Khi còn ở tuổi “teen”, Sarah Bier từ Chicago sang Israel để học hỏi thêm về Do thái giáo. Nhưng cuộc hành trình đi tới Đất Thánh của cô, trở thành thảm hại từ đầu đến cuối vì bạo hành tôn giáo, cuối cùng đã dẫn cô đi tìm hiểu về các tôn giáo khác nữa.

Còn Syafa Almirzanah chọn theo đuổi những môn học tương tự sau khi các mối căng thẳng ngày càng gia tăng trong đám người Hồi giáo ở quê hương bà là đất nước Indonesia, bắt đầu đe dọa phá vỡ những mối liên lạc tốt đẹp với người Kitô giáo và Do thái giáo thiểu số ở đó.

Vào ngày thứ Năm hôm nay (15 tháng 5 năm 2008), Bier và Almirzanah sẽ trở thành người phụ nữ Do thái đầu tiên, và người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên lãnh nhận văn bằng cao cấp của Liên hiệp Thần học Công giáo (Catholic Theological Union) – một dấu hiệu cho biết Chủng viện/Đại học này đã mở rộng sứ mạng của mình, nhằm cổ võ một cuộc chung sống hòa bình giữa các truyền thống tôn giáo trên khắp thế giới.

Giới chức lãnh đạo chủng viện nói rằng cả hai người phụ nữ này đã tạo nên hy vọng trong một kỷ nguyên xáo trộn, khi các liên minh tôn giáo đã cạn kiệt, và các mối căng thẳng về tôn giáo đã bùng nổ thành bạo lực.

“Tôi thiết nghĩ họ, cả hai người, thực là những kẻ tiền phong trong cộng đồng của mình. Đó là lời phát biểu của Cha Donald Senior, chủ tịch Liên hiệp Thần học Công giáo, một đại học được thành lập 40 năm trước đây để huấn luyện các linh mục.

“Chúng ta cần những người bắc một nhịp cầu như thế, nếu không thì chúng ta sẽ sát hại lẫn nhau. Tôn giáo thường hay trở thành chiến tuyến. Chúng ta rất cần những người nói được câu ‘Chúng ta có thể sống chung và tôn trọng nhau trong một thế giới đa nguyên.’”

Những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 thúc đẩy Bier phải bắt đầu đặt ra những câu hỏi. Lúc đó cô mới tốt nghiệp trường trung học, và chỉ mới đến Israel được một tuần lễ thì biến cố đó xẩy ra.
Sarah Bier, phụ nữ Do thái đầu tiên tốt nghiệp trường Thần học Công giáo


Năm kế tiếp là một trong những thời kỳ sôi động nhất của cuộc Bạo loạn người Palestine. Gần đến ngày kết thúc chuyến đi của cô thì những tên khủng bố đặt bom nổ hai khách sạn ở vùng bờ biển phía bắc Israel trong dịp lễ Vượt qua.

Cô Bier, năm nay 25 tuổi, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng vào lúc đó tôi nhận ra được điều này, là rất khó mà trải qua được những cảm nghiệm như thế.” Để đi đến cách giải quyết, cô dự định theo học một môn chính tại trường đại học, tập chú vào cuộc xung đột tại Trung Đông.

Cuối cùng, tính tò mò của cô đặt nặng vào các văn bản thánh kinh, nơi có nhiều truyện tích trùng lặp hoặc tương tự nhau. Ngày hôm nay, cô sẽ lãnh văn bằng thạc sĩ về thần học, chuyên khoa so sánh kinh thánh Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.

Cô nói: “Trong cuộc lữ hành, tôi học hỏi được nhiều điều về chuyện tôn trọng người Kitô giáo và người Hồi giáo”, cô cho biết thêm rằng mình thích dùng chữ “tôn trọng (respect)” hơn là chữ “bao dung (tolerance)” mà cô coi là một từ tiêu cực. “Có đủ mọi thứ người Hồi giáo cũng như đủ mọi loại người Do thái – những kẻ coi đức tin của họ triệt để theo nhiều cách khác nhau.”

Là một giáo sư tại trường Trung học Do thái vùng Chicago ở Deerfield, cô Bier thường chia sẻ với học sinh về cách người Hồi giáo và Kitô giáo giải thích các truyện tích trong Thánh Kinh Do thái, khám phá thấy có mối liên hệ từ trong cốt lõi.

Cô Bier cũng giám sát Câu lạc bộ Liên tôn giáo của trường; tổ chức này gồm học sinh từ Học viện Loyola là một trường trung học Công giáo vùng Wilmette, và Trường Phổ thông, là một học viện Hồi giáo ở Bridgeview.

Còn bà Almirzanah, 45 tuổi, là giáo sư dạy môn tôn giáo tỷ giảo (comparative religion) trường Đại học Hồi giáo Intifada tại Yogyakarta, Indonesia, đã đến Chicago cùng với con trai. Cậu năm nay 16 tuổi, đã theo học ban trung học 6 năm trong khi mẹ học tại chủng viện Hyde Park (là một bộ phận của Liên hiệp Thần học Công giáo).

Ngoài văn bằng tiến sĩ giáo vụ chuyên khoa liên hệ Kitô giáo-Hồi giáo do Liên hiệp Thần học Công giáo cấp, bà còn nhận một văn bằng tiến sĩ khác vào ngày Chủa nhật này của Trường Thần học Lutheran ở Chicago.

Bà tới Chicago do lời mời của ông Harold Vogelaar, một giáo sư hồi hưu đã thành lập Trung tâm Kitô giáo-Hồi giáo Vì Hòa bình và Công lý tại chủng viện Lutheran.

Trong luận văn của mình, bà khai thác những điểm tương đồng trong các truyền thống thần bí, coi đó như là con đường vượt qua các trở ngại nhằm tiến đến những cuộc đối thoại liên tôn giáo. Bà mô tả các trao đổi giữa các tôn giáo như là những cuộc hành trình “từ Đất Mẹ đến vùng Đất Kỳ thú.” Bà nói rằng mỗi cuộc hành trình đều có khả năng làm cho đức tin thêm sâu xa.

Bà cho biết niềm đam mê muốn thành nhịp cầu nối những ngăn cách, là một niềm xác tín cá nhân hơn là một theo đuổi có tính học thuật.

Bà nói: “Đối với tôi, một người theo Hồi giáo, tôi phải làm như thế. Phục vụ nhân loại là phục vụ Thượng đế. Nói về Thượng đế thì được, nhưng đừng bao giờ nói thay cho Thượng đế. Đây là trách nhiệm của tôi, những điều tôi phải làm. Đó là tôn vinh người khác. Kính trọng người khác bởi vì khác biệt là điều Thượng đế đã an bài.”

Nguồn: Manya A. Brachear/Chicago Tribune