Một trong những đồng minh thân cận của Mỹ, thủ tướng Úc John Howard, đi đến Washington để bàn bạc thêm về vấn đề Iraq.

Vị thủ tướng nói ông tin thế giới đang tiến gần hơn đến chiến tranh mặc dù vào thứ sáu ông vấp phải sự phản đối kịch liệt của phe đối lập.

Chính phủ của thủ tướng John Howard hứa sẽ điều động 2000 quân và các thiết bị quân sự đến vùng Vịnh - đây là cuộc huy động quân sự lớn nhất của Úc kể từ chiến tranh Việt Nam.

Chiến tranh "cận kề"

Thủ tướng Howard đã bị thượng viện bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi ông trình bày với quốc hội đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải chấm dứt sự tàn bạo của Saddam Hussein. Thượng viện cũng đã chỉ trích chính sách của thủ tướng Howard đối với cuộc khủng hoảng Iraq.

Ông Howard sẽ cố gắng tranh thủ thêm sự ủng hộ cho một nghị quyết mới đối với Iraq của Liên Hiệp Quốc trong chuyến công du nước ngoài tuần này, thế nhưng ông tin rằng chiến tranh đang tiến gần hơn.

Ông nói: "Tôi nghĩ chúng ta đang đến gần màn kết thúc của một trò chơi. Tôi không hề có nghi ngờ về chuyện này".

Tranh cãi quyết liệt

Ông Howard sẽ gặp tổng thống Bush tại Washington vào thứ Hai. Ngoài nước Anh ra, Úc là nước duy nhất đóng góp vào lực lượng quân sự của Mỹ tại vùng Vịnh.

Phản đối chiến tranh bằng cách khỏa thân

Thế nhưng tại Úc thì cuộc tranh cãi về vai trò của Úc vẫn đang rất căng thẳng. Ông Mark Latham, một nghị sĩ thuộc đảng Lao động đối lập khá nổi tiếng, nói thế giới không nên tin vào tổng thống Mỹ.

Ông nói: "Chính ông Bush là vị tổng thống bất tài và nguy hiểm nhất trong suốc cuộc đời tôi".

Trong một bước ngoại giao bất ngờ, ông Tom Schieffer, đại sứ Mỹ tại Canberra, bày tỏ sự lo lắng tinh thần bài Mỹ tại Úc có thể làm rối rắm vấn đề về Iraq.

Ông cho rằng lời bình luận của Mark Latham "đầy tính xúc động và cá nhân".

Ông Schieffer nói: "Tôi nghĩ hiện có một vài lo lắng về ngôn từ sử dụng trong một vài ngày vừa qua. Sau khi đọc xong những từ ngữ này, chúng ta không thể không lo lắng về mối quan hệ giữa hai nước".

Kêu gọi đoàn kết

Phe đối lập thuộc đảng Lao động tại Úc nhất quyết cho rằng chính phủ sai lầm khi ủng hộ hành động quân sự của Mỹ khi không có sự đồng ý từ Liên Hiệp Quốc.

Kết quả không chính thức của các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người dân Úc cũng có ý kiến như vậy.

Ông Simon Crean, lãnh đạo đảng Lao động, nói việc giải giáp Iraq là trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc chứ không phải của Mỹ.

Ông nói: "Bất kỳ hành động đơn phương hay hành động quân sự nào không được Liên Hiệp Quốc thông qua sẽ không nhận được sự ủng hộ".

Thủ tướng John Howard sẽ gặp thủ tướng Anh Tony Blair tại Luân Đôn vào tuần tới. Sau đó ông sẽ đến Jakarta hội đàm với tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri về vấn đề Iraq.

Trước khi rời khỏi Úc, ông Howard kêu gọi cộng đồng quốc tế nên đoàn kết mạnh mẽ hơn trong việc giải giáp Iraq. (BBC)