GIỚI TRẺ THUẬN NGHĨA – TỰ HÀO VÀ TRĂN TRỞ

Thuận Nghĩa, giáo hạt địa đầu phía bắc của giáo phận Vinh, gồm 16 giáo xứ, trải dài trên hai huyện Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn, với 55.365 giáo dân, trong đó có 21.827 đang ở độ tuổi học trò - thế hệ trẻ của Giáo hạt (theo thống kê tất niên 2007). Đây là một vùng đất nghèo, kinh tế chủ yếu là độc canh nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Dẫu vậy, tiếp bước những trang sử hiến hách của cha ông, Giới trẻ Thuận Nghĩa hôm nay đã làm được rất nhiều điều đáng tự hào.

Giáo hạt Thuận Nghĩa nằm trong lòng huyện Quỳnh Lưu, vùng đất mà theo thuyết phong thuỷ là “địa linh nhân kiệt”, chẳng phải thế mà từ lâu trong dân gian đã truyền tụng câu ca: “Bắc Hà, Hành Thiện, Hoan Diện, Quỳnh Đôi” như những dẫn chứng về truyền thống hiếu học của đất làng Quỳnh.

Mang trong mình truyền thống hiếu học, dân chúng nơi đây dù có phải mò cua bắt ốc đi nữa thì nhiều gia đình vẫn cố gắng cho con theo đòi nghiên bút “ăn mày lấy dăm ba chữ thánh hiền”, bởi vậy mà ngay từ xa xưa Quỳnh Lưu đã xuất hiện không ít nhân tài. Chỉ tính riêng làng Quỳnh Đôi, từ thời phong kiến đã có bao người đỗ đầu các khoa thi, và hiện nay ước tính làng có 500 người tốt nghiệp đại học, hàng chục giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ quốc tế.

Về văn học, đất Quynh cũng có nhiều người nổi tiếng như: Hồ Xuân Hương, Hồ Sĩ Đông. ..

Về tôn giáo - lịch sử, giáo hạt thuận Nghĩa đã trải qua một lịch sử đầy bi hùng nhưng cũng rất hào hùng. Trong những thời kỳ đó, đã nẩy sinh nhiều chứng nhân của đức Tin, làm nên những trang sử vẻ vang, quật cường, như Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, Cha Giacôbê Nguyễn Danh Thông (tử đạo 1860), Cha Tađêô Lạng ( tử đạo 19-7-1861) và Cha Phêrô Nguyễn Đình Trúc (tử đạo 1862)... Hiện nay Giáo hạt đã có hàng trăm linh mục, hàng ngàn tu sĩ nam nữ. Ngoài ra, Thuận Nghĩa còn là cái nôi ươm trồng những mầm non ơn gọi đầy thánh thiện và những chứng nhân đức tin kiên cường cho giáo phận.

Từ lâu, Thuận Nghĩa là một trong những Giáo hạt luôn dẫn đầu địa phận về các phong trào, sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là của giới trẻ. Nhờ các chủ chăn năng động và đầy nhiệt huyết dẫn dắt, nhiều đoàn thể đã được ra đời nhằm cố kết niềm tin, nuôi dưỡng đời sống đạo cho giáo dân như: Hội Đoàn Thánh Tâm, Legio Marie, Phan Sinh Tại thế, Đoàn con cái Đức Mẹ, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Giới Trẻ Phan Sinh,... Mặt khác, phong trào học giáo lý của giáo hat cũng rất được chú trọng, đề cao và đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Giáo hạt đã từng tổ chức được các khoá học giáo lý cơ bản, các nhóm chia sẻ lời Chúa hàng tuần, tổ chức thành công các kỳ thi giáo lý cấp giáo xứ, cấp giáo hạt. .. Một điều đáng tự hào nữa là kể từ 13 năm trở lại đây giáo hạt Thuận Nghĩa luôn đạt những thứ hạng cao trong các cuộc thi ở cấp giáo phận.

Bên cạnh đó, Giới trẻ Thuận Nghĩa cũng đã tổ chức được rất nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tổ chức các trại hè giới trẻ (qua đó các bạn trẻ được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và nâng đỡ nhau trong đời sống đức Tin), tổ chức các cuộc thăm người nghèo, viếng những bệnh nhân phong cùi (Quỳnh Lập...), thăm trại trẻ mồ côi (Xã Đoài...)... Đó là những nghĩa cử cao đẹp an ủi và sẻ chia với những thân phận khó nghèo, bất hạnh, giúp họ vui sống tinh thần thanh bần và nhân ái của Tin Mừng, nâng đỡ họ trên con đường về Quê Trời đầy vất vả.

