Trong lúc đã có những tin về việc nhà nước có thể sẽ giữ lời hứa trao trả lại Tòa Khâm Sứ cho Giáo Hội Công Giáo, Lm cán bộ Trương Bá Cần vẫn tiếp tục nhất định giữ thái độ “bảo hoàng hơn vua”, đòi đặt lại toàn bộ vấn đề trong số báo 1646 ra ngày 29/2.

Lm Cần nhấn mạnh “Có lẽ đã đến lúc phải phân định rõ ràng quyền sở hữu nhà và sở hữu đất của Tòa Khâm sứ Hà Nội để nếu có phải trả, thì trả cái gì và trả cho ai”. Trong cụm từ “nếu có phải trả”, ông đã lộ rõ cái thế đứng của mình là một linh mục, một con cái trong Giáo Hội hay là một cán bộ (một loại cán bộ rất nguyên tắc và cứng nhắc) đứng về phía nhà nước miễn cưỡng trả lại một tài sản cho các công dân.

Về quyền sở hữu nhà, Lm Cần hạch hỏi và đòi buộc phải làm rõ là “Tòa giám mục Hà Nội đã cho Đức Khâm Sứ mượn ngôi nhà do Tòa giám mục xây để làm Tòa Khâm sứ hay Tòa Thánh đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi nhà Tòa Khâm sứ trên đất Tòa giám mục Hà Nội cho mượn”.

Lm Trương bá Cần đã nêu vấn đề trên sau khi “ỡm ờ” “nghe nói” rằng “Tòa Khâm sứ hiện có ở số 42 Nhà Chung có thể đã được xây dựng năm 1950-1951”. Thâm ý của Lm Cần là trong trường hợp Tòa Thánh đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi nhà Tòa Khâm sứ thì ngôi nhà đó được coi là của ngoại bang, thuộc diện nhà vắng chủ do nhà nước quản lý. Giáo Hội Công Giáo có tính chất hoàn vũ. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại các nước nghèo có thể đến từ Tòa Thánh, từ Giáo Hội Công Giáo tại các nước khác, hay từ các cơ quan bác ái Công Giáo như tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội đau khổ, Caritas,.. Nếu đặt vấn đề như Lm Trương Bá Cần thì khối nhà thờ, tu viện sẽ bị tịch thu vì kinh phí xây dựng không đến từ người dân trong nước.

Về quyền sở hữu đất, Lm Cần khăng khăng cho rằng “Riêng khu đất, trên đó hiện có Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ xưa kia là của Chùa Báo Thiên”. Cho nên, cho dù “Bằng khoán điền thổ là đất thuộc sở hữu của Tòa giám mục Hà Nội”, thì Lm Cần vẫn cho đó là chuyện bất công đối với Phật giáo để đi đến kết luận rằng “Phật giáo và Công giáo hiện đang sống bằng yên với nhau… liệu có nên vì mấy ngàn thước vuông đất mà làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp đã có được về nhau”. Như vậy, theo ông không có vấn đề trả lại gì cả, cứ để cho nhà nước quản lý là tốt nhất.

Trong những số báo gần đây, người ta thấy rõ hai thủ pháp Lm Trương Bá Cần thường làm. Thứ nhất, ông chỉ trích thuật những tác giả nào, những đoạn nào ủng hộ cho lý luận của mình. Chẳng hạn, trong số báo vừa rồi, để kích động Phật giáo đấu tranh đòi đất của Công giáo, ông chỉ nêu André Masson để khẳng định rằng “Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã cho phá bỏ Chùa Báo Thiên rồi làm thủ tục nhượng địa không bồi hoàn thửa đất tịch biên ấy cho Nhà Chung, để xây Nhà Thờ Lớn Hà Nội”.

