CHÚA NHẬT 4 MÙA PHỤC SINH

(Các bài đọc: CvTđ 2, 14a. 36-41; 1Pr 2, 20b-25; Ga 10, 1-10)

CHÚA CHIÊN LÀNH

Các bạn hãy thử hình dung: nhà thờ này là một phòng hội, ở giữa có đặt một thùng phiếu, các bạn được yêu cầu viết tên người nào mình hâm mộ nhất; và chắc là khi khui thùng phiếu, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều cái tên khác nhau, tùy theo mỗi người chấm và tùy theo mỗi người đứng ở góc độ nào để chấm. Nếu là nhạc sĩ thì có thể có những cái tên như Hoài An, Võ Thiện Thanh, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… Nếu là ca sĩ thì có thể có những cái tên như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Lam Trường, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng… Nếu là diễn viên điện ảnh thì có thể là Lí Liên Kiệt, Lương Gia Huy, Củng Lợi, Chung Tử Di, Jan Do Gun, Kim Nam Ho… Nếu là những cầu thủ thì có thể có David Bechkam, Thierry Henri, Roger Federer, Michael Jordan … Nếu là những doanh nhân thành đạt thì có thể có Bill Gates, J.K. Rowling… Nếu là những người đấu tranh cho quyền con người thì có Mahatma Gandhi, Mẹ Teresa Calcutta, Abbé Pierre, Somaly Mam… Và còn nhiều cái tên khác nữa. Thậm chí biết đâu trong số lá phiếu ấy cũng có thể có lá phiếu dành cho cha Vũ Khởi Phụng, cha Nguyễn Chấn Hưng, cha Nguyễn Xuân Thủy, cha Mai Xuân Lâm, cha Lê Trọng Cung, cha Tạ Xuân Hòa đang có mặt tại đây, hay một cha, một thầy, một soeur hoặc một bạn nào đó…

Thế nhưng, tất cả những cái tên ấy chỉ thỏa mãn một vài sở thích hay một vài khát vọng của bạn: âm nhạc, điện ảnh, thể thao, kinh tế, xã hội, tôn giáo, học tập… Chẳng ai trong số đó và trong nhiều người khác nữa có thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho bạn, cả về thời gian lẫn về nội dung. Càng không có ai cho bạn hưởng một hạnh phúc vượt lên cả sự chết và sự dữ. Hôm nay Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta nhân vật ấy để chúng ta dồn phiếu chọn Ngài. Đó chính là Giê-su người Nadarét, nước Do-thái, đã sống cách đây hơn 2000 năm, đã làm và nói biết bao điều kì diệu, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và bây giờ đang hiện diện giữa chúng ta.

Một hình ảnh rất tuyệt vời có thể giúp ta hình dung về Đức Giê-su ấy: ĐứC GIÊ-SU CHÚA CHIÊN LÀNH, ĐứC GIÊ-SU NGƯờI MụC Tử TốT LÀNH. Người Chăn Chiên tốt lành không chỉ là người quan tâm đến sức khỏe của bầy chiên: tìm đồng cỏ màu mỡ và nguồn nước tinh khiết nhất cho chiên ăn uống, tìm nơi che nắng che sương và tránh mưa tránh lũ. Người Chăn Chiên tốt lành còn là người gần gũi chiên tới mức ăn ở chung với chiên, biết chiên tường tận tới tên của từng con một hay tới cái hay cái dở của mỗi con. Đáng kể nhất là Người Chăn Chiên tốt lành dám liều lĩnh vì đàn chiên: luôn luôn đi trước đàn chiên để hứng “hòn tên mũi đạn”, liều bỏ tất cả để đi tìm cho bằng được con chiên lạc, hy sinh tới cả thân mình để bảo vệ chiên trước bầy sói (Bài Tin Mừng)

Những hình ảnh vừa kể không phải chỉ là những hình ảnh bóng gió, mà sự thật còn đi xa hơn thế nữa. Như thánh Phê-rô cho biết: “Đức Giê-su đã chịu khổ vì chúng ta. Ngài không hề phạm tội; chẳng ai thấy Ngài nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Chúa Cha. Tỗi lỗi chúng ta, Ngài mang vào thân thể để đưa lên thập giá, và nhờ đó, một khi tội của chúng ta đã tiêu tan, chúng ta được sống đời công chính” (Bài đọc 2), Đức Giê-su làm tất cả những điều ấy, không chỉ để chúng ta có thêm cỏ tươi để ăn, nước mát để uống, thảo nguyên bát ngát để chạy nhảy, sạch bóng chó sói để an tâm nhởn nhơ… Ngài chịu chết và sống lại là để thổi Thần Khí của Ngài vào trong chúng ta, biến chúng ta thành con người mới và bắt đầu sống một cuộc đời mới. Đúng là sự CỨU ĐỘ của Thiên Chúa: chúng ta vừa được tha tội vừa được sung mãn mọi mặt; và không chỉ một nhóm người nào đó ngoan đạo được hưởng mà là tất cả mọi người, kể cả những người trước đây không lâu đã từng hô hào đòi giết Ngài (Bài đọc 1).

Đứng trước một Chúa Chiên Lành quá đẹp và quá tốt như thế, bạn sẽ làm gì nào ?

Có những người cảm kích trước tình thương của Chúa và nghe thấy trong lòng mình tiếng Ai đó mời gọi mình hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu ấy, không phải ở mức vừa vừa mà càng nhiều càng tốt, không phải cho riêng mình mà tìm cách lôi kéo nhiều người về với đàn chiên của Chúa để cũng được nếm trải tình thương của Chúa. Họ không coi việc làm này là chuyện gặp chăng hay chớ, “khi vui thì làm, khi buồn thì thôi”, mà coi đây là nghiệp là nghề của mình. Họ cam kết trước mặt Chúa và Giáo Hội sẽ làm chiên ngoan của Chúa và học tập làm người chăn chiên tốt lành của Chúa. Nếu có sống khó nghèo và giản dị, độc thân và khiết tịnh, vâng phục và khiêm tốn, huynh đệ và cộng đoàn, nếu có thinh lặng và nguyện cầu, phục vụ và làm việc… thì đó cũng là để làm chiên của Chúa và học tập làm người chăn chiên của Chúa, hoặc nói cho cùng, để lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúng ta gọi đó là những người đi tu, những người dâng mình cho Chúa.

Xem ra như thế đời tu rất phong phú và sinh động, chứ không cằn cỗi và tẻ nhạt như nhiều người lầm tưởng. Hai chữ TÌNH YÊU – dù là yêu Chúa hay yêu loài người – cũng đã làm cho tâm hồn bao nhiêu người rạo rực, trí óc bao nhiêu người bừng tỉnh, tay chân bao nhiêu người khua động… Chỉ có điều, như đức giáo hoàng Benedictô XVI nói trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (“Deus caritas est”), tình yêu ấy phải luôn được thanh lọc và nâng cao, đi từ tình yêu có phần nào vị kỉ và nặng tình cảm tiến tới tình yêu ngày càng vị tha và siêu nhiên, đi từ tình yêu hay đòi quà tặng đến tình yêu của trách nhiệm và hy sinh. Đồng thời nói tới quá trình thanh lọc và nâng cao tình yêu là nói tới một hành trình, kéo dài cả đời, trong đó có vui có buồn, có thăng có trầm, có thành công và thất bại, có điều đáng khen và điều đáng tiếc, có thánh thiện và tội lỗi… Chính vì thế, người đi tu không những phải nỗ lực thật nhiều, mà còn cần đến những nâng đỡ của người chung quanh, những lời cầu nguyện của người khác.

Có điều lạ là dù thế giới hôm nay có ghét những gì là thiêng liêng và có nghi ngờ những gì là vô vị lợi, có điều là lạ dù ở nhiều nơi trong Giáo Hội các ki-tô hữu ngày càng sa sút trong đức tin và ở một số nơi Giáo Hội nói chung và đời tu nói riêng đang bị bách hại, vẫn luôn luôn có người đi tu, vẫn luôn luôn có những ki-tô hữu muốn làm chiên ngoan của Chúa và tập làm chủ chăn của Chúa. Thậm chí Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn khơi dậy những sáng kiến bất ngờ, những hình thức mới mẻ cho đời tu hôm nay. Có người còn nói: chính vì thế giới lạnh lùng với những gì là thiêng liêng và siêu nhiên, chính vì Giáo Hội đang sa sút trong đức tin, chính vì Giáo Hội đang gặp khó khăn, mà vẫn còn người đi tu, luôn có người đi tu. Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã từng nói trong tông thư của ngài về “Đời Tu” (‘Vita consecrata”): đời tu là một khía cạnh thiết yếu của Giáo Hội, đến nỗi người ta thật khó hình dung Giáo Hội không có đời tu. Đời tu vừa là công cụ giúp Giáo Hội thể hiện tình thương của Thiên Chúa cho con người qua biết bao hoạt động của các tu sĩ, vừa là lời nhắc nhở Giáo Hội không quên ơn gọi hay sứ mạng trước hết của Giáo Hội chính là lấy tình thương đáp lại tình thương Thiên Chúa, chính là trở thành đàn chiên ngoan của Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, chăn dắt nhân loại.

