Manila (AsiaNews) - Do giá gạo tăng cao và một số quốc gia quyết định cắt giảm việc xuất khẩu gạo, chính phủ và Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân đã đưa ra chương trình hành động chung nhằm đương đầu với tình trạng thiếu gạo, loại lương thực thiết yếu ở đất nước này. Với sự trơ giúp của Giáo Hội, Bộ Nông nghiệp sẽ phân phối ít nhất 50.000 bao gạo cho người nghèo mỗi tuần trên nhiều giáo xứ của thủ đô Manila.

Hôm 07/04/2008, Arthur Yap, viên chức Bộ Nông nghiệp và Đức Cha Broderick Pabillo, Giám mục Phụ tá của Manila, đồng thời là Chủ tịch Văn phòng Quốc gia về hoạt động xã hội (NASSA) của Hội đồng Giám Mục Phi Luật Tân (CBCP) đã đồng ý thực hiện chương trình ở giáo phận trung tâm Manila và sau đó sẽ mở rộng ra toàn quốc. Chính phủ đã yêu cầu Giáo Hội giúp đỡ vì dường như một số bao gạo dự trù phát cho người nghèo đã “hô biến”. Vấn đề lớn đến nỗi làm cho Bộ này phải phân phối gạo trong những túi 1 kg thay vì bao 50 kg như thông thường nhằm kiểm soát việc phân phối tốt hơn.

Gạo sẽ được phân phối ít nhất ở 30 giáo xứ trên tổng số 80 giáo xứ của Tổng Giáo phận Manila. Ông Yap đã bảo đảm với NASSA sẽ cung cấp gạo đều đặn cho các văn phòng lương thực quốc gia tại các giáo xứ để bán với giá 18.25 pêsô/kg (khoảng 7.500 đồng VN). Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, giá gạo đã tăng đến 50 phần trăm và Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Ai Cập (vốn chiếm hơn một phần ba trữ lượng xuất khẩu gạo) đã cắt giảm sản lượng xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung nội địa và giá cả trong nước. Ngân hàng Thế Giới và Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng ít nhất sẽ có 33 quốc gia sẽ bị “phản kháng xã hội” do tăng giá lương thực và năng lượng. Nguy cơ đầu cơ tích trữ cũng là một vấn đề, nên hôm 26/03, ông Yap cho hay sẽ gia tăng trữ lượng nhập từ 1.9 triệu tấn năm 2007 lên 2.7 triệu tấn năm nay để tránh nguy cơ này. Chính phủ cũng sẽ phân phối gạo cho các sinh viên trường công và sẽ đẩy mạnh công nghệ trồng trọt tốt hơn cũng như sử dụng các kỹ thuật mới để khắc phục tình trạng thiếu gạo.

Các giám mục cũng đã phản ứng một cách tích cực. Đức Cha Luis Antonio G. Tagle, Giám mục của Imus cho hay rằng chính phủ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc cộng tác của người Công Giáo, và ngài sẽ bổ nhiệm ngay hai người phối hợp hoạt động với NASSA.

Nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo nhận xét rằng đất trồng trọt của đất nước này có tiềm năng cung cấp lương thực cho tất cả 91 triệu cư dân. Vì lý do này, ngài Rex Reyes, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia các Giáo Hội Phi Luật Tân nhận xét rằng “đừng chỉ trách mắng thiên nhiên vì cuộc khủng hoảng lúa gạo này”. Còn Đức Cha Paciano Aniceto, giám mục của Pampanga và là Chủ tịch ủy ban gia đình và sự sống của CBCP đã chỉ trích các nghị sĩ cho rằng cuộc khủng hoảng gạo hiện nay “do quá đông dân số”, trong khi đó vấn đề nằm ở chỗ “thiếu năng lực quản lý” trong một bộ phận chính phủ. Ngài giải thích: “Chính phủ nên ủng hộ nông dân. Nên giúp họ trong việc làm cho đất phì nhiêu, việc tưới tiêu và vận chuyển sản phẩm của họ, đồng thời phải giúp họ giải quyết những tranh chấp về đất trồng trọt như trường hợp các nông dân ở Sumilao”, nơi chính phủ lấy 144 hecta đất trồng trọt của nông dân để cấp cho Tập đoàn San Miguel thực hiện các dự án.