Viện Đại Học Đà Lạt (1957-1975):
PHẦN II. LỊCH SỬ THÀNH LẬP

Chương Ba
Điều Kiện Hợp Pháp Đến Hoạt Động Thực Tiễn


1. Việc Thành Lập Theo Luật Pháp

Về pháp lý dân sự, Hội Đại Học Đà Lạt được giấy phép hoạt động chính thức theo Nghị Định số 67/BNV/NA/P5 của Bội Nội Vụ ký ngày 8/8/1957 [8] và bắt đầu từ niên khóa 1957-58. Nhưng trong thực tế chính nhiều người có trách nhiệm của Viện Đại Học Đà Lạt lại nói Viện này được thành lập vào những thời điểm khác nhau. Như vậy thực sự Căn bản pháp lý của Hội Đại Học Dà Lạt đã có từ ngày 8 tháng 8 năm 1957.

Và để tạo điểu kiện cho Hội ĐHĐL hoạt động thì nhà nước gửi sinh viên của chính phủ lên thụ huấn bởi chính những giáo sư từ Sàigòn đến Viện Đại Học Đà Lạt giai đoạn ban đầu, ít nhất là ba năm từ các niên khóa 1958-1959 đến 1961. Đây là năm có khóa tốt nghiệp đầu tiên của ba năm thụ huấn tại Đà Lạt của sinh viên ban Triết Học và Pháp Văn, do nhà nước gửi tới.

Văn kiện thứ hai là Sắc Lệnh số 232/NV do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ký ngày 9/9/1959 [9] công nhận Hội Đại Học Đà Lạt là một hội công ích và công nhận Hội Đồng Quản Trị của Hội này là một tổ chức pháp nhân [10]. Căn bản đó giúp Hội Đại Học có đầy đủ tư cách pháp nhân để tạo mãi tài sản hợp pháp, được hưởng nhiều thứ quyền lợi về kinh doanh, nhất là xuất nhập cảng, với nhiều ưu tiên khác, như không phải đóng thuế vì hoạt động công ích.

Đây là hai văn kiện pháp lý đầu tiên giúp Hội Đại Học Đà Lạt có điều kiện để hoạt động kinh tài xây dựng Viện Đại Học. Vì thế việc tạo mãi đầu tiên mà Hội Đại Học Đà Lạt đã thực hiện do việc thành lập một Nhóm Cố Vấn Pháp Lý [11] để thi hành các thủ tục và thương thuyết với Chính Phủ. Chỉ đến tháng Ba năm 1960, Chính Phủ Việt Nam mới chấp nhận yêu cầu của Hội. Chính Phủ đã dành cho Đai Học Đà Lạt quyền chiếm hữu khuôn viên hiện có trong thời gian vô hạn định.

Như thế theo thủ tục pháp lý, Hội đã mua hẳn cơ sở Trường Thiếu sinh quân trước kia, lúc đó chuyển thành Camp Robert, mà nhà nước Việt Nam tiếp quản từ quân đội Pháp với giá tương trưng là 1 đồng bạc Việt Nam. Nhà nước Việt Nam bán đứt cho Hội Đại Học Đà Lạt với giá cao hơn (xin xem dưới cũng trong bài viết này, trang 17). Với lợi tức phát triển dần dần, Hội Đại Học đã mua hẳn những tài sản kinh doanh để tài trợ cho các hoạt động giáo dục lâu dài, ổn định của Viện Đại Học.

Những văn kiện tiếp theo chỉ có tính cách bổ sung về các phương diện học vụ củng cố cho việc phát triển của Viện Đại Học Đà Lạt ở những giai đoạn khác nhau về sau. Những văn kiện đó sẽ được khai triển trong quá trình cấu trúc thích hợp của nghiên cứu này.

2. Những Cảm Nhận Và Chứng Từ Thực Tế Khác

Chính hai thời điểm của văn kiện pháp lý đó và những cuộc thương lượng gay go có liên quan đã giải thích những cảm nhận khác nhau về quá trình hình thành Viện Đại Học Đà Lạt sau này. Theo Niên Giám 2005 của HĐGMVN trang 777, Viện Đại Học Công giáo được thành lập vào tháng 8 năm 1957 [12] tại Đà Lạt, thuộc quyền sở hữu của Hội Đại Học Đà Lạt, mà hội viên là toàn thể các giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Viện có mục đích phát huy văn hóa dân tộc, bảo lưu các giá trị văn hóa cổ truyền tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, kết hợp hài hòa với luồng văn hóa quốc tế, phù hợp với tinh thần Tin Mừng Công giáo và góp phần vào giáo dục các thế hệ để phát triển đất nước và dân tộc. Trong bối cảnh xã hội tại Việt Nam, thiết tưởng nên phân tích thêm một số mặt để làm rõ mục tiêu tôn chỉ [13] này như trên.

Chương Bốn.
Hội Đại Học Đà Lạt


1. Quá Trình Hình Thành.

Hội Việt Nam Viện Trợ Giáo Dục Cao Đẳng.

Ban đầu chính TGM Ngô Đình Thục chủ động thiết lập “Hội Việt Nam Viện Trợ Giáo Dục Cao Đẳng [14] ” ngay từ năm 1957, nhằm mục đích kinh tài yểm trợ cho các hoạt động phục vụ xây dựng Viện Đại Học Đà Lạt.

Có nhiều vận động yểm trợ từ Cơ quan Viện Trợ Công giáo Hoa Kỳ, qua các ông Đinh Văn Bài [15] và Công Chứng Viên Phạm Quang Lộc, khi đó là cố vấn cộng tác với LM phụ trách do HĐGMVN chỉ định [16]. Ông Bài, một nhân viên xã hội làm việc tại Cơ Quan đó, cho biết có nhiều bất động sản khởi đầu được dự tính trao cho Hội làm phương tiện kinh doanh.

