SAIGÒN - Ngôi nhà thờ nằm lọt thỏm giữa những nhà hàng, cửa hiệu, văn phòng chi cục phòng chống tội phạm, bãi đậu xe..., nói chung là “tả pí lù”, trong khu đất rộng lớn trước đây là Viện dưỡng lão Thị Nghè của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô. Nhà thờ cổ, nhỏ và xinh xắn, khiêm tốn và khuất vắng giữa chốn ì đùng kinh doanh, nhưng lại là điểm hẹn của nhiều người bất hạnh, đơn độc.
Một công trình cổ
Hồ sơ lưu tại nhà Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres ở Việt Nam ghi: Viện dưỡng lão Thị Nghè được đặt viên đá đầu tiên tháng 6.1876, là nơi tá túc, nương tựa của những cụ già bệnh tật, cô đơn, vô gia cư và chăm sóc trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Cùng thời điểm xây cất này, một ngôi nhà thờ được hình thành trong khuôn viên Viện để phục vụ nhu cầu tâm linh cho những người vào sống nơi đây có đạo Công giáo, đồng thời là nhà nguyện của các nữ tu phục vụ Viện dưỡng lão và trại mồ côi.
Dù ban đầu chỉ là nhà nguyện mang tính nội bộ nhưng với thời gian, ngôi thánh đường này nhanh chóng trở thành chỗ lui tới, lễ lạy của nhiều giáo dân trong vùng. Năm 1888, giáo xứ Thị Nghè được thành lập, nhà nguyện Viện dưỡng lão trở thành một họ lẻ của Thị Nghè với đầy đủ những sinh hoạt, tổ chức như những họ đạo miền Nam khác. Nhà thờ Martinô ngày nay được hình thành và phát triển một cách êm đềm và nhẹ nhàng như vậy.
Sau năm 1975, qua bao thăng trầm của những sự kiện chuyển giao quyền quản lý Viện dưỡng lão, của những giằng co đi – ở của các nữ tu và chính quyền nhiều thời điểm, với những đổi thay lớn lao về mục đích sử dụng khu Viện cũ, cùng với sự mọc lên của vô số những cơ sở kinh doanh trên khu đất lý ra chỉ dành cho những người bị bỏ rơi, côi cút, “tứ cố vô thân”..., ngôi nhà nguyện vẫn là điểm đến của nhiều người dân khu vực Thị nghè, Hàng Sanh, vẫn duy trì thường xuyên những sinh hoạt Công giáo, do cha già Nguyễn Văn Long (Dòng Biển Đức) phụ trách từ 1974 đến 2007. Tuy nhiên, bởi gặp nhiều khó khăn trong việc sửa chữa, trùng tu, bảo tồn nên ngôi nhà thờ cổ hơn 100 với kiến trúc kiểu Pháp rất đẹp đã xuống cấp trầm trọng. Lại thêm những công trình xây vội về sau đè, chặn xung quanh nên nhiều khoảng không và đường nét của ngôi thánh đường bị mai một, bào mòn.
Tháng 5.2007, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn có bài sai bổ nhiệm linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng về trông coi họ đạo, và cũng từ thời điểm đó, một sức sống mới đã ngập tràn tại họ đạo Martinô này.
Việc đầu tiên của cha Hùng khi đến nhận họ đạo (biệt lập, trực thuộc xứ Thị Nghè) là trùng tu toàn bộ ngôi thánh đường. Chỉ sau vài tháng, nhà thờ Martinô đã có một gương mặt mới, khang trang nhưng vẫn giữ lại toàn bộ kiến trúc cũ. Chỉ có một điểm đáng tiếc là vì khuôn viên còn lại của nhà thờ không nhiều, chỉ khoảng 20mx30m, lại phải dành một trong 6 gian nhà thờ làm nơi ở cho cha sở, 3m hông làm hành lang vào phía sau và 2,5m làm sân trước nên nhà thờ bị bó hẹp như một chiếc hộp, lại bị ban công của một nhà hàng đè hẳn lên một góc (nhà hàng này không biết vì sao được mọc lên trong khuôn viên Viện dưỡng lão ngày trước). Tiếng nhạc từ nhà hàng, tiếng máy xe từ gara và bãi tập xe, tiếng í ới kinh doanh từ vô số cửa hiệu trong khu đất Viện vốn êm đềm xưa ít nhiều làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt của một họ đạo có đến gần 3000 nhân danh chính thức và hơn 1000 người nhập cư đến sống và làm việc trong vùng.
Nhà chung
Chuyện trùng tu một ngôi thánh đường cũ có tuổi hơn một thế kỷ chỉ trong vòng vài tháng của cha Hùng đáng kể là một kỳ tích, nhưng có một việc cha làm được còn lớn hơn và ý nghĩa hơn cả chuyện này, đó là vực dậy những sinh hoạt của giáo dân nơi đây và giúp họ có nhiều hoạt động vượt ra ngoài khuôn viên nhà thờ (hiểu theo nghĩa bóng) để đến với tha nhân, đến với nhau một cách thiết thực. Hơn hết là cha đã biến ngôi thánh đường nhỏ bé này thành điểm gặp gỡ, lui tới của nhiều người bất hạnh, đơn độc trong cuộc mưu sinh.
Tôi ghé thăm nhà thờ Martinô 3 lần, đều không hẹn trước nhưng cả ba lần, tôi đều bắt gặp hình ảnh cha Hùng và một hoặc vài anh chị em khuyết tật ngồi nhỏ to với nhau trong nhà thờ hoặc ở một góc ngoài hành lang. Họ là những người tàn tật, xuôi ngược kiếm sống bằng đủ thứ nghề như bán vé số, công nhân..., có đạo hoặc không có đạo. Một khi gặp trắc trở gì đó trong cuộc sống, có thể là một tình huống khó xử trong sinh hoạt hay có nỗi lo, nỗi trăn trở về những vấn đề ai cũng dễ gặp phải, hoặc thậm chí là lúc túng thiếu không tiền trả chi phí phòng trọ..., đã đến nhà thờ nhờ cha hướng dẫn, khuyên nhủ. Họ, những người phần lớn không còn người thân, ít bè bạn, đã tìm thấy một nơi để đi về, một chốn để tìm phút thanh thản là nhà thờ Martinô. Ở đó, ngoài cha phụ trách, đồng hành cùng họ còn có một nhóm thiện nguyện Martinô gần 20 người có tấm lòng, luôn biết lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng đưa ra những lời khuyên, những hướng ra cho họ khi cần thiết. Nhà nguyện nhỏ bé này thật sự trở thành ngôi nhà chung của nhiều người, nhất là với những người bị xã hội gạt ra bên lề, ít có cơ hội vươn lên.
Mỗi sáng Chúa nhật, nhà thờ Martinô rộn ràng từ rất sớm. Các anh chị em nhóm thiện nguyện đi chợ chiều thứ 7, bốn giờ sáng là đã có mặt nổi lửa nấu nướng bên hành lang chật hẹp của ngôi nhà thờ để kịp phục vụ cho anh chị em khuyết tật sau thánh lễ bảy giờ. Số là, từ ngày về nhận họ đạo, cha Hùng đã duy trì được mỗi tuần một bữa ăn chung cho những người nghèo, người khuyết tật khắp nơi vào sáng Chúa nhật. Không cao sang, không cầu kỳ, hôm thì bún mọc, lúc bánh canh, bữa cơm tấm nhưng đều đặn và vui. Những anh chị em bất hạnh sau bữa ăn lại có dịp hàn huyên, kể chuyện công việc cho nhau nghe hay nói về những ước mơ, dự định hoặc khó khăn đang gặp... Hôm ít thì 5 – 7 chục người, tuần đông lên đến hơn một trăm. Những người bất hạnh khắp các nẻo đường hàng tuần như những người con đi làm xa, hội về cùng ăn với cha sở, cùng cười và trò chuyện. Thỉnh thoảng, nhà thờ lại mời những nhóm thiện nguyện khác đến hớt tóc, phát quà cho tất cả họ. Những người bất hạnh đã tìm được nơi để chia sẻ, nơi để không còn cảm thấy mặc cảm, nơi mọi khoảng cách bị xóa tan, chỉ còn lại tiếng cười, sự đồng cảm và những giây phút thanh thản sau một tuần xuôi ngược đánh vật với miếng cơm, manh áo. Hàng tháng, họ cũng được chu cấp gạo từ nhà thờ, như là một chút tình chia sớt với cuộc sống chưa bao giờ thong thả của họ.
Nhà thờ Martinô, sau 132 năm tồn tại, có lúc chìm lắng, nay đã như bừng tỉnh. Chỉ tiếc là, theo như lời cha Hùng, vì diện tích quá bé nhỏ nên việc tổ chức những hoạt động có tính xã hội như vừa kể bị hạn chế, trong khi khuôn viên Viện dưỡng lão cũ vẫn còn rộng và nhiều khoảng trống nhưng bị sử dụng manh mún. Có một căn nhà kho cũ của nhà nguyện nằm gần nhà thờ hiện bỏ hoang, do Sở LĐ-TBXH quản lý đang được cha Hùng xin lại làm nhà ở, để không còn phải dùng một gian nhà thờ vốn đã bé nhỏ để sinh hoạt như hiện nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Cha Hùng vẫn đang chờ và chắc là nhiều giáo dân Martinô, nhiều người bất hạnh cũng đang mong ước.
