lột, đồng thời tỏ rõ lập trường bảo vệ và nâng cao phẩm giá của người nghèo. Tiếp đến là những thông điệp Quadra Gesimo (nói về việc trật tự của xã hội) của Đức Piô XI (1931); thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy, nói về Kitô giáo và những tiến bộ xã hội) của Đức Gioan XXIII (5.1961); đặc biệt là Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và hy vọng) nói về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, trong đó có vai trò lớn lao của Giáo Hội trong việc bảo vệ và nâng cao phẩm giá con người (của Công đồng Vatican II, 1965),…; thông điệp Redemptor Hominis (Đấng cứu chuộc loài người, nói về mầu nhiệm cứu chuộc và phẩm giá con người) của Đức Gioan Phaolô II (1979); thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng về sự sống con người, nói về việc tôn trọng và bảo vệ sự sống, phẩm giá con người) (30.3.1995);… Ngoài ra chúng ta còn thấy rất nhiều tác phẩm luân lý, đạo đức cũng đề cập đến vấn đề này. Chẳng hạn, tác phẩm “Quan niệm Kitô giáo về con người” của tác giả Jean Mouroux; “Luân lý Công Giáo” của Jean Marie Aubert; “Đạo đức sinh học” của một nhóm tác giả; “Con người và những vấn đề của con người trong ánh sáng Đức Kitô” của tác giả Réné Latourelle;… Qua những tác phẩm này, các tác giả đã nói lên rõ lập trường của mình trong việc bảo vệ phẩm giá con người.

Ngày nay, vấn đề các quyền con người và phẩm giá con người luôn là vấn đề nhạy cảm trong ý thức trách nhiệm, liên đới, đối thoại của cộng đồng nhân loại. Nhân loại không ngừng lên tiếng bảo vệ và nâng cao phẩm giá con người. Dù con người ý thức hay không ý thức được, chấp nhận hay không chấp nhận thì đây vẫn là kết quả của Tin Mừng và các giá trị Kitô giáo trên loài người đang tìm một hướng tiến tới trong cơn khủng hoảng hiện nay (x. Réné Latourelle – André Trần Hữu Phương, Ofm lược dịch, Con người và những vấn đề của con người trong ánh sáng Đức Kitô, Lưu hành nội bộ, Tủ sách Phan Sinh, 2002, tr 13).

Thật vậy, việc bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người không dành cho riêng ai nhưng là cho mọi người. Ai cũng có bổn phận và trách nhiệm trong việc này và phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Chính vì thế, Giáo Hội thấy rõ được trách nhiệm của mình nên đã lên tiếng rất rõ trong Sách Giáo Lý Công Giáo của mình: “Bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người, là những việc đã được Đấng Tạo Hóa ủy thác cho mỗi người chúng ta” (Nhóm tu sĩ Don Bosco dịch, Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 1994, tr 834). Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu và đào sâu vấn đề Giáo Hội và phẩm giá con người trong GS mà thôi.

2. Giáo Hội và thiên chức, phẩm giá con người:

Ngay trong phần I (nếu không muốn nói là cả phần II) của GS, Giáo Hội đã trình bày rất rõ ràng con người trong thế giới ngày nay. Chúng ta có thể lược qua Phần I của GS: Chương I nói về con người trong thế giới: phẩm giá con người. Chương II nói về con người theo tính cách xã hội. Chương III nói về ý nghĩa và giá trị sinh hoạt của con người. Chương IV nói về con người và Giáo Hội. Giáo Hội không hiểu con người, phẩm giá cũng như các giá trị của con người cách mơ hồ, chung chung nhưng nhìn rõ ràng dưới ánh sáng đức tin (GS số 11). Vì vậy, Giáo Hội khẳng định, con người có thiên chức cao cả và toàn vẹn với những giá trị và phẩm giá cao quý phát sinh từ Thiên Chúa. Hay nói khác đi, Giáo Hội cho con người biết thiên chức và phẩm giá của mình có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Hiến chế GS của Công đồng Vatican II viết: “Đức tin lấy ánh sáng mới mà chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về thiên chức toàn vẹn của con người và do đó hướng dẫn lý trí tới những giải quyết hoàn toàn nhân bản…” … “Công đồng muốn thẩm định những giá trị… và đưa chúng về tới nguồn phát sinh là Thiên Chúa” (GS số 11).

Do thiên chức và phẩm giá cao cả của con người nên Giáo Hội thấy mình có sứ mạng cũng như chính Thiên Chúa trao cho Giáo Hội sứ mạng là bảo vệ, gìn giữ, và thăng tiến phẩm giá con người trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy, Giáo Hội cương quyết mạnh mẽ bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá con người và “phải lên án và thay đổi những gì chống lại phẩm giá con người” (DH 3, GS số 27; 29; 51; 63; 71); đồng thời “phải tế nhị tôn trọng nhân phẩm…” (Apostolicam Actuositatem AA 8).

3. Giáo Hội trình bày về phẩm giá con người như thế nào?

Công đồng Vatican II đã dành rất nhiều số trong các chương, đặc biệt là Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes) để nói về con người và phẩm giá con người trong thế giới ngày nay. Công đồng cho chúng ta biết: “Con người càng ngày càng ý thức về phẩm giá cao trọng của con người (Gavissimum Educationis GEO, Dignitatis Humanae DH 1,12; Gaudium et Spes (GS) 26, 73). Vì con người vượt trên mọi loài và vì quyền lợi và nghĩa vụ của con người là phổ quát bất khả xâm phạm” (GS 26).

“Con người ngày nay khao khát một trật tự trường tồn đảm bảo phẩm giá riêng cho mỗi người (GS 9) bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ phổ quát bất khả xâm phạm (GS 26), trong địa hạt đời sống công cộng (GS 73), trong đời sống kinh tế và xã hội (GS 63), trong sự tùy thuộc hỗ tương giữa sự phát triển con người và phát triển xã hội (GS 25-28), và cổ võ cho mọi người nhận thức được sự bình đẳng căn bản giữa mọi người với nhau” (GS 29). “Phải lên án và thay đổi những gì chống lại phẩm giá con người” (DH 3, GS 27; 29; 51; 63; 71). “Phải tế nhị tôn trọng nhân phẩm…” (Apostolicam Actuositatem AA 8)…

Qua dòng lịch sử Giáo Hội và nhất là qua Công Đồng Vatican II, “Giáo Hội muốn đem lại câu trả lời đích thực về thân phận con người, giãi bày những yếu hèn cũng như nhìn nhận phẩm giá và thiên chức của con người (GS 12). Mầu nhiệm con người được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, nơi Người, bản tính nhân loại đã được mặc lấy và được nâng cao tới một phẩm giá siêu việt” (GS 22; x. Thánh Công Đồng chung Vatican II, Phân khoa thần học, Giáo hoàng Học viện thánh Piô, Đà Lạt, Việt Nam, 1972, tr 1196-1197).

Trong Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (tức Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng), Giáo Hội đã khẳng định phẩm giá con người là cao cả, xuất phát từ Thiên Chúa. Vì vậy, phải gìn giữ, bảo vệ, và thăng tiến phẩm giá con người trong mọi hoàn cảnh. Giáo Hội cũng lên án mọi hành vi chà đạp, xúc phạm đến phẩm giá con người. GS số 12 nêu rõ: “Phẩm giá con người rất cao cả vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. “Phẩm giá con người được biểu lộ một cách hoàn toàn nơi Chúa Kitô” (GS số 22). “Con người cao hơn và có giá trị hơn cả vũ trụ vì con người có lý trí. Nhờ lý trí, con người có thể suy luận, như quay về nội tại của đời mình để tìm trong đó ý nghĩa của mọi sự và tìm cách chỉ huy không những chính đời mình mà còn các thực tại khác nữa” (x. Phần chú thích 19 số 14 của GS). GS số 15 đề cao phẩm giá của trí tuệ, chân lý và sự hiểu biết. Còn GS số 16 đề cao phẩm giá của lương tâm.

Công Đồng Vatican II cũng chỉ ra cho chúng ta thấy như thế nào là xúc phạm đến phẩm giá của con người và cần phải làm gì để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá ấy. GS số 27 cho chúng ta thấy những hình thức xúc phạm phẩm giá con người: “…Tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giết người cách êm dịu, hoặc trợ tử trực tiếp; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của nhân vị con người, như cắt bỏ một phần thân xác, hành hạ thân xác hoặc tâm trí, làm áp lực tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm, như những cảnh sống thấp hèn dưới mức độ phải có của con người, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ con; kể cả những tình trạng làm việc nhục nhã khiến cho công nhân hoàn toàn trở thành dụng cụ cho lợi lộc, chứ không được coi như con người tự do và có trách nhiệm: tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục. Và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, tất cả những điều trên lại càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hóa” (GS 27).

GS số 26 khẳng định: “…Con người càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng của nhân vị, bởi vì con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm. Vậy cần phải cho con người được tất cả những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền hoạt động theo nguyên tắc ngay thẳng của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng trong phạm vi tôn giáo nữa” (GS 26, tr 962).

Phương cách nào để tôn trọng, bảo vệ, thăng tiến phẩm giá con người? Công Đồng Vatican II chỉ rõ: “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa” (GS 19, tr 750). “Quả thật, con người có lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người” (GS 16, tr 747). “Vậy mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai như ‘cái tôi thứ hai’, cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng” (GS số 27, tr 763; x. Gc 2,15-16). Chẳng hạn, người già bị bỏ rơi? Công nhân (nước ngoài) bị khinh miệt? Người sống lưu vong? Một đứa trẻ sơ sinh do cuộc tình bất hợp pháp phải chịu đau khổ? Một người đói khát?...

Nếu con người đi ngược lại phẩm giá và loại bỏ luật Chúa thì sao? Công Đồng cho chúng ta biết: “Thực vậy, chúng ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng các quyền lợi của chúng ta chỉ được duy trì trọn vẹn khi trút bỏ mọi luật lệ của Thiên Chúa. Nhưng thực ra đó là đường lối làm cho phẩm giá con người chẳng những không được bảo tồn mà còn bị tiêu tan đi” (GS số 41, tr 784).

Tóm lại, Công Đồng Vatican II cho chúng ta thấy rõ phẩm giá con người, những thách đố của thời đại đối với phẩm giá con người và những phương cách hữu hiệu để bảo vệ, thăng tiến phẩm giá con người. Phẩm giá con người phải được thăng tiến cho đến khi đạt đến và gắn liền với Chúa Kitô, Con Người mới (GS số 22).

4. Sứ mạng của Giáo Hội đối với phẩm giá con người và chính con người:

Công đồng Vatican II là một nỗ lực rất lớn lao của Giáo Hội nhằm giúp Giáo Hội ý thức sâu xa về con người, tìm hiểu thấu đáo về thân phận con người, về phẩm giá con người, đồng thời giúp Giáo Hội “đọc ra dấu chỉ thời đại” nhằm tìm mọi cách đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người, nhất là khát vọng về đời sống “nhân bản có gốc rễ” – từ Thiên Chúa – và khát vọng về đời sống tâm linh. Một khi đã hiểu thấu về con người và khát vọng của con người, Giáo Hội mới có thể thực thi sứ mạng cao cả mà chính Thiên Chúa trao cho mình. Sứ mạng ấy là sứ mạng nối tiếp công trình cứu độ của Chúa Kitô. Sứ mạng ấy cũng là sứ mạng bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con

người. Chính vì vậy, Giáo Hội, trong hiến chế GS của mình, đã chỉ rõ ra đâu là giá trị phẩm giá con người? Đâu là đích cuối cùng của phẩm giá con người? GS số 12 chỉ rất rõ: phẩm giá con người rất cao cả vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Phẩm giá con người được biểu lộ trọn vẹn cách hoàn hảo, hoàn toàn nơi Chúa Kitô (GS số 22) – Đấng đã đổ máu mình ra để cứu chuộc con người (x. Tông huấn người Kitô hữu giáo dân, số 37; x. Nguyễn Hồng Giáo dịch, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Một hợp tuyển những văn kiện của huấn quyền, 2001, Lưu hành nội bộ, tr 32).

GS số 12 viết: “Con người đã được tạo dựng ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’ có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi thọ tạo trên trái đất (x. St 1,26; Kn 2,23) để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa” (x. Hc 17,3-10; GS số 12). Con người cũng chẳng thua kém thần linh là mấy (x. Tv 8,6-7).

Từ việc xác định rõ và chỉ ra cho con người thấy thiên chức và phẩm giá cao quý của con người, Giáo Hội thấy cần phải đi đến những hành động tích cực, thiết thực, hữu hiệu để góp phần mình vào việc “làm cho thế giới nhân bản hơn”, bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người, đưa phẩm giá ấy và chính con người đến đích cuối cùng là thành toàn trong Chúa Kitô, trong Thiên Chúa hằng sống.

Trước tiên, Giáo Hội kêu gọi con cái mình là các Kitô hữu và cộng đồng nhân loại hãy sống bác ái, yêu thương, hiệp nhất (GS số 24), công bằng (28), bình đẳng (29), liên đới (32, hòa bình (77), xây dựng công ích xã hội (26; 77), có trách nhiệm trên nhau và cộng tác với nhau (71). Chẳng hạn Công đồng Vatican II với GS số 28 nêu rõ: “…Càng lấy sự nhân ái và yêu thương để tìm hiểu sâu xa hơn những cách nghĩ của con người, chúng ta càng dễ dàng có thể đi tới đối thoại với họ hơn.

… Đức ái và lòng nhân hậu này không bao giờ cho phép chúng ta trở thành kẻ dửng dưng với điều chân và thiện. Hơn thế nữa, chính đức ái thúc bách các môn đệ Chúa Kitô loan báo cho mọi người chân lý cứu rỗi. Nhưng phải phân biệt lầm lỗi, điều luôn luôn phải loại bỏ, với người lầm lỗi vẫn còn giữ được nhân phẩm, ngay cả khi họ có những ý niệm sai lầm hoặc hơi lệch lạc về tôn giáo…” (GS số 28).

Giáo Hội cũng kêu gọi mọi người hãy tôn trọng nhân vị và các quyền con người: “Mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai như ‘cái tôi thứ hai’, cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng” (GS số 27). Tất cả những gì đi ngược với sự sống con người như giết người, phá thai, diệt chủng, xâm phạm sự toàn vẹn nhân vị con người,… đều bị coi là vô luân và phải bị lên án (x. số 27).

Giáo Hội cũng kêu gọi người ta cần phải chấm dứt các hành vi chiến tranh, giết chóc, tước quyền tự do con người, khủng bố, bất công,… (27; 79). Một mặt Giáo Hội kêu gọi con người sống bác ái yêu thương, tôn trọng nhân vị, mặt khác, Giáo Hội ra sức bênh vực người nghèo, cô thế, cô thân, yếu đuối (27); bênh vực phẩm giá con người, bảo vệ sự sống và các quyền con người (92); cổ võ lối sống liên đới, huynh đệ, đối thoại (32; 40); đề cao các giá trị sinh hoạt nhân loại (34), từ đó nâng cao phẩm giá con người… (34). GS số 34 viết: “…Trong khi mưu sinh,… hoạt động phục vụ xã hội,… nhờ lao công của mình, con người tiếp nối công trình của Đấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (GS số 34).

Giáo Hội xác định, cần phải tích cực góp phần mình vào việc xây dựng gia đình nhân loại (số 40-43), mở rộng lòng đón nhận nhân loại, thế giới trong sự tôn trọng và yêu mến (44). Giáo Hội đề cao phẩm giá hôn nhân (47) và các nền văn hóa (53). Giáo Hội khuyến khích con cái mình và cộng đồng nhân loại quảng đại dấn thân cho con người và phẩm giá con người. GS số 91 ghi rõ: “Mục đích (của Giáo Hội) là giúp đỡ mọi người thời nay, hoặc tin Thiên Chúa hoặc không minh nhiên nhìn nhận Ngài, nhận thức rõ ràng hơn thiên chức toàn diện của mình, kiến tạo thế giới cho hợp với phẩm giá siêu việt của con người hơn, tìm kiếm một tình huynh đệ đại đồng được thiết lập vững chắc hơn và đáp lại những đòi hỏi khẩn thiết trong thời đại chúng ta theo như tình yêu thúc đẩy trong một nỗ lực hợp tác quảng đại” (GS số 91).

Giáo Hội còn có sứ mạng hướng dẫn và chỉ ra cho con người con đường tiến tới sự hoàn thiện phẩm giá con người. Hay nói đúng hơn, Giáo Hội có sứ mạng đưa phẩm giá con người đến chỗ thành toàn trong Chúa Kitô, trong Thiên Chúa. Để có thể thực hiện được điều đó, Giáo Hội có nhiệm vụ hướng dẫn con người đi trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đi trong lịch sử cứu độ, đi trong đường lối của Chúa Kitô – Đấng là Đầu và là Cuối – để cuối cùng, phẩm giá con người và chính con người đạt đến cùng đích thật là chính Thiên Chúa hằng sống (x. GS số 45 và 93). “Nhờ hoạt động nỗ lực của Giáo Hội, mọi người trên khắp địa cầu sẽ thấy nảy sinh một niềm hy vọng mãnh liệt, đó là ân huệ của Chúa Thánh Thần, để sau cùng được hưởng hòa bình và hạnh phúc tuyệt vời trong quê hương rạng ngời vinh quang Chúa” (GS số 93).

Qua Công đồng Vatican II, đặc biệt là qua hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, Giáo Hội cho chúng ta nói riêng và cho con người nói chung thấy: con người có thiên chức và phẩm giá cao cả. Phẩm giá này xuất phát từ Thiên Chúa và phải được quy về và đạt tới cùng đích, cũng chính là Thiên Chúa. Giáo Hội đã xác định ơn gọi và sứ mạng của mình và được Thiên Chúa mời gọi dấn thân mạnh mẽ cho sứ mạng cao cả là: bảo vệ, nâng cao, thăng tiến phẩm giá con người hầu đạt tới cùng đích, đồng thời dẫn đưa con người về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn của phẩm giá con người, là nguồn hạnh phúc, sự sống và ơn cứu độ của con người.