MÙA CHAY 2009: Đọc Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dưới ánh sáng Kinh Thánh và trong truyền thống Kitô giáo

Ngày 4-2-2009, Báo l’Osservatore Romano đã công bố Sứ điệp Mùa Chay năm 2009 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho toàn thể Giáo Hội. Năm nay Sứ điệp này trình bày cách đặc biệt về việc Ăn Chay. Nội dung của Sứ điệp rất súc tích và phong phú. Mỗi người tìm đọc chính bản văn của Sứ điệp để thấu hiểu được giáo huấn của Đức Thánh Cha và sống Mùa Chay cách cụ thể nhất là trong việc thực hành ăn chay trong thời gian thánh này.

Trong bài này tôi ghi thêm một số những bản văn Kinh Thánh cũng như của các Giáo phụ, của phụng vụ, của Giáo quyền tuyên huấn, - nghĩa là theo truyền thống Kinh thánh, Giáo phụ, và truyền thống Kitô giáo - liên hệ tới những đề mục chính của Sứ điệp để giúp đào sâu giáo huấn của vị Cha chung.

Với mỗi đề mục, tôi ghi lại bản văn của Sứ điệp – tuy phân chia rải rác, nhưng tất cả Sứ điệp được đọc lại ở đây – và ghi thêm một vài bản văn khác liên hệ như vừa nói trên đây. Các bản văn của Sứ điệp thường được ghi chữ đậm.

I MỞ ĐẦU

Ý NGHĨA MÙA CHAY THÁNH

Mùa Chay là thời gian thao luyện một cách dấn thân hơn trong đời sống siêu nhiên:

“Anh Chị Em thân mến,

Vào lúc bắt đầu Mùa Chay, là thời gian thiết lập một cuộc hành trình đi vào một cuộc thao luyện thiêng liêng một cách dấn thân hơn. ..”

Câu mở đầu này nói tới Mùa Chay với một kiểu nói truyền thống vẫn có trong phụng vụ và trong văn chương của các Giáo phụ: Mùa Chay là “một cuộc thao luyện thiêng liêng một cách dấn thân hơn. ..” Mùa chay là một thời gian tập dượt, huấn luyện, làm đi làm lại một cử điệu, một bộ môn thể thao, trước khi người lực sĩ đi ra thao trường để tranh giải. Đây là một kiểu nói, một hình ảnh lấy từ môi trường thể thao, thể dục, của các sinh hoạt trong thế vận hội, và cả trong môi trường chiến tranh bên ngoài.

Trong Phụng vụ chúng ta có những chỗ chứa đựng kiểu nói này. Lời nguyện nhập lễ, Thứ tư Lễ Tro đã gợi ý tới điểm này. Bản văn đọc lên như sau:

[Bản văn latinh]: “Concede nobis, Domine, praesidia militiae christianae, sanctis inchoare iuieniis, ut contra spiritales nequitias pugnaturi, continentiae muniamur auxiliis. Per Dominum”

Bản văn tiếng Việt đọc như sau: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Chúng con cầu xin”.

Trong bản văn latinh của Lời nguyện này, chúng ta có các từ liên hệ tới thao trường, cuộc chiến đấu, một cách rõ ràng hơn: như “praesidia”(= sự trợ lực), “militiae christianae” (= cuộc chiến đấu Kitô giáo), “pugnaturi” (= chiến đấu trong một cuộc chiến), “auxiliis” (= viện binh, trợ giúp).

Chúng ta biết, kiểu nói “thao trường” được gợi ý từ lời của Thánh Phaolô nói trong thư thứ I gửi tín hữu tại Corintô: “Anh em không biết sao: trong cuộc chạy đua tại thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy làm sao để chiếm được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, nhưng họ làm như vậy để đoạt phần thưởng chóng qua; còn chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đánh như thế, chứ không phải đánh vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9, 24-27).

Nhưng cuộc tập dượt, thao luyện này nằm trong lãnh vực siêu nhiên và phải mang tính cách dấn thân hơn, dành nhiều thời giờ hơn, làm một cách tận lực, với chú ý nhiều hơn là trong các Mùa phụng vụ khác. Văn kiện Những Quy Luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên Lịch nói như sau: “Vào các Mùa khác nhau của Năm Phụng vụ, theo những tập tục cổ truyền, Hội Thánh thực hiện việc huấn luyện các tín hữu những hoạt động thiêng liêng và thể xác, nhờ việc giáo huấn, sự cầu nguyện, các việc hãm mình đền tội và bác ái” (s. 1). Điều này áp dụng cho các Mùa của Năm Phụng vụ, thì đặc biệt áp dụng cho Mùa Chay thánh. Vì thế Mùa Chay được phụng vụ gọi là một trong những Mùa Lớn, Mùa Quan Trọng trong Năm phụng vụ.

Trong phần mở đầu Sứ Điệp, Đức Thánh Cha nói: Phụng vụ giới thiệu 3 hoạt động để tín hữu thực hành công việc thống hối theo truyền thống kinh thánh và Kitô giáo, đó là: cầu nguyện, bố thí, ăn chay.

Sứ điệp Mùa Chay năm 2009 nói như sau:

“Phụng vụ đề nghị lại cho chúng ta ba việc thực hành đền tội luôn được truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo trân trọng – cầu nguyện, bố thí và ăn chay – để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng cử hành Lễ Phục Sinh cách tốt đẹp xứng đáng hơn và làm cho ta có được cảm nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa như chúng ta sẽ nghe hát lên trong Đêm Vọng Phục Sinh, ‘sẽ khử trừ muôn tội vạ, đêm vạn năng thanh tẩy mọi lỗi lầm, biến tội nhân thành con người công chính, đem vui mừng cho hồn nặng đau thương. Đêm tiêu diệt hận thù. Đêm giải hòa bất thuận, khuất phục mọi quyền uy” (SLRM, Bài công bố Tin mừng Phục sinh).

Từ lời kinh phụng vu, Sứ điệp Mùa Chay 2009 nhắc lại và giải thích các yếu tố của Mùa Chay thánh. Trong bài giảng thứ 43, thánh Phêrô Crisologo nói: “Anh Chị Em thân mến, có ba việc mà nhờ đó đức tin đứng vững, nhờ đó lòng đạo đức được thành hình, và nhân đức còn tồn tại. Đó là Cầu nguyện, ăn chay, lòng thương xót. Điều mà lời cầu nguyện gõ cửa xin, thì việc ăn chay khẩn nài, thì lòng từ bi làm cho nhận được. Cầu nguyện, ăn chay, lòng thương xót, ba điều này là một thôi, ba điều này làm cho nhau có được sự sống”.

Chúng ta có thể tóm tắt mục đích khi tín hữu sống Mùa Chay và thực hành các việc đạo đức trong Mùa phụng vụ này này như sau: chuẩn bị tín hữu cử hành Đại Lễ Phục Sinh một cách tốt đẹp, xứng đáng hơn để họ có được cảm nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa có sức đánh bại sự dữ, rửa sạch tội nhơ, đem lại sự trong trắng nguyên thủy cho tội nhân đem lại niềm vui cho những ai sầu khổ xóa tan ghen ghét bẻ gẫy sự cứng cỏi của những người quyền thế cổ võ sự hòa thuận và bình an phụng vụ thêm một mục đích nữa, đó là chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận ba bí tích khai tâm Kitô giáo vào Đêm Vọng Phục Sinh.

Về ba hành động mà phụng vụ đề nghị tín hữu phải làm trong Mùa Chay: cầu nguyện, bố thí và ăn chay, chúng ta có nhiều chứng cớ trong các bản văn phụng vụ trong Mùa Chay, nhất là từ Thánh Lễ. Tôi chỉ ghi lại một vài bản văn mà thôi.

CẦU NGUYỆN: Mùa Chay là mùa tăng cường việc cầu nguyện. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhở lại cho tín hữu trong Sứ Điệp Mùa Chay năm 2009:

“Phụng vụ đề nghị lại cho chúng ta ba việc thực hành đền tội luôn được truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo trân trọng – cầu nguyện, bố thí và ăn chay. . .”

Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay tuy nói đặc biệt về việc ăn chay, nhưng Đức Thánh Cha cũng gợi ý một đôi tư tưởng về việc cầu nguyện. Trước tiên cầu nguyện và ăn chay phải đi đôi với nhau. Ngài nhắc lại lời Thánh Phêrô Crisologo:

“Việc ăn chay là linh hồn của việc cầu nguyện và việc biểu lộ lòng từ bi là sự sống của việc ăn chay, vì thế ai cầu nguyện thì cũng phải ăn chay. Ai ăn chay thì phải có lòng từ bi. Ai trong khi cầu xin mà ước muốn được lắng nghe, thì hãy lắng nghe kẻ nói lên với mình lời cầu xin. Ai muốn con tim Thiên Chúa mở rộng ra với mình, thì không được đóng lòng mình lại với ai cầu xin mình” (Bài giảng 43: PL 52, 320. 332).

Chỗ khác Sứ điệp nói về ý nghĩa của việc cầu nguyện, đó là:

“Cùng với việc ăn chay và cầu nguyện chúng ta để cho Thiên Chúa đến mà làm thỏa mãn cơn đói sâu xa nhất mà chúng ta cảm nghiệm thấy trong chỗ thâm sâu nhất của con người ta: đó là cơn đói và khát chính Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhiều trong Mùa Chay thánh này, Ngài nói:

“...đồng thời Tôi cũng khuyến khích vun trồng việc lắng nghe Lời Chúa, việc cầu nguyện và bố thí”.

Đi chung với việc ăn chay, các tín hữu cũng phải tăng cường việc cầu nguyện trong Mùa Chay thánh này, nhất là trong các gia đình. Ngài nói:

“Vì thế Mùa Chay cần được đánh giá lại trong mỗi gia đình và trong mỗi cộng đoàn Kitô hữu. .. Tôi đặc biệt nghĩ tới một cố gắng dấn thân hơn trong việc cầu nguyện, trong việc đọc lời Chúa với việc cầu nguyện (lectio divina). ..”

Như vậy mấy việc thực hành thiêng liêng này quyện lấy nhau và được củng cố nhắc nhở nhiều trong Mùa Chay thánh. Chính Đức Thánh Cha cũng tăng cường việc cầu nguyện cho tín hữu trong Mùa Chay thánh này, vào cuôi Sứ điệp Ngài nói:

“Cùng với lời cầu chúc này, trong khi Tôi bảo đảm với Anh Chị Em là Tôi sẽ cầu nguyện cho Anh Chị Em, để mỗi tín hữu, mỗi cộng đoàn trong Giáo Hội trải qua hành trình của Mùa Chay này với nhiều ích lợi, Tôi vui lòng ban Phép Lành Tông Tòa cho tất cả mọi người “.