Một công trình cổ
Hồ sơ lưu tại nhà Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres ở Việt Nam ghi: Viện dưỡng lão Thị Nghè được đặt viên đá đầu tiên tháng 6.1876, là nơi tá túc, nương tựa của những cụ già bệnh tật, cô đơn, vô gia cư và chăm sóc trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Cùng thời điểm xây cất này, một ngôi nhà thờ được hình thành trong khuôn viên Viện để phục vụ nhu cầu tâm linh cho những người vào sống nơi đây có đạo Công giáo, đồng thời là nhà nguyện của các nữ tu phục vụ Viện dưỡng lão và trại mồ côi.
Dù ban đầu chỉ là nhà nguyện mang tính nội bộ nhưng với thời gian, ngôi thánh đường này nhanh chóng trở thành chỗ lui tới, lễ lạy của nhiều giáo dân trong vùng. Năm 1888, giáo xứ Thị Nghè được thành lập, nhà nguyện Viện dưỡng lão trở thành một họ lẻ của Thị Nghè với đầy đủ những sinh hoạt, tổ chức như những họ đạo miền Nam khác. Nhà thờ Martinô ngày nay được hình thành và phát triển một cách êm đềm và nhẹ nhàng như vậy.
Sau năm 1975, qua bao thăng trầm của những sự kiện chuyển giao quyền quản lý Viện dưỡng lão, của những giằng co đi – ở của các nữ tu và chính quyền nhiều thời điểm, với những đổi thay lớn lao về mục đích sử dụng khu Viện cũ, cùng với sự mọc lên của vô số những cơ sở kinh doanh trên khu đất lý ra chỉ dành cho những người bị bỏ rơi, côi cút, “tứ cố vô thân”..., ngôi nhà nguyện vẫn là điểm đến của nhiều người dân khu vực Thị nghè, Hàng Sanh, vẫn duy trì thường xuyên những sinh hoạt Công giáo, do cha già Nguyễn Văn Long (Dòng Biển Đức) phụ trách từ 1974 đến 2007. Tuy nhiên, bởi gặp nhiều khó khăn trong việc sửa chữa, trùng tu, bảo tồn nên ngôi nhà thờ cổ hơn 100 với kiến trúc kiểu Pháp rất đẹp đã xuống cấp trầm trọng. Lại thêm những công trình xây vội về sau đè, chặn xung quanh nên nhiều khoảng không và đường nét của ngôi thánh đường bị mai một, bào mòn.
Tháng 5.2007, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn có bài sai bổ nhiệm linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng về trông coi họ đạo, và cũng từ thời điểm đó, một sức sống mới đã ngập tràn tại họ đạo Martinô này.
Việc đầu tiên của cha Hùng khi đến nhận họ đạo (biệt lập, trực thuộc xứ Thị Nghè) là trùng tu toàn bộ ngôi thánh đường. Chỉ sau vài tháng, nhà thờ Martinô đã có một gương mặt mới, khang trang nhưng vẫn giữ lại toàn bộ kiến trúc cũ. Chỉ có một điểm đáng tiếc là vì khuôn viên còn lại của nhà thờ không nhiều, chỉ khoảng 20mx30m, lại phải dành một trong 6 gian nhà thờ làm nơi ở cho cha sở, 3m hông làm hành lang vào phía sau và 2,5m làm sân trước nên nhà thờ bị bó hẹp như một chiếc hộp, lại bị ban công của một nhà hàng đè hẳn lên một góc (nhà hàng này không biết vì sao được mọc lên trong khuôn viên Viện dưỡng lão ngày trước). Tiếng nhạc từ nhà hàng, tiếng máy xe từ gara và bãi tập xe, tiếng í ới kinh doanh từ vô số cửa hiệu trong khu đất Viện vốn êm đềm xưa ít nhiều làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt của một họ đạo có đến gần 3000 nhân danh chính thức và hơn 1000 người nhập cư đến sống và làm việc trong vùng.
Nhà chung
Chuyện trùng tu một ngôi thánh đường cũ có tuổi hơn một thế kỷ chỉ trong vòng vài tháng của cha Hùng đáng kể là một kỳ tích, nhưng có một việc cha làm được còn lớn hơn và ý nghĩa hơn cả chuyện này, đó là vực dậy những sinh hoạt của giáo dân nơi đây và giúp họ có nhiều hoạt động vượt ra ngoài khuôn viên nhà thờ (hiểu theo nghĩa bóng) để đến với tha nhân, đến với nhau một cách thiết thực. Hơn hết là cha đã biến ngôi thánh đường nhỏ bé này thành điểm gặp gỡ, lui tới của nhiều người bất hạnh, đơn độc trong cuộc mưu sinh.