Những tác giả và những bài báo nào chống lại lý luận của mình thì Cần không bao giờ nêu ra. Thẩm phán Lữ Giang đã ghi lại một vài tài liệu điển hình. Chẳng hạn, trong cuốn “Tự Điển Hà Nội Địa Danh” do Bùi Thiết biên soạn và do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 1993 với giấy phép mang số 503-CT/VHTT, đã nói về Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên như sau:

Chùa Báo Thiên: “Dựng vào năm 1056 trên đất phường Báo Thiên, tên chữ là Sùng Khánh Tự, có chuông chùa đúc cùng năm, hết 12.000 cân đồng. Ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu, đến cuối thế kỷ XVIII bị nạn kiêu binh đốt, phá hủy hoàn toàn.” (tr. 26).

Tháp Báo Thiên: “Tòa tháp dựng năm 1057 trước Chùa Báo Thiên, tên chữ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp. Tháp có 13 trượng (chừng 50m), gồm hai phần, dưới bằng đá, trên bằng đồng. Đỉnh tháp bị trận bảo năm 1258 làm đổ, và phần đồng bị sét đánh bạt năm 1332.

“Tháp Báo Thiên là một trong những vật báu của Đại Việt thời Lý – Trần. Năm 1427, khi bị vây hảm ở Đông Quan, giặc Minh đã tháo gỡ hết đồng ở tháp để đúc súng đạn. Năm 1547 tòa tháp bị dổ sập nốt phần đá. Cuối thế kỷ XVIII tháp bị phá hủy. Trên nền chùa – tháp họp chợ Báo Thiên.” (tr. 26).

Như vậy, cứ theo những tài liệu được Đảng và Nhà Nước cho phổ biến, Chúa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên đã bị phá hủy hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII và khu đất đó đã được dân chúng dùng làm nơi họp chợ.

Hơn thế nữa, trong cuốn “Souvenirs” (Hồi Ký) của Bonnal, Công Sứ Hà Nội lúc đó, có ghi lại rằng khi thấy ngôi Chùa Báo Thiên bỏ hoang, dân chúng trong vùng đã họp nhau lại bàn bạc và nhận thấy ngôi chùa đã bị bỏ hoang phế từ lâu không người quản lý và hiện thời đã biến thành phế tích, có thể đổ sập gây tai nạn cho người qua lại bất cứ lúc nào. nên đã đề nghị chính quyền rỡ bỏ và thu hồi đất đai vô chủ. Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ đã chấp thuận cho phá bỏ ngôi chùa.

Công Sứ Bonnal cho biết thêm: Cuối năm 1883, Giám mục Puginier có xin ông khu đất vô chủ đó để xây nhà thờ lớn Hà Nội, nhưng ông trả lời rằng vấn đề đó không thuộc thẩm quyền của ông vì Bắc Kỳ chỉ là xứ bảo hộ chứ không phải thuộc địa của Pháp. Ông yêu cầu Giám mục Puginier trình bày vấn đề này với quan Tổng Đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, một quan chức do Triều Đình Huế bổ nhiệm. Giám mục Puginier đã nêu lên ước muốn của ông với ông Tổng Đốc Độ. Ông Độ đã cho mở một cuộc điều tra tìm con cháu những người trước đây là sở hữu mảnh đất, nhưng mấy trăm năm đã trôi qua, hơn nữa chiến tranh loạn lạc, xã hội biến động, nên không tìm được ai là chủ miếng đất đó. Vì thế, ông đã quyết định cấp cho Giám mục Puginier xây cất nhà thờ.

Như thế, hẳn đã rõ là Tháp Báo Thiên không phải là nơi thờ Phật mà là nơi tế trời của vua như Nam Giao ở Huế, nên không liên hệ gì đến Phật Giáo. Khu đất có Chùa Bảo Thiên trước đây chỉ còn là một khoảng đất trống đang được dùng để họp chợ và được Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ cấp cho Giám mục Puginier, chứ không phải Tây đã cho đập phá Chùa Bảo Tháp rồi lấy đất cấp cho Công giáo như Lm Trương Bá Cần viết.

