HUẾ 19.3.2009 - Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Huế trong Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 100 năm Đan viện Cát Minh Huế
1. Kính thưa cộng đoàn,
Bài Tin mừng vừa rồi có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người khi thấy thái độ của trẻ Giêsu tự ý ở lại trong Đền thờ Giêrusalem sau cuộc hành hương mừng lễ Vượt qua, và nhất là khi nghe những lời Chúa Giêsu nói với cha mẹ mình: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.
a/ Con Thiên Chúa làm người cần có mẹ cha, cần một mái ấm gia đình để lớn lên, nhưng mối dây thân thương tự nhiên ấy cũng có lúc phải chịu hy sinh, nếu nó ngăn trở sứ mạng Chúa Cha giao phó.
Chúa Giêsu không chỉ là người con hiếu thảo với cha mẹ ở trần gian, nhưng trên hết và trước hết, Ngài phải vâng phục Cha trên trời: đây là ưu tiên vượt trên hết mọi ưu tiên khác.
Chúa Giêsu có một mối tương quan hết sức đặc biệt với Chúa Cha, vì Ngài là Con Một của Chúa Cha. Đây là huyền nhiệm thâm sâu của cuộc đời Ngài. Đây là suối nguồn vô tận, là ánh sáng soi chiếu toàn bộ đời sống, cuộc thương khó và cái chết của Ngài. Trong mọi sự, Ngài luôn quy chiếu về Chúa Cha.
b/ Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu ngay lời nói của trẻ Giêsu. Lời ấy nhằm mời gọi hai ông bà vượt lên trên bình diện gia đình huyết thống tự nhiên, vượt lên trên bình diện những lo toan trần thế, để vươn tới bình diện của Thiên Chúa Cha, là nơi mà Chúa Giêsu hằng ở lại: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.
Mẹ Maria và thánh Giuse càng ngày càng phải trải nghiệm một cách sâu xa sự cắt đứt đau đớn về mối dây máu mủ ruột thịt, để được khai tâm dần dần vào mầu nhiệm con người Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài.
Khi trách yêu trẻ Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”, thì Mẹ Maria như muốn gợi lên bổn phận hiếu thảo của con cái, được ghi ở điều răn thứ 5 trong sách Xuất hành (Xh. 20,12): “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa ban cho ngươi”. Còn Chúa Giêsu thì nhấn mạnh vào điều răn thứ nhất trong sách Xuất hành (Xh. 20,3): “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”. Và Ngài đáp lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”.
c/ Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu, nhưng không nghi ngờ, không thắc mắc, mà chỉ biết ghi nhớ và chờ đợi, tôn trọng và kiên nhẫn đối với đường đi nước bước của Thiên Chúa. Thánh sử Luca nói: “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy trong lòng” (Lc. 2,51).
Hai ông bà đón nhận những lời khó hiểu của con mình, cho thấm vào lòng từ từ, với tâm hồn khiêm tốn, trầm lắng, để cho Chúa nhẹ nhàng dẫn vào thế giới huyền nhiệm linh thiêng của Ngài.
Đây là một hình thái đức tin, một hành trình đức tin nói được là mịt mù: cứ tin tưởng, mặc dù thánh ý Chúa không luôn rõ ràng, mà nhiều khi chỉ là tiếng vọng mơ hồ trong giấc chiêm bao, như thánh Giuse đã cảm nghiệm.
2. Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta về đây mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đan viện Cát Minh tại Giáo phận Huế thân yêu nầy.
a/ Đây là một biến cố quan trọng trong Hội Thánh, trong Giáo phận nhà và cách riêng, trong Dòng Cát Minh Huế. Qua Tòa Ân giải Tối cao, Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 ban phép mở năm Toàn xá. Văn thư Toà Thánh nói rằng: “Việc ghi nhớ kỷ niệm này làm sáng tỏ và biểu dương giá trị đời sống chiêm niệm trong Hội Thánh và đồng thời mời gọi các tín hữu, nếu có thể trong cách sống của mình, tham dự vào đời sống chiêm niệm, cổ vũ và thúc đẩy nỗ lực mục vụ. Chắc chắn sự kiện nầy tạo ra cơ hội thuận tiện đặc biệt giúp các tín hữu luôn gắn bó bền vững với đức tin, luôn sống phù hợp hơn với lề luật của Tin mừng”.
b/ Qua tập Kỷ yếu của Đan viện, với các bài viết về lịch sử và linh đạo, cũng như một số hình ảnh sinh hoạt của chị em, chúng ta chứng nghiệm được vô số điều kỳ diệu Chúa làm cho Đan viện nầy suốt chiều dài lịch sử 100 năm qua.
Đan viện Cát Minh Huế vẫn đứng vững giữa bao thăng trầm dâu bể, nay đã trở thành cây đại thụ bách tán và đang có nhiều khởi sắc về ơn gọi cũng như tinh thần cầu nguyện chiêm niệm và cuộc sống hy sinh hiến tế của các thanh nữ từ Bắc chí Nam.
-Năm 1909, Đức cha Allys Lý đón các nữ tu Cát Minh Hà Nội vào lập Đan viện tại Huế. Đức cha xác tín rằng, lời cầu nguyện và việc hãm mình đền tội là điều kiện cần thiết cho công cuộc loan báo Tin mừng.
-Năm 1923: Cát Minh Huế lập Nhà Kín đầu tiên tại Phi-luật-tân, và từ đó đã sinh ra 23 Nhà Kín khác ở Phi-luật-tân.
-Năm 1924: Cát Minh Huế lập Cát Minh Cholet ở Pháp.
-Năm 1929: Cát Minh Huế lập Cát Minh Thanh Hoá (hiện nay là Cát Minh Nha Trang).
-Năm 1997: Cát Minh Bình Triệu được thành lập cũng từ gốc Cát Minh Huế.
3. Trong Kỷ yếu, các chị có ghi rằng: “Nhìn lại quảng đường đã qua, 100 năm kể từ ngày thành lập, chúng con chỉ thấy cả một chuỗi hồng ân của Chúa. Hồng ân cho cả cộng đoàn và hồng ân cho mỗi một người. Chúng con không biết nói lời nào để cảm tạ ơn Chúa cho xứng, chỉ xin được cùng với Mẹ Maria, trong Mẹ và nhờ Mẹ, chúng con cùng đồng thanh hát lên bài Magnificat” (linh hồn tôi ngợi khen cảm tạ Chúa).
Giờ đây, cộng đoàn phụng vụ nầy cũng xin hiệp với Đan viện, ca ngợi tạ ơn Chúa, vì tình thương của Ngài trải dài qua các thế hệ cho đến hôm nay và mãi mãi trong tương lai.
Giáo phận Huế cũng xin tỏ lòng tri ân về tất cả những gì quý chị đã và đang làm một cách âm thầm cho Hội Thánh và cho muôn người.
Cuối cùng, tôi xin mượn lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mến gửi đến các chị em Đan viện Cát Minh:
“Các Đan viện của các con rải rác khắp thế giới như những ốc đảo của cầu nguyện và tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, trong bầu khí thinh lặng của nội cấm.
Các con hãy làm chứng về sự cao đẹp và phong phú của hoạt động truyền giáo bằng đời sống ẩn dật với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Cl. 3,3), về giá trị của sự chuyển cầu và hiến tế bên cạnh Thánh Thể là trung tâm của Hội Thánh toàn cầu cũng như của Giáo Hội địa phương.
Như thánh Têrêxa thành Lisieux hằng ao ước, các con hãy trở thành tình yêu trong con tim của Nhiệm Thể Chúa Kitô”. Amen.
(trích thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các Đan nữ Cát Minh Cải Tổ, nhân dịp phê chuẩn Luật và Hiến chương Dòng / 1.10.1991).