Đó là gương cầu nguyện trong Mùa Chay, lời cầu nguyện của vị Cha chung cho từng người chúng ta, bao gồm tất cả chúng ta. Chúng ta hợp lời cầu nguyện của chúng ta theo những chỉ dẫn trên đây và cho anh chị em khác, nhất là những anh chị em dự tòng, được nhiều ơn thánh trong Mùa Chay này.

Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật thứ III Mùa Chay nói tới việc cầu nguyện cùng với viêc ăn chay và bố thí. Bản văn đọc như sau: “Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện, và chia sẻ cơm áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin”. Việc cầu nguyện này cũng nhắm một điều phải xin đó là được tha thứ tội lỗi, như Lời nguyện tiến lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay đọc lên: “Lạy Chúa nhờ những của lễ này, xin tha thứ tội lỗi chúng con đã phạm, và giúp chúng con biết thật tình tha thứ mọi lỗi lầm cho anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin”.

Việc cầu nguyện của Giáo Hội được thể hiện nhất là qua việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh (Liturgia Horarum). Đây là một lời cầu nguyện của Giáo Hội, do Giáo Hội thực hiện như là phần mình của Chúa Kitô. Hiến chế về Phụng Vụ nói: “Chính Chúa Kitô kết hiệp toàn thể cộng đoàn nhân loại với Người và liên kết họ với Người để cùng hát bài thánh ca ngợi khen Chúa” (s. 83). Phụng Vụ Các Giờ Kinh được coi là một lời cầu nguyện liên lỉ của Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về phụng vụ nói như sau: “Theo truyền thống xa xưa của Kitô giáo, Kinh nhật tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. .. đó là tiếng chính Hiền Thê nói với Phu Quân của mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và thân thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha” (s. 84). Như vậy trong Mùa Chay thánh việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh là một cách thế cầu nguyện cần khuyến khích trong cộng đoàn tín hữu. Các linh mục và các người được trao cho nhiệm vụ cử hành các Giờ Kinh này, các tu sĩ, cần trung thành thực hiện với tâm tình sốt sắng và ý thức hơn, vì họ đại diện Giáo Hội mà dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện liên lỉ trong tất cả ngày sống, từ hừng đông cho đến lúc chiều tối trước khi đi ngủ. Giáo dân cũng được mời gọi để cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh, ít là một phần. Văn kiện nói như sau: “Cũng vậy các tu sĩ nam nữ có luật buộc phải đọc kinh chung, và các thành phần của bất cứ tu hội nào, thì cũng nên họp lại, hoặc với nhau hoặc với giáo dân mà đọc hết hay một phần Các Giờ Kinh Phụng Vụ... Cuối cùng gia đình với tư cách là một đền thờ nhỏ của Hội Thánh thì chẳng những nên đọc kinh chung với nhau mà thờ phượng Chúa, mà còn nên tùy nghi đọc một phần nào đó trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, để được kết hợp chặt chẽ hơn với Hội Thánh” (Sách Các Giờ Kinh Phụng vụ, Văn Kiện trình bày và quy định, s. 26. 27).

Thánh Augustinô còn cho chúng ta biết giá trị của lời cầu nguyện của chúng ta vì được kết hợp với Chúa Kitô: “Không có ơn huệ nào lớn lao hơn mà Thiên Chúa làm cho con người, hơn là ơn huệ ban cho con người Ngôi Lời của Ngài, Đấng mà nhờ đó Thiên Chúa đã tạo dựng nên tất cả, để trở nên đầu của họ và nhận họ như là thân thể của Ngài... chính Ngôi Lời này cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta và được chúng ta cầu nguyện với”.

Chúng ta phải nói gì tới việc cầu nguyện cá nhân mà mỗi người có bổn phận thực hiện. Đây là lệnh truyền ban cho mọi tín hữu như lời thánh Tông đồ Phaolô nói với các tín hữu tại Thessalonica: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1Ts 5, 17). Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo đã dành trọn phần thứ IV để bàn về việc cầu nguyện. Vậy trong Mùa Chay thánh, nếu chúng ta phải tổ chức lớp giáo lý về việc cầu nguyện, thì đây là thủ bản chính yếu phải được sử dụng trước tiên.

BỐ THÍ CHO NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ: đây là một trong ba việc mà truyền thống phụng vụ đã nói tới và đề nghị các tín hữu phải thực hiện trong Mùa Chay thánh. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2009 như sau:

“Phụng vụ đề nghị lại cho chúng ta ba việc thực hành đền tội luôn được truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo trân trọng – cầu nguyện, bố thí và ăn chay. ..”.

Rồi Ngài nói tiếp theo như sau:

“Chọn lựa tự nguyện để cho mình thiếu một vài vật gì để giúp đỡ người khác, một cách cụ thể chúng ta tỏ ra rằng người thân cận đang gặp khó khăn không hề là kẻ xa lạ với chúng ta. Chính để giữ được thái độ tiếp đón này và sự chú ý tới những người anh chị em mình, tôi khuyến khích các giáo xứ và mỗi cộng đoàn khác hãy tăng cường trong Mùa Chay này thực hành việc ăn chay cá nhân và tập thể, cũng như vun trồng việc nghe Lời Chúa, việc cầu nguyện và bố thí. Đây là điều đã có từ xưa, ngay từ thời kỳ đầu, một cung cách sống của cộng đoàn Kitô hữu, trong đó họ tổ chức các cuộc lạc quyên đặc biệt (x. 2Cr 8-9; Rm 15, 25-27), và các tín hữu được mời gọi để cho các người nghèo, nhờ việc ăn chay, những gì họ để ra được. Cả ngày nay nữa thói quen này cũng cần được tái khám phá và đem ra thực hành nhất là trong thời gian phụng vụ của Mùa Chay.”

Chúng ta nên nhớ là các bản văn phụng vụ Mùa Chay thường nói tới các việc bác ái, mà việc bố thí chỉ là một hình thức biểu lộ cụ thể và đã được truyền thống Kitô giáo nhấn mạnh rất nhiều trong sinh hoạt tôn giáo hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay thánh. Lời nguyện nhập lễ thứ bảy sau tuần thứ I Mùa Chay đọc lên như sau: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu là Cha chúng con, xin cho lòng chúng con về với Chúa, để khi hằng tìm Chúa như việc quan hệ nhất trong đời, và lấy tình bác ái phục vụ anh em, chúng con hoàn toàn hiến thân phụng thờ Chúa. Chúng con cầu xin”. Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật thứ III Mùa Chay nói tới việc bố thí cho kẻ nghèo khó. Bản văn đọc như sau: “Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện, và chia sẻ cơm áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin”.

Thánh Augustinô nói về việc bố thí trong tương quan với các việc khác như sau: “Vậy đây là hai chiếc cánh trên đó việc cầu nguyện nâng lòng lên tới Thiên Chúa: đó là việc tha thứ các lỗi lầm và việc bố thí cho người túng thiếu”. Nhưng thánh nhân cũng cảnh cáo ngay và đề phòng để các tín hữu làm việc bố thí một cách chính đáng. Ngài nói: “Cần phải tăng cường thật nhiều việc bố thí trong thời gian thánh này. Nhưng tôi phải nói gì về việc thương xót trong đó không phải lấy gì từ hào bao túi tiền riêng của mình nhưng tất cả phải xuất phát từ con tim là cái làm cho người ta cảm thấy mất mát nhiều khi phải giữ nó lại hơn là thiếu nó. Tôi có ý nói tới cơn thịnh nộ mà người ta giữ nó trong lòng đối với người anh em”.

Trong khi Thánh Augustinô gắn liền việc bố thí với kết hợp với Thiên Chúa, thì Thánh Lêô Cả nhìn ra trong việc bố thí ơn tha thứ tội khiên. Ngài nói: “Chúng ta không thể đi qua trước một người nghèo khó mà lại làm ngơ giả điếc trước tiếng than van của họ; Chúng ta hãy thực tập với lòng nhân từ mau mắn việc thương xót với những người túng thiếu để chính chúng ta xứng đáng tìm ra được lòng từ bi thương xót Chúa trong giờ phán xét”.

Chứng từ của Giáo phụ Clêmentê về việc bố thí cũng không kém rõ ràng: “Bố thí là một việc tốt lành, như để thống hối tội lỗi; ăn chay thì hơn là rao giảng, nhưng bố thí thì hơn hai việc này; vì đức ái che lấp muôn vàn tội lỗi: việc rao giảng do lương tâm tốt sẽ cứu thoát cho khỏi chết. Hạnh phúc cho tất cả những ai được nhận ra là hoàn thiện trong những việc này, vì chưng bố thí cất đi khỏi tội khiên”.

Còn về VIỆC ĂN CHAY, chúng ta sẽ trình bày sau đây một cách sâu rộng, như nội dung Sứ điệp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn đặc biệt nói tới cho tín hữu trong Năm 2009 này.

II THỰC HÀNH VIỆC ĂN CHAY

Trước khi cùng nhau đọc lại Sứ điệp Mùa Chay năm 2009, mà nội dung chính là việc ăn chay, chúng ta nói tới gợi ý của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ngay ở phần đầu của Sứ điệp nói về việc ăn chay:

“Phụng vụ đề nghị lại cho chúng ta ba việc thực hành đền tội luôn được truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo trân trọng – cầu nguyện, bố thí và ăn chay – để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng cử hành Lễ Phục Sinh cách tốt đẹp xứng đáng hơn.... ”

Trên đây chúng ta đã nói về việc cầu nguyện và bố thí. Ở đây chúng ta sẽ theo sát Sứ điệp để nói nhiều về việc ĂN CHAY.

ĂN CHAY: trong từ ngữ phụng vụ tiếng Việt Nam, mùa phụng vụ này được gọi là MÙA CHAY, chắc hẳn với sự nhấn mạnh đặc biệt việc đạo đức này, trong khi vẫn khuyến khích việc cầu nguyện và bố thí.

Trước tiên chúng ta ghi lại đây giáo huấn từ phụng vụ. Lời nguyện hiệp lễ Thứ tư Lễ Tro đọc như sau: “Lạy Chúa, chớ gì Mình và Máu Thánh Đức Kitô chúng con vừa lãnh nhận, giúp chúng con biết ăn chay hãm mình sao cho đẹp lòng Chúa, và nhờ đó, tâm hồn chúng con được khỏi hết tật nguyền. Chúng con cầu xin”. Còn Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ I Mùa Chay nói tới gương của Chúa Giêsu: “Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh. Khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ. ..”.

