Trong Hội thảo Khoa học Quốc tế “Trách nhiệm Xã hội trong Điều kiện Kinh tế Thị trường” do Viện Triết học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với MISEREOR và Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đồng tổ chức từ ngày 12 đến 15-2-2009 tại Quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, chúng tôi rất hân hạnh được thay mặt cho Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) - Caritas Việt Nam thuộc HĐGMVN để trình bày đường hướng hoạt động của chúng tôi trước trách nhiệm xã hội trong điều kiện của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay.

Kể từ tháng 5-2007, trên diễn đàn kinh tế xã hội, chúng ta đã nghe rất nhiều bài phát biểu về trách nhiệm xã hội của Nhà nước [1], của Chính phủ [2], của các nhà khoa học [3], của doanh nhân [4], của thanh niên [5] … trong điều kiện kinh tế thị trường. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi không dám đưa ra những nhận định hay những đường hướng lớn lao về lĩnh vực kinh tế thị trường, nhất là trong hoàn cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, vì chúng tôi chỉ là một tổ chức tương đối nhỏ so với các tổ chức khác, với số tín hữu khoảng 6 triệu người trên tổng số 86 triệu dân trong cả nước, lại không phải là một cơ quan điều hành hay tham gia trực tiếp vào lĩnh vực này. Vì vậy, chúng tôi chỉ trình bày một vài ý kiến nhỏ theo đề tài: Trách nhiệm Xã hội của UBBAXH - Caritas Việt Nam và Uỷ Ban này có thể làm được gì trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

1. TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA UBBAXH - CARITAS VIỆT NAM

1.1. Trách nhiệm xã hội

Trước hết, với tư cách công dân đang sống trong xã hội này, trên đất nước này, người Công giáo có trách nhiệm làm cho xã hội này được ổn định và phát triển, cũng như xây dựng và bảo vệ đất nước để làm cho mọi người sống trên đất nước này được hưởng hoà bình, tự do, hạnh phúc. Với tư cách là người con của gia đình nhân loại, người Công giáo cũng có trách nhiệm tham gia vào sinh hoạt của cộng đồng quốc tế, bảo vệ môi trường sinh thái, chia sẻ nguồn lực, trợ giúp mọi dân tộc trong những lúc gặp thiên tai, hoạn nạn để chung hưởng nền hoà bình và thịnh vượng, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới.

Hơn nữa, với tư cách là Kitô hữu, người Công giáo Việt Nam còn có trách nhiệm xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới, mà Công đồng Vatican II đã giới thiệu trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) vào năm 1965, và Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình khai triển trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo vào năm 2004 (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 29-39). Chính trong tinh thần liên đới với dân tộc và nhân loại, mỗi người tín hữu Công giáo Việt Nam phải đảm nhận trách nhiệm xã hội của mình trước biết bao vấn đề do nền kinh tế thị trường đặt ra để làm cho sự phát triển được bền vững và hạnh phúc được lâu dài.

1.2. Trong điều kiện kinh tế thị trường

Việt Nam đã đi từ nền kinh tế chỉ đạo sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa [6]. Đây là một sự chọn lựa phù hợp với xu thế toàn cầu. Nền kinh tế thị trường dựa trên nguyên tắc cơ bản là tôn trọng quyền tự do cá nhân. Mặc dù còn có những bất ổn và yếu kém, nhưng điều không thể chối cãi là những cơ sở tư nhân hiện đại và tinh thần doanh nghiệp cộng với nền dân chủ chính trị đã cung ứng những yếu tố tốt nhất để bảo vệ tự do cá nhân và cung ứng những đường lối rộng rãi nhất dẫn đến sự phát triển kinh tế và thịnh vượng cho tất cả mọi người (x. Michael Watts, Kinh tế Thị trường là gì?, Học viện Công dân, 2008).

