Sứ điệp mùa chay: Sám hối và công lý

Sự kiện Tòa Khâm Sứ đã trở lại «yên tĩnh, bình lặng» sau một thời gian «nóng bỏng». Những tin tức và hình ảnh về TKS trở nên thưa dần, «mát dần». Điều đó không có nghĩa là «chìm xuồng». Tiếng nói công lý vẫn luôn còn đó bao lâu bất công còn tồn tại ! Vả lại, hiện trường có thể «yên tĩnh», nhưng ở hậu trường, người ta vẫn tin rằng đang tiếp tục có những cuộc trao đổi, đối thoại giữa hai bên để đi đến giải pháp cuối cùng mà người dân hằng mong đợi.

Sự «yên tĩnh» của sự kiện như đưa mọi người trở lại với sứ điệp của mùa Chay: sám hối. Đó là một thái độ nhìn lại chính mình trước tôn nhan Thiên Chúa tối cao. Tôi đã đi đúng hướng hay đang đi trệch đường? Tình yêu thuở ban đầu của tôi đối với Thiên Chúa đang còn nồng ấm hay lạc lẽo, trên con đường ngay chính hay lạc lối?

Không sai, tâm tình sám hối luôn là thái độ căn bản của đời sống đức tin của người Kitô hữu trong mọi biến cố của cuộc đời. Đó là một thái độ giúp người Kitô hữu ý thức được, nhờ ơn Chúa, họ đang ở đâu trên con đường sống đức tin, phục vụ Tin Mừng. Thiếu thái độ sám hối- nhìn lại chính mình- này, người Kitô hữu sẽ dễ bị đưa đẩy theo những xu thời của thời cuộc làm phai nhạt đi hương vị, sức sống của Tin Mừng.

Cũng thế, sự yên lặng của sự kiện Tòa Khâm Sứ giúp cho những ai quan tâm đến sự kiện có được một «khoảng cách» cần thiết để nhìn lại cuộc đấu tranh cho công lý này. Cần phải nhấn mạnh đến hai chữ CÔNG LÝ này thật to, thật đậm, để có thể hiểu được những gì đang xảy ra tại Địa Phận Hà Nội. Đấu tranh đòi lại khu đất hay Tòa Khâm Sứ chỉ vì khu đất hay Tòa Khâm Sứ thì đúng là một nguy cơ lệnh đường, vì người Kitô hữu có nguy cơ bám lấy những cái chóng qua, nguy cơ hoài cổ gắn liền với đầu óc thống trị, khải hoàn chiến thắng, nguy cơ tham sân si… Nếu vì những động cơ này, thì thất bại là có rồi, và nếu có thành công, thì thành công chỉ là nhỏ bé nhất thời ! Hành động với những động cơ này sẽ dễ dàng đưa đến một đầu óc đắc thắng lệch lạc, nếu thành công, và sự thất bại ê chề sầu não, nếu không đạt được mục tiêu. Cán cân chênh lệch giữa đấu tranh ý thức hệ chính trị và đấu tranh vì nhân quyền, công lý đích thực, tức là vì phẩm giá của con người, là rất mong manh. Thái độ «sám hối» là cần thiết để nhận ra được sự mong manh đó, để điều chỉnh hướng đi luôn ở trong quỹ đạo của nhân quyền, công lý vì phẩm giá con người. Hẳn có người hoài nghi cho rằng hai chữ công lý chỉ là chiếc vỏ bọc cho một sự ích kỷ hay tham sân si nào đó mà thôi. Người ta có quyền để chất vấn như vậy, thế nhưng người ta không được quên sự kiện rằng sự kiện Tòa Khấm Sứ thẻ hiện một «tiếng kêu thấu trời», một khao khát công lý cần được thực hiện. Một khi đấu tranh vì công lý đích thực, thì «thắng không kêu, bại không ca» là thái độ đích thực của người khao khát chân lý. Không ca thán vì họ biết rằng rồi công lý cũng sẽ đến một ngày; không kêu ngạo đắc thắng vì họ biết rằng công lý là thuộc về con người, nhân loại, chứ không thuộc về kẻ chiến thắng.

