NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (18)

CHƯƠNG XI: GIÁO XỨ và CỘNG ĐOÀN (Tiếp Theo)

I. NGƯỜI TÍN HỮU LÀ AI ?

Danh từ tín hữu được Bộ Giáo Luật ngày 25.01.1983 định nghĩa trong điều 204:

Tín hữu tại Việt Nam
(1) Các tín hữu là những người, nhờ phép Rửa Tội, được hiệp thân với Đức Kitô, kết thành dân của Chúa và do đó, họ tham dự theo cách thế riêng vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Đức Kitô. Theo điều kiện của mỗi người, họ được kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội chu toàn trong thế giới.

(2) Giáo Hội này, được thiết lập và tổ chức như một xã hội ở trong thế giới, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, được cai quản do người kế vị Thánh Phêrô và do các Giám Mục hiệp thông với Người.

Như vậy, tất cả mọi thành phần của Giáo Hội là Dân Chúa, là nhiệm thể của Đức Kitô, từ Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y, Đức Cha, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân đều là tín hữu, là những người tin vào Đức Kitô.

Phép Rửa Tội, bí tích Đức Tin, đã tái sinh chúng ta trong sự sống con Chúa, kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, với thân thể Ngài là Giáo Hội, xức dầu cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần bằng cách làm cho chúng ta trở nên những đền thờ thiêng liêng.

II. NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN LÀ AI ?

Khi ra khỏi giếng nước Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu đều được nghe tiếng đã phán trước kia trên bờ sông Giođanô: « Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. » (Lc 3:22). Khi đó, người tín hữu đều chỉ là tín hữu giáo dân. Sau đó, người tín hữu có thể sống nghĩa vụ theo Ơn Gọi Chúa đã chỉ định: giáo sĩ hay giáo dân.

Bộ Giáo Luật trong điều 207, số 1 phân biệt tín hữu giáo dân với giáo sĩ và tu sĩ như sau:

« Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo Hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo Sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo Dân. »

Số 2 của điều luật trên phân biệt giáo dân với tu sĩ như sau:

« Trong cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây ràng buộc thánh thiện khác, được Giáo Hội công nhận và phê chuẩn. Hàng ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. »

Như vậy:

- Giáo sĩ là người tín hữu có chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục hay giáo sĩ thừa tác. Nhưng chỉ có linh mục và Giáo mục được gọi là tư tế vì có chức tư tế thừa tác và được quyền tế lễ. Phó tế là những thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo Hội.

- Tu sĩ là người tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên Phúc Aâm (khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục hoặc có giây ràng buộc thánh thiện khác được Giáo Hội công nhận và phê chuẩn. Đây là bậc sống thánh hiến dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo hay đặc sủng đặc biệt của nhiều Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau.

- Giáo dân được Bộ Giáo Luật định nghĩa theo tinh thần Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ số 31, như sau:

«Danh hiệu giáo dân, có nghĩa là tất cả các Kitô hữu không thuộc thành phần chức thánh, hay bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là các Kitô hữu đã được phép Rửa Tội sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch Dân Chúa, được trở thành người tham gia, theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa, và chức vụ vương giả của Chúa Kitô, là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo Hội và giữa trần thế theo nhiệm riêng của mình.»

A. Chức vụ người tín hữu giáo dân

Nếu Đức Kitô là đầu Nhiệm Thể của Ngài là Hội Thánh, thì người tín hữu giáo dân thuộc về nhiệm thể ấy được thông phần vào chức vụ chính của Ngài là:

1. Chức vụ tư tế.

Người tín hữu giáo dân thông phần vào chức vụ tư tế của Đức Kitô như Hiến Chế về Giáo Hội quả quyết trong số 34:

« Chúa Giêsu Kitô thượng tế vĩnh cửu… những người đã được Ngài cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Ngài, Ngài cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế để thực hàng việc phụng tự thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, giáo dân đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn… »

Như vậy đời sống gia đình, đời sống xã hội người tín hữu giáo dân vời tất cả vui buồn, sướng cực, thành công thất bại… nếu họ biết nhận lãnh trong tinh thần Chúa Kitô thì tất cả sẽ trở nên của lễ làm vinh danh Thiên Chúa hiệp với lễ của Đức Kitô là chính mình Ngài đã được hy tế trên Thánh Giá và hằng ngày dâng lại trong Thánh Lễ.

2. Chức vụ Rao giảng Lời Chúa.

Người tín hữu giáo dân nhận lãnh chức vụ này cũng từ Chúa Kitô, như Công Đồng Vatican II quả quyết:

« Chúa Kitô vị Ngôn sứ cao cả, Đấng đã dùng chứng tích đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố vương quốc của Cha… Ngài chu toàn chức vụ Ngôn sứ cho đến lúc vinh hiển Ngài được biểu lộ trọn vẹn. Ngài chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng Giáo phẩm là những người nhân danh và lấy quyền người giảng dạy, những cũng nhờ các giáo dân, đã được Ngài đặt làm chứng nhân đồng thời ban cho họ cảm thức Đức Tin và Ơn dùng ngôn từ (Công vụ 2: 17-18; Khải Huyền 19,10) để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội. » (Ánh Sáng Muôn Dân số 35).

Người giáo dân rao giảng Lời Chúa vừa bằng lời nói vừa bằng hành động và cách sống để làm chứng nhân nơi họ đang sống: có người phải rao giảng Lời Chúa trong công sở, có người phải mở nước Chúa trong môi trường sinh hoạt thường ngày của mình là học đường, là giới trí thức, là chính quyền, là các tổ chức quốc tế…

3. Chức vụ vương giả.

Chúa Kitô đã hạ mình vâng lời cho đến chết và, vì thế, Ngài đã thắng sự chết và được Chúa Cha cho sống lại, vinh quang vào nước Ngài. Nước Ngài là nước Chân lý, nước Tình yêu và Hoà bình. Trong nước này, không những mọi người được kêu gọi vào, mà ngay cả mọi loài tạo vật cũng đang mong chờ được giải thoát khỏi sự hư nát của tội lỗi loài người để bước vào vinh quang nước ấy (Rom. 8:21).

Người giáo dân trước tiên có bổn phận thắng lướt tội lỗi của mình để bước vào sự tự do con Chúa trong nước ân sủng của Ngài.

Tiếp đến, ngoài việc đưa các anh em mình vào nước Chúa, người giáo dân có bổn phận ‘thánh hóa các thực tại trần thế’ để đưa các thực tại này được ‘giải thoát’ nghĩa là được xử dụng làm vinh danh Thiên Chúa. Hiến Chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ nói rõ:

« Vì thế, tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, cũng như giá trị, và cùng đích là ca tụng Thiên Chúa, đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong Công lý, Bác ái và Hồ bình. Giáo dân giữ vai trò chính yếu trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó… »

B. ‘Tính cách trần thế’ của người giáo dân.

Mặc dù cũng là tín hữu như các Linh mục và Tu sĩ nhưng vì không phải là Linh mục hay Tu sĩ, nên người tín hữu giáo dân có một đặc tính mà hai hạng người trên không có. Đó là ‘tính cách trần thế’. Công Đồng Vatican II quả quyết: « Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân. » (Ánh Sáng Muôn Dân, số 31).

Tính cách trần thế là ở giữa trần thế, sống với đời sống của trần thế và sống cho trần thế, nghĩa là không phải sống bị lôi cuốn theo các chiều hướng xấu của trần thế, trái lại, để cải hóa trần thế theo tinh thần của Chúa Kitô, như Ngài đã căn dặn: « Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng của thế gian. » (Mt 5: 16)

Tính cách trần thế này đặt nền tảng trên hai Chân lý thần học: mầu nhiệm sáng tạo và mầu nhiệm nhập thể cùng nhập thế của Thiên Chúa.

- Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền chế ngự tạo vật (Sáng thế 1: 26-31)

- Khi muốn cứu chuộc con người, Chúa đã muốn sinh ra làm người để sống hoàn toàn thân phận con người trong lịch sử của nó.

Vì thế, Công Đồng Vatican II quả quyết:

« Tính cách trần thế của người tín hữu giáo dân không chỉ được định nghĩa theo quan niệm xã hội, mà theo ý nghĩa thần học. Tính cách trần thế phải hiểu theo ánh sáng của tác động tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó trần thế này cho con người cả nam lẫn nữ để họ tham gia vào việc tạo dựng, để họ giải thoát thọ tạo khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, để họ tự thánh hóa mình trong đời sống hôn nhân hay độc thân, trong gia đình, trong chức nghiệp và trong các hoạt động xã hội. » (đề nghị 4 của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1978 về Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân).

Trong Tông Huấn về giáo dân, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích thêm:

« Sống và hành động giữa thế giới đối với các tín hữu giáo dân, không chỉ là một thực tại nhân sinh xã hội, mà còn là một thực tại chuyên biệt thần học giữa trần thế. Thiên Chúa muốn biểu lộ ý định của Ngài và thông ban cho họ Ơn gọi đặc biệt là ‘tìm nước Thiên Chúa bằng cách quản lý những thực tại trần thế mà họ phải sắp xếp theo ý Thiên Chúa’… » (Tông Huấn người Tín hữu Giáo dân, số 15).

Đến đây, chúng ta thấy mọi tín hữu Đức Kitô đều phải sống nên thánh theo Ơn Gọi Chúa đã chỉ định: Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân. Tất cả Kitô hữu sống đạo hợp thành Nhiệm Thể Đức Kitô hay Giáo Hội.

GIÁO XỨ HAY CỘNG ĐOÀN

Phần đầu Chương này, chúng ta đã thấy sự khác biệt giữa Giáo xứ và Cộng đoàn. Cả hai đều là đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội nhưng Giáo xứ thì được thành lập bền vững trong Giáo Hội địa phương, trong khi Cộng đoàn thì có tính cách tạm thời và mang tính cách tòng nhân. Nhờ tính cách này, Linh mục và giáo dân Cộng đoàn Công Giáo Việt-Nam tại hải ngoại được phép dâng Thánh Lễ và cử hành các Bí tích bằng tiếng Việt, theo Phụng Vụ đã được Hội đồng Giám mục Việt-Nam chấp thuận như tại các Giáo xứ tòng thổ tại Quê Hương.

Tín hữu Việt Nam tại Pháp
Giáo xứ tòng thổ hay Cộng đoàn tòng nhân đều là hình ảnh những giáo dân tập họp quanh bàn thờ, qua việc cử hành bí tích Thánh Thể, được Cha Sở hay Tuyên úy phục vụ và điều khiển, và qua Linh mục, Giám mục hiện diện ở đó. Đây là những thành phần của một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Viết cho ‘Hội Ngộ Niềm Tin Rôma 2003’, trong quyển ‘Hội đồng Mục Vụ’, Đức Cha (nay là Đức Hồng Y) G.B. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Sài-gòn đã đề nghị thống nhất mô hình xây dựng Cộng đoàn:

(1) Hình ảnh mái nhà gia đình của Thiên Chúa. Dưới mái nhà này, mọi người sống trong tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu hiệp thông trở thành bản chất của Giáo Hội trở nên yếu tố nền tảng tạo nên căn tính và sứ vụ của Giáo Hội. Vì thế, công cuộc xây dựng đời sống hiệp thông trong Giáo Hội, xây dựng qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ bí tìch, qua công tác tông đồ và bác ái xã hội, có một tầm quan trọng trong việc làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người, nhất là trong bối cảnh xã hội loài người ngày nay vừa sống trong tư thế tự mãn với những thành đạt của khoa học, vừa hội nhập vào tiến trình toàn cầu hoá qua con đường truyền thông và kinh tế.

(2) Hình ảnh ngôi trường giáo dục đức tin và đào tạo chứng nhân Tin Mừng. Nơi đó mọi tín hữu học biết nên thánh, nên giống Chúa Giêsu, học biết trở nên chứng nhân Tin Mừng qua việc tập luyện sống chung trên địa bàn dân cư, hoặc trong một ngành nghề, đặc biệt với những người đang gặp khó khăn vật chất và tinh thần, đang cần Lời soi sáng mở lối đi đến gặp gỡ Đấng là Sự Thật, là Sự Sống lại và là Sự Sống, là Đường dẫn đến đó.

(3) Hình ảnh giếng nước đầu làng. Đó là nơi phục vụ cho sự sống con người, phục vụ với tình huynh đệ chan hòa, đón nhận và chia sẻ. Trong một thế giới mà sự sống và phẩm giá con người đang bị giầy xéo bởi bất công và chia rẽ, bị đe dọa bởi nền văn hoá sự chết, bị tàn phá bởi khủng bố và chiến tranh, những giếng nước phục vụ như thế ở khắp đó đây, có khả năng cổ võ công cuộc xây dựng hoà bình trong công bằng và bác ái, xây dựng nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương. Những giếng nước như thế quả là một chứng ta hết sức cần thiết cho đời sống nhân loại ngày nay.

Như đã nói trên, Cộng đoàn là hình ảnh những giáo dân tập họp quanh bàn thờ, qua việc cử hành bí tích Thánh Thể, Tuyên úy phục vụ và điều khiển, và qua Linh mục, Giám mục hiện diện ở đó. Như vậy, những tín hữu giáo dân hợp thành Cộng đoàn được sự chấp nhận của Giám mục Giáo phận tòng thổ. Chính Đức Giám mục này cũng bổ nhiệm một Linh mục, nhân danh Giám mục, đến làm Mục tử cho Cộng đoàn.

Tín hữu Việt Nam tại Hoa Kỳ
Bộ Giáo Luật năm 1983, điều 566 ấn định nhiệm vụ Linh mục Tuyên Úy như sau: « Tuyên Úy cần được cấp cho mọi năng ân mà công việc săn sóc mục vụ đòi hỏi. Ngoài những năng ân đã được hưởng do luật địa phương hoặc do ủy nhiệm đặc biệt. Tuyên Úy chiếu theo chức vụ, có năng ân giải tội cho các tín hữu đã ủy thác cho ngài săn sóc, rao giảng Lời Chúa cho họ, ban của Ăn Đàng và ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân, cũng như Bí Tích Thêm Sức cho những ai hiện đang trong tình trạng nguy tử. »

Ngoài ra, điều 536 Bộ Giáo Luật cũng dự trù:

(1) Nếu Giám Mục giáo phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Đồng Linh Mục, thì trong mỗi giáo xứ nên thành lập Hội Đồng Mục Vụ, do Cha Sở chủ tọa, và trong đó các tín hữu cùng với những người chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong giáo xứ cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ võ sinh hoạt mục vụ.

(2) Hội Đồng Mục Vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do Giám Mục giáo phận đã ấn định.

Và điều 537 quy định: « Mỗi giáo xứ phải có Hội Đồng Kinh Tế được điều hành bởi luật phổ quát và bởi các quy tắc do Giám Mục giáo phận ban hành; trong Hội Đồng ấy, các tín hữu được tuyển chọn theo các quy tắc vừa nói, giúp Cha Sở trong việc quản lý mọi tài sản của giáo xứ, tuy vẫn tôn trọng quy định của điều 532.

(Còn tiếp)