Đặc biệt năm 2006, năm Giới trẻ giáo phận Vinh, Cây Thánh Giá được rước luân lưu đến các giáo xứ, đại hội giới trẻ cấp giáo hạt, cấp giáo phận được tổ chức..., những sự kiện này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống đức Tin của các bạn trẻ, đánh thức và bồi bổ thêm những ước mơ, lý tưởng cao đẹp về cuộc sống có ích cho xã hội và cho Hội Thánh.

Với truyền thống hiếu học sẵn có, bà con giáo dân rất hưởng ứng các hội khuyến học mà giáo xứ tổ chức: các bậc phụ huynh dù cuộc sống còn nghèo đói nhưng vẫn luôn động viên và tạo điều kiện cho con cái học hành, nhờ vậy phong trào học tập được nâng cao. Nhiều giáo xứ cũng tổ chức các khóa học bồi dưỡng cho Giới trẻ về văn hóa, nhạc lý, tin học, ngoại ngữ... như giáo xứ Song Ngọc, Thuận Nghĩa, Cầm Trường... nên nhiều ngươi con của giáo hạt đã tiếp bước cha ông, ghi tên tuổi vào những bảng vàng học vấn. Con số 600 sinh viên ở các trường đại học & cao đẳng, 300 nam tu và 800 nữ tu nói lên điều đó. Mặt khác, đối với những bạn trẻ do điều kiện không thể tiếp tục con đường học tập thì các giáo xứ cũng đã cố gắng mở các lớp dạy nghề như: may, thêu, đan, làm hộp quẹt, chăn nuôi... (giáo xứ Thanh Dạ, Cồn Cả, Yên Hòa...), nhằm giải quyết những khó khăn về việc làm, cải thiện đời sống dân nghèo. Có thể nói đây là một hoạt động rất thiết thực và đầy ý nghĩa không chỉ giúp giáo dân có điều kiện sống “đẹp Đạo” mà còn sống “tốt đời”. Vì thế, hiện nay các giáo xứ trong giáo hạt đang cố gắng phát huy và mở rộng hơn nữa hoạt động này. Cho nên, sự giúp đỡ của xã hội, các quý ân nhân và sự quan tâm của giáo phận là điều hết sức quý báu và cần thiết.

Có thể nói các nền tảng sinh hoạt trên đã đọng lại trong từng người trẻ hạt Thuận Nghĩa, nên cho dù vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người phải rời xa quê hương, rời xa luỹ tre làng thân thuộc để đi làm ăn hay đi học nơi đất khách quê người (con số này lên tới 4.000 bạn trẻ), thì các bạn vẫn duy trì được các sinh hoạt hàng tuần ở các nhóm, như đã từng tổ chức ở giáo xứ (chẳng hạn như tham gia nhóm sinh viên công giáo Giáo phận Vinh tại Hà Nội, tại Huế, các nhóm chia sẻ Lời Chúa ở Sài Gòn, Bình Dương, Hải Phòng...), và luôn cố gắng giữ mối liên lac với giới trẻ ở quê nhà. Nhiều bạn trẻ đi xa đã chăm chỉ làm việc, học tập, tích luỹ vật chất, của cải. .. để gửi về giúp đỡ quê hương xây dựng cơ sở vật chất và tạo điều kiện để các em ở nhà có thể tiếp tục sự nghiệp học hành cho một tương lai tươi sáng hơn. Có thể nói dù ở đâu, dù làm gì các bạn trẻ giáo hạt Thuận Nghĩa cũng luôn ý thức: không đặt vấn đề Đất Nước, Giáo Hội đã làm gì cho mình, mà luôn tự hỏi giới trẻ phải làm gì cho xã hội, cho Tổ quốc, cho Hội Thánh?

Tuy nhiên bên cạnh những mặt mạnh, Giới trẻ hạt Thuận Nghiã cũng không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn nhất thời.

Hạt Thuận Nghĩa cũng như nhiều xứ sở miền Trung khác, đời sống nhân dân còn rất nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế vẫn là độc canh nông nghiệp trong cái khắc nghiệt của thiên nhiên, cho nên nhiều gia đình lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, thu nhập hàng ngày ở dưới mức trung bình, không đủ trang trải, chi phí cho cuộc sống và lo cho con cái học hành, dẫn đến một số bạn trẻ đã không cưỡng lại được sức cám dỗ hấp dẫn của đồng tiền, của vật chất đã ra đi, bị lợi dụng, rơi vào các tệ nạn xã hội, trượt dài trên con đường không lối thoát và đánh mất chính mình.