Giáo huấn của các Giáo phụ giúp chúng ta hiểu thêm về việc ăn chay.

Giáo phụ Origenes ghi lại việc thực hành ăn chay của Giáo Hội thời xưa như sau: “Chúng ta có những ngày của Mùa Chay dành cho việc ăn chay. Chúng ta có ngày thứ tư và thứ sáu trong tuần trong đó chúng ta cử hành trọng thể việc ăn chay. Kitô hữu được hoàn toàn tự do trong suốt thời kỳ ăn chay, vì đó không phải là việc làm mê tín dị đoan, nhưng là để thực hành nhân đức kiềm hãm con người mình. Vì chưng làm sao nơi một số người có thể giữ được sự khiết tịnh hoàn toàn, nếu không được trợ giúp bởi sự kiềm hãm nhiệm nhặt hơn? Làm sao có thể thấu hiểu được Kinh Thánh? Làm sao có thể học hỏi thêm và có được sự khôn ngoan? Không phải là nhờ kiềm hãm cái dạ dày và cổ họng sao? Làm sao một người có thể phạt mình để chiếm đoạt được Nước Trời, nếu không bớt giảm của ăn, nếu không coi việc kiêng cữ như là người giúp việc? Đó là lý do theo Kitô giáo của việc ăn chay. Nhưng còn lý do siêu nhiên khác, mà trong thư của các Thánh Tông đồ đã ca ngợi. Chúng ta tìm ra trong một vài cuốn sách của các Tông đồ lời nói sau đây: “Hạnh phúc người ăn chay vì Người, để nuôi dưỡng người nghèo khó”. Ăn chay như thế là điều rất đẹp lòng Chúa, và thật xứng đáng”.

Thánh Athanasiô đã cho chúng ta giáo huấn về việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí như sau: “Chúng ta hãy yêu thích rất nhiều việc ăn chay, vì chưng việc ăn chay là sự trợ giúp rất lớn, việc cầu nguyện và bố thí cũng vậy; vì chúng cứu con người thoát khỏi sự chết. Vì chưng do việc ăn uống và bất tuân, mà ông Adong đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, thì cũng thế, những ai muốn, thì nhờ việc ăn chay mà được vào lại Thiên Đàng. Thưa trinh nữ, qua nhân đức này, con tìm cách tôn thờ thân xác con và làm đẹp cho Phu Quân trên trời. Vì những ai kết hợp với thế gian, và trang điểm bằng thuốc thơm, dầu hảo hạng thơm tho và các mùi hương có vị tuyệt hảo khác, cũng như mặc áo quý báu, mang thêm vàng bạc cho thân xác mình, để làm đẹp lòng người chồng của con, nhưng những thứ đó không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa Kitô không hề đòi hỏi nơi con những điều này, mà chỉ muốn con dâng Ngài tấm lòng trong trắng và thân xác vẹn toàn và bị xé nát ra vì ăn chay”.

Bộ Giáo luật năm 1983 cũng đưa ra những chỉ dẫn cụ thể và luật lệ về việc giữ chay như sau: “Luật Thiên Chúa buộc tất cả mọi Kitô hữu phải làm việc sám hối, mỗi người theo cách thức của mình, nhưng để mọi người được hiệp nhất trong cách tuân giữ chung việc sám hối, luật quy định những ngày sám hối, và trong những ngày ấy, các Kitô hữu phải cầu nguyện cách đặc biệt, phải thực hành việc đạo đức và bác ái, phải từ bỏ chính mình bằng cách chu toàn nghĩa vụ của mình cách trung thành hơn, và nhất là bằng cách giữ chay và kiêng thịt, chiếu theo quy tắc của các điều khoản sau đây” (Giáo luật, khoản 1249). Khoản luật 1252 nói về việc ăn chay như sau: “... Nhưng phải kiêng thịt và ăn chay trong ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu kính cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. Khoản 1252 nói tiếp: “Những người đã được 14 tuổi trọn buộc phải giữ luật kiêng thịt, nhưng tất cả mọi người từ tuổi thành niên cho đến khi bắt đầu được sáu mươi tuổi phải giữ luật ăn chay. Tuy nhiên, các vị chủ chăn các linh hồn và các bậc cha mẹ phải liệu sao để cả những người được miễn khỏi giữ luật ăn chay kiêng thịt vì lý do tuổi tác cũng được giáo dục về ý nghĩa đích thực của việc sám hối”. Khoản luật 1253 nói thêm: “Hội đồng Giám Mục có thể ấn định rõ ràng hơn những thể thức ăn chay và kiêng thịt. Cũng như những hình thức sám hối khác, nhất là những công việc bác ái và những việc đạo đức có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay”.

Với các điều khoản của Bộ Giáo Luật vừa được ghi lại trên đây, chúng ta nhận ra mấy điểm này về việc ăn chay: trước tiên việc ăn chay nằm trong sinh hoạt sám hối của Giáo Hội và của mọi tín hữu. Đó là một sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống đức tin như Phúc âm đã kêu gọi chúng ta ngay từ những trang đầu của Phúc âm. Việc ăn chay được thích nghi với hoàn cảnh xã hội thời đại chúng ta, nhưng vẫn còn một số ngày tối thiểu. Tuy nhiên tín hữu vẫn được khuyến khích để thực hành trong những hoàn cảnh khác thích hợp với mình. Đồng thời việc ăn chay cần được tăng giá trị từ tâm thức sám hối chân chính bên trong. Sau cùng việc ăn chay là một giới hạn đối với cá nhân, nhưng lại là một thúc đẩy tín hữu mở rộng lòng mình ra với người nghèo khổ qua các việc bác ái. Như vậy việc bác ái như là một hình thức tích cực của việc ăn chay, hay đó là ăn chay cách tích cực.

Nhưng các khoản luật ban hành năm 1983 này đã được gợi hứng từ giáo huấn Kinh Thánh và các Giáo phụ, cũng như truyền thống Kitô giáo, và gần nhất là Tông hiến “Hãy Thống Hối” (Paenitemini) của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 17-2-1966. Trong Tông hiến này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội về việc thống hối; sự cần thiết và tính cách thời sự của việc thống hối trong thời đại chúng ta và sau cùng Tông hiến bàn về các hình thức biểu lộ sự thống hối trong Giáo Hội, mà việc ăn chay là một trong những hình thức truyền thống căn bản. Chúng ta đọc lại một đoạn của Tông hiến này để hiểu thêm về việc thống hối, việc sửa phạt thân xác qua hình thức ăn chay: “Trong đức tính chính truyền liên hệ tới việc thống hối kỷ luật “khổ chế” (asceseos), bao gồm cả việc sửa phạt thân xác, không thể được bỏ qua. Bởi vì tất cả con người – nghĩa là linh hồn và thân xác – và con người lại có bản tính mang lý trí, như Kinh Thánh nhắc nhở cho biết – phải lo thực hành việc tập luyện thánh thiện này, nhờ đó, mọi vật được tạo dựng xác quyết sự thánh thiện và uy quyền của Thiên Chúa. Ngoài ra việc cần phải sửa phạt thân xác, thì đây là một điều hiển nhiên, nếu người ta nghĩ tới thân phận mỏng dòn của bản tính nhân loại, bởi vì sau khi Adong phạm tội, thì xác thịt lại chống đối lại tinh thần, tinh thần cũng chống lại xác thịt... cho dù không bao giờ lên án xác thịt, vì chính Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt này. Rồi việc kiềm chế thân xác có mục đích là để con người được giải thoát, vì con người đã bị bại trận vì những dục vọng lăng loàn như là xiềng xích trói buộc họ qua các giác quan của họ, và qua việc “ăn chay nơi thân xác” họ chiếm đoạt lại được sức mạnh, và sau cùng thì nhân phẩm của con người bị hủy hoại vì những điều vô độ, thì được tái tạo qua cố gắng sống tiết độ như là liều thuốc chữa lành”.

Hiến chế về Phụng vụ thánh của Công đồng chung Vaticanô II còn cho chúng ta một ý nghĩa khác về việc ăn chay, nhất là ngày thứ sáu Tuần thánh và thứ bảy Vọng phục sinh. Hiến chế nói: “Tuy nhiên việc giữ chay mang tính cách vượt qua phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp nơi vào ngày Thứ Sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, và nếu tiện cũng phải kéo dài qua Thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn người tín hữu được hưởng niềm vui Chúa sống lại một khi được nâng cao và giải thoát” (s. 110). Theo Hiến chế Phụng vụ, thì việc ăn chay còn có ý nghĩa là tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, cùng chịu khổ với Chúa và cùng hưởng niềm vui phục sinh với Chúa. Ăn chay như là hình thức tham dự vào cuộc thương khó của Chúa và là nguyên nhân của niềm vui lớn lao phục sinh. Điều này thật ý nghĩa với việc ăn chay trong Mùa Chay như Giáo Hội vẫn khuyến khích trong Mùa Chay.

III VIỆC ĂN CHAY THEO GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Sứ điệp Mùa Chay năm 2009 muốn nói về giá trị và ý nghĩa của việc ĂN CHAY. Đức Thánh Cha nói:

“Trong Sứ điệp theo thông lệ của Tôi về Mùa Chay, năm nay Tôi muốn ngừng lại để suy tư cách đặc biệt về giá trị và ý nghĩa của việc ăn chay.”

Rồi trong tất cả phần tiếp theo của Sứ điệp, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về chủ đề này. Những suy tư của Đức Thánh Cha được trình bày cách thật dễ hiểu. Vì thế ở đây chúng ta chỉ cùng nhau đọc lại bản văn của Sứ điệp và thêm vào những gợi ý từ Kinh Thánh, các Giáo Phụ hay từ các Giáo huấn của Giáo Hội, mà không chú giải gì thêm.

A KINH THÁNH, NHẤT LÀ GƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU DẠY CHÚNG TA VỀ VIỆC ĂN CHAY

Mùa Chay gợi tới 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu đã sống trước khi ra thi hành sứ vụ giảng đạo công khai. Sứ điệp nói:

“Quả vậy Mùa Chay nhắc lại trong tâm trí chúng ta 40 ngày chay mà Chúa Kitô đã sống trong sa mạc trước khi Ngài thi hành sứ mệnh công khai”.