Các bạn trẻ thân mến,

Nói tới đây, có thể nhiều bạn trẻ cho rằng đời tu thật là tuyệt vời, nhưng dành cho ai đó chứ không phải cho tôi. Tôi còn quá nhiều bận tâm để lo toan, nhiều giấc mơ phải hoàn thành. Vả lại, Chúa có đâu bắt buộc mọi người phải đi tu. Đó là chưa nói: ở đâu không rõ, chứ tại các giáo phận miền Bắc này số người đi tu vẫn còn đông lắm ! Hay phải nói thành thật và khiêm tốn, tôi vừa bất tài vô tướng vừa lắm điều xấu xa, có tham gia đời tu thì chỉ chuốc thất bại cho mình và làm hỏng người khác.

Phải, bạn có nhiều bận tâm để lo toan và nhiều giấc mơ phải hoàn thành. Thì cứ lo toan những bận tâm nào cần thiết và hãy hoàn thành những giấc mơ nào chính đáng đi. Nhưng xin đừng dập tắt lời mời gọi này, xin hãy nuôi dưỡng nó cho tới khi nào thấy phải trả lời dứt khoát, xin hãy thỉnh thoảng dừng lại suy nghĩ thêm về lời mời gọi ấy.

Phải, đời tu không phải là nếp sống bắt buộc đối với mọi ki-tô hữu. Nhưng bạn có nỡ lòng nào bịt tai không nghe lời mời gọi réo rắt của Chúa: “Con hãy theo Ta”. Bạn có đành lòng khi thấy tận mắt biết bao con chiên lạc bầy, biết bao con chiên ốm yếu tình thương, biết bao con chiên nhơ nhớp phẩm giá, biết bao con chiên thậm chí không biết có một Mục Tử hết sức yêu thương mình…

Phải, đời tu ở Việt Nam vẫn còn sung túc, “không có mợ thì chợ vẫn đông”. Nhưng bạn có biết đâu chỉ có 6% người Việt Nam là Công Giáo – chưa kể trong số đó có mấy phần trăm là Công Giáo chính hiệu ! Trong tổng số dân của các tỉnh thành tổng giáo phận Hà Nội có mặt là 6 triệu người chỉ có hơn 300.000 người Công Giáo, chỉ được 89 linh mục và hơn 300 tu sĩ phục vụ ! Bạn có biết đâu số người không tin và số người hưởng ứng nếp sống vô thần và duy vật đang tăng theo cấp số nhân, thậm chí cấp lũy thừa; đang khi đời tu đang tăng theo cấp số cộng, thậm chí tại các thành phố lớn số người đi tu đã đi xuống từ lâu và tại nông thôn số người đi tu đã chững lại. Đó là chưa kể những nhu cầu của con người và xã hội hôm nay cần sự phục vụ của Giáo Hội lại càng ngày càng phức tạp, càng ngày càng cấp thiết !

Phải, đời tu là một nếp sống lí tưởng. Nhưng có ai sinh ra là đã thành linh mục hay tu sĩ đâu. Đời tu là một hành trình dài cho phép chúng ta nhận ra và biết quẳng đi dần những gì làm cản trở bước đi, cho phép chúng ta nhận ra và tích lũy dần những công cụ cần thiết cho đời tu. Có mấy ai nghĩ Augustinô, Phanxicô Assisi, Inhaxiô Loiôla… sẽ hoán cải và đi tu, khi đã chìm ngập trong những triết lí sai lạc, những thú vui đáng trách và những tham vọng điên cuồng. Đó là mới chỉ kể ra vài người đi tu thời trước. Còn biết bao tâm hồn tận hiến cho Chúa ngày hôm nay cũng đã bắt đầu và tiếp tục hành trình tu trì của mình cách vất vả, có lúc phải “te tua, tơi tả” vì hành trình tu trì ấy. Thật ra, nguyên việc dám theo đuổi một giấc mơ thánh thiện và cao cả, lại sẵn sàng đầu tư công sức cho điều ấy, cũng đã là một điều hết sức đáng khen rồi với các bạn trẻ ngày hôm nay.

Để kết thúc, tôi xin mượn một hình ảnh rất quen thuộc với các bạn trẻ chúng ta: Banh đã được tung lên. Phần còn lại là của bạn – những người đang ở trên sân chơi của cuộc đời, sân chơi Nước Trời. Bạn hãy đá thế nào để banh vào lưới, để banh đến đích phải đến. A-men.