VATICAN CITY (CNS) - Việc hợp tác giữa Vatican và Israel đã mang lại kết quả, đó là cải tiến cách tiếp cận các văn bản – thường có hình ảnh minh họa – về lịch sử tôn giáo và công trình học thuật Do thái, sự cộng tác và những tranh chấp giữa Do thái-Kitô giáo, cũng như tính hiếu kỳ muốn tìm hiểu đạo Do thái của người theo Kitô giáo.

Sau gần 10 năm làm việc miệt mài, Thư viện Tòa thánh và Viện Vi phim các Bản thảo tiếng Do thái thuộc Thư viện Quốc gia Israel đã công bố một bản danh mục đầy đủ chi tiết và diễn giải về hơn 800 bản thảo viết tay và các sách vở bằng tiếng Do thái hiện đang lưu giữ tại Thư viện Tòa thánh.

Hôm 30 tháng giêng, Thư viện Vatican và Tòa đại sứ Israel cạnh Tòa thánh đã chủ trì một buổi trình bầy chính thức tập danh mục, nhằm để công chúng có thể có một cái nhìn đại cương vào 4 bản thảo viết tay quan trọng nhất.

Ông đại sứ Israel là Mordechay Lewy nói rằng các bản thảo – viết mãi từ thế kỷ thứ 9 cho đến ngày nay – ghi lại “lịch sử mối liên hệ giữa Vatican và cộng đồng Do thái” cũng như vạch rõ tầm quan trọng của các ngôn ngữ viết trong việc “bảo tồn và lưu truyền kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ kia, đảm bảo sự tiếp nối truyền thống và sự sống còn của căn tính Do thái.”

Ông Benjamin Richler, nhà học giả chuyên về bản thảo của Israel nói rằng bộ sưu tập các văn bản viết tay bằng chữ Hebrew của Tòa thánh phản ảnh một phạm vi rộng rãi những mối quan tâm của cả người Do thái giáo lẫn người Công giáo.

Bộ sưu tập của Tòa thánh bao gồm khoảng 100 cuốn Kinh Thánh và chú giải Kinh Thánh; một con số tương tự các tác phẩm nói về luật lệ, phong tục và lễ nghi Do thái; chừng 100 công trình về triết học trong đó có tác phẩm của các tác giả Do thái hoặc phiên dịch ra tiếng Do thái; chừng 70 bản thảo bàn về thiên văn học, toán học hoặc y khoa; 90 văn bản nói về kabbalah (thần bí học Do thái); ngoài ra còn một số tác phẩm văn học và thi ca.

Đức giám mục Cesare Pasini, giám đốc Thư viện Vatican, nói rằng dự án này chứng tỏ - bất chấp những thời kỳ người Kitô giáo đối xử tàn tệ với người Do thái – các sách vở, các bản thảo viết tay đã và còn tiếp tục đưa con người gần lại với nhau khi họ sáng tác, sao chép, tặng dữ hay cho nhau mượn, mua bán hay thừa hưởng di sản.

Ngài nói: “Vì nhiều người khác nhau cùng đọc một tác phẩm – dù ở những nơi chốn khác nhau, vào những thời kỳ khác nhau và với những ý hướng khác nhau – họ cùng được hiệp nhất chung quanh một văn bản chung.”

Ngài nói tiếp: “Thêm vào đó, nhiều bản thảo bằng chữ Do thái tàng trữ nơi Tòa thánh, đặc biệt là các văn bản Thánh kinh viết tay tại Ý, chính là “một dấu hiệu cộng tác, đối thoại”, bởi vì hầu hết là do sự đặt hàng của những người Ý theo đạo Do thái, nhưng thư pháp và các hình minh họa lại do bàn tay của những người Ý theo Thiên Chúa giáo.

“Thật là những kết quả tuyệt vời chúng ta đang có đây do sự cộng tác của con người. Họ đã thực hiện sự cộng tác đó và chúng ta hy vọng chúng ta cũng đã thực hiện được chuyện gì tương tự như thế” khi cùng chung sức làm việc để tạo ra bản danh mục này.

Giáo sư Giulio Busi dạy ngôn ngữ và văn chương Do thái, nói rằng trải qua bao nhiêu thế kỷ, các vị giáo hoàng và các vị hồng y đã có nhiều lý do khác nhau để sưu tập những bản thảo viết tay bằng tiếng Do thái: “Trước nhất, đó là ý thức về việc cả hai tôn giáo đều có nguồn gốc Kinh Thánh chung; thứ đến là đặc tính ham hiểu biết về khoa học nhân văn, và chắc là còn có ý muốn dấn thân vào những cuộc luận chiến hoặc tìn kiếm những người cải đạo.”

Viết trên tờ báo L'Osservatore Romano của Tòa thánh, ông Busi nói rằng các bản thảo lưu giữ tại Vatican “thuật lại, bằng giấy trằng mực đen, câu chuyện về một sự trao đổi văn hóa không gián đoạn giữa hai niềm tin tôn giáo.”