Một số Kitô hữu Hàn Quốc, khi quan sát sự kiện Tòa Khâm Sứ này, đã biểu lộ vừa vui mừng vừa lo lắng. Bởi vì họ đã có kinh nghiệm ngay trong Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc của họ. Vui mừng vì thấy Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dấn thân cho công lý, nhưng cung lo lắng về một sự trệch đường nào đó về lâu về dài. Nhớ ngày xưa, khi Giáo Hội Hàn Quốc sống dưới chế độ độc tài, các vị lãnh đạo Công Giáo Hàn Quốc cũng đã thắp nến cầu nguyện cho công lý, thu hút đông đảo dân chúng ngoài Công Giáo tham gia, và Giáo Hội Hàn Quốc đã thành công. Sự độc tài biến mất, nhường chỗ cho công lý, nhân quyền, dân chủ. Giáo Hội Hàn Quốc đã được đánh giá rất cao và yêu mến vào thời bấy giờ. Thế nhưng, đi kém với sự thành công không sám hối này, Giáo Hội Hàn Quốc dần dần bị tai tiếng: sống giàu sang; của cải vật chất, xa dần với người nghèo, tiếng nói bênh vực công lý bị phai mờ …,và hệ quả là người dân Hàn Quốc xa rời Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc. Đó là một bài học đau đơn cho Giáo Hội Hàn Quốc, đẻ rồi giờ đây, họ đã trở lại với thái độ sám hối, cốt lõi của Tin Mừng, phục vụ con người trong sự khiêm tốn, khó nghèo.

Đó cũng là một kinh nghiệm học hỏi quý báu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Giáo Hội CôngGiáo Việt Nam đã có kinh nghiệm về bài học này rồi, bây giờ trong sự kiện Tòa Khâm Sứ, bài học này lại đến để giúp nguời Kitô hữu luôn biết đâu là sự hiện hữu đích thực của họ giữa trần gian. Dĩ nhiên, sám hối không có nghĩa là an phận, cầu toàn, càu hòa, nhắm mắt làm ngơ trước những đòi hỏi của công lý và việc bảo vệ nhân phẩm. Sám hối dĩ nhiên là đặt mình trước tôn nhan Thiên Chúa với tất cả con người ngheo hèn tội lỗi của mình để xin Ngài tha thứ. Tuy nhiên, ngay cả trứoc tôn nhan Thiên Chúa, sám hối một mặt cầu xin ơn công chính hóa, nhưng mặt khác cũng mời gọi về với Đấng là Công Lý. Sám hối như thế là một cuộc đấu tranh không ngừng để đáp lại hồng ân tha thứ của Thiên Chúa, một nỗ lực về phía con người. Sám hối như thế đã chứa đựng ý nghĩa của «đấu tranh vì công lý», của tôi và của anh chị em tôi trước tôn nhan Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Đấng Công Lý. Văn hào Tolstoi đã có lần nhận định về lời dạy của Chúa Giêsu «nếu ai tát má bên phải của con, thì hay đưa má trái…», đại ý ông nói: Chúa dạy tôi bất bạo động, nhưng ngài không bảo tôi im lặng trước những bất công được gây ra cho người anh em của tôi. Chiều kích đối với Thiên Chúa và đối với con người do đó không hề loại trừ nhau trong sứ điệp sám hối đích thực của Mùa Chay. Chính vì thế trong suốt mùa Chay, bên cạnh sứ điệp sám hối ăn chay hãm mình, luôn vang lên một sứ điệp mạnh mẽ khác: sứ điệp công lý. Sứ điệp này được ngôn sứ Isaia (58,6-7) mô tả như sau:

«Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?
Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?»

Như vậy sứ điệp cốt lõi của mùa Chay là một sứ điệp «sống» chứ không phải là một sứ điệp «chết», một sứ điệp «mở», chứ không phải là một sứ điệp «đóng», một sứ điệp khích lệ» chứ không «gây nản chí», « an đảm» chứ không «sợ sệt», «dấn thân» chứ không «cầu toàn», «phục sinh» chứ không «tiêu tan». Đó thực sự là sứ điệp quan trọng, đích thực, không bi quan và cũng không lạc quan ngây ngô, của mùa chay. Sứ điệp «sám hối và công lý» trong Mùa Chay này hướng đến sư điệp và niềm hy vọng phục sinh, mang chiều kích phục sinh, nơi mà Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ và công lý được thực hiện. Không có và không nói về chiều kích phục sinh của sự sám hối thì người Kitô hữu đang «tôn thờ» sự đau khổ, đang mặc cảm với tội lỗi, thấp kém…, và những kẻ hâu duệ của Nietzsche và như Nietzsche, sẽ còn tiếp tục gọi Kitô giáo là một tôn giáo chết, một tôn giáo yếu nhược. Đang khi sống mùa Chay, sống thân phận của kẻ lữ hành, người Kitô hữu được mời gọi sống trọn vẹn sứ điệp của mùa Chay này với tâm hồn ngay thẳng, thanh thản và không nao núng. Công lý không tự nó đến nhưng cần được bênh vực. Và ai cần phải bênh vực công lý? Câu trả lời thuộc về mỗi người trước nhan Thiên Chúa trong tinh thần sám hối.