Giáo hội Công giáo cũng đã xác nhận giá trị của nền kinh tế thị trường: “Thị trường tự do là một định chế có tầm quan trọng xã hội vì nó có khả năng bảo đảm cho việc sản xuất hàng hoá và cung ứng các dịch vụ được kết quả thực sự... Một thị trường cạnh tranh thực sự chính là một công cụ hữu hiệu để con người đạt được các mục tiêu quan trọng của công lý: đó là điều hoà các lợi nhuận quá đáng của các doanh nghiệp cá thể, đáp ứng các yêu cầu của người tiêu thụ, sử dụng và bảo tồn các nguồn lực cách hiệu quả hơn, tưởng thưởng xứng đáng cho việc điều hành và cải tiến, thực hiện hữu ích thông tin để người ta có thể so sánh và mua bán các hàng hoá trong bầu khí cạnh tranh lành mạnh” (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 347).

Tuy nhiên, chính con người là chủ thể điều hành thị trường và là mục tiêu mà thị trường nhắm tới. Con người xây dựng nên doanh nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm mình tiêu thụ. Con người sử dụng những nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên nhưng đồng thời lại nhận chịu những hậu quả từ thiên nhiên gây ra. Con người phổ biến những thông tin và lại bị ảnh hưởng bởi những thông tin đó. Con người xây dựng nên chính quyền nhưng lại bị chi phối bởi những luật lệ do chính quyền quy định. Hơn nữa, chúng ta đừng quên con người luôn bị những tham vọng và dục vọng chi phối, nên nền kinh tế thị trường sẽ gặp những bất ổn, xáo trộn, thậm chí suy thoái, nếu mỗi con người không hành động theo lương tâm chân chính của mình và nếu chính quyền không đảm nhận trách nhiệm phục vụ công ích cho toàn xã hội. Vì vậy, “không thể đánh giá thị trường tự do một cách độc lập với các mục tiêu mà thị trường tự do muốn thực hiện và độc lập với giá trị mà thị trường ấy đem đến ở mức độ tác động vào xã hội” (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 348).

Trong kỷ nguyên kinh tế và tài chính toàn cầu, ngoài các cơ hội còn có những rủi ro gắn liền với những chiều hướng mới trong các mối quan hệ thương mại và tài chính. Sự khủng hoảng kinh tế và tài chính của một nước, một khu vực có thể kéo theo cả một guồng máy sản xuất và tiêu thụ của nhiều quốc gia. Sự khủng hoảng của nền kinh tế bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong số đó có sự giả dối và lòng tham của con người. George Soros, nhà đầu tư huyền thoại người Hungari, vào tháng 5-2008, đã phát biểu: “Hệ thống tài chính hùng mạnh toàn cầu thực ra được xây dựng trên một số quan niệm giả dối và vì vậy nó đang có nguy cơ sụp đổ” [7].

Những cuộc khủng hoảng về lương thực (do thiên tai và đầu cơ tích trữ), dầu mỏ (do khủng hoảng chính trị và đầu cơ), tài chính (do giá trị ảo của các khoản tín dụng, chứng khoán giả tạo) diễn ra trong mấy tháng cuối năm 2008 đã minh chứng lời phát biểu đó là đúng. Dù 825 hay 1.000 tỷ USD của Chính phủ Mỹ [8] cũng khó có thể cứu nền tài chính của cường quốc kinh tế số một này khỏi sụp đổ và cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi khủng hoảng [9].

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2009 với khẩu hiệu “Hình thành thế giới hậu khủng hoảng”, từ ngày 28-1 đến 1-2-2009 ở Davos, Thuỵ Sĩ, đã thảo luận các tiêu chí về đạo đức trong kinh doanh, xác định quan điểm phát triển kinh tế liên quan đến những thách thức và khả năng mới, đề nghị thiết lập Hội đồng Kinh tế Liên Hiệp Quốc và xây dựng một bản hiến chương về trật tự kinh tế toàn cầu [10]. Sau 5 ngày làm việc của hơn 2.000 nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị, Diễn đàn đã không mang lại kết quả cụ thể nào đáng kể [11]. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào vẫn còn là ẩn số.

1.3. Trong điều kiện kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay

Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay cũng không thể không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu này. Nhiều công ty đang và sẽ không thể xuất hàng sang các nước Âu Mỹ vì mãi lực giảm, dẫn đến hàng triệu công nhân mất việc làm; nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa hay làm việc cầm chừng. Các ngành liên quan như thương nghiệp, du lịch, khách sạn, vận tải cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp vì quá chú trọng đến lợi nhuận riêng lẻ mà không quan tâm đến công ích và sự phát triển toàn diện của con người. Trong quá trình sản xuất, người ta đã dùng những hoá chất độc hại, những nguyên liệu kém chất lượng hay giả tạo nên huỷ hoại sức khoẻ của con người, gây ô nhiễm môi trường, đánh lừa khách hàng bằng những thông tin sai lạc hay thổi phồng quá đáng về chất lượng của sản phẩm. Những doanh nghiệp độc quyền đã thao túng thị trường, đầu cơ tích trữ hay tăng giá bán mua khiến cho những người có đồng lương cố định hay những người nghèo phải sống rất chật vật. Tất cả sự giả dối và hành động thiếu lành mạnh này xuất phát từ lòng tham của con người. Vì vậy, việc điều chỉnh các hoạt động sai phạm của thị trường tự do này cần đến việc giáo dục ý thức công dân và đào tạo lương tâm ngay chính của mỗi cá nhân cũng như sự can thiệp kịp thời và hiệu quả của chính quyền.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng dẫn đến sự xáo trộn trong đời sống xã hội. Tội phạm có thể có chiều hướng gia tăng, nhất là các tội phạm liên quan đến kinh tế. Chúng ta cũng không thể không quan tâm đến các tệ nạn xã hội khác như mãi dâm, trộm cắp, nghiện rượu, nghiện ma tuý có thể gia tăng từ sự thất nghiệp, nghèo đói của nhiều thành phần xã hội. Khi đời sống kinh tế còn tương đối ổn định, người ta có thể dễ dàng nuôi giữ con cái, bảo dưỡng cha mẹ, nhưng khi gặp khó khăn, số người bỏ con (phá thai) sẽ tăng cao, dù Việt Nam vẫn đang là một trong vài nước đứng đầu thế giới về tệ nạn phá thai (từ 1,4 đến 2 triệu ca/năm); số người già, neo đơn (2 đến 3 triệu) sẽ càng thiếu thốn hơn; số người khuyết tật (5,5 triệu) sẽ bị bớt đi các khoản tiền trợ cấp cho việc học hành, sinh sống. Chúng tôi tự hỏi UBBAXH - Caritas Việt Nam có thể đóng góp được gì trong tình hình xã hội hiện nay?

2. UBBAXH - CARITAS VIỆT NAM CÓ THỂ ĐÓNG GÓP GÌ TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY

2.1. Những hoạt động bác ái xã hội cụ thể

UBBAXH - Caritas Việt Nam là một cơ quan hoạt động dưới sự chỉ đạo của HĐGMVN để thực hiện các hoạt động bác ái xã hội theo những mục đích, tôn chỉ rõ ràng đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (PACCOM) chấp thuận ngày 2-7-2008 (x. UBBAXH/HĐGMVN, Cẩm nang Caritas Việt Nam, Quy chế, Điều 6,7,9, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, tr. 22-23).

Tổ chức này đã được thành lập tại 26 giáo phận, đang cố gắng triển khai tại 2.694 giáo xứ (x. HĐGMVN, Số liệu thống kê của Giáo hội Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2007) để có thể thúc đẩy hơn 6 triệu người tín hữu thể hiện tình yêu thương đại đồng của Thiên Chúa cho mọi người như Đức Giêsu Kitô đã làm. Rồi từ những tín hữu Công giáo, UBBAXH - Caritas Việt Nam hy vọng có thể tác động lên nhiều người khác trong xã hội qua cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước.

Ngoài những dự án cụ thể dành cho những người nghèo khổ, bệnh tật, những nạn nhân thiên tai, nạn nhân xã hội như sinh viên học sinh nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, di dân, các người già bị bỏ rơi, các bà mẹ đơn hành, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người bị bệnh phong, bệnh mãn tính…, UBBAXH - Caritas Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới cho người tín hữu Việt Nam. Lý do là vì chính con người mới là yếu tố cơ bản xác định, định hướng và thực hiện nền kinh tế, và kinh tế “chỉ là một khía cạnh, một chiều hướng trong toàn bộ hoạt động của con người” (UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 375). Nếu con người được đào tạo đầy đủ để bảo vệ và phát triển các mối tương quan, thì dù theo bất cứ nền kinh tế nào, con người sẽ có nhiều cơ may để đạt được hạnh phúc, an vui cho bản thân cũng như sự phát triển cho xã hội cách bền vững hơn.

Một khi xác định con người Việt Nam là yếu tố cơ bản của nền kinh tế quốc gia, chúng ta tự hỏi làm sao nền kinh tế ấy có thể phát triển tốt đẹp và bền vững nếu nhiều người Việt Nam, trong cấu trúc tâm lý xã hội của mình từ bao thế kỷ nay, vẫn giữ những nét tiêu cực như nghi ngờ người khác, không hết mình lo cho việc chung và gìn giữ của chung, trốn thuế, lạm dụng của công, làm việc cầm chừng, ý thức thi hành pháp luật kém…[12]. Những điểm tiêu cực này là hậu quả sau 11 thế kỷ bị ngoại xâm đô hộ và 10 thế kỷ sống dưới nền quân chủ độc tài. Chúng như những lớp đất cằn cỗi cần được cày xới, nhặt đi những sỏi đá, bồi đắp thêm những loại phân bón của ý thức về ích lợi chung, biết hy sinh vì đại nghĩa, tập cộng tác chân thành và có các nguyên tắc làm việc chung với nhau thì mới mong trồng lên được những con người mạnh mẽ, tài giỏi trên xã hội thị trường toàn cầu hoá hiện nay. Đây là vấn đề xây dựng đạo đức và bảo vệ các giá trị truyền thống đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây [13].

Hơn nữa, dù pháp luật có quy định chặt chẽ và dư luận xã hội có áp lực mạnh mẽ đến đâu cũng không thể bắt ép từng cá nhân vào một khuôn mẫu của đời sống giản dị, lương thiện, kiềm chế tham vọng và dục vọng, lưu tâm giúp đỡ người nghèo khổ, nếu chính cá nhân đó không tự nguyện đón nhận. Đây là vấn đề giáo dục lương tâm ngay chính cho con người mà UBBAXH - Caritas Việt Nam đang cố gắng đóng góp vào việc này bằng cách giới thiệu cho tín hữu Công giáo nền nhân bản toàn diện và liên đới.

2.2. Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới

* Gọi là nền nhân bản vì đây là cả một hệ thống suy tư lấy con người làm gốc, làm nền tảng thay vì lấy vật chất hay thần linh. Trước đây, khi khoa học chưa phát triển, con người bái thờ những sức mạnh thiên nhiên hay vật chất vì chúng mạnh hơn con người. “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Nhưng khi con người chế ngự được thiên nhiên, thì thần linh cũng biến mất. Chế tạo ra cột thu lôi thì Thần Thiên Lôi cũng không còn. Sau đó, con người lại tìm ra các thần linh tưởng tượng làm nguồn gốc cho những hoạt động tinh thần như thần Jupiter, Mars, Venus, Diana, Minerva… Người tín hữu Kitô giáo cũng có những lúc đã quá chú trọng đến những kinh lễ dành cho Thiên Chúa mà coi nhẹ những hoạt động bác ái xã hội dành cho con người. Từ Công đồng Vatican II, nhiều tín hữu mới nhận ra rằng con người là con đường của Giáo Hội (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 62) và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” (Kinh Thánh Tân Ước, Tin Mừng Gioan 1,14) và sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên (x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 22).

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, người ta dường như trở về với thời kỳ bái vật, bái thần khi sùng bái vật chất, coi tiền bạc là thước đo của mọi giá trị, có khả năng vô biên, “có tiền mua tiên cũng được”, và coi thường những giá trị cao quý của con người.