Các lợi tức có được, dùng để tài trợ cho việc tạo mãi tài sản, thiết lập và duy trì liên tục công cuộc phát triển Viện Đại Học Đà Lạt. Khi đó, có cả những bất động sản như: khu rừng Cao su ở Củ Chi, Trảng Bàng, Bình Long, và Thủ Đức, do người Pháp trao trả hay bỏ lại. Hội Việt Nam Viện Trợ Giáo Dục Cao Đẳng dường như có vai trò hoạt động kinh tài song hành một thời gian nhất định yểm trợ cho việc thành lập Hội Đại Học Đà Lạt. Hội Đại Học này trở thành chính thức vào tháng 8/1957.
Trong số những hình thức vận động tài trợ của Hội Đại Học Đà Lạt, ngoài những vận động tài chánh ở hai ngoai, còn vận động tài trợ từ phía chính phủ Việt Nam. [17]

- Công văn số 415-TTP/ĐL/M ngày 4-12-1957 của Đổng Lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống gởi Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh ghi lại:
“Do công văn số 1570-BTC/DC/B ngày 5-8-1957, ông Bộ trưởng có đề nghị Tổng thống tặng dữ đồn điền tại Blao, tịch thâu của Lê Văn Viễn, cho trường Đại học sắp thành lập tại Đà Lạt. “Sự tặng dữ này khi trường Đại học nói trên đã hoàn thành và có tư cách pháp nhân để nhận lãnh. “Tôi trân trọng tin để ông Bộ trưởng rõ: Tổng thống chấp nhận đề nghị trên đây của ông Bộ trưởng.” [18]
- Tiếp đến, theo yêu cầu của Giám Mục Ngô Đình Thục, ngày 31-7-1958, Bộ trưởng Bộ Kiến thiết và Thiết kế đô thị đã gởi Công văn số 1392/BKTĐT/KOC đến ông Ngô Đình Diệm đề nghị cho trường Đại học này được ứng trước 5.000.000 đồng để dùng vào việc xây cất trường. Công văn viết:
“Với mục đích giúp phương tiện cho Đức Tổng (Chú thích của người viết: thực sự, Giám Mục Ngô Đình Thục mãi năm 1960 mới lên chức Tổng Giám Mục khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Huế) Giám Mục, Chưởng Ấn Trường Đại học Đà Lạt, thực hiện ngay việc xây cất nhà trường trong dịp nghỉ hè, để kịp khai giảng vào niên khóa 1958-1959, Thiểm bộ kính xin ông Tổng thống cho phép Ngân Sách Tự Trị Quốc Gia Kiến ốc Cục, tài khóa 1958, ứng trước ra một ngân khoản 5.000.000 đồng để sử dụng vào công tác nói trên.”[19]

- Để xúc tiến hợp thức việc ứng trước, ngày 2-8-1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ra nghị định số 272-KT/TKĐT “cho phép mở một kỳ Xổ số đặc biệt để xây dựng Trường Đại học Đà Lạt.” [20]

Dĩ nhiên nên biết là 5 triệu đồng vào thời đó có giá trị rất lớn, và cứ kéo dài mãi việc thực hiện đề nghị trên một cách nào đó là bất hợp lý, nhưng để làm giải quyết nhu cầu, số tiền trên đã được chuẩn chi đặc biệt như một ngoại lệ.

Công văn số 33.275B/19.057-TP/NSNV/CT/3B, ngày 12-8-1958 của Tổng Thư ký Phủ Tổng thống nói rõ trường hợp này: “Riêng về phần pháp lý… là một cơ quan tư, trường Đại học Đà Lạt có thể đứng ra vay tiền của Quốc Gia Kiến Ốc Cục. Trên căn bản, cơ quan này khó lòng thỏa mãn đơn vay ấy được, vì trái với mục tiêu cho vay của cơ quan.”

Có lẽ vì lý do ấy nên Bộ Kiến Thiết mới trình lên Tổng thống để ứng trước, vì là một ngoại lệ. Thủ tục này có phần đúng, nhưng về phương diện tài chánh, một khi Tổng thống cho phép, tất nhiên chính phủ đã mặc nhiên bảo đảm số nợ cho tư nhân, và như vậy Ngân Sách Quốc Gia bị buộc trả, nếu tư nhân không trả được. Trên nguyên tắc, sự đảm bảo như vậy khó lòng thực hiện được. Tuy nhiên, nếu việc nâng đỡ trường Đại học Đà Lạt là cần thiết và được thượng cấp chấp nhận, Nha này tưởng có thể áp dụng thủ tục sau đây:

“a. Để Hội Đồng Quản Trị của Quốc Gia Kiến ốc Cục quyết định về đơn vay của trường Đại học; mặc dầu không đúng với mục tiêu của cơ quan, nhưng Hội đồng có thể xét được vì tánh cách của công tác;

“b. Áp dụng Điều thứ 16 của nghị định ngày 15-6-1951… quyết định cho vay phải được Tổng thống chuẩn y để có hiệu lực thi hành;

“c. như vậy số chi phí trên sẽ được ghi vào Ngân Sách Của Kiến Ốc Cục.”

Và ngay ngày hôm nay (13-8-1958), bằng Nghị định số 281-KT/TKDT, chính quyền NĐD đã “cho phép Quốc Gia Kiến Ốc Cục ứng trước cho trường Đại học Đà Lạt một số tiền là năm triệu đồng (5.000.000)” (Điều 1) và “trường Đại học Đà Lạt phải hoàn lại số tiền ứng trước cho Kiến Ốc Cục khi thâu được lợi tức kỳ Xổ số “Loại đặc biệt Trường Đại học Đà Lạt” phát hành năm 1958” (Điều 3) [21].

Dù thế nào chăng nữa thì dưới cái nhìn của nhiều người nhất là người tin theo đạo Phật, Trường Đại Học Đà Lạt đã được xây dựng phần nào bằng phương tiện và tài chánh quốc gia, và phản ứng của giới Phật Giáo, nếu có, khi đó là một điều dễ hiểu.