Các Thánh sử Nhất Lãm đã ghi lại cho chúng ta sự kiện Chúa Kitô ăn chay và bị ma quỷ cám dỗ, như Matthêu tường thuật biến cố này (x. Mt 4, 1-2). Sứ điệp gợi ý tới biến cố này như sau:

“Chúa Giêsu đã được Thánh Thần dẫn vào trong sa mạc để bị ma quỷ cám dỗ. Sau khi đã ăn chay 40 ngày và 40 đêm, Ngài cảm thấy đói” (x. Mc 1, 12-13; Lc, 4, 1-2).

Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ I Mùa Chay gợi hứng từ bản văn Phúc âm liên hệ tới việc Chúa Kitô ăn chay trong sa mạc như sau: “Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh, và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ; để khi cử hành mầu nhiệm Vượt qua với tâm hồn trong sạch, chúng con có thể tới dự lễ Vượt qua muôn đời”.

Gương trong Cựu Ước:

Nhưng ngay từ trong Cựu Ước chúng ta cũng đã thấy ghi lại những gương ăn chay và nối kết sự việc này với các sứ vụ mà những người của Chúa sẽ thực hiện. Sứ điệp gợi ra hai nhân vật, đó là Ông Maisen và Ngôn sứ Êlia.

Chúng ta còn nhớ trường hợp Ông Maisen, trước khi lãnh nhận các Tấm đá chứa đựng Lề Luật (x. Xh 34, 28). Sứ điệp nói:

“Như Ông Maisen trước khi lãnh nhận các Bia Đá ghi khắc Lề Luật (x. Xh 34, 28)”.

Sách Xuất Hành thường thuật lại sự việc liên hệ với ông Maisen như sau: “Chúa nói với Ông Maisen: Hãy ghi khắc những lời này bởi vì chính trên căn bản những lời này mà Ta ký kết với ngươi một khế ước, cũng như với dân Israel. Vậy Ông ở trên đó với Chúa 40 ngày và 40 đêm. Ông không ăn bánh cũng như không uống nước. Ông ghi các lời đó trên các tấm bảng, những lời của Giao Ước, tất cả là 10 lời” (Xh 34, 27-28).

Còn tiên tri Êlia trước khi gặp Thiên Chúa trên núi Oreb (x. 1 V 19, 8) cũng đã lên núi ăn chay. Sứ điệp nói:

“Như Ông Êlia trước ghi gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Oreb (x. 1 V 19, 8)”.

Sách Các Vua quyển thứ nhất tường thuật sự việc Thiên Chúa gọi ông Êlia làm ngôn sứ cho dù Êlia sợ hãi hoàng hậu Jezabel đang tìm giết và ông chạy trốn lên núi Oreb. Ông được thiên sứ nuôi dưỡng bằng bánh và có sức đi suốt 40 đêm ngày cho tới khi tới núi Oreb (x. 1V 19, 1-8).

Thánh Giêrônimô viết về việc ăn chay trong khi trưng dẫn gương của ông Maisen và ông Êlia như sau: “Sau khi đã suy nghĩ chín chắn và cẩn trọng thì con hãy mang lấy khí giới của việc ăn chay và cùng với Vua Đavit hát lên rằng: ‘Con đã đem hồn con xuống thấp trong việc ăn chay của con’ (Tv 34, 13); và rồi chỗ khác ‘Con đã ăn tro như bánh của con’ (Tv 101, 10); và chỗ khác ‘Khi họ làm khổ con, thì con mặc lấy áo nhặm’ (Tv 34, 23). Bà Eva đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng vì một của ăn; ông Êlia đã ăn chay 40 ngày, và ông đã được cất nhắc lên trời bằng cỗ xe bằng lửa; Ông Maisen suốt 40 ngày 40 đêm được nuôi dưỡng bằng sự thân mật với Thiên Chúa và bằng lời của Ngài, và như vậy ông làm chứng là đúng thực nơi ông, lời nói: “Người ta không chỉ sống bằng bánh mà thôi, nhưng còn bởi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4, 4)”

Liền theo hai gương trong Cựu Ước, Sứ điệp nói ngay tới Chúa Giêsu, dù trước đây đã có gợi ý rồi. Điều này cho thấy tính cách liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước, cũng như xác tín lại giáo huấn của Chúa về việc ăn chay, bằng chính gương sống của Ngài. Sứ điệp nói:

“Chúa Giêsu qua cầu nguyện và ăn chay đã chuẩn bị cho sứ vụ của mình, mà khởi đầu sứ vụ này là một cuộc đụng độ thật cam go với kẻ cám dỗ mình”.

B GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĂN CHAY

Sau khi trình bày sơ lược trong phần mở đầu của Sứ điệp, cũng như sau khi nói tới các gương ăn chay trong Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói tới nội dung và ý nghĩa việc Ăn chay.

Một câu hỏi được đặt ra với mọi người, có lẽ đã một lần đặt vấn đề khi thấy người Kitô hữu ngày nay vẫn còn ăn chay. Vậy đối với người Kitô hữu, việc nhịn một phần của ăn có ý nghĩa gì? Sứ điệp nói:

“Chúng ta thử hỏi xem đâu là giá trị và đâu là ý nghĩa đối với chúng ta, những Kitô hữu, của sự việc chấp nhận thiếu một số phần ăn vật chất, mà tự chúng vẫn tốt và có ích lợi cho việc nâng đỡ chúng ta”.

Tông hiến “Hãy thống hối” (Paenitemini) cũng đã đặt cách sơ qua vấn đề thực hành các hình thức thống hối đã có từ xưa trong Giáo Hội và ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị của chúng, nhưng cần được thích nghi và đồng thời cũng cần tìm ra những hình thức thống hối mới cho thích hợp với người thời nay. Tông hiến nói: “Trước tiên, Giáo Hội muốn nhắc tới ba cách thế chính yếu được truyền lại từ xa xưa và có thể giúp thực hiện lệnh truyền của Chúa về việc thống hối: đó là cầu nguyện, ăn chay và thi hành việc bác ái, cho dù trước tiên nhắm tới việc kiêng thịt và ăn chay. Việc thực hành thống hối này áp dụng chung cho mọi thời đại; nhưng vào thời đại chúng ta có những lý do vì một số hoàn cảnh của một số nơi, một hình thức nào đó cần áp dụng hơn” (Phần I).

Để nhận ra được giá trị và ý nghĩa của việc ăn chay, chúng ta phải dựa vào Giáo huấn từ Kinh Thánh và truyền thống Kitô giáo dạy. Về điều này chúng ta đã làm trên đây. Sứ điệp xác quyết rằng chúng ta có thể nhận ra hai ý nghĩa của việc ăn chay:

“Kinh Thánh và tất cả truyền thống Kitô giáo dạy chúng ta rằng”:

“Việc ăn chay là một sự trợ giúp lớn lao để chúng ta tránh tội lỗi”

“ và tránh tất cả những gì đưa đến tội”.

Một lời nguyện trong Sách cử hành các bí tích (Sacramentarium Veronense, s. 927) đọc lên như sau: “Lạy Chúa chúng con nài xin Chúa, xin ban cho chúng con trong khi ăn chay được tràn đầy sức mạnh của Chúa và, trong khi hãm mình, thì được trở nên mạnh mẽ hơn tất cả mọi thù địch của chúng con”.

Và Sứ điệp đã đưa chúng ta vào trong lịch sử thánh để giúp hiểu ra ý nghĩa của việc ăn chay. Bao nhiêu lần đã có lời mời gọi dân Chúa và một số người của Thiên Chúa phải ăn chay. Sứ điệp nói:

“Vì thế trong lịch sử ơn cứu rỗi đã hơn một lần vang lên lời mời gọi ăn chay”.

Điều này đã được thánh Giêrônimô trình bày trong bức thư 130, mà chúng ta đã trích dẫn trên đây. Việc ăn chay đã khởi sự ngay từ khi Thiên Chúa truyền lệnh cho Ông Adong không ăn trái cấm; rồi Vua Đavít đã nói tới việc ăn chay trong các thánh vịnh, như thánh vịnh 34. Việc ăn chay có liên hệ tới cuộc đời của ông Maisen, của tiên tri Êlia, của Dân Chúa khi từ Babilon trở về, với dân thành Ninivê. Rồi chính Chúa Giêsu đã ăn chay, các tông đồ của Chúa cũng đã ăn chay.

CỰU ƯỚC

Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh: Thiên Chúa bảo Adong đừng ăn trái cấm (St 2, 16-17) và đó là lệnh truyền đầu tiên liên hệ tới việc ăn chay. Sứ điệp nói:

“Đúng vậy, ngay trong những trang đầu của Kinh Thánh Chúa đã truyền lệnh cho con người tránh không được dùng trái cấm: ‘Ngươi có thể ăn từ tất cả những cây trong vườn, nhưng từ cây biết lành biết dữ, ngươi không được phép ăn, bởi vì, ngày nào ngươi ăn từ cây đó, ngươi sẽ chết” (St 2, 16-17).

Về lệnh cấm này, Thánh Basiliô dạy rằng: Việc ăn chay đã được truyền dạy trong Vườn địa đàng. Đó là lệnh truyền thứ I ban ra cho Adong. Sứ điệp nói:

“Khi chú giải lệnh truyền của Thiên Chúa, Thánh Basiliô lưu ý rằng ‘lệnh truyền được ban ra trong vườn địa đàng’, và đó là lệnh truyền đầu tiên theo nghĩa đó đã được ban ra cho ông Adong’. Vì thế thánh nhân kết luận: vậy kiểu nói ‘ngươi không được ăn’ trở nên lệnh buộc ăn chay và kiêng thịt’”.

Cựu Ước cũng giới thiệu việc ăn chay như một cách thế để nối lại tình thân thiện với Thiên Chúa, như gương Esdra mời gọi dân Chúa ăn chay trước khi về đất hứa. Sứ điệp nói:

“Bởi vì tất cả chúng ta bị đè nặng chĩu xuống do tội lỗi và vì những hậu quả của tội lỗi, vì thế việc ăn chay được giới thiệu cho chúng ta như một phương thế để nối lại tình thân thiện với Thiên Chúa. Ông Esdra đã làm như thế trước khi lên đường từ nơi lưu đầy trở về Đất Hứa, khi ông mời gọi dân chúng tập họp lại để cùng nhau ăn chay “với mục đích hạ mình – như ông nói – trước Thiên Chúa chúng ta” (Esdra 8, 21). Từ đây Đấng Toàn năng đã nghe lời cầu nguyện của họ và bảo đảm ban ơn phúc lộc cũng như chở che họ”.

