KIÊN GIANG - Kết thúc mùa hè, nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh lại có một chuyến đi về miền tây. Cũng vào sáng thứ bảy trong tháng 9 này, tôi và một cộng tác viên khăn gói quả mướp về Kiên Giang để tiếp nhận căn nhà tình thương do độc giả VietCatholic trợ giúp, nhân tiện, chúng tôi còn ghé thăm giáo xứ An Bình và giáo họ Xáng Cụt ở huyện Gò Quao nữa.

Xem hình ảnh mái ấm mới của gia đình Chị Đào

Căn nhà do độc giả Vietcatholic đóng góp.

Nơi sống trước đây của gia đình Chị Đào
Vừa bước lên xe, tâm lý của tôi đã có phần căng thẳng vì đi xa mà mang theo một số tiền khá lớn. Số tiền Việt được giắt vào bên trong người làm cho tôi yên tâm hơn. Không khí trong xe của tư nhân khá ngột ngạt, tôi thầm đọc kinh lần hạt bằng bàn tay gầy guộc của mình; không có kinh Mân Côi, tôi không thể chịu nổi cái xe và quãng đường dài 240 km này.

Thời gian từ lúc “nhảy bổ vào laptop” đến lúc tiếp nhận căn nhà chỉ có hai mươi lăm ngày, quả là nhanh chóng. Trước hết là do Chúa chúc lành cho việc này, rồi đến tấm lòng của quí độc giả ân nhân, mỗi người một vẻ, mỗi người một nét nhưng nhìn chung là ai cũng nhanh tay vì qui vào hai chữ “yêu thương”.

Sau bài viết lần trước, còn có thêm anh Dominic, một vị thường coi tôi như cô em gái; chị Diệu Mỹ, một phụ nữ rất thương người, sống độc thân và thích gọi điện nói chuyện với tôi vào lúc đêm đã khuya; còn anh chị Vũ Đức Khoa thì tôi nhận tiền hai ba lần rồi mà chẳng biết anh là người thế nào.

Đến thời điểm tôi cất bước lên đường, số tiền cần là 3100 usd, mà thu được và dự chi chưa đủ, còn thiếu đến 900 usd, nhưng tôi nhất định mượn thêm tiền của người em để tiến hành nhanh gọn. Khi có người đồng ý bán đất, tôi liền mua thật nhanh để ý định được thành sự, không kịp cho ai bàn tán vì ở vùng quê, người nói ra kẻ nói vào là rất dễ hỏng chuyện. Ở vùng thôn quê này, có lẽ người ta chỉ phải đền cái tội “lắm chuyện” mà thôi, chứ không có cướp bóc, ngoại tình, gian dối; Chúa Giêsu mà đi đến thăm nơi này với những môn đồ thân cận thì thế nào bà Ma-đa-len-na cũng bị lườm bị nguýt!

Căn nhà mới được xây trên diện tích ngang 5 mét dài 16 mét, gồm một trệt, một mái tôn, hai cây mít và một cây ổi phía trước; chưa có nhà bếp, mái trước và mái sau hai ngày nữa sẽ lợp tiếp; như thế cũng quí lắm rồi. Tuy trông đơn sơ nhưng đúng là “hàng Việt Nam chất lượng cao” vì phải mua cả đất mới xây lên được; còn ở những nơi khác, khi cấp nhà tình thương, bản thân gia đình nghèo ấy thường phải có đất mới được giúp xây cất lên.

Sáng ngày 01/9/2008, chúng tôi vào nhận nhà và giúp chị Đào đưa đồ đạc từ ghe lên. Hai bà cộng tác viên mang tượng Chúa, Đức Mẹ và thánh Giuse để lên bàn thờ. Bà CTV ăn chay trường mời chúng tôi và mẹ con chị Đào quì xuống đọc kinh đến nửa giờ đồng hồ. Tôi quì được một tí thì giả bộ đứng lên chụp hình rồi ra ngoài luôn. Xin đừng cười nhé, bắt tôi làm việc xã hội gian khổ thì được, nhưng đọc kinh lâu quá thì đành chào thua.

Việc ở lại vùng này bốn ngày làm tôi có thời giờ hiểu thêm lý lịch của chị Đào và bà CTV ăn chay đạo đức ấy. Cũng ly kỳ như chuyện phim. Mẹ chị Đào là một người phụ nữ say mê công việc nào đó nên khi sinh chị ra, bà đã để lại bệnh viện rồi âm thần bỏ đi. Một bà mẹ khác, cũng vào bệnh viện sinh con, có đứa con mới sinh bị chết, thế là chị Đào được lấp vào khoảng trống đau khổ của bà mẹ kia.

Lớn lên, không biết cha mẹ là ai, chị vui vẻ sống với những anh chị em khác cha khác mẹ với mình. Khi bố mẹ nuôi chết đi chị nhận được ba công đất gia tài. Vì túng thiếu, chị bán đất có vị trí tốt đó để mua đất ở nơi khác rẻ hơn mong có dư tiền tiêu pha. Nào ngờ, mua nhầm phải đất nhiễm phèn, làm lúa không được nhiều rồi con lại ốm đau liên miên, chị bán quách chỗ đất ấy về cất chòi ở nhờ người em con bà mẹ nuôi.

Ở chung, cả trẻ con và người lớn sinh cãi vã đời thường, thế là chị đành mua cái ghe nhỏ xuống bờ sông ở, đến nay đã bảy tám năm rồi. Nay, nhờ tiền của độc giả Vietcatholic, chị lại được lên bờ. Nếu là đạo diễn, tôi sẽ làm một phim truyện ngắn về cuộc đời chị Đào, với tên của phim là: “Trôi theo dòng tiền!”

Tôi còn phải ra xã để làm giấy tờ, rất dễ dàng, không khó như ở Sài Gòn. Nhớ lại, khi xây căn nhà của cha mẹ tôi thì thật là khổ sở vô cùng. Nếu không nhờ cô em dâu “làm dữ” ở phường thì xây không nổi. Tôi uất ức và chán nản, đòi viết bài lên báo nhưng ba tôi không cho. Chắc là từ bây giờ đến chết, tôi chẳng còn muốn đổi nhà hay xây cất gì nữa. Cái mộng làm giám đốc một trại nuôi người già, trợ giúp thanh niên và trẻ em bụi đời cũng tan theo mây khói. Mà làm việc thì phải được tự do phát triển chứ lúc nào cũng phải làm đơn xin phép này nọ thì chán chết!

Đám thợ muốn “nhậu một bữa” để hoàn công. Tôi đồng ý đãi một lần “cầy tơ” và rượu đế nhưng từ chối tham dự vì phải về Sài Gòn làm việc. Tôi thích thưởng thức món “nai đồng quê” (thịt chó) với bia Heneiken; mà chỉ cụng ly với các bạn trẻ Bông Hồng Xanh tôi mới thấy vui thật sự.

Từ đầu kênh đến cuối kênh, nhiều người khen tặng công việc Nhóm chúng tôi đã thực hiện cho gia đình nghèo khó này.

Chúng tôi còn ghé thăm một bà bị mù ở kênh 10 B. Đó là người phụ nữ đã lục tuần, sống độc thân, bị mù từ năm 53 tuổi vì khi đi kiếm củi bị mảnh vỏ cây văng vào mắt. Bà sống trong căn chòi dựng nhờ trên đất của người ta, với hai đứa cháu gái không biết chữ, tối ngày đi mò cua bắt cá. Vì cạn tiền, chúng tôi chỉ tặng bà năm ký gạo, chai dầu xanh Singapore, cục xà bông và khi nhìn thấy cái chiếu trên vạt tre quá cũ, tôi nhờ người hàng xóm đi mua chiếu mới. Bà nương nhờ hai đứa cháu gái và thường được giáo dân quanh đó giúp đỡ.

Trước ngày sinh nhật Đức Maria 2008 vừa qua, bà trở thành người Kitô hữu trong niềm vui của nhiều người. Dù khởi đầu ý định theo đạo là gì đi chăng nữa, tôi vẫn thấy niềm tin nơi những người tân tòng thật là đáng quí trọng.

Quí vị độc giả ân nhân đóng góp xây căn nhà tình thương đợt hai là:
Cha Alfongso Trần Đức Phương 300 USD
Một cha dòng Chúa Cứu Thế (hải ngoại) 100 + 50 USD
Anh Dominic (anh 6) 200 USD
Chị Diệu Mỹ 100 USD
Anh chị Vũ Đức Khoa 200 USD

Thăm giáo xứ An Bình, huyện Gò Quao

Sáng Chúa nhật, từ bến đò kênh 1, sáu người chúng tôi ngồi trên ba xe gắn máy, phải đi qua hơn 50 km để đến nhà thờ An Bình. Đường dễ đi, cây hai ven đường xanh mượt, có đoạn hàng dừa cao quá đầu người, tạo một cảm giác là lạ như đang di chuyển dưới lòng đất. Sáng Chúa nhật mà được đi qua những con đường quê thế này thì thật là thú vị.

Chợ ở huyện Giồng Riềng khá rộng nhưng sắp xếp luộm thuộm quá. Mấy chiếc xe lôi chờ khách trông đơn sơ nghèo nàn, thấy thương thương làm sao người dân Việt cần cù chịu khó. Khi nhìn những người mà vẫn phải đi kiếm tiền vào ngày Chúa nhật, tôi cứ thấy trong lòng hiện lên một nỗi buồn.

Một cây cầu cong, đẹp chính là đầu con đường dẫn vào nhà thờ. Cha xứ đã xin nơi này nơi kia được khoảng 100 triệu đồng (gần 7 ngàn usd) để làm con đường tráng xi măng nên lối đi mới được sạch đẹp thế này.

Tiếp chúng tôi trong phòng khách của nhà xứ, cha chánh xứ Hier Nguyễn Văn Ngọ nói về sinh hoạt của nhà thờ này. Cũng có những nét như bao nhiêu nhà thờ vùng sâu vùng xa khác: vắng vẻ, thưa người, điều kiện hội họp lễ lạc không được như nơi thành phố. Ở đây tuy người dân không còn xin lễ bằng cách “chân thành” là đưa nải chuối hay chục trứng gà như ngày trước nữa, nhưng một năm giáo dân xin lễ rất ít. Cha xứ vừa lỗ mấy chục triệu đồng vì nuôi cá tra. Còn trồng lúa thì năm nay mới bắt đầu làm. Tôi nói:

“ - Sao con tặng các cháu vở học sinh và cặp mà cha không nhận? Con đã cạn túi vì xây nhà tình thương rồi, tiếc quá chúng con không thể giúp học bổng bằng tiền mặt.”
“ - Tập thì tôi đã phát cho các cháu rồi, còn dùng cặp ở đây thì phí quá!”

Cho đến lúc cha dẫn chúng tôi đến ấp An Thọ, xã Định An, một nơi nhiều người dân ngoại đạo và người dân tộc Khơ-me, thì mới có nhiều điều để nói. Bà trưởng ấp kể rằng: “Mấy năm về trước ở đây còn rất nghèo, nghèo đến nỗi khi có người chết, người ta tự làm đám ma tại nhà rồi bó xác vào cái chiếu hoặc vào hòm bằng cây tạp, mang ra chỗ đất trống, để tơ hơ giữa trời, chất củi vào rồi thiêu rất vô tư. Có những trường hợp ít củi quá, lúc thiêu xác cháy hết, xương lẫn lộn vào than đỏ, nhưng lục phủ ngũ tạng (bộ đồ lòng) không cháy hết vì ẩm ướt, người ta hốt tro và cả cỗ lòng đó đem hất xuống sông. Thấy mà ớn nhưng thật tội nghiệp! Hơn một năm qua, một ngôi chùa đã xây lò thiêu nên người ta chỉ xin hòm và tiền chuyên chở để đưa xác đi thiêu.”

Cũng dễ hiểu thôi, cuộc sống của họ xem ra quá bấp bênh: làm được ngày nào “xào” ngày đó. Có 314 hộ, là khoảng 1700 người thì thanh niên dạt lên thành phố kiếm sống 30%, còn phụ nữ người dân tộc sinh đẻ thoải mái nên trẻ con khá đông. Buổi sáng chúng học trường công lập, buổi chiều đi lượm bọc nilon ở bãi rác. Đến tối, đứa nào siêng và ham vui đùa thì đến Chùa học tiếng Khơ-me. Hằng năm vào tháng 7 và 8, nơi này cần cứu đói vì ruộng ở đây một năm hai vụ nhưng mùa màng thất bát, chăn nuôi heo gà lúc được lúc không…Trước đây người ta lấy lục bình (bèo) đan thành giỏ rất đẹp nhưng rồi thấy được ít tiền lại chẳng có ai làm nữa, dù lục bình ở đây to cánh, to hơn bình thường và dai, dễ lấy và cũng dễ trồng ở sông.

Lần trước, cha Ngọ xin được 15 cái giếng nước đóng, mỗi cái hơn 100 usd để cho ấp này. Thỉnh thoảng cha còn góp tiền cùng với địa phương làm đường xi măng vài đoạn nữa, nếu không thì thật khó đi lại. Mới đi được một nửa ấp tôi đã thấy chùn chân muốn trở về, nhưng không được nữa, phải xuống cái ghe bé xíu mà đi tiếp.

Điều đang cần ở nơi đây là làm mấy cây cầu. Đi qua mấy cây cầu khỉ tôi sợ quá mà hằng ngày trẻ con vẫn đi học. Để làm một cây cầu gỗ mất khoảng 500 usd, nếu làm cầu lớn hơn một chút, có mặt cầu bằng xi măng thì mất nhiều tiền hơn. Chắc là phải có bàn tay nhiệm mầu mới làm cho nơi này thay da đổi thịt.

Trở lại nhà xứ, cha đãi chúng tôi bữa cơm trưa rất ngon miệng.

Tạm biệt cha xứ An Bình, chúng tôi hứa là khi có tiền sẽ đến đây làm cầu và sẽ được “see you again” cha.

Đến giáo họ Xáng Cụt, huyện Gò Quao

Cũng trong ngày Chúa nhật, rời xã Định An, chúng tôi đi thêm 13 km và qua một cái phà mới đến được giáo xứ Xáng Cụt. Chỉ có con đường nhỏ dẫn vào nhà thờ, xe hơi không có đường đi, nói chung là thật hẻo lánh, khó khăn. Gọi là hẻo lánh vì nhà thờ thuộc giáo phận Long Xuyên mà từ chỗ này lên nhà thờ chánh tòa Long Xuyên phải hơn 100 cây số. Đang mải ngắm cảnh, tôi thấy chiếc xe gắn máy đi phía trước đổ xuống, một phụ nữ mập tròn văng xuống ruộng. Vừa thấy lạ vừa buồn cười, tôi lấy máy ra chụp cảnh hiếm có này, mấy bạn trẻ đi cùng nói:

“ – Cô chụp mau lên!
- Cô ấy ấy đang lóp ngóp dưới ruộng mà la ó cái gì!
- Ái chà, chị Loan mà bị tắm bún như thế thì gặp cha bọn mình sẽ vui lắm nhỉ!
- Ôi chao, chị Loan mà tắm bùn thì phải đưa ảnh lên mạng gấp!”

Nhà thờ nhỏ trên một khuôn viên rộng, có một lý lịch cũng lâu đời vì được thành lập từ năm 1941. Xáng Cụt, một vùng đất vốn từ lâu là rừng tràm và đồng hoang, dân cư thưa thớt. Lúc đầu chỉ có hai gia đình Công giáo sau có thêm mấy gia đình nữa; họ thường đọc kinh chung vào ngày Chúa nhật. Đến năm 1952, có một giáo dân hiến đất để làm nhà thờ bằng cây lá; từ đó, mỗi tháng có linh mục đến dâng lễ và ban các bí tích cho giáo dân.

Sau nhiều năm nhà thờ được tu sửa và có số giáo dân đông thêm. Năm 2000, nhà thờ Xáng Cụt được khánh thành và năm 2004, linh mục trẻ Mathias Vũ Văn Thương về phụ trách họ đạo với 500 giáo dân. Tuy là nhà thờ nhỏ nhưng cũng có ca đoàn, giới trẻ, thiếu nhi, các ông trùm chánh trùm phó, gia trưởng, hiền mẫu với những sinh hoạt rất vui.

Vì giáo dân ít nên cha Thương thường sinh hoạt giao lưu với cả những người ngoại giáo bằng cách cộng tác với một trường trung học cơ sở ở gần đó phát quà học tập cho học sinh. Vào các dịp Trung Thu thì cha cho rước đèn phát bánh kẹo, còn vào dịp Noel thì diễn văn nghệ, số người đến coi khá đông làm cho vùng đồng ruộng xa xăm này vui hẳn lên.

Nhà thờ Xáng Cụt mới xây được một nhà giáo lý ngang 10 mét dài 18 mét nhưng cái nền chưa hoàn tất nên cha xứ muốn được lát nền cho sạch sẽ để chuẩn bị dạy giáo lý, dạy Anh văn và cha chỉ ước mơ saao có được 10 máy vi tính để dạy các em học sinh cả đạo lẫn đời.

Nhìn linh mục trẻ nét mặt hân hoan, có vẻ vui tươi và yêu thương cuộc sống hiện tại, tôi thấy mừng. Hạnh phúc ở trong tầm tay mình thôi, cứ khát khao hay khắc khoải mong đợi những gì cao xa chỉ làm cho mình mệt và đánh mất thời gian quí báu Chúa ban mà thôi.

Mùa hè năm 2003, tôi tặng cha hạt trưởng Rạch Giá một cây thánh giá gỗ cao hơn đầu người; cha mời tôi tham quan vùng trung tâm của Rạch Giá, lúc đó thầy Thương có nhiệm vụ hướng dẫn chúng tôi, thế là trở thành người quen biết. Sau khi thụ phong linh mục cha ghé thăm gia đình tôi một lần rồi bặt tăm. Lần này, được cha Ngọ mời đến giáo xứ, tôi mới bất ngờ gặp lại cha Thương ở nhà thờ nhỏ này.

Vì giáo dân ít nên cha thường được quí cha trong linh mục đoàn và bè bạn chia sẻ thêm công việc, thế cũng có phần yên tâm. Ai tận hiến đời mình cho Chúa thì sống ở nơi nào cũng cảm thấy vui trong công việc.

Một chút suy tư về chuyến đi

Sau chuyến đi này tôi vui và ăn được nhiều hơn. Số tiền 3100 usd để thay đổi cuộc sống của bốn mẹ con chị Đào là rẻ hay mắc, là ít hay nhiều? Không thể nghĩ như thế vì đây là sự sắc bén của tình thương mà thôi. Vì sự sắc bén đó mà quí ân nhân gửi tiền rất nhanh, còn tôi thì cố gắng. Nhớ lại lúc bị chích đau trong bệnh viện. Tôi sợ mà không muốn đi xa nữa, nhưng phải cố đi để hoàn tất công việc và để giới thiệu đến độc giả hai nhà thờ còn nghèo.

Thầy phó tế Justin Lê nói rằng: “Chị đừng đưa tên em lên mạng, em giúp thì chỉ có Chúa và chị với em biết mà thôi!” Tôi lấn cấn giữa hai ý tưởng của Tin Mừng: Tay phải làm đừng cho tay trái biết hay một việc tốt thì cần “treo đèn trên giá cho người ta biết đến”. Còn anh chị Tùng thì hứa cho AUD, nhưng lại cho số tiền Việt bằng giá Đô la… thế mới biết đó là nét sắc bén rất riêng của từng quí ân nhân.

Đây là lần đầu tiên tôi bắt chước “cái liều” của mẹ Têresa Calcutta, không đủ tiền mà dám làm. Sau sự việc này, chỉ xin gửi đến mọi người một ý nghĩ: “Khi chia sẻ tình thương của Chúa Kitô, bạn cứ việc liều lĩnh.

Xin chân thành cảm ơn cha Giám đốc Vietcatholic, quí anh chị Ban biên tập và quí độc giả ân nhân đã tạo điều kiện và theo dõi những hành trình của nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi. Lại xin được hẹn một chuyến đi khác.

yeutrehepho@yahoo.com