Tôi ghé thăm nhà thờ Martinô 3 lần, đều không hẹn trước nhưng cả ba lần, tôi đều bắt gặp hình ảnh cha Hùng và một hoặc vài anh chị em khuyết tật ngồi nhỏ to với nhau trong nhà thờ hoặc ở một góc ngoài hành lang. Họ là những người tàn tật, xuôi ngược kiếm sống bằng đủ thứ nghề như bán vé số, công nhân..., có đạo hoặc không có đạo. Một khi gặp trắc trở gì đó trong cuộc sống, có thể là một tình huống khó xử trong sinh hoạt hay có nỗi lo, nỗi trăn trở về những vấn đề ai cũng dễ gặp phải, hoặc thậm chí là lúc túng thiếu không tiền trả chi phí phòng trọ..., đã đến nhà thờ nhờ cha hướng dẫn, khuyên nhủ. Họ, những người phần lớn không còn người thân, ít bè bạn, đã tìm thấy một nơi để đi về, một chốn để tìm phút thanh thản là nhà thờ Martinô. Ở đó, ngoài cha phụ trách, đồng hành cùng họ còn có một nhóm thiện nguyện Martinô gần 20 người có tấm lòng, luôn biết lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng đưa ra những lời khuyên, những hướng ra cho họ khi cần thiết. Nhà nguyện nhỏ bé này thật sự trở thành ngôi nhà chung của nhiều người, nhất là với những người bị xã hội gạt ra bên lề, ít có cơ hội vươn lên.
Mỗi sáng Chúa nhật, nhà thờ Martinô rộn ràng từ rất sớm. Các anh chị em nhóm thiện nguyện đi chợ chiều thứ 7, bốn giờ sáng là đã có mặt nổi lửa nấu nướng bên hành lang chật hẹp của ngôi nhà thờ để kịp phục vụ cho anh chị em khuyết tật sau thánh lễ bảy giờ. Số là, từ ngày về nhận họ đạo, cha Hùng đã duy trì được mỗi tuần một bữa ăn chung cho những người nghèo, người khuyết tật khắp nơi vào sáng Chúa nhật. Không cao sang, không cầu kỳ, hôm thì bún mọc, lúc bánh canh, bữa cơm tấm nhưng đều đặn và vui. Những anh chị em bất hạnh sau bữa ăn lại có dịp hàn huyên, kể chuyện công việc cho nhau nghe hay nói về những ước mơ, dự định hoặc khó khăn đang gặp... Hôm ít thì 5 – 7 chục người, tuần đông lên đến hơn một trăm. Những người bất hạnh khắp các nẻo đường hàng tuần như những người con đi làm xa, hội về cùng ăn với cha sở, cùng cười và trò chuyện. Thỉnh thoảng, nhà thờ lại mời những nhóm thiện nguyện khác đến hớt tóc, phát quà cho tất cả họ. Những người bất hạnh đã tìm được nơi để chia sẻ, nơi để không còn cảm thấy mặc cảm, nơi mọi khoảng cách bị xóa tan, chỉ còn lại tiếng cười, sự đồng cảm và những giây phút thanh thản sau một tuần xuôi ngược đánh vật với miếng cơm, manh áo. Hàng tháng, họ cũng được chu cấp gạo từ nhà thờ, như là một chút tình chia sớt với cuộc sống chưa bao giờ thong thả của họ.
Nhà thờ Martinô, sau 132 năm tồn tại, có lúc chìm lắng, nay đã như bừng tỉnh. Chỉ tiếc là, theo như lời cha Hùng, vì diện tích quá bé nhỏ nên việc tổ chức những hoạt động có tính xã hội như vừa kể bị hạn chế, trong khi khuôn viên Viện dưỡng lão cũ vẫn còn rộng và nhiều khoảng trống nhưng bị sử dụng manh mún. Có một căn nhà kho cũ của nhà nguyện nằm gần nhà thờ hiện bỏ hoang, do Sở LĐ-TBXH quản lý đang được cha Hùng xin lại làm nhà ở, để không còn phải dùng một gian nhà thờ vốn đã bé nhỏ để sinh hoạt như hiện nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Cha Hùng vẫn đang chờ và chắc là nhiều giáo dân Martinô, nhiều người bất hạnh cũng đang mong ước.