Tác giả sách Esdra đã ghi lại việc ăn chay của đoàn người theo ông Esdra trở về Giêrusalem như sau: “Ở đó, gần sông Ahava, tôi truyền giữ chay, để chúng tôi hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa, và cầu khẩn Chúa ban cho chúng tôi đi đường được may mắn, cầu cho cả chúng tôi, con cháu và mọi tài sản của chúng tôi” (Edr 8, 21).

Dân thành Ninivê cũng thực hành ăn việc ăn chay trong ý hướng này, họ làm với tất cả lòng thành kính, khi họ sốt sắng nghe lời tiên tri Giona kêu mời ăn chay (3, 9). Thiên Chúa đã ngó lại và tha thứ cho họ. Sứ điệp nói:

“Dân thành Ninivê cũng đã làm như thế, khi họ lắng nghe lời kêu gọi của tiên tri Giona hãy ăn năn thống hối, họ đã công bố một cuộc ăn chay tập thể, như là biểu lộ chân thành của họ, khi họ nói: ‘Ai lại không biết được rằng có thể Thiên Chúa sẽ đổi ý, sẽ ngó nhìn lại chúng ta, sẽ nguôi cơn giận phừng phực cháy lên nơi Ngài và nhờ đó chúng ta sẽ thoát cơn nguy hiểm” (3, 9). Cả trong hoàn cảnh này Thiên Chúa đã nhìn xem việc làm của họ mà tha cơn phạt cho họ”.

Sách ngôn sứ Giona ghi lại: “Ông Giona vào thành; sau khi đi được một ngày ông loan báo: ‘Còn bốn mươi ngày nữa thành Ninivê sẽ bị phá hủy’. Dân thành tin vào Thiên Chúa; họ công bố ăn chay và hết mọi người từ người lớn nhất đến em bé nhất, đều khoác áo nhặm. Tin ấy truyền đến vua thành Ninivê. Vua xuống khỏi ngai. Cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Rồi vua công bố trong thành Ninivê sắc lệnh sau đây: ‘Ta và các thủ lĩnh quyết định: Người, vật, bò và cừu sẽ không được ăn uống gì. Ai nấy đều phải khoác áo nhặm, hết sức kêu cầu Thiên Chúa, từ bỏ cách ăn ở gian ác hung bạo. Ai biết được Thiên Chúa lại chẳng đổi ý mà rút lại điều đã quyết định, thôi nổi giận và cho sống?” (Gn 3, 4-9).

Cựu Ước còn cho chúng ta nhiều gương về việc ăn chay, như trong Sách các Vua quyển thứ I, 7, 6: “Người Israel đã bị Thiên Chúa phạt, vì họ đã thờ thần Baal và Astaroth, nên họ đã đến đền Masphath. .. và ở đó họ ăn chay trong cả ngày và thưa lên: ‘Chúng tôi đã phạm tội đến Chúa”. Trong câu truyện Vua Achab, nhà Vua cũng đã ăn chay và thống hối: “Tiên tri Êlia nói với Vua Achab: Vì ngươi đã làm điều dữ trước mặt Chúa, nên Ta làm điều dữ trên ngươi. .. Khi Vua Achab nghe những lời nói đó, nhà vua xé áo mình ra, mặc áo nhặm, ăn chay và ngủ trên bao bố cũng như đi lại để đầu trần” (1Sm 21, 20 và 27). Xin coi thêm các chỗ khác như: Gr 36, 9; 2V 1, 12; Br 3, 35. ..

TÂN ƯỚC

Còn trong Tân Ước giáo huấn về giá trị và ý nghĩa của việc ăn chay cũng không thiếu và rất rõ ràng.

Chúa Giêsu cho việc ăn chay một ý nghĩa thật sâu xa: khi Ngài khiển trách những người Pharisêu chỉ giữ các việc đạo đức theo hình thức bên ngoài, mà trong lòng của họ thì xa Thiên Chúa. Sứ điệp nói:

“Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã đem tới ánh sáng đích thực cho việc ăn chay, khi Ngài lên án thái độ của những người biệt phái, là những kẻ giữ gìn một cách thật tỉ mỉ các điều khoản do lề luật áp đặt, nhưng lòng của họ thì lại xa Thiên Chúa”.

Thánh Matthêu nhắc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về việc ăn chay như sau: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả, chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 5, 16-18).

Với một lối hành văn dí dỏm, thánh Gioan Crisostomo mô tả những cách ăn chay không đúng như sau: “Khi anh em ăn chay, tôi đã nói với anh em là anh em có thể đã ăn chay mà lại không ăn chay tí nào. Xem ra câu nói này có vẻ khó hiểu, bí ẩn. Nhưng tôi nói ngay chìa khóa để hiểu nó. Làm sao mà lại không ăn chay khi có ngươi đang ăn chay? Điều này xẩy ra khi người ta từ bỏ của ăn thông thường, mà lại không từ khước tội lỗi. Làm sao có thể ăn chay mà lại không ăn chay? Điều này xẩy ra là khi người ta ăn uống nhưng không phạm tội. Đây là việc ăn chay tốt hơn là cách ăn chay khác, nhưng không phải chỉ là cách tốt hơn, mà lại là cách dễ thực hiện nhất”.

Còn thánh Lêô cả Giáo hoàng đã khuyên nhủ tín hữu như sau: “Anh Chị Em rất thân mến, trong mọi thời gian đây là một điều thuận tiện mà mỗi Kitô hữu hãy thực hiện, nhưng bây giờ cần thực hiện cách ân cần hơn và sốt sắng hơn, để định chế 40 ngày được tràn đầy việc giữ chay, không chỉ là bớt đi của ăn vật chất, nhưng nhất là bỏ đi những tính xấu.

Lời nguyện nhập lễ thứ hai Tuần thứ II Mùa Chay cầu xin như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con chế ngự thân xác để chữa trị tâm hồn, xin giúp chúng con hằng tránh xa tội lỗi và đáp ứng những đòi hỏi của tình thương Chúa. Chúng con cầu xin”.

Trong giáo huấn của Chúa Giêsu, việc ăn chay đích thực là thi hành thánh ý Chúa Cha trên trời, Đấng nhìn thấy tận tâm hồn (x. Mt 6, 18). Sứ điệp nói:

“Việc ăn chay đích thực, Thày Chí Thánh từ Thiên Chúa, lặp lại nhiều nơi ở chỗ khác, đúng hơn là thi hành ý của Chúa Cha trên trời, là Đấng “nhìn thấy cả trong nơi bí ẩn, và Cha sẽ thưởng công cho con (Mt 6, 18).. ..”

Vậy việc ăn chay có mục đích là giúp con người đạt tới của ăn đích thực là làm thánh ý Thiên Chúa (x. Ga 4, 34). Sứ điệp nói:

“Vậy việc ăn chay đích thực được hướng tới mục đích là để ăn ‘của ăn đích thực’, đó là làm ý của Chúa Cha” (x. Ga 4, 34).

Một Lời nguyện trong phụng vụ thời xưa đã cầu xin như sau: “Lạy Chúa, nhờ việc giữ chay thánh này, xin làm cho chúng con hoàn toàn tuân phục Chúa”.

Qua việc ăn chay người tín hữu biểu lộ thái độ ngược lại với hành động bất tuân phục của ông Adong xưa. Sứ điệp nói:

“Vì thế nếu xưa Ông Adong đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa là ‘không được ăn quả từ cây biết lành biết dữ’, thì bây giờ với việc ăn chay người tín hữu có ý đặt mình khiêm nhường dưới Thiên Chúa, và phú thác hoàn toàn nơi lòng tốt và từ bi của Ngài”.

“Chính Chúa Giêsu đã cho ta gương khi Ngài trả lời cho quỷ Satan, vào những ngày kết thúc thời gian ở sa mạc, rằng “người ta không chỉ sống bởi nguyên bánh, nhưng còn bởi tất cả những gì bởi miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4, 4)”.

Chúa Giêsu diễn tả việc tuân theo thánh ý Chúa như là lương thực của Ngài. Như vậy Ngài ăn chay, tức là không dùng của ăn vật chất, nhưng lại nuôi sống mình bằng ý muốn của Thiên Chúa Cha. Trong câu truyện Chúa gặp người phụ nữ Samaritana, Chúa Giêsu nói với các môn đệ như sau: “Người nói với các ông: Thày phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết. Các môn đệ mới hỏi nhau: Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng? Đức Giêsu mới nói với các ông: Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thày và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 31-34).

Khi trả lời cho Satan đến cám dỗ Ngài, Chúa Giêsu nói: “Bấy giờ Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào sa mạc để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi. Nhưng Người đáp: Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ bằng bánh, nhưng còn bằng những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 1-4).

CÁC GIÁO PHỤ:

Sau khi trình bày ý nghĩa chân chính của việc ăn chay theo như Kinh Thánh, Sứ điệp đã nói tới giáo huấn của các Giáo phụ về việc ăn chay theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Việc ăn chay có một sức mạnh đặc biệt trong đời sống siêu nhiên: có sức cầm giữ không phạm tội; lấn át các dục vọng của con người Adong cũ; mở rộng lòng mình ra cho các nẻo đường Thiên Chúa định liệu. Sứ điệp nói:

“Các Giáo phụ cũng nói tới sức mạnh của việc ăn chay, có khả năng cầm hãm tội lỗi, lấn át các dục vọng tham muốn của con người Adong cũ, và mở ra con đường cho Thiên Chúa tới trong cõi lòng tín hữu. ‘Thánh Phêrô Crisologo viết: “Việc ăn chay là linh hồn của việc cầu nguyện và lòng thương xót là sự sống của việc ăn chay, vì thế ai cầu nguyện là ăn chay. Ai ăn chay là có lòng thương xót. Ai muốn được nhận lời khi cầu nguyện, thì hãy lắng nghe kẻ khác kêu xin mình. Ai muốn Thiên Chúa mở lòng Ngài ra cho mình, thì đừng đóng kín lòng mình trước những ai kêu cầu mình” (Bài giảng 43: PL 52, 329. 332).

Thánh Athanasiô diễn tả ý nghĩa việc ăn chay một cách tỉ mỉ như sau: “Con hãy coi, việc ăn chay làm được gì, chữa lành người đau yếu, làm cho hết những chứng bệnh xuất huyết, xua đuổi ma quỷ, đẩy xa những tư tưởng xấu xa, làm cho tâm trí nên tươi sáng hơn, cho cõi lòng con người được tẩy sạch, cho thân xác được thánh hóa, và đứng bên tòa Thiên Chúa ngay cạnh con người. .. Việc ăn chay là nhân đức lớn lao, và nhờ nó mà các tội lỗi lớn lao được xóa tan. Nói cách khác nhờ nó mà con người làm được những việc thật lớn lao và những dấu lạ phi thường, và qua các việc của họ, Thiên Chúa trao ban sức khỏe cho những kẻ ốm đau, không nhờ gì khác nếu không nhờ khổ chế, sự khiêm nhường và việc có nếp sống chân thành?”.

