Nghề làm lồng đèn ở giáo xứ Phú Bình thời bão giá

Vào những ngày đầu tháng 8 âm lịch, chúng tôi trở lại thăm khu làm lồng đèn trung thu ở giáo xứ Phú Bình thuộc P.5, quận 11 thành phố Sàigòn. Năm nay, đi từ cổng giáo xứ Phú Bình chúng tôi nhận thấy không khí mua bán ở đây thật đìu hiu vắng vẻ. Các đại lý ở đây chủ yếu trừng bày lồng đèn pin Trung Quốc. Lượng người mua lồng đèn giấy kiếng mỗi năm một ít.

Người đầu tiên mà chúng tôi trao đổi là chị T., một chủ đại lý bán lồng đèn ở cổng giáo xứ Phú Bình, chị cho biết: “Năm nay sức mua lồng đèn giấy kiếng kém hơn nhiều so với lồng đèn pin Trung Quốc”. Chúng tôi đi tiếp vào trong giáo xứ Phú Bình thuộc Phường 5, Quận 11, và sang cả khu vực giáo xứ Tân Phú Hoà, thuộc P. Phú Trung, Quận Tân Phú trước đây có mấy chục hộ làm lồng đèn nhưng hiện nay chỉ còn trên dưới 10 hộ gia đình còn giữ nghề. Có phải trẻ em bây giờ đã không còn thích thú với chiếc lồng đèn truyền thống khi mùa Trung Thu về, hay trong thời bão giá nghề làm lồng đèn không còn “đứng nổi”?

Nghề làm lồng đèn là cái nghề của cha ông để lại, nghề mang tính gia đình, cả nhà buổi tối cùng làm với nhau sau khi đi làm công sở về, cái nghề làm cho vui những lúc rảnh rỗi. Nghề làm lồng đèn trung thu hiện nay không còn là kế mưu sinh chính của các gia đình ở đây. Cho nên họ cũng không muốn kể chuyện về nghề của mình cho các nhả báo đến tìm hiểu. Nhất là những năm gần đây, nhiều gia đình không thể sống nổi với nghề nên đã bỏ dần. Tệ hơn nữa, sáu tháng đầu năm 2008, khi giá sinh hoạt, giá tiêu dùng leo thang, trong nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát, mọi thứ đều tăng giá thì đương nhiên vật liệu để làm ra chiếc lồng đèn cũng tăng giá theo. Tre, kẽm, giấy bóng kiếng, …và những vật liệu khác làm lồng đèn tăng từ 20% - 30%. Tuy chiếc lồng đèn lại được làm hoàn toàn bằng tay, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc tăng giá đó.

Anh H. một nghệ nhân làm lồng đèn đã có hơn 20 năm trong nghề nói với chúng tôi về tình hình năm nay. “Những năm trước, từ khi cò lồng đèn Trung Quốc thì chiếc lồng đèn này đã bán chậm. Năm nay, cái gì cũng tăng giá, tôi phải bỏ vốn nhiều hơn năm ngoái, nhưng một chiếc lồng đèn bán ra lại không tăng giá bao nhiêu”. Giá chiếc lồng đèn bỏ sỉ năm nay theo một số bà con làm lồng đèn cho biết chỉ khoảng 5000đ một chiếc cỡ trung và 2500đ một chiếc cỡ nhỏ thì vốn họ bỏ ra cũng hơn một nửa. Lượng tiêu thụ lồng đèn năm nay giảm đáng kể theo nhiều người lý giải có thể là do giá xăng dầu cao làm cho phí vận chuyển về các tỉnh tăng. Và khi chiếc lồng đèn đến tay trẻ em vùng nông thôn thì cũng phải ở mức giá 7000đ- 8000đ một chiếc. Với giá ấy thì trẻ em vùng quê còn nghèo không có khả năng để mua. Còn ở thành phố thì người lớn thường mua cho con em mình những chiếc lồng đèn xài pin Trung Quốc vừa tiện lợi và không sợ chúng phải bỏng tay. Dần dần những chiếc lồng đèn xài pin Trung Quốc đủ kiểu đã thay thế cho chiếc lồng đèn truyền thống của dân tộc. Hiện nay đã qua rồi cái thời mà ở khu Phú Bình nhà nhà làm lồng đèn như những năm thập niên 90 trước đây. ông H. một nghệ nhân làm lồng đèn tâm sự với chúng tôi: “Năm ngoái gia đình tôi làm năm sáu ngàn con một mùa, năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái, nhưng đến bây giờ chưa bán được bao nhiêu. Nếu năm nay bán không hết năm sau gia đình tôi không làm nữa. Bỏ nghề buồn lắm ! Nhưng biết làm sao được, vì nghề này bỏ nhiều vốn nhưng lời chẳng bao nhiêu. Chủ yếu là lấy công làm lời”.

Nhìn những chiếc lồng đèn lung linh ánh nến vào mỗi đêm rằm tháng tám làm chúng ta nhớ về những kỷ niệm đẹp thời xa xưa. Mong rằng nghề làm lồng đèn truyền thống ở giáo xứ Phú Bình còn mãi với thời gian để cho thế hệ trẻ em hôm nay được rạng rỡ niềm vui khi đi bên chiếc lồng đèn mỗi mùa trung thu về.