Báo Newsweek ra ngày 27-5-1963 viết, phản ảnh một phản ứng về phía Phật giáo vào thời điểm ấy: “Khi một Viện Đại học Công giáo được thiết lập tại thành phố miền sơn cước Đà Lạt, một công chức Phật tử đã than phiền rằng: “Chúng tôi là tín đồ Phật giáo nên không thể được như thế.” [22]

Công trình xây dựng. Nhờ tài trợ [23] của Hội Việt Nam Viện Trợ Giáo Dục Cao Đẳng, các bộ phận sau đây đã lần lượt được xây dựng trên khuôn viên VĐHĐL: các phòng thí nghiệm Lý Hóa, Thư Viện, văn phòng, giảng đường, xe hơi, sách vở, trang thiết bị phòng thí nghiệm, phòng đọc sách, nhà chơi, nhà y tế, sửa chữa, bài trì giảng đường, nhà cơm, nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà bảo vệ, san bằng nền đất, thiết trí điện thoại, xây dựng nhà hội để cử hành lễ nghi tôn giáo (1958-61)

Yểm Trợ tài chánh ngắn hạn để sửa chữa bảo trì cơ sở vật chất, để trả lương giáo sư và nhân viên, để lập Quỹ Dự Trữ từ đầu tài khóa 1958 đến hết tháng 6/1961.

Yểm trợ tài chánh dài hạn để tạo mãi ba cở sở:

Bất động sản hạng nhất ngay trung tâm Sàigòn, ở góc Lê Lợi-Nguyễn Huệ (133 Nguyễn Huệ Sàigòn).
Bất Động Sản ở Đa Kao, ở góc Đinh Tiên Hoàng-Nguyễn Văn Giai
Bất Động sản ở Công Trường Lam Sơn.
Các tài sản khác đã lần lượt được tạo mãi làm phương tiện phục vụ công ích của Hội Đại Học Đà Lạt

Hội Đại Học Đà Lạt.
Hội Đại Học Đà Lạt được tổ chức theo quy chế [24] đã được ấn định và có thể hình dung theo biểu đồ sau đây:



2/ Cơ sở xây dựng Viện Đại Học Đà Lạt gồm ba khu đồi A, B, C. Diện tích khuôn viên khu A xây dựng trường sở gồm chừng 38-40 ha

Hội Đồng Quản Trị Hội Đại Học Đà Lạt hoạt động khởi đầu theo Qui Chế ấy, được đính kèm Nghị Định số 67-BNV/NA/P5 ngày 8/8/1957. Hội Đồng Quản Trị cho năm 1961 gồm có TGM Ngô Đình Thục, Chưởng Ấn quản trị viên, và ba Giám Mục quản trị viên là Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Hiền và P. Piquet [25]. Vào thời gian đầu ấy, Ông Phạm Quang Lộc, công chứng viên tại Sàigòn được chọn làm cố vấn pháp lý và tài chánh cho Hội Đồng.

Hội Đồng Quản Trị về sau được thành lập gồm: Chủ Tịch (GM Nguyễn Văn Hiền, GM Đà Lạt), Hội Viên 1 (GM Phạm Ngọc Chi, GM Đà Nẵng), Hội viên 2, Chưởng Ấn VĐHĐL (Giám Mục Nguyễn Ngọc Quang, Gp Cần Thơ) [26]. HĐQT cử nhiệm một Ủy Ban Thường Trực để điều hành công việc.

Ủy Ban Thường Trực về sau cuối cùng gồm Chủ tịch (linh mục Viện Trưởng Lê Văn lý), một ủy viên tổng quản lý (GS Trần Long) và một ủy viên tổng kiểm soát (Ông Trần Văn Bốt). Trong một thời gian lâu dài, chính LM Nguyễn Văn Thạnh làm Quản lý của GP Sàigòn kiêm nhiệm quản lý Hội Đại Học Đà lạt. LM Nguyễn Hữu Trọng [27] làm kiểm soát viên. Ông Đỗ Văn Thành coi nhà sách Xuân Thu, kiêm thư ký phụ trách Chánh Văn Phòng Liên Lạc của Viện Đại Học Đà Lạt tại Sàigòn.

Khi Linh Mục hồi hưu, thì người được cử nhiệm làm Tổng Quản Lý là GS Trần Long. Theo Hồi Ký của GS Trần Long, thì “tháng 7/1970, tôi được bổ nhiệm làm Tổng Quản Lý Hội Đại Học Đà Lạt (Dalat University Foundation), và về Sàigòn để cai quản những cơ sở sinh lợi của Hội. Đầu năm 1971, khi tôi dọn vào căn phòng mới lầu hai Catinat Building ở trung tâm Sàigòn” [28], có ông Vũ Anh Tuấn đặc trách hành chánh địa ốc.

2. Những Vấn Đề Của Hội Đại Học Đà Lạt

a. Về tình hình tài chính của viện hình thành thực sự sau 1/11/63 bằng các nguồn sau đây:
- học phí của sinh viên hầu như có tính tượng trưng, vì chỉ ấn định là 500 đồng/năm/người
- tài trợ của quốc hội khoảng 30.000/năm, nằm trong Ngân Sách Bộ Giáo Dục được công bố hằng năm
- trợ cấp của Tòa Thánh Vatican gồm 20.000 Mỹ kim/năm, tương đương trợ cấp dành cho một giáo phận

Tổng số tiền trợ cấp nói trên chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm cho viện. Nếu có dư chút ít thì dành để trợ giúp sinh viên. Nếu cần vài ba triệu dồng thì có mạnh thường quân là bạn bè của linh mục viện trưởng ở Sài Gòn cho vay.

Nên biết để mời các giáo sư thỉnh giảng từ Sài Gòn lên Đà Lạt giảng day, mỗi tháng Viện phải trả 3, 5 triệu đồng [29].

Trong khoảng thời gian từ lễ Giáng Sinh cho đến Tết âm lịch hằng năm, một nét đặc trưng của Viện Đại Học Đà Lạt là các nhóm sinh viên thường tổ chức party thâu đêm suốt sáng, Điều này thường chỉ có thể thực hiện được là nhờ giúp đỡ tài chánh của linh mục Viện Trưởng Lập. Thật vậy, trong Viện lúc đó có rất nhiều nhóm, như Nhóm Rong Biển Nha Trang, Nhóm Bông Bưởi Biên Hòa, Nhóm Huế, Thanh Niên Thiện Chí, Thanh Niên Chí Nguyện… Thời đó, ít nhất cũng có từ 30 đến 40 nhóm. Mỗi nhóm khi tổ chức party, tất cả đều lên xin tiến linh mục Viện Trưởng.