Một lời nguyện Thánh Lễ xưa đã cầu xin để nhờ việc ăn chay mà tín hữu tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa. Lời nguyện đọc lên như sau: “Xin Chúa ban cho chúng con, để khi thực hiện một việc ăn chay xứng đáng, chúng con trở nên những người nhận ra các ơn huệ đã ban cho và lòng biết ơn này còn tăng thêm vì những ơn huệ chúng con sẽ còn nhận được”.

CỘNG ĐOÀN CÁC TÍN HỮU ĐẦU TIÊN ĐÃ ĂN CHAY:

Ngay từ đầu Giáo Hội sơ khai các tín hữu đã thực hành việc ăn chay trong nhiều trường hợp. Sứ điệp nói:

“Chúng ta nhận ra việc thực hành ăn chay đã có cách rõ ràng trong cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. Cv 13, 3; 14, 22; 27, 21; 2Cr 6, 5)”.

Cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Antiochia đã ăn chay khi sai Phaolô và Barnaba đi rao giảng Tin Mừng: “Bấy giờ, sau khi đã ăn chay và cầu nguyện, họ đã đặt tay và tiễn biệt các Ngài” (Cv 13, 3); cũng tại Giáo đoàn Antiochia ở Siria, cộng đoàn đã ăn chay khi thiết lập các người đứng đầu các cộng đoàn: “Vậy các ngài đã thiết lập nơi họ trong mỗi cộng đoàn một vài vị trưởng lão và sau khi đã cầu nguyện và ăn chay họ đã trao phó những vị này cho Chúa Đấng họ đã tin vào” (Cv 14, 23); Phaolô đã ăn chay trong cơn bão táp tại vùng biển ở Creta: “Từ thời gian lâu người ta không ăn uống gì, lúc đó Phaolô đứng dậy giữa họ và nói với họ. ..” (Cv 27, 21). Phaolô đã nói về sứ mạng của mình như là một điều chính thực, qua nhiều dấu hiệu, trong đó có việc ăn chay: “Còn phần chúng tôi trong mọi sự chúng tôi đã tỏ ra là những thừa tác viên chính thực của Thiên Chúa với sự kiên vững mạnh mẽ khi chịu các gian truân,. .. trong cảnh cực nhọc, những buổi canh thức, trong việc chay tịnh. ..” (2Cr 6, 5). Như vậy trong cộng đoàn tín hữu sơ khởi việc ăn chay gắn liền với các sinh hoạt khác của cộng đoàn, chứ không chỉ có mục đích sám hối mà thôi.

Trong cuốn sách “Giáo huấn của 12 Thánh Tông đồ” (Didache, 7, 1-4), được coi là cuốn sách có sớm nhất, sau Sách Kinh Thánh, vào khoảng đầu thế kỷ thứ II, cũng đã mô tả việc cử hành bí tích rửa tội và việc ăn chay trước khi rửa tội. Bản văn viết như sau: “Còn về việc rửa tội, hãy rửa theo cách thế sau đây: sau khi đã nói trước tất cả những gì cần phải nói, thì hãy rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần trong dòng nước thường. Nếu không có nước thường, thì rửa với nước khác, nếu không thể rửa tội với nước lạnh, thì hãy rửa bằng nước nóng. Nếu không có thứ nước nào như vậy, thì hãy đổ ba lần nước trên đầu nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ước gì người ban bí tích rửa tội, người lãnh nhận bí tích rửa tội và những người khác, nếu có thể, hãy ăn chay trước khi cử hành bí tích rửa tội; nhưng hãy truyền cho người lãnh nhận bí tích rửa tội phải ăn chay một hay hai ngày trước”.

Thánh Giustinô (khoảng giữa thế kỷ thứ II) trong Sách Minh Giáo (Apologie I, 61, 2-3) của ngài, khi nói tới việc chịu phép rửa tội, đã mô tả việc ăn chay như là một yếu tố gắn liền với bí tích này. Ngài nói: “Những người thật xác tín và tin thật những gì chúng tôi đã dạy cho họ và trình bày cho họ, thì trước tiên họ tuyên xưng là họ có thể sống như thế; rồi người ta dạy cho họ biết cầu nguyện và cùng với việc ăn chay, họ khẩn xin Thiên Chúa ơn tha thứ các tội lỗi đã phạm trong quá khứ, và cả chúng tôi cũng cầu nguyện và ăn chay với họ. Rồi, chúng tôi đưa họ tới chỗ có nước và có việc tái sinh mà chính chúng tôi cũng đã được tái sinh, và họ được tái sinh; nhân danh Thiên Chúa, là Cha và Thày của vũ trụ và Chúa Cứu thế Đức Giêsu Kitô, các người này được tắm trong nước. ..”

Vào giữa thế kỷ thứ III, Sách Truyền thống các Thánh Tông đồ (Traditio Apostolica, khoảng năm 250) đã ghi lại định chế về việc ăn chay như sau (s. 23): “Các quả phụ và các trinh nữ hãy năng ăn chay và cầu nguyện nhiều cho Hội Thánh. Các linh mục hãy ăn chay khi họ muốn, và giáo dân cũng làm như vậy. Vị giám mục thì không thể ăn chay nếu tất cả dân Chúa không ăn chay. Có thể xẩy ra là khi có người nào đó muốn dâng lễ vật và vị giám mục không thể nào từ chối. Tuy nhiên khi ngài bẻ bánh, thì đừng nếm thử gì cả”.

Tiếp theo lối sống của cộng đoàn tiên khởi trong Sách Công Vụ các Tông đồ, những cộng đoàn khác cũng thực hành việc ăn chay một cách nhiệm nhặt. Tôi đan cử Luật của Thánh Bênêđictô (480-547) viết cho các thày dòng của mình. Trong chương 49 về Mùa Chay, Thánh nhân viết: “Việc tuân giữ Mùa Chay. Điều này đúng là tất cả đời sống của một đan sĩ phải đậm nét của một lối sống đầy thống hối, như trong Mùa Chay; nhân đức này không phải là mọi người đều có. Vì thế chúng tôi nhấn mạnh tới, ít là trong thời gian Mùa Chay này, trong cố gắng thanh luyện đời sống riêng của mình, mỗi người hãy cố gắng tẩy rửa trong những ngày thánh này những lỗi lầm trong suốt cả năm. Chúng ta có thể làm được điều này, chỉ khi nào lo lắng để thanh tẩy mình khỏi mọi tật xấu, chuyên chăm vào việc cầu nguyện cùng với những giọt nước mắt ăn năn và tấm lòng đau đớn để chuyên lo đọc Sách Thánh và kiêng cữ. Vậy trong những ngày này, chúng ta thêm vào một vài điều khác cho việc làm vẫn thường có: cầu nguyện đặc biệt, kiêng cữ các của ăn và thức uống. Tóm lại mỗi người hãy xem có thể làm gì để hiến dâng Thiên Chúa, theo sáng kiến riêng của mình, và làm trong niềm hân hoan của Chúa Thánh Thần, làm một vài điều gì hơn và khác với những việc vẫn thường làm. Thí dụ, chấp nhận thiếu thốn về đồ ăn, thức uống hay giấc ngủ; kìm hãm ước muốn nói truyện dông dài và nói những điều không đâu, rồi hãy chờ đợi Ngày Đại Lễ Phục Sinh trong niềm hân hoan do mức độ nóng hổi siêu nhiên. Tuy nhiên điều mà mỗi người tự ý muốn dâng lên Thiên Chúa thì hãy cho vị Đan Viện phụ biết trước và hãy thực hiện với sự đồng ý của ngài và với việc cầu nguyện. Như thế ai mà làm không có sự đồng ý của cha linh hướng sẽ bị coi như là làm để phô trương và huênh hoang tìm vinh danh hư ảo và không đáng gì để ghi công trạng. Tất cả phải được thực hiện với sự đồng ý của vị Đan Viện Phụ”.

Chúng ta có nhiều chứng cớ của các Giáo Phụ về việc ăn chay ngay từ đầu Giáo Hội, và không chỉ trong nghi thức thống hối, mà còn trong các nghi thức khác nữa.

C CÁC TÍN HỮU NGÀY NAY CŨNG ĐƯỢC MỜI GỌI ĂN CHAY

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã phân tích hoàn cảnh xã hội cụ thể thời nay và nói về việc ăn chay nơi các tín hữu thời nay. Sứ điệp nói:

“Vào thời chúng ta, tập tục thực hành việc ăn chay đã mất đi một phần giá trị thiêng liêng và hơn nữa, trong một nền văn hóa được ghi dấu bởi việc tìm kiếm sự an nhàn vật chất, việc ăn chay đã có giá trị của một việc chữa trị để chữa lành thân xác. Chắc chắn việc ăn chay giúp cho cuộc sống an nhàn thể xác, nhưng đối với các tín hữu trước tiên đó là một việc “chữa trị” để giúp chữa lành tất cả những gì cản trở cho con người làm cho chính mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Trong Tông Hiến Hãy Thống hối (Paenitemini) năm 1966, Tôi tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã làm sống lại sự cần thiết phải đặt việc ăn chay trong bối cảnh của ơn gọi mọi tín hữu Kitô để “họ không còn sống cho chính mình, mà sống cho Đấng đã yêu thương họ và đã thí chính mạnh sống mình cho họ,. .. và cũng để họ sống cho anh chị em của mình” (x. chương I của Tông Hiến).

Ngày nay việc ăn chay vẫn còn trong Giáo Hội, như chúng ta nói trên đây trong Bộ Giáo Luật và trong Tông hiến “Hãy Thống Hối” (Paenitemini) của Đức Phaolô VI, đã được nói trước đây, và đặc biệt trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2009, mà chúng ta đang tìm đọc.

D LẤY LẠI CÁC LUẬT THỰC HÀNH THỐNG HỐI

Đọc lại Tông hiến “Hãy Thống Hối” (Paenitemini) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cho thấy những ích lợi cụ thể của việc ăn chay và đề nghị lấy lại những luật lệ thực hành về việc thống hối.

