Những Người Cha Đức Hạnh
Quebec – August 5, 2008 – “Những Người Cha Đức Hạnh” (Fathers For Good) là một đề tài nổi bật mà ông Thượng Đại Hiệp (Supreme Knight) Carl Anderson thuyết giảng trong ngày khai mạc Đại Hội Thế Giới thứ 126 do đoàn Kha-luân-bố (Knights of Columbus) tổ chức tại thành phố Quebec, Canada từ ngày mùng 5 cho đến mùng 8 Tháng 8, 2008. Ông Carl Anderson nói: “Cương vị làm cha trong gia đình là một món qùa được Thiên Chúa trao ban, một đặc ân và là một trách nhiệm”.
Vai trò của người cha trong gia đình là một trọng trách vì phải đương đầu với nhiều thử thách. Vì là cột trụ của gia đình nên họ phải tạo cho chính mình những cơ hội thuận tiện hầu tâm trí được rèn luyện qua bốn nguyên tắc chính sinh hoạt của Đoàn là – Bác Ái, Hiệp Nhất, Huynh Đệ và Ái Quốc. Khi đã thấu hiểu và thực thi những nguyên tắc này người gia trưởng sẽ trở thành những người cha gương mẫu trong gia đình, một Kitô hữu nhiệt thành trong xứ đạo và cũng là một công dân tốt trong xã hội.
Không ai phủ nhận gánh vác việc gia đình là chuyện nhẹ nhàng và dễ ăn. Trái lại là một thách đố và đôi khi đòi hòi rất nhiều hy sinh. Người cha đóng vai trò quan trọng cùng với người mẹ trong việc giáo dục con cái vì gia đình là trường học đầu tiên. Có như thế giới trẻ sẽ trở thành những chứng nhân và là niềm hy vọng của Giáo Hội. Thánh Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh gía trị của vai trò này như sau: “cha mẹ có bổn phận hết sức là quan trọng là giáo dục con cái và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì nó khó lòng bổ khuyết được.” (Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo – Gravissimum Educationis, Số 3, 24). Hơn thế nữa tình yêu của người chồng dành cho người bạn đường của mình phải được đề cao vì đó là một món qùa vô gía mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Và từ đó tình yêu sẽ được nảy nở và phát triển trong đời sống của một gia đình và một xã hội tốt đẹp và hoàn hảo được gầy dựng: “Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình có một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện con cái trong đời sống cá nhân và xã hội trở nên dễ dàng.”
Ngoài việc hướng dẫn và giáo dục con cái trong phạm vi gia đình, người cha còn có một trách nhiệm không kém phần quan trọng là cùng hợp lực với cha sở để xây dựng Giáo Hội địa phương, Giáo Xứ. Thượng Đại Hiệp Carl Anderson luôn luôn nhắc nhở các thành viên Kha-luân-bố là tạo Tình Liên Kết Với Hàng Giáo Phẩm để xây dựng lại Giáo Hội (Solidarity With Our Priests, Bishops to Rebuild Our Church). Ông đã nhắn nhủ các vị Đại Biểu Tiểu Bang trong những buổi họp hàng năm và gần đây nhất vào đầu Tháng 6 vừa qua tại New Haven, Connecticut như sau: “Khi được đề cử vào một chức vụ nào, các bạn hãy chấp nhận như là một Đặc Ân (Privilege), không nên coi đó như là một tước quyền” (entilement). Qủa thế, khi cùng đồng hành với cha sở trong bất cứ một công việc nào, họ đã đáp ứng lời mời gọi làm Tông Đồ Giáo Dân; đây là một Đặc Ân, một Ơn gọi mà Công Đồng Vatican II đã khuyến khích: “Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ….Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương.” (Ch. 10, 2). Giáo hội đã đề cao tước vụ này như một tư tế để: “Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại…vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.” (Sắc Lệnh Về Tông Đồ Giáo Dân - Ch 1, 2).
Là ‘Men trong Bột’, người cha phải là con người ‘gương mẫu’ trong gia đình và trong cộng đồng xã hội nơi họ sinh sống. Đóng một vai trò rất cao cả làm người ‘gieo giống’ trong ruộng đồng đầy cỏ “lùng”, bị tạo nên bởi một xã hội đầy tệ đoan và những tranh chấp, người cha phải thể hiện tinh thần rao giảng Phúc Âm và thánh hoá nhân loại, từ đó tinh thần Phúc Âm sẽ được thấm nhập vào trong xã hội. Thượng Đại Hiệp Carl Anderson cũng nhắc lại: “Tinh thần Hiệp Nhất cần được thể hiện nơi anh em qua việc cổ võ sự kính trọng lẫn nhau.” sự hiểu lầm lẫn nhau sẽ được giới hạn nếu các thành viên thấu hiểu rõ về nguyên tắc và luật lệ mà Đoàn đã đề ra. Do đó việc tham khảo và học hỏi về những nguyên tắc sinh hoạt của Đoàn luôn được khuyến khích và đề cao trong mọi khóa huấn luyện của cấp Tiểu Bang. Trong Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo, Công Đồng Vatican II đã phát biểu: “Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm gía con người, đều có quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục…Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn viên…”(No. 1, 6).
Sinh hoạt chung trong một tập thể, tình liên đới cần được đề cao và thể hiện trong tinh thần yêu thương và tha thứ. Biết người, biết ta tạo nên sự Hiệp Thông và đưa đến kết qủa phong phú nếu con người biết kết hiệp với Chúa Kitô, như Ngài đã phán: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy mới sinh được nhiều hoa trái vì ngoài Thầy ra các con chẳng làm gì được” (Gio 15,5), và khi đã kết hiệp với Chúa Kitô, theo lời Thánh Tông Đồ: “Hết thảy công việc anh em làm trong lời nói hay trong việc làm, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thực hành, nhờ Người để cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa” (Col 3,17).
Ad Gloriam Dei