Một thủ pháp nữa của Lm Cần là xé to một sự kiện hầu xuyên tạc sự thật rồi cứ thế dùng làm nền tảng để nói tiếp. Vụ nhóm “Nous sommes l’Eglise” là một ví dụ. Theo điều tra của chúng tôi nhóm “Nous sommes l’Eglise” chẳng làm nên trò trống gì nhưng Cần xé to ra xem như đây đang là một chuyện gây nghiêng ngả Giáo Hội La Mã. Cần phịa ra rằng “Tại Áo, hơn 500.000 người (tức khoảng 15% dân số ) đã ký tên vào kiến nghị”. Và Lm Cần dùng "12 số báo Công Giáo và Dân Tộc liên tục để lên tiếng bênh vực cho nhóm này, dĩ nhiên với luận điệu công kích Giáo hội ra điều như trong Giáo hội không có dân chủ, không có tự do phát biểu, ra điều như Giáo hội bách hại một số người." (nhận định của Radio Veritas ngày 19/1/1996).

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23/2/2008, Thượng Tọa Thích Không Tánh thuộc GHPGVNTN không được nhà nước công nhận, đã nhận xét về văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu (thuộc Giáo Hội quốc doanh do nhà nước dựng lên) gởi cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng như sau:

“Cái vấn đề là mình phải biết rằng bây giờ là do ai thúc đẩy mà Hòa Thượng Trung Hậu đã làm cái văn thư đó, là do cái lệnh của ai, và người ta đã mượn tay Hòa Thượng Trung Hậu làm cái văn thư đó nhắm mục đích gì. Mình phải biết cái chuyện đó.

“Bây giờ biết cái tài sản đó là của Tòa Khâm Sứ từ thời xa xưa rồi. Cái chuyện đó ai cũng biết. Từ cái thời xa xưa đó, lúc đó Hòa Thượng Trung Hậu cũng chưa sinh ra, và cái GHVN cũng chưa có. Bây giờ người ta lại mượn tay Phật Giáo.

“Có những cái luật bất hồi tố. Thí dụ như có những tài sản, theo quốc tế người ta quy định, thí dụ như là những cái đất đai, những cái tài sản mà nó có từ Đệ Nhất hay Đệ Nghị Thế Chiến, thí dụ như vậy, hay là những cái thời điểm nào đó thì nó đã trở thành bất hồi tố. Cho nên bây giờ nó đã qua như vậy rồi.

“Bây giờ thì Nhà Nước Cộng Sản họ thấy họ khó đáp ứng theo cái đòi hỏi, cái đấu tranh, cái nguyện vọng của bên Công Giáo, thì họ mượn tay của Phật Giáo Việt Nam, rồi cuối cùng họ lấy cái cớ đó mà nói rằng tài sản này có tranh chấp nên chúng tôi không thể giải quyết hay là đình lại, hay là thế nọ thế kia gì đó. Như vậy, vai trò GHPGVN trở thành tay sai để gỡ cái rồi cho Nhà Nước, trước cái hoàn cảnh Nhà Nước không có cái cách để mà giải quyết.”

“Còn đối với GHVNTN là một giáo hội đang bị bức tử, đang bị đàn áp, đang là một nạn nhân. Còn cái việc của GHVN đã làm đó, mình chẳng có để ý gì cái việc đó.”


Phật giáo người ta khôn ngoan sáng suốt không dễ bị mắc mưu. Người ta thấy vấn đề rộng lớn hơn, người ta "chẳng có để ý gì cái việc đó". Nhưng Lm Cần vẫn cứ để ý, vẫn cứ thắc mắc và xúi người ta thắc mắc. Nhà nước để lộ thiện chí muốn trả, Lm Cần vẫn không đồng ý trả. Tại sao ông lại thù Giáo Hội Công Giáo đến thế?

Lm Cần thắc mắc: “Có người cho rằng chúng tôi đã ‘nhầm lẫn vấn đề từ căn bản’”. Lm Cần không lý giải được tại sao người ta phê phán Lm Cần như thế. Có lẽ ông già cả lẩm cẩm, hay là vì theo nhà nước lâu năm, nên không còn biết ngượng đến mức không còn nhận ra được mình là ai và đang làm gì? Và như vậy, đó là cái “nhầm lẫn vấn đề từ căn bản” của ông.