Theo những chỉ dẫn trên đây của các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói tới việc áp dụng thực hành ăn chay trong thời đại chúng ta. Việc thống hối này cũng đem lại cho chúng ta những lợi ích thiêng liêng, như loại trừ tính ích kỷ cố hữu nơi ta. Sứ điệp nói:

“Vậy Mùa Chay có thể là một cơ hội thuận tiện để lấy lại những luật chứa đựng trong Tông Hiến trên đây, đồng thời cũng giúp đánh giá ý nghĩa chân chính và trường cửu của việc thực hành thống hối như đã có từ lâu đời, vì nó có thể giúp chúng ta từ bỏ tính ích kỷ của chúng ta và giúp chúng ta mở lòng chúng ta ra trước tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, vì đó là giới răn trước hết và cao cả nhất của Luật Mới và là toát lược tất cả Phúc âm” (x. Mt 22, 34-40).

Việc ăn chay giúp con người có được sự hiệp nhất giữa xác và hồn. Sứ điệp viết:

“Hơn nữa việc trung thành thực hiện việc ăn chay cũng mang sự hiệp nhất cho con người, giữa xác và hồn”.

Thánh Phaolô cảm nghiệm được sự trái ngược giữa xác và hồn nơi chính mình, và tin rằng chỉ Chúa Kitô mới giải thoát mình và đem lại sự hiệp nhất: “Thật vậy tôi không hiểu điều tôi làm. Tôi không làm điều tôi muốn, trái lại tôi cứ làm điều tôi ghét. .. Như vậy là tôi có kinh nghiệm này: khi tôi muốn làm sự lành, thì sự dữ đã hiện ra bên cạnh tôi. Trong thâm tâm tôi, tôi vốn yêu mến lề luật Chúa. Nhưng tôi lại thấy xuất hiện trong mình tôi một lề luật khác, chống đối lề luật nơi lương tâm tôi và lôi cuốn tôi vào cạm bẫy của tội lỗi trong tôi. Khốn thân tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân xác hay chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 15. 21-25). Trong đường tu đức việc ăn chay sẽ giúp Chúa Kitô đem lại sự hiệp nhất hồn và xác nơi con người.

Việc ăn chay

“giúp tín hữu tránh tội và lớn lên trong việc sống thân mật với Chúa”.

Gương thánh Augustinô: Thánh Augustinô là con người biết rõ những khuynh hướng xấu của mình đã gọi các khuynh hướng này là ‘nút vạy vọ và rối rít” (Tự thuật, II, 10.18), đã viết trong tác phẩm bàn về Sự ích lợi của việc ăn chay, như sau: “Đó là một hình phạt đối với tôi, nhưng là để Ngài tha thứ cho tôi; tôi tự ra hình phạt cho tôi, để Ngài trợ giúp tôi, để làm vui thỏa con mắt của Ngài, để tiến tới với người con yêu của sự ngọt ngào của Ngài”.

Ăn chay giúp con người dễ dàng nghe Lời Chúa. Sứ điệp nói:

“Khi người ta chấp nhận thiếu thốn của ăn vật chất, thì điều này làm cho dễ dàng tâm thức bên trong sẵn sàng lắng nghe Chúa Kitô và để mình được nuôi dưỡng bằng Lời ban ơn cứu rỗi”.

Giáo Hội thời xưa đã cầu xin như sau: “Lạy Thiên Chúa, cùng với việc ăn chay và cầu nguyện, Chúa đã dạy chúng con biết sống khiêm nhường theo gương Chúa Kitô Chúa chúng con, Con Một Chúa. ..”

Lời nguyện nhập lễ của Chúa Nhật thứ I Mùa Chay cho chúng ta thấy ý nghĩa thật sâu xa của thời gian thanh luyện và thực hành đạo đức này. Lời nguyện đọc như sau: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ này để học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. Như vậy mục đích sau cùng của Mùa Chay, là học biết Chúa Kitô và theo gương của Người. Việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí, đọc Lời Chúa, là những phương thế giúp chúng ta tới Chúa Kitô, đi sâu vào mầu nhiệm của Ngài, nhất là Mầu nhiệm Vượt qua sẽ được mừng trọng thể trong Ngày Lễ Phục Sinh. Vì thế khoa học về Chúa Kitô là điều chúng ta phải nhắm tới trước tiên và sau cùng trong Mùa Chay thánh hằng năm. Điều này chúng ta phải làm và làm mãi, vì không bao giờ chúng ta nắm trọn được khoc học về Chúa Kitô (scientia Christi), đạt tới chiều sâu, chiều dọc, chiều ngang, chiều dài, chiều cao của khoa học này.

Ăn chay và sự đói khát Thiên Chúa. Sứ điệp còn nói:

“Cùng với sự ăn chay và cầu nguyện chúng ta cho phép Chúa Kitô đến để làm thỏa mãn cơn khát sâu xa nhất mà chúng ta cảm nghiệm được trong thâm tâm chúng ta: đó là cơn đói khát Thiên Chúa”.

Công đồng chung Vaticanô II đã phân tích tình trạng đói khát này trong Hiến chế mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” như sau: “Bởi vì ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau. Vì một đàng, là tạo vật, con người thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương diện, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn. .. Vậy dưới ánh sáng Chúa Kitô, Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, Trưởng tử giữa mọi thụ sinh, Công đồng muốn nói với mọi người để làm sáng tỏ về mầu nhiệm con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta” (s. 10).

Đ VIỆC ĂN CHAY VÀ SỐNG BÁC ÁI

Khi tín hữu ăn chay, thì hành động này không chỉ nhắm vào con người của họ, nhưng cũng có tiếng vang vọng tới người anh chị em chúng ta. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói:

“Cùng lúc, việc ăn chay giúp chúng ta có được ý thức về tình trạng mà bao nhiêu người anh chị em chúng ta đang sống trong đó”.

Thánh Phaolô cho chúng ta một bài thánh ca tuyệt vời về đức ái. Ngài nói: “Dù tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, nếu tôi không có đức ái, thì tôi chỉ là người khua chiêng gõ trống. Dù tôi nói tiên tri, dù tôi thấu suốt mọi mầu nhiệm cùng mọi khoa học, hay dù tôi có đức tin mạnh mẽ khiến được núi non di chuyển, nếu tôi không có đức ái, thì tôi chỉ là hư vô. Dù tôi phân phát mọi của cải tôi cho người nghèo khó, nếu tôi không có đức ái, thì những hy sinh ấy cũng thành vô ích” (1Cr 13, 1-3).

Rồi Sứ điệp đã quảng diễn như sau:

Lời cảnh cáo của Thánh Gioan từ xa xưa với những người khép kín lòng từ tâm trước những người anh chị em nghèo khổ, được Sứ điệp nhắc lại như sau:

“Trong thư thứ nhất của mình, Thánh Gioan đã cảnh cáo như sau: ‘Nếu một người có tiền của trong thế gian này và khi nhìn thấy người anh em của mình sống trong cảnh túng thiếu, mà lại khép kín lòng mình lại, thì làm sao họ có thể ở trong tình yêu Thiên Chúa?’” (1Ga 3, 17).

Trong khía cạnh tích cực, việc ăn chay giúp tín hữu sống theo cung cách của người Samaritanô nhân hậu được ghi lại trong Phúc âm. Sứ điệp nói:

“Tự nguyện ăn chay giúp chúng ta vun trồng một nếp sống của người Samaritanô nhân hậu, là người đã cúi mình xuống và trợ giúp người anh em đang đau khổ” (x. Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, s. 15).

Thánh Lêô Cả giúp chúng ta đào sâu mối liên hệ giữa việc ăn chay và thi hành bác ái. Ngài nói như sau: “Nơi các tín hữu, không có việc lành đạo đức nào đẹp lòng Chúa hơn là việc chăm lo cho người nghèo khó; nơi nào họ tìm thấy việc bác ái phải làm, thì họ nhận ra hình ảnh của chính lòng tốt của mình”.

Người anh chị em không là người xa lạ. Sứ điệp nói:

“Khi tự chọn thiếu thốn một vài điều gì để giúp người khác, thì trong cụ thể chúng ta chứng tỏ rằng người anh chị em đang gặp khó khăn không phải là người xa lạ với chúng ta”.

Thánh Gregorio Nazianzeno nói về việc bác ái như sau: “Về điều này, nếu anh chị em nghĩ phải nghe tôi điều gì, hỡi các tôi tớ của Chúa Kitô và là anh em với Ngài, là những người đồng thừa tự với Ngài, bao lâu còn được thì chúng ta hãy đến thăm viếng Chúa Kitô, hãy chữa trị cho Chúa, hãy nuôi nấng Chúa, hãy mặc áo cho Chúa, hãy tiếp đón Chúa, hãy tôn kính Chúa,. .. và thực hành tất cả qua lòng từ bi đối với người nghèo khó”.

Lời khuyên cụ thể của Đức Thánh Cha với các cộng đoàn giáo xứ. Sứ điệp nói:

“Chính để giữ thái độ đón tiếp và lưu tâm tới người anh chị em luôn được sống động, Tôi khuyến khích các giáo xứ và các cộng đoàn khác trong Mùa Chay này, hãy tăng cường việc thực hành ăn chay cá nhân và tập thể, đi đôi với việc vun trồng thái độ lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Ngay từ đầu tập tục này đã là cung cách của cộng đoàn Kitô giáo sơ khởi, theo đó người ta cho tổ chức các cuộc lạc quyên đặ biệt” (x. 2Cr 8-9; Rm 15, 25-27).

Các cộng đoàn của Phaolô đã nhận được từ Thánh nhân những chỉ thị về việc quyên tiền giúp các cộng đoàn túng thiếu và các người nghèo. Phaolô ra chỉ thị như sau: “Về việc quyên tiền giúp các tín hữu, tôi đã chỉ thị cho các giáo đoàn tại Galatia làm như thế nào, thì anh em cũng hãy làm như vậy. Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi người anh em hãy để dành ra một món tùy sức mình và để sẵn tại nhà mình, đừng đợi khi tôi tới nơi rồi mới quyên góp. Khi tôi đến, tôi sẽ viết thư giới thiệu cho những người mà anh em lựa chọn để mang các đồ quyên tặng của anh chị em cho giáo đoàn tại Giêrusalem. Và nếu xét tôi cần phải đi thì họ sẽ cùng đi với tôi” (1Cr 16, 3.4).

Các tín hữu được kêu mời để đem cho kẻ khó, những gì mà do việc ăn chay họ dành ra được, để đem cho kẻ khó” (x. Didascalia Apostolica, V, 20, 18).

Đức Thánh Cha khuyến khích ngày nay cũng hãy làm sống lại thói quen lạc quyên để giúp các cộng đoàn túng thiếu, như mô tả trên đây. Sứ điệp nói:

“Cả ngày nay nữa tập tục trên đây cần được tái lập lại và cần được cổ võ nhất là trong Mùa Chay phụng vụ này”.