1. Kính thưa cộng đoàn,
Bài Tin mừng vừa rồi có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người khi thấy thái độ của trẻ Giêsu tự ý ở lại trong Đền thờ Giêrusalem sau cuộc hành hương mừng lễ Vượt qua, và nhất là khi nghe những lời Chúa Giêsu nói với cha mẹ mình: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.
a/ Con Thiên Chúa làm người cần có mẹ cha, cần một mái ấm gia đình để lớn lên, nhưng mối dây thân thương tự nhiên ấy cũng có lúc phải chịu hy sinh, nếu nó ngăn trở sứ mạng Chúa Cha giao phó.
Chúa Giêsu không chỉ là người con hiếu thảo với cha mẹ ở trần gian, nhưng trên hết và trước hết, Ngài phải vâng phục Cha trên trời: đây là ưu tiên vượt trên hết mọi ưu tiên khác.
Chúa Giêsu có một mối tương quan hết sức đặc biệt với Chúa Cha, vì Ngài là Con Một của Chúa Cha. Đây là huyền nhiệm thâm sâu của cuộc đời Ngài. Đây là suối nguồn vô tận, là ánh sáng soi chiếu toàn bộ đời sống, cuộc thương khó và cái chết của Ngài. Trong mọi sự, Ngài luôn quy chiếu về Chúa Cha.
b/ Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu ngay lời nói của trẻ Giêsu. Lời ấy nhằm mời gọi hai ông bà vượt lên trên bình diện gia đình huyết thống tự nhiên, vượt lên trên bình diện những lo toan trần thế, để vươn tới bình diện của Thiên Chúa Cha, là nơi mà Chúa Giêsu hằng ở lại: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.
Mẹ Maria và thánh Giuse càng ngày càng phải trải nghiệm một cách sâu xa sự cắt đứt đau đớn về mối dây máu mủ ruột thịt, để được khai tâm dần dần vào mầu nhiệm con người Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài.
Khi trách yêu trẻ Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”, thì Mẹ Maria như muốn gợi lên bổn phận hiếu thảo của con cái, được ghi ở điều răn thứ 5 trong sách Xuất hành (Xh. 20,12): “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa ban cho ngươi”. Còn Chúa Giêsu thì nhấn mạnh vào điều răn thứ nhất trong sách Xuất hành (Xh. 20,3): “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”. Và Ngài đáp lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”.
c/ Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu, nhưng không nghi ngờ, không thắc mắc, mà chỉ biết ghi nhớ và chờ đợi, tôn trọng và kiên nhẫn đối với đường đi nước bước của Thiên Chúa. Thánh sử Luca nói: “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy trong lòng” (Lc. 2,51).
Hai ông bà đón nhận những lời khó hiểu của con mình, cho thấm vào lòng từ từ, với tâm hồn khiêm tốn, trầm lắng, để cho Chúa nhẹ nhàng dẫn vào thế giới huyền nhiệm linh thiêng của Ngài.
Đây là một hình thái đức tin, một hành trình đức tin nói được là mịt mù: cứ tin tưởng, mặc dù thánh ý Chúa không luôn rõ ràng, mà nhiều khi chỉ là tiếng vọng mơ hồ trong giấc chiêm bao, như thánh Giuse đã cảm nghiệm.
2. Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta về đây mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đan viện Cát Minh tại Giáo phận Huế thân yêu nầy.
a/ Đây là một biến cố quan trọng trong Hội Thánh, trong Giáo phận nhà và cách riêng, trong Dòng Cát Minh Huế. Qua Tòa Ân giải Tối cao, Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 ban phép mở năm Toàn xá. Văn thư Toà Thánh nói rằng: “Việc ghi nhớ kỷ niệm này làm sáng tỏ và biểu dương giá trị đời sống chiêm niệm trong Hội Thánh và đồng thời mời gọi các tín hữu, nếu có thể trong cách sống của mình, tham dự vào đời sống chiêm niệm, cổ vũ và thúc đẩy nỗ lực mục vụ. Chắc chắn sự kiện nầy tạo ra cơ hội thuận tiện đặc biệt giúp các tín hữu luôn gắn bó bền vững với đức tin, luôn sống phù hợp hơn với lề luật của Tin mừng”.
b/ Qua tập Kỷ yếu của Đan viện, với các bài viết về lịch sử và linh đạo, cũng như một số hình ảnh sinh hoạt của chị em, chúng ta chứng nghiệm được vô số điều kỳ diệu Chúa làm cho Đan viện nầy suốt chiều dài lịch sử 100 năm qua.
Đan viện Cát Minh Huế vẫn đứng vững giữa bao thăng trầm dâu bể, nay đã trở thành cây đại thụ bách tán và đang có nhiều khởi sắc về ơn gọi cũng như tinh thần cầu nguyện chiêm niệm và cuộc sống hy sinh hiến tế của các thanh nữ từ Bắc chí Nam.
-Năm 1909, Đức cha Allys Lý đón các nữ tu Cát Minh Hà Nội vào lập Đan viện tại Huế. Đức cha xác tín rằng, lời cầu nguyện và việc hãm mình đền tội là điều kiện cần thiết cho công cuộc loan báo Tin mừng.
-Năm 1923: Cát Minh Huế lập Nhà Kín đầu tiên tại Phi-luật-tân, và từ đó đã sinh ra 23 Nhà Kín khác ở Phi-luật-tân.
-Năm 1924: Cát Minh Huế lập Cát Minh Cholet ở Pháp.
-Năm 1929: Cát Minh Huế lập Cát Minh Thanh Hoá (hiện nay là Cát Minh Nha Trang).
-Năm 1997: Cát Minh Bình Triệu được thành lập cũng từ gốc Cát Minh Huế.
3. Trong Kỷ yếu, các chị có ghi rằng: “Nhìn lại quảng đường đã qua, 100 năm kể từ ngày thành lập, chúng con chỉ thấy cả một chuỗi hồng ân của Chúa. Hồng ân cho cả cộng đoàn và hồng ân cho mỗi một người. Chúng con không biết nói lời nào để cảm tạ ơn Chúa cho xứng, chỉ xin được cùng với Mẹ Maria, trong Mẹ và nhờ Mẹ, chúng con cùng đồng thanh hát lên bài Magnificat” (linh hồn tôi ngợi khen cảm tạ Chúa).
Giờ đây, cộng đoàn phụng vụ nầy cũng xin hiệp với Đan viện, ca ngợi tạ ơn Chúa, vì tình thương của Ngài trải dài qua các thế hệ cho đến hôm nay và mãi mãi trong tương lai.
Giáo phận Huế cũng xin tỏ lòng tri ân về tất cả những gì quý chị đã và đang làm một cách âm thầm cho Hội Thánh và cho muôn người.
Cuối cùng, tôi xin mượn lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mến gửi đến các chị em Đan viện Cát Minh:
“Các Đan viện của các con rải rác khắp thế giới như những ốc đảo của cầu nguyện và tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, trong bầu khí thinh lặng của nội cấm.
Các con hãy làm chứng về sự cao đẹp và phong phú của hoạt động truyền giáo bằng đời sống ẩn dật với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Cl. 3,3), về giá trị của sự chuyển cầu và hiến tế bên cạnh Thánh Thể là trung tâm của Hội Thánh toàn cầu cũng như của Giáo Hội địa phương.
Như thánh Têrêxa thành Lisieux hằng ao ước, các con hãy trở thành tình yêu trong con tim của Nhiệm Thể Chúa Kitô”. Amen.
(trích thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các Đan nữ Cát Minh Cải Tổ, nhân dịp phê chuẩn Luật và Hiến chương Dòng / 1.10.1991).