Cũng vì hoàn cảnh kinh tế như vậy nên đội ngũ giáo lý viên ở các xứ đạo còn thiếu về số lượng cũng như yếu chất lượng. Vì ít kinh nghiệm và nghiệp vụ còn chưa cao, nên dù đã có nhiều cố gắng nhưng trình độ học vấn của số đông học sinh vẫn còn đang thấp kém. Ngoài ra những khó khăn không thể không kể đến là do hoàn cảnh nghèo nàn, môi trường lạc hậu, thiếu thốn sách vở, tài liệu, phương tiện kỹ thuật, đã hạn chế cơ hội học hỏi giao lưu cũng như giao tiếp rộng rãi với thông tin toàn xã hội của các em.

Một khó khăn cũng cần phải nhắc tới nữa là hiện nay do ít người đảm đương được công việc của giáo họ, giáo xứ, nên các linh mục rơi vào tình trạng quá tải trong việc mục vụ, nhiều lúc không đủ sức quan tâm, quản lý và đồng hành được với giới trẻ hay các hội đoàn. Bên cạnh đó, sự thiếu đông đều, đồng bộ trong các sinh hoạt giữa các giáo xứ cũng là một khó khăn, hạn chế không nhỏ.

Giới trẻ là tương lai, là hy vọng của Giáo hội, giới trẻ hôm nay có tốt thì Giáo hội tương lai mới được bảo toàn và vững chắc. Ý thức được điều đó, Giáo hội, qua các triều đại Giáo hoàng cũng đã có những quan tâm đặc biệt đến các bạn trẻ, thể hiện qua giáo huấn của các ngài trong các Đại hội Giới trẻ Thế giới. Chính Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã từng nhăn nhủ: “Các con, hỡi những bạn trẻ của cha, các con được giáo phó một sứ vụ hết sức đặc biệt của việc làm chứng tá cho đức tin thời nay và cam kết mang Phúc âm của Chúa Kitô vào thiên niên kỷ thứ 3 của Kitô Giáo để xây dựng một nền văn minh tình thương” (ĐHGTTG 20), và lời kêu gọi của Thư chung HHĐGM VN 2007: “Giáo dục hôm nay, Giáo hội và xã hội ngay mai”. Trong tinh thần chung đó của Giáo hội hoàn vũ cũng như Giáo hội Việt Nam, giáo hạt Thuận Nghĩa cũng đã có những đặc cách, những mối lưu tâm đặc biệt đến giới trẻ của mình như đã lưu trên. Tuy nhiên một xã hội phát triển là một xã hội không ngừng đổi mới, một cộng đồng Công giáo phát triển là một cộng đồng không ngừng hoàn thiện mình. ..Giáo hạt Thuận Nghĩa cũng như nhiều giáo hạt khác cần có những phương hướng để khắc phục những khuyết điểm và phát huy những mặt mạnh, tiếp tục hoàn thành những gì chưa làm được: các vị chủ chăn phải không ngừng hoàn thiện mình về mặt trí thức, năng động và nhiệt huyết để nắm bắt được thời cuộc, nhất là cố gắng đồng hành với giáo dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng, xứng đáng là người cha tâm linh, hướng đạo cho con chiên của mình, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Đặc biệt, trong thời đại xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, ngoài những mặt tốt, văn minh thì vẫn còn đó đầy cám dỗ, hiểm nguy. Người trẻ rất dễ mất phương hướng trong cuộc sống nếu không được định hướng đúng, bởi vậy rất cần sự đồng thuận giữa các đấng bậc, nhằm tạo những sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, giúp các bạn tránh được các tệ nạn xã hội (chẳng hạn tổ chức các đại hội giới trẻ trong giáo xứ, giáo hạt, động viên các em học giáo lý đầy đủ, tổ chức các hoạt động nhằm bồi dưỡng tấm lòng nhân ái như thăm nghèo hỏi khổ, làm từ thiện chăm sóc bệnh nhân...). Giáo hạt cũng cố gắng động viên những người con có điều kiện giúp đỡ cho quê hương, nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ giáo lý viên, của các giáo viên văn hoá và dạy nghề, nêu cao tinh thần học tập của con em giáo dân. Đó cũng là con đường để truyền giáo, để xây dựng Giáo hội, “để danh Chúa được cao rao tôn vinh, chúc tụng và ngợi khen lẫy lừng trên khắp địa cầu và đến muôn đời”.

Yên Hòa – Hoàng Mai 29-6-2008