Đây là điển hình câu chuyện diễn ra như thế này:
Trưởng Nhóm:
-Nhóm chúng con muốn tổ chức party mừng Giáng Sinh (hoặc Tết), xin cha giúp cho chúng con một ít tiền.
Linh mục trả lời:
-Các con tổ chức, con phải đóng góp trước đã.
-Thưa cha, chúng con cung đã cố gắng đóng góp nhưng không đủ, nhất là tụi con ở xa nhà không có nhiều tiền.
Linh mục trả lời:
-Như vậy, party dự định bao nhiêu người?
-Thưa cha khoảng 100 người, chúng con đã đóng góp mỗi đứa 5 đồng. Tổng cộng được khoảng 500 đồng. Xin cha cho them một ít, để party thêm xôm tụ.
-Bây giờ cha cho hai ngàn rưỡi được chưa?
-Xin cha cho chúng con thêm một ít nữa. Cha bảo:
-Thôi cha cho 4 ngàn đó. Cầm giấy này, qua phòng kế toán ký giếy nhận tiền.

Sau chuyện liên hoan, là chuyện sinh viên về nhà ăn Tết. Viện Đại Học Đà Lạt thường nghỉ Tết đặc biệt hơn các Đại Học khác, là nghỉ một tháng. Trước Tết, các sinh viên (đa số là các nữ sinh viên) hay đến mượn tiền linh mục để mua vé máy bay về nhà ăn Tết, thường với lý do bưu phiếu gởi lên chưa kịp. Nhưng sau khi mua được vé máy bay rồi, các anh chị này còn trởlại gặp linh mục và thường nói rằng:

“Cám ơn cha rất nhiều đã cho con mượn tiền mua vé máy bay, nhưng bây giờ đi xa về nhà mà không có quà cáp cho gia đình thì kỳ quá. Xin cha cho con mươn thêm một ít tiền nữa để mua quà cáp cho bố mẹ và các em trong gia đình”.

Thế rồi linh mục cũng đành bấm bụng cho các anh chị này mươn thêm tiền. Nhưng có một điều đáng nói, là số sinh viên mượn tiền trả lại sòng phẳng cho Viện thường không bao nhiêu. Đến năm 1970, lúc linh mục Lập rời chức vụ Viện trưởng để về Huế, danh sách các sinh viên còn thiếu tiền khá dài. Linh mục đã bảo phòng kế toán xé bỏ đi, trước khi bàn giao sổ sách lại cho người kế nhiệm [30].

Theo thiển ý người viết, việc chi tiêu ban đầu không có nguyên tắc nào cả chỉ có thể thực hiện được khi sĩ số không nhiều và không bị lơi dụng, nhưng khi VDH trở nên đông hơn, thì mọi vấn đề quản trị tài chính cần có những tiêu chuẩn đàng hoàng để điều hành

Ngoài ra không có nguồn tài trợ nào khác. Tiền của cơ sở kinh doanh như Thương xá Tax, Thương xá Da Kao… được dùng để duy trì sửa sang cơ sở hạ tầng của Viện.
Hội Đại Học Đà Lạt do TGM Ngô Đình Thục điều khiển chuẩn chi mỗi khi cần, chứ không qua hệ thống Giáo Hội. Hội có ông Phạm Quang Lộc làm Chưởng Khế, một người miền Nam không Công giáo. Sau biến cố 1/11/1963, không ai biết tin tức về ông và việc quản lý của Hội được trao cho GS Trần Long.

b. Đã có lúc Linh mục Nguyễn Văn Thạnh, quản lý Tòa Giám Mục Sàigòn, thành lập ngân hàng. Muốn thành lập ngân hàng, linh mục phải kê khai tài sản hiện có. Linh mục Thạnh đã khai chung tiền mặt và tài sản của Tòa Giám Mục Sài Gòn và Hội Đại Học Đà Lạt. Lúc đó, GS Vũ Quốc Thúc vừa là thành viên Uỷ Ban Cứu Xét vừa là Giáo sư của Viện. Vì thế Giáo sư hỏi và khuyến cáo Linh mục Viện Trưởng là nếu để Linh mục Thạnh làm như vậy, sau này Viện sẽ không nhận được tài trợ của các nơi khác nữa, vì Viện đã trở nên giàu sang vì có ngân hàng.

Linh mục Viện trưởng trình lại sự việc này với Giám mục Nguyễn Văn Bình, nhưng Linh mục Thạnh vẫn cứ làm. Từ khi ấy Linh mục Viện Trưởng thấy không có quyền về việc này và vì thế không biết tình hình hoạt động của ngân hàng ra sao, kể cả các cơ sở Xuân Thu, Tax, Caravelle, …. Linh mục chỉ nhận được tiền xây dựng cơ bản, chứ không phải tiền chi dụng cho sinh hoạt hằng ngày của Viện. Ngay đến lương bổng của các nhân viên giảng huấn được thanh toán thế nào, ngài không biết đầy đủ, nhưng không thấy ai than phềin điều gì [31]

c. Theo LM Viện Trưởng tiết lộ cho người viết [32], trước khi cha đi Pháp năm 1980. Theo đó, ít tháng trước biến cố 30/4/1975, GS Trần Long làm Tổng Quản Lý có yêu cầu với LM Viện Trưởng là được hoàn toàn đứng tên một mình, chứ không phải hai người, trên các chứng từ hành chánh và tài chánh. Dó là thông lệ vẫn áp dụng cho những chữ ký quan trọng (chi tiêu, thu nhập) trên các chứng từ hành chính và tài chính của Hội Đại Học Đà Lạt, theo luật pháp chung của quốc gia cũng như quốc tế đối với người đại diện một Hiệp Hội có pháp nhân. Lý do GS Trần Long nêu ra là uy tín cụ thể của GS ở cương vị một Tổng Quản Lý của Hội Đại Học Đà Lạt trong Giáo Hội Công Giáo. Nếu không, trong bối cảnh đang diễn ra ở miền Nam (VNCH), GS không thể làm việc được. LM VT đứng trước nhiều áp lực do tình hình, trong đó có việc Linh Mục Nguyễn Hữu Trọng xin nghỉ hưu, đã nhượng bộ.

Sau 30/4/1975, một hôm, LM Lê Văn Lý nói với người viết là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có hỏi ngài về tình hình các bất động sản và tài khoản của Hội Đại Học Đà Lạt hiện ra sao, thì ngài trả lời là bất động sản và tài khoản (tiền mặt, ngân chi phiếu, chứng thư, chứng từ tài chánh…) đều do nhà nước mới quản lý và phong tỏa các trương mục có thể kiểm soát được.

Như vậy số phận các tài sản - nhất là ngân quỹ chung của Giáo Hội do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quản nhiệm cao nhất - trong các trương mục ở trong nước hay ở nước ngoài mang danh nghĩa Hội Đại Học Đà Lạt như thế nào khi Cộng Sản chiếm toàn miền Nam từ ngay trước và sau 30/4/1975 đến nay?

3. Các Tài Sản Của Hội.

Thực sự về sau, vì nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau, Hội Đại Học Đà Lạt chỉ còn sở hữu và quản lý các cơ sở ở vùng Sàigòn và Bảo Lộc, Đà Lạt như:

Thương Xá Tax (Ô. Thái Văn Phải giám thị).
Thương Xá Đinh Tiên Hoàng Đa Kao (Ô. Âu Văn Kiệt khán thủ).
Cao Ốc Lam Sơn (Ô. Nguyễn Văn Thành làm giám thị).
Nhà sách Xuân Thu (tiếp quản từ nhà sách Portail do người Pháp trao lại. Bà Ánh Nguyệt tức Bà Trần Long làm giám đốc).

Các cơ sở trực thuộc VĐHĐL tại Sàigòn, do LM Nguyễn Hữu Trọng, Đại Diện VT điều hành với ông Đỗ Văn Thành làm Tổng Thư Ký phụ trách gồm ba bộ phận:

Phòng Liên Lạc (Ô. Nguyễn Hữu Phước và Ô. Đoàn Văn Gấm),
Phòng đại diện sinh viên vụ (Ô. Dương Hiệp Nghĩa, cô Lê Hòa Ánh), và
Ban Cao Học Trường Chánh Trị Kinh Doanh. Ngoài GS PBL làm Khoa Trưởng, có các GS Nguyễn Lâu, Pt Khoa Trưởng, GS Nguyễn Chánh Đoan, GS Nguyễn Đình Quế làm GS đặc vụ, Ông Đỗ Văn Thành làm CVP, với một số nhân viên (Bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Cảnh, Cô Phạm Thị Chính, Ông Nguyễn Tri Lương, Ông Võ Lang, và ông Nguyễn Văn Yến)
Đồn Điền Đại Nga (cơ sở ở Lâm Đồng, trồng trà và nhiều loại cây ăn trái, do Tu Huynh Đinh Quang Trí, CSC, trông coi).
Đồn Điền Di Linh Djirato (do Tu huynh Bùi Chu Tràng, CSC, trông coi)
Ngân Hàng Tín Dụng Nông Thôn Đức Trọng (Lm Nguyễn Hữu Trọng đặc trách, dường như một thời gian có GS Lương Hữu Định làm Giám Đốc)
Ba Khu Đồi xây dựng làm cơ sở Viện Đại Học tại thị xã Đàlạt.

4. Các Nguồn Tài Trợ.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Viện Đại Học Đà Lạt, phục vụ ngày càng đông sinh viên, các quản trị viên không chỉ trông nhờ vào nguồn tài trợ giới hạn từ các cơ sở của mình mà cần có tài trợ của các nguồn khác, như:

Các mục thu:
a. Nguồn thu học phí của sinh viên.
b. Trợ cấp của chính phủ Việt Nam.
Bộ Quốc Gia Giáo Dục (Bộ Trưởng Trần Hữu Thế, Nguyễn Quang Trình), nhất là Viện Đại Học Sàigòn và Trường Văn Khoa, Trường Sư Phạm, Trường Khoa Học [33] Bộ Tài Chánh (thời Viện Trưởng Lê Văn Lý)

c. Trợ cấp của chính phủ hay tổ chức kinh doanh, thiện nguyện, tôn giáo, văn hóa giáo dục. quốc tế, như:
Hội Việt Nam Viện Trợ Giáo Dục Cao Đẳng
Cơ Quan Catholic World Service, CWS
US Catholic Relief Service, CRS
World University Service, WUS.
Canada và Pháp (giúp tài trợ và cử nhiệm giáo sư sang giảng dậy tại VĐH Đà Lạt
Cơ Quan Văn Hóa Á Châu (The Asia Foundation).
Phái Bộ Viện Trợ Hoa Kỳ (The USAID Mission)
Đức Phao Lô VI
Hồng Y Spellman
Khâm Sứ Tòa Thánh
Chính GM Ngô Đình Thục
Hội Đồng GMCHLBTây Đức, nhất là Tòa Giám Mục Koln giúp 10.000 Đức Mác mua sách)
Trường Đại Học Công Giáo George Mason University (4400 University Drive, Fairfax, VA 22030) bảo trợ.

d. Trợ cấp nói chung của các tổ chức hay cá nhân ân nhân khác, …

Tất cả những nguồn tài trợ đó chi cho các mục, như:

Lương, vận phí các giáo sư và nhân viên công tác
Chi Phí Xây Cất Mới, Trang Thiết Bị, Phòng Thí Nghiệm và Bảo Trì các Cơ Sở
Dự Trữ Tiếp Tân và các hoạt động an toàn xã hội tối thiểu
Học Bổng, Hoạt Động Sinh Viên



5.Cơ Sở Viện Đại Học tại Đà Lạt.

Cơ sở bất động sản khu đồi chính dùng để xây dựng, phát triển tiện nghi sinh hoạt quản trị, giảng huấn, cư trú của Viện Đại Học Đà Lạt được tiếp quản từ cơ sở cũ của Trường Thiếu Sinh Quân do người Pháp để lại.

