Bắc kinh (AsiaNews) – Có hai tiêu chuẩn song hành: Trong lúc những người ngoại quốc cư ngụ trong làng Thế vận được hưởng đầy đủ (hay gần như đầy đủ) tự do tôn giáo, thì Giáo hội công khai và Giáo hội hầm trú tại Trung quốc bị đặt dưới sự canh chừng chặt chẽ của cả công an lẫn Hội Yêu nước, để “tránh các buổi tụ tập đông người” và “bảo đảm an ninh” trong thời gian Thế vận hội.

Như lời hứa của chính quyền Trung quốc, có cả một khu vực trong làng Thế vận dành riêng cho vấn đề tâm linh và cầu nguyện. Các tín hữu Công giáo và Tin lành chung nhau một khoảng không gian; cũng còn chỗ dành cho Phật tử, tín đồ Hồi giáo, Ấn giáo và Do thái giáo. Người ta còn săn sóc đến cả phẩm chất của những thực phẩm dành cho người hành đạo: đồ ăn chay, halal (thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo), kosher (thực phẩm theo tiêu chuẩn Do thái giáo)… Một số đoàn tham dự Thế vận hội còn có riêng vị tuyên úy để cử hành lễ nghi, gặp gỡ tín đồ, và tự do giảng dậy, v.v…

Các vị tuyên úy Trung quốc hiện diện trong khu vực cho biết còn có cả những nghi lễ được sự tham dự của người ngoại quốc và tín đồ Trung quốc. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động đó đều nằm trong phạm vi ngôi làng Thế vận khép kín, chỉ những người đã ghi danh hoặc những ai tháp tùng họ mới được vào.

Khách du lịch người nước ngoài nói chung được đối xử rất mực hào phóng, ngay cả nếu có một vài trường hợp ngoại lệ. Một nhóm người Kitô giáo Mỹ bị chặn lại tại Côn Minh (Vân nam) vì lý do mang theo 300 bản Kinh thánh. Luật lệ Trung quốc cấm nhập cảng các sách về tôn giáo quá số lượng cần thiết dành cho việc sử dụng cá nhân.

Vì có du khách người nước ngoài trong thành phố, tại Dong Tang (giáo xứ thánh Giuse) và Bei Tang (giáo xứ St. Saviour) đã có các linh mục nói tiếng mẹ đẻ dâng thánh lễ bằng tiếng Đức và tiếng Ý. Một số giáo dân Trung quốc cũng đến tham dự các nghi thức này. Cho đến nay, không rõ sự tự do này sẽ còn tiếp tục sau Thế vận hội hay không. Một linh mục Trung quốc cho AsiaNews biết chính quyền sẽ cứu xét khả năng trong tương lai về các “vấn đề an ninh”. Cho đến nay các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ được những vị chủ tế người nước ngoài cử hành tại các sứ quán (trong những khu vực “được đặc quyền ngoại giao” ), nhưng đó là nơi người Trung quốc không được phép đến, vì công an địa phương kiểm soát và ghi thông hành của tín đồ khi họ ra vào sứ quán.

Nỗ lực tách rời tín đồ Trung quốc ra khỏi người đồng đạo nước ngoài là một phần trong kế hoạch toàn bộ của Hội Yêu nước nhằm thiết lập một giáo hội quốc doanh, tách biệt ra khỏi mọi người khác. Đó là lý do tại sao, mặc dầu đã có những chỉ trích nặng nề chính quyền Trung quốc về chính sách kiểm duyệt internet, nhiều websites với những trang viết bằng tiếng Tầu vẫn còn bị ngăn chận không cho truy cập, trong số đó có: Đài Phát thanh Vatican, AsiaNews, các mạng lưới của Giáo hội ở HongKong, Hàn quốc, Singapore…

Vấn đề “an ninh” đã từ lâu khống chế khung cảnh xã hội Trung quốc, nơi vì tham nhũng, ô nhiễm môi trường, chiếm đoạt tài sản, có từ 200 đến 300 các vụ phản kháng nổ ra mỗi ngày, nhưng thay vì truy nguyên lý do phát sinh ra các vụ đụng độ đó, chính quyền chọn cách bắt giữ người biểu tình, bắn vào đám đông, và dẹp tan các vụ tụ tập. Trong thời gian Thế vận hội, bằng quyền hành của mình, Trung quốc làm mọi cách để khoác lên một bộ mặt tân tiến và tự do, nhưng trong nỗ lực đề cao hình ảnh đó, chính quyền đã cấm đoán mọi cuộc phản kháng như biểu tình và đưa kiến nghị, cấm mọi hình thức phát biểu công khai của những tiếng nói bất đồng. Cộng đồng Thiên chúa giáo cũng phải trả giá cho sự cấm đoán đó, mặc dầu chưa có người tín hữu Thiên chúa giáo nào bị kết án có hành vi bạo động chống lại nhà nước.

Trước thời gian Thế vận hội, tất cả các giám mục và linh mục thuộc giáo hội quốc doanh đã nhận được thư và khuyến cáo không được tổ chức các cuộc tập họp và nghi lễ đặc biệt trong thời gian có các cuộc tranh tài. Nếu trước đây đã có kế hoạch tổ chức như thế thì số người tham dự không được quá 200 và thời gian phải càng ngắn càng tốt. Vì lý do này, nhiều linh mục sợ giữ giáo hữu quá lâu trong nhà thờ, đã chọn cách bỏ bớt bài giảng, ngay cả thánh lễ ngày Chủa nhật.

Theo nguồn tin AsiaNews nhận được, tình hình giáo hội chui còn tồi tệ hơn nữa: ngoài những vị giám mục đã bị mất tích từ lâu, trong các tuần lễ vừa qua, nhiều giám mục và linh mục bị giam giữ tại gia và giáo dân bị đe dọa không được tổ chức hội họp dưới bất cứ hình thức nào trong thời gian này, nếu không “sẽ có hậu quả sau thời gian Thế vận hội.”

Tại Hà bắc (Hebei) giám mục Giulio Jia Zhiguo giáo phận Zhengding bị canh chừng ngày đêm. Công an còn dựng lều ngay trước nhà ngài, thay phiên nhau kiểm soát không cho ngài được gặp bất cứ ai.

Ngay cả tại Thiên tân (Tianjin), các giám mục và linh mục cũng bị giam giữ tại gia. Các tín hữu được “kêu gọi” không đón tiếp bất cứ linh mục chui nào, nếu không sẽ bị phạt vạ nặng nề. Tại nhiều nơi, các cộng đồng thường tổ chức những khóa học hỏi giáo lý cho thanh thiếu niên vào mùa hè, nay bị bắt buộc phải hủy bỏ mọi chương trình. Các linh mục khác được công an “khuyên” đi nghỉ hè để giữ cho các vị đó cách xa cộng đoàn.

Cảm tưởng của nhiều quan sát viên là Trung quốc muốn trình bày một bộ mặt cởi mở và tự do cho thế giới bên ngoài thấy, nhưng bên trong, họ tiếp tục kiểm soát và hạn chế. Để khoa trương hình ảnh của một “thiên đường” tự do tôn giáo, tờ báo bán chính thức của nhà nước bằng Anh ngữ - China Daily – được hầu hết du khách tìm đọc, trong thời gian này đã đăng tải một loạt những bài tường trình về các thánh đường tại Bắc Kinh và lịch sử của những ngôi thánh đường đó.