ĐI THĂM NGƯỜI BỆNH

(Tùy bút)

Tôi vừa ở Thủ Đức về, sau khi thăm các cha Khuất duy Linh, Đỗ quang Chính và Hoàng sĩ Quý tại tu viện Dòng Tên. Cuôc thăm viếng nhanh chóng và vắn vỏi này đã để lại trong tôi một vài xúc động và suy nghĩ. Tôi muồn ghi vội lên đây, trước là để cho mình cảm nghiệm, và sau là để cho những người xa gần quen biết các cha, nhất là cha Khuất duy Linh, trong thời gian sinh hoạt tại Trung Tâm Đắc lộ vào những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, hiện nay đang ở rải rác nhiều nơi, hồi tưởng lại mà cảm thông, ngậm ngùi, chia sớt.

Cha Khuất duy Linh bị đột qụy vì bệnh tim tù mùa hè năm ngoái, khi cha vừa tới Hoa kỳ được ít hôm. Người ta đưa cha vào bệnh viện để chữa trị; tại đây cha được giải phẫu nhiều lần. Thời gian cha ở Hoa kỳ để lo chữa trị cũng khá lâu và cuối cùng nhà dòng phải quyết định đưa cha trở lại Việt Nam để chăm sóc, vì ít có hy vọng tình trạng của cha trở lại bình thường.

Hôm nay 5.6.2008, mấy người chúng tôi trong Ban Thánh nhạc cũ như cha Xuân Thảo, anh P. Kim, anh Quốc Vinh, anh Đinh thiện Bản và tôi đã tới thăm cha. Vừa vào tới sân tu viện, chúng tôi đã gặp cha Nguyễn cao Siêu. Cha Siêu vui vẻ chào đón và đưa chúng tôi vào thăm cha Khuất duy Linh rồi cha Đỗ quang Chính. Chúng tôi chỉ thoáng trông thấy cha Hoàng sĩ Quí, năm nay 82 tuổi đang tưới cây cảnh chung quanh vườn. Trước khi vào thăm, cha Siêu dặn đi dặn lại chúng tôi là đừng để cho mình bị quá xúc đông, khi nhìn thấy hình hài của cha Khuất duy Linh hiện nay. Dù đã được dặn như thế, nhưng quả thật không ai trong chúng tôi là không xúc động khi nhìn thấy thân hình của cha như bị co rút, nằm yên một bề, chân teo lại như một que củi, không nói năng và di chuyển được, mọi sự đều phải nhờ hai người coi bệnh đêm cũng như ngày, giống như cha Nguyễn huy Lịch ở tu viện Mai Khôi, hay cha Bạch văn Lộc tại tu viện Kỳ Đồng cách đây mười năm. Cha nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng đôi môi mấy máy như muốn nói mà không nói ra được. Chúng tôi nhìn cha với đầy vẻ ái ngại mà không nói được gì, hay đúng ra không dám nói, sợ làm cho cha tủi thân tủi phận.

Rời phòng cha Linh, chúng tôi sang thăm cha Chính. Cha Chính năm nay 79 tuổi. Cha bị nhũn não, sức khỏe yếu kém, nhưng còn tỉnh táo, nói năng rõ ràng, thường nằm trên giường, không còn khả năng suy nghĩ và viết lách gì nữa.

Những cha này trước kia là những người hoạt động năng nổ trong lãnh vực văn hóa, âm nhạc và linh thao, nay phải đình chỉ tất cả vi tuổi già và bệnh tật. Tuy không nói hay không nói ra được, nhưng chắc trong thâm tâm không khỏi có điều ngậm ngùi luyến tiếc.

Đó là định luật chung của kiếp người khi đến tuổi đời xế bóng. Ai rồi cũng đến giai đoạn này thôi. Khi nó đến thì phải chấp nhận với lòng tin và sự phó thác trong tay Chúa. Tới lúc này thì “sức lay thành nhổ núi” khi trước mà làm chi ? Vì vậy, đúng như lời ông Gióp nói, đường lối và tư tưởng của Chúa không phải là đường lối và tư tưởng của người đời. Cứ như người đời thì tại sao Chúa lại để cho một số linh mục của Người lâm vào tình trạng thê thảm như cha Linh, cha Lịch, cha Lộc và nhiều cha khác vào giai đoạn cuối đời như thế ? Thật là mầu nhiệm, mầu nhiệm của thập giá. Chính Chúa Giê-su đã sống và dùng mầu nhiệm này làm dụng cụ để cứu chuộc nhân loại.

Nhìn theo góc cạnh mầu nhiệm thì những cảnh đời bất hạnh được đón nhận trong ánh sáng đức tin, lại có một ý nghĩa và một giá trị. Đó là ý nghĩa hy sinh và giá trị thanh luyện. Ai đã xem “Một góc công viên” của nhà đạo diễn Trần văn Thủy, nếu suy nghĩ và tìm hiểu, có thể cũng nhìn thấy ở đây một ý nghĩa trong cảnh đời đầy gian nan thử thách, nhưng cũng thấm đượm đức tin của gia đình người công giáo trong phim đó.

Tôi ra về và bây giờ ngồi trước bàn máy vi tính, tâm trí miên man với nhiều suy nghĩ. Tôi năm nay đã 78 tuổi, còn đi được xe gắn máy trong thành phố và đi xa được tới 30 cây số. Tôi coi đây là một ơn huệ lớn lao của Chúa và hàng ngày luôn cám ơn Người về ơn huệ này. Nhưng nếu một lúc nào đó không đi lại được, và cũng không còn ngồi ở bàn máy vi tính để làm việc nữa thì thế nào ? Tôi bảo mình là phải chuẩn bị và hằng cầu xin cho biết vui lòng đón nhận, khi xẩy ra tình trạng đó. Tôi cũng không quên cảm thông và cầu nguyện cho những người đang bị thử thách về khả năng làm việc và tình trạng sức khỏe.