* Gọi là nhân bản toàn diện vì theo quan điểm của Giáo hội Công giáo, con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất với tinh thần và thể xác (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 127). “Thông qua thân xác mình, con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất” (UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 128). Mỗi ngày, qua đồ ăn, thức uống, khí trời, con người hoà hợp với vạn vật và thống nhất chúng nơi mình. Nhờ tinh thần, con người có thể đi vào vạn vật để khám phá ra chúng và thấy mình vượt lên trên thế giới vật chất với phẩm giá độc đáo và lương tâm ngay chính. Hơn nữa, con người có thể mở ra với siêu việt để gặp gỡ được tinh thần tuyệt đối là Thiên Chúa và những thụ tạo khác (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 128, 129, 130) để cuối cùng con người khám phá ra mình hiện hữu như một cái “tôi” độc lập, có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 131).

* Gọi là liên đới vì con người toàn diện này có 4 mối quan hệ căn bản kèm theo 4 tinh thần để thể hiện mối quan hệ ấy.

- Trong tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu, vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Con người sẽ giữ tinh thần thảo hiếu này đối với cha mẹ, thầy dạy, ông bà, tổ tiên, dân tộc, là những người thay mặt Chúa chuyển sự sống, sự thật, tình yêu và ân phúc cho ta.

- Trong tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ, con người giữ tinh thần huynh đệ, đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào. Con người thể hiện tinh thần huynh đệ này bằng cách tránh những hành vi tiêu cực như dối trá, tham lam, bất công, dâm đãng, xúc phạm đến thân xác hay danh dự người khác theo tinh thần của Mười Điều Răn và bằng cách thể hiện những hành vi tích cực qua đời sống trong sáng, bác ái, chân thực, ôn hoà, dám hy sinh vì đại nghĩa, dám chấp nhận những thiệt thòi để nhường cho người khác những cái tốt hơn theo tinh thần Tám Mối Phúc của Đức Giêsu.

- Trong tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng để chuyên cần học hỏi, siêng năng lao động, bảo vệ môi trường sống, biết chia sẻ những tài nguyên và vật lực cho người yếu kém, sống tiết kiệm và giản dị như những anh chị lớn thay mặt cho Đấng Tạo Hoá quản lý muôn loài (x. Kinh Thánh Cựu Ước, Sách Sáng Thế 1,28) và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (x. Kinh Thánh Tân Ước, Tin Mừng Marcô 16,15).

- Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ: làm chủ bản thân, tình cảm, những tham vọng và cả dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống. Làm chủ thời giờ, tiền bạc, tài năng và ân huệ Chúa ban để mỗi giây phút sống đều tạo ra những giá trị tích cực cho đời mình và đời người. Một nụ cười, một lời cám ơn, một lời xin lỗi, một câu khích lệ chỉ tốn vài giây, nhưng thử hỏi mỗi ngày chúng ta đã thể hiện được bao nhiêu cho người thân, cho bạn bè và những người ở quanh ta để giảm sự căng thẳng và những áp lực trong cuộc sống!

UBBAXH - Caritas Việt Nam đã và đang soạn thảo những kỹ năng sống để giúp tín hữu thể hiện được nền nhân bản này qua những khoá đào tạo cho các hội viên, tình nguyện viên, và nhất là cho các bạn trẻ.

KẾT LUẬN

Bàn về trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta thấy mở ra cả một chân trời bao la để mọi thành phần xã hội có thể cùng nhau đóng góp cho đất nước Việt Nam mỗi ngày một thêm tươi đẹp và phát triển. Dù nền kinh tế Việt Nam có thể bị đám mây đen của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu che phủ, chúng tôi vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc nếu tất cả cùng chung sức chung lòng để tạo nên mùa xuân cho dân tộc Việt Nam.

Cầu chúc tất cả quý vị mãi là những cánh chim không mỏi cho mùa xuân dân tộc.
Kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Chú thích:
[1] x. Vũ Quang Việt, TS. Kinh tế, Kinh tế Thị trường và Xã hội Công dân như một hệ thống: Trường hợp Việt Nam, ngày 22-11-2005, New York University; Nguyễn Xuân Nghĩa, Diễn đàn Kinh tế hằng tuần, ngày 22-10-2008.
[2] x. Michael Watts, Kinh tế Thị trường là gì?; Chính phủ trong nền Kinh tế Thị trường; Tài chính trong nền Kinh tế Thị trường, Học viện Công dân 2008, website: http://usinfo.state.gov/products/pubs/market; NN, Bài Thảo luận Chính sách số 1: Tình trạng bất ổn vĩ mô: Nguyên nhân và phản ứng chính sách, Chương trình Châu Á của Harvard University và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; Bài Thảo luận Chính sách số 2: Vượt qua khủng hoảng và tiếp tục đẩy mạnh cải cách, Chương trình Châu Á của Harvard University và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; Bài Thảo luận Chính sách số 3: Nguyên nhân sâu xa về mặt cơ cấu của bất ổn vĩ mô, Chương trình Châu Á của Harvard University và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; Lựa chọn thành công, bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chương trình Châu Á của Harvard University và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.
[3] x. Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội thảo về Trách nhiệm Xã hội trong Điều kiện nền Kinh tế Thị trường ở Việt Nam Hiện nay, ngày 24-6-2008.
[4] x. Ngô Hương, Thực hiện Trách nhiệm Xã hội: Nhiệm vụ Tất yếu của Doanh nghiệp, Trung tâm Phát triển và Hội nhập, tháng 1-2007.
[5] x. Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Các buổi Toạ đàm: ngày 28-2-2008 tại Viện Xã hội học: “Một số khía cạnh lý thuyết về vốn xã hội”; ngày 24-6-2008 tại Viện Triết học: “Trách nhiệm Xã hội trong Điều kiện nền Kinh tế Thị trường ở Việt Nam Hiện nay.
[6] x. Hà Đăng, Kinh tế Thị trường qua các bước đổi mới tư duy, Tạp chí Cộng Sản. Website: http://tapchicongsan.org.vn, ngày 10-4-2007; GS. Bùi Ngọc Chưởng - PGS. Mai Trung Hậu, Góp phần Tìm hiểu Kinh tế Thị trường Định hướng Xã hội Chủ nghĩa, ngày 18-2-2008, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Xuân Đình, Hướng tới nền Kinh tế Thị trường Hiện đại theo Định hướng Xã hội Chủ nghĩa, Tạp chí Cộng Sản, số 21 (165), năm 2008.
[7] x. P. Hồng (tổng hợp), Nhìn lại kinh tế thế giới năm qua, Báo Công An, số 1736, ngày 27-12-2008, tr. 14.
[8] x. Hiếu Trung, “Canh bạc ngàn tỉ” của Obama, Báo Tuổi Trẻ, ngày 1-2-2009, tr. 20.
[9] x. Hữu Tú-CSTT, Triển vọng Kinh tế Vĩ mô và Thị trường Thế giới năm 2009 qua một số dự báo, theo Internet.
[10] x. Hiếu Trung, “Canh bạc ngàn tỉ” của Obama, Báo Tuổi Trẻ, ngày 1-2-2009, tr. 20.
[11] x. Hải Minh, Diễn đàn Kinh tế Thế giới bế mạc: Thiếu giải pháp, Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-2-2009, tr. 20.
[12] x. Nguyễn Ngọc Sơn, Cấu trúc Tâm lý và Văn hoá của Người Việt Nam đối với các vấn đề xã hội, Hội thảo Quốc tế về Công bằng Xã hội, Trách nhiệm Xã hội và Đoàn kết Xã hội, ngày 15-10-2007, tại Hà Nội.
[13] x. Đỗ Lan Hiền, Vấn đề Xây dựng Đạo đức trong Bối cảnh Phát triển Kinh tế Thị trường, Tạp chí Triết Học, ngày 21-5-2007; Lê Thị Tuyết Ba, Vấn đề Bảo vệ các Giá trị Đạo đức Truyền thống trong nền Kinh tế Thị trường ở Việt Nam, Tạp chí Triết Học, ngày 4-5-2007.


Tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam