MỘT “DỰ ÁN PHONG THÁNH” ĐÃ BẮT ĐẦU BẰNG… DÙI CUI ĐIỆN

Một dự án “Phong Thánh” được bắt đầu?

Khi những người cầu nguyện ôn hòa trên đường phố Thái Hà đã suốt một buổi chiều vất vả kiên trì chờ những người bị bắt được thả ra, thì hàng trăm người sau buổi cầu nguyện tại khu đất lại tiếp tục đến hiệp thông với họ.

Để đón tiếp mấy trăm con người đến cầu nguyện nói lên nguyện vọng của mình, là thả những người mà theo họ là vô tội, (bởi theo họ, vụ án đã khởi tố các nạn nhân khi họ đi đòi lại những tài sản của Giáo hội mà họ đang có đầy đủ chứng cứ đã bị chiếm đoạt, trong khi các chứng cứ của phía nhà nước đang chiếm đoạt đưa ra đã bị họ bác bỏ một cách dễ dàng) thì lực lượng công an, cảnh sát cơ động được trang bị bằng những công cụ hỗ trợ mua bởi tiền của từ sự đóng góp của những người dân lành kia đã ra tay. Một số người bị trọng thương, một số người đã lại bị bắt đi.

Máu của họ đã đổ vì những quyền lợi thánh thiêng của Giáo hội Công giáo.

Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy tận mắt những điều có thể làm để chứng tỏ sự tàn bạo mà loài người có thể thực hiện, khi mà cả chục người thi nhau dẫm đạp, đấm đá, chọc bằng dùi cui điện ngay giữa đường phố đông đúc với một người dân vô tội đang cầu nguyện ôn hòa.

Như vậy, sau những “dự án” của Nhà nước về chuyển đất đai, tài sản của Giáo hội thành của nhà nước, tiếp đến là dự án chuyển tài sản nhà nước đó thành tài sản tư nhân. Khi dự án tư nhân hóa không thành công bởi giáo dân đã phát hiện, lại chuyển thành dự án công cộng, và để thực hiện dự án đó bằng mọi cách, thì một dự án không nằm trong kế hoạch đã bắt đầu được thực hiện: Dự án “Phong Thánh” cho những giáo dân kiên cường. Tiếc rằng, những dự án này được viết những dòng bắt đầu bằng dui cui điện và kết quả là những giọt máu đào kiên cường đã đổ xuống.

Sau khi đã đưa ra các chứng cứ non yếu về tính pháp lý đối với việc chiếm đoạt đất Dòng Chúa cứu thế - Xứ Thái Hà nhưng không hiệu quả. Bởi những cái gọi là chứng cứ đó được đưa ra, càng thấy rõ sự áp đặt, sự đánh tráo lẫn lộn các khái niệm đơn giản để áp đặt những ý muốn chiếm đoạt bằng mọi cách của nhà nước. Họ biết rằng: Nếu đối thoại hợp lý hợp tình, thì rõ ràng những cái gọi là chứng cứ nói trên dễ dàng sụp đổ. Nhà nước đã phải tính đến việc dùng lực lượng chuyên chính vô sản: Công an và dùi cui điện. Bắt đầu bằng lệnh khởi tố vụ án tại 178 Nguyễn Lương Bằng.

So với các vụ án khác, vụ án “phá hoại tài sản này" chỉ là… con muỗi nếu có, bởi cái gọi là tài sản đó chỉ là mấy mét tường rào gạch đáng giá bao nhiêu? Có bằng những dự án hàng ngàn tỷ đồng đã bị phá sản? có bằng hàng ngàn hecta rừng bị hô… biến hay không? Có bằng những vùng đất mênh mông của đất nước đang bị chiếm đoạt vô cớ không? Nó có nghiêm trọng bằng việc Bí thư tỉnh ủy, ủy viên trung ương đảng đã chiếm đoạt vô cớ đất đai của Bà mẹ liệt sỹ đẩy gia đình họ ra lề đường không? Sao chỉ bị “khiển trách” mà không khởi tố vụ án? Đó có là tài sản, là mồ hôi nước mắt của nhân dân hay không?

Trong khi những người dân lành này đã và đang xác quyết tài sản đó là của họ, khi họ tuyên bố: “Trong thời gian UBND TP chưa cung cấp được đầy đủ những chứng cứ đủ cơ sở pháp lý để chứng minh quyền sử dụng đất đai, tài sản trên, thì đất đai tài sản trên vẫn đương nhiên thuộc Dòng Chứa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà” .

Cũng phải nói rằng, đây là một lời tuyên bố dựa trên cơ sở pháp lý hiển nhiên về tài sản.

Nhưng, vụ án này đã được nhà nước xử sự khác hơn. Ngay từ đầu, không cần đến lệnh triệu tập lần thứ hai, các giáo dân đã được cả một hệ thống công an dày đặc ào ào áp giải bắt đến quận Công an.

Vụ án này cũng khác hơn những vụ án khác, nó được thực hiện sau khi hệ thống truyền thông đã làm kỹ càng theo định hướng là: “tạo dư luận lên án, đấu tranh” . Với những người làm truyền thông nhà nước, bất cứ công việc gì của hàng ngũ giáo dân, linh mục làm đều được coi là “vi phạm pháp luật” Kể cả việc “gửi đơn khiếu nại”? gửi thư hiệp thông… (Xem báo HNM thì đầy rẫy những điều này).

Nhưng việc giáo dân bị trấn áp bằng dùi cui điện, bằng lực lượng chuyên chính ào ào như sôi với đám dân lành đang không tấc sắt trong tay, thì chưa thấy một báo nào trong hệ thống đó nhắc tới. Tôi không hiểu sao họ không đưa tin này làm tin nóng để báo cáo thành tích chào mừng 63 năm ngày thành lập cái nhà nước này mà chỉ còn một vài ngày nữa là cả dàn đồng ca lại thi nhau hót?

Một linh địa mới có thể được ghi danh

Người Công giáo xứ Thái Hà, cũng như những người Công giáo Hà Nội và toàn thể Giáo hội Công giáo toàn cầu, đã từng chấp nhận nhiều sự bách hại, đàn áp từ xưa tới nay, đâu có là chuyện lạ. Ngay từ thời sơ khai, nhiều người đã từng chấp nhận cái chết dưới các Thánh Giá lửa với những tiếng hát cất lên trong đêm. Và họ đã được thanh thản khi cái chết đến với họ trong niềm tin yêu mãnh liệt.

Người Công giáo hiểu rằng: với những thế lực thế gian, sự đau khổ, những điều họ chịu đựng chỉ là chuyện nhỏ, nếu vì danh Cha cả sáng.

Nhìn những cảnh giáo dân bị xâu xé, bị dồn đuổi đánh đập bằng dùi cui điện, băng giày đinh giữ phố, tôi cứ tưởng tượng đến những hình ảnh trên quãng trường cổ xưa kia khi hàng loạt giáo dân đã bị xua ra cho các loại thú dữ bị bỏ đói lâu ngày.

Nhưng, giáo dân có nhụt chí? có sợ hãi trước những cảnh đó không? Tôi tin là không. Khi những sự việc đã xảy ra, có mặt ở nhà xứ, kể cả những người bị đánh đập trọng thương đã nói: “Không đáng sợ, kể cả phải chết” , đó có phải là điều làm cho những người cầm quyền phải suy nghĩ chăng? Hay họ muốn chết thì… được chết để thể hiện quyền tự do gấp triệu lần tự do tư bản?

Và khi những người thân của họ đang trong vòng lao lý, mà họ là những người đã chứng kiến và chấp nhận tất cả, kể cả sự bạo tàn, thì điều đó rất có thể đến.

Nhưng có một điều hết sức khác biệt với những cái chết đơn thuần. Đó là dù có thể là những cái chết được báo trước, họ vẫn thấy trọn vẹn lòng tin mến mà không hề sợ hãi, sau khi nghe tin giáo dân Thái Hà bị đàn áp, rất nhiều người lại lũ lượt đến Thái Hà cùng chia sẻ với họ.

Nếu có một người nào ngã xuống, thì nơi đây, vốn là đã là nơi hành hương sẽ trở thành linh địa thiêng liêng. Khi đó, không có bất cứ một thế lực thế gian nào làm cho con người phải khuất phục trong sợ hãi.

“Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mattheu –X-18)

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2008