Việc bố thí phải thực hiện cho hết mọi người như Thánh Lêô Cả dạy: “Cả ngay nếu sự khó nghèo của các tín hữu phải được trợ giúp trước tiên, thì cả những người chưa được rao giảng Tin Mừng cũng đáng được trợ giúp trong sự túng thiếu của họ, bởi vì người ta phải yêu thương tất cả mọi người trong sự hiệp thông cùng một bản tính như nhau”.

E VIỆC ĂN CHAY VÀ NẾP SỐNG KHỔ CHẾ

Trong sinh hoạt của đời sống thiêng liêng và khổ chế, việc ăn chay cũng có một giá trị và ý nghĩa riêng của nó. Sứ điệp đã trình bày cách đại cương như sau:

“Theo như những điều Tôi nói trên đây, thì người ta thấy thật rõ ràng hiển nhiên là việc ăn chay cho thấy một tập tục khổ chế thật quan trọng, một khí giới thiêng liêng để chống lại mọi quyến luyến có thể có và mang tính cách lăng loàn vô trật tự đối với chính mình ta”.

Qua lời trình bày này Đức Thánh Cha xác nhận việc thực hành ăn chay vẫn còn là một hình thức khổ chế quan trọng trong đời sống siêu nhiên và đó là một khí giới để thắng lướt việc quyến luyến quá độ với chính mình ta.

Rồi Sứ điệp nói tiếp:

“Khi người ta tự nguyện chấp nhận thiếu thốn một số đồ ăn hay những của cải vật chất khác, thì điều này giúp cho người môn đệ của Chúa Kitô biết kiềm chế các ước muốn của bản tính con người bị làm cho ra yếu nhược vì tội nguyên tổ, mà các hậu quả tiêu cực của chúng ảnh hưởng tới toàn thể con người”.

Trong đoạn văn này Sứ điệp đi vào tận trong căn cốt sâu thẳm của con người, tức là bản tính của họ, và nói tới vết thương nặng nề mà họ mang theo do tội nguyên tổ. Như vậy do công nghiệp của Chúa Kitô, tội nguyên tổ và các tội khác đã được tha thứ, tuy nhiên vẫn còn lại các hậu quả ảnh hưởng trên bản tính con người và làm cho nó ra yếu đuối không thể vươn lên được. Và để thắng các dục vọng lăng loàn này, thì việc ăn chay là một trong những phương thế cứu chữa.

Tới đây Sứ điệp trích dẫn một thánh thi phụng vụ mang tính cách tu đức xa xưa, cho thấy con người phải ăn chay những gì. Sứ điệp nói như sau:

“Một bài thánh thi phụng vụ xa xưa dùng trong Mùa Chay khuyên bảo tín hữu như sau: ‘Chúng ta hãy dùng một cách điều độ:

+ lời nói

+ của ăn và thức uống

+ trong việc nghỉ ngơi,

+ vui chơi

và luôn giữ mình tỉnh thức

chú ý ngày càng thêm nhiều’”.

Năm điều phải ăn chay: lời nói, ăn, uống, nghỉ và vui chơi; hai thái độ phải có: tỉnh thức và chú ý. Thật là kinh nghiệm tu đức sâu xa của tín hữu thời xưa, và vẫn còn giá trị cho tín hữu thời nay.

Thánh thi Giờ Kinh Sáng Thứ Năm Tuần thứ II Mùa Thường niên diễn tả những việc này như sau: “Ánh bình mình đã nhuốm hồng khóm trúc, hãy mở hồn cho tỏa ngát hương kinh, nguyện suốt ngày trong mọi nơi mọi lúc, Chúa giữ ta khỏi vương vấn tội tình. // Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại, nỗi bất bình, thu xếp gọn một bên, còn đôi mắt, ngăn đừng cho cuồng dại thu bóng hình những ảo ảnh phù vân. // Cho tấc dạ trinh bạch như tuyết trắng, mãi can trường trong thử thách đau thương, khi tiết độ khi cầu kinh nguyện ngắm vững tâm theo đường đạo lý luân thường. // Ngày vừa xế Chúa cuốn thời gian lại, mảnh trời tây còn bảng lảng bóng vàng, Ta sẽ được Chúa khoan hồng thanh tẩy, vui ngập lòng ta miệng hát vang vang. // Vinh danh Chúa, Lạy Ngôi Cha hằng có, Vinh danh Ngài, tâu Thánh Tử Giêsu, Vinh danh Ngài, lạy Thánh Thần Thiên Chúa tự muôn đời và mãi tới thiên thu”. Thánh thi này thật đáng cho chúng ta suy niệm và sống theo các chỉ dẫn trong đó để hãm mình về khía cạnh thân xác trong Mùa Chay thánh.

IV KẾT LUẬN

Để kết thúc Sứ điệp, Đức Thánh Cha tóm lại những gì Ngài đã trình bày. Sứ điệp nói:

“Anh Chị Em thân mến, chúng ta nhìn thấy rõ ràng rồi, mục đích của việc ăn chay là giúp mỗi người chúng ta, như vị Tôi Tớ Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, đó là làm cho mình trở nên một lễ hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa” (x. Gioan Phaolô II, Tđ, Hào quang chân lý, s. 21).

Như vậy cuối cùng thì việc ăn chay mang tính cách thần học cao quý, đó là làm cho con người nên lễ hiến dâng cho Thiên Chúa. Chúng ta có ăn chay, không để tìm mình, phạt mình, nhưng là để đem chúng ta đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Thật cao đẹp và giải phóng việc ăn chay khỏi mọi ý niệm giới hạn trần tục, hay tu đức xả kỷ, nhắm vào con người của mình. Ở đây trong cái nhìn này, việc ăn chay nhắm vào Thiên Chúa và nhờ đó con người thuộc trọn về Thiên Chúa và được chia sẻ sự vinh quang của Thiên Chúa chân thật.

Rồi Đức Thánh Cha lại hướng tới các thành phần và cộng đoàn Dân Chúa để nhắc nhở cho họ về việc ăn chay. Sứ điệp nói như sau:

“Vì thế Mùa Chay cần được đánh giá lại trong mỗi gia đình và trong mỗi cộng đoàn Kitô hữu, để làm cho họ tránh những gì làm cho họ xa lìa tinh thần và tăng cường những gì nuôi dưỡng linh hồn biết mở rộng lòng ra trước tình yêu Thiên Chúa và người khác”.

Và Đức Thánh Cha nhắc lại một cách vắn tắt những điều phải làm trong Mùa Chay thánh này. Ngài nói với chúng ta:

“Tôi nghĩ tới một sự dấn thân nhiều hơn trong việc

+ Cầu nguyện

+ Đọc Lời Chúa với việc cầu nguyện (lectio divina)

+ Lãnh nhận bí tích thống hối và hòa giải

+ Tham dự tích cực bí tích Thánh Thể, nhất là việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.

Cùng với tâm thức bên trong và thống hối này chúng ta đi vào bầu khí của Mùa Chay”.

Kiểu nói “lectio divina” trong các văn kiện chính thức thường được dịch là “việc đọc Lời Chúa kèm theo việc cầu nguyện” (la lecture priante). Ở đây tôi xin nói tới một số yếu tố trong cơ cấu của việc đọc Kinh Thánh với cầu nguyện, gồm:

Đọc một đoạn Kinh Thánh: đọc chậm, với chú ý, với hồi tâm; đọc trong đức tin; đọc lại một lần nữa, hay hai lần, nếu thấy cần;

Lắng nghe Lời Chúa: trong thinh lặng để Lời Chúa nói với ta, gợi hứng cho ta, soi sáng cho ta; nhận ra những điểm nổi bật của đoạn Kinh Thánh;

Suy niệm: nghiền ngẫm đoạn Kinh Thánh, như là “nhai đi nhại lại”; ngừng lại nơi những điều quan hệ, có giá trị trường cửu; đánh động ta hơn;

Chiêm ngắm: để cho tâm hồn ở trước Lời Chúa: với tâm tình ngạc nhiên, ngỡ ngàng, vui mừng, tin cậy, phú thác, phó dâng trọn vẹn cuộc sống, sẵn sàng làm những gì Chúa muốn, Lời Chúa muốn, cầu xin, cầu khẩn ơn tha thứ, xin ơn hiệp nhất;

Thờ lạy Lời Chúa, tức là thờ lạy chính Chúa Kitô là Ngôi Lời của Thiên, nhìn nhận uy quyền của Lời Chúa, sức mạnh của Lời Chúa, bày tỏ sự tùng phục hoàn toàn nơi thánh ý Chúa được bày tỏ ra qua Lời Chúa;

Cầu nguyện: để tâm hồn hướng hoàn toàn về Chúa và thân thưa với Chúa trong sự đơn sơ, chân thành, tín thác, yêu mến.

Nhận sứ điệp Lời Chúa gửi cho mình trong hoàn cảnh hiện thời, trong giây phút hiện tại.

Đọc lại đoạn Kinh Thánh với ánh sáng mới và niềm hân hoan nhận được từ Lời Chúa.

LỜI CHÚC LÀNH CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Vào cuối Sứ điệp, Đức Thánh Cha cầu xin sự trợ giúp của Mẹ Maria, là nguồn mạch của sự vui mừng cho tất cả mọi tín hữu (Causa nostrae laetitiae). Sứ điệp nói:

“Xin Đức Trinh Nữ Maria, nguồn mạch sự vui mừng của chúng ta, cùng đồng hành với chúng ta và nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực giải thoát cõi lòng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và như thế biến tâm hồn chúng ta mỗi ngày nên đền thờ xứng đáng hơn cho Thiên Chúa hằng sống ngự trị. Cùng với lời cầu chúc này, trong khi Tôi bảo đảm với Anh Chị Em là Tôi sẽ cầu nguyện cho Anh Chị Em, để mỗi tín hữu, mỗi cộng đoàn trong Giáo Hội trải qua hành trình Mùa Chay này với nhiều lợi ích, Tôi vui lòng ban Phép Lành Tông Tòa cho tất cả mọi người”.

Lời cầu chúc này hướng về Mẹ Maria, như người Mẹ dẫn dắt chúng ta trong hành trình Mùa Chay, và nhắc lại cố gắng chính yếu trong Mùa Chay là giải thoát khỏi tội lỗi và sống hiệp thông với Thiên Chúa.

Ký tại Vaticano 11-12-2008: ĐGH Bênêđictô XVI.

Công bố trong báo L’Osservatore Romano, 4-2-2009, tr. 1.

Rôma, ngày 20-2-2009.

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả