Thánh Phaolô, Nhà Truyền Giáo vĩ đại(tiếp theo)

Các thính giả của Thánh Phaolô

Thánh Phaolô nói với đủ mọi thành phần trong xã hội. Dù người Côrintô phần lớn thuộc giai cấp tầm thường trong xã hội và các tên được nhắc tới trong thư Rôma 16 cũng cho thấy họ có lối sống đơn giản, Thánh Luca cũng đã hơn một lần tường thuật rằng Thánh Phaolô từng tiếp xúc với các thành viên thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội: Lydia chẳng hạn là một phụ nữ làm nghề buôn tơ lụa, nhiều phụ nữ khác thuộc giai cấp thượng lưu ở Thessalonica và Berea (Cv 17:4, 12), cũng như nhiều chức sắc miền Asia (Cv 19:31). Những người vừa kể được coi là bằng hữu của Thánh Phaolô, có thể là kết quả công trình truyền giáo của Ngài. Công Vụ 13:7 ghi lại cho chúng ta trường hợp nổi tiếng của Sergius Paulus, tổng đốc tại Paphos.

Cuộc giáp mặt của Thánh Phaolô với tổng trấn Festus và Vua Agrippa là điều đáng lưu ý, nó cho thấy Thánh Phaolô từng nói truyện với những nhân vật ở tột cùng bậc thang xã hội. Với Festus, người từng gọi Ngài là một tên điên, Thánh Phaolô trả lời bằng cách thưa truyện thẳng với Vua Agrippa, người tin vào các tiên tri (Cv 26:27). Ngài kết luận bằng cách bày tỏ ý muốn: một ngày kia các thính giả của mình cũng bắt chước nhà vua mà trở thành tín hữu (Cv 26:29). Đoạn văn có tính hô hào trong nghệ thuật hùng biện truyền giáo này không những cho thấy lòng can đảm của Thánh Phaolô mà còn cho thấy công cuộc truyền giáo ngày một tỏ ra thành công hơn nơi người Do Thái.

Theo thư thứ 2 gửi Timôtê 4:16-17, Thánh Phaolô rao giảng Phúc Âm ngay cả trong thời gian bị giam tại Rôma” Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử”.

Những tiếp xúc và đối thoại trong các hoàn cảnh tương tự như thế giúp Ngài nhận được sự hỗ trợ về chính trị và tới lui được nhiều địa điểm gặp gỡ rộng lớn. Chúng cũng cho thấy sự kiện này nữa là Phúc Âm đụng tới mọi tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, trong các bản văn này, không có chỗ nào cho thấy Thánh Phaolô có bất cứ chiến thuật đặc thù nào trong lãnh vực này.

Thời gian các lần truyền giáo tại thành thị

Đọc lướt qua Tông Đồ Công Vụ cũng như các Thư của Thánh Phaolô, ta có cảm tưởng Ngài không lưu lại lâu tại bất cứ thành phố nào. Ngài chỉ đi qua các thành phố đó mà thôi. Nhưng thật ra, có khi Ngài dừng chân tại một thành phố khá lâu. Như ở Syria (Antiốc) chẳng hạn, Công Vụ 11:26 nói tới một năm. Việc truyền giáo tại Macedonia và Achaia kéo dài ba năm từ năm 49 CN tới năm 51 CN. Trong thời gian đó, Thánh Phaolô lập ra ít nhất bốn cộng đoàn: Philippi, Thessalonica, Berea và Côrintô. Thánh Phaolô cũng lưu lại Côrintô 18 tháng (Cv 18:11, từ tháng Hai-Ba năm 50 tới tháng Chín năm 52 CN). Việc truyền giáo của Ngài tại Asia trong các năm 52-55 tập trung chính ở Êphêsô, nơi Ngài làm việc trong ba năm (Cv 20:31): Ngài giảng dạy trong hội đường ba tháng (Cv 19:8), tại trường của Tyrannô khoảng hai năm và có thể hơn một chút, tuy không được tường thuật chính xác (Cv 19:22). Nhà truyền giáo nào cũng nên biết rằng muốn chuyển giao đức tin cho ai, cần phải dành nhiều thì giờ cho họ.

Cách thông đạt của Thánh Phaolô

Sự phong phú của Thánh Phaolô làm chúng ta thèm thuồng! Cẩn thận đọc các thư của Ngài cũng như Tông Đồ Công Vụ, ta hiểu rõ lý do của sự phong phú phi thường ấy. Ta đã thấy: Thánh Tông Đồ ví mình như chiếc bình bằng đất sét, dễ bể, dễ nứt rạn. Nhưng chiếc bình ấy là nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần, của quyền lực Thiên Chúa. Và Thánh Phaolô tìm mọi cách làm dễ dàng quyền lực ấy, làm dễ dàng công việc của Chúa Thánh Thần. Đó sẽ là điểm đầu tiên trong cuộc trình bầy của chúng ta. Thánh Phaolô hoàn toàn sống vì Phúc Âm và sống với Phúc Âm. Phúc âm được loan báo chủ yếu nhờ hai phương tiện:rao giảng và thực hành đặc sủng.

Mọi sự cho Phúc Âm và nhờ Phúc Âm

Theo Thánh Phaolô, điều kiện chính của hoạt động truyền giáo là lối sống nhất quán. Cuộc sống của nhà truyền giáo phải là một công bố Phúc Âm. Nó không được cản trở việc công bố này bất cứ cách nào. Thánh Tông Đồ phát biểu quan điểm này cách đặc biệt khi Ngài cho hay Ngài không muốn trở thành gánh nặng cho cộng đoàn mà Ngài tới thăm viếng và loan báo Phúc Âm, dù Ngài nhìn nhận rằng nhà rao giảng có quyền sống nhờ sự rao giảng của mình. Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 9, trình bầy cho ta rõ suy nghĩ của Thánh Phaolô về điểm này. Dù có quyền hưởng hoa trái lao công của mình, thánh nhân cũng đã từ khước không hưởng đặc quyền ấy. Lý do chính là: Thánh Phaolô coi việc rao giảng Phúc Âm như nhiệm vụ được trao phó cho Ngài: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!” (1 Cor 9:16). Tiếp nhận sáng kiến rao giảng ấy không tùy thuộc ở Ngài. Phần thưởng của Ngài nằm ở chỗ được tự do loan báo Phúc Âm! Và để làm việc đó, Ngài ráng hết sức để trở thành mọi sự cho mọi người!

Cộng đoàn duy nhất được Ngài vui lòng tiếp nhận sự hỗ trợ về tài chánh là cộng đoàn Philippi. Khi Thánh Phaolô đang bị cầm tù, nghĩa là không thể làm việc được, cộng đoàn này đã cung cấp cho Ngài những thứ cần dùng. Các tù nhân thường chẳng được ăn uống gì khác, ngoài ‘của thăm nuôi’ từ gia đình hay bạn bè. Tù nhân Phaolô cũng vậy thôi.

Rao giảng

Thánh Phaolô là bậc thầy trong nghệ thuật rao giảng. Chỉ cần lướt qua các thư của Ngài, ta cũng thấy Ngài ‘xuất khẩu thành văn’, không cần phải chuẩn bị chi. Chắc chắn Ngài được Chúa Thánh Thần “linh hứng”, rất khác với lối thuyết giảng rỗng tuếch của các diễn giả ngụy biện thời ấy. Tuy nhiên, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 2:1-5 cho ta thấy cách xếp đặt nền tảng trong lời giảng của Ngài. Chắc chắn Thánh Phaolô không thích lối tu từ học rỗng tuếch chỉ biết vụ khoe khoang của thời ấy. Tuy nhiên, vốn xuất thân từ những trường nổi danh, hẳn Ngài cũng biết: bất cứ bài nói truyện nào, muốn có hiệu quả, đều cần phải áp dụng các luật căn bản của khoa hùng biện Hy Lạp. Ngài áp dụng nhận thức đó vào việc phục vụ Phúc Âm. Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 2, cho ta một bài học có giá trị về điểm này, ta cần khảo sát kỹ. Bề ngoài xem ra như Ngài chỉ trích nghệ thuật ăn nói, mà bên trong, quả Ngài đã khai triển ra cả một nền thần học về rao giảng. Trước nhất, Ngài nhắc cho mọi người hay sứ mệnh của Ngài là rao giảng Chúa Giêsu như Đấng Được Xức Dầu, nhưng là Đấng Được Xức Dầu Chịu Đóng Đinh. Công bố cái chết của Chúa là điều chính yếu. Người chia sẻ bàn tiệc Chúa phải công bố cái chết của Người (1Cor 11:26), lời Chúa phải được công bố trong các hội đường (Cv 13:5). Ngài cho các thành phần Giáo Hội tại Rôma hay đức tin của họ đang nổi tiếng khắp thế giới (Rm 1:8). Cần phải nhấn mạnh tới việc trình bầy nơi công cộng. Không nhất thiết phải hiểu là công bố tại các công trường hay công thự. Vì điều ấy buộc Thánh Phaolô phải đảm nhiệm vai trò một diễn giả nơi công cộng. Tuy nhiên, việc công bố bao giờ cũng có tính công cộng: không thông đạt một thứ giáo thuyết kỳ bí cho một nhóm người được dẫn nhập bí mật, nhưng là thuật lại các biến cố cho bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe. Không như các nhà hùng biện thời Ngài, Thánh Phaolô từ khước không dùng bất cứ điều gì chỉ có mục đích khoái tai người nghe, mà cản trở việc hiểu rõ Phúc Âm. Ngài không nhằm gây giật gân, quyến rũ thính giả. Việc công bố của Ngài nhằm loan báo mầu nhiệm Thánh Giá. Ngài chỉ biết một điều, đó là Chúa Kitô chịu đóng đinh. Nhận thức ấy là trọn bộ nội dung sứ điệp của Ngài. Ngài thực sự nhập thân thực tại ấy. Chúa Kitô chịu đóng đinh sống trong Ngài (Gl 2:20).

Ngài cho ta biết Ngài rao giảng ra sao: Ngài rao giảng trong “run sợ”, một điều hết sức ngạc nhiên vì các thư của Ngài cho thấy Ngài có một đức kiên cường rất sáng ngời. Thực ra, đây là kiểu nói đặc biệt trong Cựu Ước, thường được dùng để nói về một người đang giáp mặt với kẻ thù hay một cuộc tấn công sinh tử (Xh 15:16; Đnl 2:25; Giuđít 2:28; Tv 54:6; Is 19:16). Rao giảng là một cuộc chiến đấu. Sự yếu đuối của Ngài giữa người Côrintô không phải là chuyện thường tình. Nó là bối cảnh để quyền lực của Thiên Chúa tự mạc khải ra. Ta thấy điều ấy trong 1Cor 1:27-29 và trong 2Cor 12:9 (“ơn Ta đã đủ cho con”). Thái độ này thật trái ngược với thái độ tự phụ của những nhà ngụy biện xiết bao. Thánh Phaolô chắc chắn không phải là loại người bạn có thể gọi là diễn giả mua vui cho đám đông.

Bản chất đặc biệt trong nghệ thuật rao giảng của Ngài thấy rõ trong các câu 1 Cor 2: 4 và 5 trong đó Ngài chơi chữ khá tinh tế. Nhiều chữ được Thánh Phaolô dùng với nghĩa kép, khó lòng ta mới có thể dịch nguyên văn được. Ngài dùng các chữ có nghĩa trong từ vựng tôn giáo nhưng cũng có nghĩa kỹ thuật trong khoa hùng biện. Chúa Thánh Thần được Ngài trình bầy như Đấng thuyết phục các tâm hồn. Thuật ngữ ấy dành cho Chúa Thánh Thần sức mạnh thuyết phục. Người mới là Đấng “chứng minh” (demonstration, bản phổ thông: ostensione) (một từ chuyên môn trong khoa hùng biện), và kết quả của việc chứng minh này không phải chỉ là một chứng cớ, một xác tín, nhưng là chính đức tin. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần đánh tan sự yếu đuối của Thánh Phaolô và sức mạnh chứng minh của Chúa Thánh Thần đánh tan sức mạnh thuyết phục của lời nói, vốn thuộc sự khôn ngoan của người đời.

Ngoài bối cảnh lịch sử phần nào xác định ra lối rao giảng của Thánh Phaolô, ta cũng có thể nhận diện được một vài yếu tố quan trọng đối với việc loan báo Phúc Âm. Sứ điệp phải đặt trọng tâm nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nói cách khác, nơi ơn cứu độ. Phương tiện sử dụng phải phụ thuộc vào nội dung sứ điệp, hay tốt hơn, phải làm nổi bật sứ điệp ấy. Hoa trái của rao giảng phải là đức tin, chứ không phải là một hình thức thuyết phục. Nơi Thánh Phaolô, đức tin phải được biểu hiệu bằng đức vâng lời (xem Rm 1:18). Nó là lòng trung thành với con người và lời nói của Chúa Kitô. Đó mới chính là hoa trái việc làm của Chúa Thánh Thần. Người mới là diễn giả thực sự, đứng đàng sau con người của nhà truyền giáo, là người có nhiệm vụ phải hành động trong “run sợ”. Đồng thời, điều ấy có nghĩa: tình thế ở đây không có chi ổn định, nó là một trận chiến, nhưng cũng cần hiểu thêm: đây là công việc của Thiên Chúa. Nó diễn ra trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Do đó, việc truyền giáo quả là một ‘nghề’ có tính thần học. Việc sắp xếp tinh tế trong đoạn văn vốn sử dụng được mọi phương tiện của khoa tu từ học này cho thấy nó không nghèo nàn về ngôn từ hay tính độc đáo. Trái lại, phương thế nào có thể chuyên chở được sứ điệp thì đều đã được Ngài sử dụng.

Đặc sủng và phép lạ

Không nên đánh giá quá thấp mà cũng không nên đánh giá quá cao vấn đề đặc sủng và phép lạ. Sách Tông Đồ Công Vụ cho ta thấy phép lạ không phải là nguyên nhân chính của việc rao giảng Phúc Âm. Đôi khi phép lạ đã không đóng góp tích cực chi vào việc rao giảng ấy. Khi một đám đông trở lại, thì điều ấy chủ yếu không do phép lạ mà là do lời rao giảng. Cũng có hiện tượng trong đó phép lạ bị hiểu lầm và trở thành nguồn cho lầm lẫn. Ở đây, chỉ cần nhắc đến việc chữa lành cho một người bất toại ở Lystra trong Công Vụ 14. Thoạt đầu, dân thành Lystra nghĩ Thánh Phaolô và Banaba là các thần Zeus và Hernes! Ngay sau biến cố ấy, ta được tường thuật rằng Thánh Phaolô bị ném đá, sau khi công chúng bị một nhóm người Do Thái từ Icôniô và Antiốc tới xúi giục (Cv 14:19). Công Vụ 16:18 thuật lại việc giải thoát cô gái nô lệ khỏi qủy ám đã gây phẫn nộ ra sao nơi người chủ vốn hưởng lợi nhờ ‘tài’ bói toán của cô ta. Sau cùng trong Công Vụ 28, Thánh Phaolô bị rắn hổ mang cắn nhưng không chết. Tuy nhiên những người chứng kiến cảnh ấy đâu có trở lại mà chỉ ngó nhau ngạc nhiên như thể muốn nói Thánh Phaolô chắc phải là một vị thần!

Tuy nhiên cũng không nên đánh giá quá thấp các đặc sủng và phép lạ, coi chúng như không có hay hoàn toàn vô ích. Lịch sử rao giảng Phúc Âm đầy các ơn lạ của Chúa Thánh Thần, những ơn lạ đã cùng các phương tiện thông thường và ngoại thường khác đem nhiều tín hữu lại cho đức tin. Muốn rõ điều ấy, chỉ cần đọc đoạn nói về các đặc sủng trong 1Cor 12-14. Tuy nhiên, vẫn phải nhớ: chính lời tiên tri, lời linh hứng trong các buổi tụ tập cầu nguyện mới là nguyên nhân trực tiếp làm người chưa có đức tin trở lại.

Trong các Thư của mình, Thánh Phaolô nói rất ít tới các phép lạ ngoại trừ trong đoạn nói về các đặc sủng, trong 1Cor 12-14 và có lẽ cả trong 1Cor 2:4, trong đó, khi nhắc đến việc chứng minh bằng quyền lực Chúa Thánh Thần, có thể Ngài muốn ám chỉ tới phép lạ. Chỉ có Sách Tông Đồ Công Vụ mới chứng thực cho các phép lạ mà thôi. Ở đây ta phải nhận rằng dù đôi lúc bị người ta hiểu lầm, nhưng các phép lạ thường là nguồn làm nhiều người trở lại. Như việc chữa người bất toại ở Lydda và việc phục sinh Tabitha ở Jaffa (Cv 9:32-43), việc Thánh Phaolô và Sila được thả cách lạ lùng khỏi nhà tù (Cv 16:25-34) chẳng hạn. Công Vụ 14:3 còn đáng lưu ý hơn. Lúc ấy Thánh Phaolô và Banaba đang giảng đạo tại Icôniô, và sách Công Vụ thuật lại như sau: “Phaolô và Banaba ở lại một thời gian khá lâu, mạnh dạn vì dựa vào Chúa, là Đấng chứng nhận lời giảng về ân sủng của Người, khi cho tay các ông thực hiện những dấu lạ điềm thiêng”.

Kết luận

Thánh Phaolô từng được hiểu lầm là người sáng lập ra Kitô giáo chỉ vì tác động mạnh của Ngài trong công cuộc truyền giáo từ thuở ban đầu. Như thế quả không vô lý khi ta coi Ngài như tấm gương chói lọi của mọi nhà truyền giáo. Đặc điểm chính yếu ta nên noi gương Ngài chắc chắn phải là sự gần gũi của Ngài với Chúa Kitô: “điều đáng kể là phải đặt Chúa Giêsu Kitô làm tâm điểm đời ta, để bản sắc ta chủ yếu được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ, bằng cuộc hiệp thông với Chúa Kitô và với Lời Người” (Đức Bênêđíctô XVI, buổi triều yết ngày 25 tháng Mười năm 2006).

Đặc điểm thứ hai là quan điểm truyền giáo của Ngài. Ngài coi nó như công việc của Chúa Thánh Thần cộng với ý thức về sự nghèo nàn của bản thân mình. Nhà tông đồ phải là một với Chúa Kitô, nhưng phải là Chúa Kitô trên Thánh Giá. Sức mạnh của nhà tông đồ phải là sự yếu đuối của mình, vì qua sự yếu đuối ấy, Chúa Thánh Thần mới biểu dương được hết mọi quyền lực của Người. Việc mở lòng ra với Chúa Thánh Thần này phải là điều kiện cho bất cứ hoạt động tông đồ có kết quả nào.

Đặc điểm quan trọng thứ ba là quan niệm của Thánh Phaolô về tính phổ quát của ơn cứu rỗi. Ngài là người của phổ quát tính. Trong một thế giới đầy chia rẽ và phân hóa giữa các dân tộc và các nền văn hóa, Ngài đã hiểu ra rằng sứ điệp của Chúa Kitô là sứ điệp dành cho mọi người, bất kể họ thuộc nền văn hóa hay tôn giáo nào, quốc tịch hay hoàn cảnh xã hội nào. Ngài hiểu rõ: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người” (Bênêđíctô XVI, buổi triều yết chung ngày 25 tháng Mười năm 2006).

Cuối cùng, tính trung tâm của Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, chắc chắn phải là bài học sau hết ta rút được từ gương sáng của Ngài. Thánh Phaolô luôn nghĩ rằng sứ mạng truyền giáo của Ngài phải được thực hiện trong lòng Giáo Hội và qua Giáo Hội. Truyền giáo là xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Điều ấy có nghĩa: Ngài không bao giờ tưởng tượng được việc rao giảng mà lại không do Giáo Hội sai đi. Dù khi phải gặp cho bằng được Thánh Phêrô để chắc mẩm là mình không rao giảng vô ích, hay khi yêu cầu cộng đoàn ở Rôma hỗ trợ, Thánh Phaolô đều biết rằng công việc truyền giáo luôn phải là hoa trái do mối liên kết sống động với Giáo Hội đem lại.

Phụ lục

Thánh Phaolô Tông Đồ, trong giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Từ lúc được bầu làm giáo hoàng cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thường hay nhắc đến khuôn mặt Thánh Phaolô, Tông Đồ Mọi Dân Tộc. Ngay từ ngày 25 tháng Tư năm 2005, Đức Thánh Cha đã đi thăm mộ Thánh Phaolô, nơi đó, Ngài đã nói trong bài giảng như sau: “Tôi đến đây để làm sống lại trong đức tin “ơn phúc tông đồ” này, vì, như lời Thánh Tông Đồ Dân Ngoại từng nói, Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi “nỗi lo lắng đối với mọi Giáo Hội”. Thánh Tông Đồ chủ yếu nổi tiếng là người rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Nếu nhiệm vụ của Giáo Hội là truyền giáo, thì người kế nhiệm Thánh Phêrô đã tới đây “có thể nói, trong một cuộc hành hương tìm về cội rễ của việc truyền giáo ấy” (Thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô, ngày 25 tháng Tư năm 2005).

Đức Giáo Hoàng nói về Thánh Phaolô trong ngày lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô và trong lễ bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất các Kitô Hữu hàng năm. Ngài cũng nói đầy đủ về con người và nền thần học của Thánh Phaolô vào các buổi triều yết chung các ngày Thứ Tư hàng tuần và khi loan báo Năm Thánh Phaolô, Ngài trình bầy Thánh Phaolô như người để ta bắt chước.

Khi đề cập tới con người của Thánh Phaolô, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến bản chất triệt để của cuộc gặp gỡ giữa thánh nhân và Chúa Kitô và sự mạc khải thánh nhân tiếp nhận được trên đường tới Đamát, coi chúng như nguồn thần học của Thánh Phaolô. “Ngài hiểu ngay tức khắc điều Ngài sẽ diễn tả sau này trong các trước tác của mình là: Giáo Hội hợp thành một cơ thể duy nhất với Chúa Kitô là đầu. Và điều này nữa: từ một người bách hại các Kitô hữu, Ngài đã trở thành Tông Đồ Dân Ngoại” (Kinh Chiều tại Nhà Thờ Thánh Phaolô ở Rôma, 25 tháng Giêng năm 2006).

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhấn mạnh tới việc Thánh Phaolô ý thức mình được Thiên Chúa chọn và sai đi. Đối với Thánh Phaolô, ơn Chúa gọi này, ơn Chúa tỏ bầy lòng nhân hậu này là lý do để Ngài đích thân tham dự việc truyền giáo. Việc tự hiến thân là nguyên nhân chính đem lại hoa trái cho việc tông đồ của Ngài (Kinh Chiều, 28 tháng Sáu năm 2007). Trong buổi triều yết ngày 25 tháng Mười năm 2006, Đức Giáo Hoàng cho rằng cuộc sống Thánh Phaolô được đánh dấu bằng tính trung tâm nơi con người Chúa Kitô và tính phổ quát nơi hoạt động tông đồ của thánh nhân. Điều giúp thánh nhân vượt qua được các chặng đường truyền giáo khó khăn chính là tình yêu của Chúa Kitô dành cho Ngài và tình yêu của Ngài dành cho Chúa Kitô (2Cor 5:14-15). Như thế, phúc tử đạo chỉ là hậu quả luận lý, là biểu thức tối hậu của tình yêu hoàn toàn, một tình yêu dẫn thánh nhân tới chỗ tự đồng hóa mình với Thầy Chí Thánh, cả trong sự chết.

Đối với Đức Giáo Hoàng, sứ điệp của Thánh Phaolô có tính quy Kitô rõ rệt (Buổi triều yết chung ngày 8 tháng 11), là công việc của Chúa Thánh Thần (15 tháng 11), là Giáo hội hiện diện trong tâm hồn Ngài (Buổi triều yết chung ngày 22 tháng Mười Một năm 2006).

Chúa Kitô công chính hóa con người “bằng lòng nhân từ của Thiên Chúa”, qua việc đi vào hiệp thông sâu sắc với con người, tha thứ mọi tội lỗi của họ. Đó là cảm nghiệm căn bản trong cuộc trở lại của Thánh Tông Đồ. Con người nên công chính nhờ đức tin. Khía cạnh thứ hai cho thấy khía cạnh quy Kitô này chính là bản sắc Kitô hữu: “Bản sắc Kitô hữu này được tạo thành bởi hai yếu tố: hạn chế không tự đi tìm chính mình; thay vào đó phải tiếp nhận mình từ Chúa Kitô và cùng với Chúa Kitô, tự hiến mình đi, nhờ thế tự mình tham gia vào đời sống của chính Chúa Kitô đến độ tự đồng hóa mình với Người và biết chia sẻ cả sự chết lẫn sự sống của Ngài” (Buổi triều yết ngày 8 tháng Mười Một).

Cuộc sống của Thánh Tông Đồ trở thành một thể hiện cuộc sống của Chúa Kitô. Việc này xẩy ra trong chúng ta qua sự sống Chúa Thánh Thần, sự sống được Thánh Phaolô gọi là Thần Khí Chúa Kitô. Thánh Phaolô phân tích việc làm của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Kitô hữu như sau: Người làm việc trong hiện thể và hoạt thể của họ (Buổi triều yết 15 tháng Mười Một năm 2006). Đối với Đức Giáo Hoàng, tư cách con cái Thiên Chúa, vốn là hoa trái sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi Kitô hữu đã rửa tội, là ơn phúc đầu tiên và là ơn phúc chính của Chúa Thánh Thần, một ơn giúp Kitô hữu có thể gọi Thiên Chúa là “Lạy phụ thân, lạy cha của con”. Sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa trong ta này là lời hứa hẹn cho vinh quang mai hậu.

Giáo Hội là chương cuối trong suy niệm của Đức Giáo Hoàng về Thánh Phaolô, là người “đã trở lại với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người” (Buổi triều yết chung ngày 22 tháng Mười Một năm 2006). Giáo Hội tìm thấy mình một cách đúng đắn trong cuộc đời của Thánh Tông Đồ. Đối với Ngài, các giáo hội vừa là nguồn vui vừa là nguồn sầu khổ. Đối với các giáo hội, Ngài vừa là cha vừa là mẹ. Nhiệm Thể Chúa Kitô được tiếp nhận trong Phép Thánh Thể (1Cor 10:17). Lời kêu gọi hiệp nhất và bác ái của Thánh Phaolô là kết quả tức khắc của quan niệm thần học nơi Ngài. Giáo Hội là nơi hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, đó là cộng đoàn những người kêu danh Chúa Giêsu Kitô.

Các suy niệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về con người Thánh Phaolô quả là một bản tóm lược giáo huấn của Ngài. Đức Thánh Cha đặt ta diện đối diện với một soạn giả mà có lần chính Thánh Phêrô cũng cho là khó hiểu. Các suy niệm này là phương pháp tuyệt hảo để ta phân tích các thư của Thánh Phaolô

________________________________________________________________________________

(*) Nhiều tác giả hoài nghi điểm này vì nếu Thánh Phaolô học tại Giêrusalem vào lúc đó, hẳn bản thân Ngài phải biết hay nghe nói về Chúa Giêsu. Thực tế, không thấy Ngài để lộ cái biết ấy. Xem bài “Vài nét sử học về cuộc đời Thánh Phaolô” (Vietcatholic các ngày 5 và 6 tháng 9 năm 2008)