CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III Phục Sinh nầy cung cấp cho chúng ta những chứng từ mới về biến cố Phục Sinh; nhưng mầu nhiệm vinh quang nầy được bày tỏ ở đây trong mối liên hệ với mầu nhiệm Tử Nạn của Đấng Mê-si-a.

Cv 3: 13-19

Trong một diễn từ ngỏ lời với toàn dân Giê-ru-sa-lem, thánh Phê-rô công bố cuộc Phục Sinh của Đấng chịu đóng đinh và minh chứng rằng Kinh Thánh đã loan báo những đau khổ Đấng Mê-si-a phải chịu. Lời công bố nầy vang dội trực tiếp ở nơi đoạn Tin Mừng hôm nay.

1Ga 2: 1-5

Trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan mời gọi suy niệm về những nỗi đau khổ mà Đức Giê-su phải chịu vì tội lỗi của chúng ta để đem lại ơn tha thứ cho chúng ta.

Lc 24: 35-48

Tin Mừng của thánh Lu-ca trình bày cho chúng ta một trình thuật mới về việc Đức Giê-su xuất hiện cho các môn đệ của Ngài vào buổi chiều Phục Sinh của Ngài. Thánh ký khai triển bài diễn từ của Đức Giê-su trong đó Đức Giê-su đích thân giải thích cuộc sống, cái chết của Ngài và minh chứng rằng Kinh Thánh đã loan báo những đau khổ của Đấng Mê-si-a, cuộc Phục Sinh của Ngài và ơn tha thứ tội lỗi.

BÀI ĐỌC I (Cv 3: 13-15, 17-19)

Đây là bài diễn từ thứ hai trong số những bài diễn từ mà thánh Phê-rô ngỏ lời với toàn thể dân chúng được sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại. Bài diễn từ thứ nhất được công bố vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Bối cảnh thật ấn tượng. Thánh Phê-rô và thánh Gioan lên Đền Thờ để tham dự buổi cầu nguyện giờ thứ chín (Đức tin của hai ông hòa nhập rất tự nhiên vào trong khung cảnh phụng vụ Do thái giáo). Hai vị để ý đến một người què ăn xin bên cửa Đền Thờ. Thánh Phê-rô nhìn anh, nắm chặc lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Anh đứng phắt dậy vừa đi vừa nhảy nhót vui mừng hớn hở và không chịu rời hai ông một bước. Toàn dân nhận ra anh, kinh ngạc sững sờ. Chính đám đông nầy mà thánh Phê-rô ngỏ lời với họ.

Những chủ đề mà thánh nhân khai triển tóm tắt điểm chính yếu của bài giảng Tông Đồ tiên khởi, như sách Công Vụ tường thuật cho chúng ta, qua năm bài diễn từ của thánh Phê-rô (2: 14-39; 3: 12-26; 4: 9-12; 5: 29-32; 10: 34-43) và một diễn từ của thánh Phao-lô (13: 16-41).

Bài diễn từ nầy vẫn còn ngỏ lời với người Do thái. Vấn đề khó khăn bậc nhất là làm thế nào thuyết phục họ Đấng Chịu Đóng Đinh là Đấng Mê-si-a.

1. Anh em là dân Giao Ước:

Để tạo nên ấn tượng mạnh nơi thính giả của mình, trước tiên, thánh nhân nhắc họ nhớ rằng họ là dân Giao Ước, Giao Ước nầy Thiên Chúa đã ký kết với các tổ phụ, Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp.

Ấy vậy, chính "Thiên Chúa của cha ông chúng ta" nầy đã tôn vinh tôi trung của Người là Đức Giê-su để hướng tư tưởng thính giả về hình ảnh người tôi trung chịu đau khổ của I-sai-a. Vị ngôn sứ đã loan báo rằng người tôi trung của Gia-vê sẽ bị khinh bĩ và chịu nhục hình.

Tước hiệu "người tôi trung" được ban cho Đức Giê-su sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong những diễn từ Tông Đồ; tước hiệu nầy đem đến một lập luận có trọng lượng đối mặt với những thái độ ngập ngừng của những người chờ đợi một Đấng Mê-si-a vinh quang và quyền năng.

2. Anh em đã nộp Ngài:

Tiếp đó, thánh Phê-rô đưa ra một lời kết án trực tiếp bằng cách dựa vào những luận cứ tương phản:

- Quan Phi-la-tô, một ngoại đạo, đã nhận ra Đức Giê-su vô tội nên đã muốn tha cho Ngài. Nhưng anh em, dân Chúa chọn, trái lại đã chối bỏ Ngài.

- Ngài là Đấng Thánh, Đấng Công Chính, mà anh em lại xin ân xá cho một tên sát nhân.

- Ngài là Đấng khơi nguồn sự sống mà anh em lại giết đi.

Trong đoạn trích nầy, chúng ta gặp nét đặc sắc mà thánh Lu-ca đã nhấn mạnh trong bài Thương Khó của mình: Phi-la-tô ít chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài hơn đám đông bị các thượng tế xách động. Quan Tổng Trấn ba lần công bố: "Ta xét thấy người nầy không có tội gì".

Về phẩm chất "thánh" và "công chính", đây là những danh xưng Kinh Thánh thường đi kèm theo tên tuổi của những tôi trung vĩ đại, như ông Mô-sê (thánh Phê-rô sẽ trích dẫn đích danh Mô-sê trong diễn từ nầy). Cả hai phẩm chất nầy sẽ vẫn là những tước hiệu Ki tô học cổ xưa, nhưng ở nơi sự chứng minh của thánh Phê-rô: Đức Giê-su đã thực hiện ở nơi bản thân mình những lời Kinh Thánh: Ngài là Đấng Thánh của Gia-vê, "Đấng Công Chính" mà các ngôn sứ đã loan báo.

3. Thiên Chúa đã phục sinh Ngài:

Đây là mặc khải cốt yếu, một sự khẳng định không thể tin được. Vị Tông Đồ còn nhấn mạnh: "Chúng tôi xin làm chứng".

Đoạn, sau lập luận ngắn gọn nhưng sắc bén, thánh nhân làm yên lòng cho những người mà Ngài vừa kết án: "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều người đã dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki tô của Người phải chịu khổ hình". Vì thế, họ có thể hưởng được ơn tha thứ tội lỗi của mình, nếu họ sám hối mà trở về cùng Thiên Chúa.

Chắc chắc những lời kêu gọi sám hối sẽ được lập đi lập lại như điệp khúc trong những diễn từ Tông Đồ, nhưng diễn từ nầy, được đặt sau khi nêu lên những đau khổ cần thiết mà Đấng Mê-si-a phải chịu, mặc lấy một sức mạnh đặc biệt.

BÀI ĐỌC II (1Ga 2: 1-5)

Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Gioan được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất và gởi cho các cộng đoàn Ki tô hữu miền Tiểu Á.

Thánh Tông Đồ ngỏ lời với các tín hữu nầy với một cung giọng đầy tình phụ tử; ngài biết những khó khăn mà họ gặp phải và cuộc chiến mà họ phải đối đầu chống lại những lạc giáo đang hoành hành vào lúc đó. Thánh nhân muốn soi sáng và củng cố đức tin của họ.

"Hỡi anh em là những đứa con thơ bé của tôi", biểu ngữ nầy thường đi kèm theo "thân mến" hay "yêu dấu". Cung giọng chan chứa tình thương mến nầy là một trong những đặc tính của thư thứ nhất thánh Gioan.

Lời mào đầu này giới thiệu hai lời khích lệ: một liên quan đến cuộc chiến chống tội lỗi, và một liên quan đến việc tạ ơn Thiên Chúa.

1. Đức Ki tô, Đấng Bào Chữa của chúng ta (2: 1-2).

Trong thư thứ nhất nầy, thần học thánh Gioan được khai triển chung quanh ba trục:

- Thiên Chúa là ánh sáng;

- Thiên Chúa là Đấng Công Chính;

- Thiên Chúa là tình yêu.

Chủ đề "Thiên Chúa là Đấng Công Chính" luôn luôn được liên kết với chủ đề tội lỗi. Chính vì Đức Công Chính của mình mà Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi tội lỗi; và Đức Công Chính cứu độ nầy có tên gọi: "Đức Giê-su, Con Một của Thiên Chúa".

Người Ki tô hữu chân chính biết nhận ra mình là tội nhân, trái với những giảng dạy dối trá tự cho mình là hoàn thiện. Hậu cảnh của những lời nhắc nhở đạo lý nầy mang tính bút chiến: những kẻ truyền bá Ki tô giáo nầy tự cho tinh tuyền hơn xuất thân từ các cộng đoàn nầy và đã gây xáo trộn ở đây. Thánh Gioan nói đó là những kẻ nói láo: "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta" (1: 8). Với thái độ khiêm tốn, thánh Tông Đồ tự đặt mình vào hàng những người Ki tô hữu có thể phạm tội

"Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng bào chữa trước mặt Chúa Cha". Nguyên ngữ Hy lạp "đấng bào chữa" (Paraclet) xuất xứ từ động từ "para-kaléô" có nghĩa là "gọi đến bên cạnh mình để xin cứu giúp". Danh xưng nầy chỉ xuất hiện trong các bản văn của thánh Gioan, trong khi các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm cũng như thánh Phao-lô không thấy sử dụng. Trong Tin Mừng thứ tư, "Đấng Bào Chữa" chỉ Chúa Thánh Thần (Ga 14: 16-20); trong thư thứ nhất, chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính, là Đấng Bào Chữa cho chúng ta.

Tước hiệu nầy không nhắm đến sự vô tội của Đức Giê-su, Đấng Công Chính hoàn thiện, cho bằng đến phẩm chất xét xử của Ngài, Đấng công chính hóa chúng ta. Vì chính Ngài đã trở thành phàm nhân và hiến dâng thân mình làm của lễ hy sinh đền bù tội lỗi của chúng ta. Khi sử dụng thành ngữ "của lễ đền bù tội lỗi", thánh Gioan trực tiếp gợi lên hy lễ xá tội của dân Ít-ra-en, nhưng hy lễ nầy chỉ xóa tội của vị thượng tế và của cộng đoàn con cái Ít-ra-en. Trái lại, hy lễ của Đức Giê-su có tầm mức phổ quát: "không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế giới nữa".

Ở đây, ngoài nỗi bận lòng của người mục tử, xem ra một sự cảnh giác chống lại những người phủ nhận mầu nhiệm Nhập Thể (xem 1Ga 5: 1-6), do đó, họ cũng từ chối ơn Cứu Chuộc.

2. Hiểu biết Thiên Chúa (2: 3-5)

Một vấn đề được đặt ra: làm thế nào chúng ta có thể biết rằng chúng ta biết Thiên Chúa?

Mục đích cốt yếu của thánh Gioan chính là đảm bảo cho họ là họ đang ở trong chính lộ. Tiêu chuẩn của sự hiểu biết đích thật về Thiên Chúa không hệ tại ở nơi những suy luận trừu tượng, hay ở nơi ơn thần khải nội tâm, nhưng ở nơi sự hiểu biết kinh nghiệm mà việc thực thi các điều răn của Người mang lại: "Căn cứ vào điều nầy, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người".

Các điều răn nầy là những điều răn nào? Ở đây xem ra thánh Gioan vẫn ở trong tính khái quát của các điều răn Tin Mừng; tuy nhiên, xuống một chút nữa, thánh nhân xác định "Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau" (3: 23).

Những đòi hỏi nầy rõ ràng được nhắc đi nhắc lại suốt bức thư; chính những đòi hỏi nầy mà những kẻ rao giảng dối trá không tuân giữ. Rõ ràng những kẻ rao giảng ngộ đạo chủ trương rằng họ đã đạt đến tình trạng hiểu biết các mầu nhiệm thiên giới nên khinh thường những kẻ ngu dốt không có khả năng đạt đến những lãnh vực trên cao nầy.

Như vậy, thánh Gioan nhấn mạnh rằng người Ki tô hữu đặt niềm tin của mình vào Đức Ki tô và tuân giữ điểu răn "mến Chúa và yêu người", đó là người hiểu thấu cõi lòng sâu thẳm của Thiên chúa, đi vào trong mối liên hệ đích thân với Chúa Cha và Chúa Con. Ở đây chúng ta sẽ gặp lại chủ đề hiệp thông với Thiên Chúa, chủ đề trung tâm của bức thư và nền tảng của sự hiểu biết Thiên Chúa đích thật. Như vậy, thánh Gioan định nghĩa "ngộ đạo" Ki tô giáo.

"Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo". Tình yêu Thiên Chúa có nghĩa gì? Phải chăng tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta và thực sự trở nên hoàn hảo ở nơi mỗi người Ki tô hữu ? Hay tình yêu mà người Ki tô hữu tuân giữ điều răn đức ái và như vậy phát triển cho đến mức vẹn toàn lòng mến Chúa của mình?

Chúng ta gặp thấy câu trả lời nơi 4: 12, hoàn toàn song đối, theo cùng một cách diễn tả: "Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo". Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa "đối với chúng ta" là điều cốt yếu. Tuy nhiên, xuyên suốt bức thư của mình, thánh Gioan xem việc tuân giữ các điều răn là trắc nghiệm tình yêu của người Ki tô hữu "đối với Thiên Chúa". Giáo huấn của thánh nhân nhiều lần nhắc nhở bài diễn từ Từ Biệt của Đức Giê-su: "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" (Ga 14: 21).

Thật ra, hai khía cạnh kết hợp mật thiết với nhau. Vả lại, động từ được sử dụng dẫn đến câu kết luận nầy. Bản dịch của nhóm Phụng Vụ: "nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo" cần phải được đính chính; cách dịch "nên hoàn hảo" có thể bị hiểu lầm, bởi vì nguyên bản chứa đựng ý tưởng mục đích, cứu cánh: "ở nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đạt được mục đích tối hậu của nó, cứu cánh chung cuộc của nó". Ấy vậy, cứu cánh nầy là cứu cánh nào, nếu không là được dự phần vào cuộc sống của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của động từ "ở lại" mà thánh Gioan thường hằng nhắc đi nhắc lại.

TIN MỪNG (Lc 24: 35-48)

Vào Chúa Nhật nầy, chúng ta đọc một lần nữa bài tường thuật việc Đức Giê-su hiện ra cho các môn đệ của Ngài vào buổi chiều Phục Sinh. Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã đọc bài tường thuật của Tin Mừng Gioan, Chúa Nhật hôm nay, chính là bài tường thuật của Tin Mừng Lu-ca.

Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp theo của câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau. Như vậy, ngày Phục Sinh nầy là ngày dài nhất của toàn bộ Tin Mừng: bắt đầu với bước chân của những người phụ nữ đến mồ vào lúc hừng đông và kết thúc với việc hai môn đệ trên đường Em-mau trở về thuật lại những việc xảy ra dọc đường cho Nhóm Mười Một và các các bạn hữu vào lúc đêm đã khuya rồi. Quả thật, khi Đức Giê-su chấp nhận lời mời của hai người bạn đường của Ngài ở làng Em-mau thì trời đã về chiều rồi.

Vả lại, nếu thánh ký đã có thể thu ngắn các biến cố thì chẳng có hệ gì. Như vậy, thánh ký luôn nêu bật giá trị cử chỉ Giáo Hội của hai môn đệ trên đường Em-mau. Chính ở nơi các Tông Đồ mà hai ông quy chiếu đến. Nhóm Mười Một vẫn là những nhân chứng cốt yếu của biến cố Phục Sinh. Kinh nghiệm của hai người môn đệ trên đường Em-mau không bị giảm nhẹ nhưng được củng cố và một cách nào đó, được bao hàm vào trong kinh nghiệm cộng đồng. Hai người môn đệ nầy chắc chắn rất gần gũi với các Tông Đồ, vì họ biết nơi các Tông Đồ được quy tụ lại và ẩn náo.

Như ở nơi bài tường thuật của Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su thình lình ở giữa các môn đệ của mình. Thân xác của Ngài bằng xương bằng thịt như Ngài sẽ chứng minh cho họ thấy: cũng là thân xác mà họ đã thân quen, nhưng cũng hoàn toàn khác. Dù trở về trong vinh quang bên cạnh Chúa Cha, Đức Giê-su đã không tước bỏ nhân tính của Ngài; Ngài vẫn mãi mãi là Thiên Chúa và con người.

1. "Bình an cho anh em".

Khởi đầu trình thuật là lời chúc bình an của Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài, nhưng lời chúc bình an nầy còn hơn "lời chào bình an" thông thường của người Do thái. Đây là bình an của triều đại Mê-si-a, bình an mà Ngài đã hứa với các môn đệ Ngài khi Ngài nói lời từ biệt các ông vào buỗi chiều thứ năm Tuần Thánh: "Thầy để lại cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy", đây là sự bình an của Nước Trời, bình an của cuộc sống trong Thần Khí và sự thật mà nhiều lần thánh ký đã gợi lên xuyên suốt Tin Mừng của mình (Lc 2: 14, 29; 7: 50; 8: 48; 10: 5-6; 11: 21; 19: 38, 42; 24: 36).

2. Các ông kinh hồn bạt vía.

Thánh Luca nhấn mạnh hơn thánh Gioan nỗi khiếp sợ của các môn đệ, sự cứng tin của họ y như khi họ nghe sứ điệp của các phụ nữ (24: 11-12) và những thương tích thể lý mà Đức Giê-su trưng dẫn để chứng thực Ngài đã sống lại. Thánh ký ngỏ lời với người Hy-lạp và người Rô-ma, họ đã không được Kinh Thánh chuẩn bị. Đó là lý do tại sao thánh ký kể ra việc "Đức Giê-su cầm lấy một khúc cá nướng và ăn trước mặt các ông".

Cử chỉ nầy đã trở nên một trong những bằng chứng về cuộc Phục Sinh của Ngài. Để chứng thực cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su, thánh Phê-rô sẽ viện dẫn cử chỉ nầy như một trong số những bằng chứng khác: "Chúng tôi cũng đã cùng ăn cùng uống với Người" (Cv 10: 41). Trong chương 21 Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su chuẩn bị trên bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a một bữa ăn cho các môn đệ, vì họ đã vất vả suốt đêm mà chưa ăn gì. Sau mẻ cá lạ lùng, Ngài nói với các ông: "Anh em đến mà ăn" (Ga 21: 12). Như vậy Ngài đã dự phần với họ "cá và bánh" mà Ngài đã đặt sẳn ở trên than hồng.

3. Bài học chú giải:

Bằng chứng trí tuệ cũng quan trọng không kém bằng chứng thể lý. Đức Giê-su chú tâm vào bằng chứng trí tuệ nầy từ lâu khi Ngài nhắc cho các ông nhớ lại: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm".

Như trên đường Em-mau, Đức Giê-su đã khai lòng mở trí cho hai môn đệ hiểu các bản văn nầy loan báo những đau khổ, cuộc phục sinh từ cõi chết của Ngài và những hoa trái tinh thần của cuộc hoán cải và ơn tha thứ phổ quát mà cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài mang lại.

Bài học chú giải nầy, được ban cho hai lần trong cùng một ngày, chắc chắn là cần thiết. Không phải trong sách Công Vụ thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng các môn đệ quy tụ chung quanh Đấng Phục Sinh hỏi Ngài: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?" (Cv 1: 6). Với cái đầu bướng bĩnh nầy, phải nói đi nói lại rằng Vương Quốc mà Kinh Thánh loan báo không là vương quốc Ít-ra-en trần thế, nhưng là vương quốc hoàn vũ của Thiên Chúa. Biến cố Phục Sinh không là dấu chấm hết cho một cuộc phiêu lưu của Thiên Chúa, nhưng là một điểm khởi đầu của công trình bao la mà bây giờ các môn đệ phải bắt tay thực hiện, khi rao giảng cho muôn dân kêu gọi họ sám hối để được ơn tha thứ tội lỗi.

4. Bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem.

Giê-ru-sa-lem, kỳ hạn cuối cùng của sứ mạng Đức Giê-su và khởi điểm của sứ mạng Giáo Hội, đó là tất cả quan điểm của Tin Mừng Lu-ca.