Nhưng người Pháp đã chuyển đổi mục đích xử dụng. Như lời xác nhận của chính Linh mục Nguyễn Văn Lập do Vũ Sinh Hiên ghi thuật [35]:

“Về cơ sở, Viện Đại Học Đà Lạt vốn là trung tâm an dưỡng của sĩ quan Pháp có tên là Camp Robert. Bộ Tài Chánnh Chính Phủ Việt Nam lúc bấy giờ đã bán lại cho các Giám mục với giá hai triệu đồng, giấy tờ bằng khoán đầy đủ, do Đức Cha Ngô Đình Thục đứng tên. Tôi gửi giấy tờ ở Tòa Khâm Sứ và chỉ giữ một bản sao ở Viện Đại Học.

Camp Robert có hai khu, một ở gần thành phố Đà Lạt, bên bờ hồ, phía trường Yersin, một ở phía trong rừng xa thành phố, rộng 40 ha với 40 ngôi nhà lớn nhỏ. Các Đức Giám Mục đã mua khu thứ hai này, gia công tu sửa những ngôi nhà trong trong khuôn viên, xây nhà nguyện ở độ cao 1500m, chung quanh có phòng ốc dành cho các giáo sư cư ngụ và một phòng học rât yên tĩnh. Cùng với việc chỉnh trang là viêc đặt tên cho những ngôi nhà, những con đường trong khuôn viên Viện: Nguyện đường Năng Tĩnh, nhà Đôn Hóa (văn phòng Viện), Tòa Viện Trưởng Hòa Lạc, đường Tiền Giang (tư cổng dẫn đến Nhà thờ), đường Hậu Giang (tư cổng xuống ký túc xá sinh viên), các giảng đường Minh Thánh, Đạt Nhân, Tri Nhất, Thượng Hiền, Hội Hữu.”

Ngay thời điểm trước 30/4/1975, bất động sản này gồm có ba Khu:

Khu A: Khu đồi chính ở đường Phù Đổng Thiên Vương cuối Đồi Cù phía Tây thành phố Đà Lạt; Diện tích chừng 40 ha, cách Trung Tâm Thành phố Đàlạt 1 km 5 Khuôn viên Đại Học Đà Lạt Khu A khởi đầu chỉ có chừng hơn mười tòa nhà, với các đường đi lối lại được trải đá dăm.

Khu B: Khu đồi Minh Hòa, nơi lúc đó có cư xá sinh viên Rạng Đông và Chủng viện Minh Hòa thuộc GP Đà Lạt, ở đường Thông Thiên Học.

Khu C: Khu C ở đường Vạn Kiếp và đường Trần Hưng Đạo có chừng 38 biệt thự sẵn sàng dùng làm Cư Xá Nhân Viên Giảng Huấn [36].

Cả ba khu đang có kế hoạch mở mang theo đúng chức năng được hoạch định. Chính Linh Mục Viện Trưởng, ủy nhiệm cho GS phụ tá hành chánh vai trò chuẩn bị với sự trợ giúp của Tòa Tỉnh Trưởng Đà Lạt, thu xếp một chuyến máy bay trực thăng từ Nha Trang lên, và đã bay ở cao độ 300 m để chuyên viên nhiếp ảnh (nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngà của Photo Hồng Châu, Khu Chợ Hòa Bình Đà Lạt) có thể chụp các không ảnh cả ba khu ABC của Viện Đại Học Đà Lạt. Chính nhờ những không ảnh này mà các chuyên viên kỹ thuật tùng sự tại Trường Chiến tranh chính trị Đà lạt có thể giúp thiết lập một mô hình (sa bàn) thu nhỏ toàn bộ Khu A của Viện Đại Học Đà Lạt. Mô hình này cũng được dùng để triển lãm tại Trung Tâm Công giáo ở số 72/12 Đường Nguyễn Đình Chiểu Tân Định Sàigòn nhân kỷ niệm 350 năm truyền giáo ở Việt Nam vào thời điểm 1972 trước khi được trưng bày ở Trung Tâm Sinh Viên VĐH Đà Lạt.

Các bất động sản thuộc cả ba khu A, B và C nói trên, theo người viết được biết, đã được Đại Diện của HĐGMVN cho nhà nước mới mượn theo một hợp đồng được ký kết sau 30/4/1975, giữa đại diện hai phía Giáo Hội và Nhà Nước Việt Nam.

6. Cảnh Quan Khuôn Viên Viện Đại Học

Nói đến Viện Đại Học Đà Lạt mà không nói đến cảnh quan tuyệt diệu yêu kiều, đầy mộng mơ, là một thiếu xót khó chấp nhận, như chưa biết ngỏ lời khen tặng một bông hồng đẹp đẽ duyên dáng trong dòng đời thanh xuân. Thay cho một mô tả khô khan, thiết tưởng nên dõi theo dòng suối ấn tượng của những đôi mắt nam nữ sinh viên ghi lại những cảm nhận rất chân thành hồn nhiên của mình:

“ Sau buổi cơm chiều, tôi thường đi dạo sân trường, thơ thẩn thưởng thức Khung Trời Đại Học, nhớ lời một vị Giáo Sư: “Viện Đại Học Đà Lạt là một trường đại học đẹp nhất Đông Nam Á, dù quy mô không phải là lớn nhất.”…”Nét đẹp thơ mộng lãng mạng, và rất thiên nhiên. Từng con đường ngọn cỏ in dấu bước chân học trò, in dấu trong ký ức tôi cho đến hôm nay và có lẽ mãi mãi…

Con dốc Kiêm Ái đây, nhưng sao không đưa tôi về những dãy phòng trọ, nơi tôi có nhiều niềm buồn vui với bạn bè, với tiếng cười rộn rã vô tư, với những đêm thức học bài, xúm nhau nấu mì gói ăn khuya. Nhớ nhiều buổi trốn học, tôi đi phố mua dâu tây, về học xá lặt rửa sạch sẽ, trộn đường cho lên men thành rượu, dành khi về Sàigòn tặng Má…” [37]
Hay
“Viện Đại Học Đà Lạt rộng, cổ kính và quí phái, bốn mùa thắm sắc những loài hoa, Mùa Đông hoa anh đà nhuộm hồng phố xá, trên những lối nhỏ dẫn đến giảng đường, dọc bờ Hồ Xuân Hương, thắm thềm bướm trắng…” [38]

Nhưng có những bạn nam sinh viên biểu tả vẻ đẹp của Viện Đại Học Đà Lạt dưới ngòi bút “hoa không thua thắm, liễu hờn kém xanh!” thế này:

“Phong trào sinh viên học sinh bãi khóa biểu tình chống chính quyền dữ quá, nên tôi quyết định về quê và xin phép gia đình đi học trường Chánh Trị Kinh Doanh. Đây là quyết định quan trọng đầu đời của tôi, may sao lại là quyết định hoàn toàn đúng. Trường Chánh Trị Kinh Doanh có cuốn hút diệu kì bao hoài bão và ước mơ bay bổng của tôi.”

“Hơn nữa Đà Lạt là thành phố đẹp nhất mà tôi từng được biết. Vì vậy bốn năm học ở Đà Lạt là thời tuổi trẻ tươi đẹp mà tôi chẳng thể nào quên. Buổi sáng tinh sương đi học, hòa vào dòng người bước chân đến trường mới tuyệt làm sao. Con dốc dưới chân đồi leo lên cổng viện, một bên có hàng mimosa nở hoa trắng xóa, từ nhóm bạn bè đi bên nhau nói cười vui vẻ, mưa bụi li ti bám trên tóc, trên vai, trên mặt các bạn nữ má đỏ môi hồng, nên thơ và đẹp đẽ làm sao… Ở trường CTKD có những môn học hồi đó đối với tôi hay đến lạ: “điển cứu”, “tu từ văn thể”, “quảng cáo, tiếp thị”, “xác xuất thống kê”, v.v…” [39]

(Còn tiếp...)

Chú thích:
[8] Toàn bộ bản dịch tiếng Anh theo Nguyên Văn trong Dalat University, đd., t.42
[9] Toàn bộ bản dịch tiếng Anh theo Nguyên Văn trong Dalat University, đd., t.43
[10] Chỉ Nam Sinh Viên niên khóa 1973-74, đd, t.8
[11] Dalat University, đd., t. 29-30
[12] Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Hà nội, NXB Tôn giáo, 2005, 965t., 15x21cm. đóng bìa cứng. Theo ký ức của Sư Huynh Théophane Nguyễn Văn Kế thì VĐHĐL được thành lập từ 1956. Nhớ lại cảnh cũ người xưa: Đại Học Đà Lạt. Đặc San Frère Kế, California 12/2003, t. 156-158 trong Ban Điều Hành Hội Ái Hữu Thụ Nhân Viện Đại Học ĐàLạt Nam California: Đặc San Sư Huynh Théophane Nguyễn Văn Kế (ĐSSHKế). “Frère Kế, Thụ Nhân và một đời hiến dâng cho giáo dục.” Southern California, USA (12/2003), 183 t., pdf., in font 12, t. 156
Theo diễn văn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đọc ngày 7 tháng 10 năm 1957, trước phiên họp Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa tháng 10 năm 1957, có câu: “Authorization has been granted for the creation of a private University in Dalat. Đã thuận cấp phép thành lập một Viện Đại Học tư tại Đà Lạt”.
Tài liệu thứ hai là bài tóm tắt về tiểu sử của GM Ngô Đình Thục của Jean Marie Roger Kozik, (được GM Ngô Đình Thục truyền chức GM sái phép năm 1978), sáng lập hội Fraternité Notre Dame ở Chicago, Hoa Kỳ ghi rõ: “Mở và chuẩn bị ban đầu cho Viện Đại Học Đà Lạt do Giám Mục Ngô Đình Thục thành lập, 1957; được thăng Tổng Giám Mục đầu tiên của Gp Huế, do Giám Mục Brini xướng lập và được bổ nhiệm làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Đông Dương năm 1959”. Như vậy năm thành lập VĐHĐL chắc chắn là năm 1957.
Tài liệu của Griff Ruby nói GM Ngô Đình Thục cũng lập VĐHĐL. “Viện này trên thực tế đã được thành lập từ chỗ đổ nát, nhưng khi một trong những anh em của GM NĐT đã lên nắm quyền, thì ông cho GM Thục được quyền khai thác một khu rừng để thu lợi gây quỹ cần thiết.”
GS Trần Long đã viết căn cứ theo tài liệu của Viện, nhưng không kể rõ văn kiện nào: "Tháng 8, 1957 Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam thành lập VDHDL tọa lạc ngay trung tâm văn hóa của thành phố du lịch Đà Lạt. Cố Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập, Viện Trưởng VDHDL từ năm 1961 đến 1970, chọn từ ngữ Thụ Nhân làm phương châm cho Viện để thể hiện quan điểm thăng hoa con người qua thành quả giáo dục." [“Tổng quát về Viện, Trường, Khóa 7 CTKD” trong Đặc san Khóa 7/CTKD (12/2005), t.9]
Nhưng ngày 16 tháng 01năm 1969, Đức Phaolô VI có gửi một lá thư chúc mừng cho LM Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập và toàn thể Viện Đại Học nhân lễ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đại Học Đà Lạt (1959-1969). Như vậy có thể giải thích là năm 1956 đã có cuộc vận động thành lập VĐHĐL, nhưng năm 1957 mới có giấy phép mở VĐHĐL, thực sự từ năm 1958 đã bắt đầu và năm 1959 hoạt động chính thức. Vì thế LM Viện Trưởng mới làm Kỷ niệm 10 năm (1959-1969) vào năm 1969.
[13] Theo GS Nguyễn Khắc Dương, Viện Đại Học Đà Lạt được thành lập năm 1959 dưới thời Chính Phủ Ngô Đình Diệm, do Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục sáng lập. Năm 1966, lên VĐHĐL ông vẫn thấy ba năm sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về Viện này. (Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương: Sđd, t.156.)
[14] Dalat University, đd., t. 30
[15] Đỗ Hữu Nghiêm: Phỏng vấn ông Đinh Văn Bài tại Norfolk, Virginia Beach, ngày 25 tháng 5, 2004
[16] Có lẽ thực tế là LM Nguyễn Văn Thạnh, phụ trách trông coi nhiều tài sản thuộc giáo phận Sàigòn. Phải chăng sở dĩ có điều chưa được rõ rệt trong giai đoạn này, vì sự phân phối quyển quản nhiệm một số tài sản của giáo hội giữa địa phận Sàigòn và Viện Đại Học Đà Lạt chưa ổn định xong khi đó? Lời tâm sự về sau của LM Đức Ông Nguyễn Văn Lập xác nhận dư luận này
[17] Nhà nghiên cứu Lê Cung trong bài viết: “Chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo Miền Nam trên lãnh vực kinh tế – xã hội và văn hoá – giáo dục. Phần II: Về văn hóa – giáo dục” ( http://www.giaodiem.com/doithoai/lecung_diem-vhgd.htm ) đưa ra một số chứng liệu hành chính pháp lý sau đây cho thấy việc chính phủ Ngô Đình Diệm tài trợ cho Hội Đại Học Đà Lat thời đó đã gây ra những phản ứng nhất định của thành phần Phật Giáo trong nước. Trong tinh thần đối thoại chân thành và tôn trọng sự thật lịch sử chúng tôi nêu ra một số sự kiện có thể có, nếu các tư liệu này hoàn toàn khác quan. Nhưng vì những sự kiện nêu ra trùng hợp với thời gian bàn đầu của VDHDL, nên có nhiều phần chắc những tư liệu mà tác giả trưng dẫn là có cơ sở.
[18] Công văn số 415-TTP-ĐM/M ngày 4-12-1957 của Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống kính gởi ông Bộ trưởng bộ Tài chính. TTLTQG II. Ký hiệi tài liệu SC.03-HS.23993
[19] Công văn số 1392/BKTĐT/KOC ngày 31-7-1958 của Bộ trưởng bộ Kiến thiết đô thị kính gời Tổng thống VNCH. TTLTQG II. Tài liệu số SC.03-HS.23993.
[20] Nghị định số 281-KT/TKĐT ngày 13-8-1958 của Tổng Thống - VNCH cho phép Quốc gia kiến ốc cục ứng trước cho trường Đại học Đà Lạt một khoản tiền 5.000.000.$00 để xây cất Viện đại học này. TTLTQG II. Tài liệu số SC.13-HS.23.773.
[21] Công văn số 33.275B/19.057-TTP/NSNV/CT/3B ngày 12-8-1958 của Tổng Giám đốc ngân sách và Ngoại viện kính gởi ông Tổng Thư ký Phủ Tổng thống. TTLTQG II. Tài liệu số SC.13.HS.23.993.
[22] “South Vietnam: The mandarin of Hue”, copy from Newsweek, May 27, 1963. TTLTQG II. Tài liệu số TM-HS.209, tr.1-3.
Theo luận đoán của người viết, nếu tôn trọng sự thật khách quan, thì dường như chế độ đương thời có phần lầm lỗi, vì không tôn trọng các tiêu chuẩn công và tư trong việc tài trợ, nhưng vào thời điểm này, có thể Giáo Hội Phật Giáo chưa qui tụ - chứ không phải là không có - nhân vật lực đủ để có thể được chính quyền đương thời tài trợ cho các cơ sở Phật Giáo theo yêu cầu như tổ chức Công giáo. (?)
[23] Tài liệu Dalat University liệt kê những khoản tiền của Hội Việt Nam Viện Trợ Giáo Dục Cao Đẳng để xây dựng các hạng mục trong Viện Đại Học Đà Lạt từ 1958-1961. Sau giai đoạn này, thì không thấy nói đến Hội này nữa.
[24] Qui Chế (Statutes) này được làm tại Sàigòn ngày 20/6/1957, do các Giám Mục ký tên sau đây: Ngô Đình Thục, Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi, Phaul Seitz (Kim), Marcel Piquet (Lợi), Nguyễn Văn Hiền, J.B. Urrutia (Thi), Trương Cao Đại và Nguyễn Văn Bình. Qui chế này đính kèm Nghị Định số 67/BNV/NA/P5 ngày 8/8/1957 có chữ ký Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Hữu Châu xác nhận đính kèm cùng ngày, vào sổ phòng 4 Sàigòn, quyển 375, tờ 32, số 196, lệ phí 24 VN$. Bản Dịch tiếng Anh theo y Bản Chính ngày 4/7/1961 do Thông dịch viên hữu thệ với chữ ký của Trần Văn Thoan, Sollicitor General cùng ngày tháng năm.
Qui chế HĐHĐL gồm có 5 chương. I. Mục đích (điều 1,2,3) Ch.II Hội Viên (đ. 4,5) Ch.III Hội Đồng Quản Trị (đ. 6, 7,8, 9,10). Ch.IV Đại Hội Đồng (đ. 11,12,13,14, 15, 16. 17). Ch. V Giải tán (đ. 18). Dalat University, đd., tt. 35-41
[25]Dalat University, đd., t. 32
[26] Chỉ Nam Sinh Viên 1973-74 đd., t. 18
[27] Hiện nay hữu dưỡng tại nhà riêng của ngài trên khu nhà đất ở bên trái xa lộ Điện Biên Phủ, nếu đi từ Sài gòn đi ra ngoại thành ở phía Bắc.
[28] Trần Long: Hồi Ký đã dẫn trên
[29] PVLưu, Sđd. t 283
[30] PVLưu, Sđd. t 302,
[31] Tham khảo Vũ Sinh Hiên, Sđd., Đặc San Ấu châu 2008, đdt., t. 33-34
[32] Dường như với tính cách Phụ Tá Hành Chính cho Viện Trưởng khi trước, và vừa với tính cách người làm việc gần gũi tin cậy của ngài.
[33] Dalat University, đd., t. 26
[34] Tham khảo Chỉ Nam Sinh Viên 1973-74, đd., t. 16
[35] Tham khảo Vũ Sinh Hiên, sđd, t 23
[36] Nhưng khi người viết đến thăm khu C, thì nhiều biệt thự và đất đai đã được dân cư từ nhiều nơi đến chiếm ngụ từ khoảng trước năm 1973 về sau.
[37] Nguyễn Thị Xuân Phương: “Hồn Thu Thảo”. ĐSKD7, tt.126-128.
[38] Trịnh Thị Hải: “Nhật Ký”. ĐSKD7, tt.132-135.
[39] Phạm Ngọc Vy: “Thời Tuổi Trẻ Không Thể Nào Quên (Tự Sự)”. ĐSKD7, tt.81-83.